Sợ hãi | Chương 07

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.

 · 17 phút đọc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Bạn có một người thân sắp chết và đang rất sợ hãi. Bạn muốn giúp người ấy đừng sợ hãi thì trước hết bạn phải tập cho bạn tính không sợ hãi (đức vô úy). Vô úy là gốc rễ của hạnh phúc, là món quà quý báu nhất mà bạn có thể hiến tặng cho người ấy. Nếu bạn có thể ngồi vững chãi với người ấy trong những giờ phút nguy kịch của mạng sống thì bạn có thể giúp cho người ấy ra đi bình an và không sợ hãi. Vô úy là tuyệt đỉnh của giáo lý đạo Bụt.

Thiền tập giúp ta chế tác niệm và định. Những năng lượng ấy đưa đến tuệ giác không sinh, không diệt. Và từ đó ta có thể hóa giải nỗi sợ về cái chết. Khi hiểu rằng ta không thể nào bị hủy diệt, ta thoát khỏi nỗi sợ chết. Đó là một giải thoát lớn. Vô úy là niềm vui sâu lắng.

Nếu còn sợ thì ta không thể có hạnh phúc trọn vẹn. Nếu ta vẫn còn đeo đuổi theo những đối tượng của tham dục là vì ta vẫn còn lo sợ. Sợ hãi đi theo với tham dục, đam mê. Vì muốn được an toàn và hạnh phúc mà ta đam mê theo đuổi một người, một vật, hay một ý tưởng (tiền tài, danh vọng…) mà ta tin rằng sẽ bảo đảm an toàn, hạnh phúc cho ta. Nhưng chúng ta không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn ham muốn cho nên chúng ta vẫn cứ miệt mài theo đuổi và triền miên lo sợ. Nếu ta biết dừng lại việc theo đuổi những đối tượng của ham muốn thì sợ hãi sẽ tan biến và ta được bình an. Nếu thân tâm bình an, ta sẽ không còn bị lo sợ quấy nhiễu, ta tránh được nhiều tai biến, ta sẽ được tự do.

Nếu chúng ta hoàn thiện được khả năng vô úy và không tham luyến thì đó là một tài sản quý báu lớn hơn tiền tài và vật chất. Sợ hãi quấy nhiễu đời ta và khiến cho ta khốn khổ. Chúng ta bám víu vào một vật gì hay một ai như một người sắp chết đuối bám víu vào một cái phao. Bằng cách thực tập không ôm giữ và chia sẻ tuệ giác này với người khác, chúng ta hiến tặng sự không sợ hãi. Mọi vật đều vô thường. Thời gian sẽ qua đi. Đối tượng của sự tham luyến của ta rồi cũng sẽ rời ta nhưng hạnh phúc luôn luôn sẵn đó cho ta.

Độc tố

Chúng ta không muốn sợ hãi, phiền giận, đau nhức, cho nên ta tìm cách khỏa lấp cuộc sống của ta bằng những sản phẩm do văn minh hiện đại cung cấp: mạng xã hội, trò chơi điện tử, phim nhạc. Tất cả những thứ đó chứa nhiều độc tố mà kết quả chỉ làm cho ta càng thêm bệnh hoạn, sợ hãi ngày một sâu thêm.

Giả sử chúng ta ngồi xem tivi trong một giờ. Thời gian quả là không nhiều. Nhưng ta biết rằng chỉ trong một giờ đó, ta đã bị tưới tẩm với biết bao là bạo động, sợ hãi và những độc tố. Và mỗi ngày chúng ta đã tự đầu độc mình như thế. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ có được ít nhiều khuây khỏa nhưng trong khi tìm tới những hình thức giải trí như thế, chúng ta lại tiếp tục đưa vào chiều sâu tâm thức thêm nhiều đau khổ, sợ hãi. Khối khổ đau từ đó mỗi ngày mỗi chồng chất. Chúng ta đã tự đầu độc chính mình khi chúng ta tiêu thụ hằng ngày. Chương trình truyền hình và phim ảnh đã thay thế vú nuôi cho con em chúng ta. Và lẽ đương nhiên, con em chúng ta cũng sẽ bị đầu độc bởi những gì chúng nghe và thấy trên tivi. Bụt gọi những thứ đó là độc tố. Trong tâm thức chúng ta vốn đã có độc tố, vậy mà chúng ta lại tiếp tục chất chứa thêm vào biết bao độc tố khác nữa.

