Sợ hãi | Chương 05
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.
· 15 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Năm phép quán tưởng
Ngoài thói quen nghiền ngẫm quá khứ, chúng ta thường hay lo lắng về tương lai. Sợ chết là một nỗi sợ lớn nhất. Khi ta nhìn thẳng vào nỗi sợ chết mà không tìm cách che lấp là ta đã bắt đầu chuyển hóa nỗi sợ ấy. Một trong những phương pháp có hiệu lực nhất là thực tập Năm Phép Quán Tưởng:
Tôi thế nào cũng phải già. Tôi không thể nào tránh khỏi cái già.
Tôi thế nào cũng phải bệnh. Tôi không thể nào tránh khỏi cái bệnh.
Tôi thế nào cũng phải chết. Tôi không thể nào tránh khỏi cái chết.
Tất cả những người tôi thương yêu và tất cả những gì tôi trân quý hôm nay một mai tôi phải xa lìa và buông bỏ. Tôi không thể nào tránh thoát được sự xa lìa và buông bỏ ấy.
Tôi là kẻ thừa tự những nghiệp quả do thân, miệng, ý của tôi tạo nên. Những nghiệp quả ấy là cái duy nhất tôi có thể mang theo với tôi sau này.
Hãy quán chiếu sâu sắc và chú tâm vào mỗi lời quán tưởng, đồng thời theo dõi hơi thở. Hãy đối diện nỗi sợ một cách dũng mãnh.
Tôi thế nào cũng phải già. Tôi không thể nào tránh khỏi cái già
Đây là quán tưởng thứ nhất. Chúng ta ai cũng sợ già. Chúng ta không muốn nghĩ tới cảnh già. Chúng ta đè nén nỗi sợ, đưa nó vào quên lãng. Lời quán tưởng này có trong phẩm 70-71 của kinh Tăng Chi Bộ. Chắc chắn tôi sẽ phải già. Đây là một sự thật phổ quát mà không ai có thể tránh được. Phần đông chúng ta không chấp nhận điều đó và không ít thì nhiều muốn chối bỏ. Nhưng từ sâu thẳm của tâm thức, ta biết đó là sự thật. Mỗi khi đè nén nỗi sợ đó, chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng nó trong tiềm thức sâu kín. Rồi chúng ta đi tìm quên lãng (bằng ăn uống, rượu chè, hát xướng) để cho nỗi sợ không phát hiện lên bề mặt của tâm thức. Tránh né nỗi sợ cuối cùng chỉ gây đau khổ cho ta và cho người khác, đồng thời làm cho nỗi khổ càng ngày càng lớn mạnh.
Chúng ta phải chấp nhận nỗi sợ này như là một sự thật chứ không phải chỉ là một lẽ đương nhiên. Đọc lên lời quán tưởng này không phải chỉ đọc suông một lời tuyên bố mà là một cơ hội để chứng nghiệm trực tiếp. Hãy dành một vài phút để cho lời quán tưởng thấm vào xương, vào thịt. Không nên chỉ chấp nhận như là một kiến thức (Biết rồi! Hôm nay tôi còn trẻ, mai kia tôi sẽ già). Đó chỉ là một khái niệm trừu tượng không giúp ích được gì, nhất là trong khi bạn đang cố tâm đè nén nỗi sợ đó ngay sau khi đọc xong lời quán tưởng.
Đức Thế Tôn dạy rằng khi chúng ta đưa nỗi sợ lên vùng ý thức và quán chiếu một sự thật là ta không thoát được cảnh già, cảnh chết thì nỗi sợ hãi sẽ dần tan biến. Chúng ta không nên hành động một cách vô thức vì sợ hãi và kéo dài vòng luẩn quẩn khiến sợ hãi càng thêm trầm trọng.
Tôi thế nào cũng bị bệnh. Tôi không thể nào thoát khỏi cái bệnh
Lời quán tưởng thứ hai công nhận sự thật phổ quát về bệnh: Thở vào, tôi biết là thế nào tôi cũng bị bệnh. Thở ra, tôi biết là tôi không thể thoát khỏi bệnh. Thái tử Tất Đạt Đa – tên của Bụt khi chưa thành đạo – có sức lực cường tráng nhất trong thành Ca-tỳ-la-vệ. Ngài luôn đoạt giải trong các kỳ thi đấu võ và tất cả mọi người trong triều, kể cả người em họ là Đề Bà Đạt Đa, đều khâm phục và ghen tức. Lẽ tất nhiên thái tử Tất Đạt Đa cũng hãnh diện về thành tích của mình. Nhưng nhờ thiền tập và nhìn sâu, Ngài đã ý thức về tính kiêu hãnh đó và Ngài đã tỉnh ngộ.
