Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi | Chương 06

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

 · 25 phút đọc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Nỗi sợ lớn nhất là sợ khi chết thì ta sẽ không còn là gì hết. Nhiều người tin rằng cuộc sống chỉ được giới hạn trong một khoảng thời gian mà ta gọi là mạng sống. Mạng sống bắt đầu khi ta sinh ra – lúc mà ta từ không là gì trở thành một cái gì – và chấm dứt khi ta chết, trở thành không là gì như trước. Cho nên, chúng ta sợ, sợ bị hủy diệt.

Nhưng nếu quán chiếu cho sâu thì ta sẽ có một nhận thức rất khác về sự sống. Ta có thể nhận ra rằng sinh ra và chết đi chỉ là những ý niệm. Bụt dạy: Không sinh cũng không diệt. Khái niệm sinh ra và chết đi chỉ là một vọng tưởng gây nên khổ đau rất lớn. Khi hiểu rằng ta không thể bị hoại diệt thì ta sẽ thoát khỏi nỗi sợ, ta sẽ cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm và có thể sống đời yên vui.

Ngày mẹ tôi mất, tôi đã vô cùng đau khổ, tôi ghi vào nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xảy ra cho tôi rồi. Tôi thương nhớ mẹ tôi suốt một năm trời. Rồi một đêm, tôi nằm mơ thấy mẹ. Hồi đó, tôi sống trên miền cao nguyên và ngủ trong một cái thất trên lưng đồi chè đằng sau chùa. Tôi nằm mơ thấy tôi ngồi nói chuyện với mẹ tôi. Mẹ tôi trông rất trẻ đẹp, mái tóc xõa ngang vai. Tôi cảm thấy rất vui và nói chuyện với mẹ tôi như thể bà chưa hề mất đi.

Khi tỉnh dậy, tôi có cảm giác rất rõ như mình chưa bao giờ mất mẹ. Cảm giác mẹ tôi vẫn còn đó với tôi rất rõ rệt. Khi đó, tôi đã hiểu rằng mất mẹ chỉ là một ý niệm. Rõ ràng là khi ấy mẹ tôi vẫn còn sống trong tôi và mãi mãi sẽ còn sống trong tôi.

Tôi mở cửa bước ra ngoài. Ngọn đồi sáng đầy ánh trăng. Tôi đi dưới ánh trăng đêm giữa những hàng cây trà. Tôi cảm nhận rằng lúc đó mẹ tôi vẫn gần bên tôi. Mẹ tôi là ánh trăng ôm ấp tôi như bao lần với yêu thương, dịu hiền. Mỗi bước tôi đi, tôi thấy rõ là mẹ tôi còn đó với tôi. Tôi thấy rằng thân xác tôi không chỉ là của tôi mà là một dòng tiếp nối sống động của cha mẹ, ông bà và tổ tiên nhiều đời của tôi. Bước chân này không phải là bước chân của riêng tôi mà là bước chân của bao nhiêu người. Tôi và mẹ tôi đang cùng đặt chân lên đồi trà đêm khuya.

Kể từ đó, ý nghĩ rằng tôi đã mất mẹ biến mất trong tôi. Tôi chỉ nhìn hai bàn tay tôi, nhìn bước chân tôi, nghe làn gió nhẹ trên mặt là tôi nhớ lại rằng mẹ tôi vẫn còn đó với tôi.

Khi mất đi một người thương, bạn sẽ đau khổ. Nhưng nếu biết quán chiếu, nhìn sâu thì bạn sẽ thấy rõ rằng bản chất của người thương của bạn là không sinh, không diệt. Sinh là biểu hiện, chết là chấm dứt một sự biểu hiện để rồi khởi đầu cho một biểu hiện khác. Phải tỉnh thức lắm mới nhận ra biểu hiện của một ai đó. Nhưng với nỗ lực và sự thực tập, bạn có thể nhận ra. Hãy nhìn ra vũ trụ xung quanh, nhìn lá cây, ngọn cỏ, nụ hoa, nhìn cánh chim bay và hạt mưa rơi. Nếu dừng lại và nhìn sâu, bạn sẽ thấy người thương của bạn hôm nay và ngày mai dưới rất nhiều hình thức. Bạn sẽ thoát khỏi buồn đau và trở lại đời sống an vui.