Môi trường chúng ta sống cũng chứa đầy độc tố. Thiền tập là ý thức những gì đang xảy ra, không những trong thân tâm ta mà cả ngoài thế giới. Chúng ta đang nuôi ta và con cháu ta bằng độc tố. Đó là sự việc đang xảy ra ngày hôm nay. Nếu nhận ra được như thế, ta tỉnh ngộ và thấy rõ rằng ta đang tự đầu độc ngày cũng như đêm. Phải tìm cách chấm dứt tiêu thụ độc tố đang nuôi dưỡng sợ hãi trong ta.

Bản tính của tương tức

Khi nhìn một tờ giấy, ta có thể tiếp xúc với những gì không-phải-giấy trong vũ trụ: mặt trời, cỏ cây, đất đá, tất cả mọi thứ… ngoại trừ duy nhất một yếu tố không có cái ngã riêng biệt (separate self). Tờ giấy không thể tự mình mà có được. Tờ giấy phải liên hệ (tương tức) với tất cả vũ trụ. Vì vậy, từ tiếp hiện (inter-be) có thể giúp chúng ta hiểu nhiều hơn là từ hiện hữu (be). Cùng có mặt (inter-be) đồng nghĩa với tương tức (inter-be). Tờ giấy không thể hiện hữu nếu không có ánh sáng mặt trời, không có rừng cây. Tờ giấy tương tức với ánh sáng mặt trời, tương tức với khu rừng.

Nếu bạn nêu lên một câu hỏi: Vũ trụ do đâu mà có? thì Bụt sẽ trả lời một cách đơn giản: Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không. Vì có ánh sáng mặt trời cho nên có tờ giấy. Bạn không thể tự mình mà có. Bạn phải tương tức với toàn vũ trụ. Đó là tính chất của tương tức. Hiện nay, từ inter-be không có trong từ điển nhưng tôi tin rằng từ ấy sẽ được cho vào từ điển vì nó giúp ta hiểu rõ bản chất của vạn sự, vạn vật, bản chất tương tức.

Nếu chúng ta bị kẹt trong ý niệm về một cái ngã riêng biệt, chúng ta có một nỗi sợ lớn. Nhưng nếu chúng ta biết nhìn sâu và có thể thấy chính mình khắp nơi, chúng ta có thể giải tỏa được nỗi sợ ấy.

Là một người xuất gia, hằng ngày tôi thực tập nhìn sâu. Tôi không chỉ giảng pháp, tôi thấy tôi trong các đệ tử của tôi. Tôi thấy tôi trong tổ tiên của tôi. Tôi thấy tôi đang được tiếp nối khắp nơi ngay trong lúc này. Mỗi giây tôi cố gắng trao truyền cho các đệ tử của tôi những tinh hoa mà tôi tiếp nhận được từ các bậc thầy và từ công phu thực tập của tôi.

Tôi không tin rằng một ngày nào đó tôi sẽ chấm dứt. Tôi từng nói rằng thế kỷ 21 là một ngọn đồi, một ngọn đồi rất đẹp, và chúng ta sẽ cùng nhau leo đồi thế kỷ như một tăng thân. Và tôi sẽ luôn luôn có mặt với tăng thân của tôi. Điều này không có gì khó khăn. Tôi thấy tất cả mọi người trong tôi và thấy tôi trong tất cả mọi người. Đây là sự thực tập nhìn sâu, thực tập thiền định về tính không và quán chiếu tương tức.