Khi không tật bệnh, ta thường nghĩ rằng bệnh tật là chuyện của người khác. Chúng ta có thái độ coi thường những người oèo oặt, yếu đuối, tự cho mình là không như họ.
Nhưng một ngày kia thế nào ta cũng bị bệnh. Nếu chúng ta không thường xuyên quán chiếu sự thật ấy ngay lúc chưa bệnh thì đến khi lâm bệnh, ta khó mà chịu đựng, đối phó. Chân vẫn mạnh, tay vẫn khỏe, nhưng phần đông chúng ta không lợi dụng lúc đang còn mạnh khỏe để săn sóc sức khỏe của mình và những người khác. Chúng ta không để hết sức lực để thực tập, cải thiện sức khỏe và giúp người khác cải thiện sức khỏe.
Một ngày nào đó, ta sẽ ngã bệnh, nằm liệt giường, không thể bước được một bước. Vì thế ta phải thấy rõ, ngay trong hiện tại, đã mang thân xác này thì không thể nào không bị bệnh. Thấy được như thế, ta không còn tự hào về sức khỏe của mình nữa. Ta sẽ lợi dụng lúc ta còn có thì giờ và năng lực để chăm sóc cơ thể và không bị chôn vùi trong những thú vui vô bổ có thể tàn hoại cơ thể chúng ta.
Tôi thế nào cũng chết. Tôi không thể nào thoát khỏi cái chết
Đây là lời quán tưởng thứ ba: Thở vào, tôi biết thế nào tôi cũng chết. Thở ra, tôi biết là tôi không thể thoát khỏi cái chết. Đó là một sự thật mà chúng ta không muốn đối diện. Ta muốn sự thật ấy khuất mắt vì ta sợ. Ta không thể chịu được khi phải nhìn sâu vào cái chết. Nhưng chết là một sự thật. Tiềm thức ta chối bỏ sự thật đó vì mỗi khi nhớ đến, nếu không đủ năng lượng của chánh niệm thì ta sẽ khổ. Bản năng đối kháng khiến ta cố quên đi sự thật ấy. Nhưng trong sâu thẳm của tâm thức, nỗi sợ về cái chết vẫn còn đó, dằn vặt ta.
Nếu tỉnh ngộ được sự thật là một ngày nào đó ta sẽ chết, có lẽ sớm hơn ta tưởng, thì ta sẽ không dại dột hành động điên rồ, mơ tưởng hão huyền là ta sẽ sống mãi với đời. Quán chiếu về cái chết sẽ giúp ta dốc lòng tu tập để chuyển hóa và chữa trị thân tâm cho ta và cho những người khác.
Tất cả những gì ta trân quý hôm nay, tất cả những người ta thương thế nào cũng theo luật vô thường. Ta không tránh khỏi một ngày phải buông bỏ tất cả
Đây là lời quán tưởng thứ tư: Thở vào, tôi biết là sẽ có ngày tôi phải buông bỏ tất cả những gì mà tôi trân quý, yêu thương. Thở ra, không thể nào tôi có thể mang những thứ ấy theo tôi mãi mãi. Tất cả những gì mà tôi trân quý, tài khoản ngân hàng, nhà cửa, vợ chồng, người thương, con cái, tôi đều phải từ bỏ. Khi chết, tôi không mang theo được gì hết. Đây là một sự thật khoa học. Ấy vậy mà ngày này qua ngày khác, ta tìm mọi cách để tích lũy tiền tài, danh vọng, kiến thức và bao thứ khác. Cả đến khi bảy mươi, tám mươi tuổi, ta vẫn tiếp tục tích lũy. Chúng ta biết rất rõ là có ngày ta phải buông bỏ tất cả. Vì vậy, một thực tập của các vị xuất gia là không cất giữ bất cứ thứ gì. Đức Bụt khuyên các đệ tử của Ngài chỉ nên có ba chiếc áo, một chiếc bình bát, một cái dụng cụ lọc nước và một tấm vải tọa cụ và phải sẵn sàng buông bỏ cả những thứ đó. Bụt thường khuyên các đệ tử không nên quyến luyến, ham thích một gốc cây mà mình đã ngồi thiền hay nghỉ qua đêm. Các vị ngồi thiền tập và ngủ dưới bất cứ một thân cây nào. Hạnh phúc không tùy thuộc nơi chỗ ngồi.
