
Tuyển tập viết văn năm 2025 (Cập nhật liên tục)
Tuyển tập viết văn năm 2025 là tập tản văn được chắt lọc từ những bài viết đăng tải trên Instagram cá nhân của nhavantuonglai trong suốt năm vừa qua.
9 phút đọc · lượt xem.
Tuyển tập viết văn năm 2025 là một tập hợp những tản văn đầy cảm xúc, được chắt lọc từ những bài viết đăng tải trên Instagram cá nhân của nhavantuonglai trong suốt một năm qua.
Mỗi bài viết trong tuyển tập viết văn này là một lát cắt tinh tế của cuộc sống, mang đến góc nhìn mới mẻ, sâu sắc và đôi khi đầy bất ngờ về những điều tưởng chừng rất đỗi quen thuộc. Đây không chỉ là một dự án cá nhân mà còn là bước đệm quan trọng trước khi nhavantuonglai chính thức đưa những tác phẩm này đến với độc giả qua một ấn phẩm hoàn chỉnh trong tương lai.
Đọc trọn các bài tinh tuyển tập viết văn năm 2025
Hy vọng rằng từng con chữ trong tuyển tập này sẽ chạm đến trái tim bạn, khơi gợi cảm xúc, và rất mong nhận được những lời góp ý chân thành từ những tâm hồn yêu văn chương.
Bài viết ngày 05 tháng 01 năm 2025
chung kết AFF Cup 2008 có khoảnh khắc rất nghiệp dư trên sóng truyền hình. lúc ấy, trận đấu đang căng khi những giây phút cuối cùng, Thái vẫn đang dẫn trước, hiệu số bàn thắng bằng nhau, 2 đội có thể phải đá luân lưu chỉ sau chừng 3 phút nữa.
từ pha phạm lỗi bên đối phương, Việt Nam có được cú phạt đền, tận dụng thời cơ, bằng pha bóng bổng rồi cái chạm đầu nhẹ của Công Vinh, bóng lệch đường bay, lưới đội Thái rung lên.
tất cả vỡ oà hét khan giọng. trong khoảnh khắc bóng chạm lưới chừng 3 giây đó, màn hình rung mạnh nhoè đi trong giây lát, cameraman của VTV khi ấy đã không kìm được cảm xúc mà khẽ vung tay ăn mừng, đã làm rung chiếc máy quay.
sau này, nhắc về trận đấu, người ta nhắc thêm về 3 giây ấy, không vì sự cầm máy thiếu chuyên nghiệp, mà bởi đó là minh chứng rõ nhất cho sự kìm nén cảm xúc, bùng nổ hạnh phúc của những người gần trận đấu nhất; có thể nói rằng, họ phải tập trung, điềm tĩnh để ghi trọn từng khoảnh khắc, cho hàng triệu con tim khác được thấy rõ nét. họ gần nhất những kịch tính, nhưng thưởng thức niềm vui luôn để khi tàn cuộc.
9 năm sau, thầy Park đến và thể hiện lần đầu trong giải U23 châu Á, bóng đá lại thêm lần nữa làm bùng lên những niềm hạnh phúc. các trận diễn ra vào khung giờ đi làm, nhưng người ta hoặc không đi làm, hoặc công ty cho nghỉ, còn nếu ai phải đi thì sẵn lòng về trễ thêm một xíu; bao nhiêu người với bấy nhiêu lo toan đều dừng lại để dành sức cổ vũ đội tuyển đang thi đấu cho hơn 90 triệu con người khác.
khi tiếng còi mãn cuộc những trận đấu ấy cất lên cũng là lúc tan tầm, từ trên cao mình thấy cả thành phố rền vang tiếng hò reo; khi thang máy chạm đất thì cả thành phố như chưa khi nào huyên náo nhiều như những hôm đó. đường đặc kín người, còi vang không ngơi nghỉ nhưng chẳng ai tỏ vẻ căng thẳng lúc lạc giữa đám đông. mọi người đang tận hưởng, nhường nhau từng đoạn đường và nghiêm chỉnh từng cây đèn đỏ một.
lúc ấy, mình thấy nổi bật lên những người đang cất niềm vui chung vì nhiệm vụ riêng, họ là các anh giao thông đang phân luồng dẫn lối vì sự an toàn và niềm hạnh phúc của mọi người. thoáng qua những gương mặt, mình thấy rõ sự tận tâm kiên nhẫn, và đôi nét mỉm cười hạnh phúc vì không phải cất lại cảm xúc để vui sau cùng.
