Tuyển tập viết văn năm 2024 là tập tản văn được chắt lọc từ những bài viết đăng tải trên Instagram cá nhân của nhavantuonglai trong suốt năm vừa qua.

Tuyển tập viết văn năm 2024

Tuyển tập viết văn năm 2024 là tập tản văn được chắt lọc từ những bài viết đăng tải trên Instagram cá nhân của nhavantuonglai trong suốt năm vừa qua.

65 phút đọc  · lượt xem.

Tuyển tập viết văn năm 2024 là một tập hợp những tản văn đầy cảm xúc, được chắt lọc từ những bài viết đăng tải trên Instagram cá nhân của nhavantuonglai trong suốt một năm qua.

Mỗi bài viết trong tuyển tập viết văn này là một lát cắt tinh tế của cuộc sống, mang đến góc nhìn mới mẻ, sâu sắc và đôi khi đầy bất ngờ về những điều tưởng chừng rất đỗi quen thuộc. Đây không chỉ là một dự án cá nhân mà còn là bước đệm quan trọng trước khi nhavantuonglai chính thức đưa những tác phẩm này đến với độc giả qua một ấn phẩm hoàn chỉnh trong tương lai.

Đọc trọn các bài tinh tuyển tập viết văn năm 2024

Hy vọng rằng từng con chữ trong tuyển tập này sẽ chạm đến trái tim bạn, khơi gợi cảm xúc, và rất mong nhận được những lời góp ý chân thành từ những tâm hồn yêu văn chương.

Bài viết ngày 24 tháng 12 năm 2024

hôm rồi xem Red One (2024), một đoạn khiến mình để ý. khi phản diện tham vọng muốn dùng sức mạnh của ông già Noel để giam cầm hết những người làm việc xấu, ổng ấy than rằng, thế thì giam hết tất cả mọi người còn đâu. bởi trong định nghĩa làm việc xấu của phản diện, là bao gồm cả nói dối, đi muộn hay ăn vụng. ngoài hàm ý không ai hoàn hảo để không nhận được quà trong đêm Giáng sinh, thì nó cũng gợi mình nhớ đến lý thuyết đạo đức của Immanuel Kant.

thông điệp nhất quán luôn được truyền tải với trẻ nhỏ trước dịp Giáng sinh rằng, con phải là đứa trẻ ngoan, không làm điều xấu thì ông già Noel mới đưa con vào danh sách trẻ ngoan để tặng quà; ngược lại, con chẳng nhận được gì hết. thông điệp với trẻ nhỏ thì phù hợp, nhưng nó đặt ra câu hỏi đạo đức với người lớn là, động cơ làm việc tốt có khiến chúng ta trở thành người tốt hay không?

Kant cho rằng, hành động đúng đắn, có đạo đức phải xuất phát từ lý trí trách nhiệm của người thực hiện, chứ không phải để nhận phần thưởng hay né tránh hình phạt nào đó. nên mối quan hệ nhân quả làm việc tốt này để nhận phần thưởng kia là khởi đầu tích cực để một đứa trẻ trở thành người tốt.

nhưng để tiến xa hơn thì điều ấy thôi vẫn chưa đủ, một triết gia khác là David Hume cho rằng, trách nhiệm chỉ có thể làm rõ quan niệm đúng sai chứ không thể thúc đẩy hành động thực hiện, khi chúng ta cũng có thể lựa chọn thờ ơ. điểm mấu chốt của hành động đạo đức, theo Hume, chính là cảm xúc, vậy nên mới có chuyện khi làm được việc tốt thì ta cảm thấy dễ chịu thỏa mái.

lập luận của 2 triết gia tuy đối lập, nhưng đều mang tinh thần cốt lõi của tôn giáo. trên thực tế, ông già Noel không phải người duy nhất kiểm tra xem ai tốt ai xấu; với mỗi đức tin, lại có một vị thần linh thiêng, Đấng toàn năng soi chiếu và đồng hành với những người tin theo. vậy nên khi người ta vào chùa, đứng trước tượng Chúa và gửi ngắm những mong ước nguyện cầu, thì đi cùng luôn là những cam kết, những điều tốt mà họ sẽ thực hiện để ước nguyện kia thành hiện thực.

suy cho cùng, Giáng sinh không chỉ là dấu mốc với người theo đạo, là lễ hội lớn với người lương; mà còn là cơ hội để mỗi người tự soi chiếu niềm tin đạo đức cá nhân, để từng bước trở thành một người tốt đúng nghĩa.

Bài viết ngày 29 tháng 05 năm 2024

hôm nay trên văn phòng mọi người rủ nhau test IQ, làm xong thì lân la sang EQ vì chúng miễn phí. mình test EQ được 110 điểm, không quá cao nhưng tự cảm thấy vậy vừa đủ với bản thân, còn mọi người vì lần đầu ít quá nên làm lại và điểm cao hơn lúc trước. sau đó mọi người kết luận, EQ thay đổi theo thời gian, dựa vào khả năng nhận thức và suy nghĩ trong từng giai đoạn, và càng hiểu biết ngẫm nghĩ được nhiều, càng trưởng thành thì điểm EQ lại càng cao.

mình nghĩ điều ấy đúng, lúc trước có những khi dại khờ, mình hành động không đúng với những gì đã nghĩ và tuân theo; và kết quả là làm tổn thương nhiều người. những sai lầm đã gây ra và đau khổ người khác phải nhận lấy, lỗi là ở mình chứ không phải ở họ – điều mà mãi về sau này mình mới nhận ra, khi đã đủ sự nghiền ngẫm và nhận thức với những gì đã từng làm.

mấy hôm trước, có người hỏi mình về người cũ từng quen mà cả 2 cùng biết, mình nói rằng sau một thời gian dài chuyện đã qua, thì rời khỏi mối quan hệ đó đúng là sự giải thoát với bản thân, khi những gì mình phải hy sinh không nhận lại những điều tương ứng. bạn hỏi ví von, thế trong chuyện đó thì ai là nước ai là cá? mình trả lời đây là nước, vì bản thân đã bao trọn ôm lấy người ta, và kéo họ ra khỏi vũng bùn tăm tối. ừ thì đúng rồi, là nước nên nào có thấy giọt nước mắt của cá, nên nào đủ thấu hiểu người ta; bạn mình trả lời lại vậy.

đáp lại lời bạn, mình nói rằng điều ấy thì thừa hiểu, vì đó là điểm yếu chết người của những kẻ tự cao, không bao giờ hạ mình và luôn đặt bản thân cao hơn người khác; và một người như thế đang đối diện với bạn ngay lúc này.

khi tự nhìn vào gương, mình chưa bao giờ thấy trước mặt là một con người hoàn hảo, và cũng chẳng bao giờ muốn tiệm cận đến điều ấy; mình là một kẻ ngập tràn khuyến khuyết, nhiều sai lầm và lắm lúc bột phát những hành động làm tổn thương người khác. đó luôn là vấn đề mà mình cố gắng để thay đổi và làm khác đi, để có thể vừa dung hòa sự hiểu biết và khả năng bao dung lỗi lầm của người khác.

hành trình đó rất dài với nhiều mâu thuẫn nảy sinh từ bản thân, nhưng như cách mình nghĩ về EQ vậy – mọi thứ đều có thể thay đổi, cải thiện và tốt dần lên; nên bản thân mình cũng sẽ như thế, rồi cũng sẽ tốt hơn của lúc này.

Bài viết ngày 27 tháng 07 năm 2024

khi còn nhỏ, mình sống cùng ông bà nội. ông là cựu chiến binh, còn bà thì làm hậu cần, vậy nên mình luôn được nghe những chuyện xưa cũ thời chiến. như những ông bà cựu chiến binh khác từng gặp, những câu chuyện họ say sưa kể không biết bao nhiêu lần, lần nào cũng hào hùng như mới trải qua, như con cháu chưa được nghe hết bao giờ.

cũng khi còn nhỏ, nghề rà bom lấy sắt vụn còn phổ biến và ba mình cũng không ngoại lệ, cũng lên rừng với chiếc máy rà sắt để mò kiếm từng mảnh bom vụn nhằm đổi ít đồng nuôi gia đình. thỉnh thoảng những chuyến đi ấy, có người tìm được quả bom chưa kích nổ, họ tháo ngòi rồi cắt từng miếng gia tài để đổi cơm ăn cho mấy tháng trời; nhưng thỉnh thoảng, có người không may mắn đến thế, giữa chừng tháo ngòi thì bom kích nổ. trong ký ức tuổi thơ, chuyện không may thế mình nghe nhiều hơn cả những lần người ta may mắn.

có một lần của dạo ấy, ba kiếm được quả bom còn nguyên liền háo hức đem về. thấy ba vác quả bom đi từ ngoài đường bước vào rồi hớn hở ném uỵch xuống sân, bà ngoại sợ rúm ró rồi chui xuống gầm giường trốn, vừa run rẩy bà vừa cầu xin ba mình vứt cái của nợ ấy đi.

những trải nghiệm trên và thêm nhiều điều khác nữa, mình cảm thấy rằng cảm nhận chiến tranh của mỗi thời, mỗi thế hệ lại khác. ở thời ông bà, họ sống chết cùng nó nên đó vừa là khoảng ký ức hào hùng pha lẫn sợ hãi; còn thời của ba mẹ, đó là giai đoạn hậu chiến, vừa phải mưu sinh vừa chịu nhiều ảnh hưởng.

đến hiện tại, mình cảm giác cả mình lẫn mọi người xung quanh đều hiểu chiến tranh là gì, nhưng thật lòng tất cả chúng mình đều không biết chiến tranh là gì. ngày ông nội mất, người ta đến làm lễ truy điệu và phủ Quân kỳ, khoảnh khắc ấy khiến mình chợt nghĩ, nếu người cựu chiến binh cuối cùng mất đi, ai sẽ kể tiếp những chuyện một thời đã qua?

thắc mắc ấy được giải đáp cách đây khoảng 1 năm, khi mẹ kể rằng sau mấy hồi chần chừ thì ba cũng chịu vào hội Cựu chiến binh của xã. ngạc nhiên tìm hiểu thì mình phát hiện, hội tồn tại trước là tạo không gian sinh hoạt cho các cụ, còn sau là để giáo dục truyền thống với lớp trẻ. nên là giờ, khi một cựu chiến binh mất đi thì những giá trị và cảm hứng từ họ vẫn còn đó, khi đã kịp trao truyền cho những chiến binh kế cận còn đang trẻ.