Câu chuyện của cư sĩ Cấp Cô Độc (Anathapindika)

Cấp Cô Độc (Anathapindika) sống cách đây 2.600 năm và là một trong những đệ tử sớm nhất của Đức Thế Tôn. Cấp Cô Độc là một thương gia có lòng hào hiệp, luôn luôn giúp đỡ những người nghèo khó trong vùng. Ông ta bố thí rất nhiều nhưng không vì thế mà nghèo đi. Ông ta sống rất hạnh phúc, có nhiều bạn bè và được mọi người thương mến.

Cấp Cô Độc hết lòng phụng sự Bụt. Ông đã mua một khu rừng, xây dựng một đạo tràng gọi là Jeta Grove (Vườn Cây Cấp Cô Độc) để làm nơi trú ẩn và thực tập của Bụt và tăng đoàn của Ngài. Cấp Cô Độc Viên trở thành một trung tâm tu học nổi tiếng.

Một hôm, Bụt nghe tin ông Cấp Cô Độc bị bệnh nặng. Bụt đến thăm và khuyên ông ta thực tập hơi thở chánh niệm khi đang bị bệnh. Sau đó, Bụt sai đệ tử của Ngài là Xá Lợi Phất đến săn sóc Cấp Cô Độc trong thời gian ông ta lâm bệnh.

Xá Lợi Phất và một bạn đồng tu trẻ là An Nan Đà đến thăm Cấp Cô Độc. Khi Xá Lợi Phất đến, ông Cấp Cô Độc quá yếu, không ngồi dậy được để chào Xá Lợi Phất. Thầy Xá Lợi Phất kéo ghế ngồi gần ông Cấp Cô Độc và hỏi: Bệnh tình của cư sĩ thế nào? Có tăng có giảm gì không? Những đau đớn trong cơ thể cư sĩ có từ từ bớt đi chút nào không hay là lại gia tăng? Trưởng giả Cấp Cô Độc trả lời: Thưa các đại đức, bệnh tình của con không thấy thuyên giảm. Những đau đớn trong cơ thể đã không bớt mà còn càng lúc càng tăng.

Thầy Xá Lợi Phất nghe vậy bèn quyết định hướng dẫn cho ông Cấp Cô Độc một bài thực tập. Thầy Xá Lợi Phất là một đệ tử thông minh nhất của Bụt cho nên thầy biết rằng hướng dẫn cho ông Cấp Cô Độc tưởng nhớ về Đức Thế Tôn, người mà ông Cấp Cô Độc rất ngưỡng mộ, sẽ làm cho ông rất hạnh phúc. Thầy Xá Lợi Phất muốn tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc của ông Cấp Cô Độc để từ đó giúp ông Cấp Cô Độc giảm bớt cơn đau.

Chỉ trong năm ba phút thực tập, đau nhức trong toàn thân ông đã giảm bớt rất nhiều và ông có thể mỉm cười. Tưới tẩm hạt giống hạnh phúc là một thực tập cho những ai đang bị bệnh nguy kịch hay sắp chết.

Khi ông Cấp Cô Độc nở nụ cười, thầy Xá Lợi Phất biết rằng ông Cấp Cô Độc thực tập có thành công và thầy tiếp tục bài tập thiền tập có hướng dẫn. Thầy nói tiếp: Bây giờ ông hãy thực tập quán chiếu sáu căn. Ông hãy thở theo chánh niệm và thực tập với tôi. Thầy Xá Lợi Phất hướng dẫn tiếp:

Con mắt này không phải là tôi. Tôi không bị kẹt vào con mắt này.

Cái tai này không phải là tôi. Tôi không bị kẹt vào cái tai này.

Cái mũi này không phải là tôi. Tôi không bị kẹt vào cái mũi này.

Cái lưỡi này không phải là tôi. Tôi không bị kẹt vào cái lưỡi này.

Thân thể này không phải là tôi. Tôi không bị kẹt vào thân thể này.

Ý căn này không phải là tôi. Tôi không bị kẹt vào ý căn này.

Tôi là sự sống thênh thang.

