Tuyển tập viết văn năm 2021 là tập tản văn được chắt lọc từ những bài viết đăng tải trên Instagram cá nhân của nhavantuonglai trong suốt năm vừa qua.

Tuyển tập viết văn năm 2021

Tuyển tập viết văn năm 2021 là tập tản văn được chắt lọc từ những bài viết đăng tải trên Instagram cá nhân của nhavantuonglai trong suốt năm vừa qua.

166 phút đọc  · lượt xem.

Tuyển tập viết văn năm 2021 là một tập hợp những tản văn đầy cảm xúc, được chắt lọc từ những bài viết đăng tải trên Instagram cá nhân của nhavantuonglai trong suốt một năm qua.

Mỗi bài viết trong tuyển tập viết văn này là một lát cắt tinh tế của cuộc sống, mang đến góc nhìn mới mẻ, sâu sắc và đôi khi đầy bất ngờ về những điều tưởng chừng rất đỗi quen thuộc. Đây không chỉ là một dự án cá nhân mà còn là bước đệm quan trọng trước khi nhavantuonglai chính thức đưa những tác phẩm này đến với độc giả qua một ấn phẩm hoàn chỉnh trong tương lai.

Đọc trọn các bài tinh tuyển tập viết văn năm 2021

Hy vọng rằng từng con chữ trong tuyển tập này sẽ chạm đến trái tim bạn, khơi gợi cảm xúc, và rất mong nhận được những lời góp ý chân thành từ những tâm hồn yêu văn chương.

Một ít ghi chép để nhớ về 2021

là một năm trầm lặng, trải nghiệm của bản thân mình cũng không hơn kém mọi người là bao. dẫu thế, vẫn có đôi điều mình đã thực hiện được, nhất là khi so với giai đoạn trước – thì đó là không thể.

rời Sài Gòn. ba mẹ ngày càng già yếu, và đám tang của ông nội khiến mình chùn chân ở phương xa. từ bỏ sự nghiệp đang ngày một phát triển, mình chấp nhận quay về vì nhận ra điều gì là quan trọng nhất. lựa chọn từ bỏ, không đồng nghĩa nơi này là không phù hợp, mà chỉ là mình không sẵn lòng ở lại lâu hơn, và dễ dàng đánh đổi nhiều rủi ro hơn. chia sẻ một cách ích kỷ thì, mình may mắn với quyết định này.

trở lại Đà Nẵng. Huế vẫn chưa đủ tiềm năng để phát triển. Đà Nẵng thì cơ hội vẫn còn đó và bạn bè vẫn ở đây. một vài thứ đã thay đổi, một vài điều vẫn như vậy. trải nghiệm có lúc đong đầy, có khi lại nhạt nhẽo. nhưng tựu trung, như bạn đã nhận xét – về đây rồi khiến mình tràn đầy sức sống hơn.

giới hạn vòng tròn kết nối. bạn đến công tác nên tình cờ gặp, giữa dịp trò chuyện bạn hỏi nơi này hẳn bạn bè nhiều lắm nhỉ? mình trả lời rằng đếm đầu ngón tay cũng chưa hết 2 bàn. trong năm qua, mình trở nên khó tính và mở lòng nhiều hơn với những mối quan hệ. những người bạn độc hại, thiếu lành mạnh, dù quen thân lâu đến đâu, mình vẫn dứt khoát rời đi và không muốn gặp lại. mình cũng có thêm vài bạn mới, là những người đem đến sự tin cậy đủ để mình dốc lòng, sẵn sàng chấp nhận cái tôi riêng để cùng chia sẻ điều ấy đến với mình. thu hẹp vòng tròn, giúp mình quan sát tốt hơn, kết nối trọn vẹn, và hiện diện rõ ràng mỗi khi họ cần.

nói rằng mình thích họ. bạn đi du học, mình không rõ mất bao lâu mới hết buồn. trước lúc bạn lên đường, mình kịp gửi lá thư tay, rằng mình thích bạn; nhưng không vì cảm xúc ấy, mà mình cản trở quyết định bạn đã chọn. bạn cứ sống cuộc sống của riêng bạn, mình cũng sống cuộc sống của riêng mình. tụi mình đều có những mục tiêu, và đang từng bước đuổi theo chúng. hiện tại không ai chung đường ai cả, còn sau này duyên thế nào thì hãy cứ để chuyện sau này. không dễ để nói ra, và chấp nhận điều không may sẽ đến tiếp theo đó; nhưng dù vậy, mình vẫn chưa từng hối hận khi bày tỏ điều ấy đến người mình muốn được bày tỏ.

Bài viết ngày 31 tháng 03 năm 2021

lúc ban đầu, mình không thật sự nhận ra vẻ đẹp mà mình tạo nên từ những chiếc lá, hoa ép. phải khi tháo nẹp, lật ra từng trang để xem thành quả dưới nắng, mới không thôi bất ngờ, và trầm trồ vẻ đẹp của nó.

với mình, đó là một sự chuyển tiếp kỳ vọng. khi mà, dần dần càng lúc càng nhận ra thành quả nhận lại lớn lao hơn những gì mình nghĩ, thì việc nâng tầm trải nghiệm là điều đương nhiên. do vậy, việc tìm kiếm một công viên phù hợp, nơi có đủ loài hoa cỏ cho mình sáng tạo là điều đương nhiên phải làm.

mình cũng may mắn, khi gặp Mỹ Anh trong một lần dạo công viên. đó không phải là tình cờ, mà là cuộc hẹn trước, sau những tháng ngày dài không gặp, và không thể sắp xếp cuộc hẹn như ý. sang công viên, dễ chiều cũng thoải mái cho cuộc trò chuyện hơn là một quán café nào đó mà tụi mình biết.

mình gặp em lúc hoa mùa xuân đang dần chớm nở. đi qua từng khóm cây với bụi hoa dọc đường, mình cũng lắc đầu theo câu hỏi biết đây là cây hoa gì không. thực ra mà nói, tụi mình chẳng quan tâm ấy là hoa cỏ gì, mà chỉ quan tâm làm sao được bông hoa đẹp nhất, làm thế nào để sắp xếp chúng hoàn hảo nhất. đó là một cuộc tranh luận đơn giản, dễ chiều lòng nhau, với những thử nghiệm được thực hiện ngay sau đó.

với những cảm quan nghệ thuật riêng biệt, tụi mình cũng dần có những thành quả như ý, đẹp đẽ ngay khi mình tháo nẹp cho lần tiếp theo. sự đồng điệu của 2 đứa trong lần ấy đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, đem đến nhiều bất ngờ thú vị và cũng rất giá trị cho cảm xúc. nhưng một vẻ đẹp khác, cũng khó kiếm và khó xuất hiện lại thêm lần nữa. đó là kỷ niệm giữa mình và em. khi đó là cuộc hẹn cuối cùng, trước lúc mình tạm biệt Sài Gòn và trở về với Đà Nẵng…

Bài viết ngày 31 tháng 01 năm 2021

đoạn bạn hỏi, Sài Gòn mệt mỏi lắm à, mình rằng ở đâu mà chẳng mệt, chỉ là nơi này xô bồ quá nên không quen.

dù trả lời là vậy, mình vẫn tìm được đôi góc yên bình, tĩnh lặng ẩn sâu nơi nào đó trong thành phố này. nhất là những buổi sáng cuối tuần chạy qua Quận 1, đi qua những hàng cây lớn và góc đường vắng xe của người đi làm, đoạn ấy không khí thường rất trong và nắng chưa lên cao nên khá mát mẻ. nếu khi đủ can đảm, mình sẽ rẽ hướng vào một góc, ngách nào đó mà tận hưởng một cảm giác mới.

đi vào đâu đó, mình lại bắt gặp những hàng hiên đầy cây hoa và chậu lá nhỏ to các kiểu, một số thì mình gọi được tên, và một số là không. nếu đi được sớm, thì sẽ thấy luôn sương vẫn còn đọng trên nhành lá, còn mùi hoa là vẫn đượm mà chưa phai.

thi thoảng, những lần dừng ấy lại kéo thêm ai đang đi cũng dừng lại, tới hỏi xem hoa cỏ gì thú vị thế? những lần vậy, mình đều là không biết, trả lời thật lòng mà ra chứ không vì không muốn trò chuyện. cũng có lúc, có người gần đó lại bảo, cây này trồng khó lắm nè, 2 năm rồi hoa mới nở, chiết được giống xịn mà mấy cây kia khó sống quá… mình nghe bằng tất cả sự thú vị, xem đó như là cách để định nghĩa cuộc sống có gì thú vị khi bạn thắc mắc mỗi lúc nhắn tin hỏi thăm.

Bài viết ngày 30 tháng 11 năm 2021

ta mang về em một chút đường,

tan tan vào ta ta bớt đắng.

hôm rồi Dory không đem đường đến, bởi tụi mình đều hảo ngọt sẵn cả rồi. em đem mấy nhành bạch đàn, bảo mùi thơm và để được lâu. mình đem về rồi mua chiếc bình nhỏ, châm ít nước và bắt đầu ngắm hoa. được vài hôm thì hoa bắt đầu nở tiếp, bắt đầu là những chiếc nắp nhỏ đậy hoa rơi xuống, nhụy bung dần rồi cứ vậy mà thơm lừng cả căn phòng.

bạch đàn thì mình không lạ lắm, bởi những ngày còn vào rừng cao su để khai thác mủ, mình phải dậy sớm, băng qua cánh rừng là những cây bạch đàn cao khẳng khiu. đi dưới màn đêm lờ mờ ánh đèn với màn sương, mình cảm nhận rõ sức mạnh tự nhiên của ban sớm là thế nào – nó dậy mùi mọi cỏ cây hoa lá, dậy mùi rất tự nhiên, những mùi mà lúc bình thường phải ghé sát mũi mới cảm nhận thoang thoảng.

sức mạnh ấy, không phân biệt nơi nào cả – dù trong rừng hay trong vườn cũng đều như thế. những ngày bưởi, thành trà trong vườn nở hoa, là những đêm mùi hoa ngập tràn khắp không gian, lan rộng thêm đôi quãng đường ngắn quanh đó. trong ký ức của mình, trải nghiệm đó thật là tuyệt vời.

nay thanh trà nhà mình đã già cỗi, không còn đơm hoa nhiều như trước; rừng cao su giờ cũng đã hạ, hòa cùng những cây bạch đàn cũ mà thành rừng cây mới. mùi trong vườn, mùi trong rừng mình từng có nay cũng thay bằng mùi vị khác, còn mùi trong ký ức thì chắc thêm một thời gian nữa là thay bằng mùi mới.

Bài viết ngày 30 tháng 10 năm 2021

nay hẹn bạn cafe sau nhiều ngày không gặp. đến quán hẹn thì cửa đóng then cài, biển hiệu tháo từ lúc nào chẳng rõ, cảnh tiêu điều từ trong ra ngoài như thông điệp rõ ràng: quán nay đã dẹp.

5 tháng bất an vì dịch, 4 tháng quán xá đóng cửa vì chống dịch, nên điều hiện ra trước mắt không làm mình ngạc nhiên quá; khi có phải ai cũng sẵn lòng bám trụ mặt bằng thêm vài tuần, vài tháng trong mùa này, rồi chẳng biết khi nào mới được mở bán lại?

tuy hụt hẫng vì không còn điểm hẹn sau này cùng bạn bè; mình lại thấy điều ấy không diễn ra rộng quá, những nơi mình muốn đến sau giờ làm, trong những gợi ý cùng bạn khi muốn gặp nhau vẫn còn đó, vẫn chưa vội biến mất. dù rằng dịch phủ màn sương dày đặc lên tất cả, không ai là thoát khỏi và ai cũng trầy xước ít nhiều; nhưng sau tất cả, sau cơn ác mộng vẫn đang dai dẳng, thì vẫn được sống và được tự do hít thở bầu không khí trong lành, thì cứ xem là điều may mắn.

xin đừng nghĩ cảm giác ấy là sự vô cảm, vì lòng trắc ẩn riêng nó biết nơi nào phù hợp để xuất hiện. và hơn hết, nỗi buồn, may mắn hay một cảm giác nào khác cũng chỉ là cảm xúc nhất thời, nhanh đến rồi cũng nhanh bị qua đi. chỉ có mất mát là hữu hình, tồn tại mãi và đau thương dài lâu. và thêm nữa, cơn ác mộng vẫn còn dài, cũng đâu biết điều gì sẽ sớm bị lấp đầy trong sớm muộn.

nên, hãy cứ thấy may mắn, khi bản thân vẫn còn đó, mọi thứ xung quanh mình yêu thương vẫn đang tồn tại…

Bài viết ngày 29 tháng 09 năm 2021

tối nay nấu canh, lỡ cho nhiều muối và chữa không hết, vừa ăn vừa nhăn mặt, xong lại nhớ đến người bạn không bao giờ nêm gia vị vào thức ăn của mình.

lần đầu tiên bạn mời ăn khi ghé chỗ bạn, những miếng đầu của bữa cứ cảm thấy sai sai, không lẽ do khẩu vị nên không hợp vị? gắp tiếp vài miếng, mới hay rằng đồ bạn nấu chẳng có vị gì nhiều cả, tất cả các món đều như vậy. bữa ăn với bạn không phải dở, nhưng lạ lùng khiến mình vừa ăn cầm chừng vừa nghĩ ngợi.

xong bữa, mình đem thắc mắc ấy hỏi bạn. bạn bảo rằng không phải bản thân thích ăn nhạt đâu, mà bạn thích ăn đúng vị của từng nguyên liệu, từng món bạn làm. nó giống như cách thưởng thức trọn vẹn cái hấp dẫn của từng nguyên liệu – điều đã bị gia vị lấn át, và điều chỉnh cho vừa miệng ăn. nên khi ăn, sẽ không gì cản trở hương vị đích thực của từng nguyên liệu, mùi thơm của rau củ, mùi tươi của thịt cá, đều chân thực và trọn vẹn.

vừa nghe bạn nói, mình vừa liên tưởng lại bữa ăn lúc ban nãy, sự bối rối khi ăn, khiến mình quên thưởng thức cái gọi là hương vị đích thực như bạn nói, đúng hơn là không hề chủ tâm cho điều ấy. nghĩ thế, và nhận ra vậy, khiến mình suýt xoa vì lỡ nhịp thưởng thức một trải nghiệm lạ kỳ.

may mắn là trước khi bạn rời khỏi nơi mình sống, thêm đôi lần bạn mời mình bằng những bữa ăn nhàn nhạt như vậy. tâm thế ăn lúc ấy như đã khác, không chỉ đơn giản là lấp đầy cái bụng đói, mà còn là tận hưởng hương vị đích thực của từng nguyên liệu bạn chọn để mời mình.

Bài viết ngày 29 tháng 05 năm 2021

bức ảnh này được chụp từ máy của một người bạn, khi bạn cần kiểm tra xem liệu máy có thật sự ổn trước khi đem bán. tụi mình chia cuộn film làm đôi, bạn chụp một nửa và mình cũng thế. mình cầm chụp những ngày chạy lên Sơn Trà rồi về lại Huế, chậm rãi đi qua dịch và hoàn tất cuộn khi ngoài cộng đồng đang có rất nhiều ca.

chỗ mình hay ký gửi để đem film đi tráng, nay nằm trong vùng cách ly vì có ca nhiễm, bạn từ Huế gửi film vào nhớ tráng thế cũng không được. tụi mình đành gói ghém lại và tự gửi ra Hà Nội.

hơi cồng kềnh một chút là, film bạn chụp những ngày ở Hà Nội, đem về Huế rồi lại vào tay mình ở Đà Nẵng, xong lại gửi ra ngoài kia để tráng. còn mình, cuộn film mới chụp xong ấy sẽ không biết khi nào mới cầm trên tay – như những cuộn film khác mà các bạn đã tin gửi, nay mình vẫn chưa có dịp để gửi lại từng bạn.

dịch lần này có vẻ rất phức tạp, mình thật sự mong mọi thứ sớm kết thúc. lúc ở xa thì chờ đợi đến mấy cũng được, nhưng khi cạnh nhà mỗi con đèo, mà vẫn phải chờ đợi tuần này sang tuần khác đến hao gầy như hiện tại thì chẳng vui chút nào.

Khi người kể chuyện rời đi

rất tình cờ trong nhiều dịp, mà mình lại có thêm một người bạn mới. không vì sự tình cờ ấy mà lướt qua nhau, bởi mình đã dừng lại vì bạn rất biết cách kể chuyện, đủ hấp dẫn để níu lại mà nghe.

những người như bạn, mình gọi là (những) người kể chuyện. bởi những lần gặp gỡ là những lần mới mẻ với bao điều thú vị qua ngôn từ của bạn. một thế giới quan sinh động, một chiều sâu nội tâm đầy phong phú, hay đơn giản hơn là đôi mắt có thiên hướng nghệ thuật; đều ít nhiều mà tạo nên hình ảnh của người kể chuyện để khiến những người như mình, phải dừng lại trong cuộc đời của bạn.

trong thế giới của bạn, mọi điều diễn ra hoặc vô cùng thú vị, hoặc vô cùng sâu sắc; đủ điều để chiêm nghiệm, và cũng đủ hấp dẫn để kể cho mình nghe. nói chuyện với bạn thường rất vui, vì bản thân không chỉ rộng mở cảm quan cá nhân, mà còn rộng mở thêm những suy nghĩ trong lòng. điều này khác với việc đọc một cuốn sách, nghe một podcast, bởi đó là sự cảm nhận đơn điệu từ một giác quan duy nhất. khi bạn kể, là cả thế giới sống động, với đủ ngôn hình cử chỉ.

mà không phải lúc nào cũng toàn chuyện sâu sắc nặng nề đâu, có những khi tầm phào đến nhạt nhẽo, vô vị đến bất ngờ. nhưng dù thế thì mình vẫn không thể nào chán, bởi đối diện là một người kể chuyện đang kể chuyện cơ mà, sao phải vội chán cơ chứ?thế rồi có những khi bạn lại tạm biệt, rời xa mình và không còn kể nhiều như trước. một lẽ đơn giản là thế giới quan của bạn quá rộng, mà nếu cứ níu chân ở lại đây thì sẽ nhanh nhạt nhẽo vô cùng. nên bạn đi để thêm rộng mở tầm mắt, bạn im lặng để chữ lại vun đầy cho chuyện thành thú vị.

những khi điều ấy đến, mình xem đó là một tín hiệu, báo hiệu rằng bản thân cũng cần lắm sự thay đổi. vừa để quen với sự biến mất của bạn cùng những câu chuyện; cũng vừa tạo nên sự khác biệt, dần thay đổi để khi còn gặp lại, mà còn chuyện thú vị rồi kể bạn nghe.

Bài viết ngày 28 tháng 12 năm 2021

năm ngoái, dịp trò chuyện nào đó, bạn hỏi sao không nghĩ đến chuyện làm podcast những bài mình viết, chúng vốn đã hay và sẽ phù hợp với những ai đó khi đọc. mình nói, giọng mình hợp để tâm sự, không hợp để truyền cảm hứng; đem giọng đi đọc podcast thì người ta ngủ hết chứ còn đâu mà nghe.

thế xong bạn bảo, thế để đó đọc cho, dù gì cũng có kinh nghiệm làm MC, người ta không ngủ sớm vậy đâu. bạn hào hứng nói rồi để đó thật, giờ sắp hết năm và vẫn chưa thấy câu chữ nào của mình trên podcast nào cả.

ở chiều ngược lại, bản thân mình cũng đâu khác gì bạn. hỏi địa chỉ nhà bạn, hào hứng bảo sớm đợi rồi mình sẽ viết thư gửi đến. thế rồi hết năm này qua năm khác và mình vẫn chưa có chữ nào viết cho bạn. lý do thì có nhiều, muốn bịa ra thì cũng không có gì khó; nhưng cũng chắc không khác gì bạn, bận rộn và chưa phải lúc thích hợp.

mình không trách bạn, nên cũng mong các bạn không trách mình. mình tha thứ cho sự lãng quên của bạn, và hy vọng những ai đó cũng lãng quên lời hứa để tha thứ cho mình. tụi mình không trách nhau, bởi chẳng có ai làm tròn điều mình nói cả. tụi mình tha thứ cho nhau, chắc là bởi vẫn muốn chơi cùng dài lâu.

Tất cả chúng ta đều không ổn

giai đoạn này, những cuộc trò chuyện để níu tinh thần, động viên nhau diễn ra nhiều hơn, sâu sắc và cởi mở hơn trước mà mình từng thực hiện, và cả chứng kiến nữa.

qua những lần như vậy, mình để ý rằng chẳng có ai là ổn hoàn toàn cả. ai cũng có vấn đề của riêng mình, và có khi là vấn đề chung mà mọi người cùng đang gặp phải. chỉ là, khả năng chấp nhận, sức chịu đựng mỗi người một khác; nên cách đối mặt, hay thể hiện ra cũng như vậy.

nếu bạn đang thật sự không ổn, và cảm thấy có vấn đề với sự không ổn đó; đừng ngạc nhiên quá. ai cũng có sự yếu đuối của riêng mình, và chút mạnh mẽ mà có thể bạn chưa tìm ra. có thể chưa đến, hoặc bạn chưa gặp đúng cuộc trò chuyện để vực nó dậy.

nếu người đối diện với bạn không ổn, và bạn không biết làm thế nào để an ủi, hãy bắt đầu bằng việc đừng xem nhẹ sự không ổn của họ. bởi, sức bạn chịu khác, và của người đối diện cũng như vậy. và có người, họ cần người lắng nghe, hơn là những lời chia sẻ. không nói gì, nhiều khi cũng quan trọng không kém sự diện hiện, vào lúc này.

sức khoẻ tinh thần, nhìn nhận theo hướng tích cực trong giai đoạn này, là điều mà mọi người quan tâm nhiều, bày tỏ và tìm cách chấp nhận nhau nhiều hơn. đó vừa có thể là chìa khoá để chúng ta hiểu nhau hơn, và cũng có thể là cách để bớt mông lung vô định hơn trong lúc này. nên, hãy chia sẻ, và chấp nhận với nhau rằng chúng ta đều không ổn.

Bài viết ngày 28 tháng 04 năm 2021

bạn mình hay nghe nhạc Âu, bảo không thích tuổi 27 lắm, vì tuổi này nhiều người phải sống mãi với tuổi trẻ của họ, trong số ấy là cả thần tượng của bạn. tia sáng hiếm hoi ở cuộc trò chuyện cực kỳ tăm tối đó, có lẽ là tuổi trẻ hữu hình (của thần tượng) không bị thời gian tàn phá nên mãi ở trong lòng bạn. sẽ luôn nông cạn để diễn tả, (bạn chia sẻ), rằng biết một ai lúc còn niên thiếu, phải đau khổ vì sự ra đi khi trưởng thành, và nhận ra bản thân đã giờ hơn những năm tháng đã bỏ rơi kia…

cuộc trò chuyện này gợi mình nhớ về những quen lẫn kẻ biết, lỡ một điều gì trong đời nên phải dừng giữa lưng chừng. những khi đó, mình không dám đến gặp họ lần cuối, bởi nỗi sợ khi phải đối mặt với sự đau đớn của người ở lại, cùng bầu không khí rằng vẫn còn đâu chút day dứt của người ra đi… cảm giác ấy, hẳn nhiên khó xuất hiện ở tình huống tương tự, của một ai khác ở bên kia cuộc đời, khi mọi thứ để lưu luyến trước lúc ra đi chỉ còn được đếm trên đầu ngón tay. lý lẽ đơn giản, phải chăng được gói gọn trong hai chữ dở dang và đủ đầy?

mà mình nghĩ, dù là tuổi nào đi chăng nữa, khi 27 hay đang tuổi nào khác, lúc nhựa sống vẫn cứ căng tràn nhưng phải dở dang kết thúc – thì ai rồi cũng vậy, cũng sẽ buồn, day dứt nhiều lắm. nhưng nếu cứ bám vào nỗi buồn đầy vô định ấy, để lựa chọn và chấp nhận cuộc sống vội vàng không điểm tựa để tiến bước – thì cuộc đời đó, có dài bao nhiêu chăng nữa cũng có nghĩa lý gì đâu cơ chứ?

bởi lẽ, ký ức (về thần tượng) của bạn vẫn nguyên vẹn dù tháng năm miệt mài trôi qua, sự đau khổ không gì diễn tả, chẳng thể thay thế của người ở lại, đều chung một điểm – là cảm giác hiện hữu sống động, sự quan trọng trong đời sống tinh thần của riêng từng người. những điều như thế, có thể tự nhiên đã vậy, hoặc cũng là nỗ lực mà thành, cân đo đong đếm có thể vơi đầy, nhưng trân quý thì đều nặng như nhau.

tuổi 27 đến, mình không mong được nhiều người biết đến (vì mình biết là bản thân không giỏi trong việc kéo người khác đến bên cạnh), cũng chẳng cần quan trọng thêm với một ai khác; mình chỉ muốn sống tốt, sống trọn vẹn với những niềm vui đang có và chia sẻ nó đến xung quanh, để một khi tự nhiên mà biến mất – thì vẫn còn đâu một chút hình ảnh đọng lại trong lòng người.