Bài viết ngày 26 tháng 11 năm 2024

giai đoạn có nhiều bạn bè ở Đà Nẵng nhất, cũng là lúc mình quyết định rời đi. có lẽ vậy, đoạn đầu chuyển tiếp ngay sau đó, mình vấn vương thương nhớ vùng đất ấy rất nhiều. khi nói về điều ấy, thì vì mọi thứ đều là đang đẹp nhất, nên những ký ức cuối cùng của lúc tạm biệt cũng đẹp nhất. dù đẹp, mình thật lòng không thích trạng thái đó, bởi chúng đơn thuần khiến mình không thể nhập tâm, hòa mình trọn vẹn nơi thành phố mới.

rút kinh nghiệm từ dạo ấy nên lúc quen được cuộc sống ở Sài Gòn, mình chừng mực giữ khoảng cách, không quá sâu sắc quá thân thiết với ai, trừ bạn bè đã biết trước đó. một lần lửng lơ là thêm lần hiểu biết, nên khi rời khỏi Sài Gòn để trở lại Đà Nẵng, mình nhẹ nhõm và đắm chìm trong dòng chảy dịch chuyển, với nhiều tươi mới tiếp nối ngay sau đó.

theo thời gian, mình hẹp dần các mối quan hệ, những người từng khiến mình vấn vương cảm xúc chân thành thuở trước giờ chỉ là quá khứ. lý do thì phần vì mình dần trở nên khó tính khó chiều, phần nữa là cuộc sống riêng của mỗi bạn dần rõ nét, thời gian dành cho nhau vì thế hạn hữu. khi những cuộc hẹn tâm tình chẳng còn nữa, mình có nhiều thời gian hơn hướng vào bên trong.

khi hướng vào bên trong đủ lâu và sâu, mình chợt nghĩ, nếu thêm lần nữa rời đi chắc sẽ chẳng có ai nhớ thương ai để ý đến sự biến mất của mình. nghĩ đến vậy, mình chợt cảm thấy nhẹ lòng, bởi chúng như chạm gần mong muốn rất cá nhân rằng, được sống cuộc đời khác, với những nỗi niềm và hoài bão trước đó không thể chọn, chẳng thể nào theo.

ví dụ, mình không thể quay ngược quá khứ, chuyên tâm nhiều hơn vào việc học, theo đuổi và khẳng định trong con đường học thuật; nên chỉ có thể ủng hộ bạn bè, những ai đang đam mê, miệt mài trong con đường học tập riêng mình. hay mình chẳng thể nào xóa vết thương lòng đã gây ra với người khác, trong những nguồn cơn mà bản thân không chắc sẽ làm khác đi nếu phải quyết định lại; nên giờ trước khi được đối đã tốt, mình sẽ bày ra trước tiên sự tử tế của bản thân.

chấp nhận cuộc sống bản thân dần thu hẹp và cảm xúc bị chi phối theo ít nhiều mà trở nên đơn sắc, là một phần của hành trình trưởng thành, bởi nếu không có chúng – thì những điều trên chỉ đơn thuần dừng ở nghĩ, chứ thực hiện thì chắc hãy còn lâu.

Bài viết ngày 26 tháng 06 năm 2024

cứ mỗi lần xem lại The Reader (2008), mình lại nhớ đến người bạn đã cũ, biết nhau từ lúc mình đang ôn tập để thi đại học. giữa lúc mọi hoài nghi mình sẽ không đậu vào trường mong ước; thì họ vẫn ở đó, kiên định động viên, tiếp niềm tin để mình vững vàng thi tốt.

xem film mà gợi nhớ là bởi, mình thích họ, thích một người lớn hơn 7 tuổi. cảm giác thì khá lẫn lộn, nhưng cảm xúc lại rất thuần túy, thích một người vì họ đối đãi tốt với mình, chẳng khi nào thể hiện thái độ tiêu cực như những người xung quanh khác.

khi ấy, mình có thêm động lực học chăm chỉ là thi đậu và được học chung trường với họ để tự tin mà bày tỏ nỗi lòng. nhưng đời nào cho ai như ý, khi mình đậu đại học, cũng là lúc người ta quyết định rời khỏi Huế, trong hành trình mới mà họ đang theo đuổi. mình day dứt nghĩ, à có khi sự hiện diện của họ trong giai đoạn đó, là để giúp mình đạt kết quả như ý; và khi đạt được rồi, họ hết vai trò và chẳng còn nghĩa lý gì để ở lại đây nữa.

những năm tháng tiếp theo, những dòng thư đi thư lại và tụi mình chia sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống, nhưng mình luôn cố giấu đi những thật thà cảm xúc. ban đầu thì mình nghĩ, nỗi lòng gói gém trong suy nghĩ là vừa đủ, để giữ họ bên mình và trò chuyện như một người bạn thông thường, vậy là quá đủ cho mối quan hệ này. và sau này khi trưởng thành, hiểu biết hơn thì mình lại nghĩ, những cảm xúc đã từng có ấy, đơn giản chỉ là sự cảm mến thông thường, dành cho một người đã quan tâm và chỉ dẫn để mình bước đúng trên hành trình muốn đi là phải đi như thế nào.

bởi vậy khi nhận được tin họ chuẩn bị cưới, trong một lá thư vừa thể hiện niềm hạnh phúc rất cá nhân, lại chan chứa nhiều nỗi lòng biết ơn vì suốt 7 năm kể từ lúc biết nhau thì mình vẫn kiên nhẫn lắng nghe và san sẻ hết mọi bất ổn mà họ gặp.

nhận được thư lúc ấy, mình chợt bật khóc, nước mắt chảy không vì buồn đau hay vụt mất bông hoa hồng từng là duy nhất; mà bởi thấy sao 7 năm qua mình sống hạnh phúc quá, hạnh phúc trong tình cảm chân thành từ một người hơn cả tri kỷ, họ thấu hiểu và bao dung hơn tất cả mọi điều mình có. hơn bao giờ hết, mình cảm thấy đó là một dư vị của tuổi trẻ rất khó quên, một cảm giác sống động mà suốt đường dài tiếp theo chắc sẽ khó để gặp lại.

Bài viết ngày 25 tháng 10 năm 2024

mình vẫn giữ thói quen nghe nhạc offline, là trích xuất file từ CD để nghe, nhằm đảm bảo nguồn nhạc luôn có chất lượng tốt nhất, và cũng không lo sợ rằng chúng sẽ biến mất vì ai đó xóa. dù vậy, để thuận tiện thì mình vẫn thường nghe nhạc online, là tạo plasytic theo sở thích trên nền tảng phát để dùng mỗi lúc làm việc.

nay tình cờ vào lại soundcloud thì thấy playlist nhạc cũ từng tạo. trong hiện tại, đó là thứ âm nhạc nhiều hoài niệm; còn quá khứ của giai đoạn 2018 – 2021, đó là dòng sông cảm xúc để mình đắm chìm suốt ngày. thời điểm đó, rap chưa lên ngôi, indie đang chớm nở và những bản ballad vẫn ngập tràn; trong những cuộc trò chuyện, người ta kháo nhau về những câu từ mới, những giai điệu chất chill rồi mơ hồ hỏi nhau, indie nên được định nghĩa như thế nào cho phải?

khi lướt lại từng title trong playlist, mình cảm thấy gu nghe nhạc của bản thân như đang bị mắc kẹt trong quá khứ với những bài hát đã cũ, vì những ca sĩ từng trình bày đó giờ có bài mới thì cũng chẳng chạm cảm xúc bằng. mình nghĩ rằng, điều ấy đến phần nhiều từ cá nhân, là giai đoạn ấy mình tìm thấy sự kết nối, và được kết nối trọn vẹn với âm nhạc, bạn bè đồng trang lứa khi nói về âm nhạc cùng với nhau.

thế nên là sau 2021, mình nghe nhạc như đi đường vòng, chẳng hào hứng với những bài mà mọi người đang tìm nghe, và cũng không còn những cuộc trò chuyện âm nhạc với bạn cùng thời nữa. chỉ là, những ca sĩ khiến mình chìm đắm trong âm nhạc của họ dạo trước, mình vẫn để tâm đâu đó để theo dõi. quá trình ấy, mình thấy có người suốt ngày bị tổn thương bởi những điều vô cớ, lại có người chăm chăm làm tổn thương người thân yêu của họ bằng những điều ích kỷ; có người thì đi lên và cũng có người mãi là ký ức đẹp nhất mình từng nhớ về.

mình nghĩ rằng, khi lên sân khấu, họ (ca sĩ) là một ngôi sao, sáng và trong không tỳ vết dưới ánh đèn lẫn trong lòng nhiều người; còn khi xuống mặt đất, họ đơn thuần là một con người, với bao bất ổn khiếm khuyết như thường tình. về cá nhân, mình không đủ bao dung để chỉ nghe riêng nhạc, vì cảm xúc thường bị chi phối bởi những điều ngoài âm nhạc của họ; nhưng trong khoảnh khắc của sự chìm đắm luôn có, mình biết ơn và trân trọng lúc họ được là chính mình khi lên sân khấu.

