
Tuyển tập viết văn năm 2023
Tuyển tập viết văn năm 2023 là tập tản văn được chắt lọc từ những bài viết đăng tải trên Instagram cá nhân của nhavantuonglai trong suốt năm vừa qua.
82 phút đọc · lượt xem.
Tuyển tập viết văn năm 2023 là một tập hợp những tản văn đầy cảm xúc, được chắt lọc từ những bài viết đăng tải trên Instagram cá nhân của nhavantuonglai trong suốt một năm qua.
Mỗi bài viết trong tuyển tập viết văn này là một lát cắt tinh tế của cuộc sống, mang đến góc nhìn mới mẻ, sâu sắc và đôi khi đầy bất ngờ về những điều tưởng chừng rất đỗi quen thuộc. Đây không chỉ là một dự án cá nhân mà còn là bước đệm quan trọng trước khi nhavantuonglai chính thức đưa những tác phẩm này đến với độc giả qua một ấn phẩm hoàn chỉnh trong tương lai.
Đọc trọn các bài tinh tuyển tập viết văn năm 2023
Hy vọng rằng từng con chữ trong tuyển tập này sẽ chạm đến trái tim bạn, khơi gợi cảm xúc, và rất mong nhận được những lời góp ý chân thành từ những tâm hồn yêu văn chương.
Bài viết ngày 31 tháng 12 năm 2023
thời điểm này của 3 năm trước, ông nội mất, thư viện lão làng cuối cùng giờ cũng đã lụi tàn. khi về Huế chịu tang, báo tin với bạn bè và một số khác để ý khi mình thay avatar đen rồi xóa, mọi người hỏi thăm và chia buồn, gửi xuyên qua cả đêm năm mới vì sợ mình tủi do thấy cảnh mọi người vui vẻ ngoài kia trong lúc đang đón nhận một nỗi buồn lớn.
trở lại Sài Gòn được ít lâu mà vẫn thấy avatar trống rỗng, bạn nhắn tin hỏi nguyên do, mình bảo là hiện vẫn chưa có tâm trạng chọn ảnh khác thay vào. nghe vậy, bạn nhắn đại ý, thực sự không quen nhìn thấy mình buồn lâu đến vậy; một khía cạnh nào đó, điều ấy ảnh hưởng đến bạn. không xem là suy nghĩ ác ý hay vô tâm, thỉnh thoảng mình vẫn nghĩ về điều bạn nói, nghĩ xem liệu nỗi buồn có phải là trải nghiệm nên bày tỏ công khai hay không?
suy nghĩ ấy đến từ chuyện, trước đây mình tin bản thân giỏi thấu hiểu nỗi buồn của người khác, thể hiện qua việc giúp được nhiều người biết phải đối mặt với vấn đề tinh thần của họ như thế nào. nhưng khi thật sự chìm nghỉm và loay hoay xử lý điều ấy, mình nhận ra – cái giỏi ấy chỉ là giỏi lý thuyết, còn cảm giác thật sự thì trước giờ suông mà thành. điều đó khiến mình sợ hãi, thiếu an toàn, và suy nghĩ tiêu cực nhiều đến kỳ lạ. dù vậy, lúc kể ra những điều ấy, bạn bè lại ngạc nhiên – cuộc sống của mày vẫn đang rất trong lành và tận hưởng mà nhỉ?
từ chuyện trên rồi cuối năm nhìn lại, mình phát hiện ra bản thân không giỏi bày tỏ vấn đề đang gặp phải, và lúc tăm tối tệ hại nhất thì vẫn trưng ra được khuôn mặt bình thản đón nhận; đúng hơn đó là điều chưa bao giờ mình hướng đến. thái độ sống vậy bởi mình tin giúp kiểm soát vấn đề được tốt hơn; nhưng giờ mới biết cũng sẽ khó để người khác thấu hiểu, giúp đỡ vượt qua chúng.
bởi vậy, sang năm mới và điều mình muốn thay đổi ở bản thân chính là biết thể hiện cảm xúc thật, không còn khỏa lấp bằng những niềm vui đơn thuần khác. có vậy thì việc sống lành mạnh tích cực hướng đến mới thật bền vững, đi đúng bản chất của chúng.
và cuối cùng, mình mong mọi người có thể tự đối xử với bản thân cũng như vậy, có thể đối mặt với cảm xúc tiêu cực chứ không chạy trốn trong những thú vui nửa vời hay trống rỗng, để có thể trọn vẹn chính mình trong mọi hoàn cảnh.
Bài viết ngày 31 tháng 03 năm 2023
dạo gần đây, cứ mỗi lần căn nét và chuẩn bị bấm chụp một tấm hình, nhất những khi chụp cho bạn bè, mình lại nhớ về đoạn đã đọc trong cuốn Đi gặp mùa xuân (2022), đấy là cuốn kể về hành trạng của sư thầy Thích Nhất Hạnh, từ lúc đến tới khi rời đi. thì cứ mỗi lần ai đó nhờ chụp, hoặc phải đứng ra chụp cho cả đoàn, sư thầy vờ như bấm máy, xong bảo chụp rồi đó; nghe vậy mọi người giãn cơ mặt, thở nhẹ vì không phải gồng lên giữ nét tươi cười nữa; đúng khoảnh khắc ấy, thầy mới thật sự bấm máy, và có được tấm hình lúc mọi người tự nhiên, dễ chịu nhất.
đọc ngang đoạn ấy khiến mình nghĩ, thì ra trước giờ mình chụp ảnh cũng áp lực lắm chứ có đùa, đâu chỉ riêng mình mà cả người đối diện họ cũng phải áp lực theo nữa. với mình thì, phải căn nét rồi đo sáng cho chuẩn, xong nín thở chờ khoảnh khắc thật ưng ý để bấm máy; với người đối diện thì, phải luôn giữ nét mặt như họ muốn và mình cần, từ lúc bắt đầu nhìn vào ống nhìn đến khi mình báo chụp thành công. có lẽ vậy, mà cứ mỗi lần chụp xong thì tụi mình đều thở như chưa bao giờ được thở hơn thế; và thật sự thì – đôi khi trải nghiệm ấy khiến chuyến đi của tụi mình chẳng vui hơn tẹo nào.
nhưng vì muốn mỗi lần chụp ảnh là một lần vui, nên đọc xong đoạn ấy rồi những lần tiếp theo chụp cho người khác, mình chỉ áp lực cho riêng mình, sao để bức hình đạt chuẩn và trọn vẹn nhất với mỗi lần bấm máy; còn khoảnh khắc có được thì lại học theo sư thầy, cứ vờ như đã chụp rồi bảo đã chụp xong, đợi người đối diện trong khoảnh khắc không phải gồng lên nữa thì mới thật sự bấm máy. dù đôi khi, bạn mình vẫn phải gồng, vẫn phải tươi cười như cách bạn muốn thể hiện; nhưng áp lực mỗi lần vậy lại vơi đi ít nhiều, để đến cuối khi xem lại những tấm hình thì sự thoải mái của bạn lại tăng lên đáng kể.
Bài viết ngày 28 tháng 09 năm 2023
có một dịp, đang đà thả dốc xuống núi thì bên tầm mắt nổi bật bông hoa đỏ đẹp kỳ lạ. mình bèn quay xe, lấy kéo cắt đem về ép tiêu bản cùng mớ hoa cỏ thu hoạch cùng chuyến. mãi sau này, tình cờ đọc báo mới phát hiện bông hoa đỏ ấy là ly lửa – một loài hoa kịch độc nếu lỡ dính phải mủ nhựa. dù thế, đó không phải lần duy nhất, bởi trước đó cũng đôi ba lần mình thấy hoa rừng đẹp nên hái, xong về mới biết đó là hoa độc; và chắc cũng nhiều hơn đôi lần như vậy, lỡ hái hoa độc đem về mà không biết đấy là hoa độc.
một dịp khác, bạn crush cũ ghé Huế, mình tranh thủ mấy ngày phép mà dẫn bạn đi chơi quanh. đi ngang chùa Từ Hiếu rồi dạo trong rừng thông gần đó thì tụi mình thấy bụi mâm xôi dại, mình tiếc rồi bảo những bụi này chưa có quả, chứ có thì cũng đáng thử lắm. hình như trời nghe vậy nên không phụ lòng, hôm sau lên Bạch Mã, đi bộ giữa chừng là gặp nguyên vách rừng đầy bụi mâm xôi dại đang vào mùa đỏ rực những chấm li ti. mình kéo tay rồi chỉ bạn, cùng hái rồi chia nhau ăn dọc đường.
sau dịp đó, tụi mình không đi đến đâu, mọi điều xảy ra dịp ấy dần trôi vào quên lãng, chỉ có lúc hè về là mình vẫn giữ thói quen là nếu lên rừng sẽ tìm những bụi mâm xôi dại, xem chúng đã chín đỏ trên cành hay chưa. mà có thể, chuyện bạn crush kia và những quả mâm xôi đơn thuần chỉ là kỷ niệm, chứ thói quen tìm vậy tự bản thân đã có từ lâu, chẳng đợi bạn để bắt đầu.
những dịp khác, lúc băng lối đường mòn trong rừng, hoặc khi đến nơi nhiều cỏ cây lạ, bạn đồng hành nếu hỏi tên mà không rõ trước mặt là cây gì, thì mình luôn trả lời ấy là cây Khiết Bông. không ít lần trả lời thế, mình nghe tiếng trầm trồ cây đẹp mà lá cây độc đáo ghê; cũng không ít lần vậy, mình bị đòi đánh vì câu tiếp theo là bảo bạn thử đọc ngược để biết ý nghĩa loài cây. nhưng ai đòi đánh lần đầu, thì lần sau lại trả lời vậy với mình khi tự hỏi (rồi tự xem đó là màn đáp trả đầy thuyết phục), hoặc khi rơi vào tình huống bị hỏi tương tự.
cơ mà, những chuyện trên không hề liên quan đến nhau, cả những chi tiết xảy ra lẫn con người được nhắc đến, chúng thường tồn tại độc lập và riêng lẻ, với một đời sống riêng. nhưng đôi khi, từng chuyện như vậy sẽ lặp lại, trong hành trình ai đó đồng hành cùng mình lên rừng mỗi độ hè đến.
Bài viết ngày 28 tháng 04 năm 2023
khi một người mất đi, cả một thế giới biến mất. một khía cạnh khác của câu chuyện này mà mình chưa đề cập trong bài trước, là nếu một thế giới quá sâu và tăm tối, khi bước vào cũng chưa chắc sẽ nhìn thấy, hiểu được mọi điều ở trong đó. chúng như mặt nước lặng yên không gợn sóng, ném viên đá xuống thì chẳng có gì xảy ra cả, phải rũ bỏ mình và bước xuống thì may ra, mới biết được điều gì đang khuấy động ở dưới đó.
mùa đông tầm 5 năm trước, tan làm xong mình bắt vội chuyến xe cuối để về Huế gặp bạn, ngồi trong quán cafe vốn rất thân quen với cả hai đứa, nhưng chẳng ai mở miệng được câu nào. trước đó vài tuần, bạn mở lòng chia sẻ với mình nhiều chuyện, đó là những điều vô cùng rối rắm và bất ổn không biết bày tỏ với ai. việc mình quay trở lại Huế dịp ấy, là để gần bạn, và nghe mọi điều được dễ dàng hơn.
sau cùng thì, bạn bắt đầu trước, thoải mái kể không biết bao nhiêu thì lại hỏi, liệu nghe hết vậy có hiểu được không, anh có bị chi phối mà cảm thấy tiêu cực không? mình trả lời rằng, nghe thì hiểu nhưng không biết cái hiểu ấy có đúng như những gì đang xảy ra với em không; còn tiêu cực thì không lo lắm, anh biết cách để đi xuống hố sâu cảm xúc của người khác và quay trở lại mà không ảnh hưởng gì.
nhưng khi nói hiểu, thực ra là mình không hiểu. bởi trong thế giới của bạn, các tiêu chuẩn vận hành theo cách riêng, và khi vấn đề xảy ra thì chúng cũng được phản ứng theo một cách riêng khác. khi nói hiểu, thực ra chỉ là mình biết trong thế giới ấy, bạn đang cố gắng để đưa mọi thứ vận hành đúng như bạn muốn.
dù thế, không phải ai, lúc nào thì mọi chuyện cũng diễn ra được như vậy. mình từng video call với một người mà phần lớn thời gian là nhìn họ khóc, đến phút cuối em bảo ổn rồi thế là tắt call. mình biết em không ổn, nhưng chính em cũng không biết chuyện gì đang xảy ra, giữa ổn và không ổn khác nhau như thế nào cũng không rạch ròi được.
vốn dĩ, sự tồn tại của mình trong 5 năm trước hay ở hiện tại đều không gắn liền vai trò với chiếc phao cứu sinh, bởi mình chẳng làm được gì cả. mình chỉ là người xuất hiện ở đó, phát ra tín hiệu để các bạn mình không chơi vơi trong cô độc, và biết giữa thế giới thực ngoài kia và thế giới bên trong có sợi dây kết nối do mình tạo nên.