Bài viết ngày 28 tháng 02 năm 2021

cứ thi thoảng cuối tuần, mình lại dậy sớm và chạy ra ban ngoài, có lẽ đó là lúc mình thấy bản thân sống động nhất, và có nhiều ký ức để nhớ về nhất khi ở Sài Gòn.

một hôm, hẹn bạn sang hồ Con Rùa, đi thế nào mà gặp đúng lúc có đàn bồ câu đang thơ thẩn mổ hạt ở góc bên đường. mình dừng xe, nhẹ nhàng đi tới thì đôi con dạt ra, xem chừng người đang rải hạt kia là lạ với mình thôi, chứ với chúng là không phải.

hình ảnh lúc ấy, làm mình nhớ đến những thanh tre nhỏ gắn trên thân các cây lớn ở công viên trong thành phố, trên đầu thanh là đôi miếng trái cây, thanh này là táo, thanh kia là chuối, rồi lê, ổi… nếu lặng yên quan sát và kiên nhẫn chờ đợi, lát sau là từ trên sẽ có chú sóc leo xuống, vội vàng rút quả ngọt ra và lại leo lên, tận hưởng chiến lợi phẩm từ một góc đầy an toàn với chúng.

mình cũng được đọc đâu đó rằng, có một người dành cả chục năm liền, bỏ tiền ra nuôi cũng con thú sống lang bạt giữa lòng thành phố, bằng những miếng ngọt và tấm lòng thương ái. nghe chuyện ấy, thật sự mình không ngạc nhiên lắm, dù rằng nó hơi vô nghĩa và chẳng lợi lộc nào họ có thể hưởng. bởi lẽ, những chuyện như thế, những cách hành xử như vậy, mình được nghe và đọc nhiều, và chúng cũng chẳng nhập nhằng gì với sự đen tối trong góc khuất nào đang có ở nơi này.

Bài viết ngày 28 tháng 01 năm 2021

khi ngoài ô cửa sổ là đường biển như sóng lượn cùng vô vàn ánh đèn lấp lánh, mình biết rằng nay là bầu trời của Đà Nẵng, và dưới kia là những điều vô cùng thân thuộc. khi ấy, lòng tự nhiên trào dâng một sự xúc động, xốn xang lạ kỳ không thể giải thích ngay được.

máy bay ổn định trên đường băng mà tâm trí vẫn như là trên mây, rồi giật mình mà luống cuống lấy hành lý rồi rảo bước ra ngoài kia, để quay lại với những điều quen thuộc. sự trở về lúc ấy, diễn giải đơn giản thì là sự nhớ nhung vào một nơi đã từng rất gắn bó theo thời gian. có thể nói rằng, mình lớn lên ở Huế, nhưng trưởng thành là từ Đà Nẵng, do vậy – nơi này vẫn luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của mình.

nhận định này được cụ thể hóa khi sau đó nửa năm, mình trên chuyến tàu đêm mà đi ngược lại Đà Nẵng trong chuyến về thăm nhà. chuyến đi ấy, cũng cùng thời điểm, cũng cùng đà bùng phát đợt dịch ở Đà Nẵng, nên mọi thứ đã sắp xếp theo bị đảo lộn rất nhiều. những người bạn của năm tháng cũ hẹn rồi lại thôi vì không dám đánh đổi, sự yên bình quay trở lại như lúc giãn cách. thời gian cứ trôi qua chậm rãi, từ tốn những phút giây cuối cùng, nhìn nắng dần tàn rồi bạn đang ngồi ở đó, thật lòng mình không rõ liệu bản thân đang mong đợi điều gì, đang cảm nhận điều chi đang chảy qua đây.

đến khi cùng bạn đi bộ ra sân bay sau tô mỳ lót dạ, nhìn nắng ở phía sau lưng bạn cùng những người đang vội vã rời khỏi nơi này. mình bất giác nhận ra bản thân cũng chẳng khác gì họ – cũng đang chạy trốn nơi này, dù tụi mình có thể chẳng giống gì nhau về cảm xúc cho nơi này.

máy bay thẳng cánh trên bầu trời, phía ngoài ô cửa sổ vẫn là đường biển như sóng lượn cùng vô vàn ánh đèn lấp lánh, sự xúc động vẫn còn như lần trước bay về, nhưng lần này dễ diễn giải cảm xúc hơn trước. bởi thành phố này đang chịu tổn thương, bởi mình đang rời xa nó, bởi mình chẳng hay liệu nơi này có gồng mình lên để không sụp đổ hay không

những câu hỏi ấy là câu tu từ, nên cũng đâu cần một câu trả lời làm gì. nó tồn tại trong lòng, để bản thân hình dung cảm xúc về nơi này, và rồi sẽ mong muốn ra sao cho nó, trên chuyến bay cần cuối ngày phong tỏa toàn thành phố…

Bài viết ngày 27 tháng 06 năm 2021

tình cờ thấy lại những tấm hình chụp ở show Ngọt 3 tầm gần 2 năm về trước, trong giây lát mình giật mình bởi ngạc nhiên. ơ thì ra trong quá khứ, người ta có thể tụ tập đến cả trăm cả ngàn người, cùng ôm nhau rồi cùng hò hét đến khản giọng dưới tiếng nhạc cuồng si mà chẳng có khẩu trang, chẳng lo giữ khoảng cách kẻo lây nhiễm. nhìn vào hiện tại, điều ấy thật là xa xỉ, và có lẽ ở tương lai – cũng sẽ xa xỉ không kém.

hôm qua, bạn đưa xem đoạn nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thổi Saxophone nơi bệnh viện dã chiến, dưới ánh đèn sân khấu dần được dựng lên bởi bao ánh flash từ những tòa nhà đối diện, nơi các bệnh nhân đang điều trị. đang xem thì bạn hỏi, liệu những người ở trong các tòa nhà ấy, có thật sự cần tiếng kèn phát ra từ dưới kia hay không? mình trả lời rằng họ thật sự cần, cần để quên đi thực tại đang phải đối mặt trước mắt.

tiếng kèn lúc ấy, cũng giống như bàn thắng đẹp của Đội tuyển Quốc Gia giữa lúc cả nước đang gồng lên chống dịch – chẳng làm khác đi số liệu dịch bệnh, cũng không là quan trọng để thành thứ yếu cho phác đồ điều trị. thế mà người ta vẫn cần chúng, cần trong đôi giây lát để vui chung một niềm nhỏ bé.

niềm nhỏ bé ấy, trong một lúc bình thường nào khác, sẽ như là tất yếu là đích phải đến của một hành trình, một sự chờ đợi. nhưng những khi dịch bệnh, đó như là liều an thần, từng chút một dìu người ta đi qua mệt mỏi và đau đớn. nó gần giống như cách chúng ta nhắm mắt vờ quên lãng, đinh ninh rằng kia không là thứ yếu, đều trong giây lát làm thực tại trở nên ít phũ phàng. nhưng lại khác ở việc, ấy là điểm khởi đầu cho niềm hy vọng, sự lạc quan và là đòn bẩy để vực dậy tinh thần. giống như cách chúng ta gieo mầm vậy, ban đầu thì mong manh và yếu ớt, nhưng vẫn không làm bớt niềm tin rằng cây sẽ lớn và lá sẽ xanh.

nên, chút âm nhạc, lời động viên, hay niềm an ủi dành cho nhau trong lúc này, sẽ luôn là điều cần thiết, cho người – để quên đi những gì đang phải đối mặt; và cho mình – để thấy rằng chúng ta luôn cần có nhau…

Bài viết ngày 27 tháng 04 năm 2021

có một hôm, cô bạn hẹn gặp ở Hội An, giờ đang đi du học, tranh thủ kỳ nghỉ hè mà về nhà chơi, cũng tranh thủ mà ghé ở đây chơi. bạn nói, hành trình rời Việt Nam của bạn là gọi tên rõ ràng cho cái đam mê mà bạn theo đuổi, nhưng khi bạn trải nghiệm vừa học vừa làm thì lại thấy hoang mang với cái điều ấy.

bạn bảo, giả như nó không phải là cái mà bạn có thể theo đuổi đến tận cùng, thì chẳng biết khi nào bạn sẽ chấp nhận rời xa nó để tìm hiểu một cái khác đúng đắn hơn. mình đoạn ấy chia sẻ rằng, trong những lúc tất bật cuồng quay với con chữ, mình lại nhiều lúc tự hỏi, liệu điều này là niềm cảm hứng, hay chỉ là cuộc vui thoáng qua?

sau này, mình cũng tự an ủi cho cái bối rối ấy rằng, bản thân mình sẽ không quá bối rối hay vô định, bởi khi biết rằng một điều gì đó không còn quan trọng nữa, chắc chắn sẽ có điều khác thế chân vào.

cho nên, với mình thì không có cái gọi là chênh vênh tuổi hai mươi, khủng hoảng hai năm hay một khái niệm tương tự. bởi khi bản thân ta cứ mịt mờ, không biết bản thân cần gì và có thể làm được gì thì bất kỳ giai đoạn nào cũng là sự lạc lối mà thôi.

nhưng đừng vì sợ đi lạc mà ta cứ đứng yên, bởi cái đích đằng kia không có chân để chạy lại bên mình, ta khi không biết làm gì thì hãy cứ đi về phía trước, một chút sai lệch một chút mơ hồ đôi khi đủ để tạo nên sự liều lĩnh trọn vẹn cho ta dấn thân về phía trước.

mà cả khi, chúng ta đi trong một hành trình vô định giữa xung quanh là bóng tối, chỉ cần bản thân mình tin rằng phía trước là ánh sáng, chỉ cần một ai đó ở bên để chia sẻ rằng họ luôn theo dõi. thì hành trình ấy – hành trình khám phá chính mình – sẽ đi đến tận cùng để ta cảm nhận trọn vẹn cái gọi là hạnh phúc…

Đặc quyền của người đang buồn

dạo gần đây, những cuộc trò chuyện giữa mình và bạn đều hướng về nỗi buồn của bản thân, trong hiện tại. có vẻ như rằng, xung quanh mình ai cũng đang buồn, buồn vì chuyện tình cảm, buồn vì thất tình, buồn như đang thất tình, và buồn vì chẳng lý do nào cả. vì thời tiết chuyển mùa, tiêm vaccine mũi 2 làm mọi người tâm trạng hẳn hơn chăng? hay tự bản thân họ đã như vậy rồi.

bạn nếu buồn thì bạn sẽ làm gì? mình thì mình thích ở yên một mình, thinh lặng không cần chẳng muốn ai đụng đến và không ai phát hiện. nếu ai gặp mình lúc đó, sẽ phần nhiều thấy tệ hại hơn là lúc mình đang giận dữ.

bạn mình lại khác, bạn bảo, vì đang buồn nên hãy gặp nhau đi. gặp chẳng vì mục đích gì, cứ gặp rồi thinh lặng không cần chẳng muốn nói gì. gặp nhau rồi thì bạn bảo được an ủi rất nhiều, lần sau có buồn thì hãy gặp nhau tiếp nhé.

rồi những bạn khác, bạn buồn thì bạn chỉ muốn nói với mình, với bạn bè quanh bạn, ngoài ra không làm thêm gì khác nữa. các bạn ấy nói, dốc lòng ra rồi thì mọi nỗi buồn đang có cũng sẽ vơi đi rất, rất nhiều.

xem chừng, nỗi buồn mỗi người là mỗi khác, nên cách đối mặt trong từng dịp cũng chẳng giống nhau; nhưng tựu trung, tất cả đều mong rằng nó sớm biến mất, chẳng ai muốn nỗi buồn cứ luẩn quẩn quanh bên mình mãi cả. rồi một dịp kia, lên chùa nghe các sư trò chuyện, có đoạn mình vẫn nhớ mãi là, những cảm giác tiêu cực khi đang hiện hữu, là cách bản thân đang thể hiện trách nhiệm với điều gắn liền nó. vô lo vô nghĩ quá rồi cũng thành vô tâm, thiếu nhạy cảm với những điều xảy ra quanh mình.

hẳn nhiên điều ấy không tuyệt đối trong mọi trường hợp, nhưng đôi lần khi buồn mà nghĩ vậy, mình lại thấy được an ủi hơn rất nhiều. nên những khi bạn quanh mình gặp chuyện buồn, mình lại cho bạn chút đặc quyền nho nhỏ, không phải dễ làm tổn thương nhau hơn, mà là dễ chấp nhận sự khác biệt và khiếm khuyết của nhau nhiều hơn.

Bài viết ngày 26 tháng 10 năm 2021

bình thường mới rồi, bạn quanh mình vì thế cũng dần có kế hoạch trở lại thành phố, sau những ngày ở yên trốn dịch. đọc tin bạn nhắn, rằng cuối tuần này vào, xong nhớ cái hẹn sinh nhật chung dang dở đoạn trước dịch, thì lòng háo hức đợi đến cuối tuần vô cùng.

với mình, niềm háo hức ấy diễn tả nhu cầu đơn giản, rằng được gặp gỡ, để nhìn thấy bạn rõ ràng, và nói những điều mà Messenger khó lòng bày tỏ trọn vẹn. cảm xúc này, dịch bệnh đóng một phần vai trò khi tạo ra giãn cách, phần còn lại chính là tình cảm bạn bè thương mến được duy trì bấy lâu nay. nói về điều này, mình lại nhớ đôi điều nhỏ nhặt.

trong sách bác Giang, nỗi niềm của những người sắp chết, dường như cân bằng giữa niềm yêu thương đến người ở lại, và những dự định đang còn dang dở. việc bị tước đoạt mạng sống, từ từ từng chút một là điều họ không cam lòng, và chẳng muốn chút nào.

còn trong những câu chuyện, lời chia sẻ của người tự tử bất thành mà mình được đọc, động lực dẫn đến hành vi đó, ngoài sự tăm tối bế tắt của tương lai, còn là sự mất kết nối trong cộng đồng – với gia đình, bạn bè và ngay cả bản thân. lựa chọn kết thúc cuộc đời, suy cho cùng cũng là kết thúc sự bất ổn mà họ không thể đối mặt.

bạn mình trong những dòng thư qua lại, như đúc kết cho những điều trên, đã viết rằng, con người ta sống trên cõi đời này là để nương tựa vào nhau. hãy hiểu là nó hoàn toàn riêng biệt với cảm giác muốn được ở yên một mình, khi đó là lựa chọn, là điều khiến bản thân họ thoải mái. đứt quãng sự kết nối, mất đi giá trị thân thuộc chưa bao giờ là điều một người chủ động lựa chọn. chúng ta sống trong từng vòng tròn nhỏ, cấu kết và đan xen lẫn nhau, nên điều ấy thật rõ ràng, ta nương vào người này và làm điểm tựa cho người khác, lặp lại và liên tục trong suốt cuộc đời. không có gì là yếu đuối, chẳng chi là bi lụy cảm xúc, chúng ta chấp nhận, bằng lòng với nó như là hiển nhiên, như cảm giác hiện hữu đầy chân thật trong thế giới này.

cơ mà, dịch thì vẫn còn đó, sẽ luôn tạo ra khoảng cách về mặt vật lý, nhưng đừng vì vậy mà quên kết nối tinh thần với xung quanh, hãy gắng duy trì nó. bởi thật sự, bạn sẽ không biết những người quanh mình – họ cần bạn nhiều đến thế nào đâu.

Khi thấy buồn, em cứ đến chơi…

một hôm, nghe Giọt nắng bên thềm qua giọng của Tạ Quang Thắng, mình bất chợt nhớ đến bạn. nhớ theo kiểu suy nghĩ tự nhiên xuất hiện, dần lấp đầy tâm trí và khiến những vẩn vơ khác thành thứ yếu. sự nhớ đó chẳng chịu ngồi yên, cứ thúc mình nhắn cho bạn đôi câu để thoã cảm giác trong lòng.

nhưng, mình chẳng nhắn, mà lại viết thư.

bởi lâu lâu lắm, một bức tường lớn xuất hiện, ngăn hai đứa thoải mái chuyện trò với nhau. ngăn như cách mọi người cứ giận rồi nghỉ chơi với nhau vậy. mà có khi, tụi mình đã giận nhau thật, giận nhưng chẳng ai nói nên điều gì, cứ vậy mà dần rời xa.

nên, khi cái bất chợt ấy xuất hiện, mình ngạc nhiên với vai trò của bạn trong lòng. bởi, trước chưa từng, và sau cũng chẳng một ai đủ quan trọng, để mình phải hạ cái tôi xuống, dành thời gian viết gửi lá thư rằng nay nhớ bạn lắm, và thật lòng trân trọng cảm giác nhớ ấy vào lúc này.

thêm một vài chuyện xảy ra sau đó nữa, để mình cảm giác rằng cả hai đứa sinh ra để làm bạn với nhau, một mối quan hệ trong sáng, chân thành và dễ khiến sâu sắc với nhau nhiều. nhưng lúc trước, khi lâu lâu ấy, tụi mình đã gặp không đúng lúc, chơi không phải thời điểm, nên nào chấp nhận và bao dung những vấn đề riêng của nhau đâu. mãi sau này, lớn một chút, nghĩ sâu một đoạn, nhìn lại và nhìn vào lúc này, mới hay đâu là thời điểm phù hợp để mỉm cười và chào nhau một tiếng.

còn hiện tại, bạn đã thành người đáng tin cậy, và an toàn để mình mở lòng. dù nhiều lúc, mở lòng xong bạn lại than thở, chẳng thể bao dung: trời ơi là trời, tại sao anh lại có thể như vậy cơ chứ, những Kim Ngưu mà em biết (?) hoàn toàn không giống như anh; anh là cái cung gì gì ấy, không thể nào là Kim Ngưu được (?), chấm chấm và rất nhiều chấm chấm nữa.

nhưng kể có vậy, mình vẫn giữ niềm tin về tình bạn mà chúng mình có, không phải bền chặt và trường tồn cùng năm tháng; mà là sinh ra, để thành những người bạn của nhau…

Bài viết ngày 26 tháng 02 năm 2021

hồi còn học đại học, mình có anh bạn chơi thân, anh rất hào sảng, vận động không ngừng; khác với sự thinh lặng, thích yên tĩnh của mình rất nhiều. có lần, anh nói kiểu mỉa mai rằng chán lắm hay sao mà khi nào đi đâu, cũng đi một mình vậy? mình không tìm được lý do thỏa đáng để trả lời, nên im lặng.

sau này, vì chuyện cá nhân mà anh thay đổi, tính không trầm nhưng dần quen với trạng thái một mình. trong lần gặp gần sau đó, anh bảo hiện tại là đang quen với việc cà phê một mình; mình bảo thế thì hãy cầm theo cuốn sách, đỡ chán và đỡ bị tò mò hơn.

có vẻ như rằng, mình đều làm tất cả mọi thứ một mình, không đợi hay hào hứng cho những lời hẹn. film đợi mãi nay mới ra à? thì mua vé rồi đi thôi; đi ăn để tận hưởng sự ngon miệng ư? cứ thế mà đi chứ rủ rê làm gì thêm mất công xếp lịch; cà phê? tất nhiên, đa số luôn là ngồi một mình, năng lượng những lúc ấy không có quá nhiều cho sự kết nối.

nhưng cái gì quá lắm thì cũng không được. chuyến lên Đà Lạt đẩy đến giới hạn tận cùng sự cô độc mà mình được trải nghiệm. những ngày ở trên núi, xung quanh là núi đồi và sự yên tĩnh đủ nghe tiếng gió, tiếng chim trên trời. những ngày đầu, những trải nghiệm ngắn ngủi thì hẳn vui đấy. cơ mà, ngày này qua tháng khác thì lại không hề.

trước khi lên và trải nghiệm cảm giác ấy, mình nghĩ rằng bản thân không quá cần những người bạn, không cần lắm sự kết nối xã hội, mình cứ sống theo cách mình muốn – miễn là không làm phiền, làm hại ai thì được. nhưng khi đi nhiều, trải qua nhiều điều, sống trong những môi trường đầy náo nhiệt nhưng không thể nào kết nối, mình lại chẳng tìm thấy niềm tin đúng đắn cho điều ấy.

theo một cách hiểu nào đó, cảm giác ấy là một sự phát triển về tinh thần. có người thì từ sự năng động, ham kết nối thì trở về thu mình, dành hết năng lượng cho bản thân; và có những người, lại dần cảm thấy bất an thì chợt nhận ra mình đang cô độc đến nhường nào. với mình, không có đúng hay sai nào trong những điều ấy, cũng chẳng có gì là không phải.

sự phát triển không phải khi nào cũng là điều tốt đẹp, nhưng cũng luôn là sự thiết yếu để chúng ta có thêm căn cứ mà nhìn vào chính mình, để theo đó mà điều chỉnh, thích nghi và nhận ra bản thân đã, đang thay đổi mạnh mẽ đến thế nào.

Bài viết ngày 26 tháng 01 năm 2021

sau đây, (mình đưa tay lên, với quả bàng vuông trong tay), anh sẽ giải thích, tại sao đây lại trở thành linh vật của team content chúng ta.

quả bàng vuông này được nhặt từ ngoài Trường Sa đem vào. là huyện đảo Trường Sa ấy, chứ không phải đường Trường Sa ngoài bờ kênh đâu nhé, (tất nhiên, là ngoài bờ kênh đem vào rồi).

có thể có người biết và có người chưa, rằng quân dân ở Trường Sa trồng những cây bàng vuông từ rất lâu, vừa là để lấy bóng mát, lại thêm màu xanh hoa lá, và đây là số hiếm có thể sinh trưởng tự nhiên. giữa phong ba, nơi mà những cơn bão chào đầu trước khi vào đất liền, những cây bàng vuông vẫn đâm chồi nở hoa rồi kết thành những quả để tại nên biểu tượng cho nơi này.

từ ấy, phác hoạ nên hình tượng, nên tinh thần của team chúng ta. đó là sự ổn định của con chữ, sắc sảo trong ngôn từ, và lặng yên giữ những thử thách khắc nghiệt. những điều đó, ở các team khác cũng có (câu này nói giữa lúc mấy team kia đang nhìn chăm chú), nhưng với họ là điều kiện cần để tạo nên sắc màu, và chúng ta là đủ để tạo nên giá trị…

đoạn trên đây, mình thường dùng để chào thành viên mới, và những khi ai đó hỏi quả gì đen đen, góc cạnh để trên bàn mình. việc nó thành linh vật không là vì câu chuyện mình kể, mà bởi chuyến đi chơi lúc sau Tết của mấy anh em trong văn phòng.

đoạn ấy, anh Sơn dẫn mình với chị Hằng đi quanh phố phường sau buổi làm cuối tuần. trước khi ghé qua nóc hầm Thủ Thiêm để ngắm hoàng hôn, tụi mình dừng chân trước Thảo Cầm Viên mà chiêm ngưỡng cây bàng vuông duy nhất của thành phố.

những bông hoa rơi rụng trên nền cỏ trông lạ kỳ vô cùng (trong ảnh là hoa bàng vuông), khi chẳng giống một nhành hoa bàng nào từng thấy nơi sân trường cũ. và một chút may mắn nào đó, mình nhặt được quả bàng còn xanh nguyên, lúc mà mọi thứ khác vẫn trên cành.

ban đầu, mình chỉ định xem đó là vật chứa kỷ niệm cho những giây phút rời xa công việc với anh chị đồng nghiệp, và lần đầu tiên tận mắt thấy bàng vuông. nhưng mà khi nó cần một câu chuyện cho những ai tò mò trước sự hiện diện cùng hình dáng lạ lùng, thì linh vật của team content ra đời.

Bài viết ngày 25 tháng 09 năm 2021

một hôm bạn ghé Sài Gòn chơi, bận rộn mãi nên đến lúc gần về mới hẹn nhau được. bạn hẹn đến quán gần chỗ mình làm, chạy ra sân bay cũng không xa xôi lắm, quán hợp phong cách của 2 đứa, có ít sách và thêm cây piano để bạn đánh bài tạm biệt.

sau lần ghé quán ấy, những khi ai tới chơi với mình, đoạn sắp sửa rời đi mình cũng hẹn tới quán đó, gọi vui là quán để tạm biệt nhau. thật ra quán chẳng có chút không khí nào khích lệ cảm xúc cho những lần tạm biệt cả, chỉ là mình nghĩ thật trùng hợp nếu lần nào cũng tạm biệt bạn bè ở đây. may mắn là, bạn đa số hào hứng với ý tưởng ấy, và những gì ở quán thì cũng chưa chê được gì.

những lần tạm biệt vậy, mình với bạn đều biết có ngày gặp lại, chỉ là lâu hay gần. nên sự lưu luyến, và cả gửi gắm cho những gì phía trước của mỗi đứa, cũng rất rõ ràng và dễ nói thành lời.

sau này, lần cuối cùng mình ghé, mình chẳng hẹn ai để tạm biệt ở đấy cả. mình tự đến để tạm biệt quán, tạm biệt những gì quán đã dành cho tụi mình, và tạ, biệt thành phố nữa. ký ức và những gì đã gửi gắm ở đó, đôi chuyện đã thành hiện thực, một số khác thì chưa, và cũng nhiều điều sớm trôi vào quên lãng như lời tạm biệt chính mình.