Bài viết ngày 25 tháng 02 năm 2024

khi trở lại Đà Nẵng sau kỳ nghỉ Tết, mình cảm giác khoảng thời gian trước đó ở Huế trôi qua rất nhanh, như kiểu chớp mắt cái là nhịp sống thường ngày lại hiện ra; và trong khoảnh khắc nghĩ về điều ấy, mình mơ hồ cảm giác chuyện vừa xảy ra ở ở Huế hư một giấc mơ, vì đẹp, và mờ ảo đầy sương.

một phần nào đó trong mô tả trên ngược với cách người ta ví von khi họ đến Huế, rằng dòng chảy thời gian ở đây chậm, như nước sông Hương lúc ban chiều với ánh hoàng hôn vừa mới rót xuống. nhưng nếu người ta đến Huế vào mùa mưa, ở lại trong những tháng ngày Huế vào đỉnh lũ và nhìn lại dòng nước đang cuồn cuộn chảy dưới sức ép từ thượng nguồn, có lẽ họ sẽ nghĩ khác; hoặc sự ví von lúc này mới đúng điều mình đang nghĩ đến.

nhưng đâu phải lúc nào Huế cũng vun vún trôi như thế đâu, bởi có những lần mình cảm giác không gian nơi này trôi thật chậm, và có những lần khác thì mọi thứ lại như đang đóng băng bởi chẳng thay đổi gì giữa mỗi lần mình trở lại. nhanh chậm tùy lúc ấy có vẻ đến từ mục đích của chuyến đi, chúng tương đồng với kế hoạch và khác biệt vì lần trước chẳng giống lần này.

mình sống ở Huế đủ lâu và vắng mặt cũng như thế, mỗi lần trở lại chỉ khoảng vài ngày với lát cắt nhỏ của nhịp sống mà trước đó có thể thưởng thức trọn vẹn. những lần như vậy, mình hoặc về thăm nhà hoặc gặp lại bạn bè vẫn sống ở đây, hay có khi đón bạn phương xa đến và dẫn đi trong hành trình được thiết kế riêng để định nghĩa Huế trong mắt mình là như thế nào.

nếu ở bên gia đình hoặc gặp gỡ bạn bè đã ở đó, thời gian thường trôi qua khá nhanh, nói chuyện chưa hết câu và làm chưa hết chuyện thì đã sắp qua ngày mới. còn khi gặp bạn từ phương xa đến, mình thấy thời gian trôi vừa tầm, đủ để mình dẫn bạn đến những nơi muốn dẫn đến. dù thích hay không với cảm nhận ấy thì, mình cũng phải học cách hài lòng và chấp nhận, vun vén mọi thứ cho tròn vẹn trong những lần có mặt ở Huế.

và thêm những lần khác nữa, là những lần mình về nhưng không thăm nhà cũng chẳng gặp ai; và cũng chẳng ai trong số họ biết mình đang ở rất gần. những lần như vậy, chỉ có riêng mình và Huế, trong dòng thời gian cô đặc và chậm rãi nhất từng có; để mình đọc và hiểu nhiều hơn một lát cắt, một khoảng không bất chợt hiện ra trong tầm mắt.

Bài viết ngày 24 tháng 01 năm 2024

11 năm trước, trải nghiệm cuộc sống bước sang trang mới, khi mình lần đầu xa nhà để học đại học. theo thời gian, những kỷ niệm lúc ban đầu với nhiều bỡ ngỡ, thú vị cũng dần nhạt nhòa; nhưng một trải nghiệm mà năm nào, lần nào cũng khiến mình háo hức như lần đầu diễn ra, đó là khi về lại nhà để ăn Tết.

nhiều lần trong suốt bao năm qua, có những lúc tệ hại và mình bày lên sự giận dữ, ghét bỏ rồi không muốn gặp lại ai ở gia đình; nhưng khi sắp Tết thì mình lại chẳng tìm được lý do cho việc không trở về. những lúc ấy, chuyện có thể dịu hoặc không, nhưng lần nào cũng khiến mình nghĩ lại, rằng chuyện như thế này mãi chẳng phải là cách hay.

rồi sau này nữa, khi cuộc sống cơ bản ổn định, không sống lệ thuộc gia đình nữa, đôi lần mình nghĩ – sẽ tuyệt đến thế nào nếu một lần được ăn Tết xa nhà nhỉ? suy nghĩ ấy diễn ra trong hoàn cảnh, mình và gia đình tốn rất nhiều công sức, háo hức để chuẩn bị Tết, nhưng khi chúng đến thì đến rất bình thường, không còn gì là hấp dẫn thú vị như lúc trước đó. điều ấy khiến mình nghĩ, có lẽ suốt mấy chục năm qua, ăn Tết ở nhà mãi cũng nhàm, nên thêm lần nữa thì cũng chẳng có gì là thú vị.

dù nghĩ vậy thôi chứ mình chẳng làm, bởi mình sợ rằng nếu một lần đón Tết xa nhà, thì lần đón Tết trước đó là lần cuối được ở bên ba mẹ. dù sao thì, họ cũng ngày một lớn tuổi, và cũng chẳng biết sẽ lớn được thêm bao nhiêu tuổi nữa. không dám hỏi, nhưng mình biết rằng, những người bạn quanh mình mà họ mất người thân, thì Tết luôn là một trải nghiệm đầy hiu quạnh.

khi không thể thay đổi được những gì không thể, mình chọn thay đổi bản thân. mình đổi cách nhìn nhận về những xung đột trong gia đình, học theo lời bạn từng khuyên rằng, đừng để kỷ niệm cuối cùng với gia đình là sự ồn ào hỗn loạn. mình cũng tập trung nhiều hơn vào giai đoạn trước Tết, không chỉ là sự chuẩn bị cho bản thân, mà với gia đình; mình nghĩ, người ta háo hức vì đoạn trước Tết chứ không phải lúc chúng diễn ra âu cũng có lý do chính đáng.

và lời cuối để viết, trong niềm ký ức đã lâu lắm, mình nhớ chiếc xe máy tỉnh bắc chạy vượt qua xe mình khi đang trên đèo Hải Vân với nhành mai cột chặt phía sau. hình ảnh đó phản ánh mộng mơ mỗi lúc mình nghĩ trong hành trình trở lại nhà dịp sắp Tết.

Bài viết ngày 20 tháng 05 năm 2024

trước Tết mình nghỉ việc ở công ty cũ khi đã làm ở đó được 3 năm, từ lúc quay lại Đà Nẵng đến đoạn rời đi. cũng chẳng có gì để kể nhiều ngoài chuyện khi tìm việc trở lại là phải trả lời những câu vốn đã quen thuộc nhàm chán vẫn phải trả lời trong suốt mấy năm tìm việc đi làm. một trong những câu ấy là định hướng tương lai sẽ ở đâu, gắn bó với Đà Nẵng hay sẽ quay lại Huế.

những khi ấy, mình đều trả lời là Đà Nẵng, vì vừa cân bằng được cơ hội phát triển mà lại thuận tiện đi lại mỗi dịp cần về nhà. khi trả lời thế, thực lòng thì không phải thế, vì mình luôn muốn về Huế, sống gần gia đình hơn là ở xa thật xa rồi chỉ quay lại những lúc cần. nhưng câu trả lời thì vẫn chỉ có nhiêu thế, bởi đó là lý lẽ an toàn nhất cho câu mà người ta đang hướng đến.

cuối tuần rồi, mình trở lại Huế dự thời khóa sinh hoạt trên chùa. hết thời khóa ngày mà vẫn chưa quá muộn nên mình quyết định dắt xe ra và chạy đến quán cafe thân thuộc mà ngồi ngắm một góc của thành phố. xuyên suốt chặng đường đến quán, và khi đã an vị ngẩn ngơ nhìn khung cảnh yên tĩnh lấp lánh với ánh đèn vàng ở ngoài kia, mình nghĩ về mục đích về Huế từng đặt ra, nghĩ về những câu trả lời nhất quán lúc được hỏi về mục tiêu tương lai sẽ đi về đâu.

khi ấy mình chợt để ý, những lúc này là lúc mình vừa có thể cảm nhận Huế từ kẻ lữ hành lỡ bước quá chân lúc màn đêm đang chìm xuống nên đành phải tìm tạm một trạm dừng, lại vừa được ôm vào lòng đón nhận như đón người con lâu ngày chưa thăm quê và giờ đã trở về. và nếu không sống ở Đà Nẵng như hiện tại, tình cảm mà mình dành cho thành phố này cũng chẳng lớn hơn cảm xúc của một du khách đang trong hành trình khám phá ở đây có gì thú vị. khi sống và làm ở những nơi khác nhau, tách biệt không gian lẫn trải nghiệm trong từng nơi ấy, thì những cảm tưởng kia mới thành hình và trọn vẹn.

bởi vậy, mình thoáng nghĩ, thật may mắn khi mình chọn sống ở Đà Nẵng và vẫn có Huế là nhà để về, bởi trong từng nơi với từng khoảnh khắc được trải nghiệm. dù rằng, sẽ một lúc nào đó trong tương lai mình quyết định ngược dòng trở lại Huế vì có những điều quan trọng hơn đang chờ đón vào lúc ấy; nhưng tương lai ấy chưa đến, nên hiện tại thì cứ trân trọng và dành thật nhiều cảm xúc chân thành dành cho.

Bài viết ngày 21 tháng 01 năm 2024

không khí lạnh sắp tràn về thêm lần nữa, thời tiết vì vậy cũng dần đúng nghĩa là vào đông và sắp Tết cận kề, chứ không còn nắng gắt gỏng như những hôm gần đây.

với mình, thời điểm hiện tại là quá lý tưởng cho những chuyến lên núi đi dạo và khám phá. thời tiết đủ ổn để đi dài mà không mất sức, càng đi lại càng ấm và đỡ mệt. chứ vào hè, quang cảnh sáng sớm và chiều tà thì phù hợp để ngắm cảnh, còn ngoài thời gian ấy lên rừng là một cực hình.

ngoài ra, khác với cây và hoa trong thành phố, sắp sang xuân là sắp đơm hoa trên cành; tiến trình ấy với cây trên rừng lại diễn ra chậm hơn, trong mùa này chúng chỉ mới chuyển mình thay lá; nên từng mảng khi ngước lên cao là từng màu xanh tươi mới đầy sức sống. còn khi nhìn ngang tầm mắt, sang những cơn mưa rừng thì vết côn trùng và bụi bẩn cũng được rửa sạch, lá quang hợp tốt nên trông cũng cứng cáp hơn.

mà cũng chưa hết, nếu đi vào rừng sâu và cách xa đường trải nhựa, đi thẳng lối đường mòn và băng qua những gốc cây mục thì sẽ thấy trên cao cao chuyền cành là tiếng lao xao của đàn Voọc đang tò mò nhìn xuống. cuối mùa sinh sản, tuy đã đỡ ồn ào hơn trước nhưng vẫn còn đó vài tiếng rộn ràng. nếu đi đúng đợt và đủ may mắn, mình cảm tưởng như đang quay trở lại mùa hạ, đứng trước tán cây Sala trong chùa Thiên Mụ và nghe dàn đồng ca không theo lề lối của đàn ve xướng họa – cũng rất ồn ào và ríu rít không theo lề lối nào.

mình nghĩ, cái gọi là kết nối với thiên nhiên là điều không dễ để thực hiện và nhìn thấy, nên những khi vào rừng, mình chỉ quan sát và cảm nhận, chứ chẳng dám hòa mình vào thế giới ấy theo đúng nghĩa của từ ngữ. dẫu đó chỉ là sự trải nghiệm bề mặt, không thật sự đi sâu và thật sự tìm hiểu đúng đắn, mình vẫn rất thích lên núi và đi bộ trong những con đường mòn người ta vạch ra từ trước; đó không chỉ là trải nghiệm khám phá đơn thuần, hay sự tách rời với thế giới đầy biến động ở ngoài kia, mà là thêm một lần mình xem thử cái thế giới ấy chúng sắc màu và sống động như thế nào theo thời gian.