Sự tàn hoại của thân thể này không phải là sự chấm dứt của tôi.

Tôi không bị giới hạn bởi thân thể này.

Khi một người sắp chết, người ấy có thể đang bị kẹt vào ý tưởng thân thể là chính mình. Người ấy có thể kẹt vào ý tưởng rằng khi thân xác tan rã thì mình cũng tan rã. Chúng ta rất sợ đang có mà trở thành không. Tuy nhiên, sự tan rã của thể xác không làm cho bản chất của người ấy tan rã. Vì thế cho nên phải biết nhìn sâu để thấy rằng thân xác này không chỉ là ta. Sự sống của mỗi chúng ta không có giới hạn.

Tiếp theo Cấp Cô Độc cũng quán chiếu về sáu đối tượng giác quan. Vào lúc hấp hối, chúng ta có thể còn quyến luyến đối tượng của sáu căn là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (sáu trần). Ta cho rằng sáu trần thuộc về ngã. Khi chết, sáu trần không còn nữa thì ngã cũng không còn nữa. Những thực tập sau đây sẽ an ủi rất nhiều cho những ai đang bị bệnh hay đang hấp hối.

Những hình sắc này không phải là tôi. Tôi không bị kẹt vào những hình sắc này.

Những âm thanh này không phải là tôi. Tôi không bị kẹt vào những âm thanh này.

Những mùi hương này không phải là tôi. Tôi không bị kẹt vào những mùi hương này.

Những vị nếm này không phải là tôi. Tôi không bị kẹt vào những vị nếm này.

Những xúc chạm này không phải là tôi. Tôi không bị kẹt vào những xúc chạm này.

Những ý tưởng này không phải là tôi. Tôi không bị kẹt vào những ý tưởng này.

Cấp Cô Độc quen thân các thầy Xá Lợi Phất và A Nan Đà. Có hai thầy đệ tử lớn của Bụt ngồi cạnh yểm trợ, ông Cấp Cô Độc đã thiền tập rất thành công mặc dầu đang bệnh nặng. Tiếp theo, thầy Xá Lợi Phất hướng dẫn ông Cấp Cô Độc thực tập về thời gian.

Quá khứ không phải là tôi. Tôi không bị giới hạn bởi thời gian.

Hiện tại không phải là tôi. Tôi không bị giới hạn bởi hiện tại.

Tương lai không phải là tôi. Tôi không bị giới hạn bởi tương lai.

Sau cùng, thầy Xá Lợi Phất hướng dẫn ông Cấp Cô Độc thực tập về có – không, đến – đi. Đây là những thực tập rất sâu sắc. Thầy Xá Lợi Phất nói: Này cư sĩ! Các pháp đều do nhân duyên sinh khởi và do nhân duyên mà hoại diệt; thật ra tự tính của các pháp là không sinh cũng không diệt, không tới cũng không đi.

Nhân duyên đầy đủ thì thân thể biểu hiện. Nó không từ đâu tới hết. Khi nhân duyên không đầy đủ thì ta không cảm nhận được thân thể và ta cho rằng thân thể ta không có. Sự thật là bản chất của vạn sự, vạn vật là không sinh, không diệt._

Ông Cấp Cô Độc là một hành giả có đủ khả năng. Khi thực tập đến đây, Cấp Cô Độc rất cảm động và cảm thấy trong người nhẹ nhàng, thanh thoát. Ông ta đã tiếp xúc được với tự tính không sinh, không diệt, đã cởi bỏ được ý niệm sống, chết, ý niệm ông chính là hình hài của ông. Ông cũng cởi bỏ được ý niệm về có – không, và nhờ đó ông chứng ngộ được sự không sợ hãi.