Bài viết ngày 27 tháng 08 năm 2023
có người bạn lâu ngày gặp, nay chuyển đến Đà Nẵng, mình gặp rồi gợi ý vài chỗ ăn ngon, vài chỗ chơi thú vị và cũng vài quán cafe yên tĩnh hợp gu. khi nói về những quán cafe, mình dành nhiều thời gian để nhắc về quán cafe bên Hoàng Diệu mà chỉ mở ban sáng; vì lúc trước có thời gian quá mông lung và hay mất ngủ, mình mong trời sáng thật nhanh để tạt ngang, ngồi ăn bánh mỳ uống ly nước nhìn ra đường xong đi làm.
nhắc vậy xong tự nhiên nhớ là lâu lắm rồi chưa ghé lại quán. có lẽ bởi mình không còn mông lung làm mất ngủ dài ngày như trước, hay đơn giản là không còn đi làm ngang tuyến đường đó nữa, sáng vội vàng muốn ghé thì cũng bất tiện vô cùng.
nhớ vậy rồi một hôm cuối tuần nọ, mình ra biển sớm xong tạt ngang quán. chạy ngang rồi mình chạy thẳng như chưa tìm đúng địa chỉ bởi quán đã đóng kín cổng, còn bên trong thấy thoáng nhịp sống như một gia đình bình thường đang sống. thêm vài lần như thế, mình nhận ra quán không đóng tạm vài hôm như thuở còn hay ghé, lên mạng tìm tin thì hay quán đã đóng cửa trong im lặng từ lúc nào; mọi người bảo, có khi cô chủ quán già rồi, hoặc không hứng thú nữa, lại không ai trông coi nên cô chọn nghỉ ngơi với tuổi già.
trước khi kể tiếp chuyện này, mình rẽ ngang kể chuyện khác, là lúc trước mình có anh bạn khi tìm được mối cafe ngon ở Đắk Lắk thì đã mở quán để chia sẻ hương vị. anh bảo rằng, quán cafe khi mở ngoài chuyện kinh doanh đơn thuần, thì còn là dịp để người ta bày tỏ câu chuyện mà họ muốn kể; và khi quán phải đóng cửa, cũng là lúc câu chuyện ấy giờ chẳng còn hứng thú để họ tiếp tục theo đuổi. khi nghe vậy, mình mơ hồ cảm nhận cách anh theo đuổi những niềm đam mê khi kinh doanh một thứ gì đó, chỉ tiếc rằng mình chưa đủ trải nghiệm để hiểu hết ngọn ngành mà anh bày ra.
dẫu vậy, quay lại với chuyện đầu bài, khi nhìn vào quán và xuyên cả quá trình hoạt động, gồm những tháng ngày người ta hay nhắc đến và cả những khoảnh khắc mình hiện diện ở đấy; mình từ từ từng chút mà cảm nhận được tinh thần, câu chuyện mà cô chủ quán muốn kể từ đời trước để lại. và khi cô không thể kể tiếp được nữa, một nỗi buồn tha thiết nhưng mơ hồ, không diễn tả hết thành lời và chẳng biết bày tỏ cùng ai trỗi dậy, cồn cào rồi lặng im từ lúc nào không hay.
Bài viết ngày 26 tháng 08 năm 2023
có người bạn lâu ngày gặp, nay chuyển đến Đà Nẵng, mình gặp rồi gợi ý vài chỗ ăn ngon, vài chỗ chơi thú vị và cũng vài quán cafe yên tĩnh hợp gu. khi nói về những quán cafe, mình dành nhiều thời gian để nhắc về quán cafe bên Hoàng Diệu mà chỉ mở ban sáng; vì lúc trước có thời gian quá mông lung và hay mất ngủ, mình mong trời sáng thật nhanh để tạt ngang, ngồi ăn bánh mỳ uống ly nước nhìn ra đường xong đi làm.
nhắc vậy xong tự nhiên nhớ là lâu lắm rồi chưa ghé lại quán. có lẽ bởi mình không còn mông lung làm mất ngủ dài ngày như trước, hay đơn giản là không còn đi làm ngang tuyến đường đó nữa, sáng vội vàng muốn ghé thì cũng bất tiện vô cùng.
nhớ vậy rồi một hôm cuối tuần nọ, mình ra biển sớm xong tạt ngang quán. chạy ngang rồi mình chạy thẳng như chưa tìm đúng địa chỉ bởi quán đã đóng kín cổng, còn bên trong thấy thoáng nhịp sống như một gia đình bình thường đang sống. thêm vài lần như thế, mình nhận ra quán không đóng tạm vài hôm như thuở còn hay ghé, lên mạng tìm tin thì hay quán đã đóng cửa trong im lặng từ lúc nào; mọi người bảo, có khi cô chủ quán già rồi, hoặc không hứng thú nữa, lại không ai trông coi nên cô chọn nghỉ ngơi với tuổi già.
trước khi kể tiếp chuyện này, mình rẽ ngang kể chuyện khác, là lúc trước mình có anh bạn khi tìm được mối cafe ngon ở Đắk Lắk thì đã mở quán để chia sẻ hương vị. anh bảo rằng, quán cafe khi mở ngoài chuyện kinh doanh đơn thuần, thì còn là dịp để người ta bày tỏ câu chuyện mà họ muốn kể; và khi quán phải đóng cửa, cũng là lúc câu chuyện ấy giờ chẳng còn hứng thú để họ tiếp tục theo đuổi. khi nghe vậy, mình mơ hồ cảm nhận cách anh theo đuổi những niềm đam mê khi kinh doanh một thứ gì đó, chỉ tiếc rằng mình chưa đủ trải nghiệm để hiểu hết ngọn ngành mà anh bày ra.
dẫu vậy, quay lại với chuyện đầu bài, khi nhìn vào quán và xuyên cả quá trình hoạt động, gồm những tháng ngày người ta hay nhắc đến và cả những khoảnh khắc mình hiện diện ở đấy; mình từ từ từng chút mà cảm nhận được tinh thần, câu chuyện mà cô chủ quán muốn kể từ đời trước để lại. và khi cô không thể kể tiếp được nữa, một nỗi buồn tha thiết nhưng mơ hồ, không diễn tả hết thành lời và chẳng biết bày tỏ cùng ai trỗi dậy, cồn cào rồi lặng im từ lúc nào không hay.
Bài viết ngày 26 tháng 07 năm 2023
chị đồng nghiệp cũ người Hà Nội trước làm cùng ở Đà Nẵng nay có công chuyện mà trở lại, được dịp nên hẹn cùng để tâm tình. mình hỏi nay ở mấy hôm chị đi được thêm đâu chưa? chị bảo không hứng thú lắm, chủ yếu gặp vài bạn cũ (như lúc này), đi ăn vài món chị thích, đây như ngôi nhà thứ 2 nên làm có làm gì thì cũng thong thả như đang ở nhà vậy.
nghe vậy mình gật gù bảo, à thế cũng giống lúc em về Huế mà không về quê, cũng gặp gỡ bạn bè cũng đi ăn đồ ngon của Huế, mọi thứ từ tốn thong thả chứ chẳng có gì vội vàng hay muốn khám phá thêm.
xong mình nghĩ về Hà Nội của chị, về khoảng ký ức của mình khi được sống ở đó thời còn sinh viên. mình kể với chị rằng, Hà Nội với em không hẳn là ngôi nhà thứ 2, mà như trạm dừng chân tuổi trẻ, và những điều tốt đẹp nhất của thời điểm ấy là em luôn nhận ở đó. không như những lời thành kiến, ngại va chạm với người Hà Nội của bạn bè xung quanh, thì em luôn được đón tiếp nồng hậu, đối xử tử tế và cưu mang chân thành vô bờ bến những lúc ghé ngang Hà Nội.
nhưng mà, mình nói tiếp, Hà Nội bây giờ với em là một thành phố trống rỗng, bởi những người em từng chơi từng quý ở đó thì giờ họ đã đi mất, đi sang thành phố khác; còn những người ở lại thì chẳng còn hợp để tâm tình như lúc trước. chung quy thì, nếu có trở lại Hà Nội em cũng chẳng biết gặp ai, làm gì và làm sao để bắt gặp sự tử tế trước đó đã từng bắt gặp.
yên lặng nghe rồi chị bảo, từng trải qua vậy nên thay vì chọn yêu những điều luôn thay đổi thì chị chọn yêu những điều bất biến của một thành phố. những điều luôn thay đổi ở đây chính là con người; nên khi chọn yêu thành phố là yêu người, họ thay đổi hay rời đi thì thành phố trở nên trống rỗng là điều đương nhiên. thay vào đó, hãy nghĩ về những khung cảnh em muốn quay lại, những hương vị muốn thêm lần thưởng thức, và cả những trải nghiệm từng rất tuyệt vời trước đó nữa… và yêu chúng, bởi tất cả đều bất biến, luôn ở đó, là linh hồn thật sự của một thành phố.
nói xong chị hỏi, thế nhắc về Hà Nội, ngoài những người bạn ở đó em còn gì để nhớ? mình thoạt im lặng rồi bảo, hỏi bất ngờ quá em chẳng biết ngoài điều ấy ra thì còn lại gì để nhớ. mà nói vậy thôi, chứ mình làm gì còn điều gì để nhớ về Hà Nội ngoài những người bạn ở đó đâu.
Bài viết ngày 26 tháng 05 năm 2023
lúc ban đầu, mình có quá nhiều thứ để viết, nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu. còn trong hiện tại, mình biết nên viết như thế nào, triển khai ý ra sao mà nhiều lúc lại chẳng có gì để viết. dù có thể bạn không theo nghề viết, nhưng nếu làm công việc liên quan đến sáng tạo, hẳn điều này nghe rất quen thuộc.
thách thức lớn nhất của người làm công việc sáng tạo là được công chúng chấp nhận thành quả, nhưng trước đó họ phải vượt qua rào cản lớn hơn – làm thế nào để không khiến bản thân tạo ra những sản phẩm trong lối mòn, thân thuộc đầy nhàm chán. với từng ngành nghề sẽ có từng cách giải quyết, riêng bài này mình chia sẻ đôi điều về nghề viết, cho những ai đang gặp thì có thêm gợi ý mà khắc phục.
cảm giác chẳng còn gì để viết thường đến từ 2 nguyên nhân. đầu tiên là sự thiếu trải nghiệm, thiếu chiêm nghiệm với thực tế; tức là không đủ vốn hiểu biết, cảm nhận sâu sắc về vấn đề mà mình đang trình bày; nên nếu viết thì hàm ý sẽ rất sáo rỗng, thiếu thực tế. thứ hai là năng lực giới hạn, dù có trải nghiệm thì cũng không thể chuyển chúng thành câu chữ phù hợp; điều này đến từ cảm giác hài lòng nên không trao dồi kỹ năng viết, tư duy phản biện và cảm thụ nghệ thuật.
nếu là thiếu trải nghiệm, cách đơn giản nhất là xách ba lô lên và đi ra ngoài, xem mọi người đang sống thế nào, hành xử với khác với cách nghĩ của mình là do đâu. khi không thể đi trong thực tế, bạn có thể lang thang trong văn chương của người khác, để xem họ viết gì, họ cảm nhận như thế nào trong thế giới mà họ đang nhìn thấy.
nếu là khả năng bị giới hạn, thì đã đến lúc bạn nên học thêm cái mới, xem mọi người tranh luận với nhau về vấn đề nào đó như thế nào. đôi khi, mình trước rất tự tin với những gì viết ra, sau lại giật mình khi thấy chúng sai lè trong những cuộc thảo luận chuyên môn đúng nghĩa. những khi ấy, hoặc mình lặng lẽ sửa bài theo cách hợp lý, chuẩn mực hơn; hoặc để vậy, cố mà tìm ý tứ để công nhận chúng đúng đắn hơn.
chấp nhận rằng bản thân viết chán không có gì đáng xấu hổ hay tệ hại; vì đó là cơ hội để thay đổi, làm mới cách viết của mình. không chấp nhận, ý thức được bản thân viết chán mới đáng sợ, bởi chúng khiến mình luôn đắm chìm trong sự cũ kỹ, mãi luẩn quẩn trong lối mòn tự tạo ra.