Bài viết ngày 19 tháng 03 năm 2024

chúng ta đang ở trong mùa thu của cuộc đời và tôi nói điều này mà chẳng u sầu.

mùa thu là mùa của lá vàng và những cơn mưa, là mùa thông tuệ của những lời khuyên hay, và mùa tốt nhất cho hương vị trong từng món ngon.

khi thu đến, vụ mùa đang kỳ thu hoạch đem tới những cơn gió mát trong lành, niềm hào hứng và sự hân hoan. chúng ta có hạt dẻ, astiso, nho xanh và lê. dù chim cút, chích và sẻ ngô bay đi; thì bồ câu, sáo và đàn vịt lại bay đến từ phía bên kia của bầu trời.

cùng lúc ấy, biển không còn âu lo nữa bởi mùa hè cạn nước đã dần lùi xa. ở Normandy, táo đến vụ thu hoạch, đem đến hương ngọt ngào trong những món khai vị.

vào mùa thu, người ta ăn dưới ánh nến, lãng mạn và từ tốn. đó là mùa chuyển tiếp từ sự thanh đạm của mùa hè, sang những niềm vui sâu lắng vững bền của mùa đông. . xem the taste of things (2023) giữa chừng làm mình nhớ đến mùi đu đủ xanh (1993) của cùng đạo diễn, khi ông đã tỉ mẩn bày ra các nguyên liệu rồi để các nhân vật thao tác từng công đoạn, chế biến chúng thật chăm chút để mê hoặc người xem. với cả 2 film, chúng đều chung ngôn ngữ thể hiện, khi tính nghệ thuật và kỹ thuật kể chuyện được hòa quyện bằng phối cảnh, ánh sáng và âm thanh. nhưng điểm khác là, trong mùi đu đủ thì các món ăn chỉ thoáng qua như gia vị được thêm vào trong toàn bộ câu chuyện; còn với the taste of things, đó là điểm nhấn, là trọng tâm của lời bày tỏ của nhân vật chính gửi đến người mình yêu.

mà cảm hứng nghệ thuật và ẩm thực của the taste of things đâu chỉ có trong hình ảnh mà còn cả từ ngữ hội thoại. như đoạn trích phần trên, bối cảnh là lúc nhân vật chính tuyên bố sắp kết hôn, ông mở đầu bằng sự ẩn dụ: chúng ta đang ở trong mùa thu của cuộc đời và tôi nói điều này mà chẳng u sầu, bởi chúng tôi sẽ kết hôn vào mùa thu này. thì cũng chỉ là mùa thu thôi, đâu có gì để mà buồn mà tiếc mùa hè đã trôi qua, sao không dành thời gian luyến tiếc ấy để tìm xung quanh xem bao dư vị hiện hữu trong cuộc sống đang đón chào.

mình không viết để khen chê, vì film chưa chính thức chiếu trong nước, nếu muốn cảm nhận thì mọi người cứ ra rạp để đánh giá. riêng phần mình, dư vị của film ấn tượng đến độ, mỗi cảnh bếp cắt ra là một ý tưởng tuyệt vời cho lần bấm máy chụp tấm tiếp theo.

Bài viết ngày 17 tháng 06 năm 2024

những tháng ngày đi học ở Huế, mình dành nhiều thời gian trên Trung tâm học liệu, đó là một không gian khép kín, một thế giới được thu nhỏ đến mức phiến diện, chỉ có những người chăm chỉ và cầu tiến cho sự học; nên ở đó, mình ít nhiều được truyền cảm hứng lúc nhìn thấy sự miệt mài sách vở từ họ.

có những hôm ở lại quá buổi nên đói bụng, mình vòng lui ra phía sau Trung tâm, là dọc tuyến Trương Định – Lê Hồng Phong. ở đó lúc đó và cả hiện tại nữa, đều không phải thiên đường ẩm thực, nhưng cũng đủ món và vừa vị để chọn mà lót dạ qua buổi. dựa vào những gì có được, khi viết bài Cẩm nang trải nghiệm Huế của người bản địa, mình tiện tay liệt kê vài quán vừa miệng dọc những tuyến đường ấy vào.

dù vậy, tuyệt nhiên có quán chè suốt bao năm tháng sinh viên hay ăn ở đó thì mình lại chẳng đưa vào, không phải bởi quán dở mà vì nay không còn nữa, cụ thể là từ sau lần trở lại Đà Nẵng. có thể là, họ đã chuyển đi nơi khác như bao hàng quán lề đường trước đó đã từng; hoặc họ đã trở thành một phần của lịch sử, vì dạo ấy covid dần trở nên phức tạp. mà lý do là gì, thì sự biến mất ấy chẳng phải nốt lặng với lòng, bởi mình vẫn còn nhiều quán chè khác để tìm đến, và chúng trải khắp thành phố.

mãi đến gần đây, về quê chơi và tranh thủ chở em gái đi học, mình tình cờ phát hiện quán chè quen cũ kia nay đã chuyển về đây. ghé mua và hỏi chuyện, chị chủ quán kể, đợt dịch đã làm thay đổi mọi kế hoạch vốn có, chị đành phải dọn quán và trở lại quê, đưa mọi thứ trở lại như lúc ban đầu.

những điều chị kể làm mình nhớ đến đoạn trước lúc rời Sài Gòn. có lẽ lúc đó, nếu không vì những biến động mà covid đem đến, mình vẫn sẽ còn ở lại đó dài lâu và có thể đến hiện tại – mới sẵn lòng rời đi như kế hoạch ban đầu. dẫu vậy, nghe giọng kể buồn nhưng mình chẳng thấy chị buồn, vẫn thấy chị bán chè vui lắm; có khi là bởi, cuộc đời chị vốn dĩ đã nhiều bất trắc gập nghềnh, nên thêm một lần biến động thì thêm một lần bình thản bước qua.

ở phía ngược lại, cuộc đời mình thì vẫn son sắc vẫn nhiệm màu lắm, nên chỉ vài lần xước ở ngoài và đau trong lòng mà cảm tưởng như bầu trời sắp sụp xuống. vậy mới biết, phải ở trên con đường dài, đi lâu thật lâu thì mới biết được nỗi đau của mình là nhỏ bé đến nhường nào.

Bài viết ngày 17 tháng 04 năm 2024

trước khi nuôi mèo Cát, vài chuyện riêng lẻ nhưng cùng lúc xảy ra khiến mình chìm vào cảm giác tiêu cực. chúng như một cơn ác mộng kéo dài, tỉnh giấc rồi phát hiện mình đang ở trong một cơn mộng mị khác, lặp lại như thế thêm vài lần mà chưa dứt hẳn cơn mơ. hệ quả, lúc ấy mình nghĩ, sẽ khó để có thể yêu thương một ai khác theo cách muốn được yêu thương như thế, ngay lúc này và thêm lần nữa. suy nghĩ ấy phản ánh sự tuyệt vọng khi nhìn lại bản thân, cảm nhận cái năng lượng đang tỏa ra là một năng lượng tệ hại mà ngay chính mình cũng chẳng muốn dây dưa vào.

khi quyết định nhận nuôi Cát thì mình nghĩ, nếu có thể yêu thương và chăm sóc ẻm ấy như chăm lũ mèo lúc ở nhà, bằng tình thương động vật thuần túy và kiên định suốt bao năm qua; thì có lẽ mọi điều đang vây quanh kể cũng không tệ lắm, vì tình thương mà mình muốn trao đi vẫn còn và có thể san sẻ cho người khác được.

khi Cát về ở và gây đủ chuyện, làm xáo trộn cuộc sống vốn tĩnh lặng và sạch gọn trước đó; bằng chút kiên nhẫn còn sót lại để kìm bản thân không xả hết mọi uẩn ức giận dữ vô cớ lên ẻm ấy, mình chợt cảm thấy – nhận nuôi mèo là quyết định sáng suốt trong hoàn cảnh này. bởi mèo và mọi vấn đề của chúng là một phép thử của tinh thần, giúp dung dưỡng sự kiên nhẫn và biết cách thể hiện tình thương đúng với người khác.

tiếp sau đó, mình trồng cây trở lại, trồng nhiều và chăm kỹ hơn trước. nhưng không phải cây nào cũng sống tươi tốt, và cũng chẳng có cây nào trụ quá 2 tháng. phải đến khi về quê và đem ít đất ủ sẵn phân vào mà trộn làm đất chính để chăm cây thì mọi chuyện mới khác, cành lá xanh tươi và hoa nở nhiều hơn. khi đó mình lại nghĩ, tinh thần muốn tốt thì tình thương và sự kiên nhẫn thôi cũng chưa đủ, mà phải biết chăm đúng và dưỡng đủ nữa.

những bài mình học được, chúng sắp xếp để tuần tự đến trước sau, giúp mình thử sai từng dịp và biết phải làm thế nào cho hợp lý. vậy nên trong hiện tại, cái suy nghĩ tăm tối ban đầu nay cũng đã vơi đi ít nhiều, thế chỗ cho sự kiên nhẫn tin vào những điều mình đang nuôi dưỡng và chăm bón. bằng cái nhìn đơn thuần không đi vào sâu thẳm, mình thấy được sự tươi tốt đang dần phát triển thành, và cảm nhận rõ sức sống đã quay trở lại, trong căn phòng và cả trong tâm hồn.