Trong hiện tại không có sợ hãi

Khi không có mặt với hiện tại, bạn không thực sự sống. Bạn không có mặt lúc đó, cho bạn và cho người thương. Nếu ta không có mặt tại đó thì ta ở đâu? Chúng ta chạy lòng vòng không dứt, ngay cả khi ta ngủ. Chúng ta chạy quanh vì chúng ta muốn thoát khỏi sợ hãi.

Hao phí thì giờ và năng lực vì thắc mắc quá khứ và lo lắng tương lai thì không thể vui sống. Luôn luôn lo sợ thì sẽ quên đi một sự thật mầu nhiệm là ta còn đang sống và có thể sống hạnh phúc ngay trong hiện tại. Trong cuộc sống bình thường, chúng ta có xu hướng tin rằng hạnh phúc chỉ có thể có trong tương lai và luôn luôn tìm cho ra những điều kiện khả dĩ làm cho ta hạnh phúc. Chúng ta không quan tâm đến những gì đang xảy ra trước mắt. Chúng ta cố tìm cho ra những điều kiện giúp ta vững chãi hơn, an toàn hơn. Nhưng rồi chúng ta luôn luôn lo sợ những việc có thể xảy ra trong tương lai. Chúng ta sợ bị mất việc làm, mất của cải, mất người thương. Vì thế chúng ta cố chờ đợi và hy vọng một dịp may mầu nhiệm – luôn luôn là một điều gì đó trong tương lai – để được sống đời như ý muốn. Chúng ta quên đi rằng sự sống chỉ có mặt trong giờ phút hiện tại. Đức Thế Tôn dạy: Chúng ta có thể sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Hiện tại là thời gian duy nhất có đó cho ta.

Kho tàng chôn sâu

Trong Kinh Thánh có câu chuyện một người nông dân tìm được một kho báu chôn trong thửa ruộng của ông ta. Về nhà ông ta cho hết của cải và thửa ruộng của ông ta, chỉ giữ lại mảnh ruộng nhỏ có kho báu. Kho báu đó là Nước Chúa. Chúng ta biết rằng chúng ta chỉ có thể tìm thấy Nước Chúa trong hiện tại, bởi vì chỉ có hiện tại là hiện hữu. Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa tới. Vậy thì nếu muốn tìm về Nước Chúa, về cõi Tịnh Độ, nơi mà bạn tin là bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc, đó chỉ có thể là nơi hiện tại. Thật đơn giản và rõ ràng. Nhưng bởi vì chúng ta có xu hướng quay về quá khứ hoặc tìm tới tương lai, chúng ta phải thừa nhận đó là một thói quen và phải học cách chấm dứt thói quen ấy để có thể an trú trong hiện tại.

Có lần một đoàn các thương gia đến gặp Bụt. Bụt đã dạy họ là vui hưởng hạnh phúc trong hiện tại (Hiện Pháp Lạc Trú) là một điều có thể có được. Bụt nhận thấy rằng đa số những thương gia chỉ lo sao cho được thành công và không có khả năng vui hưởng hiện tại. Họ không có thì giờ cho chính họ và gia đình họ. Họ không có thì giờ để thương yêu và làm cho người khác hạnh phúc. Họ luôn luôn bị tương lai cuốn hút.

Tịnh Độ có mặt trong giây phút hiện tại. Tịnh Độ là bây giờ và ở đây. Nước Chúa cũng vậy. Nước Chúa là bây giờ và ở đây. Nước Chúa không phải là một ý niệm. Nước Chúa là sự thật. Khi thở hơi thở chánh niệm, bước một bước chân chánh niệm, bạn về nhà, về nơi hiện tại, bạn tiếp xúc với biết bao mầu nhiệm trong bạn và xung quanh bạn, và tất cả những gì thuộc về Nước Chúa. Nếu đã gặp được Nước Chúa thì bạn không còn cần phải chạy theo tiền tài, danh vọng và sắc dục.

Khi ta đã trở về với giây phút hiện tại thì ta biết rằng có biết bao điều kiện của hạnh phúc sẵn có và không cần phải đeo đuổi xa vời. Chúng ta đã có đủ điều kiện để được hạnh phúc. Hạnh phúc ở ngay bây giờ và ở đây.

