Sợ hãi | Chương 13
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.
· 9 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Chúng ta sợ nhiều thứ – sợ chết, sợ mất đi người thân yêu, sợ thay đổi, sợ cô đơn. Thực tập chánh niệm giúp ta bình an, không lo sợ, trọn vẹn hạnh phúc và giải thoát ngay bây giờ và ở đây.
Buồn bã, sợ hãi và phiền muộn giống như những cọng rác. Những thứ rác này là một phần của cuộc sống thực tại và ta phải nhìn sâu vào bản chất của chúng. Ta thực tập để biến chế rác. Không nên vứt đi bất cứ gì. Điều phải làm là học nghệ thuật biến rác thành hoa. Theo giáo lý của đạo Bụt, tất cả những tạo tác của tâm trí – từ bi, tình yêu, sợ hãi, buồn bã, và tuyệt vọng – về bản chất đều có tính hữu cơ, nghĩa là có thể chuyển hóa. Chúng ta không phải sợ vì chúng luôn luôn có thể chuyển hóa. Chỉ cần nở nụ cười và thở hơi thở chánh niệm là ta có thể bắt đầu chuyển hóa nỗi sợ.
Khi cảm thấy sợ hãi, bực bội, hay phiền muộn, ta ghi nhận là chúng có mặt và thực tập những linh chú dưới đây. Linh chú là một câu nói có năng lực siêu nhiên, khi được nói lên có thể thay đổi toàn bộ tình hình. Nó có thể thay đổi chúng ta và thay đổi người khác. Nhưng câu nói có năng lực siêu nhiên này phải được nói ra khi tâm trí tập trung, khi thân và tâm hợp nhất. Khi thân tâm hợp nhất thì điều gì nói ra đều trở thành linh chú.
Tôi xin chia sẻ bốn linh chú này để giúp bạn thực tập quay về, thực tập thực sự có mặt cho bản thân và những người thân yêu, giải phóng nỗi sợ, trau dồi tình yêu đích thực, và phục hồi truyền thông. Những linh chú này rất hiệu quả trong việc tưới tẩm hạt giống bên trong ta và bên trong những người thương, cũng như chuyển hóa sợ hãi, đau khổ và cô đơn.
Linh chú hiến tặng sự có mặt
Món quà quý giá nhất mà bạn có thể trao cho người thương là sự có mặt đích thực. Vì vậy, linh chú đầu tiên rất đơn giản: Em ơi, tôi đang có mặt đây cho em.
Trong cuộc sống hằng ngày, phần lớn chúng ta có rất ít thời gian để xây đắp yêu thương. Chúng ta quá bận rộn. Khi ăn sáng, ta không dành được một vài phút để nhìn người thân. Chúng ta ăn nhanh trong khi suy nghĩ về những việc khác, có lúc còn cầm một tờ báo chắn mất khuôn mặt của mọi người. Đến tối về nhà, chúng ta quá mệt mỏi và không thể nhìn người thân.
Khi yêu ai thì điều tuyệt vời nhất là hiến tặng sự có mặt của mình. Làm sao ta có thể yêu thương nếu ta không có mặt ở đó? Hãy trở lại tự thân, nhìn vào mắt người thương trước mặt và nói: Em ơi, em biết gì không? Anh đang có mặt đây cho em. Ta hiến tặng cho người ta thương sự có mặt của ta. Không nên bận tâm với quá khứ hay tương lai, hãy có mặt cho người ta thương. Phải nói linh chú này bằng cả tâm và thân, khi đó ta sẽ thấy sự chuyển hóa.
Linh chú công nhận người thương
Linh chú thứ hai là Em ơi, tôi biết là em ở đó và tôi rất hạnh phúc.
Có mặt là bước đầu tiên và công nhận sự có mặt của đối phương là bước thứ hai. Do có mặt trọn vẹn nên ta nhận ra rằng sự có mặt của người thương là vô cùng quý giá. Hãy ôm ấp người thương bằng chánh niệm và người đó sẽ bung nở như một bông hoa. Được thương nghĩa là phải được công nhận sự có mặt.
Hai linh chú đầu tiên có thể mang lại hạnh phúc ngay lập tức, dù cho người bạn thương không ở đó. Bạn có thể gọi điện thoại hay gửi thư điện tử để nói với họ: Em ơi, tôi biết là em ở đó và tôi rất hạnh phúc. Đây là thiền tập đích thực. Trong phép thiền này có thương yêu, từ bi, niềm vui, và tự do – bốn yếu tố của tình yêu đích thực theo lời dạy của Đức Thế Tôn.