Bài viết ngày 14 tháng 10 năm 2024

khi mùa đông giao với mùa xuân, lúc bầu trời không còn nắng gay gắt làm đuối sức vì đi đường dài, lại cũng đã qua những cơn mưa dầm dề đặc hơi ẩm của mùa đông khiến đường rừng trở nên ngột ngạt khó thở, mình lại sắp xếp hàng trang để những hôm cuối tuần lại lên rừng.

ngoài lý do thời tiết lý tưởng, cảnh sắc thiên nhiên những đoạn giao mùa luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với những chuyến đi. khi ấy, trên đường rừng có những cây khô cành trụi lá, còn tán là lớp lá vàng phủ quanh gốc; lại có những cây đang vào độ mơn mởn, tán rộng và lá cứng cáp, nếu để ý sẽ thấy những nhành hoa mới sắp sửa vươn ra đón mùa nắng ấm sắp về.

nhưng rồi mình chợt nhận ra, sẽ thật lãng phí nếu chỉ chú tâm vào một dịp giao mùa duy nhất, khi còn đến 3 lần giao mùa còn lại trong năm. đầu năm nay, mình thử khám phá núi rừng theo cách đó, dành thêm thời gian những dịp cuối tuần gần đây để lên rừng, xem lúc đó có gì thú vị hơn trước không.

khi giao mùa, cây lá không chỉ sinh trưởng trên đầu mà còn ở ngay cả dưới mặt đất. trong những bụi sim vừa chín tới, xen lẫn trong bước chân mình đi qua và đâu đó trong con đường mòn được mở lối, là những mảng màu xanh trắng vàng cam của hoa dại quyện cùng màu xanh rì của lá bụi. ở những lối quen thuộc, bụi mâm xôi đang gieo những quả đỏ mọng như mời thưởng thức để giải tạm cơn khát của kẻ bộ hành.

vào sâu hơn chút nữa, tiếng trên cao là ríu rít gọi bầy, hỏi nhau xem là ai vừa mới đến, và vọng xuống những lời đe dọa lẫn chào mừng từ lũ voọc khi ghé qua không gian của riêng chúng. sau covid, tập tính kiếm ăn của nhiều loài linh trưởng trên Sơn Trà đã thay đổi, chúng xuống dần khu dân cư hơn. lũ voọc cũng không ngoại lệ, chúng ra sát bìa rừng – điều mà vốn trước đây muốn xem, muốn tìm hiểu về loài phải băng thêm vài con dốc, uốn lượn lên xuống không biết bao nhiêu nhịp tim để đến nơi chúng đang vui đùa.

tận cùng của đường mòn, suối đâm xuyên rừng mà trước kia vẫn róc rách chảy thì nay đã cạn nước. rêu với cây con mới dần lộ lên giữa những lớp đá được mài nhẵn, chúng là kết quả của quá trình hạt từ phía rừng sâu trôi theo dòng nước rồi mắc kẹt lại. khi thành hình rồi rụng hạt, chúng lại tiếp nối hành trình cũ để tiếp tục lan rộng giống loài mỗi dịp đông về.

Bài viết ngày 14 tháng 03 năm 2024

khi còn đi học và những năm đầu đi làm, mình luôn hoài nghi với sự công nhận từ người khác. một mặt, mình muốn được thừa nhận với những gì làm được. mặt khác, mình không chắc khen ngợi nhận được là phản ánh đúng năng lực mà bản thân đang có.

với mặt đầu tiên, vì sợ người khác không biết, hiểu sai nên mình cố gắng thể hiện, nhắc cho người ta nhớ về những điều muốn họ nhớ về mình. giờ nhìn lại, đó là lựa chọn khá vụng, bởi đã tạo ra hình tượng khác với thực tế, khiến đối phương nhiều lần hụt hẫng vì điều họ nghĩ khác với những gì cảm nhận lúc gặp trực tiếp mình.

với mặt tiếp theo, vì không thể tự nhìn như đang nhìn vào gương, mình đôi lần nghi hoặc, tự ti rồi thay đổi bản thân theo lời khuyên nhủ. không mất quá nhiều thời gian nhưng phải nhiều lần trải qua, mình mới hay điều ấy sẽ chẳng dẫn tới đâu, khi tất cả những gì mình có sau cùng chỉ là phiên bản hỗn độn và vô sắc.

phải đến khi gặp được người mà rất lâu sau đó – mình mới thành phiên bản lúc ấy của họ, để được nói cho nghe: nếu bản thân thật sự giỏi thì người khác tự khắc thấy chứ chẳng cần đợi mình nhắc. khi ấy mình nghĩ, liệu có cách thể hiện khác, rõ ràng và thực tế hơn để tự nhìn nhận đúng năng lực chính mình, và không còn nghi hoặc với ý đúng sai từ người khác? theo thời gian, mình tạm đúc kết được 2 điều cơ bản.

đầu tiên, tầm nhìn xa xôi không phản ánh đúng năng lực khi so với thành quả rõ ngay trước mặt. những lời tán dương ngày nào nhận, khi nhìn lại thì mình thấy sự nghi hoặc lúc ấy xuất phát từ những giá trị mơ hồ, khó đong đếm hữu hình được. bởi vậy, khi nói về năng lực, mình dùng con số, kết quả mà ai cũng có thể kiểm chứng, để mọi ý tứ nhận được đều trở nên rõ ràng hơn.

tiếp theo và điều quan trọng nhất, đừng bao giờ đánh mất sự tự tin. khi ai hỏi mình giỏi nhất ở điều gì, mình luôn trả lời đó là hình ảnh và câu chữ; bước vào môi trường nhiều người giỏi hơn cả những khía cạnh đó, mình vẫn trả lời vậy. bởi nếu dám thể hiện điều ấy ra, ai sẽ nhìn thấy và thừa nhận chúng thay mình?

trong mọi góc cạnh cuộc sống mà mình đang sống thì luôn tồn tại những khó khăn mà để vượt qua – mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa. nhưng dù là gì, mình vẫn vững tinh thần để tự tin mà kiên định sống theo ý mình muốn.

Bài viết ngày 12 tháng 12 năm 2024

trong một lần trò chuyện, bạn mình dẫn câu đại ý, hiểu biết của người già như sách vở trong thư viện, nên khi họ mất đi thì thêm thư viện nữa lại bay về trời. lời bạn nói làm mình ấn tượng mãi không thôi, mỗi lúc vu vơ nghĩ về khoảnh khắc sau cái chết, mình cũng muốn được tiếc nuối như tiếc một thư viện đã lụi tàn.

mỗi lần về quê, mình và bé út lại cùng nhau vào lăng thắp hương cho ông bà nội. bà mất khi em chưa ra đời, nên hẳn cũng không hình dung được người bà trong cuộc trò chuyện giữa tụi mình là như thế nào. đó là thiệt thòi về cảm xúc với trải nghiệm, nhưng lại may mắn về tinh thần, khi không phải thêm lần nữa trải qua nỗi đau mất người thân.

ông ngoại mất khi mình rất nhỏ, nhỏ đến độ không hiểu ông ngoại mất là thế nào. mẹ thì đau buồn nhiều lắm, và cây trong vườn nhà ông cũng vậy. sau đợt đó, mẹ đem theo bụi cây còn sót lại để trồng tưởng nhớ. ấy thế chẳng ai nhớ được tên của loài cây ấy là gì, vì mọi người đều mặc định rằng đó là cây ông ngoại.

trường hợp của ông nội thì hơi khác chút xíu, ông mất khi mình vừa đủ trưởng thành để sẵn lòng chấp nhận ấy là điều hiển nhiên không thể tránh khỏi. còn về ký ức, mình tiếc vì chưa nghe đủ nhiều và tường tận những trang sách của cuộc đời ông. với mình, ông là cầu nối với quá khứ, là người sống cùng những năm tháng đã tạo nên lịch sử; chuyện kể cái nhớ cái không, nhưng hình ảnh ông bà ngồi trò chuyện về những ngày tháng cũ và mình học bài bên cạnh là khoảnh khắc có thật của tuổi thơ.

khi bước vào một thư viện đơn thuần, có thể ở đó sẽ rất phong phú sách vở văn chương, nhưng sự sống động chỉ tồn tại nếu có người tìm đến và tương tác với những điều ấy; nên dù chúng có thể tồn tại mãi với thời gian, sự trường tồn ấy cũng chỉ đơn thuần là vật lý, còn nhìn thấy còn có thể tìm đến là vẫn đang tồn tại. còn với một người khi họ chưa qua đời, chính họ là thư viện sống động sẵn có, cùng sự sâu sắc dần được hoàn chỉnh theo năm tháng.

nên ở khía cạnh cá nhân, tự bảo muốn trở thành thư viện hoàn chỉnh trước lúc phải lụi tàn, thì đó là mong ước để định hình con người mình sẽ phải trở thành. còn khi nhìn người khác, thì đó là cái nhìn muốn tìm hiểu như bước vào một thư viện với nhiều điều chưa được học, chưa thể hiểu hết.