Giáo lý sống hạnh phúc trong hiện tại do Đức Thế Tôn giảng dạy là một giáo lý dễ chịu. Và phép thực tập cũng rất dễ chịu. Cùng nhau leo đồi không chút mệt nhọc, cùng nhau thưởng thức từng bước chân đi. Bước những bước như thế chúng ta không còn bị quá khứ hay tương lai ràng buộc. Chúng ta tự do đặt chân trên Nước Chúa, trong cõi Tịnh Độ với từng bước chân.

Bây giờ và ở đây

Đã về, đã tới

Bây giờ, ở đây

Vững chãi thảnh thơi

Quay về nương tựa.

Khi trở về với hiện tại, bây giờ và ở đây, chúng ta nhận ra nhiều điều kiện của hạnh phúc đang sẵn có. Thực tập chánh niệm là thực tập quay về bây giờ và ở đây, để tiếp xúc sâu sắc với chính mình và với sự sống. Chúng ta phải tập cho được điều đó. Mặc dầu chúng ta rất thông minh và có thể hiểu rõ pháp môn này mau chóng, chúng ta cũng phải thực tập để thực sự sống theo chánh niệm. Chúng ta phải thực tập để nhận diện bao nhiêu điều kiện hạnh phúc đang sẵn có.

Bạn có thể đọc thầm thi kệ trên khi thở vào, thở ra. Bạn cũng có thể đọc thầm bài kệ này khi lái xe. Bạn có thể chưa tới văn phòng làm việc, nhưng ngay khi đang lái xe, bạn đã thực sự về nhà, về với bây giờ và ở đây. Khi bạn về đến văn phòng thì văn phòng cũng là nhà của bạn. Tại văn phòng, bạn cũng an trú bây giờ và ở đây. Chỉ cần thực tập câu thứ nhất Tôi đã về, tôi đã tới cũng đủ đem lại cho bạn rất nhiều hạnh phúc. Dù cho bạn đang đi, đang ngồi, đang tưới rau hay đang trông con, luôn luôn bạn có thể thực tập Tôi đã về, tôi đã tới, tôi đã rong ruổi suốt đời. Nay tôi sẽ không rong ruổi nữa, tôi quyết định dừng lại và thực sự sống đời tôi.

Khi thở vào và đọc câu Tôi đã tới và thực sự tới thì đó là thành công. Thực sự có mặt, một trăm phần trăm có mặt là một thành quả đích thực. Giây phút hiện tại là ngôi nhà thực sự của chúng ta. Khi thở ra và nói thầm Tôi đã tới, tôi cảm thấy tôi thực sự đã về tới nhà (đang ở nhà) và không còn phải sợ hãi. Tôi không phải rong ruổi nữa.

Chúng ta phải lặp đi lặp lại câu chú Tôi đã về, tôi đã tới cho đến khi cảm nhận đó là sự thật. Tiếp tục thở vào, thở ra và bước đi trong chánh niệm cho đến khi ta cảm thấy đang thực sự an trú trong hiện tại, bây giờ và ở đây. Những chữ trong bài kệ không gây trở ngại mà chỉ để giúp bạn chú tâm và giữ mãi tuệ giác. Chính tuệ giác giúp bạn tới nhà chứ không phải những chữ của bài thi kệ.

Hai mặt của thực tại

Nếu bạn an trú thành công trong bây giờ và ở đây, bạn sẽ đạt được vững chãi và tự do, nền tảng của hạnh phúc. Nhờ đó, bạn có thể nhận ra hai mặt của thực tại: tích môn và bản môn (historical dimension and ultimate dimension).

Một ví dụ về tích môn và bản môn là hình ảnh của sóng và nước. Nhìn đợt sóng ta thấy sóng có bắt đầu và có chấm dứt, có khi cao, có khi thấp so với các đợt sóng khác, có khi đẹp có khi không được đẹp. Đợt sóng có thể có đó hay không có đó, có bây giờ hay sau này. Tất cả những ý niệm trên là do khi ta nhìn thực tại dưới khía cạnh của tích môn, của sinh – tử, của có – không, đến – đi, cao – thấp… Nhưng ta biết rằng khi tiếp xúc đợt sóng sâu sắc hơn, ta sẽ thấy nước. Nước là một khía cạnh khác của đợt sóng, khía cạnh bản môn.