Bài viết ngày 25 tháng 06 năm 2023
trong thành phố, cây thường được trồng để làm bóng mát, tán mùa hè vì vậy mà luôn rộng và rất xanh, hoa nếu mọc trên cành thì cũng đã đến lúc phải tàn, còn quả muốn kết thì nay là dịp phù hợp. có lẽ thế, mỗi khi chạy về nhà mà chưa qua hết đường thành phố, mình phát hiện có hẳn đoạn đường dài toàn mùi thị đang chín vỏ trên cành và rụng đầy dưới đất. mùi ấy đặc biệt thơm mỗi khi trời còn dịu, nắng chưa gắt và thoang thoảng thêm ít mùi đồ ăn sáng bày bán khắp xung quanh.
những lúc như vậy, mình nhớ đoạn đường đó rồi chạy ngang thật chậm để tìm đúng cây đang thơm mà dừng lại, xem quả rụng nào còn nguyên mà nhặt đem về. thị mới rụng nên cuống còn mới và nhựa còn nguyên, lắm lúc hớn hở với thành quả rồi để trong túi áo mà không để ý, khi phát hiện thì nhựa đã khô, thấm vào áo mang những vệt sẫm màu. sau này, có ai hỏi sao giữa cái áo trắng lại có vết ố trông bẩn bẩn thế? mình bảo, nhựa quả thị đấy, nhìn bẩn vậy thôi chứ lúc chưa bẩn mùi thơm là thơm lắm.
cũng có lần, vì tiếc tìm mãi không được quả nào nguyên, mình đánh liều chạy vòng ngược lại, đi vào chợ Bến Ngự để hỏi xem chỗ nào bán thị để mua ít quả đem về. mấy cô tiểu thương nghe hỏi rồi ngạc nhiên bảo, thị thì thơm nhưng đây chẳng ai bán, con muốn thì cứ ra ngoài phía bìa chợ sát bờ sông, ở đó có hẳn cây cao, nói rồi người ta hái xuống cho vài quả. vế đầu nghe được làm mình ngạc nhiên đến bất ngờ, bởi ký ức mỗi lần ghé Hà Nội, mình còn nhớ cảnh người ta bán thị như điều gì đó rất bình thường mỗi độ thu về. vế sau nghe được làm mình ngạc nhiên hơn nữa, bởi cây có cao thì hẳn quả sẽ nhiều thì sao mỗi lần đi ngang lại chẳng biết?đánh liều thêm lần nữa, mình lần theo cái chỉ tay của cô tiểu thương mà ra sát đường để hỏi cây thị của chợ, người ta nghe rồi chỉ tay tiếp lên trời cho mình thấy tán đầy màu xanh và bảo đó là cây thị, nhưng nay điếc quả nên chỉ là tán cây thôi, chẳng có quả chẳng có mùi thơm nào ở đây cả.
nói vậy rồi người ta quay mặt về phía khác khi có khách hỏi mua hàng, mình ngước mắt nhìn lên thêm lần nữa rồi nghĩ, thôi đành quay về gốc thị ngoài đường, xem giờ có quả nào rụng không, rụng mà còn nguyên thì tốt mà thâm một xíu cũng chẳng sao, miễn nhựa còn tươi và mùi đang mới là được lắm rồi.
Bài viết ngày 25 tháng 03 năm 2023
đôi lần đứng ngoài rồi nhìn vào một ai đó và họ khiến mình ấn tượng tích cực, như giỏi giang năng động, yêu đời hay tỏa ra năng lượng dễ chịu đáng mến; thì mình đều nghĩ rằng bản thân họ cũng ý thức được điều ấy, không hẳn là đến mức là hoàn hảo tuyệt vời, nhưng cũng đủ biết là đang có gì và thoải mái lan toả chúng đến xung quanh ra sao. ấy vậy mà những khi được dịp tiếp xúc và trò chuyện, họ lại thực lòng chia sẻ rằng bản thân vẫn đang thiếu nhiều điều, tự ti đủ đường và chưa thấy thật tốt ở những khía cạnh được người khác nhắc đến.
thêm một vài lần nhìn vào người khác và trò chuyện như vậy, mình phát hiện ra là những người thiếu tự tin không phải vì họ tự ti, mà bởi đang yêu cầu cao hơn vào bản thân, nên luôn cảm thấy mình chưa bao giờ được như ý. do vậy, họ luôn thúc bản thân tiến về phía trước, được thể hiện bằng sự tích cực mà người khác nhìn thấy, nhằm dần che lấp khiếm khuyết hoặc những điều chưa hoàn hảo của cá nhân họ.
cách nghĩ này đem đến cho mình một suy nghĩ mới mẻ, rằng ít nhất thì tự ti về bản thân cũng không phải là điều xấu hoàn toàn. có thể rằng chúng thật sự đến từ cảm giác bản thân chưa đủ giỏi, thiếu tài năng hay thành quả nhận được chưa như kỳ vọng. nhưng mọi người đều có những mặt tích cực, tốt hơn đang chờ khai phá, cải thiện; nên có thể dựa đó để tạo nên động lực nhằm cải thiện, giúp bản thân tốt hơn mỗi ngày trong những khía cạnh khác của bản thân, để tốt lên mỗi ngày thì cũng là một điều nên làm.
Bài viết ngày 26 tháng 11 năm 2023
nuôi thú cưng là một phép thử cơ bản cho việc đã sẵn sàng có và nuôi dạy con hay chưa. mình nghĩ tới điều này cách đây mấy tuần, khi ẻm Cát mèo nhà trèo lên chậu hoa giấy, đu ra cành xa nhất rồi kéo nguyên cả chậu rơi xuống sàn, bể tan tành và bê bết đất với cành lá gãy. mình bực, la lên làm ẻm sợ quá chạy vào gầm giường trốn, không dám ló mặt ra. loay hoay đi tìm đồ để dọn, xong quay lại thì thấy ẻm nhởn nhơ vờn mấy cục đất và mảnh chậu, có vẻ như quên hết lỗi lầm vừa gây ra trước đó.
hồi trước mình từng đọc ở đâu đó rằng, con nít không có khả năng chịu trách nhiệm, chúng chỉ biết đón nhận tình thương. bởi vậy, bắt chúng phải nhận ra lỗi lầm khi làm sai, ý thức được áp lực người lớn đang gặp phải để thôi đòi hỏi là điều rất khó. chúng hành xử dựa trên bản năng và cảm xúc, thấy vui thấy thích thì làm thì thể hiện mong muốn; còn đáp ứng, nuông chiều được những điều ấy hay không là quyết định của người lớn.
mình nghĩ, con nít hay thú cưng cũng đều như vậy, đều giống nhau ở cấp độ đơn giản nhất, là chỉ có thể đón nhận tình thương chứ không thể đòi hỏi trách nhiệm. nghĩ vậy khiến mình trỗi lên cảm giác bất lực, khi vẫn chưa quen với điều đó và vẫn muốn ẻm Cát hối lỗi, không lặp lại hành động thêm lần nữa. phản hồi lại điều mình muốn là đôi mắt to tròn với cái nhìn ngơ ngác như chẳng hiểu chuyện gì vừa xảy ra, khiến mong muốn ấy trở nên ngớ ngẩn thật sự.
vậy là, mình đành học cách sống hòa hợp, ẻm Cát không thay đổi được thì mình có, bằng cách hạn chế những rủi ro mà ẻm có thể gây ra với mấy chậu cây. mấy hôm sau, mình đi mua tấm ván dài, thêm sợi dây thừng rồi gia cố trên thanh rèm cửa, làm bệ cửa sổ rộng và chắc chắn để bỏ được nhiều chậu cây hơn; và nếu ngã đổ thì, chúng cũng chưa rơi xuống sàn vội.
có vẻ hơi khập khiểng và kỳ cục khi so sánh con nít với thú cưng, nhưng với mình thì chúng đều là những mối quan hệ cho đi mà không mong cần nhận lại. mình thấy điều ấy ở ba mẹ mình, những người làm ba làm mẹ xung quanh mình; họ chấp nhận như vậy, sẵn lòng đem đến những gì tốt nhất của bản thân và dành cho con cái họ. đó có thể đơn thuần là trách nhiệm; nhưng cũng đâu đó là bài học, phải đến khi nuôi mèo hay có con thì mình mới thật sự học, thật sự hiểu hết được.
Bài viết ngày 23 tháng 05 năm 2023
hôm vừa đến, Đà Lạt vẫn chưa có những cơn mưa chiều, nắng ban sớm vì thế mà không lẫn nhiều sương. dù vậy, mình vẫn dành thời gian để dậy sớm, men lối đường mòn nhỏ đã thấy từ hôm trước mà băng vào rừng, xem liệu chuyến đi ấy có tìm được gì thú vị mà chưa ai tìm thấy hay không.
và điều mình tìm thấy, thú vị thay lại không đến từ góc rừng thông phủ đầy sương sớm, cũng chẳng là tầm mắt ngước lên đầy những nhà kính sáng bừng màu nắng mới, hay cả những bức hình chụp vội vì sợ lỡ khoảnh khắc đẹp; mà đến từ cảm giác như được trở về quá khứ, quay lại hành trình của 4 năm trước, cũng trên con đường đầy sỏi đá, một bên rừng một bên là vách núi trong hành trình sang thành phố mới để sống cuộc sống mới. chỉ khác là, trong buổi sáng ấy mọi thứ diễn ra đơn giản và thoải mái hơn nhiều, nên cũng chẳng tối tăm chẳng quạ kêu, chỉ có màu xanh của lá rừng và không khí trong lành của đất trời phủ xung quanh.
không rõ nguyên do từ đâu, mà chuyến quay trở lại Đà Lạt hôm ấy, và trước đó là Sài Gòn nữa, khiến mình nghĩ rằng những nơi này thật tuyệt cho những ai muốn sống một cuộc đời khác. bỏ qua những khác biệt mang tính bản chất của mỗi vùng, thì cả 2 nơi này đều chứa những không gian, trải nghiệm riêng và gần như biệt lập với những gì trước đó mình đắm chìm, tận hưởng.
khi nghĩ vậy, mình cho rằng chúng ít đến từ cảm giác chán ngán khi phải sống ở một nơi quá là lâu; bởi nếu chỉ là chán, thì sống nơi nào đủ lâu rồi cũng sẽ vậy. thay vào đó, chúng lại thường đến từ cảm giác bất ổn, với những vấn đề thường xuyên lặp lại, không thể nào giải quyết trọn vẹn. và cách tốt nhất có thể nghĩ đến – rời xa chúng, sang một vùng đất khác để bắt đầu cuộc sống mới.
với mình, đó không phải thái độ chạy trốn hay vứt bỏ mọi thứ thuộc về mình, mà là thử một cách sống khác, một cuộc sống với những mối quan hệ và những vấn đề khác, để xem liệu những bất ổn đã từng tồn tại thì chúng đến từ bản thân mình hay là từ môi trường xung quanh.
đôi khi, đó là một phép thử với nhiều sai lầm, và bất ổn thì vẫn còn đó; nhưng bản chất thì chúng vẫn luôn là một con đường mới, một cuộc sống với thái độ mới, khác biệt hoàn toàn với việc đắm chìm trong những bất ổn, tự hại để quên những nỗi buồn không thể kiểm soát.
Bài viết ngày 22 tháng 10 năm 2023
có lẽ dựa vào hành xử, nên người khác hay nhận xét mình sống chậm. nhưng một khía cạnh khác của việc sống chậm của bản thân mình, là cảm xúc thường đến trễ hơn bình thường. khi gặp biến cố hoặc ai đó đặc biệt thì hiếm khi mình bùng phát cảm xúc ngay; phải mất một thời gian, ngắn thì vài ngày mà dài là vài tuần vài tháng thì chúng mới thật sự ngấm để thể hiện ra rõ thành lời.
thế nên, dạo này mình nhớ Sài Gòn cực. nỗi nhớ ấy không phải nhớ về một nơi đã từng sống, từng quen thuộc và giờ luyến tiếc; mà bởi những kỷ niệm, trải nghiệm của thuở ấy giờ mới rõ để biết là vui là buồn như thế nào. kỳ lạ thay, ký ức đó sâu đậm nhất là những tháng ngày đầu tiên, là thời điểm này của 4 năm về trước.
mình không rõ, liệu sự sâu sắc ấy đến từ việc, chúng gần nhất với những hình dung trước đó, và cả sau này của mình về Sài Gòn; hay đó là thời điểm mà mọi thứ trở nên trọn vẹn đủ đầy, cả những niềm vui lẫn nỗi buồn, cả những chuyện để nhớ lẫn điều đã lãng quên. mình hoài nghi, bởi qua thời điểm ấy, vẫn có nhiều điều để mình nhớ về, theo cùng cách diễn tả như vậy, nhưng chúng hời hợt, chẳng khơi gợi nhiều cảm xúc như đoạn trước đó.
cái nỗi nhớ ấy tự biến chuyển, khiến cuộc trò chuyện gần đây với bạn, mình nhận ra là đã sống ở Đà Nẵng từ rất lâu, rất dài với rất nhiều kỷ niệm. khi nghĩ vậy, có lẽ phần nào mình muốn rời đi, sang một thành phố khác, sống cuộc sống mới, với nhiều nỗi nhớ và hoài niệm về thành phố cũ.
nhưng cũng có thể, phần nào trong mình đã ngán nơi này, với những niềm hạnh phúc lặp lại đầy nhàm chán – theo cách mình tự cảm thán khi ai hỏi cuộc sống dạo này thế nào. đó là những nhịp điệu, thói quen, trải nghiệm nửa cảm hứng, nửa chẳng có gì mới mẻ để thêm vào cuộc sống hàng ngày vốn có.
và sau cùng thì, mình vẫn cứ loay hoay với tất cả những nảy sinh trong đầu, khi không chắc những ký ức cũ cứ chực chờ ùa về là những ký ức chân thật đẹp đẽ, hay chỉ là những điều hối tiếc bởi không có trải nghiệm nào tương tự; khi không rõ là nên làm mới cuộc sống hiện tại ngay tại nơi này, hay bước sang một nơi khác để mọi thứ đều là mới mẻ như lúc ban đầu. mọi hình dung, mọi sự thay đổi của bản thân trong thời gian tới, có lẽ cũng chỉ để giải quyết những khúc mắc này mà thôi.