Nếu chúng ta thực tập và có thể buông bỏ thì chúng ta sẽ có tự do và hạnh phúc ngay ngày hôm nay. Nếu không buông bỏ được thì không chỉ ta sẽ phải đau khổ vào thời khắc ta buộc phải xa lìa tất cả mà ta sẽ đau khổ ngay ngày hôm nay vì ám ảnh của nỗi sợ bị mất đi mãi mãi. Có nhiều người tuy già mà vẫn tham lam, keo kiệt – như nhân vật Scrooge trong cuốn phim phỏng theo truyện của Charles Dicken – không bao giờ muốn chia sẻ với ai một thứ gì. Thật đáng hổ thẹn. Chẳng phải là vì họ không biết rằng họ phải buông bỏ tất cả trong một ngày rất gần đây thôi – có thể là vài tháng – mà chỉ vì họ có tập khí là dành cả cuộc đời đeo đuổi hạnh phúc bằng cách ôm giữ.
Có một câu chuyện cổ tích Việt Nam về một ông nhà giàu tên là Thạch Sùng. Ông ta góp nhặt mọi thứ vào kho của mình. Ông tự hào là ông có tất cả những gì mà nhà vua có trong kho. Nhà vua khi biết chuyện đã hỏi Thạch Sùng là ông ta có thật là giàu hơn nhà vua hay không. Thạch Sùng trả lời là ông tin chắc là ông có bất cứ thứ gì mà nhà vua có trong kho; nếu không, ông ta sẽ giao hết tài sản của ông cho nhà vua. Dưới sự quan sát của các vị đại thần trong triều, vua cho kiểm tra kho của Thạch Sùng. Quả nhiên những gì nhà vua có Thạch Sùng cũng có. Tuy nhiên, sau cùng, người ta tìm được trong kho nhà vua một cái nồi bể. Cái nồi này không thể dùng để nấu canh nhưng còn có thể dùng để kho cá. Thạch Sùng thua cuộc và phải giao hết tài sản cho nhà vua. Thạch Sùng chết vì tiếc của và khi chết tái sinh thành con thạch sùng luôn luôn chắt lưỡi tiếc thầm. (Ngạn ngữ Việt Nam: Thạch sùng chắt lưỡi)
Chúng ta không muốn như Thạch Sùng chỉ tìm hạnh phúc trong việc tích lũy vật chất.
Đức Thế Tôn một lần khuyên các đệ tử nhìn lên mặt trăng để cảm nhận sự tự do của mặt trăng trên bầu trời thênh thang. Là hành giả, chúng ta phải được tự do như mặt trăng. Nếu chỉ lo tích lũy tiền của, danh vọng, quyền lực, tình ái, chúng ta sẽ mất hết tự do.
Tôi là kẻ thừa tự những nghiệp quả do thân, miệng, ý của tôi tạo nên. Những nghiệp quả ấy là những cái duy nhất tôi mang theo sau này
Lời quán tưởng thứ năm nhắc ta rằng khi chết chỉ có ý nghĩ, lời nói và hành động là vẫn tiếp tục – đó gọi là nghiệp. Thở vào, tôi biết rằng tôi không thể đem theo gì với tôi ngoại trừ ý nghĩ, lời nói, hành động của tôi. Thở ra, chỉ có nghiệp quả là theo tôi. Tất cả những thứ khác tôi đều phải để lại đằng sau.
Nghiệp quả không phải là gia tài tôi thừa hưởng từ cha mẹ mà là kết quả của các hành động của tôi. Những ý nghĩ, lời nói, hành động đó gọi là nghiệp. Nghiệp theo tiếng Sanskrit có nghĩa là hành động. Kết quả của những ý nghĩ, lời nói, hành động của ta sẽ theo ta. Ta không thể mang theo tài sản và người thương, chỉ có nghiệp – kết quả của hành động – là luôn luôn theo ta. Ta không thể nào thoát khỏi nghiệp – Nghiệp mãi mãi theo đuổi ta. Nghiệp là nền tảng mà ta nương tựa. Chúng ta chỉ có một nền tảng để nương tựa. Đó là nghiệp. Chúng ta sẽ chịu lãnh hoa trái của tất cả hành động, thiện hay bất thiện, của ta.