Nói về tích môn là nói về sinh – tử, có – không, đến – đi, nhưng dưới ánh sáng của bản môn thì không còn những ý niệm về sinh – tử, có – không, đến – đi nữa. Nếu sóng có thể tiếp xúc với nước trong tự thân cùng lúc thì sóng sẽ không còn sợ hãi vì những ý niệm sinh – tử, có – không, đến – đi… nữa, sóng sẽ đạt được vô úy – không sợ hãi, vững chãi và an vui. Bản chất của đợt sóng là không sinh, không diệt, không trước, không sau. Đó cũng chính là bản chất của nước.

Tất cả chúng ta đều như đợt sóng. Chúng ta có khía cạnh tích môn. Có khi ta nói đến một thời điểm để bắt đầu, và một thời điểm để chấm dứt. Ta tin rằng lúc này ta đang thực sự có, và trước khi được sinh ra ta không là gì cả. Chúng ta bị kẹt trong ý niệm đó, và vì thế chúng ta sợ, chúng ta ganh tị, chúng ta tham luyến và bao nhiêu mâu thuẫn, phiền não trong ta. Bây giờ nếu ta có khả năng trở về nhà, vững chãi và tự do thì chúng ta có thể tiếp xúc với bản môn của bản thân chúng ta. Tiếp xúc với ta trong bản môn sẽ giải thoát khỏi mọi ý niệm đã gây đau khổ cho ta.

Trong tích môn ta thấy có sinh, có tử, có già, nhưng trong bản môn, sinh tử không phải là bản tính của vạn vật. Bản chất của vạn vật vốn không bị ràng buộc bởi sinh tử (không có sống, chết). Bước thứ nhất là thực tập trong tích môn, và bước thứ hai là thực tập trong bản môn. Trong tích môn, chúng ta chấp nhận là có sống, có chết, nhưng trong bước thứ hai, vì chúng ta đã tiếp xúc được với bản môn nên ta khám phá ra rằng sống và chết chỉ là những ý niệm mà không phải là sự thật tuyệt đối. Nhờ tiếp xúc với bản môn mà ta có thể tiếp xúc được với thực tại vốn không sinh, không diệt.

Thực tập trong tích môn rất quan trọng để ta có thể thành công khi thực tập trong bản môn. Thực tập trong bản môn nghĩa là có thể tiếp xúc được với tự tính không sinh, không diệt, cũng giống như đợt sóng tiếp xúc được với nước. Chúng ta có thể nêu lên một câu hỏi để làm ví dụ: Đợt sóng từ đâu tới và sẽ đi về đâu? Chúng ta có thể trả lời tương tự: Đợt sóng đến từ nước và trở về với nước. Tuy nhiên, trong thực tế, không có đến, không có đi. Sóng luôn luôn là nước, không từ nước mà đến và không đi về đâu hết. Sóng luôn luôn là nước, đến đi chỉ là những sáng tạo của tâm thức. Sóng không bao giờ rời nước, cho nên nói rằng sóng đến từ nước là không đúng. Vì sóng luôn luôn là nước, chúng ta không thể nói sóng trở về với nước. Ngay khi đợt sóng thành sóng thì sóng đã là nước. Cho nên sống – chết, đến – đi chỉ là những khái niệm. Khi tiếp xúc được với bản tính không sinh, không diệt, ta không còn sợ hãi.

Bản tính của không sinh, không diệt

Đám mây không thể biến thành hư vô. Mây có thể biến thành mưa, thành tuyết, nhưng mây không thể trở thành không là gì cả. Thế cho nên ý kiến cho rằng có hủy diệt (annihilation) là một tà kiến (ý kiến sai lầm). Nếu bạn là một nhà khoa học mà bạn nghĩ rằng sau khi thân xác tan rã thì ta không còn đó nữa – bạn trở thành hư vô, từ có thành không có – thì bạn sai lầm vì bằng chứng cho thấy rõ sự thực trái ngược điều bạn tin.