Bài viết ngày 11 tháng 11 năm 2024

là một người tự nhận vô thần, mình từng bối rối khi bạn hỏi sao vào chùa rồi mà không thành tâm lạy Phật? mình thật thà bảo, tại lúc đó không biết nên gửi gắm gì trong cái lạy ấy cả; hay lúc ngạc nhiên trước câu cảm thán lạy Chúa từ người bạn mỗi lúc chuyện bất ngờ xảy ra trước mắt.

là một người từng tự nhận vô thần, mình khi vào bệnh viện và theo chân người ta sang nhà thờ ở bên cạnh, ngồi yên nhìn họ ngước mắt lên và lẩm bẩm câu cầu nguyện. trên đường về họ bảo, chị không có đức tin đâu, nên trong khoảnh khắc ngước lên để mong ước cho người nhà sớm khỏi bệnh thì chị cũng có tin đâu; nhưng lúc đó được xoa dịu, an ủi nỗi đau rất nhiều phần.

là một người không còn tự nhận vô thần, mình thoải mái thực hành những nếp sinh hoạt trong những lần dự khóa tu, kết nối chân thành với những người đang đang học để bước đi trên con đường tu tập của họ, có những cuộc hẹn dịp đầu năm trên ni xá để tâm tình cho những điều sắp tới, hay dành hơn 30 phút để nói về quán chay yêu thích trong buổi phỏng vấn mà mình đặt rất nhiều tâm huyết.

dẫu vậy, quẻ bói Kiều khi bói ra thì mình vẫn giữ cho riêng chứ chẳng tìm sư thầy nhờ giải, có bạn tu học thì chỉ mỉm cười yên lặng khi được bảo đó là điều may mắn, và vẫn cảm thấy trống rỗng như thường mỗi lúc đứng trước tượng Phật hay Chúa.

có lẽ sâu xa đâu đó ở bên trong, mình vẫn là người vô thần, nên chưa sẵn sàng đón nhận một đức tin mới. mà nếu thế thật thì chắc cũng chẳng sao đâu nhỉ, vì mình vẫn sẵn lòng đắm chìm trong bầu không khí ngập tràn tôn giáo ở những nơi mình đi qua, ở những nơi mình được đặt chân đến, và trước mặt những người đang sẵn lòng san sẻ nhiều điều từ đức tin mà họ hướng đến.

Bài viết ngày 11 tháng 06 năm 2024

những lá thư viết tay, tờ phiếu dự thi rồi báo trúng tuyển, đến giấy chứng nhận nay đã sờn góc xỉn màu vì xếp lớp nằm yên quá lâu. tất cả chúng lặng lẽ hiện ra trong thùng đồ khi mình đang dọn dẹp, gói ghém lại trước khi lên Đà Lạt sống. tất cả chúng đều không thể đem theo, bởi giờ chẳng còn quan trọng hay cần thiết. hành trang đem theo trong hành trình ấy, ngoài áo quần tư trang, mình chỉ đem theo ít sách và vài thứ gửi bạn khi được dịp gặp.

bước vào môi trường mới ở Đà Lạt, mình sống tách biệt xa thành phố, ở tập thể và dùng chung đồ đạc với những người ở đó. cuộc sống đơn điệu giản dị đúng như mục đích của hành trình; nhưng vì nhiều đồ phải để lại, những món khác lại không thể bày biện ra bởi chúng vô nghĩa và sớm thành bừa bộn trong mắt người khác. khi đó, mình cảm thấy cá tính bản thân bị phân tách, một phần ở quá khứ là Đà Nẵng, phần khác lại ở tương lai sau khi rời khỏi nơi đây, chẳng phần nào hiện diện trong lúc này.

với mình, điều ấy không hẳn là khủng hoảng mà chỉ đơn giản là giúp mình ý thức hơn về cá tính bản thân và cách thể hiện chúng trong môi trường mới. bởi vậy, rời khỏi đó và yên ổn sống ở Sài Gòn, cá tính trước từng có kia giờ đã quay lại, thể hiện trọn vẹn và đúng ý trong không gian của căn phòng thuê riêng, tại bàn làm việc ở văn phòng khi đi làm. cá tính được nói ở đây không lớn lao, đơn thuần chậu cây bình nước, cuốn sổ bút viết có thể thay ngòi khi hết mực; tất cả chúng chỉ giá trị với riêng mình mà thôi.

vài tuần trước, bạn sắp ra nước ngoài nên hẹn gặp để tạm biệt rồi kể, hành trang có nhiều sách đem cùng, dù nặng và tốn kém nhưng bạn vẫn mang đi vì thích trải nghiệm đọc sách giấy và ngại khó mua sách giá tốt khi sang bên đó. mình nghe rồi nhớ về trải nghiệm từng có mà kể lại như những ý trên với thành ý ủng hộ điều bạn đang làm.

kể xong mình kết luận, hành trang mỗi chuyến đi luôn hàm chứa cá tính, danh tính của bản thân; vậy nên đừng bao giờ phân vân rồi bỏ lại tất cả, chúng không chỉ là vật dụng vô tri vô giác, mà còn là dấu vết của sự phát triển, là lời nhắc về những gì đã trải qua, đang trưởng thành, và bạn là ai; hãy cứ như mình, không đem được thì ký gửi để khi trở lại thì chúng vẫn ở đó, vẫn là ký ức mà mình từng thuộc về.

Bài viết ngày 11 tháng 01 năm 2024

giữa năm trước, mình chuyển sang chỗ ở mới khi phòng cũ xuống cấp theo thời gian. nơi mình ở thì đi bộ lát là ra thấu biển, đêm đêm lặng yên thì nghe cả tiếng sóng vỗ rì rầm. đường sá ở đây cũng sạch sẽ và vắng, lại chia kiểu bàn cờ nên chạy bộ chỗ này là một trải nghiệm vô cùng thích.

khi chạy bộ, mình được dịp quan sát xung quanh, coi những người ở đây là ai và cách họ sống như thế nào. có những chiều muộn, đôi vợ chồng ở góc kia đường lại đem đồ nhắm với chiếc loa nhỏ ra hiên, bật tiếng vừa đủ để hát và cụng ly với nhau; trong không gian ấy, chỉ có 2 người và tiếng những bản nhạc họ chọn. lại có những đêm mùa hè, đi bộ sang ô bàn cờ khác là thấy cảnh căn nhà trọ mở toang cửa, chó với người nằm trên nệm kê sát đường cho bớt chật chội và oi bức. hay có hôm mặt trời chưa lên hết, nhà kia treo biển bán đồ ăn sáng với món ưa thích, hôm sau định ghé mà họ lại cất biển từ lúc nào; không biết vì sang chỗ khác hay vì chưa quen dậy sớm.

có những lần chạy bộ khác, và cả lúc đi làm nữa, mình cũng thường bắt gặp lũ mèo hoang sống quanh vùng. chúng cứ thơ thẩn suốt trong đám cỏ hoang mọc dại, lại có khi chăm chú lục tung thùng rác để kiếm ăn. đặc biệt có lần gặp con mèo đen đang lựa đồ ăn đúng nghĩa, tức là chọn cái này và bỏ cái kia; nhìn cảnh đó làm mình nhớ về mèo Butch trong Tom and Jerry cũng trong cảnh tương tự. có vẻ dù phải sống lang bạt, thì mèo vẫn là mèo, vẫn chỉ thích chọn những điều mà chúng muốn.

mà bảo mèo hoang là vậy, chứ mình chẳng biết được bao nhiêu trong số chúng thật sự là mèo hoang. theo như cách mẹ mình từng nói thì – mèo có bao giờ sống riêng nhà nào đâu, chúng cứ đi từ nhà này sang nhà khác kiếm ăn suốt. nên có lẽ, trong sống những con mèo mình bắt gặp, cũng đôi phần là mèo nhà đang nhập hội, thử phiêu bạt mà sống trong vùng đất của riêng chúng.

nhưng mà, đâu chỉ trong không gian có lũ mèo hoang đang sống gần nhà, mà mọi nơi mình đi qua và có lũ mèo hoang sống ở đó, dù trong góc tường hay đoạn đường hẻm nhỏ ở vùng rìa của thành phố; thì chúng đều dạn dĩ không ngại người khi họ đến gần. bởi vậy, có những lúc chạy bộ và tình cờ gặp, mình không giấu nổi sự chú ý mà dừng lại, len lén tới thử vuốt ve thì chúng vẫn cứ lặng yên đợi bàn tay đưa đến.

Bài viết ngày 10 tháng 07 năm 2020

nhà ông bà nội ở trên ngọn đồi cao, một bên vườn là khu rừng đang độ già và bên còn lại là đồng ruộng cứ mơn mởn khi vào vụ. thuở sơ khai lúc mới lập nghiệp, những vạt đất trồng hoa màu cứ hay bị lợn rừng phá suốt, ba mình giăng đồ giữa đêm ngoài đồng canh đuổi lợn. có những hôm, mình lẽo đẽo theo và sáng hôm sau ba kể với mọi người rằng, đêm đang ngủ yên lại bị mình đánh thức để đuổi lợn; và tất nhiên, chẳng có con lợn nào lúc ấy cả, chỉ vì tỉnh giấc giữa đêm và chán quá nên mình mới sinh chuyện để làm.

nơi vạt đất chuyên trồng hoa màu ấy, nhà mình thường trồng xen canh các loại cây. cây cao chủ yếu là bắp hoặc sắn, còn cây thấp là cứ luân phiên đổi loại, mỗi mùa mỗi khác nhưng vụ nào cũng phải có đậu, khi thì đậu lạc, năm lại đậu xanh đậu đỏ, lại có lần là đậu đen. nhà làm nông thì gắn liền với cơ cực lấm lem nhưng khi đến mùa thu hoạch thì cả xóm như mở hội.

dưới đồng cạn, nhà nào có ý định ủ phân hay làm nấm thì chất rơm khô cao thành đống, con nít tụi mình cứ kệ gốc rạ cắt nham nhở như gai sắc nhọn dưới chân mà cứ vậy ùa chạy chơi trò đủ kiểu quanh những đống rơm; nhà nào chưa tính thì dàn rơm đều khắp ruộng rồi đốt để diệt cỏ dại và lấy tro rải khắp đợi mùa tiếp theo.

trên những vạt đất hoa màu, thu hoạch dễ nên con nít hay được gọi để phụ tay vào. lạc trồng thì nhổ cả cây, rũ hết đất rồi mới tuốt được quả mọc từ rễ, đem rửa thêm vài lần nước cho sạch đất thì mới sang được công đoạn tiếp theo. đậu mọc trên cành thì đơn giản, chỉ cần ngắt từng vỉ hạt đen khô rồi đem về bóc tách, chà xát cho sạch là có thể dùng được.

mùa hè miền Trung có đặc sản là gió Lào, thổi giữa trưa hè là như đem cả sa mạc đến. những hôm như thế, bà nội lại bốc nắm tay đầy đậu vừa thu hoạch rồi bỏ vào nồi đun đến khi chín sôi, được lát thêm đường phèn vào cho tan, lúc đợi nguội thì đi mua đá về múc ra chén cho mấy đứa cháu nhỏ trong nhà.

những mùa hè tuổi thơ của mình trôi qua như thế, trôi đi cùng sự cơ cực của một thế hệ suốt đời chỉ làm nông, chăm chỉ và mãi mê với ruộng vườn nương rẫy; trôi theo cùng những cơn gió khô rít qua phên cửa mỏng, luồn vào trong cánh quạt mà phả thẳng vào mặt làm giật mình tỉnh giấc mơ trưa, để thấy chén chè đậu để một bên lặng lẽ nguội từ bao giờ.