Bài viết ngày 22 tháng 09 năm 2023
khi ai đó bảo trông có vẻ khó tính, mình không ngạc nhiên nhưng vẫn cố đính chính lại, rằng mình không khó, chỉ là hơi khuôn phép. lý do không tự xem mình khó là bởi, nguyên tắc mình chỉ áp dụng cho bản thân, chứ không dùng để phán xét hay bắt người khác tuân theo. thêm nữa, bạn bè khi ở bên cạnh lâu, họ tự nhiên nhiễm rồi lấy làm của riêng những nguyên tắc, thói quen sống của mình. khi ấy, mình tự hiểu rằng những phép tắc kia không hề tiêu cực, bởi nếu vậy thì chẳng ai muốn ở bên, chẳng mấy ai học theo cả.
bởi vậy, với nhận xét khó tính khó gần, mình thường không để tâm. nhưng trong nghề nghiệp, mình vẫn hay nghĩ, liệu theo đuổi nghề viết – là công việc sáng tạo, thì nhiều nguyên tắc có phải là hạn chế không? trả lời lửng lơ cả có và không thì đơn giản lắm, nhưng khi đã quá quen với những phép tắc, và phần nào thấy chúng hiệu quả, thì câu trả lời sau cùng vẫn là không, chúng cần thiết.
đầu tiên, nguyên tắc không phải hạn chế sáng tạo, mà đặt sự sáng tạo ấy vào khuôn khổ cần phải có. đi làm lâu năm, làm việc với nhiều người với nhiều mức độ kinh nghiệm, mình thấy rằng những người lớn tuổi hoặc có kinh nghiệm nhiều, họ ít khi đề xuất những ý tưởng báo tạo hay phá cách. không phải bởi họ bị thui chột, thiếu sáng tạo; mà bởi họ đủ trải nghiệm để biết trước rằng khi triển khai, những ý tưởng ấy sẽ thiếu khả thi, kém hiệu quả. sáng tạo không đi cùng kinh nghiệm – được cụ thể hóa qua nguyên tắc nên và không nên làm, ý tưởng sẽ trở nên bay bổng thiếu khả thi quá mức.
tiếp nữa, nguyên tắc không tạo rào cản, chúng khiến công việc được tập trung hơn. mọi người thường nghĩ, người nghệ sĩ phải sống tùy hứng và tự do, hành động dựa trên bản năng là chính. nhưng khi sáng tạo quá mức, những sản phẩm tạo ra mà không ai cảm nhận, hiểu đúng về tính thẩm mỹ của chúng trừ người nghệ sĩ, thì sự sáng tạo ấy là vô nghĩa. vậy nên, những nguyên tắc khi viết giúp mình lập dàn ý hiệu quả, tránh lan man vào câu chữ thừa thãi; hành văn tốt đủ để việc đọc và hiểu dễ dàng. với mình, viết cho riêng mình đơn giản, cứ viết một cách đầy tự do phóng khoáng, nhưng viết cho người khác đọc thì phải để người ta hiểu là đang đọc cái gì.
sáng tạo trong khuôn khổ và những phép tắc cũng từ đó mà ra.
Bài viết ngày 22 tháng 02 năm 2023
dù bỏ ra rất nhiều tiền cho máy ảnh và những cuộn film, mình lại chưa bao giờ có ý định kiếm tiền từ chúng; và dù nhận rất nhiều lời đề nghị chụp hình thuê, mình cũng chưa bao giờ sẵn sàng làm như vậy. trước giờ, những khi chụp cho người khác là những lần chụp vì bạn bè, hay vì khung cảnh lúc ấy thật tuyệt để bấm máy.
mình quan niệm rằng, chụp ảnh chỉ là niềm vui hay sở thích đơn thuần, không phải tài năng để mong đợi được công nhận hoặc kiếm được tiền từ chúng. cách nghĩ này ngược với viết lách, dù vẫn thường được mình thể hiện song song. chắc chắn rằng, chụp ảnh kiếm tiền không phải điều gì quá lớn lao để cân nhắc suy nghĩ, nhưng mình vẫn cho rằng không nên thay đổi cách cảm nhận những niềm vui.
điều này đến từ chuyện, mình luôn định hướng phát triển sự nghiệp bản thân là theo nghề viết, vì luôn cảm thấy đấy là điều có thể làm tốt nhất. nhưng trong giai đoạn đầu đi làm, cái tốt nhất ấy lại luôn khiến mình nghi hoặc năng lực bản thân; bởi nhận ra là – viết riêng cho mình thì đơn giản là viết sao cũng được, nhưng viết để kiếm tiền thì phải theo ý của người khác. sự nghi hoặc này khiến đôi lúc mình không cảm nhận trọn vẹn ý tứ con chữ, bối rối mỗi lần sắp xếp câu từ, và rất nhiều lần bị chê bai với khả năng viết.
phải đến tầm 4 năm kể từ lúc bắt đầu, thì khả năng viết mới thật sự ổn như mình muốn, để tách rời giữa viết cho bản thân đọc và viết để kiếm tiền. trong hiện tại, mình đủ tự tin đưa văn phong cá nhân vào những bài viết công việc. đó thật sự là một quá trình rất dài và tốn nhiều thời gian, để người khác thôi nghi ngờ và chấp nhận văn viết được như mình muốn.
và vì tốn quá nhiều thời gian để làm được, mình quyết định luôn là sẽ không vậy với chụp ảnh. giữ chúng trong niềm vui, niềm hạnh phúc khi trải nghiệm lâu nhất có thể. để những khi buông xuôi không làm gì khác thì vẫn còn thứ níu lại, vực mình dậy.
nên khi một ai đó hỏi, liệu có nên phát triển sự nghiệp theo niềm đam mê không, mình vẫn thường khuyến khích là không, trừ khi biết họ đủ giỏi hoặc đủ kiên định để không dễ bỏ cuộc giữa chừng. còn những ai như mình, khi chưa đủ giỏi như những gì mình nghĩ, thì hãy nên thôi, hãy nên giữ chúng riêng một góc và tìm kiếm một thứ gì đó có thể làm tốt hơn.
Bài viết ngày 21 tháng 11 năm 2023
hôm nay trước khi về, chị bé đồng nghiệp hỏi, trước giờ viết thì em viết ở đâu? chưa hiểu ý chị lắm nhưng mình vẫn trả lời thì ở trên Word, mà dạo này em cũng đang luyện chữ nữa. nghe như đúng ý cần hỏi, chị liền đưa cái túi đựng bút, bảo người ta tặng mà tự thấy không có nhu cầu nên tặng lại. mình nhận mà nghĩ vu vơ kiểu, ơ thế cũng có người quan tâm mình viết như thế nào à?
rồi hôm qua story kể lại bài cũ, vắn tắt chuyện mình là cựu sinh viên sư phạm, bạn hỏi thế trước học sư phạm Văn nhỉ? mình bảo, nhiều người cố chấp không tin mình học sư phạm, nhưng cứ quả quyết rằng mình học sư phạm Văn. trên thực tế, mình học Tâm lý, không liên quan chút gì đến văn chương hay báo chí cả.
chuyện chọn Tâm lý hình như cũng từng viết ra, đại loại là cảm thấy việc viết bài bản thì không khó, chỉ cần luyện tập và chăm chỉ là đạt được; nhưng để viết hay viết đúng, đi vào lòng người thì phải có sự thấu hiểu nhất định, nên mình chọn học Tâm lý để thõa ước mơ. theo thời gian, mình cũng đạt được phần nào, ít nhất thì vẫn đang miệt mài kiếm sống bằng nghề viết.
thỉnh thoảng có bạn thắc mắc, rồi lúc nào định viết sách, rồi sẽ trở thành nhà văn thật sự. những khi ấy, mình trả lời là vẫn chưa sẵn sàng, vì không muốn viết khi bị thúc ép. nhưng thật lòng mà nói, rất nhiều lần mình hoài nghi với điều ấy, hoài nghi rằng liệu thật sự mình có thể trở thành điều mà bản thân đang theo đuổi hay không. mình không sợ bị quên lãng, hay nhạt nhòa giữa tất cả mọi người; mình sợ rằng, cả hành trình dài đằng đẵng rồi chẳng có gì gọi là trọn vẹn hay thành tựu cả.
nhưng sự hoài nghi ấy thường không tồn tại lâu, bởi tiếp câu trên luôn là, đến khi ấy rồi có định đổi tên, chẳng còn là nhavantuonglai nữa không? những lúc vậy, mình trả lời luôn là không, vẫn là thế, vẫn chẳng có gì thay đổi cả. bởi mình luôn cho rằng, việc viết với bản thân giống như cách mọi người nghĩ về hạnh phúc vậy, chúng là một hành trình, chứ chẳng phải là đích đến.
vì vậy, viết với mình vừa là nguồn sống (theo đúng nghĩa), là sự kết nối với thế giới bên ngoài; mà cũng là sự chăm sóc tinh thần bên trong. có thể, không phải lúc nào mình cũng hạnh phúc để cảm nhận cuộc sống, nhưng mình vẫn miệt mài viết, viết hơn cả một thói quen.
Bài viết ngày 21 tháng 07 năm 2023
hôm rồi nhận email từ bạn, hỏi nhiều câu và một trong đó là, làm thế nào để giữ tâm hồn thơ thẩn giữa áp lực cuộc sống? cũng giai đoạn này mình nhận vài lời dự lễ tốt nghiệp, từ bạn cùng khóa đã xong cao học, lại vừa từ người em thành cử nhân. dưới đây là đôi dòng tóm tắt email đã gửi để mọi người cùng đọc và biết câu trả lời.
đầu tiên, mình cho rằng, cuộc sống không áp lực thì mọi niềm vui đều vô nghĩa. bởi áp lực cuộc sống như tiêu chuẩn cho mọi trải nghiệm; chúng ở mức vừa phải, không quá tệ như túng thiếu thất nghiệp, và cũng không tốt hơn giấc ngủ dài vào ngày cuối tuần. nhưng nếu không cảm nhận được thì sẽ không thể hiểu khó khăn là gì, thảnh thơi là ra sao. nên nếu khi có áp lực, rồi hứng thú tìm đến và niềm vui trào dâng sau khoảng thời gian ấy, mình mới thoải mái thả lỏng để đắm chìm trong dễ chịu.
tiếp theo, niềm vui trong hiện tại phải xây dựng từ sự nỗ lực ở quá khứ. một niềm vui hời hợt đem lại hứng thú nhất thời, không đọng lại nhưng tốn thời gian và công sức tương ứng. trong khi đó, những niềm vui bền vững khiến mình thích mỗi lúc nhớ về sẽ cần nhiều chiều sâu, công sức và thời gian để trải nghiệm; chưa kể nền tảng (tiền bạc, tinh thần, kinh nghiệm sống…) vững chắc nhằm đảm bảo trong giây phút ấy không bị phân tâm vào những điều vớ vẩn khác. vậy nên, để được tận hưởng được niềm vui trong cuộc sống thì không thể thiếu phần trách nhiệm, cụ thể là miệt mài làm việc trong quá khứ để vun đắp, gây dựng.
và cuối cùng, là không ngừng nuôi dưỡng những niềm vui cho bản thân trong hiện tại. bạn mình có người tập trung vào kiếm tiền, đến khi muốn thảnh thơi thì lại không biết nên tận hưởng ra sao cho phù hợp. vì thế, dù áp lực hay mệt nhọc trong hiện tại, thì mình cũng không hay ngó lơ niềm hạnh phúc thường ngày vốn có. bởi nếu lãng quên mình biết rồi sẽ dần mất hứng thú, dần quên đi chúng tồn tại và khi quay trở lại cũng sẽ không biết nên tiếp tục như thế nào.
chung quy lại, để luôn giữ tâm hồn tươi sáng trong lành thì phải vừa có trách nhiệm lại vừa cân bằng cuộc sống bằng cách chia khoảng thời gian và không gian cho từng trải nghiệm. không nên ngó lơ hoặc buông thả một trong hai, vì nếu như vậy sẽ rất dễ hủy hoại bản thân cả về thể xác lẫn tinh thần.