Tất cả những gì biểu hiện là sự có mặt của nhiều nguyên nhân. Khi đầy đủ nhân duyên thì thân thể có mặt. Khi nhân duyên không đầy đủ thì thân thể không có mặt. Điều này cũng đúng với mắt, tai, mũi, lưỡi, ý thức… Ta có thể coi đây là một ý niệm trừu tượng nhưng tất cả chúng ta cũng có khả năng hiểu sâu điều ấy. Phải hiểu rõ bản chất của cái chết mới hiểu được bản chất của sự sống. Nếu không hiểu rõ sự chết thì không hiểu được sự sống.

Giáo lý của Đức Thế Tôn giúp ta giải tỏa những khổ đau. Cội rễ của khổ đau là vì vô minh (ngu tối) không biết rõ bản chất của cái ngã và thế giới quanh ta. Vì không biết nên chúng ta sợ. Sợ đưa đến khổ. Vì vậy, không sợ hãi (vô úy) là món quà quý nhất mà bạn có thể tặng cho chính bạn và cho mọi người.

Thực tập vô úy là một thực tập quan trọng đòi hỏi sự quán chiếu sâu sắc để cởi bỏ nỗi sợ sâu xa trong ta. Nếu bạn không còn sợ hãi thì bạn sẽ được hạnh phúc hơn, sống đời vui tươi hơn và có thể giúp được nhiều người giống như thầy Xá Lợi Phất giúp ông Cấp Cô Độc. Năng lượng của sự không sợ hãi là chìa khóa, là nền tảng tốt nhất cho mọi hoạt động xã hội, hoạt động vì yêu thương để bảo vệ nhân loại, bảo hộ Trái Đất, và thỏa mãn nhu cầu thương yêu và phụng sự.

Sống hạnh phúc và chết bình an là điều ta có thể hoàn toàn làm được. Muốn thế chúng ta phải thấy được rằng chúng ta sẽ tiếp tục biểu hiện dưới nhiều hình thái khác nhau. Nếu chúng ta có đủ vững chãi và không sợ hãi thì chúng ta có thể giúp cho những người khác. Rất nhiều người trong chúng ta sợ hãi về sự đoạn diệt. Vì sợ mà khổ. Vì vậy, những người hấp hối cần được hướng dẫn để thấy được rằng chúng ta chỉ là một biểu hiện trong hiện tại và sẽ được tiếp nối dưới rất nhiều những biểu hiện khác nữa trong tương lai.

Nếu biết cách thực tập và thấu hiểu sự thật của không sinh không diệt, rằng đến đi chỉ là những ý niệm và nếu chúng ta bình an, vững chãi, ta có thể giúp những người hấp hối vượt qua nỗi sợ hãi và khổ đau. Chúng ta có thể giúp những vị ấy ra đi bình an. Bản thân chúng ta sống không còn sợ hãi và chết được bình an khi chúng ta hiểu rằng không có chết đi mà chỉ có sự ẩn tàng và biểu hiện. Trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, ông Cấp Cô Độc đã nhận được một món quà quý báu là sự vô úy và ông ta đã từ giã cõi trần một cách đẹp đẽ, bình an, không còn đau nhức.

Đọc Sợ hãi, chương 01 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 02 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 03 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 04 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 05 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 06 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 07 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 08 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 09 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 10 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 11 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 12 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 13 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 14 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 15 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 16 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 17 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 18 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 19 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 20 tại đây.

Đọc Sợ hãi, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Thiền nam chỉ tập | Chương 04

Thiền nam chỉ tập | Chương 04

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Sợ hãi | Chương 20

Sợ hãi | Chương 20

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Sự thiêng liêng của thực tại

Sự thiêng liêng của thực tại

Sự chiêm nghiệm về chính bản thân chúng ta và bản chất con người kỳ diệu của sự tồn tại của nó như là một sản phẩm của quá trình…

Gián điệp mạng | Chương 40

Gián điệp mạng | Chương 40

Gián điệp mạng kể về nhà khoa học chuyển nghề thành chuyên gia mạng truy tìm hacker tại Phòng Thí nghiệm Lawrence Berkeley California Mỹ.

Chia sẻ điều cần nói

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.

nhavantuonglai · Ghiblis Music Piano Playlist