Linh chú làm vơi bớt khổ đau
Thực tập linh chú thứ ba khi người bạn thương đau khổ: Em ơi, tôi biết em đang đau khổ, vì vậy mà tôi có mặt ở đây cho em.
Cho dù chưa giúp được gì nhưng sự có mặt chân tình cũng đã làm vơi bớt khổ đau rồi. Vì khi đau khổ, ai cũng rất cần sự có mặt của người thương bên mình. Nếu đau khổ mà người ta thương lờ đi thì không gì đau khổ hơn. Nên điều ta có thể làm là – ngay lập tức – biểu lộ sự có mặt đích thực của mình và nói lên câu linh chú trong chánh niệm: Em ơi, tôi biết em đang đau khổ, vì vậy mà tôi có mặt đây cho em. Chỉ vậy thôi là người ta thương đã bớt khổ đi rồi.
Có mặt là một phép mầu, hiểu nỗi khổ, niềm đau của người ta thương là một phép mầu và ta có thể hiến tặng phép mầu này bất cứ lúc nào. Hãy cố gắng có mặt, vì chính bạn, vì sự sống, vì người bạn thương. Hãy công nhận sự có mặt của những người sống cùng bạn và cố gắng có mặt khi họ đau khổ, bởi sự có mặt của bạn vô cùng quý giá đối với họ.
Linh chú khi cần được giúp đỡ
Linh chú thứ tư khó hơn một chút: Em ơi, anh đang khổ, xin hãy giúp anh.
Linh chú này được sử dụng khi ta đau khổ và tin rằng người ta thương đã làm ta khổ. Nếu là do một người khác thì ta đã không đau khổ như thế. Nhưng đây là người mà ta thương nhất, nên ta vô cùng đau khổ và ta quyết không muốn tìm đến người đó để xin giúp đỡ. Ta vào phòng, khóa cửa lại và khóc một mình. Vì tự ái ta không muốn hòa giải và hàn gắn. Nhưng theo giáo lý đạo Bụt, tình yêu đích thực không có lòng tự ái.
Khi người ta thương làm ta đau khổ, ta phải đến gặp và nhờ người đó giúp đỡ. Đây là tình yêu đích thực. Đừng để lòng tự ái tạo chia rẽ. Phải vượt qua tự ái. Phải gặp người đó. Đây là mục đích của linh chú thứ tư. Hãy thực tập với chính mình trước, để cho thân tâm hợp nhất rồi mới đến gặp người đã làm ta khổ và nói: Em ơi, anh đang khổ, xin hãy giúp anh. Việc này vừa rất dễ lại vừa rất khó.
Bắt đầu từ bản thân
Bốn linh chú trên có tác dụng loại bỏ sợ hãi, nghi ngờ và xa cách. Chúng không phức tạp hay khó hiểu. Và chúng ta không phải nói bằng tiếng Sanskrit hay tiếng Trung – nói tiếng Việt là được. Nên học thuộc lòng và phải có can đảm, trí tuệ, cùng niềm vui để thực tập. Thực tập chánh niệm, hay thiền định, tức là quay trở về với bản thân để khôi phục bình an và hòa hợp. Năng lượng chánh niệm giúp ta thực tập bốn linh chú trên, đồng thời cũng giúp cho niệm, định và tuệ. Nếu quay trở về với bản thân để khôi phục bình an và hòa hợp thì việc giúp người kia cũng như khôi phục truyền thông sẽ dễ hơn nhiều. Chăm sóc tự thân, thiết lập tâm bình an là điều kiện cơ bản để giúp người khác không tạo khổ đau cho chính mình và cho người khác. Một khi bạn biết cách gỡ bom bên trong bạn thì bạn sẽ biết cách giúp bạn của mình gỡ bom bên trong họ. Ít nhất bạn cần có một chút bình tĩnh, an vui, và từ bi. Được như thế là nhờ thực tập chánh niệm hằng ngày, không chỉ thực tập trong thiền đường mà còn thực tập trong bếp, trong vườn, khi nói điện thoại, lái xe hay rửa bát. Mỗi ngày, trong tất cả các hoạt động thường ngày hãy thực tập có mặt với những mầu nhiệm của đất trời.
Đọc Sợ hãi, chương 01 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 02 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 03 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 04 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 05 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 06 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 07 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 08 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 09 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 10 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 11 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 12 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 13 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 14 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 15 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 16 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 17 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 18 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 19 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 20 tại đây.
Đọc Sợ hãi, toàn tập tại đây.