Bài viết ngày 21 tháng 04 năm 2023
khi một người mất đi, cả một thế giới biến mất. lang thang đọc văn người khác và bất chợt gặp câu này, mình dừng lại và đắm chìm trong chúng suốt mấy hôm liền. sự đắm chìm kéo dài ấy mang dư âm của cảm giác tìm được câu trả lời cho những hoài nghi trước giờ, rằng mình có thật sự hiểu, thật sự bước vào được thế giới riêng của ai đó hay không?khi nói về thế giới riêng, là mình đang nói về tâm thức mỗi người. đó là một không gian rộng lớn vô cùng; chúng hoặc là miền ký ức có thật, hoặc là những điều hư cấu từ tưởng tượng. chúng vừa sâu vì không có giới hạn cho những suy nghĩ, và tự do ý chí được vẫy vùng hết sức; lại vừa sắc bởi chẳng có ai có gì định hình hoặc níu giữ, nên những suy nghĩ nằm ngoài tiêu chuẩn cứ luôn túc trực trào dâng.
hồi còn nhỏ, có một giai đoạn dài mình sống với ông bà nội nhiều hơn là với ba mẹ. trong giai đoạn ấy, mình được sống trong bầu không khí mà đêm đêm được nghe ông bà trò chuyện, kể những chuyện từ thuở còn nghèo xác nghèo xơ, từ lúc chiến tranh đang khốc liệt đến cả thời bình khi mình chưa được sinh ra. trong giai đoạn ấy, mình như được sống cùng thời ông bà, được sống trong thế giới với những câu chuyện của họ. chúng vừa xa xôi lạ lẫm, lại vừa chân thực như mới xảy ra hôm nào.
nên có lẽ thế mà khoảnh khắc bà mất, một nỗi buồn nảy sinh trong lòng rồi từ từ bùng lên như cơn địa chấn. mình khóc trong vô vọng, bởi ngoài thương thì còn phát hiện rằng mọi điều bà thường kể nay không còn được nghe kể nữa, và những điều bà chưa kể giờ cũng không còn được kể nữa. mọi thứ đã biến mất, như chưa từng xảy ra, chưa từng xuất hiện trong thế giới này.
nên kể từ đó về sau, mình luôn hào hứng khi nghe người khác kể chuyện, kể những chuyện về cuộc đời và những chuyến đi, những điều họ nghĩ và cảm nhận trong cuộc sống của riêng họ. khi làm vậy, bởi mình sợ rằng nếu không được dịp lắng nghe, thì lại có thêm một thế giới sắp sửa biến mất, thêm một thế giới mà không ai khám phá được hết.
nhưng rõ ràng là, mình không thể nào khám phá được hết thế giới của một người. nhưng khi được mở lòng để dấn thân từng chút một vào thế giới ấy, mình lại thêm một cơ hội để hiểu về thế giới của họ. điều ấy với mình, quan trọng hơn tất cả mọi điều có thể nghĩ đến.
Bài viết ngày 19 tháng 12 năm 2023
dang dở làm website mà font mặc định trông chán quá nên tìm cách đổi thì đọc được bài của Google Font, viết về chuyện họ đã số hóa ngôn ngữ Urdu như thế nào. về cơ bản, bộ chữ viết của tiếng Urdu là thuần viết tay, đặc trưng nổi bật là các nét ký tự nối với nhau tạo thành chữ hoàn chỉnh. chúng tương tự như các bộ font chữ viết tay được Việt hóa vậy, chỉ có điều là nhiều quy tắc và phức tạp khi nối nét hơn.
khi đọc bài, trước thì mình ngạc nhiên bởi những thách thức về mặt ngôn ngữ, kỹ thuật và cách nhóm dự án vượt qua chúng; còn sau lại thấy quen thuộc, như từng nghe chuyện tương tự ở đâu đó mà không nhớ là ở nơi nào. và lúc đọc xong thì cảm giác ấy mới rõ, sự quen thuộc là chuyện người ta cố gắng gìn giữ ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số, còn sự mơ hồ là bởi chuyện ấy rồi cũng chẳng đi đến đâu cả.
đặc điểm chung nhất của ngôn ngữ người dân tộc thiểu số chính là thiếu tính phổ quát, chúng tồn tại và được sử dụng trong một tập thể nhỏ hẹp, số lượng cá thể hạn chế. điều này tạo nên thách thức về tính ứng dụng khi dành thời gian, công sức cho việc gìn giữ hay số hóa như Google Font đã làm – không tạo ra nhiều giá trị trong thực tế, và so với việc người trong cộng đồng ấy học thêm một ngôn ngữ đại chúng để truyền tải những thông điệp về dân tộc của họ – thì điều ấy có vẻ thuyết phục, hiệu quả hơn.
nhưng một đặc điểm khác cần phải nói đến là tính đa dạng về ngữ nghĩa trong từng ngôn ngữ lại không giống nhau. dễ hiểu, dễ thấy nhất chính là ngôi xưng trong tiếng Anh và tiếng Việt; chúng chênh lệch đáng kể, khiến có người thích vì sự nhất quán khi chỉ cần nhớ I và You trong mọi trường hợp; lại có người không bởi thiếu đi sự gần gũi thân thuộc và phù hợp trong từng ngữ cảnh sử dụng.
bởi vậy, bảo tồn ngôn ngữ của một dân tộc thiểu số thì cũng chính là việc đang giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc ấy khỏi bị biến dạng, lệch lạc trong ngôn ngữ đại chúng. đôi khi, điều ấy còn đáng sợ hơn việc bị mai một, quên lãng vào quá khứ. vậy nên, dù có những dự án mơ hồ về tính ứng dụng; hay lúc bạn mình bày tỏ dự định lên núi học tiếng người bản địa để hiểu hơn về một dân tộc xa lạ, mình đều hết lòng ủng hộ bởi hiểu rằng họ làm điều ấy mà đâu nghĩ gì cho bản thân.
Bài viết ngày 18 tháng 06 năm 2023
hôm rồi dọn phòng, tiện thể dọn luôn thùng giấy tờ cũ, mình tìm được cuốn sổ tay ghi lại những quyển sách đã đọc qua từng năm. đọc đến năm 2017, riêng 6 tháng cuối của năm ấy sách đọc đã hơn 40 cuốn; mình ngạc nhiên nghĩ, khi đó sao dư thời gian để thoải mái đọc nhiều sách đến vậy nhỉ? nghĩ thế được giây lát rồi chợt nhớ, ra thời điểm ấy loay hoay với cuộc sống khá nhiều, nên đọc sách là lựa chọn tốt nhất để quên hết mọi điều đang xảy ra.
thời điểm đó, rời giảng đường và chưa sẵn sàng đi làm, mình phân vân giữa chuyện nên tiếp tục niềm yêu thích là làm việc với cộng đồng, hay nên có trách nhiệm và nghiêm túc với sự nghiệp. cuối cùng, mình chọn vào NGOs như để cân bằng cả hai điều ấy, cũng để dần thích nghi với cuộc sống mới.
sự phân vân này kết thúc sau đó 2 năm khi mình vào Sài Gòn, tập trung làm agency để nâng cao tay nghề viết, chung quy lại thì không còn dính dáng gì đến cộng đồng nữa. dù thế, mình vẫn vương vấn những tháng ngày đã cũ với bao kỷ niệm đẹp của thời đó.
vào được ít lâu, biết bạn cũ từng cùng lăn xả thời sinh viên cũng đang chung thành phố, mình hẹn gặp thì bạn kể rằng, dù giờ không thể dành thời gian để cống hiến cho cộng đồng như trước, nhưng niềm yêu thích từ bản thân thì vẫn còn; nên bạn chọn công việc hiện tại – đem đến cơ hội cho các giải pháp xã hội quy mô nhỏ, để họ được thuê văn phòng làm việc với mức giá tượng trưng. đó không phải là chiến lược kinh doanh, mà là sự đóng góp hướng đến cộng đồng (CSR) của công ty bạn.
nghe thế, mình hỏi bạn nghĩ sao về khoảng thời gian vô định của mình, khi bản thân luôn thắc mắc – dành đến 2 năm để ra quyết định như hiện tại là ngắn hay dài, có là đủ hay phí phạm, và nếu chọn khác đi liệu mình có khác nhiều không? bạn vào thẳng vấn đề là, mình vẫn sẽ thế, khi chọn điều không phải thế.
bởi lẽ, ra trường và bắt đầu đi làm là một sự chuyển tiếp, cả đời sẽ có vô vàn sự chuyển tiếp như thế; và để quen, biết nên làm gì cho phải thì không phải ai cũng cần khoảng thời gian như nhau. ngay lúc này, bạn vẫn hoài nghi công việc hiện tại liệu là lựa chọn đúng, có hợp lý để toàn tâm toàn ý hay chưa? nhưng sự hoài nghi ấy, là tiền đề để tụi mình có thể nghĩ sâu sắc hơn và biết nên đi như thế nào cho phải lẽ.
Bài viết ngày 17 tháng 01 năm 2023
vài năm trước, khi thất tình và cả những lúc khuyên nhủ bạn bè vượt qua giai đoạn ấy, mình đều nghĩ và chia sẻ với mọi người rằng: cứ nghĩ không tốt, nghĩ tệ về người cũ; bởi đó là cách nhanh nhất để quên đi những yêu thương, tình cảm còn sót và không muốn nhớ về. nói vậy là dựa vào trải nghiệm cá nhân, bởi sau chia tay thì mình vẫn không ngừng nhớ về người ta, vẫn buồn bã vì những chuyện đã qua. phải đến khi xem đó là lựa chọn sai ngay từ đầu thì mới có thể dần nguôi ngoai và sống một cuộc sống khác.
nhưng cũng vì trải nghiệm cá nhân, mà theo thời gian thì mình nhận ra điều ấy không thật hữu ích. cách nghĩ ấy chỉ khiến mình không thể yêu thương người ta theo như cách đã từng; còn những điều buồn bã, tổn thương do họ gây nên thì vẫn cứ âm ĩ mãi ở trong lòng. cách chúng tồn tại giống như một vết thương ẩn dưới lớp da đã liền sẹo, thoạt trông có vẻ ổn nhưng khi trái trời thì lại không ổn chút nào. sự không ổn ấy là một phản ứng phòng vệ, để tránh lặp lại những sai lầm tương tự trong tương lai.
nhưng thay vì chối bỏ hay gắn mác tiêu cực cho những chuyện đã rồi, tại sao không xem đó là điều hiển nhiên phải xảy ra như bao điều khác đang diễn ra? mình không cho như vậy là xem nhẹ, huyễn hoặc vấn đề mà là để thay đổi góc nhìn và tâm thế khi ứng xử, vì chuyện đã rồi thì không thể thay đổi, còn chuyện chưa đến thì vẫn còn cơ hội để sửa sai; nên đắm chìm trong hối hận không phải là cách tốt để sống tiếp.
ví dụ, nếu bạn không thích ăn cay là lỡ ăn phải món bỏ quá nhiều ớt và bị đau bụng với điều ấy. nếu giữ nguyên cảm nhận tiêu cực về trải nghiệm, thì mãi về sau bạn sẽ luôn không muốn thử lại món đấy, dù có ớt hay là không. còn nếu chấp nhận và xem đó là sự cố không mong muốn, thì khi nghĩ lại bạn sẽ thấy buồn cười nhiều hơn là khó chịu; và tất nhiên, khi được dịp thì bạn vẫn có thể thử lại, và vẫn nên thử lại – để che lấp trải nghiệm tồi tệ cũ trước đó.
dù rằng với từng vấn đề sẽ có riêng từng cách diễn ra, và cũng nhiều hơn thế là số cách để vượt qua. nhưng bạn hoàn toàn có thể quy chiếu cách tiếp cận tương tự như đã nêu ở trên. điểm mấu chốt của chúng, chuyện đã qua thì thôi đừng dằn vặt, còn chuyện tương lai thì tránh không phạm phải sai lầm tương tự là được rồi.