Bài viết ngày 08 tháng 08 năm 2024

Đức sắp đi nên hôm nay tụi mình có buổi gặp cuối. những gì Đức chia sẻ sẽ làm trong những ngày tiếp theo, trước lúc lên đường khiến mình nhớ về quãng thời gian cách đây 5 năm, khi đang trong kế hoạch rời khỏi Đà Nẵng để bắt đầu hành trình lên Đà Lạt; vì những điều ấy cũng tương tự như thế, chỉ khác là đang đổi vai.

trong những năm qua, nhiều người đến làm bạn và một số rời đi, mình luôn thoải mái và đôi khi cảm thấy thật nhẹ nhõm vì được như vậy; nhưng có những mối quan hệ, những người bạn mà mình sợ rằng họ sẽ đi mất, theo đúng từ ngữ đang sử dụng, là không còn sống chung một thành phố, chung không gian mà tụi mình đã từng rất thân thuộc để chia sẻ với nhau nhiều kỷ niệm ở đó. người xưa có viết, xa mặt cách lòng; còn mình thì dùng nhiều chữ để bày tỏ hơn, là không đủ gần cho một buổi hẹn thì khó mà giữ được nhiệt dài lâu. nhưng mình không buồn quá nhiều vì những sự rời đi ấy, bởi như mọi lần chia sẻ khi nói về tình bạn, trân trọng những tháng ngày bên nhau thì luôn là điều quan trọng hơn cả.

khi Đức báo tin sẵn sàng để lên đường, với mọi thứ trong hành trang được sắp xếp đầy đủ; mình nhìn lại những mối quan hệ thân thiết xung quanh và nhận thấy rằng ai cũng đang có cho riêng một hành trình để theo đuổi, người thì lập gia đình và hạnh phúc rất nhiều với điều ấy, người thì tiếp nối sự học nên bay sang vùng đất khác, và cả những không gian từng quen thuộc từng là nhịp thở thì nay chẳng còn hơi thở nào cho riêng mình. khi chúng xảy ra, chẳng ai có lỗi hay sai sót gì ở đây cả, đó luôn là tất yếu và mình cũng đang như thế.

sau khoảng thời gian dài đêm trường tăm tối và mọi thứ dần sáng trở lại, mình nảy sinh cảm giác như từng có trong giai đoạn trước lúc rời Sài Gòn, đó là cô đơn và mất kết nối với thành phố đang sống này; giờ đây, mình không còn hứng khởi những niềm vui như trước đó đã từng. thành phố này và thành phố kia vẫn luôn thế, một ngày mới vẫn bắt đầu trước lúc bình minh xuất hiện và kết thúc khi hoàng hôn đã tắt tự bao giờ, những con người ở đó và những điều xảy ra thì vẫn ngày nối ngày và đêm nối đêm; chỉ có điều, mình đâu tha thiết để tìm đến tận cùng vẻ đẹp của những thành phố nữa, khi bản thân đã trở nên nhàm chán trước lúc chán cái thành phố này.

Bài viết ngày 07 tháng 12 năm 2024

là một người bỏ ngang việc học, mình thừa nhận rằng đó là rào cản ngăn mình tiếp cận sự phát triển tuyệt vời cho bản thân. dù thế, điều ấy không có nghĩa mọi cơ hội đều bị tước mất, chúng đôi khi – là cánh cửa để mở ra những lựa chọn tuyệt vời hơn. và chìa khóa để đạt được chính là tự học.

khi được hỏi về động lực từ bỏ việc học trên trường để đi làm luôn, mình nói rằng đơn giản là kiến thức trường lớp trong thời điểm đó không thật sự là điều mình cần, có thể đáp ứng tốt điều mình muốn; và thay vì dành thêm thời gian cho những điều vô nghĩa ấy thì nên tập trung thời gian cho những điều hữu ích, đúng với mục tiêu của bản thân hơn.

đấy cũng là nền tảng cơ bản của việc tự học, là xuất phát từ nhu cầu thực tế, là sự phát triển của bản thân hoặc yêu cầu do công việc để tự tìm hiểu, hoàn thiện những kỹ năng, kinh nghiệm. đến thời điểm hiện tại, hầu như những gì mình biết, có thể làm tốt đều thông qua tự học, tìm tòi và thử – sai, chứ không dựa vào kiến thức trường lớp, khóa học nào cả.

chăm chỉ học hành trên giảng đường thể hiện rõ quan điểm, học tốt điểm cao thì ra trường mới có nhiều cơ hội việc làm tốt. tự học không nói rõ được quan điểm ấy, nên để tự học hiệu quả thì bạn cần tạo ra những mục tiêu cụ thể. ví dụ, mình cải thiện kỹ năng viết mỗi ngày, ngoài lý tưởng sự nghiệp xa xôi thì còn là công việc trong hiện tại, khi chúng gắn liền với viết lách; hay như hoàn thiện website cá nhân, là một cách khác để mình học code, hiểu sâu hơn về website nhằm khi làm SEO được hiệu quả.

những điều ấy đang diễn ra nên chưa có một thành quả rõ ràng, nhưng tự bản thân mình thấy tiến bộ và hiểu rõ hơn về những điều đang tìm hiểu mỗi ngày. tự học vì thế cũng không toàn năng, nó giúp tiếp cận nhanh và đúng đến vấn đề mình muốn học, nhưng để hiểu rõ hết ngọn ngành thì phải biết cả kiến thức nền, mà điều ấy hiển nhiên mình luôn thiếu.

đó cũng chính là hạn chế của việc tự học, khi quá trình thử – sai lúc học một điều mới sẽ diễn ra trường kỳ, tốn thời gian mò mẫm hơn. nên nếu một khi bạn tự học một điều mới, thì cần rất nhiều sự kiên nhẫn trong hành trình đó. kết quả sau cùng cho những điều ấy là, bạn biết tường tận những điều sai mà người khác mãi không hiểu tại sao nó lại sai.

Bài viết ngày 07 tháng 05 năm 2024

khi còn ở Sài Gòn, có quán cafe mình hay ghé, tên là Chiêu, nhiều sách và mở cửa xuyên đêm. lần đầu tiên đến là lúc bạn hẹn để tạm biệt trước khi rời Sài Gòn. có lẽ vậy mà sau này, mỗi lần tạm biệt ai, là khi họ rời khỏi thành phố ấy, hay mình trong những ngày cuối và cố gặp hết những người muốn gặp, thì đều hẹn họ tới đó. công bằng mà nói thì, quán ấy ổn, nhưng hợp với mục đích thì chưa, ấy vậy mà ở đó luôn là lựa chọn duy nhất khi nghĩ đến chuyện tạm biệt ai thì nên gặp họ ở nơi đâu.

sau này nữa, về hẳn Đà Nẵng, mình cũng có một vài địa chỉ quán quen thuộc, thường xuyên đến và hay đợi để gặp bạn. Hẻm Xéo là một trong số đó, mình biết quán từ người chủ đầu tiên, cho đến hiện tại là qua đời chủ thứ 4, tính tới lui cũng đã gần 7 năm kể từ lần đầu đến quán. thân lạ với chủ thì mỗi thời một kiểu, còn quán thì bao đời vẫn thế, vẫn là không gian thoải mái thân thuộc – như cách mình diễn tả mỗi lúc ai đó thắc mắc sao ngoài kia nhiều quán ổn hơn vẫn không chọn để ghé thường xuyên.

cũng tương tự như thế là ở Huế, mình thích không khí ở quán Nghĩa, thích từ lúc quán còn mới mở và được xem là hidden coffee vì khó tìm và chưa mấy ai biết, thích đến hiện tại khi quán đã ổn định với tệp khách hàng quen để lần tình cờ nào đến hẳn mình cũng gặp ai đó thân thuộc của đất Huế cũng đang cùng ghé thăm.

thêm lần công bằng mà nói thì, những chốn mình chọn trong những thành phố đi qua thì chúng đều không có gì đặc biệt hơn những gợi ý khác cả. đặt chân vào Sài Gòn với nhiều bỡ ngỡ, bạn hiểu tính nên có hẹn cafe cũng hẹn quán trong hang cùng ngõ hẻm, ít bảng hiệu và yên lặng cực kỳ; về Đà Nẵng rồi chẳng ít lần hỏi chuyện gặp nhau ở đâu, bạn liền tranh miệng chọn trước vì quá ngán gợi ý từ mình; và khi ở Huế, nào phải ai cũng cùng cảm giác quen thuộc và thoải mái ở mỗi một quán, nên nhiều lần mình đành chiều ý mà theo chân đến quán khác.

dẫu rằng khi bước qua thành phố mới và làm quen với mọi điều của nơi ấy ngay lúc đầu, cảm giác thân thuộc và thoải mái luôn được mình ưu tiên chọn khi muốn đến nơi nào đó, nhưng chẳng có gì đáng phải phàn nàn khi bước ra khỏi vùng an toàn của những lựa chọn ấy để thử nhìn vào thành phố đang số theo một cách khác, bớt nhẹ nhàng và nhiều màu sắc hơn.