Bài viết ngày 25 tháng 08 năm 2021

qua khung cửa sổ, tia nắng cuối của ngày dần tắt lịm, chiếc bàn trở lại màu của ban đầu. xa hơn chút, mặt trời dần khuất, phủ lớp vàng mờ nhạt lên ngôi nhà đối diện. cũng là lúc ấy, mình dọn đồ rời khỏi quán cafe ở lưng chừng dốc để ra khỏi thành phố. đường về tương đối xa, quanh qua những chân đồi và lối rẽ dẫn dắt trong cẩm nang du lịch Đà Lạt. đoạn đường ấy, thi thoảng có đoàn nhỏ thuận hướng đi, khệ nệ vác theo lều bạt như đêm ấy sẽ là đêm thú vị; cũng thi thoảng, đôi ba chiếc ngược dòng, trở về sau ngày dài khám phá.

không thi thoảng cho lắm trong những tháng ngày ở đó, mình lại vào thành phố một mình, dạo qua ngõ nhỏ đường tắt dọc ngang của đô thị, né xa sự sầm uất và sôi động mà người khác đem đến Đà Lạt. nhưng thật sự, mình không rõ mục đích của những cú rẽ bánh, men đường mà đi ấy. mình cứ đi, đi hoài đi mãi cho đến khi chán chường thì dừng lại.

nhưng trong một hôm nào đó, đang trên con dốc lớn dẫn ra ngoại ô, mình tự nhiên nhìn thấy những nhà kính còn chưa lên đèn vì trời đang sáng. dừng chân để nhìn ngắm, giữa muôn vàn lớp kính đang phủ lên đồi, mình chỉ thấy duy nhất một căn tròn vẹn. căn ấy nép nửa sau tán lá rừng, e ấp bên triền dốc nhỏ, gợi mình nhớ về những căn nhà kính cũ nát, hư hỏng trên con đường dốc dẫn lên đỉnh Bạch Mã. thoáng nhẹ chút, mình như dịch chuyển, quay về đoạn đó, với đôi chân rã rời, vì đi hoài đã mỏi…

Bài viết ngày 25 tháng 06 năm 2021

2 giờ sáng, bạn nhận cuộc gọi rồi ú ớ vài câu trong cơn mê ngủ xong tắt máy, mình từ từ bước ra cổng nhà ga đợi bạn đến. đường lúc ấy vắng như tờ, đèn đường hiu hắt từng đoạn sáng tối đứt khúc. đang khuya thì, cũng phải thôi sự im lặng ấy xuất hiện.

nhưng tự mình giải thích thêm một chút cho khung cảnh này, là mới chiều hôm trước, thành phố hay tin có ca nghi nhiễm. và khi mình đang trên chuyến tàu từ Huế vào Đà Nẵng, thì tin chính thức xuất hiện.

đó là những gì đã xảy ra tròn 1 năm về trước, trong chuyến nghỉ phép về thăm Huế và gặp bạn bè ở Đà Nẵng. chuyện ở Huế tương đối ổn, dù những cuộc gặp hơi bị đứt đoạn nhưng vẫn ổn. nhưng khi chuẩn bị vào Đà Nẵng thì chuyện dần không ổn. đầu tiên là tin có ca nghi nhiễm, rồi sắp sửa phong tỏa, và dự đoán rằng những chuyến bay đi từ Đà Nẵng sẽ bị hủy.

khi bạn còn chưa đến, mình ngoái nhìn góc gửi xe ga tàu. đoạn này, thời gian như chậm lại, dần đi ngược rồi mưa đổ trên đầu. phút chốc, dáng mình lầm lũi dắt chiếc cub từ kho vận chuyển đi ra, bắt đầu hành trình mới tại thành phố này của 4 năm trước hiện về, sống động và đầy màu sắc giữa đêm khuya.

rồi bạn cũng đến. dọc đường, kéo khẩu trang xuống, mình hít hà cái không khí trong lành đầy mùi sương. được một chút thì bạn lại nhắc kéo lên kẻo virus bay vào mũi (?). nghe sợ thật nhưng cũng cố nán thêm giây lát để hít lấy sự thân thuộc.

rõ ràng, quyết định lên tàu, đi vào vùng nghi nhiễm rồi sau (vô tình) thành F3 là đi ngược những điều mình lo sợ, được cảnh báo và cả trách nhiệm không thể gánh. nhưng cho đến hiện tại, mình vẫn không thể giải thích một cách lý trí tại sao lại quyết định như thế. điều duy nhất lúc ấy nghĩ, là những người bạn ở đây, là thành phố này đang sống trong lo sợ bất an, và bản thân mình không thể bỏ rơi họ ngay lúc ấy.

nên, khoảnh khắc dừng lại và nhìn về phía sau khi hoàng hôn sắp tắt, lúc đang hòa cùng bao người đi về phía cổng sân bay thành phố, lòng mình tự nhiên khó tả. lên được máy bay rồi, mình nhìn về phía ô cửa sổ, nhìn đèn đường và sóng biển dần mờ dưới những đám mây, tự nhiên mắt cứ cay cay và chợt cảm giác rằng, rồi một lúc nào đó – mình cũng sẽ sớm quay trở lại thành phố này. sẽ sớm thôi…

Bài viết ngày 25 tháng 01 năm 2021

có bạn từng nói với mình rằng, cách để hiểu hơn về một thành phố, là sống trọn cùng nó. và mình đã từ chối trong những ngày ở Sài Gòn.

điều này đến từ tâm thế lúc bắt đầu đặt chân vào, đủ củng cố trong những ngày đầu và dần kiên định khi gõ ra dòng này. Sài Gòn sau tất cả, cũng chỉ là cuộc dạo chơi để mình thử thách giá trị, để xem liệu bản thân có thể làm khác đi một điều gì hay không, có thể chấp nhận đến bao nhiêu phần khác biệt, và có thật thân thuộc là quan trọng nhất hay không. nên – cũng chẳng cần gì phải tha thiết, chẳng có gì phải lưu luyến nơi này cả.

trong quá khứ, có những chuyến đi dài, mệt nhoài đến hao tàn sức lực, ý niệm tồn tại duy nhất lúc ấy là xong việc rồi hãy về nhà trên chiếc giường thân thuộc, đặt lưng xuống mà hít bầu không khí thân quen.

có lẽ vậy, ký ức của mình về thành phố này là tương đối mờ nhạt. những góc ẩn ẩn hiện hiện, những câu chuyện rời rạc không đầu chẳng đuôi, trộn lẫn với nhau cho đủ một ngày dài, nối tiếp sự lộn xộn ấy mà tạo nên chuỗi ký ức đơn điệu, đơn sắc ở nơi này. mình xuất hiện ở đây không giống một cái bóng, vẫn hiện hữu mà hiện hữu rất riêng biệt: vừa không dung hòa được nhịp, lại chẳng muốn hòa vào cái nhịp ấy; vừa chưa tìm được bạn đồng điệu – như lời Thỏ bảo, lại từ chối san sẻ tâm hồn cho người khác thấu.

mình cứ thế, cứ đừng ngoài rìa và quan sát mọi người tung hứng những cuộc vui rồi mỉm cười hưởng ứng, cứ giữ nguyên chất giọng chẳng chịu pha thêm âm sắc nào để để đồng đều với xung quanh. mình cứ như vậy, cứ hít thở mà sống, cứ chảy một dòng riêng không theo một ai để chấp nhận rằng nơi này là không dành cho mình…

vậy, có gì là đọng lại, còn gì là lưu luyến lúc mình biến mất khỏi đây? trong một giây miệt mài với con chữ và ngoài kia vẫn đang náo nhiệt tiếng xe cộ, mình đã suy nghĩ điều ấy lúc nhìn vào những lá bơ. có phải chăng là những chậu bơ ngâm trong nước đang xanh rì, hay góc bàn làm việc đầy đặc trưng để nhìn vào là biết của ai, hoặc rộng hơn – là những con người ở nơi đây, là thành phố này chăng? thoáng vu vơ nghĩ, rồi mình cũng sớm miệt mài quay lại với con chữ, bởi đọng lại đơn điệu nhất, đơn giản là trọn cả khung hình này…

Bài viết ngày 24 tháng 12 năm 2021

định nghĩa tôn giáo được hình thành từ khái niệm religion – tôn kính thần linh. thần linh trong mỗi tôn giáo sẽ đóng vai trò kể chuyện và truyền đạt giáo lý; nghĩa nguyên gốc chính là việc hướng bản thân đến gần thần linh hơn. điều đó được phản ánh qua các nghi lễ hằng ngày, hoặc thể hiện tư duy hướng về đạo khi đối mặt vấn đề của những người tin theo.

bên cạnh đó, tôn giáo còn thể hiện ở sự trần tục. là cách thực hành tôn giáo theo một chiều hướng khác – hướng bản thân ra bên ngoài, qua những thói quen, hành vi thông thường. tư tưởng nhà Phật hiện đại có một ý phản ánh điều này, đó là Phật pháp giữa đời thường – sự gần gũi của những giáo lý trong cộng đồng xã hội.

cũng ở Phật giáo, việc thắp hương viếng chùa đầu năm đã thành thói quen của tất cả mọi người, và cứ không phải Phật tử thì cứ ngày rằm hoặc đầu tháng âm lịch vẫn có thói quen ăn chay (điều này đến Huế, bạn sẽ thấy cực rõ luôn). ở Công giáo, đêm Giáng sinh từ rất lâu đã trở thành sự kiện đời thường quan trọng trong năm, bên cạnh Tết dương lịch hay Trung thu, (thú vị là, tương đồng về mặt ý nghĩa nhưng Phật Đản lại không trở nên đại chúng bằng). những điều này cho thấy, các tư tưởng tôn giáo đã đi vào, gắn liền với đời sống xã hội một cách chân thực, gần gũi và ít có khoảng cách, xung đột.

nếu là người vô thần, hành vi sẽ dựa trên tiêu chuẩn đạo đức để quyết định. nhưng đó là cây thước kẻ đơn sắc, phải trái đúng sai không vùng xám. và trong một số trường hợp nhất định, nó trở nên cồng kềnh khi đánh giá, bởi lợi ích bản thân không đong đếm được bằng lợi ích tập thể. nếu là người theo đạo, vấn đề này được củng cố bằng sự khuôn mẫu của những tư tưởng khi truyền tải, và linh hoạt để áp dụng. nó là điều kiện cần để nhìn thấy sự hiện diện của một tôn giáo, bởi có thể bạn không xuất hiện ở nhà thờ vào dịp quan trọng, không ăn chay vào ngày rằm thì rằng nó không phải vấn đề quá lớn, vì đâu cứ phải thường xuyên cầu nguyện rồi đi lễ là tâm tốt, cuộc sống gặp nhiều phước lành. nhưng nếu bạn không tin vào sự tốt đẹp của việc tử tế, không thấy bình an khi từ chối điều sai trái, thì khó để xem bạn thuộc về một tôn giáo ấy.

Bài viết ngày 24 tháng 05 năm 2021

dịp này của năm ngoái, mình đang trên Đà Lạt. bạn hẹn nên lên cùng, cũng tranh thủ nghỉ ngơi sau mấy tháng liền căng thẳng vì dịch. cũng giai đoạn này của 2 năm trước, mình đang chuẩn bị lên Đà Lạt dài ngày trong hành trình nam tiến nhiều biến động.

đêm trước lên đường ấy, hết những buổi hẹn dài tạm biệt, mình mới có thời gian để sắp xếp, thu dọn đồ đạc. quần áo cũ đã cũ, tờ giấy hết ký ức được mình gói gọn lại rồi đem ra thùng rác đầu ngõ mà để vào. dọn xong tất cả, nhìn lại những gì còn sót, lòng tự nhiên trào dâng một cảm xúc khôn nguôi, không gì tả hết được.

dường như, đó là tín hiệu bất ổn của hành trình; bởi sau tất cả, khi trở lại Đà Nẵng rồi, mình mới hay như đã mất một khoảng ký ức trong thời gian qua.

nói vậy, có lẽ những ai đã gặp, đã cùng mình những kỷ niệm đẹp ở Đà Lạt với Sài Gòn sẽ buồn. nhưng cảm giác thì làm sao dối lòng được, sự vui vẻ mà chúng mình có là bất biến, lại chẳng là gì với khoảng thời gian nhạt nhoà, trống rỗng mỗi nơi mình đi qua.

bỏ hết đi cái gọi là chi phí cơ hội, được mất trong cả quá trình; hãy phiến diện nhìn vào hiện tại – thì đây sẽ tốt hơn, hay vẫn ở quê là tốt hơn? gặp chị bạn đồng nghiệp cũ khi còn ở Đà Nẵng, cùng nam tiến mà kẻ trước người sau rồi nơi đất khách quê người hẹn cà phê tâm tình, câu chuyện mở đầu sau thăm hỏi vụn vặt đã diễn ra như thế.

quê tốt hơn em ạ, lương thấp, cơ hội kém, gặp ít người nhưng vẫn được gặp ba lần cuối. chị trả lời nhẹ, rồi cuộc trò chuyện rơi vào thinh không cả lúc dài… dư âm là có, nhưng câu trả lời của chị không đủ sâu lắng để mình phải nghĩ khác đi về hành trình lúc ấy đã chọn. bởi cơ hội và thử thách, trải nghiệm và đổi thay lúc ở Sài Gòn, ít nhiều tạo nên khác biệt khi mình quay trở lại Đà Nẵng – so với lúc ban đầu. nhưng cũng có thể, mình may mắn hơn chị, vì đi đủ lâu, có được điều mình muốn, và vẫn chưa thật sự đánh mất điều gì mà vĩnh viễn không thể nào lấy lại được…

Bài viết ngày 24 tháng 04 năm 2021

khi mới quay lại Đà Nẵng và vẫn còn thảnh thơi dài ngày, mình quyết định rằng hãy nên ghé Hội An trong tuần. bởi thế sẽ vắng vẻ hơn, Hội An sẽ chỉ còn là chính nó, không ồn ào nào nhiệt với đủ loại người tìm cảm giác mới lạ để thư giãn lúc cuối tuần.

quyết là vậy, nhưng vào rồi mình mới hay cũng chẳng cần giữa tuần gì cả, bởi hôm nào cũng như hôm nay, cũng đều vắng vẻ tĩnh mịch. Hội An trong lời nói của cô bán chè trong hẻm, rằng nguồn sống chủ yếu là khách Tây, nay khách không đến thì không sống được. nói rồi cô chỉ mình về phía xa xa, với dãy hàng quán đóng kín cửa, một số lại treo biển sale off, thanh lý mặt bằng…

cô nói thêm, sức chịu đựng của mỗi người mỗi quán là có hạn, có người đi qua đợt cách ly đầu, người đợi tới cận Tết thì dọn, và vẫn còn những người cố bám trụ lại đến hôm nay. mà cô bán chè thật không phải bán chè, mà là chủ tiệm lụa ở sau lưng, nơi cánh cửa vẫn đang khép kín.

cô bảo, lụa cô bán cho vui thôi, chứ kinh tế nhà cô ở đầu khác rồi, nên này vẫn trụ lay lắt được, lụa bán không xong thì tìm niềm vui ở bán chè; chứ nhiều người, gia sản, vốn liếng của họ đều dồn vào đây cả, mấy chén chè con cầm trên tay cũng không đủ vực lại. nhưng mà, nếu sẵn lòng thì hãy cứ dừng lại, người ta sẽ vui nhiều lắm ấy.

cô nói hết cũng là lúc mình tạm biệt rồi đi tiếp. ý định lúc ban đầu theo đó vẫn nối tiếp trong lòng, nhưng rõ ràng – đó là sự ích kỷ cá nhân, luôn là vậy và không thể gì chối cãi; bởi những người đang ở đây, không chỉ là sự hiện diện trong một thành phố, mà còn tạo nên sự sống động cho chính nó – vốn đâu cần một chút tĩnh mịch như mình đang nhìn thấy vào lúc này đâu…

Bài viết ngày 23 tháng 03 năm 2021

cách trọ cũ về phía tây chừng cây số là có những cây cầu vượt, bắt ngang đường quốc lộ nối các tỉnh. đoạn mấy khi buồn buồn chán chán khi ở xa nhà, mình lại hay chạy ra đó lúc hoàng hôn để nhìn ngắm mọi thứ.

thi thoảng, hoàng hôn rất đẹp, rất yên bình dù dưới kia là tấp nập đủ người với đủ xe. có lẽ rằng, sự bình yên mình thấy, nó nằm ở phía xa, xa tận chân trời; còn những gì sôi động ồn ào, là ngay trước mắt, dưới chân mình.

và cũng thi thoảng mấy hôm, hoàng hôn lại rất buồn, mây xám âm u cả bầu trời như sắp đổ mưa, mà rồi lại chẳng đổ. thời gian những lúc ấy cứ dần thế mà trôi, ánh đèn thành phố dần thay ánh sáng ban ngày, đường tấp nập và hối hả vô cùng bởi lúc tan tầm.

trên những chiếc cầu vượt ấy, là tồn tại những câu chuyện riêng, không được kể bởi người khác, mà để lại dấu ấn bởi chính họ. là những mùi khai trải dọc và ẩn dưới các chậu cây, là những chiếc nệm cũ kèm đôi chăn mỏng lúc bừa bộn khi lại gọn gàng một góc. và tất nhiên, không thiếu những hình thù, kiểu dáng được thể hiện qua những nét vẽ vừa phóng túng, lại vụng về; nửa vô nghĩa, nửa hàm ý sâu xa vô cùng.

vốn dĩ, mái tôn ở phía trên chỉ đủ che nắng mưa cho ngày thiếu khắc nghiệt, không đủ ôm trọn ai khác lúc mưa bão quây kín mấy góc. nhưng với những ai đó, sự hiện diện của chiếc cầu vượt là cũng đủ lắm, đủ sự riêng tư cho cái chợp mắt sau ngày dài lặng lẽ, để an toàn để nghĩ về ngày mai sẽ khác.

mà thật ra, sự tồn tại của chiếc cầu vượt đâu có được giới hạn ý nghĩa của nó, chỉ là chúng ta có sẵn lòng chứa chấp, bao dung những ý nghĩa khác hay không mà thôi.

Bài viết ngày 22 tháng 08 năm 2021

có dịp kìa đi làm khảo sát ở Tây Bắc, hành trình trở về mình ghé ngang Hà Nội thăm bạn bè, khi đa số những bạn chưa rời khỏi đó. sáng cuối cùng ở, đường ra bến xe bị kẹt, mình trễ chuyến, đành phải đợi tới cuối ngày mới được lên đường.

đường về chỗ ở ké là xa xôi, lại tốn thời gian cho chặng đi lẫn về. nên thôi mình quyết định ghé quán cafe gần đó, hẹn đôi bạn đến tâm tình và mong thời gian trôi sớm nhanh.

hẹn trong tình cảnh bất đắc dĩ ấy, nên không phải ai cũng sắp xếp được, nhất là khi trong tuần. nhưng cũng không hẳn tệ, vì đến chiều là có bạn tới chơi. đoạn đó mình mới mua hộp màu, cũng cầm theo ít giấy để tô vẽ, vì nghĩ công việc của chuyến đi này sẽ rất áp lực. và đúng là áp lực thật, những tờ giấy vì thế vẫn trống trơn vì mình đâu có thời gian ngó ngàng đến nó.

nên, khi bạn đến cũng là lúc mình được giải tỏa với sắc màu, như mong muốn của lúc ban đầu khi đem chúng theo. dịp ấy, bạn cũng đem theo bộ màu của riêng bạn, để góp thêm ít màu vào tranh chung. dù thế, màu của mình với bạn chất lượng chẳng tương đồng, tô cùng là màu rạch ròi từng mảng, không hẳn xấu nhưng rất lạ kỳ để đánh giá. nhưng tụi mình cứ kệ, màu tô lên để vui là được, quan tâm gì những nét màu lởm chởm lem luốc?

tranh tô xong cũng là lúc xe sắp xuất bến, giữa những cây bút màu đang lộn xộn với nhau, bạn hỏi sẽ thế nào nếu chúng ta đổi vài cây màu với nhau – như là lời hẹn, cho ngày gần nhất để gặp lại? mình chẳng có lý do từ chối, cùng bạn lựa ngẫu nhiên vài màu rồi đổi với nhau từng cây một. hành trang trở lại Huế, ngoài ký ức là những kỷ niệm miệt mài của tuổi trẻ, còn là sắc màu cho lời hẹn sẽ gặp lại.

nay người ở Huế để lại rất nhiều màu cho mình, khi chuẩn bị một hành trình dài phía trước. tự nhiên lời hẹn đổi màu bất chợt hiện về, chuyện cũng đã qua 5 năm có lẻ, màu ngày xưa mình đổi với bạn, nay đã trao cho em mình. những nét vẽ câu chuyện của ngày tháng đó, mình nhớ nhớ quên quên không rõ ràng, còn bạn – chẳng rõ nhớ được gì và có giữ lại cây màu nào của mình hay không?

Bài viết ngày 21 tháng 08 năm 2021

đêm dần về khuya cũng được đôi ba tiếng, ngoài ngõ thì yên lặng những vầng sáng đèn đường, còn trên căn gác nhỏ thì từng tiếng click chuột sửa ảnh cứ đều đều. mắt díp lại vì buồn ngủ, mình than thôi em bỏ cuộc, mai phụ anh làm tiếp. nghe thế, anh bạn dừng lại, giờ ra ngoài ngõ ăn rồi vào ngủ nhỉ? mình gật đầu vì đói bụng, lửng thửng xuống gác, ra ngoài ngõ rẽ vào ngã tư gần nhà, hướng đến ánh đèn vàng chiếu riêng một góc đường để ăn trứng vịt lộn.

xuống đường vận động với hít thở không khí trời dần đông, thêm mục tiêu ăn khuya nữa, mình mất hết cảm giác mệt mỏi, hào hứng tầm phào vớ vẩn đôi câu khi ngồi đợi. xong trứng cũng đem ra, nhìn rồi cùng xuýt xoa, nóng thế này ăn ấm bụng phải biết; được đà câu chuyện, anh kể vui vẻ, thằng em anh mỗi lần hẹn là phải 6 quả. cậu bé trong lời kể của anh, mình có biết, là cộng sự trong nhóm làm dự án cộng đồng mà anh đang điều phối. trong muôn điểm kết nối giữa mình và anh, thì đó có lẽ là điểm chung nhất – đều chưa sẵn sàng dành toàn thời gian cho công việc, vẫn để riêng một góc cho cộng đồng, với vô vàn năng lượng tuổi trẻ.

lần ăn khuya ấy đến nay đã gần tròn 3 năm, trải qua nhiều chuyện thêm những khoảng lặng riêng, mình và anh chẳng còn thân nhau như trước, nếu tình cờ gặp thì chỉ mỉm cười chào nhau để đó. lý do cho sự xa cách ấy, có lẽ là thế giới quan của mỗi người một khác, không còn hợp để ngồi lại tâm tình cùng nhau.

cũng trong suốt 3 năm vừa qua, và gần nhất là 1 năm trở lại, mình cũng nhiều sự không còn thân thiết như thế. phần vì mình ngày càng thu mình lại, dần giới hạn vòng tròn bạn bè quanh mình, chỉ chơi với những ai thật sự đồng điệu và chấp nhận thế giới của mình; phần nữa là như trên, chẳng còn hợp để làm bạn, dù rằng từng rất sâu sắc và hiểu lòng nhau.

đối mặt điều ấy, mình bình thản đón nhận, xem như là tất yếu của một tình bạn. hối tiếc đâu không đem gì lại được, khi thế giới quan của mỗi người mỗi lúc lại thay đổi liên tục, còn kỷ niệm nếu đủ đẹp thì tự khắc tồn tại theo thời gian.

ví dụ như hôm nay, cafe về muộn nên đói bụng, đi sao mà lạc vào góc đường cũ của 3 năm trước, quán vẫn thế và mùi đầu đông vẫn như vậy, tận hưởng 4 cái trứng lộn một mình xong lại nhớ đến anh.

Bài viết ngày 21 tháng 08 năm 2021

nếu nhìn vào và so sánh, hẳn sẽ thấy nhiều sự tương phản giữa mình và bé út. mình yên lặng ít nói, khó tính, khó gần và rất nguyên tắc. em mình lại khác, nói nhiều và kể nhiều, ham tò mò và dễ làm quen, cũng khó bảo nữa. không biết bao lần nhắc em đang nhai thì đừng nói, ăn xong rửa tay rồi hẵng cầm điện thoại, đồ trong phòng thì xếp gọn lại… đáp lại lời mình, đồ gọn gàng quá em nhìn không quen, khi đang ăn cơm với mình.

nhiều lúc nhìn em, và nhìn lại bản thân, thật không hiểu sao ba mẹ có thể chấp nhận, và nuôi được những đứa con cực bướng, khó bảo như tụi mình. thi thoảng mình lại nghĩ, nếu con mình sau này cũng bướng, bướng nhiều hơn những gì mình đang làm hiện tại, thì ấy có phải nghiệp chướng hay không? nhưng cũng thi thoảng, nhìn em và nhìn vào gia đình, mình lại có chút niềm tin nhỏ nhoi vào sau này, rằng nuôi con khôn lớn chắc cũng không khó lắm.

Bài viết ngày 21 tháng 04 năm 2021

một hôm, mình với Dory hẹn nhau lên Sơn Trà, lý do cụ thể như nào thì mình quên mất, chỉ nhớ hôm ấy nắng rất nhẹ và sương đã tan đi nhiều.

đoạn chạy lên, theo lối tay Dory chỉ, tụi mình định ghé quán cafe bên vách núi mà ngắm cảnh, nhưng nhìn vào thấy đông nên thôi, chạy tới đoạn đầu kia cũng được. đoạn ấy là một con đường mòn nhỏ, chắc mới mở vì còn rất hoang sơ. lối đi xuống có rất nhiều cây cỏ dại, một số thì mình biết, một số lại chịu cái tên, nhưng điểm chung của chúng là chẳng hề lạc lõng và rất xanh tươi khi quyện vào nhau.

những ngày rất lâu về trước, khi những vụ tai nạn còn chưa nhiều và không nghiêm trọng lắm, mình vẫn có thể chạy xe ga lên đến đỉnh núi, đi xuyên qua làn mây dù dưới kia đang nắng gắt. sau này mọi thứ không còn như vậy, thương tâm nhiều nên người ta đặt chốt, cho mỗi xe số là được đi qua.

trước trước nữa, Inter Continental vẫn cho người chạy xuyên qua, có đoạn mấy anh bên Greenviet dẫn mình đi qua đó để vào sâu trong rừng. giai đoạn ấy việc ngắm Voọc là không dễ, phải biết chỗ chúng hay tụ tập, biết đường mà đến, nên có những khi mình tự đi rồi vào sâu trong bên trong mà cũng chẳng thấy gì. khi mình rời Đà Nẵng xong quay trở lại, những điều ấy không còn như trước, bảo vệ Inter làm gắt nên khó đi vào hơn, Voọc dạn người nên dễ gặp hơn.

mình không vấn đề gì với những điều thay đổi ấy, bởi có lẽ lý do chính đáng lấn át được trải nghiệm mà mình muốn có. nên khi không thể được đi xa hơn nữa, mình vẫn chưa thấy chán với những gì có thể đi loanh quanh ở Sơn Trà vào những ngày tháng này.