Bài viết ngày 14 tháng 11 năm 2023
ở phía tây thành phố, gần Đàn Nam Giao có làng trẻ em SOS tồn tại từ rất lâu. mùa hè sinh viên năm thứ 2, mình lên đó dạy học ít buổi. tính ra, việc dạy không thành công lắm, bởi chẳng gợi được chút cảm xúc nào trên khuôn mặt các em. cũng có lẽ vì vậy mà ký ức về những gì mình truyền đạt, hay tương tác các em thể hiện đều rất mơ hồ; thay vào đó, mình nhớ về những hình ảnh tựa như không có thực.
đó là khung cảnh thường dùng để chụp ảnh chân dung, các em đứng bên vách tường, ngồi bệt xuống gốc cây, lặng yên và nhìn về phía mình. đó là mảng ký ức không thực, nhưng lại rõ ràng và sâu đậm in trong lòng. thỉnh thoảng, mình lại nhớ về điều ấy, tự hỏi liệu ở đó có gì chìm phía sau mà mãi chưa thấy được?
mấy hôm trước, một giấc mơ kỳ lạ xuất hiện. mình đang ở trong viện dưỡng lão, không rõ vai trò cũng chẳng biết ở đó để làm gì. đi trong vô thức thì ngáng ngang là một cụ ông trên chiếc xe lăn, cụ nhìn rồi kể, bà nhà mới mất hôm trước, đó không phải cái chết đau đớn, nhưng vì ông ở lại nên có. mình tiếp tục bước rồi nhìn vào khoảng không trước mặt, được lấp đầy bởi những cụ ông cụ bà thinh lặng ngồi yên. trong thoáng giữa giấc mơ, một ý niệm mơ hồ hiện lên rằng, ở đây mỗi ngày lại vài người rời khỏi, người ta thoải mái đón nhận như lẽ thường; đấy là một hành trình mới hơn đang chờ đón họ.
đang miên man mơ thì chợt giật mình tỉnh giấc, gió ngoài kia đánh ầm ầm vào ô cửa sổ. gió mạnh như con bão đang đến, dù mấy hôm nay đâu có tin báo bão nào. trong phòng tối và yên lặng, ngoài kia đèn đường sáng rồi chợt tắt từng nhịp, mình tự nhiên nghĩ, nếu ai đó biết và thử giải mã giấc mơ, chắc điều họ sẽ nói là bầu không khí hiện tại quá chán chường nên bản thân vô thức muốn rời khỏi đây.
nghĩ vớ vẩn vậy thêm vài điều rồi cũng chìm vào giấc ngủ, nhưng chưa kịp chìm hẳn thì mình tỉnh lại, bởi mảng ký ức mờ ảo không có thực kia lại hiện về. tự nhiên mình nhận ra, mảng ký ức ấy đúng là không có thực, nhưng chúng đại diện cho niềm mong mỏi rất thực: được sớm trưởng thành để rời đi rồi tạo hành trình của riêng mình.
sáng khi tỉnh giấc, ngoài cửa sổ nắng sớm đã chiều vàng cả góc tường tòa nhà đối diện. rõ ràng, chẳng có cơn bão nào đang đến cả, bởi mấy hôm nay đâu có tin báo bão nào.
Bài viết ngày 13 tháng 12 năm 2023
5 giờ sáng, trời chưa tỉnh hẳn và mình vẫn mơ ngủ thì Cát gào lên đòi ăn. cố phớt lờ mãi không xong, mình đành ngồi dậy, thay nước và hạt cho ẻm. chưa tính ngủ lại, mình nhìn ra cửa sổ, khi mắt quen dần với đoạn tối và sáng xen kẽ của buổi tinh mơ thì văng vẳng tiếng chim Bắt cô trói cột, cơm còn cho cục, cá còn cho khúc, lặp lại vậy thêm mấy lần mà chưa hút tiếng. hít hà thấy mùi hoa hồng đang độ thắm, và vẫn nghe ẻm Cát miệt mài nhai hạt, mình biết đấy là thật chứ không phải mơ. nếu điều gì khiến mình ngạc nhiên hơn bầu trời tháng 12 đã tỏ lúc 5 giờ sáng, thì chính là tiếng chim ấy vào lúc này.
khi sống ở Huế, mình ít dựa vào lịch hay dự báo để biết biết mùa này đang đến hay mùa nào chuẩn bị đi, bởi mọi thứ đều có sẵn trong tự nhiên cả. nếu cuối tháng 3, đi từ nhà máy nước sang hướng Kim Long mà dạt ánh mắt về phía thành nội, và thấy cây hoa gạo đang đỏ lửa rồi chín rụng đầy cả góc đường; hay như ở quê, tiếng chim Bắt cô trói cột vang lên từ sáng sớm, vọng suốt cả ngày dài không đứt hơi và tiếp tục như vậy đến khi đêm thăm thẳm. thì mình biết, đó là lúc mùa hè chuẩn bị đến.
đi qua mùa hè, hoa gạo rụng hết rồi lên lá, chồi non; hoa phượng thế chỗ tiếp sau đó, cũng với màu đỏ rực chẳng kém. độ giữa mùa, hoa rụng rồi để lại những quả như cành khẳng khiu, xanh rồi chín tái dần trên cành. mỗi ngày trong suốt cả mùa hè ấy, chim Bắt cô trói cột vẫn miệt mài xin cơm, có lẽ chỉ cần một con thôi cũng đủ sôi động cả góc rừng.
đi qua mùa thu, những cành quả phượng rụng, lá của nhiều loài cây cũng được dịp mà rụng theo. thời tiết dịu nhẹ và tiếng chim xin cơm hút dần rồi biến mất. khi đó, chúng bay về phương nam để tránh rét, và chỉ quay lại để xin cơm khi thời tiết ấm dần trở lại. có lẽ, trong suốt hành trình của tuổi thơ, mình chỉ dựa vào tiếng cơm còn cho cục để quy ước mùa nào đến và mùa nào đi.
nhưng mà khi tập tính di cư của loài chim là khái niệm bất biến; thì biến động thời tiết lại không như vậy, chúng thay đổi, bất ổn theo tháng năm và chẳng có lúc nào giống lúc nào cả. nên khi tiếng chim Bắt cô trói cột vang lên trong sáng tinh mơ giữa mùa đông, mình hoài nghi nghĩ, liệu khi mùa hè đến, hoa gạo rụng đầy rồi thì có loài chim nào sẽ bay trở về quê hay không.
Bài viết ngày 13 tháng 04 năm 2023
nhờ chuyện người cũ từng quen stalk, mình phát hiện ra họ chuẩn bị cưới, cưới người trước đó là nguyên nhân gián tiếp khiến tụi mình đường ai nấy đi. khi đó, mối quan hệ càng về cuối thì càng tăm tối, mọi thứ tệ hại đến mức mình mong họ phải chịu nhiều hối hận với những gì gây ra. nhưng chuyện cũng đã rất lâu, khi mình còn trẻ và thấy mọi thứ bất công; nên giờ nếu người ta ngỏ lời thì mình vẫn gửi câu chúc phúc.
dù thế, mình vẫn bận tâm về cái happy ending của họ. khi bận tâm vậy, không phải vì vương vấn, cũng chẳng buồn phiền thất vọng vì họ không chọn mình; mà là bởi, mình thắc mắc sao họ có thể hạnh phúc đến vậy, sau tất cả những đau khổ gây ra? nhưng nghĩ thế chứ mình không hào hứng tìm câu trả lời, bởi chúng cũng chỉ là gió thoảng mây bay, có cũng được mà không cũng chẳng sao, vẫn chẳng ảnh hưởng đến mọi thứ xung quanh mình.
ấy mà hôm rồi khi ngồi trò chuyện với bạn, kể những chuyện đau khổ buồn bã của cuộc đời; bạn mình nói đại ý rằng, người khác đối xử tệ với mình thì đôi khi không phải bởi tâm họ xấu, mà là vì mình không xứng đáng với những điều tử tế họ dành cho.
nghe vậy rồi tự nhiên mình nghĩ về chuyện đã cũ, trước là chuyện với người cũ đầu bài, sau thì rộng hơn là với tất cả mọi người có thể nhớ. mình nhớ những người mà họ đối xử hết lòng hết mực hết sức chân thành, nhưng mình chẳng thể nào đối đãi tương ứng với họ như vậy; mình nhớ những lần rộng lượng đến mức chưa bao giờ ngờ đến, và đôi lần như thế lại nhận về sự thất vọng đến cùng cực.
suy cho cùng thì, mọi người và cả mình cũng như nhau, cũng đều đối xử với người khác bằng sự xứng đáng của riêng họ; nhưng nào phải ai nhận được thì nhận ra điều ấy, và cũng cảm thấy người đối diện cũng đáng nhận điều tương tự; vậy nên mọi đau khổ, mọi tổn thương dành cho nhau là từ đó mà ra.
nhưng nói sao thì nói, chứ mình vẫn tin rằng ai cũng đáng nhận được những điều tử tế, không chỉ với những người họ cảm thấy xứng đáng để trao đi, mà với tất cả mọi người họ tiếp xúc trong thế giới riêng họ. mình cũng tin rằng, bản thân rồi sẽ gặp được một người như vậy, gặp được sự thiện lương vì người ta thật lòng muốn san sẻ; mà trước khi có được vậy, thì tất nhiên tự bản thân mình phải là người thiện lương trước đã.
Bài viết ngày 13 tháng 02 năm 2023
mỗi lần ai đó chê đồ ăn Huế khi họ ăn ở một nơi không phải Huế, mình lại ca bài ca quen đến thuộc lòng: đánh giá đồ ăn không nên là ngon dở, mà là hợp miệng hay không; vì dù một món là đặc sản hay tinh túy của vùng đất này, thì khi sang vùng đất khác cũng sẽ được người đầu bếp nơi ấy điều chỉnh nêm nếm cho hợp với nơi đó. vậy nên, nếu ăn rồi vẫn muốn đánh giá ngon dở, thì cần phải xem món ăn đó có phải là vị nguyên bản, hay đã được điều chỉnh thêm bớt hương vị.
mình kể tiếp là lúc còn đi học ở Huế, tìm được quán mỳ Quảng rồi thích cách chế biến mà thường xuyên đến, xong rủ bạn cùng khóa người Đà Nẵng đến ăn để bạn đỡ nhớ nhà. tô mỳ bưng lên, bạn đang háo hức bỗng chùng xuống, mặt hết cười còn miệng thì chửi vì tô mỳ nước chan ngập gần đến vành như tô bánh canh bán ngoài đường. sau này vào Đà Nẵng thì mới biết, mỳ Quảng nước chỉ chan vừa đủ để trộn và chẳng nơi nào hào phóng nước dùng trong tô mỳ cả.
dù không hiểu sao phải biến tấu món mỳ Quảng đến mức vậy, nhưng mình biết rằng đôi khi sự điều chỉnh nêm nếm ấy lại có cái hay riêng của chúng – giúp người từ vùng xa lạ này dễ dàng tiếp cận, cảm nhận ẩm thực vùng đất mới kia theo cách thân thiện nhất có thể.
cũng là lúc đi học, có đám bạn người Hà Nội xuyên Việt rồi dừng chân ngang Huế, mình kéo cả lũ lên nhà cho ở ké. đến bữa tối, mẹ nấu đồ ăn mình thấy cũng bình thường, còn tụi bạn thì mặt đứa nào cũng như thở ra khói vì cay quá sức chịu đựng. đến bữa sau, cũng chừng ấy món nhưng mẹ mình nấu ít cay lại, mấy đứa vừa ăn lại vừa khen đồ ăn Huế đúng là tinh túy đất trời, riêng mình lại thấy nhàn nhạt chẳng có gì hấp dẫn.
mà cả ẩm thực chay cũng có sự điều chỉnh như vậy. Thái Phiên có quán chay mình rất thích, thỉnh thoảng lại rủ bạn đến và đa số lần mọi người đều chung nhận định đồ ăn ngon. thế mà lần kia đi cùng anh bạn thuần chay, anh bảo đồ ăn hơi đậm đà so với đồ chay thông thường. lúc ấy, mình chợt nghĩ, ra lý do thích đồ ăn ở đây là vì chủ quán đã điều chỉnh nêm nếm để những người không thường ăn chay (như mình) cảm thấy hợp khẩu vị và dần quen với việc ăn chay.
viết dông dài vậy, nhưng ai hỏi thích món ăn vị nguyên bản hay được điều chỉnh, thì mình luôn trả lời: món nào ngon thì thích, đơn giản vậy thôi.