Bài viết ngày 06 tháng 11 năm 2024

rất là lâu về trước, mình tiện đường ghé gửi đồ cho nhóm bạn khi tụi nó ra Huế tổ chức hội thảo, xong việc nên cùng hẹn mình đi ăn. có bạn mới lẫn đã quen, mình thoải mái trò chuyện và cười những câu đùa cùng nhau. trong nhóm lúc ấy, có cậu bạn tính khá vội và thích đùa vô duyên. mình cũng chẳng để tâm lắm nhưng bị đùa xoáy vớ vẩn đến 2 lần, mình bực lên bảo với cậu ấy là, anh nghĩ tụi mình chưa đủ thân đến mức mà em nói được như câu đó đâu. cậu ấy vội xin lỗi và né mình ra trong suốt buổi còn lại.

chuyện ấy cũng chẳng có gì để nhớ, nếu không có chuyện 3 năm sau đó, mình tình cờ gặp lại cậu bạn kia trong một hội thảo mà tụi mình cùng tham gia. lúc gặp, cậu ấy kể lại chuyện cũ trên, xin lỗi thêm lần và bảo, sau chuyện đó tự nhiên thay đổi, ngôn từ dùng cẩn trọng hơn. mình ngạc nhiên vì vốn chẳng để bụng, lại không nghĩ cái bức xúc của mình khiến bạn ấy chột dạ với bản thân.

dạo gần đây, nghĩ nhiều về những chuyện đã xảy ra với bản thân và ký ức trên thoáng hiện về khiến mình chợt nghĩ, đúng là những chuyện xảy ra với người khác, những bất ổn hay sự thay đổi của những người đã lướt qua đời – mình chỉ nhớ được đôi chút; còn những lần hớ hênh, hành động bộc phát thiếu suy nghĩ của bản thân (đôi khi còn tệ hại, ngớ ngẩn hơn chuyện cỏn con của cậu bạn trên kia) lại khiến mình mãi xấu hổ, đắm chìm trong những cơn mất ngủ khi đêm về.

thật ra mình nghĩ, xấu hổ với bản thân vì những chuyện đã xảy ra trong quá khứ không phải là một cảm giác tiêu cực. bỏ qua sự đúng sai thật sự của điều khiến mình xấu hổ ấy, thì rõ ràng tự nhận thức được rằng đó là điều khiến bản thân mất điểm trong mắt người khác là một điều quan trọng. vốn dĩ ai cũng muốn được công nhận, hay ít nhất là không chịu thừa nhận sự tầm thường của bản thân, nên cái cảm giác xấu hổ rồi chìm đắm trong điều ấy – luôn là một khởi đầu lý tưởng cho sự thay đổi tiếp sau đó.

vậy nên mới có lẽ, trong chuyện kể đầu bài, mình thấy nó cỏn con tại chẳng ở trong trường hợp ở cậu bạn ấy, khi chợt thấy muôn ánh mắt ái ngại cười trừ sau câu nói từ mình. và cũng thật lòng mà kể, trong muôn vàn lần bộc phát hành động rồi tự thấy nó ngớ ngẩn, mình nhớ mãi về nó như một điều tiêu cực để rồi tự biết mà điều chỉnh bản thân mình.

Bài viết ngày 04 tháng 10 năm 2024

hiểu chính mình là lời khuyên dẫn lối khá hữu ích, đặc biệt trong khía cạnh giúp mọi người nhận thức được giá trị bản thân, biết nên theo đuổi những gì cho hợp lý, phù hợp với chính mình. riêng cá nhân thì mình từng dựa vào điều ấy để định hướng những niềm đam mê, kỳ vọng nhằm có được sự tự tin cần thiết. nên về cơ bản, hiểu chính mình luôn là một phương châm sống cần có trong hành trình phát triển bản thân.

dù vậy, khi xét trong phạm vi rộng và xa xôi hơn, tin tuyệt đối vào sự hiểu về chính mình đôi khi lại cản trở sự phát triển của bản thân. bởi trong những điều chúng ta chọn để làm, luôn có những điều tự cho là đúng là phù hợp, và mặc nhiên bỏ đi những điều khác – mà chẳng quan tâm những điều ấy liệu có phù hợp ở những khía cạnh nào khác hay không.

ví dụ, khi muốn đi cafe, mình luôn có những điểm đến quen thuộc, luôn là vậy suốt 7 năm ròng rã kể từ lúc bước chân vào Đà Nẵng. lý do chọn là bởi cảm thấy phù hợp với bầu không khí, để luôn cảm thấy an toàn thân thuộc khi bước chân vào không gian ấy. ở những nơi đó, mình cảm giác được thuộc về, tìm thấy kết nối và được là chính mình như cách bản thân muốn.

nhưng vấn đề là, cảm xúc là thứ dễ thay đổi, và mọi người luôn có xu hướng cả thèm chóng chán. nên dù có kiên định với những điều thân thuộc suốt bao năm, thì cũng đến một lúc nào đó mình cảm thấy những nơi từng thuộc về kia giờ lại không như thế nữa. chỉ có điều, sự thay đổi ấy không phải lúc nào cũng diễn ra trên bề mặt, dễ dàng nhìn thấy và nhận ra; chúng ngấm ngầm phản ứng với những điều nhỏ nhặt, và từng điểm kết nối sẽ dần vụn vỡ cho đến khi không còn gì cả. kết quả, bức chân dung về sự phù hợp mà mình tự vẽ ra nay không còn đúng với bản thân; tệ hơn nữa, chúng vốn dĩ từ lâu đã không còn đúng, mà mình chẳng nhận ra, và đang hoài công vô ích với những điều chẳng còn hợp lý để thuộc về.

để giải quyết khúc mắc này, cần chấp nhận và sẵn sàng cho sự thay đổi. những điều mình vốn dĩ tin, cho là đúng trong hiện tại cũng đã khác với những điều tương tự trong 5 năm trước; thì tương lai, là 5 hay 10 năm nữa cũng sẽ vậy mà thôi. chấp nhận thay đổi, đón nhận cái hiểu chính mình biến chuyển là một bước trong hành trình phát triển bản thân tốt và sâu sắc hơn nữa.

Bài viết ngày 04 tháng 02 năm 2024

dạo quanh phố phường ngày cận Tết, mình thấy những chuyến xe đạp chở đầy hoa giấy làng Thanh Tiên đem lên bán. hỏi thăm và tìm hiểu thêm, mình được biết hoa giấy được làm để trang trí các không gian thờ tự, am miếu trong nhà lẫn ngoài xóm; và mỗi năm thay một lần vào dịp Tết âm.

một điểm mù nhận thức khá thú vị là hơi lạ kỳ là, mình sống lâu ở Huế, vùng quê mình lớn lên cũng toàn dân Huế nhưng không có thói quen này, nếu có cũng chỉ hạn hữu ở một vài nhà chứ chẳng áp dụng cho cả vùng rộng lớn. lý do thì có lẽ, bản chất quê mình là khu kinh tế mới, người ta di dân đến lập nghiệp cũng chưa đến 50 năm nên chiều sâu về văn hóa dân gian còn khá mỏng. những lễ nghi truyền thống cũng chỉ ở mức cơ bản, ma chay hiếu hiếu hỷ thì không phức tạp như những vùng khác.

với người vùng quê mình, sự thay đổi ấy là điều họ chọn, khi tự cảm nhận điều gì là cần để giữ và không để lược bỏ bớt đi. với cá nhân, tự mình cũng thấy thoải mái – ít nhất là bớt được rất nhiều thủ tục, phép tắc mỗi lần nhà có đám tang, cưới xin, kỵ giỗ…

còn khi nói về việc tìm hiểu, mình sẽ bỏ qua vùng mình để tìm những làng quê khác, những làng quê có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. như điều trên đã viết, khi chúng tồn tại đủ lâu, tự sẽ tích tụ đủ những tập quán, phong tục phù hợp với vùng đất ấy và loại đi những điều thừa thãi, không còn phù hợp để được chấp nhận nữa.

cuối cùng, sự tồn tại của những làng quê trẻ không hẳn thừa thải về mặt văn hóa lịch sử, bởi dù chưa tích lũy đủ chiều sâu về nhận thức văn hóa, nhưng khi tự quyết định loại trừ hay gìn giữ những tập quán nội tại thì chúng chính là khởi đầu cho những tập quán mới, được nhắc nhớ và thực hiện sau này. điều này cũng tương tự như sự tồn tại của những người trẻ như mình vậy, thay những tập quán bằng thái độ, phong cách sống thì chúng dần sẽ trở thành ý thức hệ, rạch ròi với giai đoạn này và thời điểm khác của lịch sử.

nên với bất kỳ ai và trong bất kỳ thời điểm nào, bản thân họ cũng đều là người quan sát của một giai đoạn văn hóa, với những điều tồn tại, lụi tàn và phát triển. và như vậy, chẳng có một phong tục nào lỗi thời vì không còn phù hợp hay chẳng đúng hoàn cảnh nữa, mà liệu chúng sẽ được chấp nhận được đến bao lâu, dài đến nhường nào.

Đọc thêm các tuyển tập viết văn khác

Tuyển tập viết văn 2018

Tuyển tập viết văn 2019

Tuyển tập viết văn 2020

Tuyển tập viết văn 2021

Tuyển tập viết văn 2022

Tuyển tập viết văn 2023

Tuyển tập viết văn 2025

nhavantuonglai

Share:

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Thảm họa hùng vĩ

Thảm họa hùng vĩ

Một người có thể trải qua một trải nghiệm hùng vĩ ngay cả khi đối mặt với một sức mạnh đe dọa tính mạng.

Thực hành cầu nguyện để làm gì?

Thực hành cầu nguyện để làm gì?

Thực hành tôn giáo giúp đời sống an lành hạnh phúc giác ngộ và mang lại năng lượng tích cực cho bản thân giá trị đẹp cho cộng đồng.

Khi nhắp nhang, chúng ta nên nghĩ gì?

Khi nhắp nhang chúng ta nên nghĩ gì?

Thực hành tôn giáo giúp đời sống an lành hạnh phúc giác ngộ và mang lại năng lượng tích cực cho bản thân giá trị đẹp cho cộng đồng.

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.