Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi | Chương 11
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.
· 14 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Nhiều người thường hành động vì sợ hãi, sợ quá khứ hoặc sợ hiện tại. Họ gieo rắc hạt giống sợ hãi đó cho những người xung quanh và cả cho xã hội. Họ tạo nên một văn hóa sợ hãi. Khi nỗi sợ xuất hiện khiến cho ta bực bội, lo lắng; trước nhất, ta cần ghi nhận nỗi sợ đó. Nhận diện và ôm ấp thay vì để cho lo sợ khống chế. Khi mà mọi người xung quanh đều lo sợ và hành động theo lo sợ thì ai cũng khao khát được bình an.
Đôi khi, chúng ta ưa cười nhạo khi người khác lo sợ vì họ nhắc ta nhớ đến nỗi sợ của chính ta. Chúng ta đã được dạy rằng hãy nhắm mắt làm ngơ với nỗi sợ. Làm thế nào để có thể buông bỏ lo sợ, làm chủ cơn giận và xua tan bạo lực trong ta? Thực tập chánh niệm và nhìn sâu là câu trả lời.
Sợ khủng bố
Ngày nay, đi máy bay, chúng ta thấy ai cũng khả nghi. Ta sợ rằng ai đó có thể là tên khủng bố. Bất kỳ ai cũng có thể mang bom hoặc chất nổ.
Hành khách phải đi qua máy quét điện tử. Người này sợ người kia và sợ tất cả mọi thứ. Kể cả khi mặc áo nhà sư như tôi, bạn cũng sẽ bị quét hoặc khám xét, không trừ ai. Bầu không khí sợ hãi ngày càng lan tỏa. Chúng ta không biết cách xử lý nỗi khổ ấy. Có quá ít người biết cách buông bỏ lo sợ.
Chúng ta muốn trả thù, muốn trừng phạt những người làm chúng ta khổ. Ta nghĩ khi làm vậy ta sẽ bớt khổ. Khi mang chất nổ lên máy bay hoặc xe buýt để tất cả đều chết, kẻ khủng bố chỉ muốn trừng phạt. Ý muốn đó phát sinh ra từ đau khổ của chính anh ta. Vì không biết cách xử lý nỗi khổ, anh ta đã giải tỏa nỗi khổ bằng cách trừng phạt người khác.
Đức Thế Tôn nói: Ta đã nhìn sâu vào trong tâm ý của những người không có hạnh phúc và ta đã thấy một mũi dao nhọn được che giấu dưới những niềm thống khổ của họ. Vì chính họ không thấy mũi dao nhọn ấy trong tâm cho nên họ khó có khả năng chịu đựng được niềm đau.
Nỗi sợ bị chôn sâu trong trái tim, con dao sắc được giấu dưới nhiều lớp. Con dao sắc đó khiến bạn hành xử không tốt đẹp. Bạn không nhìn thấy con dao hay mũi tên ở trong trái tim bạn, nhưng nó khiến bạn gây đau khổ cho người khác.
Bạn có thể học cách nhận ra con dao bên trong bạn. Một khi đã phát hiện và loại bỏ con dao trong tim bạn thì bạn có thể giúp người khác tìm ra và loại bỏ con dao trong tim họ. Nỗi đau do con dao đó gây ra đã tồn tại một thời gian dài. Nếu cứ ôm giữ nó thì nỗi đau sẽ tiếp tục đến mức bạn muốn trừng phạt những người bạn nghĩ là đã gây nên đau khổ cho bạn.
Một cuộc cách mạng của từ bi
Chúng ta đều mang trong lòng nỗi sợ ban sơ, nhưng không chỉ lo sợ như là một cá nhân. Nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới cũng đang đầy sợ hãi, đau khổ và thù hận. Để dịu đi nỗi khổ, chúng ta phải quay trở về với tự thân để hiểu tại sao ta lại bị mắc kẹt trong quá nhiều bạo lực và sợ hãi. Nguyên nhân nào khiến cho những kẻ khủng bố thù ghét đến mức sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm cho người khác đau khổ? Vì có sự bất công. Tất nhiên chúng ta phải tìm cách chấm dứt bạo lực, phải tách riêng những người gây nguy hiểm cho người khác. Nhưng chúng ta cũng cần nêu lên câu hỏi: Chúng ta chịu trách nhiệm gì cho những bất công trên thế giới?
Chúng ta không thích sợ hãi. Thông thường, nếu ta ôm chặt nỗi sợ thì nỗi sợ sẽ biến thành cơn giận. Ta giận rằng mình sợ. Ta giận tất cả những người hoặc những thứ đã gây nên nỗi sợ cho ta. Một số người dành cả đời để trả thù những người hoặc những thứ mà họ nghĩ đã gây nên đau khổ cho họ. Động lực này chỉ có thể mang đến đau khổ, không chỉ cho người khác mà còn cho chính họ.
Thù ghét, giận dữ, và sợ hãi là những ngọn lửa bùng cháy mà chỉ có lòng từ bi mới dập tắt được. Nhưng tìm từ bi ở đâu? Từ bi không có bán ở siêu thị. Từ bi được tạo ra bằng sự thực tập.