Bài viết ngày 12 tháng 08 năm 2023
mình gọi đường về nhà là con đường di sản, bởi xuyên cả tuyến ấy là không biết bao di tích, địa điểm lịch sử. từ sông An Cựu xưa cụ Phan hay ngồi câu cá, men trục Điện Biên Phủ chạy là đến Đàn Nam Giao trước vua hay tế trời; rồi rẽ qua đường Minh Mạng, nếu đi thẳng là lăng vua Khải Định, nếu rẽ ngang là lăng vua Thiệu Trị, rồi vua Minh Mạng và xa hơn nữa là vua Gia Long. giữa cung đường ấy là ngã ba Huế, hợp giữa 2 nguồn nước là Tả và Hữu Trạch, để làm nơi bắt đầu của sông Hương.
xuyên cả tuyến ấy, mình để ý rằng thông mọc nhiều và rất cao. ở 2 bên đường, thông rì rào khi gió thổi; bên vệ đường, hạt thông mọc thành mầm, lẫn và có cây cao hơn bụi dại. ở Đàn Nam Giao, thông trồng theo lối, cũng rì rào khi gió thổi và mát lành mỗi sớm mai lúc chạy bộ đầu ngày. ở đền đài lăng tẩm, thông trồng sát thành, phủ ngoài bìa như tách biệt với xung quanh. chung quy lại, con đường di sản mỗi khi về nhà, thông mọc nhiều và rất cao.
nhưng ngạc nhiên là, nhắc đến thông chẳng mấy ai nhắc đến Huế, người ta nói về Đà Lạt, về những rừng thông phía ngoại ô, được trồng để thu hoạch nhựa chứ phủ quanh đền đài lăng tẩm. một thành phố lãng đãng sương, sáng tinh mơ nắng chiếu xuyên qua những nhành thông có vẻ thi vị hơn là thông rì rào khi gió thổi chăng? mình không thích nghĩ vậy, rằng ở thành phố sâu về văn hóa lịch sử, có cây được vua quan thời trước trồng mỗi lúc giao thời lại chẳng nổi tiếng bằng ở thành phố mờ sương.
đem suy nghĩ mà thắc mắc với người bạn sống lâu ở Đà Lạt, bạn nhìn rồi mỉm cười bảo, cậu biết lịch sử nhưng chưa hiểu về địa lý. thông ở Đà Lạt chưa cần sự thi vị để nổi tiếng, bởi riêng bản thân chúng cũng đã mang dấu ấn về lịch sử. các nhà nghiên cứu cho rằng, Đà Lạt là giao điểm thực vật của trục Trường Sơn và Ấn Độ – Đông Dương, nên hệ thực vật nơi này vô cùng phong phú và đa dạng. một trong số loài phân bổ rộng chính là thông. giai đoạn chiến tranh, thông ở Huế vì bom đạn mà điêu tàn; kết thúc rồi thì người ta mới lấy thông từ Đà Lạt đem về khôi phục. nên giờ thông ở Huế, nguồn cội chính là từ Đà Lạt. dù vậy, muốn tìm thông gốc Huế không khó, cứ lên Đà Nam Giao, ở đó vẫn còn vài cây sót lại từ quá khứ, mọc riêng lẻ sát bờ thành, lặng yên đứng giữa trời mà reo.
Bài viết ngày 10 tháng 09 năm 2023
đầm Lập An nước không sâu, cứ tầm tầm mà lưng chừng sẵn. bề mặt đầm vừa phản chiếu như gương, qua lớp sóng nhẹ là thấy cả tầng núi rừng Bạch Mã ở phía sau; lại vừa trong vắt, nước lặng yên là thấy cả lớp rêu xanh mọc phía dưới.
có năm mùa hè khắc nghiệt, nước ở đầm cạn trơ đáy từng đoạn; người ta đi ngang thấy vậy bèn dừng lại, đi bộ ra giữa xem được bao xa, đến đoạn mỏi chân là dừng, mình chưa kịp hỏi là bao xa thì họ đã quay trở lại với chuyến đi dở. lại có năm mùa hè khác, chừng chừng nước ngang đầu gối, dân quanh vùng lựa lúc trời hiu gió mát mà đem lưới ra quăng, xong lát sau hè nhau mà kéo lưới vào kiếm đồ nhắm cho bữa nhậu chiều.
những hôm mùa hè từ Huế chạy ngược vào Đà Nẵng, mình canh lúc vừa tới đầm là tan tầm, đoạn ấy nắng cách đường chân trời chừng 3 đốt ngón tay mà tha thẩn ở đó chụp hình. có những hôm vừa lúc người ta đang kéo lưới, căn vừa khung để chụp thì người ta đi lệch khỏi tấm hình. những lúc ấy, mình chạy xuôi theo đường lưới người ta kéo, áng chừng đoạn vừa tầm mà bấm chụp vội. có mấy lần như thế làm người ta để ý, họ hỏi đang làm gì rồi đòi cho xem hình, mình bắt chuyện rồi bảo nào tráng sẽ in ra, em gửi cho xem. ấy thế đến đoạn xong hết lại nhớ ra quên không hỏi họ là ai, quay lại tìm cũng chẳng thấy, riêng khung cảnh vẫn như tấm hình vừa mới in.
Bài viết ngày 09 tháng 03 năm 2023
hôm rồi có công chuyện nên vào Sài Gòn, chuyến đi vội nên không hẹn được ai, nhưng đủ kịp để mình ghé qua đường sách. dạo qua gian sách xưa, thấy cuốn cực cũ liệt kê phụ lục tạp chí Nam Phong nên dừng lại. thấy chăm chú vậy, một bác lớn tuổi giọng Huế nhẹ mà nặng Sài Gòn như đã vào đây sống từ lâu đứng bắt chuyện, hỏi cũng đọc cuốn (tạp chí) này à?mình trả lời không, đọc thì cháu đọc mỗi Những người bạn Cố Đô Huế (BAVH) thôi ạ. nghe thế bác bảo, bộ này hay, sách từ hồi 192x mà đến nay vẫn còn giá trị, được nhiều người tìm đọc để làm nghiên cứu. nghe thấy mình kể, bộ này cháu mua được gần hết, thiếu mỗi cuốn Thuốc phiện là trọn bộ. vậy là bác ấy bảo thêm, BAVH cũng có một cuốn (tập san) tương tự về Nhã nhạc cung đình khá chất lượng, nhưng bác lại không nhớ tên với tác giả chính xác, chỉ nhớ mang máng là của ông Hoàng gì gì đó viết. mình nghĩ chắc không phải Hoàng Phủ nên thôi không đoán mò. nói chuyện một hồi rồi bác đi sang chỗ khác.
khi bay về Đà Nẵng, ngoài những chuyện xảy ra trong chuyến đi hôm ấy, mình lại nghĩ về bác, mình cho rằng tình yêu Huế với mỗi người sẽ một khác. có người thì đơn giản là đến và cảm nhận, tận hưởng cuộc sống ở đó, xem như chốn dừng chân để nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày tháng mệt nhoài vì công việc; người thì muốn được sống, sẵn sàng và chấp nhận hết mọi vấn đề khi làm vậy để trở thành một phần của Huế; còn có người thì quan niệm, yêu là phải hiểu, nên tìm và đọc rồi nghiên cứu đủ đường, để có đi đến đâu là biết đến đó, hiểu tại sao những điều không như lẽ thường lại vẫn cứ đang tồn tại ở nơi này.
với mỗi cách ấy, mình đều không thể yêu Huế đến nơi đến chốn, chỉ có thể là mỗi thứ một ít rồi quyện lại mà thành, và rất muốn được tập trung yêu nhiều nhất trong từng cách đã kể. mình cũng có những người bạn, được sống ở Huế nhưng không muốn sống tiếp ở Huế; được gặp gỡ và sống trong bầu không khí văn hóa nghệ thuật Huế để có thêm nhiều cơ hội tìm hiểu nhưng lại không hào hứng tìm hiểu. mình nghĩ rằng, đó đều nghiệp chướng mà tụi mình phải nhận; chúng không tốt cũng chẳng xấu, chỉ là tụi mình đều không hài lòng với hiện tại, và muốn một cái gì đó xa hơn. chỉ khác là, có một cái xa để được xa Huế, và một cái xa là để gần Huế hơn.
Bài viết ngày 07 tháng 03 năm 2023
có những hôm trong cuộc đời, tâm trạng mình xuống tận cùng của đáy, tinh thần như giữa cơn mộng mị không lối thoát, và sức lực còn cũng chỉ đủ để ngồi yên thở từng nhịp nặng nề. những hôm ấy là những hôm mình thất bại, bị xem thường, sai lầm nối tiếp những sai lầm, cảm thấy cuộc đời thật bất công, và muôn điều tệ hại khác mà bản thân không muốn nhận nhưng vẫn phải nhận.
những hôm như vậy, điều duy nhất giữ để mình khỏi buông xuôi là kiên định với suy nghĩ rằng, mai rồi sẽ tươi sáng, và bản thân rồi sẽ tốt đẹp hơn trong hiện tạimình không nhớ rõ là từ hôm nào thì bắt đầu nghĩ như vậy, để rồi luôn nghĩ như thế trong những lúc tuyệt vọng, những khi không một ai để bám víu hay một cái gì để tin theo.
dù biết rằng, suy nghĩ ấy quá sức là sáo rỗng để tạo nên sức mạnh cụ thể, hay đủ khả năng dẫn đường chỉ lối giúp mình vượt qua khó khăn trong hiện tại; nhưng chúng khiến đôi mắt mình luôn hướng về phía trước, với nhiều mong đợi và gợi lên tin rằng ở xa ngoài kia sẽ đẹp hơn lúc này rất là nhiều.
mình nghĩ rằng, cuộc sống dù có chọn bình đạm vô tri là phương hướng, hay ưu tiên lập kế hoạch với từng đường đi nước bước thì cũng đều chẳng thể nào tránh được những bất ngờ, những lúc hụt chân mà rơi xuống.
nhưng dù có rơi đến tận cùng, có chìm vào màn đêm đầy tăm tối, có u mê đến lạc lối đến mức nào, thì cuộc sống vẫn sẽ dành đôi ba đường mới mở để mình bước lên lại. cho nên, mình luôn cố gắng giữ cho mình những niềm tin, tin để có thể bám vào mà tiến về phía trước, và quên đi những bất ổn đang tồn tại trong lúc này.
dù giữ cách nghĩ ấy không phải là điều dễ dàng và có thể luôn nhìn thấy hiệu quả, bởi cả bản thân mình đôi khi cũng tự nghi hoặc là sao mãi mà vẫn chưa tươi sáng như mình mong đến vậy. nhưng lý do lớn nhất mình vẫn còn nghĩ thế, và luôn nghĩ vậy là sự an ủi mà chúng đem đến, như một cảm giác động viên, xoa dịu những tổn thương và khơi lên những niềm tin sắp sửa vụt tắt trong người.
Bài viết ngày 05 tháng 12 năm 2023
lúc mới ra Hà Nội, mình nghe và không phân biệt được giọng của người này với người kia, đơn giản là bởi thấy giọng ai cũng như ai cả. ra thêm vài lần nữa, gặp nhiều hơn rồi mới cảm nhận được, giọng của người này và người kia khác nhau thế nào, để khi có không nhìn thấy mặt mà nghe thì cũng biết đấy là ai.
lúc ấy, mình tưởng vì trải nghiệm với người Hà Nội chưa đủ nhiều, nên chưa đủ biết mà phân biệt cho rõ; ấy thế mà sau này, khi sống xa Huế, thỉnh thoảng mới về mới gặp được một người bạn Huế, mình cũng tự nhiên mà mất luôn ý thức về giọng của một người Huế là như thế nào. vậy nên mới có chuyện, ngồi trong quán cafe thấy người ta nói chuyện ồn ào, thử ra xem có gì mà rộn ràng thế, lại nhận ra giọng rất quen thuộc của người bạn lâu ngày gặp, nhưng nhìn kỹ lại thì đó là một người lạ đến không ngờ. thêm một vài lần thế, mình phát hiện rằng giọng người Huế mà mình từng biết nay vỏn vẹn trong đôi ba tone cụ thể, bắt phân biệt ra từng người chắc cũng lại giống như chuyện hồi còn ở Hà Nội không chừng.
dù không thể nghe để nhớ đủ nhiều những giọng Huế thân thuộc, thì điều an ủi cho riêng là mình vẫn giữ giọng Huế đặc trưng, không bị phai lẫn, cũng chẳng bị lai tạp thêm bớt theo thời gian. mình nghĩ, điều an ủi ấy đến từ sự cứng đầu vốn có, khi đã không thích đổi giọng, nói giọng dễ nghe với tất cả mọi người. còn riêng chuyện quên gần hết giọng của người Huế là thế nào, buồn thì buồn thật đấy, nhưng không sao cả, cứ tìm gặp, cứ nghe nhiều thì mình sẽ lại nhớ, sẽ phân biệt được giọng của từng người như trước vẫn thế mà thôi.