Bài viết ngày 20 tháng 11 năm 2021

hồi nhỏ, học trường làng nên học sinh quậy phá nhiều, nhìn thầy cô bất lực mà vừa thương lại vừa ngại, nên nghĩ sau này dù thế nào cũng không vào Sư phạm, để không chịu cảnh bị thương hại như thầy cô lúc ấy. vậy mà dòng đời xô đẩy kiểu gì, mình lại đâm đầu vào Sư phạm học, thi rớt rồi vẫn chọn nơi đó để thi tiếp. chỉ đến khi gặp mặt tân sinh viên, mới giật mình ơ thế ngày xưa nói khác mà.

với mình, học ở trường là một điều may mắn và thú vị, dù trải nghiệm đôi khi nhàm chán. Sư phạm, lại ở Huế, là tổ hợp của sự trong lành và yên bình nhất mình từng thấy. môi trường phần nào đó sẽ quyết định tính cách, thái độ bộc lộ ra bên ngoài; nên học trong môi trường thuần giáo dục như Sư phạm, sẽ khiến mọi người tử tế, hiền lành, dễ chơi và dễ chịu hơn với nhau rất nhiều. thêm không khí của Huế rất giàu chất thơ, trầm ngâm và tĩnh lặng; những điều ấy tự nhiên mà phủ lên trường, qua những bạn ở Huế, và các bạn có không khí tương đồng từ nơi khác đem đến. tổ hợp ấy khiến cái nhìn từ bên ngoài là ít náo nhiệt thị phi, còn bên trong mới cảm nhận được sự sâu lắng đặc biệt.

nhưng cái gì nhiều quá cũng không tốt, hiền lành quá, nhẹ nhàng quá đôi lúc cũng gây mệt đầu. nên có một thời gian dài, mình ghét trường lắm, không ghét bạn bè mà ghét những trải nghiệm ở đó. giải thích đơn giản thì, mình thay đổi còn trường thì vẫn thế. điều đáng buồn là càng về cuối thì cảm giác này càng rõ ràng. nên khi rời trường, chẳng có một lời tạm biệt đúng nghĩa nào được thốt ra, tất cả chỉ là rời rạc, vụn vỡ trong từng câu nói mà mình dành cho.

phải đến sau này, cuộc sống nhiều góc cạnh quá khiến mình bất an, nghĩ về những ngày tháng cũ mới thấy rõ ngày ấy đẹp đến thế nào. mà qua rồi thì niềm vui cũng đâu ở lại được lâu, luyến tiếc thì vậy chứ cũng không quay trở về được. bạn học của ngày đó nay phần nhiều đã ngheo nghiệp dạy, một số khác thì đi đường vòng để nuôi ước mơ nghề dạy. chỉ có mình, và thêm một vài bạn nữa, mới tìm kiếm niềm vui công việc trong một đam mê khác. như ngày như hôm nay, mình lại nhớ về các bạn, về mái trường chung đã cùng học, và đâu đó là cả kỷ niệm đáng nhớ. mong những điều ấy vẫn đang ở riêng một góc thật đẹp trong tim của mọi người.

Bài viết ngày 19 tháng 04 năm 2021

cứ mỗi lần bạn đi chơi về rồi lấy ảnh khoe thì mình lại hỏi ấy là nơi nào. có những khi bạn im lặng như bí mật lắm, có những lúc bạn trả lời nhẹ nhàng như chẳng gì là quý giá.

thái độ ấy, là bạn không tin nơi bạn từng ghé sẽ còn nguyên vẹn lúc thêm nhiều người biết. và khi chẳng còn gì bí mật, cũng là lúc đâu còn lại gì như bạn từng mong.

7 năm trước, Rú Chá đang hoang sơ với con đường bùn sáp ngập mặn. mình với các bạn chơi Trò chơi lớn rồi chẳng mấy chốc chân bê bết đầy bùn, đường một đoạn lại cụt lủn nên luôn phải mò xuống đầm mà qua. và chỉ ít lâu sau đó, đường xi măng lát đến tận bên trong để xe đi qua khỏi xiên vẹo, còn ở giữa mọc thêm toà tháp cốt thép nửa vời vợi nửa lạc lõng cho người ta ngắm cảnh.

5 năm trước, hồ nước Khe Ngang vẫn chỉ là hồ nước cùng đàn vịt nhỏ. chiều mùa hè năm đó chạy teambuilding chưa xong thì mưa dông ập đến. cả đám nào có biết trời cao đất dày là gì, cứ mặc sấm đánh đùng đoàng trên đầu mà hướng đỉnh đồi chạy lên, bởi trên ấy có ngôi nhà cũ có thể trú tạm. nhà cũ thì nay chưa tàn nhưng hồ nước như sắp tan hoang, và đàn vịt nghe đâu cũng phải đi vì người ta tới làm du lịch.

3 năm trước, mình rơi mấy nhịp trước cảnh sông Hương nhuộm màu nắng chiều nơi góc chùa Thiên Mụ. đoạn đồi Hà Khê chẳng cần ai biết tên, vẫn biết cách tạo thành dấu ấn vì ôm trọn cả khúc sông vào lòng rồi nhìn nhớ mong hướng núi Ngự. cảnh từ đó với nắng là chậm rãi, yên ắng đến vô cùng; còn cảnh đến nay lại ồn ào náo nhiệt như trẩy hội, bởi người ta rất luôn biết cách để đem bô xồ vào nơi cảnh đẹp và gọi ấy là thưởng thức.

nên lúc khi bạn bí mật, mình không giận dỗi gì vì đã gọi bạn ích kỷ, bởi sau cùng thì điều ấy cũng nên có, để mọi thứ vẫn còn thời gian mà đẹp đẽ với chưa vội lụi tàn…

Bài viết ngày 19 tháng 03 năm 2021

mình rất hay có những giấc mơ lặp lại, có lẽ một phần từ sự đơn giản trong nhịp sống hằng ngày mà thành, phần nữa là những ám ảnh diễn ra liên hồi chăng?hồi nhỏ, dầm mưa hay trở trời rồi lên cơn sốt, giữa lúc mộng mị, mình thấy bản thân như ở giữa vùng trắng xoá, khung cảnh như ở một vùng đất lạnh lẽo băng giá nào đó, xung quanh chẳng có ai và cũng chẳng có âm thanh nào.

đứng ở đó được ít lâu, thì có người xuất hiện, không rõ mặt nhưng tại nên cảm giác vô cùng gần gũi, dắt mình qua khối băng hẹp dài vô tận phía trước. có lẽ vì hơi lạnh xung quanh, nên người mình rét run từng cơn trong hành trình ấy.

đi dài thật dài, lại có người xuất hiện, phá tan mọi thứ ở phía trước lẫn sau lưng mình. phá xong tất cả, người dẫn đường biến mất, kẻ phá hoại tiêu tan, mảnh băng dưới chân dần tàn, mình chìm nghỉm trong tư thế rơi xuống. rơi cho đến khi giật mình tỉnh giấc giữa màn đêm. thực tại tương đồng duy nhất với màn đêm, đó là không có ai ở bên cạnh cả.

giấc mơ ấy cứ chập chờn xuất hiện, sinh động từng chi tiết một thời gian rất dài, năm này qua cơn sốt khác, có những đêm phải mơ đến đôi lần. nên, một trong những điều mình sợ hãi nhất, chính là những cơn sốt đêm, vì trải nghiệm chẳng có gì là vui vẻ.

lúc trước, mình diễn giải rằng đó là sự phản chiếu hiện thực. những ồn ào, vụn vỡ và đổ nát diễn ra sinh động, thay phiên mà che lấp tâm trí mình. khi tỉnh táo, mạnh mẽ đến bao nhiêu để chống chọi; thì lúc đổ bệnh, mình lại yếu ớt để chúng hành hạ đầu óc nhiều đến bấy nhiêu.

nhưng giấc mơ khi ấy chỉ là sự diễn giải đoạn kết, còn đoạn trước đó thì chẳng khi nào nghĩ tới. sau này, mình nghĩ đoạn ấy là một sự chiêm nghiệm ngược – hành trình bản thân trong tương lai. bởi những lúc tăm tối, chẳng có ai dẫn lối mà đi, mình tự soi bằng những suy nghĩ trong đầu mà men theo. nên, tại sao hình ảnh người dắt mình đi lại thân thuộc đến vậy, có lẽ rằng đó chính là bản thân mình, lúc trưởng thành.

khi kể lại một cơn ác mộng, mình không thể nào nhồi nhét sự tươi sáng thêm vào. nhưng khi nó gần như dần nhạt nhoà bởi hơn mười mấy năm chẳng xuất hiện tại, nay tự nhiên lại ghé gần đây ít hôm, thì phải viết ra kẻo nó lại nhạt nhoà, và rồi mình lại quên sự tồn tại của nó…

Bài viết ngày 19 tháng 02 năm 2021

từ khi rời bỏ đại học và đi làm tới nay, mình đổi thành phố sinh sống là 4 lần, trong gần 4 năm.

lần đầu tiên là Huế vào Đà Nẵng. đi khi lần đầu tìm được việc, nên tâm thế đi vào là khá đầy năng lượng. nhưng giai đoạn ấy chuẩn bị không kỹ, lần đầu sang môi trường mới nên cũng kha khá vất vả để ổn định. may sao có bạn bè giúp đỡ, nên đi qua khó khăn cũng nhanh. mà, công việc khiến mình đi vào cũng kết thúc nhanh không kém. tuổi trẻ chưa trải sự đời, nên giai đoạn đó nhảy việc khá nhiều.

lần tiếp theo là Đà Nẵng lên Đà Lạt, lý do là muốn lên một thời gian để ở, để thư giãn sau những năm tháng cày cuốc công việc mệt nhoài. lên thì cũng vừa ý, không khí trong lành mát mẻ, đồ ăn ngon và có sẵn khắp nơi. nhưng khá vắng tiếng người thành ra nhanh cô đơn, ban đầu tính ở lại 3 tháng, nhưng được 3 tuần là chịu không được đành đi. sự ra đi cũng có vấn đề, cũng khá tiêu cực nên không muốn nhắc, chỉ là không bao giờ muốn quay lại đó.

rời Đà Lạt, tiếp tục chạy xe máy xuống Sài Gòn, ở tạm nhà bạn xong ở lại với nhau gần năm ròng. bạn bè bạn sợ không quen vì thấy tính mình hơi tĩnh, nhưng tâm thế lúc ấy mình khá cởi mở nên sẵn lòng đón nhận không khí mới lạ của nơi này. tuy nhiên, khi mọi thứ mới mẻ đi qua, mình lại nhanh ngán, và không thật sự vui khi ở lại nơi này.

nên, khi sắp đầy năm rưỡi, mình lại đi tiếp, về lại Đà Nẵng. lần đến này tuy mới mà như cũ, vì mọi thứ vẫn thân thuộc, chỉ giá phòng cao gấp rưỡi, nhìn xong hết muốn ở. cũng nếu so với các chuyến đi trước, lần này mình chuẩn bị kỹ hơn, có nhiều thời gian để sắp xếp và lựa chọn nên gây dựng cuộc sống mới như nào. cũng cần nhắc là, trải nghiệm này mới, nhưng khá cũ vì bạn bè xung quanh nhiều và đã ở sẵn đó chờ đón, chỉ đợi thời gian rảnh mà lên cái hẹn là gặp được nhau. thành phố này luôn đặc biệt với mình, theo cách như vậy.

bạn khi thấy mình xuống Sài Gòn khi mới nghe lên Đà Lạt, đã hỏi rằng liệu định lông bông thế đến bao giờ? mình bảo nói lông bông cũng được, chẳng có gì là sai; nhưng mà nếu ở được thì ở, không được thì đi, mắc gì phải níu lại cho thêm mệt, mình không vì sợ người ta bảo lông bông mà không dám rời đi dù nơi ấy lắm vấn đề; và tại sao đi được mà không về được?

Bài viết ngày 18 tháng 09 năm 2021

tâm trạng dạo này không được tốt, nên năng lượng cho công việc cũng không nhiều. kết quả, càng cuối ngày mình lại càng đuối, nhiều hôm đồng hồ tròn giờ là mình nằm vật ra giường, im lìm rồi dần chìm vào giấc ngủ. vài hôm vậy, thức giấc đã là 8, 9 giờ tối. một hôm khác, bất chợt tỉnh vì thấy quá nóng, xung quanh tối om, và mình chợt nhận ra là đang cúp điện.

ra hiên ngồi trên xích đu hóng gió, dạo này đang cận kề Trung Thu nên trời đêm cứ dần sáng, ánh sáng mà đang lúc đèn đường rọi thì nhạt vô cùng, còn nay thì cắt mặt hiên từng đoạn sáng tối đầy riêng rẽ. ở ngoài kia, vọng lên tiếng huyên náo, mọi người ở trong nhà nóng quá, đành ra sân hóng mát rồi bám vào cổng mà chuyện trò với nhau, tiếng nhà này vọng hỏi thăm sang nhà bên kia, cứ thế mà xôm khắp xóm như mọi người cùng chuyện để nói.

ánh trăng trên đầu, và tiếng tự nhiên ngoài đường, gợi mình nhớ những ngày ở quê mà cúp điện. những khi ấy, mọi người thôi không xem tivi nữa, thôi ở riêng nhà mình, thèm kết nối và không chấp nhận thời gian trôi vô vị nên cứ tụm ra đường, vào hiên nhà nhau mà trò chuyện. những câu chuyện trên trời dưới đất, không dành riêng cho bàn nhậu, cũng chẳng hợp để luyên huyên trong bếp, giờ được bày ra giữa đêm đầy sao. đến bây giờ, mình không nhớ hết mọi người đã nói gì trong những ngày cúp điện đó, mà chỉ nhớ về không khí được tạo ra, đầy sống động và hấp dẫn để hú hoạ tinh thần.

nhưng mà khi, chuyện đang say và nhịp đang lên, ánh đèn trong nhà đột nhiên sáng, tiếng tivi to nhỏ trong từng nhà. điện có lại thì chuyện đang kể cũng đâu cần thiết nữa, ai về nhà ấy, nhạc ngân lên với bao lời thoại khắp xóm, để con đường làng trở về với lặng yên. và chút nữa thôi, khi đèn điện sáng trở lại, xóm mình đang ở cũng sẽ lặng yên như cách ngày xưa từng lặng.

Có bình yên nào không xót xa?

lúc gặp nhau trên đất Mỹ sau nhiều năm xa cách, khi ấy ca sĩ Thu Phương tỏa ra một nỗi buồn man mác, lắm cảm xúc mà người đối diện dễ dàng cảm nhận được; chính thế, sắp tạm biệt bạn, nhạc sĩ Việt Anh hỏi liệu Phương có muốn nghe bài hát mới, bài dành cho cô, dành cho nỗi buồn của cô không?

Chưa Bao Giờ ra đời từ sự buồn bã trong cuộc gặp ấy, gắn liền với giọng hát Thu Phương bằng chuỗi tự sự lắm suy tư, khơi gợi nỗi buồn đầy xúc cảm. Việt Anh kể, giọng nói, dáng ngồi của Phương lúc ấy ôm trọn nỗi buồn của cô, để rồi anh thể hiện đầy chân thật qua từng câu chữ

…đi về đâu cũng là thế, buồn kia còn trong dáng ngồi,thiên đường xưa khép lại… từ muôn năm rồi…

bài này mình nghe lần đầu qua giọng Đông Hùng, lúc mọi người tạm biệt nhau sau mấy tuần đi tình nguyện trên núi, cùng sống cùng vui rồi lại cùng tan rã, nên khi nhạc vang lên, mình cảm tưởng như thời gian ngừng lại, và chậm rãi tua ngược về ngày đầu tiên.

sau, mình cũng được nghe giọng Thu Phương rồi Hà Anh Tuấn, mỗi người một cách thể hiện, chẳng ai giống ai nhưng tùy dịp thì từng giọng ấy lại hợp riêng từng lúc. nếu ai muốn nghe cũng hãy thử nghe như thế, để tìm lấy bản nhạc phù hợp với tâm trạng mình.

hôm chia tay cây vừa trút lá,hôm chia tay ô cửa vẫn sáng đèn…nhưng, vì bài hát viết ra là dành cho chính mình, nên hơn ai hết Thu Phương biết kể nó như thế nào cho phải lẽ. nhấn nhá, câu từ đưa lên rồi đặt xuống xuyên suốt cả bài, như cô đang tự nhìn lại cả một quá trình với những xúc cảm, uẩn ức và câu hỏi cho riêng mình. bởi thế, cô đã bật khóc khi mới nghe Việt Anh hát, như trái tim mình vừa chạm vào điều gì vô cùng sâu lắng.

quên được không những điều… đã bao giờ qua,quên được mỗi sáng mùa đông,nhìn ra ngày sương giá mềm,quên được không những điều ta chưa bao giờ…Việt Anh khi ấy như người bạn tri kỷ, hiểu và đồng cảm với nỗi niềm của Thu Phương gặp phải, rồi nhẹ nhàng xoa dịu bạn bằng lời hiển nhiên: quên được không những điều ta chưa bao giờ… từ đó, từ bài hát dành riêng cho bạn mình, mà thành bài hát cho mọi người; rồi tổn thương, đau đớn cũng sẽ vơi đi, và chúng ta cần học cách rũ mình, bỏ lại ngày hôm qua để đón nhận những ngày mới tươi đẹp hơn…

Bài viết ngày 18 tháng 05 năm 2021

có lần, bạn rủ cà phê nói chuyện. ly nước lọc đem đến, nước mới gọi ngang miệng thì bạn hức hức rồi oà khóc, tại sao lại đối xử với tao như vậy. trong quán tự nhiên im lặng, nhìn mình như kẻ bạc tình tệ hại, mới làm tổn thương tình cảm bạn. khoảnh khắc ấy, mình phải cố gắng lắm mới tập trung uống cho xong ngụm nước để lấy tinh thần.

chuyện bạn kể hôm ấy, không phải chuyện tình nào mới tan vỡ, mà chỉ là tình bạn làm tổn thương, đau chẳng kém khi người ta yêu rồi làm khổ nhau vậy. chuyện của bạn, cơ bản giống như vấn đề của bao tình bạn thân thiết khác. thân với nhau quá, khoảng cách không còn nên cứ mặc nhiên chơi đùa, làm tổn thương nhau.

vết thương ấy, cố tình thì ít mà vô tình lại nhiều. có phải chăng, vì đã mở lòng được rồi, đã hiểu rõ vài điều ẩn khuất, nên chúng ta được phép chạm vào, đung đưa cái tôi nhau đầy thích thú?mình nghĩ, thân thiết với một ai đó hẳn nhiên vì sự đồng điệu mà thành, nhưng để duy trì được dài lâu – hãy cần đến sự tôn trọng. bạn mình khi thấy tín hiệu rõ là thân thiết của nhau, đã hỏi liệu được gọi mình là chó? trời ơi, không, đó không phải là cách những người bạn thân (của mình) đối xử với mình.

phản ứng hơi đạo đức giả nhỉ, xung quanh ai cũng vậy mà? nhưng vấn đề thật sự ở đây, không phải gọi ai đó là chó (hay một từ nào khác hấp dẫn hơn?), mà là việc ta có cho phép họ quyết định với điều ấy không. với mình, đó chính là sự trân trọng, tôn trọng lẫn nhau trong một mối quan hệ bạn bè thân thiết. nó cần hơn cả việc chúng ta luôn nói tốt, đối xử tốt với nhau mọi lúc mọi nơi.

đáng tiếc, không phải ai cũng cho phép bạn mình được quyết định. bởi nếu có, thì hôm ấy mình đã không thành kẻ bạc tình trong mắt bao người ở quán cà phê kia…

Bài viết ngày 18 tháng 04 năm 2021

mình gọi đường về nhà là con đường di sản, bởi xuyên cả tuyến ấy là không biết bao di tích, địa điểm lịch sử.

từ trung tâm thành phố chạy lên Điện Biên Phủ, nơi giao với Lê Ngô Cát là Đàn Nam Giao. có lẽ vì xa xưa, những sớm đầu năm các vua đến cầu cho quốc thái dân an; nên nay dân cứ chọn để sớm sớm lại làm đôi vòng giữa rừng thông nho nhỏ cho sự an lành của chính mình.

những khi dừng lại, mình thường tản bộ đến phía sau các tầng thành mà lên trên cùng. ở đấy, tầm mắt tuy không thể phóng trọn mà nhìn toàn cảnh như ở Rú Chá, nhưng cũng đủ để lấp đầy tầm mắt là những màu xanh của lá và trời. trải nghiệm ở đây có thêm nhiều điều thú vị, nhưng những điều ấy xin hãy để cho bài sau.

đi thêm một đoạn là đến Lăng Minh Mạng, vị vua trong mắt người đời là nhiều con (142) hơn cả Lạc Long Âu Cơ; còn trong mắt giới sử là kiệt xuất nhất nhà Nguyễn.

thêm một đoạn là cầu cầu, đi xuống dưới là lăng Gia Long, đi lên trên là tới nhà mình.

lăng của vua đi rất xa, xuyên rừng với nhà cửa. đường rừng là sát mép nhánh Tả, song song là cây cối um tùm. sáng tinh mơ hay lúc chậm tối, nếu chạy chầm chậm qua nhà dân ở nơi này là sẽ nhận được mùi hoa Thanh Trà, hoa Bưởi thoang thoảng trong gió. cũng vì lăng vua rất xa, nên đây cũng rất vắng, và cũng có khi vậy mà rất yên bình.

còn ở phía trên kia, nhánh Tả vừa kể sẽ hợp với nhánh Hữu thành sông Hương, bạn nào đọc Ai đã đặt tên cho dòng sông, thì đây chính là nơi bắt nguồn như trong văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường kể.

ở góc này nhìn vào ban sáng, sẽ thấy cả khung cảnh, cả dòng sông như chững lại giữa làn sương khói. sự chậm rãi tĩnh lặng của cả thành phố, có lẽ cũng từ đây mà lan xuống.

còn nếu nhìn lúc ban chiều, những khi thành phố không còn gì để níu nên mình về nhà sớm, cả dòng sông sẽ được nhuộm màu của nắng, vàng ươm và mát dịu đến vô cùng.

Bài viết ngày 17 tháng 08 năm 2021

hôm nay đọc được 2 tin về hàng thiết yếu. tin đầu là đề xuất trên Trạm Đọc, rằng sách cũng nên là hàng thiết yếu, cần để phục vụ đời sống tinh thần của người dân trong giãn cách xã hội. tin còn lại là kể chuyện, về hành trình tìm mua nhang nến cho người quen của bạn kia, vì bà của bạn mới mất do covid. tìm khắp nơi nhưng chẳng được, có lẽ vì nhang đâu phải hàng thiết yếu. mà tìm được rồi, chặng đường ship liên quận thật lắm gian nan, cũng bởi vì chữ hàng thiết yếu.

chút cảm xúc gợi lên, để hiểu đề xuất về những cuốn sách; khi bản thân mình, cũng đang rất mệt mỏi, mông lung và dễ thấy tinh thần yếu ớt sau những ngày dài yên lặng trong nhà, im lìm ngày này qua tháng khác. nếu một niềm vui, sự an ủi để bám vào lúc này; dù khi bình thường nó chẳng có gì là đặc biệt, thì giờ cũng thỏa lòng nhiều vô cùng.

nhiều hơn một chút gợi, là bạn mình cũng vừa mất người thân bởi covid. mình dễ cảm nhận được sự đau lòng, trống rỗng khi người yêu dấu ra đi. nhưng không thể nào tưởng tượng, đối mặt được viễn cảnh rằng không thể an táng họ một cách trọn vẹn. và xa hơn, khi một nén nhang cho đời sống tâm linh cũng trở nên xa xỉ, thì nên dùng từ ngữ nào để diễn tả?

dịch bệnh không thiên vị, chẳng loại trừ một ai trong cơn khát của nó; giãn cách xã hội thì cào bằng, bắt hết mọi người ở yên trong nhà. những phận người, lại chịu tổn thương theo những cách khác nhau. ai no ấm, nay vẫn no ấm cộng thèm chút giải khuây cho đời sống tinh thần đỡ căng thẳng. ai yếu ớt, dễ tổn thương thì giờ lại càng yếu, càng tổn thương hơn nữa. trên mặt báo, mạng xã hội, người ta kể với nhau sự mệt nhọc của những ngày giãn cách. còn trong hẻm nhỏ của đô thị, người ta bày ra sự tăm tối, teo tóp vì bị rút cạn sinh khí trong bế tắc.

hàng thiết yếu, bản chất cũng giống như vai trò của tháp Maslow vậy. tầng đầu tiên, quan trọng nhất và cần được đảm bảo, là sức khỏe, là ăn uống. nhưng không phải ai, lúc nào nó cũng là thiết yếu; bởi có những người, ấy là hiển nhiên, không đáng quan trọng. nhưng cũng có những người khác, một nhu cầu cấp thiết tự nhiên xuất hiện, nó liệu có có được xem là thiết yếu hay không?mình thì khó trả lời lắm, bởi đúng sai vào lúc này, mọi thứ cũng cứ mơ hồ, nhạt nhòa như thế nào ấy…

Bài viết ngày 16 tháng 08 năm 2021

những ngày yên ả bắt đầu trôi qua, kéo theo sự nhàm chán đến vô tận. khắp nơi đều phong toả và chẳng có lấy một tín hiệu tích cực. tình cảnh hiện tại, gợi mình nhớ cách đã sống ở Sài Gòn, dù sự gợi ấy chẳng tương đồng cho lắm.

ngày trước, đường phố mệt nhọc với tiếng xe cộ, ngõ ngách phức tạp với những phận đời, và không phải ai, với cuộc hẹn nào cũng sẵn thú vị để tìm đến nhau. nên, đa số thời gian sau giờ làm là mình toàn về nhà, nối nhịp sống bằng những mảnh ghép đơn điệu. lúc ấy, không rong ruổi khắp nơi, hẹn bạn khắp chỗ để tìm kiếm niềm vui vào cuối ngày, mình tự tạo, tự tìm kiếm niềm vui trong căn phòng nhỏ.

tình cảnh hiện tại, ngày nối ngày cũng bằng đơn điệu đầy nhàm chán đó. chỉ khác rằng, không có lựa chọn nào hơn để thay thế, và mình có được nhiều cách để trải nghiệm sự nhàm chán đó.

bù lại, mình không còn mong ngóng về những ngày cũ kỹ quen thuộc, nơi tâm trí và tầm mắt được lấp đầy bằng sự lấp lánh của những ánh đèn, đậm đà của mùi vị nơi quán thân quen như trước đó đã từng.

bây giờ, mình đợi một kết quả tích cực sẽ đến, trả công cho bao ngày căng thẳng và miệt mài với nhau, để nhịp sống lại có chút sắc màu cho riêng mình.