Vậy thì sinh và diệt chỉ là một cặp khái niệm, cũng như đến và đi, thường và vô thường, ta và người. Đám mây trên trời là một biểu hiện. Trước khi thành đám mây, mây là hơi nước bốc từ dòng sông hay biển cả dưới sức nóng của mặt trời. Chúng ta có thể coi hơi nước là kiếp trước của mây. Mây không đến từ hư không. Mây phải đến từ một vật thể là hơi nước. Vậy thì không có sinh ra mà chỉ có tiếp nối.

Nhà khoa học thế kỷ thứ mười tám của Pháp, Antoine Lavoisier đã từng nói: Không có gì sinh ra, không có gì mất đi. Lavoisier đã thấy sự thật như Bụt đã từng thấy. Bản tính của chúng ta là không sinh cũng không diệt. Chỉ khi tiếp xúc với bản môn, ta mới vượt thoát nỗi sợ về hư vô, hoại diệt.

Khi có đủ nhân duyên thì sự vật sẽ biểu hiện và ta gọi đó là có. Khi (một hay nhiều) nhân duyên không đầy đủ thì sự vật không biểu hiện và ta gọi đó là không có. Gọi một sự vật là có hay không có là không đúng. Thật ra, không có gì hoàn toàn có hay hoàn toàn không.

Không đến, không đi

Ý niệm sinh và tử, đến và đi đã gây cho hầu hết chúng ta rất nhiều khổ đau. Chúng ta nghĩ rằng người ta thương đến từ một nơi nào đó rồi sẽ đi về một nơi nào đó. Nhưng bản chất của chúng ta là không đến và không đi. Khi đầy đủ nhân duyên, chúng ta biểu hiện dưới một hình thức nào đó. Khi nhân duyên không đầy đủ thì ta không biểu hiện dưới một hình thức khác. Điều này không có nghĩa là chúng ta không có. Sở dĩ chúng ta sợ chết là vì ta không hiểu rằng mọi sự vật không thể nào chết đi.

Người đời thường có xu hướng muốn loại bỏ những gì mà họ không muốn: Họ đốt phá hàng xóm, họ giết người. Tuy nhiên, giết đi một người không có nghĩa là người ấy bị hoàn toàn hủy diệt. Họ giết Thánh Mahatma Gandhi. Họ giết Martin Luther King Jr. Nhưng những vị ấy vẫn còn đó với chúng ta ngày hôm nay. Họ vẫn tiếp tục có mặt dưới nhiều hình thức. Lý tưởng của họ vẫn tiếp tục. Do đó, khi nhìn sâu vào bản thân – hình hài, cảm thọ và tâm ý – khi nhìn sâu núi đồi, sông nước hay một người nào khác, chúng ta có thể nhận ra và tiếp xúc với bản tính không sinh, không diệt của họ. Đây là một thực tập tối quan trọng của truyền thống Phật giáo.

Vô thường

Theo tuệ giác đạo Bụt, ý niệm về bất tử hay thường còn là một ý niệm sai lầm. Tất cả mọi sự mọi vật đều vô thường, luôn luôn biến đổi. Không có gì có thể giữ nguyên một tình trạng mãi mãi. Cho nên bản tính của vạn sự, vạn vật là vô thường. Một ý niệm sai lầm khác là cho rằng khi ta chết, ta không còn là gì hết. Bất diệt và hủy diệt là một cặp ý niệm đối nghịch. Ý niệm luôn luôn thường còn (bất diệt) là sai lầm mà ý niệm sẽ không còn gì (hủy diệt) cũng sai lầm.

Lấy ví dụ khi ta nói về cái chết của một đám mây. Nhìn lên trời, bạn không còn thấy đám mây đẹp của ngày hôm qua và bạn buồn khổ: Ôi, đám mây thân yêu của tôi đã không còn nữa! Bạn buồn khổ vì bạn nghĩ rằng đám mây đã từ tình trạng và biến thành không, từ hiện hữu đã biến thành hủy diệt.