Bài viết ngày 05 tháng 02 năm 2023
mình cho rằng, lòng bao dung luôn là một thứ gì đó rất hữu hạn, và co giãn tùy người và tùy thời điểm; mà với riêng mình thì còn thêm nữa, là có xu hướng thu hẹp dần theo năm tháng.
nên nếu trước đây, khi một ai đối xử không tốt, mình vẫn bỏ qua và sẵn lòng chơi tiếp với họ như chưa từng có chuyện gì. vì lúc ấy, mình luôn rất muốn được công nhận và sợ bị bỏ rơi, chưa kể sẽ cảm thấy cực kỳ thảm hại vì không có ai chơi cùng.
rồi sau đó, mình nhận ra hành xử thế là cực kỳ không tốt. bởi chúng tạo ra sự nghi hoặc giá trị bản thân vì luôn phải thay đổi cho vừa lòng người khác, mà không chắc đâu là đúng hay sai; lại vừa không lọc được các mối quan hệ để tìm được ai thật sự sẵn lòng lắng nghe mỗi khi mình cần.
thế cho nên, trong hiện tại khi cảm thấy ai đó làm sai, hoặc không thoải mái với cách hành xử họ dành cho, mình thường bày tỏ để vạch rõ đâu là ranh giới, nếu họ vượt qua thêm lần nữa thì mình chẳng chịu nhân nhượng mà rời đi. có lẽ vậy mà trong những năm gần đây, mình chủ động rời xa những mối quan hệ thiếu lành mạnh, (sẽ thật buồn nếu gọi đấy là mối quan hệ toxic), để đối lấy sự thoải mái và trong lành cho những mối quan hệ hiện có.
nhưng nếu cho rằng, toàn bộ sự thay đổi ấy chỉ đến từ lòng bao dung dần bị thu hẹp thì không hẳn đúng lắm. bởi cũng trong hiện tại – mình quan trọng khoảnh khắc hơn là sự hiện hữu của tất cả mọi người. hiểu đơn giản thì, dù không còn chơi hay thân thiết với một ai đó, mình vẫn nhớ và giữ những kỷ niệm đẹp mà tụi mình từng có với nhau; vì trong khoảnh khắc của sự đẹp đẽ ấy, mình biết rằng cả 2 đều đang đối xử với nhau rất chân thành, nên cần chi nghi hoặc, phải xóa nhòa. chỉ nhiêu thôi những điều ấy cũng đủ, vì làm gì có ai ở bên cạnh được mãi, chấp nhận họ rời đi và giữ lại những chân thành là điều thật sự nên làm.
bài viết đầu tiên của năm, dù hiểu hàm ý bài này theo cách nào đi chăng nữa, mình mong mọi người luôn có những khoảnh khắc, kỷ niệm đẹp bên những người bạn thương mến của mình. và mình cũng biết, khi một ai đó đọc bài này, sẽ cảm thấy như đang được nhắc đến, nếu có vậy thì có lẽ là đúng như vậy thật; nhưng cũng dù thế nào đi chăng nữa, mình vẫn nhớ về bạn, và sẵn dành một nụ cười chào nhau nếu tình cờ gặp ở đâu đó.
Bài viết ngày 05 tháng 01 năm 2023
dù thích viết và muốn trở thành nhà văn, mình luôn có một nỗi sợ vô hình tồn tại là xong tác phẩm hoàn chỉnh, thì người ta không còn hứng thú với việc đọc sách nữa. sống trong thế giới mà thông tin luôn ngập tràn, mọi người ngại bỏ lỡ nên cố gắng tiêu thụ chúng nhiều nhất có thể; thì việc chậm lại và chú tâm vào từng dòng chữ, đọc hết từng trang trong cuốn sách có vẻ đang dần xa vời.
hồi trước, khi đọc 451 fahrenheit (Ray Bradbury), có đoạn mô tả chính xác viễn cảnh ấy diễn ra là thế này: anh đã thấy cái biển quảng cáo dài 70 mét ngoài ngoại ô chưa, trước chúng chỉ dài 7 mét thôi. nay xe chạy nhanh quá, người ta phải kéo dài như vậy thì thông tin mới hiện đủ lâu, để tài xế nhìn thấy được trên đó có gì.
dù thích hay không thì, chẳng ai có lỗi hay đúng sai gì ở đây cả, đó đều là lựa chọn của mỗi người để phù hợp hơn trong thực tại của họ. chỉ là, mình thích viết và muốn trở thành nhà văn, thành người viết lách thực thụ; nên sản phẩm phải là từ ngữ, là sách vở chứ không thứ gì khác.
nên khi gọi đấy là nỗi sợ thì có vẻ tiêu cực, có lẽ đúng hơn sẽ phải là lo lắng, là vấn đề cần giải quyết trong hành trình viết. nhưng khi bảo đấy là nỗi sợ vô hình thì cũng có lý lẽ của riêng chúng; bởi vì, mình biết điều ấy khó có thể xảy ra trong hiện thực, và quá khứ cũng nhiều lần chứng minh như vậy.
lúc trước, khi phim ảnh và truyền hình xuất hiện, thông tin được thể hiện cực kỳ trực quan, giúp việc tiêu thụ trở nên dễ dàng; người ta khi ấy đã lo sức mạnh của chúng sẽ dần giết cảm xúc văn chương. nhưng dần theo thời gian, phim ảnh là phim ảnh, sách giấy vẫn là sách giấy, vẫn ngôn từ cảm xúc như chúng đã từng; mỗi bên là một vùng trời riêng, đôi khi tương hỗ và cũng chẳng mấy lúc xâm phạm lẫn nhau. trong hiện tại, điều này cũng gần tương tự, chỉ khác là có thêm nhiều lựa chọn và chúng cũng cạnh tranh trực tiếp với phim ảnh, và cũng chừng ấy lựa chọn được đưa lên bàn cân để so đo với sách vở, văn chương.
dẫu vậy, chẳng gì tồn tại mà không có vai trò cụ thể, nỗi sợ mình mắc phải cũng thế mà thôi. mình nghĩ, lý do cho việc chúng dù thiếu căn cứ nhưng vẫn khiến mình nghĩ nhiều là cách để nhắc nhở, hối thúc nên làm nhiều hơn trong một thế giới biến động và thay đổi không ngừng.
Bài viết ngày 04 tháng 09 năm 2023
đang vào mùa nên dạo này cứ tối là trời lại thi thoảng mưa. từng sống ở nhiều thành phố trong khoảng thời gian vừa đủ, nên những cơn mưa bất chợt lúc đêm về dạo gần đây không khiến mình bất ngờ lắm. mình nghĩ rằng, ở những nơi mình từng đi qua sẽ có cách mưa khác nhau, chúng có thể là tính đặc trưng hoặc là vì sự bất thường từ nơi ấy.
khi ở Huế, lúc chưa vào mùa thì mưa rất bất thường, mưa ào xuống ngay lúc trời tắt nắng và tạnh khi chưa kịp mang áo mưa xong; hoặc có những ban chiều trời đang nắng nhưng trên đầu vẫn có mây đen, và lát sau cũng mưa và tạnh theo cùng cách ấy. còn khi vào mùa, trời ở Huế hoặc mưa suốt, hoặc rất lạnh, nhưng chúng sẽ hiếm khi vậy bởi đa số là có đủ cả 2.
khi ở Đà Lạt, mưa vào mùa là những cơn mưa xối xả lúc ban chiều, mưa suốt buổi đến khi tạnh hẳn là trời cũng dịu hẳn. nếu ra ngoại ô lúc ấy, cỏ không cần non cũng sẽ mềm và thơm mùi đất như ban sáng; nếu ở giữa rừng hoặc từ trên đất cao nhìn xuống, là sẽ thấy những gợn mây còn sót lại lãng đãng bay cho đến sáng sớm hôm sau.
khi chưa vào Sài Gòn, bạn kể rằng trời hay đổ mưa khi mọi người đang ngủ, nên dù có quen với mưa Huế lâu năm thì vẫn giật mình tỉnh giữa đêm bởi mưa rì rào ngoài mái hiên. nếu hôm nào cơn buồn ngủ không thắng được cơn mưa, bạn ngồi dậy và hướng mắt ra ngoài để nghe thật rõ tiếng mưa rơi; có lẽ, bạn bảo, vì suốt ngày sống trong không khí oi bức náo nhiệt, nên được lúc trời dịu thì phải hít hà thật nhiều mà tận hưởng.
khi vào Sài Gòn, mình học theo những điều bạn kể vào đêm về có mưa rơi. mình khác một chút, trong đêm tối không ngồi dậy, cứ nằm yên mà nghe từng đoạn tí tách trên mái nhà. không rõ là liệu bạn có kể thiếu, hay giấu điều gì đó làm của riêng, nhưng mưa Sài Gòn với mình là sự bù đắp đầy dịu mát sau những tháng ngày oi ả không biết cảm giác se lạnh mùa đông là gì. thi thoảng trong khoảnh khắc ấy là nỗi nhớ về những cơn mưa Huế, nhưng chúng nhạt nhòa lắm, bởi mưa ở đây có giống ở Huế chút nào đâu…
và khi sống ở Đà Nẵng, vì ở quá lâu nên mọi cơn mưa trên đều có hết. mình không đón nhận điều ấy bằng sự tổng kết mà bằng trải nghiệm, để mỗi lần nhìn vào từng cơn mưa trong từng kiểu, mình lại có dịp để nhớ về những kỷ niệm đẹp ở những nơi đã từng đi qua.
Bài viết ngày 03 tháng 10 năm 2023
ở biển, cứ sáng sớm người ta lại đẩy thuyền vào, và cứ chiều muộn là kéo lưới, để đem vào những mẻ tôm cá tươi xong bán tại chỗ. câu chuyện của tấm ảnh này vì thế cũng khá đơn giản: cô tiểu thương đem thùng xuống mép biển múc nước, để đựng mẻ cá tiếp theo; trong buổi sáng sóng động, cứ mạnh mẽ đập nhả từng đợt vào mép bờ.
những sáng sớm ở biển, mình lang thang theo hành trình từ lúc thuyền còn ở ngoài khơi, mặt trời chưa lên và người ta đã đứng đợi sẵn; đến khi thuyền sắp cập bến, hoặc khi lưới kéo vào gần bờ thì người ta ùa xuống biển, lặn lội mà phụ sức đẩy thuyền rồi kéo lưới vào. tiếp diễn sau đó là như một phiên chợ bình thường, người trước đó lội xuống biển nay thành tiểu thương, miệng vừa rao vừa rưới nước biển lên chiếc rá đựng tôm, hoặc chỉ tay vào chậu cá đang lượn lờ chậm rãi; người trước đó đứng trên bờ nay vừa đi vừa nhìn, lựa xem bữa hôm nay sẽ ăn gì.
trong những sáng sớm ở biển ấy, mình chụp rất nhiều, cả ảnh số lẫn ảnh film, nhiều đến độ, thỉnh thoảng nhận ảnh tráng rồi phát hiện, à khung cảnh này trước đó đã chụp vài tấm rồi nè. dù vậy, chưa tấm ảnh nào khiến mình thật lòng ưng ý, cả về bố cục, màu sắc lẫn câu chuyện thể hiện. đôi lần mình hoài nghi, dành nhiều thời gian ở biển mà không được gì ưng ý, thì ở biển này không có điều mình đang hướng đến, hay tự bản thân không nhìn ra được điều ấy ở nơi này?
bảo là tự hoài nghi vậy, chứ thật ra mình biết vấn đề là ở đâu, nên mới có chuyện là suốt 3 năm quay lại Đà Nẵng, mình luôn cố gắng dành vài sáng cuối tuần mùa hè ở biển. với mình, sự hoài nghi ấy như cách nhắc nhở, để biết rằng trong hành trình chụp ảnh mà mình đang theo đuổi là có vài điều khiến bản thân chưa hài lòng, chưa thích thú.
mùa thu sang và tháng 10 cũng vừa đến, trời thì âm u và mùa đông sắp cận kề, những sáng ở biển trong thời điểm này vì vậy chẳng còn thú vị để mình đặt báo thức thật sớm nữa. dẫu vậy, mình mong khi một mùa hè nữa lại đến, trong hành trình miệt mài vốn đã đi, một lúc nào đó và một khoảnh khắc nào đó ở biến sẽ khiến mình dừng lại, vừa trầm trồ tận hưởng vừa nhanh tay bấm chụp lưu lại.
còn lúc này? mình sẽ tận hưởng một mùa thu đang đến, với nhiều dư âm và mùi vị đặc trưng, quen thuộc khắp mọi nơi mình ghé qua.
Đọc thêm các tuyển tập viết văn khác