Đôi khi người ta thương – con cái, vợ chồng, hoặc bố mẹ – đã nói hoặc làm những điều khiến chúng ta bị tổn thương. Ta nghĩ chỉ mình mới khổ. Nhưng người kia cũng đang khổ. Nếu người đó không khổ thì đã không gây tổn thương cho ta. Người ta thương đã không biết cách chuyển hóa nỗi khổ của mình và đổ tất cả sợ hãi và giận dữ lên ta. Chúng ta cần tạo ra năng lượng từ bi. Năng lượng từ bi trước tiên sẽ làm dịu trái tim ta và sau đó giúp người khác. Nếu chúng ta trừng phạt người kia, người đó sẽ chỉ càng thêm đau khổ và vòng luẩn quẩn sẽ tiếp diễn.
Dùng bạo lực để đáp trả bạo lực chỉ tạo thêm bạo lực, bất công, và đau khổ – không chỉ cho những người ta muốn trừng phạt mà cho cả chính ta. Tuệ giác này có sẵn trong mỗi chúng ta. Khi thở sâu, chúng ta có thể chạm vào hạt giống tuệ giác này trong ta. Tôi tin rằng nếu ta nuôi dưỡng năng lượng tuệ giác và từ bi trong tất cả mọi người dù chỉ một tuần cũng có thể giảm mức độ sợ hãi, giận dữ và thù ghét trên thế giới. Tôi kêu gọi tất cả hãy thực tập bình tĩnh và tập trung tâm trí, tưới tẩm hạt giống trí tuệ và từ bi vốn đã có sẵn trong ta, đồng thời học nghệ thuật tiêu thụ chánh niệm. Được như thế thì chúng ta sẽ tạo ra một cuộc cách mạng hòa bình đích thực. Một cuộc cách mạng duy nhất có thể giúp chúng ta thoát khỏi tình thế khó khăn hiện nay.
Hạt giống khủng bố
Khủng bố ở khắp mọi nơi, không chỉ là những người làm nổ tung xe buýt hoặc khu chợ. Khi cư xử bạo lực và giận dữ, thì ta cũng không khác gì những kẻ khủng bố mà ta coi là ác quỷ, vì ta cũng đang mang trong trái tim con dao của giận dữ, tàn bạo. Vì thiếu chánh niệm, chúng ta đã nói những lời làm tổn thương, gây đau khổ cho người khác. Đây cũng là một dạng khủng bố. Nhiều người nói những lời tổn thương với trẻ em. Con dao thương tổn đó có thể sẽ xoáy sâu vào trái tim những đứa trẻ suốt cả cuộc đời còn lại. Trong gia đình, trong xã hội, trên hành tinh này, cứ mỗi ngày trôi qua chúng ta đã tạo thêm biết bao người với con dao trong tim. Kết quả là họ đã áp đặt khổ đau và giận dữ của họ lên gia đình, xã hội, và thế giới của họ.
Lắng nghe với tâm từ bi
Phần nhiều nỗi khổ của chúng ta là do nhận thức sai lầm. Chúng ta phải loại bỏ nhận thức sai lầm. Tôi thấy anh ấy hoặc cô ấy làm điều này, điều nọ. Nhưng có thể sự thật không phải như thế. Có nhiều điều đằng sau mà tôi không biết. Tôi cần lắng nghe anh ấy hoặc cô ấy nhiều hơn, để hiểu rõ hơn._ Những người mà ta nghĩ là đã gây nên đau khổ cho ta cũng có thể có nhận thức sai lầm về ta. Khi cố gắng lắng nghe câu chuyện từ cả hai phía thì bạn sẽ hiểu rõ và bớt gây tổn thương cho nhau.
Việc đầu tiên là thừa nhận rằng những gì mà ta tưởng tượng, và nghĩ là đã xảy ra, có thể là không chính xác. Hãy thực tập hơi thở chánh niệm và thiền hành cho đến khi bình tĩnh và yên lắng để nhận rõ những gì đã xảy ra.
Việc thứ hai là nói với người đã gây tổn thương cho ta rằng ta đang khổ và ý thức rằng nỗi khổ của ta có thể do nhận thức sai lầm. Thay vì buộc tội, ta có thể yêu cầu người ấy giúp ta giải thích để ta hiểu được tại sao mà họ đã nói hoặc làm những điều đó.
Việc thứ ba rất khó, có lẽ là khó nhất. Chúng ta cần lắng nghe thật cẩn thận câu trả lời của đối phương để thực sự hiểu và cố gắng sửa lại nhận thức của mình. Nhờ đó, ta có thể thấy rằng ta là nạn nhân của nhận thức sai lầm của chính ta. Và rất có thể người kia cũng là nạn nhân của nhận thức sai lầm của ta.
Lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ giúp ích rất nhiều. Nhờ lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ chúng ta có thể tạo truyền thông tốt đẹp và hiểu được sự thật. Nếu thật tâm muốn tìm hiểu, biết lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ, ta sẽ tạo cảm thông cũng như hiểu rõ tâm ý người khác. Từ đó ta có thể khám phá ra rằng họ cũng có những nhận thức sai lầm. Sau khi lắng nghe họ hết lòng, ta có thể giúp họ chuyển đổi nhận thức sai lầm của chính họ. Xử lý như thế, chúng ta có cơ hội chuyển hóa nỗi sợ và cơn giận của ta và tạo cơ hội cho mối quan hệ được sâu sắc và chân thật hơn.
Trái tim là một nhịp cầu
Khi không còn bị căm giận và nghi kỵ chế ngự thì trái tim bạn trở thành một nhịp cầu nối kết. Nếu bạn cởi bỏ tâm chấp chặt, ham muốn, và sợ hãi thì bạn có thể nhìn thấy bến bờ bên kia, bến bờ giải thoát. Chúng ta phải hành động với lòng từ ái vì khi bị thù ghét và giận dữ trấn ngự ta không thể giải quyết bất cứ gì. Không thể nào loại bỏ bạo lực và sợ hãi bằng thù ghét và giận dữ. Chỉ bằng từ bi và yêu thương mà ta có thể loại bỏ bạo lực và sợ hãi.
Trước hết hãy nói: Bạn thân mến, có một con dao sắc trong tim tôi. Tôi muốn lấy nó ra.
Nếu người kia nhận lời, muốn lắng nghe và bắt đầu chia sẻ thì bạn hãy sẵn sàng lắng nghe sâu với tâm từ bi. Hãy lắng nghe trong chánh niệm và tập trung. Khao khát duy nhất của bạn là cho đối phương một cơ hội để giãi bày. Lắng nghe sâu, với tâm từ là giúp người kia có cơ hội nói ra những điều mà họ chưa bao giờ có cơ hội hoặc can đảm để nói, bởi vì chưa từng có ai lắng nghe họ một cách sâu sắc.
Ban đầu, lời nói của họ có thể lên án, nói lời cay đắng và đổ lỗi. Hãy cố gắng tiếp tục ngồi yên và lắng nghe. Lắng nghe như vậy là cho họ cơ hội hàn gắn khổ đau và chuyển đổi nhận thức sai lầm. Nếu chen ngang, phủ nhận, hoặc cãi lại, bạn sẽ cắt đứt truyền thông và hòa giải. Lắng nghe sâu cả khi lời họ chứa đầy nhận thức sai lầm và bất công. Lắng nghe người khác sâu sắc, bạn không chỉ nhận ra nhận thức sai lầm của người ấy mà còn nhận ra nhận thức sai lầm của bạn về chính bản thân bạn và về người kia. Khi đôi bên đã bình tĩnh và người kia đã cảm thấy tin tưởng bạn hơn, bạn có thể chậm rãi và khéo léo giải thích nhận thức sai lầm của họ. Bằng ái ngữ, bạn chỉ cho họ biết là họ đã hiểu lầm bạn hoặc hiểu lầm tình huống như thế nào. Bằng ái ngữ, bạn cũng có thể giúp người kia hiểu những khó khăn của bạn. Bạn và người kia có thể giúp nhau giải tỏa nhận thức sai lầm vốn là nguồn cơn của tất cả giận dữ, thù ghét và bạo lực.
Nối lại truyền thông
Mục đích của lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ là để nối lại truyền thông. Khi truyền thông đã được nối lại thì mọi vấn đề, kể cả hòa bình và hòa giải có thể giải quyết. Tôi đã thấy nhiều cặp vợ chồng thành công trong việc thực tập lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ để hàn gắn quan hệ khó khăn hay đổ vỡ. Nhờ thực tập lắng nghe sâu với tâm từ bi và nói lời ái ngữ, nhiều cặp cha con, mẹ con, vợ chồng đã khôi phục lại hòa bình và hạnh phúc. Các nhà lãnh đạo của các quốc gia cũng có thể hòa giải bằng lắng nghe từ bi và nói lời ái ngữ. Trong một tình huống khó khăn, chúng ta không phải là bên duy nhất chịu khổ đau. Đối phương cũng khổ đau và chúng ta chịu trách nhiệm một phần nào đó về nỗi khổ của họ. Khi nhận ra điều này, chúng ta có thể nhìn vào đối phương bằng đôi mắt từ bi, để cho cảm thông bừng nở. Khi có cảm thông thì tình huống thay đổi và truyền thông tái lập. Bất kỳ tiến bộ thật sự nào về hòa giải đều phải bắt đầu từ chính chúng ta, hay trong tập thể, trong dân tộc chúng ta. Không nên tiếp tục đổ lỗi cho đối phương. Chúng ta phải biết hòa giải tự thân trước khi giúp cho bất kỳ một ai khác được hòa giải.
Đọc Sợ hãi, chương 01 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 02 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 03 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 04 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 05 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 06 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 07 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 08 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 09 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 10 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 11 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 12 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 13 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 14 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 15 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 16 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 17 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 18 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 19 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 20 tại đây.
Đọc Sợ hãi, toàn tập tại đây.