Sợ hãi | Chương 03
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.
· 9 phút đọc · lượt xem.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Nhiều người thường bị ám ảnh về những việc có thể khơi dậy sợ hãi và buồn khổ. Tất cả chúng ta đều đã có những trải nghiệm buồn khổ trong quá khứ mà ta không thể quên được. Chúng ta luôn nhớ và sống lại những khổ đau của quá khứ. Nhưng nếu nhớ lại quá khứ mà không có chánh niệm, tỉnh thức thì việc nhớ lại chỉ khiến chúng ta thêm buồn khổ.
Lấy ví dụ, khi còn nhỏ, bạn bị ngược đãi. Bạn đã khổ đau cùng cực. Bạn rất yếu ớt, mong manh, lúc nào cũng có cảm giác bất an. Bạn không biết cách để tự bảo vệ mình. Trong tâm trí, bạn như tiếp tục bị ngược đãi không thôi. Mặc dầu bây giờ đã trưởng thành, không còn là một em bé yếu ớt, mong manh nhưng bạn vẫn tiếp tục buồn khổ vì bạn cứ nhớ lại kỷ niệm đau buồn ngày xưa.
Trong tiềm thức của bạn hình như có chôn giấu một cuốn phim, một hình ảnh. Mỗi khi bạn nhớ về quá khứ thì như là bạn xem lại thước phim hay ngắm lại bức tranh đó và bạn lại buồn khổ. Chánh niệm nhắc ta rằng ta có thể sống trong hiện tại, bây giờ và ở đây. Chánh niệm cho ta biết rằng hiện tại luôn có đó và ta không cần trở về sống lại quá khứ xa xưa.
Giả sử có một người tát vào mặt bạn. Cái tát đã in dấu trong tiềm thức bạn. Tiềm thức bạn chứa nhiều thước phim, nhiều hình ảnh vẫn tiếp tục linh hoạt trong bạn. Và bạn có xu hướng trở về xem lại những thước phim ấy, ngắm lại những hình ảnh ấy và bạn tiếp tục buồn khổ. Mỗi lần nhớ lại như thế là bạn như bị tát vào mặt lần nữa.
Nhưng đó chỉ là quá khứ. Bạn không còn sống trong quá khứ, bạn đang sống trong hiện tại. Chuyện cũ đã xảy ra thật, nhưng xảy ra trong quá khứ. Bây giờ chỉ còn lại ký ức của những hình ảnh ngày nào. Nhưng nếu bây giờ bạn an trú trong hiện tại thì bạn có thể nhìn về quá khứ với một cái nhìn khác hơn và bạn có thể chuyển hóa nỗi khổ đó. Có thể rằng hồi bạn còn nhỏ, có người đã lấy mất đi một món đồ chơi của bạn và bạn đã biết cách la khóc để tìm cách lấy lại món đồ chơi, hay cười nịnh chị vú để chị ấy trả lại món đồ chơi của bạn. Mặc dầu còn nhỏ, bạn đã biết cười xã giao. Đó là một cách ứng phó để sống còn. Bạn đã học được một bài học mà bạn không hay.
Cảm giác bạn nhỏ bé, mong manh, không đủ sức tự bảo vệ, luôn luôn cần có người hỗ trợ bên mình vẫn còn đó mãi. Nỗi sợ hãi ban sơ và ước muốn ban sơ luôn luôn còn đó. Em bé, với nỗi sợ hãi và ước muốn ban sơ vẫn sống động trong ta.
Nhiều người bị trầm cảm và mãi khổ đau mặc dầu hoàn cảnh hiện tại của họ khá bình an, vững chãi. Đó là vì họ có xu hướng chôn mình trong quá khứ. Họ cảm thấy được thoải mái hơn khi quay về trú ẩn nơi quá khứ, mặc dù quá khứ chứa nhiều khổ đau. Nơi trú ẩn đó là hố sâu thẳm của tiềm thức với những thước phim đau buồn. Rồi mỗi đêm bạn về lại nơi trú ẩn đó, xem lại những thước phim ấy và tiếp tục buồn khổ. Và những lo âu của bạn cho tương lai chẳng qua chỉ là những sợ hãi và ước muốn của quá khứ mà thôi.
Đừng sợ quá khứ. Kẹt vào quá khứ rất dễ, cho nên phải có một cách để nhắc nhở chúng ta trở về với hiện tại. Tại Làng Mai, chúng tôi sử dụng tiếng chuông. Mỗi khi nghe tiếng chuông, chúng tôi thở hơi thở vào ra trong chánh niệm và tự nhủ: Lắng lòng nghe. Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương. Quê hương đó chính là ngôi nhà thật sự của tôi.