Bài viết ngày 15 tháng 12 năm 2021

hàng năm cứ dịp giữa mùa đông, trời tháng chạp đầy sương và se se lạnh, ngoài đồng rau củ và gia vị dần đến vụ thu hoạch cuối cùng của năm.

khi chạy xe dọc, hoặc xuôi mái chèo trên sông Hương, bạn sẽ thấy đôi bờ có những mảnh đất nhỏ, đều thẳng tắp những màu xanh từ rau và gia vị của dân quanh vùng. điều dễ hiểu, khi họ đang mượn nước, mượn phù sa của dòng sông ấy mà chăm sóc vườn rau của mình.

còn dịp này, trong từng mảnh đất nhỏ bên đường, bạn sẽ thấy thêm là người ta vừa dần thu hoạch, vừa để cây lớn già, hoa với quả rụng là đủ sắc màu. khi ấy, là họ đang thu hoạch hạt giống, giữ lại cho mùa sau.

một điều kỳ quặc, là chẳng ai ra giữa vườn ớt, rau ngò, hành tím hay cải su hào khi chúng đang tung hết sắc với màu hoa để chụp ảnh cả. người ta chỉ tìm đến vườn hoa cải, những cây mà lúc dần già là nhánh cao vút vời vợi, lá không mọc thêm mà chỉ đâm ra những nhành hoa nhỏ. có phải chẳng là phải sự kết hợp của sắc màu làm hợp mắt với đa số? khi màu vàng của bông hoa cải nhỏ li ti, kết hợp cùng sắc lá vẫn đang xanh, tạo ra sự pha trộn nhẹ nhàng, dễ chọn để phối đồ khi ai đó muốn chụp ảnh cùng?

nếu bạn đang ở Huế, hoặc đến Huế dịp này và muốn ngắm hoa cải, thì không khó lắm, đừng đi cung đường mình viết. hãy tìm đến chợ Kim Long và đi quanh đó, sắc hoa cải sẽ nhuộm vàng một góc nhìn, nếu bạn tinh ý và đủ nhận ra. còn nếu không nữa, hãy thử ra vườn, biết đâu một vườn hoa cải nhỏ đang đợi bạn không chừng.

Bài viết ngày 15 tháng 11 năm 2021

đợt phong toả vừa rồi, mọi niềm vui và cảm xúc gói gọn trong 4 bức tường với khoảng sân rộng. những ngày đầu thì khá là khó chịu, dù trước đó cũng không ra ngoài nhiều. sau thì cũng tự điều chỉnh, quen dần và làm mới niềm vui mỗi ngày.

một trong số đó, mình tập làm giấy. cảm hứng thì không biết từ đâu mà có, học của người này một ít, nhìn người kia rồi làm theo một phần, công thức tự sáng tạo chứ chẳng theo giáo trình nào cụ thể cả.

mình có cuốn sổ vẽ cũ, chuyên dùng để vẽ đôi nét linh tinh và viết những dòng thư gửi bạn. từ những lá thư trật dòng, những nét vẽ ngớ ngẩn không ký ức, mình gom lại rồi xé vụn, đun với nước và để qua đêm. thêm vài công đoạn linh tinh nữa, những tờ giấy kia dần mất đi hình hài vốn có. chìm tay xuống lớp bột đang rã và cảm nhận, mình thấy chúng tủn mủn, mềm mại và thơm mùi giấy mới.

tiếp đến, mình trải bột ra ván, phủ bên dưới là lớp vải để hút bớt nước rồi ra sức cán mỏng hết cỡ. đợt cán đầu tiên, tờ giấy mỏng như chiếc bánh đúc, ướm thử vào cuốn sách đang đọc dở là bằng tầm mấy chục trang giấy ghép lại.

thêm đôi lần cán với đôi lần ngâm nước nữa, tấm giấy cũng thành điều mình muốn, không giống như một tờ giấy bình thường như cũng hao hao nét của một tờ giấy bình thường. nó không quá mỏng manh để cầm lên là vỡ vụn, và cũng không quá đầy đặn để trông rất kỳ cục. nó vừa đủ, vừa đẹp trong lòng bàn tay, (dù thực tế là vẫn rất thô ráp).

ba mình từng kể chuyện, xưa nghèo lắm, tiền ăn không có thì lấy đâu tiền mua giấy mà học với hành. nên khi hết năm học, vở dùng xong thì quét thêm lớp vôi trắng rồi phơi khô, sang năm mới là có vở mới tặng kèm mùi vôi trên hành trình. chuyện kể vậy thì mình nghe vậy, chứ chẳng rõ được bao nhiêu là thật với ảo.

nhưng nếu là thật, mình tưởng tượng lớp vôi bột sẽ hằn lên từng lớp sần sùi loang lổ, không làm tờ giấy mịn màng như lúc ban đầu. qua tay mình, những tờ giấy cũ kia cũng cũng chịu chung số phận như thế, cũng không còn mịn màng như trước đó. chỉ khác là, chuyện ba mình kể là bởi vì nghèo quá mà thành; còn chuyện mình làm, đơn giản là rảnh quá mà sinh hứng.

Bài viết ngày 15 tháng 06 năm 2021

văn phòng nay chỉ có 4 người, số còn lại chọn ở nhà, mình thì vẫn lên. lên vì muốn được ra ngoài và nhìn mọi thứ, dù rằng đa số khá lặng lẽ.

chạy qua những con đường vốn từng tấp nập, mình lại nhớ về những ngày đầu đi làm lại ở Sài Gòn. lúc ấy, thành phố vẫn chưa hoàn toàn mở cửa, vẫn còn đâu đó quán xá im lìm, công ty làm việc từ xa. giờ tan tầm lúc ấy, ngày thường cả cuối tuần đều lặng lẽ ít ồn ào. nhịp vắng đó bạn mình bảo như đang mùa Tết, cái mùa mà đa số mọi người đều chấp nhận để Sài Gòn được yên. mà Tết thì rõ, nào có duy trì được lâu, rồi cũng đôi mươi ngày, thành phố sôi động trở lại, ồn ào và lắm khuôn mặt bực mình.

vốn dĩ, mình không yêu được những lúc phải đi ra đường khi ở Sài Gòn, bởi thế nên được mấy khi có hứng chạy loanh quanh. nhưng thoáng một giây phút nào đó, khi sự náo nhiệt kia quay lại, mình lại thở nhẹ vì cũng đến lúc mọi thứ được bình thường.

hôm nay mọi người ăn trưa lặng lẽ, góc văn phòng vốn đã chia bốn nên mỗi người chiếm một. mở miệng ra nói chuyện cũng phải gào lên hết hơi hết sức, nên những xã giao thông thường nay cũng chẳng cần đến. đoạn ăn xong rồi anh giám đốc kể, đợt dịch trước mọi người ở nhà hết, mình anh lên, chán lắm.

dù mình cực thích yên lặng, nhưng những lúc thế này, những khi yên lặng không mời mà đến, đến phá cái bầu không khí vốn đã trong lành thoải mái từ trước đó, thì mình chẳng thích một chút nào. tất nhiên, một giây phút nào khác, mình sẽ tận hưởng cảm giác đầy riêng tư này, nhưng ấy chẳng bao giờ là điều mình muốn. sự ồn ào nào đã có, mình mong nó tiếp tục; sôi động ở đâu mà thành, hãy cứ vậy mà quay lại…

Bài viết ngày 15 tháng 02 năm 2021

hồi nhỏ, mình sống với ông bà nội, do ba mẹ bận cuồng quay với công việc, không thể toàn tâm chăm sóc con cái được.

những năm tháng sống cùng, một sợi dây kết nối vô hình giữa bản thân mình, và quá khứ của ông bà trong lúc hai người trà nước với nhau khi thời sự chiếu. những câu chuyện từ thời chiến, những người bạn đương thời, bi kịch của thời gian và của số phận những con người là tâm điểm.

những gì ông bà kể, tất nhiên là nhạt nhoà và khó hình dung, dù lời lẽ rất sống động và đầy biểu cảm. mình đoạn đó nghe rồi để vậy, trí tưởng tượng có rộng đến bao nhiêu cũng không hiểu được hết những gì ông bà đang nói.

sau này, kinh tế gia đình ổn hơn, mình lại về sống với ba mẹ. vẫn thường xuyên ghé nhưng chỉ đôi lần được nghe tâm tình, chứ không còn nhiều như trước. dần, theo thời gian mà mình cũng xem điều ấy không là hiển nhiên, chẳng là quan trọng nữa.

rồi sau nữa, lớn khôn mà đi học xa nhà, bà mất được ít lâu thì ông cũng già yếu dần. những khi về lại, ngồi bên ông lúc vẫn còn sống, mình lại nghe đôi câu thăm hỏi, lại nghe thời thế trầm ngâm bên chén trà Thái Nguyên.

những khi đó, tự nhiên mình được gợi lại đôi điều về những ngày xưa cũ, cảm giác này tương tự như lúc mình viết đôi dòng về Song Lang (2019), đó là cuộc du hành về quá khứ qua con người, qua những câu chuyện. điều ấy dễ để diễn tả, nhưng khó để cảm nhận, vì phải nào cũng sâu sắc mà ghi nhớ trong lòng đâu?và lúc ông đặt chén trà xuống, tay bó chân đang gác mà nhìn xa xăm, tự nhiên mình như đứa trẻ đang ngồi chép bảng cửu chương tren chiếc bàn gỗ, bên cạnh là bà nội đang phe phẩy quạ đang còn nóng, mùi sương ở ngoài ngõ và thi thoảng là chút tiếng rì rầm của dế ngoài hiên…

hôm nay, 49 ngày của ông.

Bài viết ngày 14 tháng 09 năm 2021

đoạn đường núi mờ trong sương.

đi qua mùa hè trong yên lặng, mình quên ngoài kia cảnh vật đang thay đổi thế nào. trên Sơn Trà có mấy bụi mâm xôi bên vệ đường, chạy qua vài lần canh chín đỏ mà mãi chưa chín, nay cũng chắc sang mùa mới. lá sang tháng này chắc không còn nhiều sức sống, muốn hái thì cũng chỉ toàn lá già gân cứng, chắc thì chắc chắn thật, nhưng mình thích sự mỏng manh của từng chiếc lá hơn.

mùa mưa sắp đến, mình sẽ cần nhiều cảm hứng hơn nếu được dịp ra ngoài. cảnh sắc ủ rũ, mưa rì rầm phủ trắng khắp nơi, sắc màu cũng dễ đơn điệu và tâm trạng dễ pha nhiễm theo. niềm mong mỏi theo tưởng tượng, có lẽ là khung cảnh mây bồng bềnh sà xuống chưng chừng núi như đã từng chứng kiến ở Sapa.

thời điểm này dễ trống rỗng, đếm ngày tháng cũng lưng chừng, nhưng ngoài kia cảnh vật thì cứ thay đổi, và bản thân mình giờ lại lặng yên.

Bài viết ngày 14 tháng 03 năm 2021

những lần lang thang trong trong công viên Gia Định, mình thường đi một mình. trên tay là chiếc lọ nhỏ, tay kia là chiếc kéo tỉa cành. những lúc ấy, mình thường dạo quanh, tìm đủ sắc màu có thể rồi sắp xếp dần trong đầu. cho đến khi định hình thì dừng lại, lấy bộ ép tiêu bản chuyên dụng ra mà sắp xếp. việc hái hoa cũng không có gì khó khăn trong công viên, bởi mọi người xem mình như là một kẻ dạo chơi bình thường, còn bảo vệ có vẻ cũng chẳng thèm quan tâm cho lắm.

ngay với chiếc lọ nhỏ đựng hoa, bản thân nó cũng là thành quả nghệ thuật. bởi không tự nhiên mà xếp đủ loa lá vào trong đó. nó sẽ rất lộn xộn, khó lấy ra, và làm cành bị dập nát lem phấn. nên là, mình thường sẽ cân đo đong đếm, sắp xếp luôn từng bông hoa, cọng lá sao cho phù hợp, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, lại không khiến chúng như một nhúm hoa cỏ vụn còn sót khi cắt tỉa một bó hoa lớn. cho nên, về cơ bản, đó là một cuộc dạo chơi đầy sắc màu, khi mà mình không chắc chắn hết rằng hoa cỏ trong tay rồi sẽ được kết hợp như thế nào.

sau quá trình tìm kiếm những bông hoa hợp ý nhất rồi, mình sẽ tiến hành tách nó ra khỏi lọ, và trải trực tiếp trên tấm giấy ép. việc xếp hoa cũng cần cẩn trọng, bởi mình không muốn cánh, nhành và nhuỵ của các loại hoa vô tình trộn lẫn với nhau. và nếu sắp xếp không khéo, hết lượt này thì lượt sau các cành lại xếp đè lên nhau, và việc gỡ ra mà không làm tổn hại đến chúng cũng là điều vô cùng phức tạp.

ở bước này, vị trí quan trọng hơn tính thẩm mỹ. bởi nếu kỳ công quá, việc giữ yên cho những lần ép tiếp theo, xếp chồng lên sau đó sẽ vô cùng gian nan. giữ yên chúng ngay trong tấm giấy, là đủ để tạo nên những bất ngờ nghệ thuật tiếp theo đó.

Bài viết ngày 13 tháng 10 năm 2021

sinh nhật bé út được ít hôm, ba nhắn gửi cho ít ảnh của em, bảo lấy thêm của mình nữa, rồi in thành tập để làm kỷ niệm. mình chững lại, hỏi muốn xem thì nay dễ mà, lưu trên điện thoại đó hết, sao phải in ra cho cầu kỳ với tốn kém? ba bảo, chạm tận tay vẫn thích hơn nhìn trên điện thoại.

mình im lặng gom ảnh, mà đoạn rồi dịch mệt quá nên chưa làm theo ý ba, cũng chẳng rõ khi nào mới về được Huế, nên thôi tạm để yên đó.

dù yên vậy, chuyện ba nói vẫn cứ đeo bám mình ít lâu, miên man trong vài lần vẩn vơ nghĩ ngợi linh tinh. để mở đầu thì, mình luôn thích hữu hình mọi thứ, sách đọc luôn là sách giấy, ảnh chụp được tấm cảm xúc thì in ra rồi cất góc tủ, và cỏ cây hoa lá đẹp trong tầm mắt thì sẽ lựa dịp hái xuống ép tiêu bản cho giữ dài lâu.

với mình, đó là trải nghiệm khi chạm vào những điều chân thực, chính cảm giác ấy đã tạo ra giá trị cho những món đồ, tấm ảnh hay miền ký ức. cho nên, sợi dây chuyền bạn mang thì ngoài chợ kiếm cũng có, chiếc bút cũ mình thay ruột khi hết mực luôn bày sẵn trong nhà sách, và tấm ảnh mình in ra đâu khó để bạn làm được như vậy. nhưng sự tồn tại của chúng, của riêng chúng, với riêng bản thân mỗi người lại có sức mạnh tinh thần to lớn, và chẳng gì thay thế được.

lý do cho việc hữu hình, là mình luôn nghi ngại, rằng ký ức bản thân rồi sẽ bị lấp đầy bởi những thứ khác – những thứ mà cảm xúc chẳng trọn bằng điều đã vừa mất đi; file số hóa bỗng ngày đẹp trời nào mà tan biến không tìm lại được; và nhiều điều khác nữa, khi sự hấp dẫn của chúng không thắng được chút vội vàng, tiện nghi của cuộc sống hiện tại đem đến khi mình lỡ cân đo đong đếm.

nên, cái chững đoạn đầu bài viết, cũng bởi mình nghĩ nay liên lạc dễ dàng quá, tầm hình chụp nhanh trong tầm mắt; khiến việc hữu hình những khoảnh khắc hay kỷ niệm của mọi người dần mờ nhạt và chẳng đáng lưu tâm nữa. mình nghĩ, ba mình cũng đang như vậy. nhưng mà không, tính cách đang có đôi khi là do người đi trước để lại. với mình, trong lần này, chính là niềm vui thích khi chạm vào những kỷ niệm đẹp đẽ và không thể nào muốn quên.

Bài viết ngày 12 tháng 11 năm 2021

quanh trường Sư phạm mình từng học vốn là Toà Khâm Sứ cũ. nhìn xuyên qua tán lá công viên trước trường là sông Hương, mé sang chút là cầu Tràng Tiền mười mấy nhịp. chính vị trí chiến lược cũ kỹ như thế, mà xung quanh có rất nhiều số nhà từng là nơi ở của quan chức Pháp. một trong đó, là 25 Lê Lợi.

sau giải phóng, nơi này được trưng dụng, thành Bảo tàng Văn hoá, thường trưng bày tác phẩm nghệ thuật những sự kiện văn hoá, bản vẽ kiến trúc khi cần ý kiến của người dân. trong một lần tình cờ ghé qua xem 2 bờ sông sẽ được quy hoạch như thế nào, mình biết đến Ca Huế thính phòng.

nhắc đến Ca Huế, mình chủ quan cho rằng, ai sống ở Huế cũng ít nhiều là thưởng thức. đơn giản thì qua Radio, TRT, rồi Festival mỗi năm một lần. cầu kỳ thì vào Đại nội, để phủ lên chút không khí lịch sử hoài cổ. hoặc thực dụng hơn, tình cờ nghe xập xình từ chiếc thuyền rồng đang vặn loa hết cỡ, trôi lững lờ giữa dòng khi đang đi trên cầu nào đó.

Ca Huế thính phòng lại khác. thêm chữ thính phòng không tạo ra sự cầu kỳ xa cách như nhạc thính phòng. thính phòng, đơn giản là nghe nhạc trong phòng. trải nghiệm này dành cho mọi người, để tận tường cảm giác và không gian mà không phải tốn kém điều gì.

căn phòng nhỏ sinh hoạt là nép sâu trong tòa nhà chính diện. mỗi tối thứ 3 hàng tuần, nơi này lại chong đèn ấm cúng chào đón mọi người. ở bên trên là các nghệ nhân ngân nga câu từ nhịp điệu, bên dưới là người nghe tự do thả hồn bay. mình không nghĩ dùng chữ là diễn tả được hết vẻ đẹp, cảm xúc mà những đêm sinh hoạt đem đến. nên nếu được dịp, bạn cứ thử ghé qua và cảm nhận xem thế nào.

và như đã viết, mình bị kéo về quá khứ khi nhắm mắt nghe Ca Huế. mình không biết trải nghiệm ấy có tương đồng với mọi người hay không. nhưng đôi lần thử nhìn xung quanh, và nhìn ra cửa sổ; mình thấy cách giữa căn phòng này và ngoài đường đang lấp lánh ánh đèn kia là khoảng tối của màn đêm. khoảng tối đó, nhỏ thôi, nhưng như là bức tường ngăn giữa hiện thực đầy hiện đại, và dấu ấn giàu chiêm nghiệm của lúc này. nên là, nếu ai nhìn và cũng nghĩ như mình vậy, hẳn họ dễ cùng trải nghiệm với mình rồi nhỉ.

Bài viết ngày 12 tháng 08 năm 2021

cuộc đời quá ngắn ngủi để tốn thời gian cho những cuốn sách chưa vượt qua thử thách của thời gian. Nagasawa trong sách của Haruki Murakami đã nói như vậy, khi diễn giải nguyên tắc đọc những cuốn mà tác giả đã chết trên 30 năm.

mình thì không nặng nề đến vậy khi lựa sách để đọc; nhưng nếu ai hỏi làm thế nào để hành văn tốt hơn, câu cú sắc gọn hơn; mình lại bảo họ tìm những dòng văn cũ kỹ, xa xôi của thế hệ trước trong nước mà tham khảo.

có hai lý do cơ bản cho lời khuyên ấy, đầu tiên là bảo chứng của thời gian; và sau nữa là sự tinh khiết của câu từ.

về thời gian, chúng bảo chứng giá trị những điều đã, và đang tồn tại là không thể bàn cãi. đơn giản là bài hát, tập phim, hay cuốn sách; sâu xa là tình cảm, lời hứa, hay cảm xúc.

gói gọi trong văn học, câu chữ khi viết ra là phản ánh đời sống hiện thực; còn khi đọng lại là hình ảnh, ấn tượng và nếp nghĩ. chữ để càng lâu, lại càng dễ lãng quên. nhưng chữ càng tồn tại lâu, càng chứng tỏ giá trị.

về sự tinh khiết, mình hay than phiền với bạn về chất lượng dịch của sách ngoại văn. có thể là tư duy hành văn khác biệt, nhưng cũng có thể người dịch chẳng đủ chữ nghĩa để truyền tải nội dung. văn trong nước lại khác, ý văn sao thì cứ vậy mà đến với người đọc, không cần chuyển ngữ, chẳng cần diễn giải thêm.

nhưng nói đi thì cũng cần nói lại, văn trong nước thì hợp cho chuyện viết theo cảm xúc, diễn giải suy nghĩ; còn nếu muốn lập luận chặt chẽ, gọn gàng và đi thẳng vào vấn đề, hãy tìm đọc những cuốn sách được dịch tốt.

học viết văn theo đó, sẽ dễ hợp, và lên tay hơn rất nhiều.

Bài viết ngày 12 tháng 06 năm 2021

trong cuốn Nghệ thuật Huế của Edmond Gras và Léopold Michel Cadière, có một đoạn ngắn đại ý là: những vết tích, tinh hoa của lịch sử thì trường tồn với thời gian; nhưng những người nghệ nhân tạo ra nó, thì lại quên lãng, và chẳng ai nhớ để gọi tên.

đoạn này tương đối ngắn, nhưng hàm ý lại rộng. rộng với mình là đủ đọng lại, để những khi ghé thăm cùng bạn bảo tàng nào đó, lúc ngắm nhìn những cổ vật người ta đào lên từ mấy lớp đất; hoặc tình cờ chạy ngang góc tường rêu phong ở quê nhà, được dịp bước qua cổng thành cũ kỹ như chừng sắp đổ nát trong khu phố cổ; thì ngoài vẻ đẹp đang hiện hữu trước mắt, thì còn là thắc mắc liệu người ta có còn nhớ, có đang quan tâm xem ai đã tạo ra những điều này?mà, mình cũng không biết, liệu những nghệ nhân đã mất tên mất tuổi ở kiếp kia nghĩ thế nào khi họ tỉ mẩn với công trình của mình. là mong ai đó sau này nhớ rồi nhắc đến, hay chỉ đơn giản là thành quả này được tồn tại càng lâu càng tốt.

nhưng rõ ràng, hai mong muốn ấy chẳng ăn khớp và hơn thua được với nhau. bởi nếu công trình kia tồn tại đủ lâu, đủ sức để người ta ghi nhận rồi trân quý, thì cũng chẳng mấy ai nhớ đến tên họ. còn nếu khi công trình ấy biến mất trước khi người ta nhận ra, thì tên tuổi kia cũng đâu có lý do gì mà gìn giữ?