Bài viết ngày 10 tháng 01 năm 2025
cùng có dòng sông chảy xuyên qua thành phố, nhưng Đà Nẵng biết cách biến những cây cầu thành biểu tượng; ngược lại, ở Huế ngoại trừ cầu Trường Tiền thì những cây cầu khác, kể cả đang xây dang dở cũng đều bị chê vì quá xấu, quá tầm thường. khi được thắc mắc về điều đó, mình nói với bạn là, bởi vì cầu Trường Tiền có dấu ấn lịch sử và trở thành biểu tượng sâu sắc, nên người ta không muốn xây cây cầu nào đẹp hơn, nổi bật hơn nữa. câu trả lời hàm ý mỉa mai không đúng sự thật, nhưng phần nào phản ánh góc nhìn của một người Huế về cách đối đãi cái đẹp, điều tinh hoa của người Huế.
năm 2019 khi còn giữ chức chủ tịch tỉnh, bác Thọ vào Sài Gòn tổ chức buổi gặp gỡ người Huế xa quê, mục đích là lắng nghe tâm tư nguyện vọng, và hiến kế phát triển tỉnh nhà. có anh kia lên chia sẻ, lúc về Huế dự cuộc thi sáng kiến thì người trong hội đồng gọi lại bảo, dự án quá tốt, em quá giỏi, nhưng không nên dự giải để mấy bạn trong tỉnh có sân chơi. nghe đến vậy thì ở dưới vang lên những tiếng chao ôi chua chát và mình chợt nghĩ, à thì ra không chỉ riêng mình mà nhiều người cũng đã trải qua tình huống đó.
nếu nghe người ngoài nói về, thì Huế với tất cả mọi điều trong hiện tại là từ con số 0 đi lên, từ trải nghiệm, cảnh quan đến sự thân thiện. nhưng để người Huế nói về, thì hành trình đó phải bắt đầu từ số âm. không ít bạn bè, người quen và cả mình, sinh ra ở Huế, luôn miệng nói yêu Huế thương Huế đến nặng lòng nhưng vẫn sẵn lòng dứt áo ra đi bởi không thấy cơ hội phát triển ở nơi này.
nhưng người Huế rất lạ, tình cảm dành cho quê hương giống tình thương của cha mẹ dành cho con cái vậy, luôn trông mong nó lớn khôn trưởng thành và tự hào hết sức khi chúng làm tốt; còn cảm nhận người ngoài với Huế đơn thuần như tình cảm anh em bạn bè, vẫn quan tâm tự hào mỗi khi có dịp, nhưng chẳng thể bao dung vô điều kiện với hết những sai sót, lỗi lầm vốn có.
bởi thế, khi Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bạn bè đồng hương khắp nơi đều phấn khởi, trước là tự hào với sức mạnh nội tại của Huế đã được công nhận; và sau là hy vọng vào tương lai rộng mở cho họ trở về phát triển, cống hiến. đó là thứ cảm xúc đơn thuần dễ hiểu, nhưng mất rất nhiều thời gian và đau thương mới có được.
Bài viết ngày 05 tháng 02 năm 2025
nhân chuyện USAID phải đóng cửa, mình kể đôi điều khi làm cộng đồng. về bản chất, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) vận hành như agency, tức là nhận tiền về chạy các dự án; điểm khác là, các dự án này hướng về cộng đồng, người dân hoặc trẻ em. nói chung là giúp cuộc sống của người dân, nhận thức của động đồng trở nên tốt đẹp hơn.
ở những NGOs có kinh nghiệm làm việc thì sẽ tự viết portfolio gửi đi, xin tài trợ về để vận hành và phát triển. vài NGOs khác nếu có kinh nghiệm điều phối, quản lý thì sẽ hoạt động với vai trò trung gian, ví dụ xây dựng sáng kiến (tương tự như portfolio nhưng phạm vi áp dụng rộng hơn), mời gọi các tổ chức khác triển khai, còn ngân sách thì lấy từ nguồn tài trợ, tức nhận tiền tài trợ để tài trợ.
góc nhìn ngày càng cởi mở tự do nhưng nhiều NGOs vẫn bị xem là tổ chức phản động, làm cách mạng màu vì nhận tiền từ nước ngoài (hợp pháp) để hoạt động. cải thiện luật, xây dựng chính sách, giáo dục khai phóng, quyền của người thiểu số và nhiều thứ quan trọng khác nữa; bằng một cách khó chịu nào đó, được xem là đang cố giải quyết những vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến những thứ không nên.
là một người từng lăn lộn cả tuổi trẻ với NGOs, tiếp cận và làm việc với nhiều nhóm yếu thế, may mắn có mặt trong những thời khắc lịch sử của nhận thức, khi #toidongy lần đầu tiên đến Huế, giảm rác thải nhựa đi vào chính sách, bình đẳng giới trở thành vấn đề được quan tâm và bao điều khác được manh nha bước đầu tiên ra ánh sáng; hay khi nhận tiền từ các tổ chức nước ngoài để điều phối hoạt động, chạy các dự án, chiến dịch hướng về cộng đồng; mình biết rằng ở Việt Nam, USAID đã làm được rất nhiều điều mà nhiều tổ chức tương tự khác chưa thể tạo ra được, và ở phía chính quyền thì cũng nhiều lần thừa nhận, hợp tác làm việc chặt chẽ đủ các cấp.
vậy nên, khi USAID phải đóng cửa đột ngột, chúng giống như bản hợp đồng với nhiều giao kèo còn dang dở bị xé vụn, nguồn lực và chuyên gia rời đi, ngân sách chẳng được cấp; các tổ chức và dự án hiện tại phải tự xoay sở hoặc chấp nhận dừng lại. đó vừa có thể là khủng hoảng, nhưng cũng là cơ hội để những giá trị và tinh thần tốt đẹp nhất mà USAID lẫn nhiều tổ chức khác đang theo đuổi, sẽ được tiếp nối trong một hình thức khác.
Đọc thêm các tuyển tập viết văn khác