Bạn có thể nói với em bé trong bạn rằng, quá khứ không phải là nhà của ta. Nhà của ta là tại đây, là bây giờ, nơi chúng ta đang thực sự sống. Nơi đây, ta có thể có được những gì nuôi dưỡng và chữa trị. Bao nhiêu sợ hãi, lo lắng, tuyệt vọng vẫn còn đó vì em bé trong ta chưa được giải thoát. Em sợ phải đối diện với hiện tại. Chánh niệm và hơi thở của ta sẽ giúp em ý thức rằng em đang được an toàn và tự do.
Khi xem phim, theo dõi những tình huống bi đát trên màn ảnh, bạn có thể rơi lệ. Bạn tưởng rằng những tình huống đó là thật. Nước mắt của bạn là nước mắt thật, cảm xúc của bạn là cảm xúc thật. Nhưng nếu đến gần màn ảnh thì bạn chỉ thấy những vệt sáng lập lòe. Bạn không thể tiếp xúc với những nhân vật trên màn ảnh, không thể nói chuyện, uống trà hay hỏi han, tâm sự. Ấy vậy mà những nhân vật ấy đã làm cho bạn đau khổ thực sự, đau khổ thể xác cũng như tinh thần. Cũng vậy, ký ức của bạn có thể tạo ra đau khổ thật sự cho dù những ký ức ấy chỉ là những hình bóng xa xưa.
Khi bạn nhận ra rằng thói quen sống lại những chuyện ngày xưa hay phản ứng theo ký ức là do tập khí thì bạn hãy nhớ rằng bạn có thể có một lựa chọn khác. Bạn có thể đối diện giây phút hiện tại với tâm vô tư, không phán xét. Hãy dành quá khứ cho một lúc khác, một lúc tĩnh lặng nào đó, để an ủi em bé thương tích trong bạn, để nói với em rằng em không còn đau khổ nữa. Bạn có thể nắm tay em, đưa em về hiện tại với bao nhiêu mầu nhiệm hiện tiền: Này em, hãy tới đây với ta, chúng ta đã lớn rồi và không còn sợ hãi nữa. Chúng ta đã vững mạnh. Chúng ta không phải sợ gì nữa. Bạn phải hướng dẫn em bé trong bạn, phải đưa em về với sự sống hiện tại. Lẽ tất nhiên là ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ quá khứ, nhưng đồng thời ta phải an trú trong hiện tại. Nếu an trú vững chãi trong hiện tại, chúng ta có thể suy nghiệm quá khứ một cách tinh tường, học hỏi từ quá khứ mà không bị quá khứ ám ảnh.
Nghĩ tới tương lai mà không sợ hãi. Cũng vậy chúng ta có thể chuẩn bị tương lai mà không bị chìm ngập bởi những dự án cho tương lai. Rất nhiều khi ta chẳng phải đang lên một dự án gì cả mà ta chỉ đang chạy theo những ám ảnh về những kế hoạch trong đầu của ta, chỉ bởi ta lo sợ về một tương lai bất định. Ta phải an trú trong hiện tại khi hành động, chỉ có như vậy, ta mới hoạch định tương lai một cách tốt đẹp nhất. Sống trong hiện tại không có nghĩa là không chuẩn bị cho tương lai. Tuy nhiên đánh mất mình trong lo lắng cho tương lai không giúp ích được gì. Khi an trú trong hiện tại, ta có thể đem tương lai về với hiện tại để có thể nhìn sâu mà không đánh mất mình vì lo lắng, hoang mang. Thực sự có mặt trong hiện tại và chăm sóc hiện tại tốt đẹp chính là ta đang chăm sóc tương lai tốt đẹp.
Quá khứ cũng vậy. Chánh niệm không cấm ta nhìn sâu về quá khứ. Tuy nhiên, nếu ta chìm đắm trong tiếc nuối, buồn khổ của quá khứ thì đó không phải là chánh niệm. Nếu thật sự an trú trong hiện tại thì ta có thể đem quá khứ về hiện tại để quán chiếu sâu sắc. Chúng ta có thể quán chiếu quá khứ và tương lai khi an trú trong hiện tại. Quả vậy, ta có thể xử lý quá khứ và tương lai một cách tốt đẹp nhất nếu ta an trú trong hiện tại.
Nếu bạn có một người bạn đang đau khổ, bạn có thể nói với anh ta rằng: Này bạn ơi, bạn đang ổn lắm. Hiện tại mọi việc đều đang rất tốt. Tại sao bạn cứ mãi đau khổ? Đừng trở về với quá khứ. Quá khứ chỉ là một bóng ma, không có thật. Mỗi khi chúng ta nhận ra rằng quá khứ chỉ là một cuốn phim hay một tấm ảnh, chúng ta sẽ được tự do. Đây là phép thực tập chánh niệm.
Đọc Sợ hãi, chương 01 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 02 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 03 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 04 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 05 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 06 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 07 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 08 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 09 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 10 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 11 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 12 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 13 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 14 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 15 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 16 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 17 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 18 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 19 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 20 tại đây.
Đọc Sợ hãi, toàn tập tại đây.