Bài viết ngày 12 tháng 01 năm 2021

một hôm đang ở Đà Nẵng, mình nhân dịp làm dự án mà ngược về Huế để phỏng vấn. đến quán rồi chị bé đem nước ra, hẹn trước với chủ quán nên chị cũng hình dung được mình ngồi ở đấy là làm gì, nhưng vẫn hỏi xã giao rằng em tới phỏng vấn làm chi đó. mình kể rằng tụi em cần làm cuốn danh bạ về cộng đồng hoạt động xã hội ở Huế, khi mọi người muốn tham gia thì biết tìm ở đâu, khi mọi người cần hợp tác thì biết có những ai cùng chung chí hướng. chị im trong giây lát, rồi bảo em làm như Opportunities nhỉ, mình cười chính tụi em đây ạ. nghe vậy, chị cười thật tươi, chân thành chúc tốt đẹp.

với mình, đó là thành công. bởi chẳng ai biết mình hết, họ chỉ biết Opportunities mà thôi. 5 năm tồn tại, mình tin rằng dự án đã tạo nên cảm hứng cho những ai làm cộng đồng, lan toả thêm nhiều sự tử tế. nói một cách tự cao thì, sự năng động của Huế, mình tin đã góp vào một phần nhỏ.

viết ra thế không để khoe gì cả, mà chỉ chia sẻ rằng mình giỏi làm công cho người khác hơn là làm chủ cho chính mình. Opportunities không do mình sáng tạo nên, nhưng đó là thành công nhất mà mình từng có. sau này, có thêm Greenhero, cũng tương tự như vậy. khi nhìn vào sự tương phản ấy, mình nghĩ chăng bản thân không giỏi nghĩ ngợi, nên ý tưởng khi có chẳng tạo nên bước ngoặc; hoặc là mình nghĩ mộng mơ quá, không thực dụng nên mọi thứ cứ nhanh tàn?

tự hỏi và không có lối giải hợp lý, nên thời gian dài mình để pritave tài khoản, bởi không tin là những gì tạo nên lại có tính lan toả để nhiều người biết, và cũng ngại nữa. mãi sau, Diệu nhắc, đừng bỏ phí (những bức ảnh, câu chữ) trong những mối quan hệ. câu từ của em có nhiều cách để hiểu, mình chọn ngữ nghĩa đơn giản nhất để theo: đừng phí thành quả của mình.

đoạn đó trở sau, mình bớt ngại ngùng khi tài khoản đã để public, mà vẫn viết những dòng chữ rất cá nhân (như thế này).

và tiến hơn chút nữa, khi bạn hỏi sao làm thẻ visa, mình rằng chạy quảng cáo để tăng độ phủ cho @nhavantuonglai. em bảo nên thế lâu rồi. nghe thì thực dụng, nhưng nếu hỏi mình đam mê, mình trả lời là viết; nếu là ước mơ, thì ấy là sống được bằng nghề viết; và xa hơn là tham vọng, thì đơn giản là nổi tiếng bằng viết lách nhỉ…

Bài viết ngày 11 tháng 12 năm 2021

có nhiều hôm, khi cảm thấy bản thân thật trống rỗng và lắm mệt mỏi bủa xung quanh, mình lại nhớ về giai đoạn này của năm ngoái – lúc chẳng còn ở Sài Gòn được bao lâu. có lẽ vì cảm nhận rõ – sẽ chẳng ở được bao lâu nữa, nên mọi gánh nặng và tù túng trong suy nghĩ cứ dần buông tay.

cuối tuần của dạo ấy, mình lãng quên những trách nhiệm (của bản thân và người khác) đang áp lên, để ra công viên chơi với hoa cỏ. thường thì sẽ đi một mình, mà lâu lâu lại rủ bạn đi cùng như cách để kết nối và tìm điểm chung trong những cuộc trò chuyện. trải nghiệm ấy khá đơn giản, chọn những bông hoa ưng mắt nhất trong vườn và ngắt khỏi cành để ép tiêu bản; và cũng ngắn ngủi nữa, khi kéo dài đâu đó tầm 2 tháng. nhưng bản thân lại có thêm vài sắc màu và câu chuyện để kể sau này; còn bạn khi đó, lại có nhành hoa đem về, và nhìn thấy mình tươi tỉnh hơn trước đó rất nhiều.

có vẻ như rằng, hoa cỏ khi ấy chỉ mang tính phụ họa cho những sắc thái được tạo nên. điều hiện hữu rõ ràng hơn, là dù vẫn tận tâm với trải nghiệm, nhưng mình lại ít kỳ vọng vào thành quả nhận được; cứ thoải mái và tự nhiên tận hưởng ngày cuối tuần.

sau này, điều ấy dần trở nên gọn gàng, để mình diễn tả tốt hơn khi rủ ai đó tô màu cùng, rằng đừng quá quan tâm và cố tạo ra những mảng màu hoàn mỹ không lem nét, thay vào đó hãy tự do lựa chọn sắc màu phối trong bức tranh; xấu hay đẹp cũng chỉ là cảm nhận chủ quan nhất thời, để tâm nó quá thì quên đi rằng đây là bức tranh của riêng mình. và khi bức tranh hoàn thiện, nhìn lại tổng thể, chúng ta sẽ nhận ra riêng từng góc, từng đoạn với từng sắc màu được chọn – đều thể hiện phần nào cảm xúc của bản thân ngay lúc ấy. đó chính là điều tuyệt vời nhất là sách tô màu đem đến.

việc hạ thấp kỳ vọng của bản thân khi đón nhận thành quả, nhưng đề cao và chỉn chu trải nghiệm khi làm một điều gì đó, với mình là cách để cảm nhận sức mạnh mà điều ấy tạo ra – nhưng không đủ nặng để hình thành áp lực, khiến chúng ta dễ bị cuốn nhịp theo nó. điều này có thể sẽ không đúng với tất cả mọi người, trong mọi hành vi và mục tiêu hướng đến. nhưng khi một ai đó hỏi chuyện, mình đang sống và quyết định sống như thế nào; thì đó là câu trả lời đơn giản và duy nhất mình có.

Bài viết ngày 11 tháng 09 năm 2021

cuối đường Trịnh Công Sơn là bến sông nhỏ, qua bên kia là cồn Hến. những lúc hẹn bạn tới Lagom khi nơi đó vẫn còn, hoặc xem riêng nơi ấy là điểm gặp rồi đi dạo xung quanh; thì không mình cũng là bạn, sẽ hẹn xuống bến và sang bên kia sông chơi. nếu thuyền chưa đến thì mình sẽ vẫy tay, gọi sang phía đối diện để thuyền sang bên này. còn nếu thuyền đã ở sẵn, thì cứ vậy mà bước xuống.

vừa qua sông vừa kể chuyện, chú chèo thuyền kể rằng xưa nữ sinh đi học thì hay sang bên này bằng thuyền lắm, bởi đường vẫn chưa thông lối; còn nay thì chủ yếu gánh hành của các cô dì bên này sang bên kia và ngược lại, với thêm vài người khách trải nghiệm sông nước như mình và bạn.

có lẽ thì đường qua sông ngắn, và thuyền cũng nhỏ, nên chú không quá quan trọng mỗi lượt chở bao nhiêu khách. tụi mình lên thuyền mà chú đợi ít lát mà chẳng thấy thêm ai thì nổ máy chạy luôn, khuya mái chèo rẽ sóng mà sang bên kia sông. nêu nhiều lúc chỉ có mình với bạn, 2 đứa ngồi đối diện 2 bên mạn để thuyền đỡ chênh vênh. cũng nhiều lúc, có thêm thúng hàng của ai đó gánh xuống, ngồi chung chuyến qua đoạn đường ngắn ngủi.

nếu bạn chưa từng trải nghiệm, hãy nên thử một lần khi đến cồn Hến, hoặc ngược bên kia bờ sông mà sang. đường sang thì ngắn ngủi, trải nghiệm thú vị hay không cũng tùy người, nhưng mình tin rằng sẽ rất đáng nhớ và tuyệt vời cho ai chưa từng thử qua, ví dụ như vài vị khách đặc biệt mà mình gặp trên thuyền như thế nè.

Bài viết ngày 11 tháng 03 năm 2021

là một người có niềm đam mê cơ bản với thực vật, việc tìm được món đồ ép tiêu bản cỏ cây hoa lá đem đến niềm thích thú vô cùng tận. khi đã biết đến sự tồn tại của những nhành hoa cỏ trong công viên Gia Định, mình nghĩ đây là dịp phù hợp để tìm kiếm một niềm vui khác, khác với những cảm xúc từng có trước đây ở Sài Gòn.

tuỳ vào thời điểm, mà sắc lá và thành quả ép tiêu bản mình nhận được sẽ khác nhau.

nếu lúc ban chiều, nắng hơi dịu và nằm về một góc của công viên. sau một ngày dài ngâm nắng, hoa lá ở đây đã trở nên cứng cáp, chắn chắc hơn rất nhiều. mình đưa kéo phải dùng lực mạnh mới cắt được. bù lại, cánh hoa sẽ đậm màu, rõ chi tiết, nhưng cũng không còn mùi hương vốn có.

nếu ban sáng, sương và hơi lạnh sót lại của đêm trước làm dậy mùi thơm tự nhiên của từng bông hoa. nó vương mãi, mãi trên những khóm mà mình đi qua. cánh hoa lúc này cũng mỏng manh hơn, dễ nát hơn, nhạt màu hơn những tấm mình chụp. nhưng có vẻ, đó mới là màu sắc nguyên bản, là tính mỏng manh của từng cánh hoa.

tuỳ vào mục đích, mà thời điểm sẽ quyết định là lúc nào sẽ phù hợp để hái hoa. nếu ưu tiên trải nghiệm, ban sáng sẽ tuyệt vời hơn, mùi và màu sắc cực kỳ tự nhiên, nhưng hoa cũng sẽ khó ép và dễ nát cành hơn. nếu ưu tiên thành quả, ban chiều là lựa chọn an toàn, cánh chắc chắn, sắc rõ ràng, nhưng đó là một trải nghiệm cơ bản và an toàn, ít khơi lên cảm xúc như ban sáng có được.

nhưng cũng đừng vì những điều ấy mà phá hỏng cảm xúc. cành hoa trong tay của chúng ta, câu chuyện cũng do chúng ta tạo nên. trải nghiệm đôi khi cũng không cần hoàn hảo, mà chút sai sót mới là đáng nhớ và đủ chữ mà thành tuyệt vời không chừng.

Bài viết ngày 11 tháng 02 năm 2021

năm mới tới rồi, hãy tử tế với nhau nhiều hơn nhé…

năm ngoái khi đầu năm, mình viết vậy để chào năm mới, và nay cũng chẳng muốn thay đổi lời chúc, lời mong nguyện ấy chút nào.

2020 là năm với rất nhiều biến động, bất ổn đến mọi người. mình không ngoại lệ, bạn mình cũng thế, và mình nghĩ ai cũng như vậy.

sự tử tế trong những biến động là điều cần thiết, để chúng ta cảm thông vấn đề của nhau đang gặp phải, dang tay mà níu ai đó lúc họ chơi vơi, và đôi câu ở bên cạnh khi ai nói rằng đang cô đơn. đó là những điều mình làm, và tất nhiên cũng là nhận được của bạn bè thương mến.

năm mới đến, hẳn bạn được chúc nhiều về an lành, may mắn cùng sức khoẻ; mình chúc thêm cũng không đong đầy là bao nhiêu.

nên, mình chúc bạn sẽ nhận được nhiều những điều tử tế, cũng như lan toả điều ấy đến xung quanh. một chút thôi, dù là nhỏ nhoi, hay nhạt nhoà trong muôn vàn điều khác; cũng rất là cần, bởi có ai biết đâu những vấn đề mà người khác đang gặp phải là như nào đâu, nhỉ?cho nên, năm mới tới rồi, hãy tử tế với nhau nhiều hơn nhé…

Bài viết ngày 10 tháng 10 năm 2021

đoạn năm cuối của đại học, trong những cuộc trò chuyện giữa bạn và mình phần nhiều là những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai. trong những lần trò chuyện ấy, bạn vẫn cứ day dứt rằng rời khỏi Huế rồi bạn mới thấy mình nặng tình với Huế.

bạn vẫn chưa sẵn lòng để rời khỏi thành phố này, nhưng cũng chẳng biết ở lại để làm gì vì chẳng có điều chi níu kéo. cứ như thế, biết sẽ nhớ sẽ thương nhiều lắm, nhưng khi còn ở lại nơi này thì chẳng biết phải đối xử với Huế như thế nào. bạn nói, đó là cảm giác khi bạn đã sống quá quen ở một nơi nào đó, nay phải rời đi mà chẳng hẹn ngày về.

trước mắt mình và cả bạn lúc ấy, là cả một bầu trời đầy sóng gió của cuộc sống mà tụi mình phải đương đầu. ngày trước khi học hành mệt mỏi, hay ức chế chuyện bạn bè thầy cô thì đạp xe chạy vòng vòng cũng khuây khỏa. giờ mà đi rồi, chẳng biết sẽ đặt chân xuống nơi nào, thì khi cơn mệt mỏi với buồn phiền ập tới, liệu bạn có tìm được một cảm giác thả trôi mọi bực dọc khi đi trên đường hay là không?bạn nói xong khiến mình cảm thấy may mắn, may mắn nhất đó chính việc mình là người Huế. dẫu có đi xa, đi lâu đến thế nào rồi cũng sẽ về. không về vì công việc hay chuyện gia đình, cũng có thể chọn về để khuây khỏa, để thanh lọc tâm hồn.

nhưng rời Đà Nẵng rồi mình phát hiện ra mình chẳng còn may mắn đến như thế nữa. bởi bản chất của sự nhớ nhung của bạn, và cái điều may mắn của mình không phải vì Huế có sự yên bình cho tụi mình.

mà là những ngày ở Huế tụi mình được bảo bọc trong vòng tay của sự thân thuộc, của những kỷ niệm tuổi trẻ đẹp đẽ, của những chân tình giữa người với người. những ngày cuối cùng ở Đà Nẵng, mình lần lượt báo với từng người, hẹn riêng với từng người để nói lời tạm biệt. cái thời điểm ấy mình chợt nhận ra ở nơi này có nhiều người họ thật lòng quan tâm, yêu quý bản mình từ trong đáy lòng.

như lời Đức trước khi mình đi rằng, Đà Nẵng không phải ai cũng đủ chân tình, cậu mà đi rồi thì nơi này chẳng còn ai bên cạnh tôi nữa hết. khi nghe câu ấy, mình chợt cảm thấy rằng rồi mình cũng sẽ như thế, sẽ chẳng còn ai ở bên cạnh mình nữa hết.

Bài viết ngày 10 tháng 06 năm 2021

hôm nay dừng đèn đỏ, có chú kia bịt khẩu trang chạy sát lại, hỏi xin mình tiền đổ xăng. mình bảo là không còn tiền lẻ, tới cây xăng rồi mình đổ luôn cho. đến nơi, đổ cho chú ấy rồi cũng cho mình, đoạn chú cảm ơn rồi đi khuất, mình chưa kịp nổ máy thì anh bán xăng hỏi tại sao lại cho ổng ấy. nói một hồi mới hay bình xăng chú ấy đã hơn nửa, không phải cạn như lúc chú nói với mình. xong anh ấy bảo mình dại, mình cũng không biết trả lời sao nên nổ máy đi luôn.

hôm bữa, mình giải thích cho đứa em rằng người ta quyên tiền cho Thuỷ Tiên, ngoài lý do hệ thống, thì còn từ niềm tin xã hội. hiểu đơn giản, đó là cách đo lường sự tin vào những gì bạn nghe thấy ngoài xã hội. ví dụ ngắn gọn, là khi bạn nghe và tin vào lời của người khất thực rằng ốm yếu và cần tiền chữa bệnh, tức niềm tin xã hội của bạn cao, và ngược lại. tất nhiên rằng, khái niệm này cần nhiều ví dụ hơn nữa, nhiều trường hợp ngoại lệ hơn nữa để diễn giải.

khi trong một xã hội mà trắng đen lẫn lộn, và vùng xám được xem là thiếu chính kiến, thì niềm tin xã hội dần trở thành cách để diễn giải sự ngây thơ, cả tin và dễ mủi lòng (như tình huống mình gặp phải). mình nghĩ, điều ấy cũng là tất yếu, nhưng thật là quá đáng thương cho một khái niệm tử tế. tất nhiên rằng, mình vẫn luôn trong trạng thái đề phòng, cẩn trọng để tránh rủi ro.

nhưng đã rất nhiều lần mình tự hỏi, nếu câu chuyện của người lạ là thật, và mình không giúp họ thì có ai khác giúp không; sâu xa hơn nữa, chính là cảm giác bị lừa bởi một người xa lạ, đối trọng với sự vô cảm của chính mình, thì cái nào đau thương hơn cái nào? câu trả lời cho những lần ấy, và cả tối nay nữa, cũng không khó để lựa chọn…

Bài viết ngày 10 tháng 03 năm 2021

lần đầu tiên mình ghé công viên Gia Định, là sau khi Ngọt biểu diễn show 3, là lần đầu tiên mình đi nghe Ngọt hát. lúc ấy, hào hứng lắm nên mua hẳn cuộn film để chụp đêm, chụp say sưa cho đến cuối buổi mà vẫn không hết, nên đành kiếm chỗ nào để đốt thật nhanh. nơi ấy chính là công viên Gia Định.

cuối mùa hè, công viên Gia Định khoác lên màu áo xanh rì rào của lá và chẳng có bông hoa nào. diễn tả nhanh như vậy, chỉ để nói rằng cảnh vật quá sức đơn điệu. những màu xanh sẫm như ngâm nắng lâu ngày, xám xịt và khô ráp. những tấm mình chụp ở đó, đa phần sau này không được sử dụng trong bất kỳ bài viết nào cũng là vì vậy.

nhưng một dịp khác, lúc trời sang xuân, nơi này như mang áo mới, màu áo sặc sỡ của đủ loại cỏ cây hoa lá. không biết từ lúc nào, người ta đã đem hoa đến, trồng khắp vườn, đi đâu cũng gặp khóm mới, bụi cây lạ mà trước đó mình chưa từng. trong từng khuôn viên, từng nhóm nhỏ, những nhành hoa với đủ sắc màu cứ vậy mà thể hiện vẻ đẹp của chính mình. trải nghiệm đó, cảm giác như lúc trước mình đã đến nhầm nơi.

khi còn ở Huế, mỗi lúc dẫn bạn đến nhà vườn An Hiên, hoặc một khu rừng nào đủ thân thiện, mình lại tự tin đố bạn hết loài hoa lá trong tầm mắt. hiểu biết về cây cỏ không đủ nhiều, nhưng cũng đủ để mình thể hiện hết mình trước mắt bạn. nhưng khi đến đây rồi, sự hiểu biết ấy như là sự ngớ ngẩn, bởi chỉ những loài hoa cỏ cực kỳ đặc trưng thì mình rành ra, còn lại như một thế giới sắc màu khác.

Bài viết ngày 09 tháng 05 năm 2021

có một giai đoạn rất lâu về trước, mình luôn cảm thấy hụt hẫng mỗi tối chủ nhật. lý do rằng sáng mai thức dậy sẽ là tuần mới, sẽ lại cuồng quay với những mệt mỏi.

cũng có một thời gian dài không kém, khi tỉnh giấc thì chẳng muốn tỉnh táo. đơn giản rằng quá mệt mỏi và không có hứng thú đối mặt với những chuyện xảy ra khi đi làm.

anh bạn là đồng nghiệp cũ, từng kể với mình về giai đoạn làm ở chỗ trước, mỗi chiều tan tầm lại như bị hút cạn năng lượng. anh nói, đó là dấu hiệu cho thấy môi trường ấy không tốt với bản thân.

mình từng nghĩ, vấn đề chung nhất cho những chuyện ấy, đều từ áp lực công việc mà thành. nhưng anh bạn đồng nghiệp cũ đoạn trên, lại nói rằng không phải vậy.

đã là công việc, (anh nói), thì hẳn nhiên sẽ có áp lực; nếu không, thì công việc ấy không đáng để mình bỏ công sức, thời gian. những điều rõ ràng như lương thưởng hay môi trường thì mang tính bề mặt, trực tiếp ra quyết định đi hay ở lại.

còn những thứ khác, mơ hồ và định tính, như cảm hứng, sự thay đổi hay phát triển của bản thân trong công việc lại khó gọi thành tên, và ít được bộc lộ. chính thế, nó không được xem trọng để tham khảo khi lựa chọn. nhưng vì tiềm ẩn, nên nó dễ dàng ăn mòn hoặc bồi đắp mà chúng ta không hay biết.

cảm giác mệt mỏi lúc ban sáng, cái nằm dài muốn ngủ khi tan làm, hay thoáng hụt hẫng trở lại (để viết nên bài này), đều là hệ quả của sự tích tụ, xói mòn từ những cảm xúc không tốt do công việc mà thành.

vậy phải làm thế nào? anh bạn đồng nghiệp chọn rời đi, mình cũng đã thế hai lần, và bạn cũng nên vậy. điều đó không phải là chạy trốn, không dám đối mặt hay một điều tương tự khác; mà nó chỉ là sự quan tâm, tìm đến điều tốt đẹp hơn cho tinh thần của mình. đơn giản, chỉ như vậy mà thôi.

Bài viết ngày 09 tháng 02 năm 2021

nhà bạn chuẩn bị cho Tết đến bao nhiêu rồi, nhà mình có nồi bánh để làm không khí.

người ta bảo, phú quý sinh lễ nghĩa, giàu có dư giả rồi tạo nên cách tận hưởng. nhà mình xuất phát điểm là nghèo, nên mọi hình ảnh tượng trưng đều được đơn giản hoá, không bày biện chi nhiều mà cũng không có động lực cho điều ấy, sum vầy ấm cúng là được rồi.

từ rất lâu và cho đến hiện tại, nhà mình đều giữ thói quen gói bánh cận đêm giao thừa, để vừa sưởi ấm trong đêm, lại thêm mùi nếp ẩm lá tươi, bánh khi chín xong cũng vừa lúc cúng Tất niên và giao thừa.

năm nay nhà có tang, nên ba mẹ ở ngoài nghĩa trang nhiều để lo chuyện lăng mộ, mình đi theo mấy buổi để phụ nên nhà cũng vắng tanh, tới hôm nay mới gọi là thảnh thơi để chuẩn bị.

lá mọi năm là lá dong trong rừng, mà rồi bão vào nên chẳng còn gì, bèn lấy lá chuối cho quen vị mà gói.

dây gói bánh thì chẻ từ cây nứa, vỏ còn xanh và ruột còn tươi, thắt dây cẩn trọng kẻo vụn hết nhưng được cái bền trong nồi nước sôi.

nếp thì ngoài chợ, đậu xanh cũng thế, thịt mua ở nhà cạnh khi họ mở chuồng dịp cuối năm.

củi chuẩn bị từ tháng trước, nay trở trời mà mưa mạnh với gió quật, mới thấy chuẩn bị trước là cần như thế nào.

bánh nhà mình gói đơn giản, không đâu phải thi thố gì mà thật cầu kỳ. quan trọng là khi mọi người quây lại, chuẩn bị và hợp sức để làm nên chiếc bánh hoàn chỉnh và canh bánh trong đêm.

sau này, có thể nhiều thứ sẽ thay đổi, nhưng nhà mình, và cả bản thân mình nữa, đều sẽ cố gắng duy trì thói quen này, để cảm giác ấm cúng ngày Tết lại thêm đong đầy và trọn vẹn.

Bài viết ngày 08 tháng 12 năm 2021

tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác.

một khi đã yêu, lại ở xa nhau, những gì đẹp nhất, thăng hoa đều dành nửa còn lại. những ca khúc hay, lãng mạn nhất của ông (nhạc sĩ Phú Quang) ra đời trong thời gian này. nếu ghi danh những người tạc lại dáng hình và linh hồn Hà Nội, họa có Bùi Xuân Phái, nhạc chắc chắn có Phú Quang.

Phú Quang thu nạp phố cổ, hoa sữa, cây bàng, gió mùa đông bắc, tiếng dương cầm, nóc nhà thờ, heo may… làm nên trường hình ảnh về một Hà Nội trầm mặc, lãng mạn, nên thơ. ông phần lớn không tự viết lời, chỉ phổ nhạc từ thơ. nhưng tệp hình ảnh ông thu nhặt được từ thơ ca để đưa vào nhạc khiến người nghe đôi khi tưởng nó chính là những con chữ phát ra từ ông.

Hà Nội của Phú Quang không lấm bụi khói xe hay phố phường bán buôn chật chội mà là một Hà Nội tĩnh lặng, sang cả, không hiện thực mà lãng đãng, mơ hồ. đó cũng không phải thủ đô hào hùng, hoa lệ mà là một Hà Nội riêng tư, của chàng thanh niên lớn lên biết rung cảm, yêu cái đẹp và các cô gái.

Hà Nội trong nhạc Phú Quang trước hết là đẹp nhưng vì xuất phát từ nỗi nhớ nên thường buồn. đó là ký ức về những mối tình đã qua không bao giờ trở lại nhưng khó phai mờ. các ca khúc hiển nhiên thường có bóng dáng của một em nào đó. nhưng những em đó là ai, lại không cụ thể. hỏi Phú Quang sinh thời, ông thủng thẳng đáp, tôi có mấy trăm ca khúc, nếu mỗi ca khúc đều viết về một em thì tôi thành xác ve à.

Bài viết ngày 08 tháng 03 năm 2021

mình thường sống và làm mọi thứ theo kế hoạch đã định trước, nên rất thích chơi với những bạn như vậy. bạn mình trong số ấy, đang có kế hoạch để thành người mẹ.

lần bạn chia sẻ, mình khá ngạc nhiên. đầu tiên là nó đâu có khó để trở thành, và sự chuẩn bị là điều hiển nhiên, ai chẳng phải như thế? và thêm nữa, những gì bạn làm hiện tại, khiến mình nghĩ mục tiêu của bạn là xa hơn, rộng mở hơn rất nhiều.

xong bạn giải thích, nhà bạn cũng như những nhà bạn thấy – đều có bất ổn tiềm tàng, và người chịu tổn thương nặng nhất từ điều ấy, luôn là những đứa trẻ, (trong đó có cả bạn). nên rằng, có tình yêu, có chuẩn bị vật chất cho gia đình nhỏ, nhưng chưa chuẩn bị để thành cha mẹ thì rất nguy hiểm cho mái ấm ấy.

thế nên, bạn xem những điều bạn đang làm ở hiện tại, việc tham gia những dự án giáo dục, làm việc với trẻ con… là sự chuẩn bị để học những điều cần thiết. nó giống như khoản đầu tư dài hạn từ gốc, để sau này bạn không phải tốn quá nhiều tiền, nhiều công sức để chỉ bảo con mình nên người.

bạn kể xong làm mình thấy thú vị vô cùng. hẳn mặc định trong đầu mình từ trước đến nay, làm cha mẹ là bản năng, vật chất là sự chuẩn bị đủ lắm rồi. nhưng khi nghe bạn kể, mình hay là chưa đủ lắm đâu, còn cần nhiều thứ nữa. may rằng, mình gặp bạn đúng lúc, nghe bạn kể đúng chuyện để thêm điều hay mà nghĩ.

với mình, kế hoạch ấy không to lớn cũng chẳng thay đổi điều gì hết, nó rất nhỏ bé và vô cùng cá nhân; nhưng cơ bản với bạn – bạn thấy vui, cảm nhận được niềm hạnh phúc, và vẫn vững tin vào nó; thì tại sao mình lại không dốc lòng mà ủng hộ cơ chứ?