Sử dụng chánh niệm để giải tỏa hạt giống sợ hãi
Thực tập Năm Phép Quán Tưởng giúp chúng ta chấp nhận những nỗi sợ thâm sâu, chấp nhận già, bệnh, chết là những sự thật ta không thể nào thoát khỏi. Khi đã chấp nhận các sự thật ấy thì ta có thể tìm được bình an và có khả năng sống một cuộc sống có ý thức, lành mạnh, thương yêu và không bao giờ gây khổ đau cho mình và cho người khác.
Hãy đem nỗi sợ lên tầng ý thức và mỉm cười với nỗi sợ. Mỗi khi bạn mỉm cười với nỗi sợ thì nỗi sợ sẽ yếu đi một chút. Nếu bạn chạy trốn nỗi sợ thì không có cách nào khác để cứu vãn. Chỉ có cách nhìn sâu vào gốc rễ của sợ hãi thì mới tìm ra giải pháp.
Năm Phép Quán Tưởng đưa chánh niệm tiếp xúc với hạt giống lo sợ. Hạt giống lo sợ có đó trong ta. Nếu ta không thực tập ôm ấp hạt giống lo sợ bằng chánh niệm thì mỗi khi đối diện với sự thật, chúng ta sẽ đau khổ nhiều. Cũng giống như con đà điểu chôn đầu trong cát mỗi khi gặp sư tử, chúng ta tìm giải trí bằng tivi, máy vi tính, trò chơi điện tử, rượu và ma túy để quên đi sự hiện hữu của tuổi già, bệnh, chết và sự vô thường của những gì ta đang trân quý.
Nếu ta cứ mặc cho sợ hãi trấn áp thì chúng ta sẽ tiếp tục đau khổ và hạt giống sợ hãi trong ta càng ngày càng lớn mạnh. Nhưng nếu ta có ý thức, ta sẽ dùng năng lượng chánh niệm để ôm ấp nỗi sợ. Mỗi khi nỗi sợ được ôm ấp thì năng lượng của nỗi sợ sẽ yếu đi trước khi lắng xuống tiềm thức dưới dạng hạt giống.
Tâm thức có thể ví như một vòng tròn mà nửa phần dưới là tàng thức và nửa phần trên là ý thức. Sợ già, sợ bệnh, sợ chết, sợ phải buông bỏ, sợ nghiệp báo, tất cả đều được chứa trong tàng thức. Vì không muốn đối diện nỗi sợ cho nên chúng ta muốn khỏa lấp và đưa chúng xuống dưới tàng thức (kho chứa). Chúng ta không muốn ai nhắc ta về những nỗi sợ ấy, chúng ta không muốn đưa chúng lên phần ý thức (phòng khách).
Chánh niệm thì ngược lại. Chánh niệm là việc chúng ta đưa nỗi sợ lên phần ý thức mỗi ngày và nói thầm: Này nỗi sợ của tôi, tôi không sợ gì hết. Tôi không sợ phải đối diện bạn. Tôi biết thế nào tôi cũng già. Tôi không thể thoát khỏi cảnh già. Ta ôm ấp nỗi sợ bằng chánh niệm. Như thế ta có hai nguồn năng lượng, năng lượng của nỗi sợ và năng lượng của chánh niệm. Năng lượng của nỗi sợ khi được năng lượng chánh niệm ôm ấp sẽ yếu dần.
Nỗi sợ không biến mất hoàn toàn. Cho nên khi ta có một phút yên tĩnh, một phút thiền định thì hãy đưa nỗi sợ lên phần ý thức: Này nỗi sợ của ta. Hãy lên đây cùng ta. Ta thế nào cũng chết. Ta không thể nào thoát được cái chết. Bạn ôm ấp nỗi sợ như thế trong năm, mười, hai mươi hay ba mươi phút bằng năng lượng chánh niệm. Cứ như thế mỗi ngày, nỗi sợ của bạn sẽ yếu dần.
Đọc Sợ hãi, chương 01 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 02 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 03 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 04 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 05 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 06 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 07 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 08 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 09 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 10 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 11 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 12 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 13 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 14 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 15 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 16 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 17 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 18 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 19 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 20 tại đây.
Đọc Sợ hãi, toàn tập tại đây.