Nhưng sự thật là đám mây không thể chết được. Chết có nghĩa đang là một cái gì rồi biến thành không là gì cả, đang là một người mà thành không là người nào cả. Nhưng chúng ta đã thấy rằng sự thật không phải như thế. Vì thế ta không nên chúc mừng ngày sinh nhật mà nên chúc mừng ngày tiếp nối. Ngày bạn sinh ra không phải là ngày ta bắt đầu mà là ngày tiếp nối của bạn. Bạn đã có mặt dưới một hình thái khác trước khi được sinh ra.

Hãy nhìn một tờ giấy. Trước khi thành tờ giấy, nó đã là nhiều cái khác. Nhìn tờ giấy, ta thấy cây làm nên bột giấy, đất mầm nuôi cây, mặt trời, hạt mưa, đám mây… cùng góp mặt tạo nên tờ giấy. Chúng ta thấy nhiều kiếp trước của tờ giấy. Tờ giấy chỉ là một biểu hiện mới mà không phải là được sinh ra. Ta nói bản chất của tờ giấy là không sinh, không diệt.

Tờ giấy không thể nào chết được. Nếu ta đốt một tờ giấy, tờ giấy sẽ biến thành tro, thành khói và sức nóng. Tờ giấy đã tiếp tục dưới nhiều hình thái khác. Vậy cho nên nói rằng một vật khi bị tan rã sẽ trở thành hư vô là sai lầm, là chấp vào ý niệm hủy diệt.

Nếu bạn bị mất đi một người thương và bạn đau buồn thì bạn phải xét lại. Người ấy đang còn tiếp tục ở đâu đó. Và ta có thể giúp người ấy tiếp tục một cách tốt đẹp hơn. Người ấy vẫn còn đó gần ta và trong ta. Nhận thức như thế ta có thể tìm thấy người ấy trong nhiều hình thái. Cũng như khi uống một tách trà trong chánh niệm, ta có thể nhìn thấy đám mây trong tách trà. Bạn không bao giờ mất đi người thương của bạn. Người ấy chỉ thay đổi hình thái.

Nhờ nhận thức được như thế mà ta có thể vượt qua được đau buồn, tiếc nuối. Chúng ta nghĩ rằng người ta thương đã ra đi vĩnh viễn, nhưng sự thật là người ấy vẫn còn đó, đã thay đổi thành một hình thái khác. Chúng ta phải thực tập nhìn sâu và nhận cho ra sự tiếp nối của người thương để ôm ấp, hỗ trợ. Em ơi, anh biết em vẫn còn đâu đó, rất gần bên anh. Anh đang thở cho em. Anh ngắm nhìn cảnh đẹp xung quanh cho em. Anh sống vui với đời cho em. Anh biết rằng em vẫn còn đó rất gần anh và ở trong anh. Như thế chúng ta đã chuyển hóa được đau buồn, sợ hãi nhờ tuệ giác giải thoát ấy.

Khi ta vượt thoát được ý niệm có sinh, có tử, ta sẽ không còn bị sợ hãi khống chế. Ý niệm có – không có thể tạo nên rất nhiều đau khổ. Khi đám mây biến mất trên trời, đám mây không từ có biến thành không. Bản chất của mây là không sinh, không diệt. Bản chất của người thương của bạn và của chính bạn cũng không sinh, không diệt.

Trân quý nơi đây

Hãy tưởng tượng có hai phi hành gia đang ở trên mặt trăng thì phi thuyền bị hỏng và họ không có khả năng trở về Trái Đất. Họ chỉ có khí oxy cho hai ngày. Không có phi thuyền được phóng lên từ Trái Đất để cứu họ. Hai phi hành gia chỉ có thể sống được hai ngày nữa.

Nếu khi ấy bạn hỏi họ: Ước mong sâu xa của quý vị lúc này là gì? thì câu trả lời của họ rằng họ chỉ mong ước một điều là được trở về để đặt chân trên mặt địa cầu xinh đẹp. Chỉ có chừng đó thôi. Họ không có ước mong nào khác. Họ không muốn được danh tiếng, được làm giám đốc của một công ty to lớn hay là tổng thống của Hoa Kỳ. Họ không muốn gì hơn là được trở về Trái Đất, hạnh phúc trong từng bước chân, tai nghe tiếng gió, tiếng chim, được nắm tay những người thân yêu cùng ngắm ánh trăng vàng.