Bài viết ngày 08 tháng 01 năm 2021

covid phá vỡ niềm kiêu hãnh của mình.

mình không định hướng làm việc môi trường nhà nước, bởi cảm thấy thui chột sự phát triển, và không tạo nên thử thách cho bản thân. nó được mẹ mình diễn giải đơn giản bằng thắc mắc, rằng công việc ấy (mà hiện tại mình đang theo đuổi) có làm được cả đời không? cái làm cả đời của mẹ, là một công việc để gắn bó dài lâu, ổn định và không bị lung lay theo năm tháng. dù có nghiêm túc thế nào, mình vẫn không giúp mẹ hiểu được rằng – bản thân mình sẽ không bao giờ làm một việc đến hết cả đời được, bởi như thế là rất chán, và rất ngán.

covid đến, tư tưởng ấy thử thách mình theo cách không ngờ. trong những cuộc trò chuyện của mình và bạn diễn ra xuyên các đợt cách ly rồi phong tỏa, mình mới hay việc người thì bị cắt từ 30 đến 70% thu nhập, rồi người vì dịch mà thất nghiệp với ở nhà, xong không biết nên đi hay ở lại thành phố không ở đâu xa cả, là trong từng cuộc trò chuyện giữa bạn với mình…

nhưng trong cơn khủng hoảng nhân sự đó, những bạn có biên chế nhà nước lại ít chịu sự tác động hơn cả. nếu có chăng, thì cũng chỉ là sự trao đổi đầy vô vọng giữa các bạn trong vai trò giáo viên, và các ô ảnh là học sinh trên màn hình máy tính. những điều ấy, vẫn đảm bảo được miếng cơm manh áo, khi tổ chức của các bạn không quá lo chuyện tiền bạc, doanh thu giảm sút trong từng ngày tháng.

và như thế, cái lựa chọn thiếu trải nghiệm, không tạo nên sự thú vị mà trước đó mình nhận định và từ chối theo đuổi; thì nay lại tỏ ra an toàn, vững vàng trong cơn sóng dữ. nó khiến mình đặt ra câu hỏi, liệu việc theo đuổi sự nghiệp theo hướng nào mới là điều mình nên làm? nên chọn công việc ổn định, an toàn dù thu nhập thấp; hay thả mình vào những trải nghiệm mới mẻ nhưng cần cái đầu lạnh để kiểm soát tốt tài chính bản thân?

một điều rõ ràng, không có covid thì suy nghĩ ấy sẽ đến với mình chậm hơn. mà thì, điều gì đến rồi cũng đến, điều chi cần suy nghĩ rồi cũng làm mình đau đầu. quyết định cho những suy nghĩ ấy, vẫn luôn là thứ khiến mình phải bối rối, bởi liệu chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo – như cách mà đại dịch tác động, diễn biến đầy phức tạp trong năm qua, và có khi cả năm tiếp theo nữa…

Bài viết ngày 07 tháng 06 năm 2021

mình bắt đầu nhận ra sự hiện diện của mình trên cuộc đời này là có ích, khi được đôi người san sẻ câu chữ mà ghép lại thành từ tri âm, tri kỷ. có lẽ, điều ấy đến từ việc mình kết nối với người khác theo hướng sâu sắc, đi vào tận cùng của cảm xúc, lắng nghe những vấn đề rồi tạo nên cảm giác đủ an toàn cho bạn vẫy vùng tâm tư.

mình xem đó là ân huệ, bởi không phải ai với đủ chân tình cũng có thể tạo nên đôi chữ trọn vẹn trong mắt của người khác. và phần nữa là may mắn, bởi được trân quý nhiều giữa dòng đời đầy hỗn loạn như thế này.

dẫu thế, mình luôn sẵn sàng rời đi khỏi một ai đó. bởi tri âm tri kỷ dù là khái niệm đáng trân quý đến bao nhiêu, thì nó cũng không là bất biến, không là vĩnh cửu mà rồi sẽ sớm lụi tàn theo năm tháng. có thể là khi, bản thân mình không đủ bao dung để chứa chấp nỗi lòng của bạn; hoặc chính mình không còn an toàn để bạn trút hết muộn phiền trong lòng; hoặc cũng có khi, là duyên để gặp và gắn kết với nhau của tụi mình đã đến độ hoai tàn.

và thường thì, mình chọn lý do cuối cùng để diễn giải cho sự đứt đoạn, bởi có những người và những cuộc hẹn, mãi phải sau này nhìn lại mới hay đó là lần cuối tụi mình gặp nhau – dù chẳng có một tín hiệu báo hiệu, hay là lời chào bịn rịn nào được thốt lên trước ấy cả, cứ lẳng lặng mà thành lần cuối. những khi ấy, tất nhiên là buồn lắm chứ, buồn phần vì mất đi sự quan trọng trong mắt người khác, buồn nữa lại lo không biết bạn sẽ bấu vào đâu lúc bất ổn.

nhưng dù là thế, mình vẫn xem ấy là hiển nhiên, là tất yếu của mọi cuộc gặp, dù là khi sâu sắc hay là hời hợt thì cũng đều sẽ có những khi là vậy, bởi cũng là chữ duyên mà thành.

mà khi tạm biệt một ai đó, chấp nhận rằng họ đang, hoặc đã biến mất khỏi thế giới của mình, thì mình vẫn mong sẽ có hai điều đến với họ.

đầu tiên, một ai đủ an toàn và rộng lượng, để ôm trọn bạn vào lòng mà xoa dịu những nỗi đau những khi bạn cần đến. và sau nữa, rồi một lúc nào đó, duyên sẽ tạo nên cảm giác an toàn nơi chính bạn, để người khác dựa vào, thổn thức và tìm kiếm sự bình yên như chìm vào giấc mộng ngon lành.

có được như thế, thì mình cũng an tâm phần nào, cũng vui chút nào cho cả bạn, và những người xung quanh bạn, rồi cả chính mình nữa…

Đi qua mùa lãng quên

3 năm trước, mình ở trong một giai đoạn tệ nhất của cuộc đời. tệ đến độ sau này nghĩ lại, thấy rùng mình không biết sao lúc ấy vượt qua hết. cũng may mắn rằng đoạn đó không tồn tại đủ lâu, mình cũng dần tìm lại sức sống như lúc ban đầu đã có.

mình đổi trọ, tìm việc mới, quên đi người đã từng gắn bó mà sống một cuộc đời khác. một hôm, trên đường đi làm về tự nhiên gặp đám chò rơi, chạy một đoạn chịu không được đành quay xe trở lại, nhặt nguyên giỏ đem về nhà ngắm. mình giữ được nó rất lâu, bởi ngay khi rụng xuống nó đã khô tự lúc nào, săn lại và cứng cáp theo năm tháng,đám chò ấy sau này, một ít theo bạn vào trong những lá thư nam tiến, cùng một ít tình cảm gửi bạn lúc đang đâm chồi. một ít khác ở lại bên mình cho đến ngày rơi vãi trên đường trong lần chuyển trọ cuối cùng ở Đà Nẵng. sự tồn tại của chúng, như sự đồng hành cùng một đoạn đường của bản thân mình, nó như sự kết nối, an ủi và xoa dịu những tổn thương trong lòng. và khi hết cả rồi, chúng lại tự nhiên mà rời đi, như hết phận sự khi ở bên cạnh mình.

rồi mình cũng nam tiến, vào Sài Gòn. khi dừng chân ở đây, bạn của bức thư dạo trước, bảo khi nào nên thử ra công viên với Bưu Điện thành phố mùa chò rơi, đẹp vô cùng tận. cái lời bạn nói, mình xem như lời hẹn áng chừng, cho một ngày không xa. rồi khi cái ngày ấy đến, mà dịch vẫn đang căng thẳng, mình đành ra công viên một mình, trong những ngày cuối tuần yên ắng. dịp ấy, khắp xung quanh mọi người đều ở nhà không làm gì, còn chò lại rụng khắp trên thảm cỏ, không dính chút cát bụi nào. nhưng lần ấy, mình chỉ ngắm chứ không đem về, bởi không có chỗ để.

nay mình trở lại Đà Nẵng, con đường cũ của 3 năm trước, chò vẫn còn đó và rụng nhiều. chỉ khác là người ta quét gom lại một đám nhỏ bên góc đường. mình đi ngang thấy vậy rồi cũng lướt đi, vô tình như chưa từng có ký ức về chúng…

Bài viết ngày 07 tháng 03 năm 2021

năm tháng đại học, ngoài những hoạt động xã hội là bề nổi, thì còn phía sau là sách vở chữ nghĩa thầm lặng bề chìm. Thư viện miễn phí trong giai đoạn đó tạo nên mảng ký ức đẹp đẽ, từ những ngày mình mới vào trường cho đến lúc rời đi, đủ thứ chuyện nhưng vẫn nhiều điều đáng nhớ sau cùng.

khi mình rời bỏ trường, sách vở được mọi người sắp xếp cẩn thận, đặt trong cái tủ và khóa hờ hững rồi đặt ở góc trường, lặng im với bụi bặm và muôn thứ lỉnh kỉnh của nhà kho.

mùa hè năm tiếp theo, mình quyết định không để chúng im lìm mãi như thế. mình quay lại trường, đem tủ sách ra và đưa tới quanphui bởi dù sao, ở đó thì vẫn có người qua lại, vẫn có người trân trọng sách cũ, vẫn có người yêu từng con chữ từ trang giấy.

dòng chảy lúc ấy của Thư viện lại tiếp tục được khơi, nhưng không thật sự trọn vẹn, bởi mình đã nói với chị Giang rằng, sách này em không cho hay tặng, mà chỉ là gửi đây rồi chị cứ dùng, khi cần em sẽ lấy lại… nói điều ấy ra là bởi mình không dám rời bỏ chúng, vẫn muốn nhìn thấy sự tồn tại, vẫn muốn chạm vào nó, và vẫn muốn là sở hữu chúng.

xong mình đi muôn phương, gặp muôn người rồi xảy ra muôn chuyện, khi quay lại thì nhiều điều dần nhạt nhòa; nhưng câu chuyện về Thư viện, tủ sách lẫn những điều mình nói với chị thì vẫn còn đó. ấy mà khi gặp lại, chị kể rằng sách của mình (hay đúng ra là của Thư viện) nay không còn ở Phủi nữa, chúng đi rồi, lên vùng cao rồi, trên đó đang có dự án, và người ở đó cần sách hơn ở nơi này.

khi chị nói xong, mình ngạc nhiên và không hề giận chị. có thể chị đã vô tình quên lời mình nói, cũng có thể chị cảm thấy rằng những cuốn sách của Thư viện cần được kể ở một câu chuyện khác. nhưng là vì gì đi chăng nữa, thì quyết định lưng chừng và khó đưa ra nhất, cũng đã có người làm giúp mình.

suy cho cùng, Thư viện từng rất hữu hình, nhưng hiện tại thì điều ấy không còn quan trọng nữa. sự hữu hình ấy, tốt nhất là nên làm chất liệu để kể những câu chuyện khác. còn những gì là vô hình, thì mình, và những ai khác giữ riêng một góc cũng là được lắm rồi.

Du hast den Farbfilm vergessen

khi được chọn 3 bài để các quân nhân biểu diễn trong lễ chia tay kết thúc nhiệm kỳ, thủ tướng Đức Angela Merkel đã chọn Du hast den Farbfilm vergessen (anh quên film màu rồi) là một trong số đó. bài hát kể về chuyến đi chơi của đôi trai gái, cô người yêu kỳ công chuẩn bị, tạo dáng với niềm tin rằng những bức hình chụp được sẽ vô cùng sống động, chân thực. nhưng đổi lại, anh người yêu chỉ đem theo cuộn film đen trắng. cách kể chuyện thể hiện sự kỳ vọng, và thất vọng của cô ấy.

anh đã quên cuộn film màu, Michael của em,sẽ chẳng có ai tin khung cảnh tuyệt đẹp nơi đây,anh đã quên cuộn film màu,trời xanh, trắng và lá cây, tất cả sẽ sớm không còn là sự thật…bài hát ra đời, dần trở nên nổi tiếng ở Đông Đức, khi sự kiện Bức tường Berlin chưa xảy ra. sự yêu thích này đến từ nội dung, như đang chế giễu bầu không khí, chế độ đương thời quá nhạt nhẽo và đơn sắc; và những cuộn film màu được nhắc đến trong bài – là hàng xa xỉ lúc đó, phản ánh ước mơ, mong mỏi của mọi người vào một cuộc sống sắc màu hơn.

bà Merkel nói rằng, bài hát này mang tính trải nghiệm, phản ánh ký ức tuổi trẻ; khi nó được phát ra từ nơi từng là khu vực bầu cử của bà. mình ít hiểu biết về chính trị Đức, phải đọc phân tích mới lờ mờ nhận ra điều ấy trong bài. trước lúc đó, câu từ bề mặt khiến mình quan tâm hơn cả.

đây là em trong bộ bikini và em tại bãi biển khỏa thân,đây là em trong chiếc váy gợi cảm và có cả phong cảnh thiên nhiên nữa,nhưng mọi thứ thật ghê tởm, nước mắt em rơi nóng hổi,phong cảnh hay Nina – mọi thứ đều màu trắng đen…nhưng dù đọc phân tích xong rồi, mình vẫn thấy những thông điệp, ám chỉ chính trị như được gắn vào. bởi để riêng điều ấy thì bài hát cũng đã rất thú vị. với mình thì, giá trị của tấm ảnh film không chỉ đến từ khoảnh khắc, khi mỗi lần bấm máy là một lần bí ẩn, tráng ra rồi mới biết kết quả là thế nào; mà còn đến từ màu sắc – những gam màu đặc trưng, khó giả và đầy cảm xúc.

chính sự hấp dẫn ấy, đã từng khiến mình quyết định bán máy số để chuyên tâm hoàn toàn chụp máy film. dù sau đó có hối hận, cơ cấu lại thiết bị để chụp ảnh số cho tiện hơn, thì ảnh film vẫn là là điều quan trọng nhất mỗi lần mình chia sẻ ra bên ngoài.

Bài viết ngày 06 tháng 11 năm 2021

hôm trở lại Huế, mình hẹn bạn sang Nghĩa tâm tình. bạn hỏi, Nghĩa ở đâu? mình bảo, Gác Trịnh bên phải, Nghĩa bên trái; bạn à quán quen, thôi đến Nghĩa xem có gì thú vị. nhưng hôm hẹn thì Nghĩa đóng cửa, giữa ngã 3 cầu thang, tụi mình quyết định sang Gác.

hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi… giọng Khánh Ly ngân lên, ôm trọn không gian khi tụi mình ngồi xuống. nghe nhạc, bạn hỏi, biết Trịnh em nghe từ khi nào không? là khi trong nôi ấy; mẹ nếu không hát ru thì sẽ bật nhạc thích lên. từng nhịp theo cái đưa nôi mà hằn trong trí nhớ từ lúc ấy. lớn lên, không khí quanh em là Trịnh; mẹ nè, ba nè, ông bà rồi cả những người xung quanh nữa. như đứa trẻ sinh ra trong gia đình sùng đạo, niềm tin là thành trì vững chắc không gì lay chuyển, chẳng cần lời giải thích; em cứ tự nhiên nghe rồi tự nhiên chia sẻ khắp xung quanh, cũng chẳng bao giờ nghĩ xem tại sao lại thế.

mình thì lại khác. lúc nhỏ, sống với ông bà nội, tối lại là nhã nhạc cung đình vang từ chiếc radio nơi góc tủ, tha thiết đưa mình vào giấc ngủ. có lẽ vậy, đêm mùa đông ghé Ca Huế thính phòng, nhắm mắt nghe ố tang tình tang… là như được kéo về quá khứ, đầy mùi đất ban mai, ngoài hiên là ông đang vót tre đan thành giỏ, trong bếp là bà lúi húi người đầy mùi khói và sau vườn rộn ràng tiếng chim chuyền cành.

điều mình từng nghe không tròn chữ lắm là, mọi khoảnh khắc đời người luôn được lưu dấu bằng từng âm nhạc. tiếng khóc chào đời, câu hát à ơi, là nhạc mừng đám cưới, là tiếng kèn tiễn đưa… thế nên, như cách bạn mình nghe Trịnh; như cách mình chìm trong tuổi thơ khi nghe nhã nhạc. tất cả đều là sợi dây kết nối với quá khứ, với một dấu mốc cũ kỹ nào đó trong cuộc đời. nó hiển nhiên mà tồn tại, tự nhiên mà bền vững, chẳng cần lời nào giải thích – như cách bạn ví dụ về niềm tin vậy.

đem điều ấy chia sẻ với bạn, bạn gật gù cũng có lẽ, nhưng mà – anh thích nhạc Trịnh không, em nghĩ người Huế hẳn ai cũng thích nhỉ? câu hỏi khiến mình bối rối, bởi chưa bao giờ nghĩ tới. thế mình có thích nghe Trịnh không, có thích nhã nhạc cung đình không? mà câu trả lời thế nào có là quan trọng không? ngẫm một chút, mình trả lời bạn – nhạc với anh như đứa trẻ trong gia đình sùng đạo với niềm tin vậy, đều là những điều không cần giải thích.

Bài viết ngày 06 tháng 10 năm 2021

dịch thì vẫn còn đó, nhưng không cứ mãi ngủ im? nên thành phố buộc phải tỉnh giấc, từ từ nới lỏng cho mọi người đi tới đi lui. nhiều người trong dịp ấy, không chọn đi lại quanh thành phố, họ chọn rời bỏ nó, bỏ lại sau lưng những ước mơ, kỳ vọng và cả những kỷ niệm. họ bỏ đi hết, để quay về với những điều cơ bản, và cảm giác được chở che hơn cho bản thân mình.

nhìn vào dòng chảy là những người với xe nối dài trên quốc lộ trong tờ báo, mình với bạn thắc mắc, khi chuyện đã ổn hơn, thì mọi người có sẵn lòng trở lại thành phố, tiếp tục cuộc sống mà họ từng sống hay không? bạn mình thì không, họ sẽ ở lại quê, làm nông nghiệp hoặc vào nhà máy, chứ không đánh cược tiếp số phận trong một hành trình vừa dài lại vừa gian nan như thế. dịch bệnh khiến mọi người yếu ớt và bớt can đảm hơn; mọi người sợ phải ốm đau nơi đất khách, sợ phải sống chật chội nơi quê người, và càng quyết tâm gây dựng cuộc sống nơi quê mình.

mình phần nào cũng đồng ý, và mong điều bạn nói sẽ thành hiện thực; nhưng cũng nghĩ rằng sẽ khó mà mọi người ở lại hết. bởi khi họ rời quê hương sang nơi khác lập nghiệp, và nối đuôi nhau quay về lúc dịch bùng, mục tiêu mỗi lần mỗi thay đổi, nhưng niềm tin đều nhất quán rằng số phận sẽ tươi sáng hơn nhiều. cho nên, ai ở lại, trong tâm dịch, là vì nơi đó an toàn với họ; và những ai ở lại, nơi quê hương khi dịch kết thúc, cũng vì họ cảm thấy an toàn và có đất sống nơi quê mình.

chính vì thế, mình tin rằng sau khi dịch được kiểm soát và hàng người thưa dần, thì sẽ mãi lâu sau mới có những hàng người đi ngược lại. mọi người cần một khoảng nghỉ, cần thời gian để bình tâm, và xem liệu ở quê có phải là lựa chọn tốt hơn cho họ hay không. còn trong lúc này, được về quê an toàn là tốt hơn mọi điều có thể rồi.

Bài viết ngày 06 tháng 08 năm 2021

sáng sớm có hẹn với bạn nên chạy xe xuống thành phố. đoạn đường rừng dần có nắng bình minh xuất hiện, lớp lớp len qua kẽ lá hàng sương rồi phủ nhè nhẹ trong tầm mắt những tia sáng màu vàng thân thuộc.

những ngày rong ruổi ở Đà Lạt, mình đã quá quen với khung cảnh như thế này, khi nhẹ thả hồn băng qua những con dốc, đỉnh núi mờ sương để đi vào thành phố hay ngược ra ngoại ô, nhằm kiếm sự kết nối hữu hình hoặc vô hình ở đất khách quê người.

chầm chậm chạy trước khi mặt trời cao quá tầm tay để tận hưởng, mình chợt nhận ra, thời gian qua đã giành quá nhiều thời gian để miết đi khắp nơi và trải nghiệm khắp chốn của đất nước, vẻ đẹp nơi nào cũng cố gắng cảm nhận cho bằng được; nhưng tại quê mình, tại con đường rừng hẻo lánh đơn côi này, vẫn còn nhiều lắm những điều mà mình chưa khám phá được hết, hoặc tự nhiên bỏ quên trong suốt gần 20 năm trời vừa qua.

bất chợt nghĩ ấy, hao hao nhân vật Nhĩ trong truyện của Nguyễn Minh Châu, bởi chẳng nơi nào trên cõi đất mà anh chưa đặt chân đến, nhưng những ngày cuối đời bị trói chân trên giường bệnh, lại buồn rằng chưa bao giờ đặt chân qua bãi đất bên kia sông. hao hao vậy thôi, chứ mình vẫn tự thấy may mắn, bởi được nhiều hơn một giây để đắm mình trong màn sương phủ đầy nắng trong ban sớm ở quê nhà…

Những cơn mưa giữa lòng thành phố

cuối tuần có việc nên làm xong là chạy vội về Huế, đi hết đèo Hải Vân một đoạn thì trời tầm tã trút nước, đêm kính ướt đường như mịt mù, còn tiếng rì rào vội vã ngoài kia át cả tiếng gào thất vọng. mưa cứ vậy mà theo mình tận thành phố, mấp mé ghé ngang giấc ngủ chập chờn giữa đêm. khoảnh khắc chạy xuyên cơn mưa ấy, mình tưởng lòng sẽ buồn vì cách nơi này đối xử với bạn cũ. nhưng, suy nghĩ này chỉ thoáng qua, bởi chỉ là một nỗi nhớ, về những cơn mưa giữa lòng thành phố, vào lúc này mà thôi.

nhớ nhất có lẽ là ngày mưa ở trọ. mưa mùa đông dầm dề suốt đêm ngày không dứt, áo quần phơi đến bao ngày cũng không thể ráo, phơi áng chừng rồi phải đem vào bật quạt phụ hong khô. cửa sổ phòng mất chốt nên khép thế nào cũng không chặt, đêm về gió luồn rít từng đợt qua khe cửa, chẳng nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ rồi quay lại trong cơn mê sau này.

muốn đến trường thì phải qua cầu Vĩ Dạ, hôm mùa đông đi học mà ngại mưa lạnh thì thôi để xe ở nhà để đi bộ cho ấm người. gặp tiết cuối nếu lúc trời tàn, qua ngang cầu gió thổi bay cái âm ấm ban đầu, bị bao lần nhưng nào chịu rút kinh nghiệm, thong thả tận hưởng chút gì rất riêng.

hôm nào về gặp mưa phùn là vui hết ý, đường thì vắng vì người ta ngại đi lạnh, trời thì lành như bụi bẩn nào có tồn tại, nên được đắm chìm trong làn sương mờ dày đặc ấy là đáng nhớ và tuyệt vô cùng. nay thì dám vì sợ cảm lạnh, xem chừng – đó là trải nghiệm tuyệt vời nhất tuổi trẻ mình có được.

rồi những lần mưa bất chợt trên Thiên Mụ ngày hè, mấy phút trước người đông lắm tiếng, mà hiện tại chỉ yên lặng với mưa rơi. góc đặt trống chùa chưa bao giờ lý tưởng ngắm chiều nắng tắt, nhưng lại tuyệt vô cùng để nghe mưa buồn giữa rừng thông. mưa lúc ấy tóc tách qua từng kẽ lá nhỏ, vỡ tan thành muôn mảnh rồi chạm nhẹ xuống đất. cảm xúc lúc ấy như cộng hưởng của cả đất trời lẫn tiếng mưa rơi, dồn nén lại và để trọn vào trong tầm mắt, làm ai mình dẫn đến cũng thút thít đôi lần vì điều buồn (nhỏ sót ở trong lòng), nay tự nhiên bị phóng đại một cách quá đáng.

và khi tất cả những điều ấy sinh động trong tầm mắt, mình chợt nhận ra thành phố này thật tinh tế, khi gợi hoài niệm và cảm xúc thật đong đầy cho người bạn cũ lúc trở về…

Bài viết ngày 06 tháng 04 năm 2021

chiều nay lúc tan tầm, mình quyết định khoan về nhà mà dừng lại ở quảng trường, xe để một bên rồi rảo bước vào trong.

ở giữa hai dòng xe đang miệt mài, quảng trường rộng đầy nắng và gió lộng, phía trên cao là lá cờ tổ quốc, còn xung quanh có những người đang đổ mồ hôi vì chạy bộ.

khung cảnh ấy, gợi mình nhớ về những gì trong tầm mắt của 7 năm trước, khi đang dừng vì thở dốc sau đoạn dài rong ruổi khắp chốn trong đêm gió mát.

lúc đó, mình nghĩ thành phố này cũng thú vị và hay ho đấy chứ. Huế thì mình mượn bàn tay để nói, rằng cả thành phố là gọn gàng trong lòng bàn tay nè; còn với nơi này, chắc đôi ba bàn mới đủ hết nhỉ? sự thú vị lúc ấy, trong mắt mình là cảm giác nhẹ nhàng bình lặng, đôi người tử tế được gặp và những màu với mùi mê hoặc có ở trên đường.

lấy cảm giác đó làm mốc, để đôi lần mở lòng với bạn, mình lại nói rằng một thành phố để tận hưởng và làm việc thì nên khác nhau; và cả những gì làm vì đam mê rồi kiếm sống cũng như vậy. cơm áo gạo tiền, mùi đời vùi dập hết sự thú vị và đáng yêu của ban đầu, nên có những khi với những gì là sẽ không thể cảm nhận lại được, nếu ta cứ hoà chúng làm một…

ấy thế mà nay, giữa nơi đầy nắng và gió lộng, giữa khung hình trong tầm mắt như 7 năm về trước; mình lại cảm thấy sao những gì mệt nhoài khó khăn của ngày trước ở đây lại nhạt nhoà, vu vơ vô thường quá. có phải vì những điều đúng đắn chỉ là nhất thời; hay khi đi đủ xa thì sẽ đủ biết gì là quan trọng nhất? suy nghĩ hiện lên vậy chứ mình chưa muốn tìm tận cùng câu trả lời, bởi vẫn đang toàn tâm tận hưởng nắng và gió của nơi này…

Bài viết ngày 04 tháng 06 năm 2021

biết dậy sớm thì chưa chắc đã thành công, nên mình dậy sớm chỉ để đi ngắm bình minh.

ngắm xong rồi chạy về nhà lúc tờ mờ sáng, mới hay đường vào hôm nay họ sẽ đổ bê tông. mà đổ thì, làm gì vào được. thế mà mình cù bất cù bơ đến cuối ngày, giữa những những ngày đang hè nên nắng lên sớm, và khắp quán xá đều đóng cửa để phòng dịch.

theo gợi ý của bạn, mình quyết định chạy vào Hội An, qua vòng kiểm dịch với đoạn đường dài nắng gắt nhưng chẳng có áo tay dài, mình cũng đến được nơi cần đến.

trong này đang không phong toả, nên hàng quán vẫn mở cửa bình thường, mọi người tụ tập rồi thư giãn với nhau giữa những ngày dịch như rất bình thường. mình nhìn thế rồi lướt qua, lang thang khắp đường lẫn lối nhỏ mà chẳng mục đích nào rõ ràng.

cứ thế mà đi, chẳng hiểu thế nào mình lại đứng trước con hẻm dẫn vào VSS cũ. bạn nào theo dõi những hoạt động của chị Lý ở Hội An, sẽ thấy cái tên này thân thuộc. nhưng nay nơi này nay lại đóng cửa, hoang tàn như chị đã rời đi từ rất lâu.

một hôm của nhiều năm trước, bạn rủ nên mình ghé chơi, khi bạn đang làm tình nguyện. dần sau này, mình cứ lựa dịp mà đến. có lẽ thành quen mà nhiều lúc đóng cửa, chị bé nhân viên quán Nữ nơi đối diện lại đi sang và đưa chìa khoá cho mình vào.

giai đoạn đó, mình gặp rất nhiều chuyện buồn. VSS thì đứng yên, bạn thi thoảng lại ở đó, còn những cuộc trò chuyện thì luôn luôn tồn tại ở nơi này, từ từ từng chút kéo mình ra những buồn phiền.

nay những người bạn của những cuộc gặp ở đó thì hiếm dịp gặp lại, cũng có thể tụi mình không còn hợp cho sự gặp vào lúc này. VSS giờ là một cái gì khác, không còn hữu hình để mình chạm vào. dù thế, ký ức VSS đã tồn tại là rất chân thực, đáng nhớ và khơi gợi rất nhiều cảm xúc cho mỗi lúc mình ghé qua.

Bài viết ngày 04 tháng 04 năm 2021

trong một lần mình ra Hà Nội, bạn hỏi tối nay muốn ăn gì? mình bảo cứ đồ nào ngon thì hãy dẫn mình đến.

xong bạn dẫn mình đi ăn mỳ Quảng, vừa đi bạn vừa nói rằng, sống lâu ở Đà Nẵng rồi, hãy thử ăn để biết vị mỳ giữa lòng thủ đô khác như thế nào. và tất nhiên, vị của tô mỳ ấy khác.

bạn thì khen nức nở và mình chẳng rõ đấy có phải là mỳ Quảng hay không.

khi về lại Đà Nẵng rồi, mình nghĩ, nếu đem một món là đặc trưng của nơi này sang một nơi khác, và làm mọi người yêu mến, thì cái mến ấy đến tận cùng là mến đặc trưng hay là mến sự hòa quyện?khi vào Sài Gòn, mình nhận ra nơi này có một cái hay, là thành phố này như vùng trũng, thu hút tất cả mọi người ở muôn nơi tìm đến để ra sức phấn đấu. và có những người trong hành trình ấy đem theo cả vị của quê hương.

trong số ấy, có người chọn đúng vị để tìm bạn quê xa xứ.

và cũng có người chọn cách dung hòa, làm nhòa đi cái đặc trưng để bỏ bớt sự kén chọn, để muôn người tìm đến.

nhưng bởi vì từng bối rối khi phải thử một tô bún bò Huế có nước dùng rất khác, sợi bún rất khác và giọng của chị chủ quán cũng khác luôn – chẳng có một chút miền Trung trong ngữ điệu ấy cả. nên mình sẽ luôn lướt qua những biển hiệu đặc sản miền Trung, bún bò gia truyền hay mỳ Quảng Nôm gốc mỗi khi đi trên đường để tìm thứ lấp vào chiếc bụng đói.

bởi một điều đơn giản rằng, mình sợ nếu cứ quen với điều ấy. đến một lúc nào đó mình cũng sẽ quên đi vị đặc trưng của những tô mỳ quảng, là bát bún hến, là chén chè bột lọc heo quay mà vẫn thường ăn lúc ở quê nhà.

đó là điều buồn hơn cả mất đi cái ngữ giọng của quê mình…

Bài viết ngày 04 tháng 03 năm 2021

hồi năm ngoái, trước lúc vào Sài Gòn thì mình có viết kể về cô bạn phượt Phật thủ, tóm tắt nhanh là bạn đi dọc miền đất nước và dừng chân ở các ngôi chùa rồi trải nghiệm. mình gặp bạn khi cùng đang ở Huyền Không. sau, mình vào rồi thì có gặp bạn, cũng có lên núi Dinh ở Vũng Tàu để xem bạn sống giữa thiên nhiên là thế nào.

khi những cuộc gặp ấy kết thúc, thì cũng là lúc bạn biến mất. cách bạn rời đi cũng tương đồng với cách một vài bạn rời khỏi tầm mắt của mình, rằng tự nhiên mà đi và không biết khi nào sẽ liên lạc lại được.

bạn đi rồi, mình không quá nặng nề là duyên đã tàn hay bạn giận dỗi chi mình, mà nghĩ nhiều về những điều bạn chia sẻ trong cuộc sống của bạn. những điều ấy, hiện là không còn sống động, bởi nào có thêm điều gì được kể, chúng dần thành ký ức, cũ kỹ và mất đi sự liên kết với bản thân mình.

sự cũ kỹ ấy làm mình tò mò, liệu rằng cuộc sống hiện tại của bạn đang ra sao, có phải bạn đang tập trung để làm tại nên điều chính mình mong muốn, và phải bao lâu nữa mình mới hay câu trả lời là thế nào? và trong thoáng vẩn vơ nào đó, mình lại thích sự gián đoạn kết nối ấy, bởi đơn giản nó tạo nên những điều bất ngờ cho mình lẫn bạn. những cuộc gặp, trò chuyện tiếp đó không vì thế mà nhàm chán, mất đi sự liền lạc vì biết bao nhiêu thứ đã trôi qua, và cũng bao nhiêu là điều đã đọng lại.

do thế, mình vẫn tin rằng cuộc sống của bạn ở hiện tại là đáng vui đáng nhớ, và mình cũng cố gắng để tạo nên điều đó cho chính mình. có thế, khi gặp rồi thì chuyện để kể sẽ không dần trôi vào nhàm chán, hay quên lãng của cả hai được.

Khoảng ký ức biến mất

bạn mình ra trường năm ngoái, dịch căng nên phải tốt nghiệp online. nhận bằng rồi cũng lắm phức tạp nên đành làm việc từ xa, đồng nghiệp thì giao tiếp qua màn hình máy tính, còn văn phòng thì chia nửa ở bên kia màn hình và bên này căn trọ nhỏ. bạn bảo, lạc quan đến mấy, thì trải nghiệm này cũng vô cùng vô vị, chẳng có thêm đặc sắc gì mà nhắc.

bấp bênh đầu đời với bất ổn mà dịch bệnh đem đến, nửa chừng làm rồi nửa chừng bạn nghỉ. nay về hẳn quê để tránh dịch, đợi chuyện ổn hơn rồi tìm việc trở lại. bạn kể, dịch bệnh khiến thời gian như trôi tuột qua bàn tay – không gì níu lại được, chớp mắt chào nhau đó mà nay khóa dưới đã tốt nghiệp rồi. tự kết luận, bạn thấy như vừa mất 2 năm của tuổi trẻ, bởi mọi thứ thật trống rỗng, không đọng lại điều gì, và cũng chẳng có chi đáng nhớ.

cái điều bạn nói sau cùng, mình gọi đó là khoảng ký ức biến mất. vài lần mình trải qua, đôi lần bạn bè kể cảm giác như thế. đó là khi thi thoảng vài lúc của cuộc đời, mình ngạc nhiên vì những ngày tháng trước đó, lại chẳng có chút ký ức nào; giống như say ngủ trong trong vài năm trước, và tỉnh dậy là nhảy cóc đến hiện tại. thế giới chuyển động và mình thay đổi là rõ ràng, bản thân của quá khứ và hiện tại cũng khác nhau thì không bàn cãi, nhưng giữa đoạn đó đã có chuyện gì thì lại không nhớ hết được.

thời gian với mình trong lúc ấy, là sự phí phạm đầy khó chịu vì không gì lấy lại được. bạn bè, nơi chốn, rồi mọi điều xung quanh dần thay đổi, tái tạo và thêm bớt những cảm xúc cho riêng nó; còn bản thân mình lại mắc kẹt trong sự cũ kỹ, như đã trôi qua từ rất lâu và giờ chẳng còn phù hợp nữa. điều ấy đôi lần khiến mình bối rối, không lẽ ngày tháng cũ mình sống nhạt nhẽo, nhàm chán nên chẳng có gì sâu sắc mà đọng lại ư?

tích cực duy nhất cho chuyện ấy, là ứng xử của mình với mọi thứ vẫn chẳng có gì thay đổi. tình cảm dành cho bạn vẫn giữ nguyên như lúc gần nhất nhớ về bạn, sự rung động khi quay lại nơi nào đó cũng là rung động của thuở ban đầu. nên thi thoảng, mình rất cần sự biến mất ấy, để thời gian không thể gì tác động đến cảm xúc mà mình dành cho…

Bài viết ngày 03 tháng 05 năm 2021

Hội An có thể hồi phục sau dịch không? câu trả lời là có.

tiếp nối câu chuyện về Hội An, nay mình sẽ viết về sự hồi phục của thành phố cổ kính rất đáng để yêu này.

nhìn vào quá khứ, Hội An không có chiến lược nào để ứng phó với tình huống khách quốc tế giảm. điều này vừa do, (một là) tỷ lệ lợi nhuận của nhóm này so với khách trong nước cao hơn hẳn, nên một chiến lược để dự phòng, thu hút khách trong nước ít được cân nhắc đến, bởi chi phí cơ hội trên thực tế là không cao; (hai là) trong quá khứ không có một sự kiện nào nghiêm trọng, tác động sâu sắc đến cả nền du lịch của Hội An, dù rằng 2003 thì dịch Sars xuất hiện, tốn nhiều giấy mực và vẫn được nhắc cho đến nay, nhưng ảnh hưởng của nó lại không mạnh mẽ để tạo nên tâm lý đề phòng những dịch bệnh tương tự sẽ xuất hiện.

kết quả, một Hội An tiêu điều, vắng vẻ, phải trả nhiều mặt bằng xuất hiện.

như mình đã từng viết từ đầu năm, covid 19 khác với rất nhiều dịch bệnh trước đó, nó làm thay đổi hệ thống Y học dự phòng mà tiêu biểu là CDC được nhắc đến nhiều, đóng vai trò như điều phối hoạt động kiểm soát dịch bệnh; nó cũng làm thay đổi tư duy của từng cá nhân, với mình về khái niệm an toàn, ổn định hay rõ ràng hơn là công việc biên chế nhà nước.

còn mới đây, Hội An đang có nhiều sự thay đổi tích cực. đầu tiên là mặt tư duy quản lý, những chương trình kích cầu quốc nội vốn trước chỉ để tối ưu lượng khách du lịch đổ về, thì nay lại đóng vai trò quan trọng để vực Hội An dậy. Thức giấc Hội An xuất hiện nhằm tạo điểm nhấn, gợi ý để thành điểm đến cho khách du lịch sau mùa dịch; các hàng quán dần mở cửa, khôi phục các hoạt động với một trạng thái đề phòng rõ ràng và một niềm tin sâu sắc hơn.

và hiện tại, Hội An không chỉ là một thành phố, mà còn là một thông điệp về sự an toàn, tinh thần hồi sinh sau cơn bão lớn. nhìn nhận một cách tích cực, điều này giúp cho những gì vốn đã là bản sắc, là văn hóa của Hội An thì vẫn sẽ còn cơ hội duy trì, phát triển dài lâu…

Bài viết ngày 02 tháng 06 năm 2021

2 năm trước, khi sắp rời Đà Nẵng để lên Đà Lạt, mình trở lại Huế ít lâu để lên Huyền Không Sơn Thượng tu tập.

thời gian đó, ban sáng thì sinh hoạt cùng các sư, chiều lại lui tới ở thư viện của chùa. bởi ở đó, sách cũ rất nhiều, nhất là những năm 80, 90 trở về trước. trong các cuốn tìm thấy, để dành nhiều thời gian để đọc nhất là bộ tạp chí Hải Ngoại – nơi tập hợp tâm tư cảm xúc và hoài niệm của người Huế xa xứ, đặt hết vào từng câu chữ.

có một đoạn trong bài viết nhỏ giữa bộ sách, (đại ý) là: không người con của Huế nào muốn tha phương cầu thực ở nơi xa xứ cả. người không chọn Huế là nơi lập nghiệp không phải vì họ ghét bỏ quê hương, mà bởi nơi ấy chưa đủ sức nuôi họ sống mỗi ngày. […] có người đến cuối đời, tâm nguyện của họ là được nằm cạnh ông bà tổ tiên, được rải đám tro trên mảnh đất của quê hương mình. và, chẳng một ai, không một ai muốn chết ở một nơi xa xôi cả.

mình chẳng rõ Hải Ngoại kia tồn tại có đủ lâu, tập hợp đủ sâu sắc những gì mà những người con xa quê nghĩ, nhưng trong cuốn đang cầm trên tay, một đoạn ngắn thôi mà sao tâm tư hiện lên sinh động quá.

với mình, Huế của 20 năm trước và của 3, 4 năm trước chẳng khác biệt gì nhiều; nhưng nếu chạy tới thêm một đoạn là lúc này hay năm ngoái thôi thì rất khác. đường sá dần thay áo, lớp mới đè lên lớp cũ, vẻ nhếch nhác bừa bộn đã không còn, khắp nơi dần sạch sẽ thông thoáng. các công trình công cộng được xây mới, dọc bờ sông Hương được quan tâm nhiều, cây xanh và đường mới dần tạo thói quen cho mọi người, để cứ sáng sáng rồi cả chiều chiều, mọi người vui vẻ đạp xe, chạy bộ và cả lội sông vui vẻ với nhau.

Huế vốn đã tự nhiên, nay lại thêm lành mạnh và cực kỳ sống động. tin vào những gì được đọc, cảm nhận trọn tận mắt thấy, chắc chỉ tầm đôi ba năm nữa, khi chính sách phát triển định hình rõ nét, kinh tế có lối đi phù hợp, thì nhiều giải pháp sẽ đến, và đời sống vật chất cải thiện hơn; khi ấy, cũng sẽ chẳng ai đang ở lại muốn rời đi, cả những người đã đi rồi cũng sẽ mong quay về với Huế, (trong đó có mình).

Bài viết ngày 01 tháng 08 năm 2021

Sài Gòn có món, đặc sản gì nên thử nhỉ? mình hỏi thế khi gặp bạn lần đầu, nhờ dẫn tìm hiểu lúc mới vào. bạn cười bảo, nơi này không có đặc sản riêng, mà chỉ có của tất cả mọi miền.

nghe thật là chán, không lẽ nơi này không có nét ẩm thực riêng biệt nào, đủ dư âm và mùi vị để người ta quyến luyến sao? bạn nghe rồi dẫn mình đi ăn cơm tấm. đặc sản đặc sắc của Sài Gòn trong chuyến đi ấy, ngang vậy là hết.

sau này, được dịp vào nhiều hơn, ở lâu và ở sâu hơn, mình có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm ẩm thực Sài Gòn. một điều dễ nhận ra là, nơi mà hội tụ biết bao người, với vô vàn tầng lớp khác nhau, thì muốn ăn gì với mức giá bao nhiêu cũng có cả.

mình từng thử dĩa cơm tấm chỉ 20 nghìn, có cơm và quả ốp la rắc muối, đủ no và ấm bụng. rồi cũng có những khi lướt qua những chiếc xe đẩy bán cơm chiên Dương Châu 15 nghìn, cơm vàng ươm bắt mắt nhưng khá ngại để thử. tầm tiền ấy cho một bữa ăn, đủ căng sức cho những ai no đói dựa vào đồng tiền kiếm được trong ngày, nhưng chẳng đủ chất mà đương đầu cho những ngày dài.

rồi cũng có dịp, được anh bạn người Sài Gòn gốc, sau cuộc dạo dài cùng nhóm bạn, đã dẫn tụi mình ghé tiệm gia truyền người Hoa bán mỳ vằn thắn. nước dùng tô mỳ ngon đủ sức so ấn tượng với vị nước chấm bún chả Hà Nội năm nào từng được mời. ăn ngon rất nhiều, mà bill sốc chẳng kém, dù nhìn lại trải nghiệm thì cũng ít nhiều là hợp lý.

thêm đôi lần nữa, bạn quen dẫn đến quán này, chỉ chỗ nọ tầm giờ đó sẽ bán món này cần phải thử. lâu lâu hội bạn văn phòng rủ đến quán kia ăn trưa, kèm lời nhắn ngon lắm nhất định phải thử. hôm khác lại chán, lên Grab mò tìm quán, cũng được đôi chỗ dần quen mà tìm đến khi không biết ăn gì.

trải nghiệm thì lúc nhiều lúc ít, dư vị đọng lại không phải lúc nào cũng sâu sắc; nhưng khi ở đủ lâu và đủ sâu, thì mình cũng dần chấp nhận rằng đâu cứ có đặc sản thì ẩm thực một nơi mới là đặc sắc, cứ đủ vị đủ món để thử mà trầm trồ là đủ lắm rồi.

Bài viết ngày 01 tháng 04 năm 2021

vòng tròn nào lớn hơn vòng an toàn? khi sang một vùng đất mới, là trước đó đã thân thuộc hay nay là xa lạ, mình đều cố gắng tìm kiếm những người bạn cũ vốn đã ở đó mà trò chuyện. sự kết nối lúc ấy, vì muốn vơi cô đơn và gắn kết vào không gian thì ít; mà để hình dung xem bức tranh bạn nhìn ở nơi này là rộng lớn, hay bé nhỏ như thế nào là nhiều.

những khi ấy, khái niệm về vòng tròn an toàn lại được khơi gợi trong hành trình của mình lẫn lựa chọn của bạn. tụi mình đều thống nhất với nhau rằng, đó là không gian mà cả hai thấy thân thuộc và an toàn. một cách cảm nhận đơn sơ mà hiệu quả, đó là khoảng cách giữa hai đứa, liệu đã đủ gần để gọi thân thuộc, hay dè chừng một khoảng như tấm ngăn vô hình.

việc chúng ta lựa chọn rời ra khỏi vòng an toàn, theo một cách diễn giải thông thường, đó là sự khám phá và bứt ra khỏi giới hạn của chính mình. nhưng nếu chỉ xem việc rời đi khỏi sự thân thuộc mà gọi thành tên là rời vùng an toàn, thì đi vào tận cùng bản chất của khái niệm thì không thật sự đúng như vậy.

bởi nếu chúng ta ý thức về sự không tốt khi ở lại trong vòng tròn an toàn, và chọn bước ra để bản thân được tốt hơn, suy cho cùng cũng là cách ta bước vào một vòng an toàn khác, lớn hơn trước đó rất nhiều. vòng an toàn lớn ấy, chứa nỗi sợ hãi rằng không thể phát triển, không thể khẳng định bản thân mình ở những nơi thân thuộc, cùng những điều thân quen. nó khác với vòng nhỏ hơn, nguyên sơ và đơn giản ban đầu – là chúng ta sợ hãi sự thất bại ở những điều chưa từng biết.

nói như vậy để chia sẻ một điều rằng, đừng quá tự ti nếu bạn không dám bước ra khỏi vòng an toàn mà mình có; và cũng đừng tự hào vì đã sẵn sàng rời đi mà không chớp mắt. vì ở từng nơi mà bạn chọn, đều sẽ có vẻ đẹp và vấn đề trong giá trị mà chọn đã chọn để theo đuổi…

Bài viết ngày 01 tháng 02 năm 2021

có một sự thật là, mình đi theo nghề viết không phải vì đam mê, mà đó là điều giỏi nhất từng có.

ngày trước, học văn xong bài hay được đọc trên lớp làm mẫu, mình tin rằng bản thân có năng khiếu. đi học rồi nhiều chuyện xảy ra, vụng nói nên thôi để con chữ lên tiếng, dần thành quen mà viết nhiều. khi ra trường trải qua nhiều công việc ở nhiều môi trường, rẽ thế nào (hay mình tạo cơ hội) mà toàn dính dáng đế văn bản, chữ nghĩa.

nhưng nếu ai đó hỏi, liệu ấy có phải đam mê? mình sẽ bối rối giây lát rồi bảo, chắc chỉ là sở thích thôi, em thích viết vì đó là điều em làm tốt nhất. làm điều tốt nhất nhiều, người ta nhớ nhiều về hình ảnh ấy, mà tự huyễn rằng đam mê của em là viết. kỳ thực, không phải thế. em sợ dính dáng cơm áo gạo tiền vào đam mê lắm, sợ rằng đam mê nhuốm mùi mệt mỏi thì không còn là đam mê nữa. đam mê ấy, cũng chỉ là đam mê biến chất mà thôi…

cho nên, có đoạn khi chị bạn bảo ngưỡng mộ mày lắm, chứ như chị chẳng biết ngoài công việc hiện tại thì có thể làm gì khác. mình nghe rồi gật đầu theo, bởi có biết nói thêm gì vào lúc ấy đâu mà bồi chuyện. nhưng đoạn sau này, có dịp gặp lại để tâm sự riêng, mình bảo sự ngưỡng mộ của chị về phía em thì bản chất cũng giống như cách chị đánh giá chính mình vậy. chị ngưỡng mộ không phải vì em phi thường, chị không làm theo được mà vì em kể nghe có vẻ thú vị.

chúng ta ai cũng có câu chuyện của cuộc đời mình, nó có thú vị hay không là do cách chúng ta kể, chứ thật sự nó cũng tầm thường và đầy vấn đề bên trong như mọi câu chuyện, mọi người khác thôi à. đơn giản nhất thì, em tin rằng viết là điều em làm tốt nhất, cho nên em phải theo đuổi đó thì mới trọn vẹn được; cũng giống như chị, chị tin lựa chọn sự nghiệp hiện tại là điều duy nhất có thể làm. rút gọn hết tất cả mọi thứ, cách chị em mình nhìn đều tương đồng với nhau, là đều tập trung vào thứ tạo nên bản sắc và làm mình tự tin, nhưng cách kể là khác nhau nên chị nghĩ mọi thứ là khác nhau.

chính vì thế, khi ai đó trong hiện tại hỏi rồi sẽ làm gì tiếp theo, mình vẫn trả lời là sẽ tiếp tục đi theo nghiệp viết. có thể đi lòng vòng hay lắm lối rẽ trên đường như những lựa chọn trước đây đã bám víu, nhưng cái đích mà mình hướng tới, thì vẫn là viết và viết mà thôi…

Đọc thêm các tuyển tập viết văn khác

Tuyển tập viết văn 2018

Tuyển tập viết văn 2019

Tuyển tập viết văn 2020

Tuyển tập viết văn 2022

Tuyển tập viết văn 2023

Tuyển tập viết văn 2024

Tuyển tập viết văn 2025

nhavantuonglai

Share:

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Vũ trụ biết đúng sai

Vũ trụ biết đúng sai

Hầu hết chúng ta hầu hết thời gian nghĩ và hành động như thể có những sự thật về điều tốt và điều xấu điều đúng và điều sai.

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.