Chúng ta nên sống đời sống mỗi ngày như phi hành gia được cứu thoát trở về Trái Đất sau tai nạn trên mặt trăng. Tất cả chúng ta hiện ở trên mặt địa cầu và phải biết thưởng thức những bước chân đi trên hành tinh xinh đẹp này. Thiền sư Lâm Tế có nói: Phép lạ là không phải đi trên lửa mà là đi trên đất (Địa Hành Thần Thông). Tôi trân quý lời dạy ấy của thiền sư Lâm Tế. Tôi luôn luôn vui trong từng bước chân, ngay cả những nơi rộn ràng như sân bay hay nhà ga. Bước những bước như thể ta nâng niu Đất Mẹ, ta có thể gây cảm hứng cho những người khác cũng bước như ta và sống thảnh thơi trong từng giây phút.

Tìm nơi vững chãi

Vì sợ hãi mà chúng ta đánh mất chính mình trong cuộc sống hằng ngày. Thân một nơi mà tâm một ngả. Đôi khi ta đắm mình trong một cuốn sách. Cuốn sách cuốn hút, tách ta ra khỏi thân xác và thực tại hiện tiền. Ngay khi rời khỏi cuốn sách, ta lại tiếp tục bị cuốn đi bởi những lo lắng, sợ hãi. Rất hiếm khi ta biết trở về với tự thân, nơi an bình, trong sáng, về với Phật tính trong ta để được gần gũi với Đất Mẹ.

Nhiều người quên đi rằng họ có một cơ thể. Họ sống trong thế giới ảo tưởng. Họ bận tâm với biết bao dự án, bao nhiêu lo lắng, bao nhiêu quay cuồng, mộng tưởng. Họ không sống với thể xác của họ. Vì bị kẹt trong lo lắng, vì phải loay hoay tìm đường để thoát khỏi lo sợ, chúng ta không còn khả năng cảm nhận những vẻ đẹp mầu nhiệm mà Đất Mẹ ban tặng. Chánh niệm nhắc ta trở về với hơi thở vào, là một với hơi thở vào, về với hơi thở ra, là một với hơi thở ra. Hãy trở về với tự thân, trở về với giây phút hiện tại. Hãy chăm chú ngắm nhìn những mầu nhiệm ngay trước mắt. Đất Mẹ đẹp đẽ biết bao, rộng lượng biết bao và nâng đỡ chúng ta biết bao. Thân thể ta là một mầu nhiệm. Khi thực tập và vững chãi an trú như đất, chúng ta có thể đối diện trực tiếp với khó khăn và khó khăn sẽ bắt đầu tan biến.

Thực tập: thở trong giây phút hiện tại

Mời bạn dành một chút thì giờ để thưởng thức một thực tập đơn giản về hơi thở chánh niệm. Thở vào, tôi biết là tôi đang thở vào. Thở ra, tôi biết là tôi đang thở ra. Nếu bạn thực tập như thế với một chút chú tâm thì bạn có thể thực sự trở về với bây giờ và ở đây. Ngay giây phút mà bạn thực tập hơi thở chánh niệm, thân và tâm của bạn sẽ hợp làm một (thân tâm nhất như). Chỉ cần 10 hay 20 giây đồng hồ để đạt được phép mầu của thân tâm hợp nhất bây giờ và ở đây. Ai cũng có thể thực tập như thế, kể cả các em nhỏ. Đức Thế Tôn đã từng dạy: Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa tới. Chỉ có một giây phút mà ta thực sự sống, đó là giây phút hiện tại. Thiền tập với hơi thở chánh niệm là đem thân và tâm trở về với giây phút hiện tại để không lỡ hẹn với sự sống.

Đọc Sợ hãi, chương 01 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 02 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 03 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 04 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 05 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 06 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 07 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 08 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 09 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 10 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 11 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 12 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 13 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 14 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 15 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 16 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 17 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 18 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 19 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 20 tại đây.

Đọc Sợ hãi, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Edgar Allan Poe | Ligeia

Edgar Allan Poe | Ligeia

Edgar Allan Poe (1809 – 1849) là một trong những nhà văn nhà thơ và nhà phê bình văn học nổi tiếng nhất nước Mỹ.

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.