Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi | Chương 08

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

 · 12 phút đọc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tất cả chúng ta ai cũng có khả năng chánh niệm, thiền định, hiểu biết, thương yêu. Những đức tính ấy có sẵn trong ta. Chúng ta có thể gọi đó là tính Bụt. Cho nên khi chúng ta nói: Tôi quy y Bụt, thì điều đó không có nghĩa là tôi quy y một vị thần có mặt ngoài tôi. Điều đó có nghĩa là tôi tin vào khả năng hiểu và thương của tôi.

Khi Đức Thế Tôn đến tuổi già, trước khi nhập diệt, Ngài đã dạy các đệ tử: Các con không nên an trú vào nơi nào khác ngoài các con. Trong mỗi các con có một nơi an toàn nhất – hòn đảo của tự thân – mà các con có thể an trú. Mỗi khi các con trở về hải đảo tự thân với hơi thở chánh niệm, các con tạo nên an bình, có định, có tuệ. Nếu các con an trú nơi hải đảo của tự thân đó, các con sẽ được an toàn. Đó là nơi nương tựa mỗi khi con cảm thấy lo sợ, hoang mang.

Tại Làng Mai chúng tôi có một bài hát phổ ra từ một bài thơ ngắn:

Quay về nương tựa

Hải đảo tự thân

Chánh niệm là Bụt

Soi sáng xa gần.

Khi thực tập theo dõi hơi thở, chúng ta chế tác năng lượng chánh niệm. Chúng ta nói đó là hơi thở chánh niệm. Năng lượng chánh niệm là Bụt, bởi vì Bụt được làm bằng năng lượng chánh niệm. Và ai cũng có thể chế tác năng lượng chánh niệm của một vị Bụt. Nếu bạn thuộc về truyền thống Cơ Đốc thì bạn có thể so sánh năng lượng chánh niệm với năng lượng Chúa Thánh Thần (Holy Spirit). Chúa Thánh Thần có thể được mô tả như là năng lực của Chúa Trời. Bước chân và hơi thở chánh niệm giúp ta chế tác được nguồn năng lượng này. Chánh niệm là ánh sáng soi đường hướng dẫn bạn, chỉ bạn rõ hiện tình như thế nào và cần phải hành động như thế nào cho bước tiếp theo.

Khi thực tập hơi thở chánh niệm, năng lượng chánh niệm chế tác được sẽ giúp bạn giảm bớt những căng thẳng trong cơ thể, cũng như những cảm thọ sợ hãi, tuyệt vọng. Năng lượng chánh niệm ôm ấp những buồn khổ và làm lắng dịu, buông thư những căng thẳng.

Quay về an trú nơi hải đảo của tự thân không có nghĩa là phải tách rời cuộc sống thế gian. Nó chỉ có nghĩa là quay về tự thân, vững chãi hơn. Bạn có thể đi giữa đường phố mà vẫn an trú nơi hải đảo tự thân của bạn. Phản ứng, hành xử của bạn sẽ khác đi rất nhiều khi bạn vững chãi, không còn bị choáng ngợp.

Có thể bạn đang bị căng thẳng trong cơ thể. Có thể bạn đang có nhiều cảm xúc mạnh. Nhờ thực tập hơi thở chánh niệm mà bạn thư giãn cơ thể và lắng dịu cảm xúc, khổ đau. Sau vài phút thực tập, trở về an trú hải đảo tự thân, bạn sẽ tìm lại bình an, không còn cảm giác tù ngục vì tuyệt vọng. Cảm xúc của bạn sẽ được chuyển hóa. Tôi thường xuyên thực tập bài thi kệ trên. Tôi đã thực tập như thế 30 năm qua và bây giờ vẫn còn đang tiếp tục thực tập.

Đức Thế Tôn giảng dạy giáo lý quay về hải đảo tự thân lúc Ngài sắp nhập Niết Bàn. Ngài biết rằng sau khi Ngài nhập diệt, các đệ tử của Ngài sẽ hoang mang, lạc lõng. Đức Bụt muốn nhắn nhủ các đệ tử của Ngài nên tìm người thầy trong chính mình chứ không ở đâu xa. Cơ thể của Ngài tuy đã tan rã nhưng giáo huấn của Ngài đã được trao truyền cho các đệ tử. Trở về hải đảo tự thân là tìm về người thầy ngay trong tự thân mỗi người.

Không có sự khác biệt giữa nội tâm và ngoại giới. Sự thật là khi ta tiếp xúc với nội tâm thì ta có thể gần gũi hơn với ngoại giới. Nếu không có mặt ngay trong nội tâm thì không thể tiếp xúc thực sự với ngoại giới: Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm (The way out is in). Nếu bạn tiếp xúc sâu sắc với nội tâm thì bạn có thể tiếp xúc sâu sắc với ngoại cảnh. Ngược lại, nếu bạn có thể tiếp xúc sâu sắc với bên ngoài thì bạn có thể tiếp xúc với nội giới cùng một lúc.

Quay về hải đảo tự thân giúp ta chế tác niệm và định. Mỗi khi bị cảm xúc mạnh như sợ hãi, giận dữ hay tuyệt vọng, hãy quay về với hải đảo tự thân và thực tập thi kệ ở trên. Tôi tin chắc bạn sẽ cảm thấy lắng dịu hơn chỉ sau vài phút thực tập. Mỗi khi gặp trường hợp khó khăn, tai ương hoạn nạn hay bệnh hoạn ngặt nghèo hay lúc hoang mang không biết phải làm gì thì đây là lúc để bạn thực tập như thế. Nếu tất cả mọi người đều thực tập như thế thì chúng ta có đủ bình an và sáng suốt để vượt qua bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Thực tập quay về nương tựa cho ta niềm vui và bình an trong cuộc sống hằng ngày.

Chế tác năng lượng chánh niệm

Chánh niệm là một loại năng lượng giúp đem tâm về với thân để ta có thể an trú bây giờ và ở đây và từ đó có thể tiếp xúc với sự sống với biết bao mầu nhiệm và giúp ta thực sự sống. Chánh niệm giúp ta ý thức những gì đang xảy ra ngay lúc này trong cơ thể, trong cảm thọ, ý tưởng của ta cũng như những gì đang xảy ra bên ngoài thế giới.

Chúng ta biết rằng buổi sáng với ánh mặt trời mọc, sương mù bao phủ núi đồi tạo nên một cảnh tượng vô cùng đẹp đẽ. Chúng ta muốn mở rộng lòng thưởng thức vẻ đẹp của một sáng mai, biết rằng cảnh đẹp ấy sẽ nuôi dưỡng ta rất nhiều. Nhưng đôi khi vì chìm đắm trong cảm xúc và ý tưởng mông lung, chúng ta đã bỏ lỡ dịp thưởng thức những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây. Trong khi có người biết mở rộng tâm hồn để thưởng thức núi đồi hùng vĩ, ánh mai huy hoàng, thân và tâm được tắm mình trong thiên nhiên thì có người đã để cho lo lắng buồn giận cản lối nên đã không tiếp xúc được với những hùng vĩ của đất trời. Cảm xúc là chướng ngại giữa ta và Nước Chúa, giữa ta và Tịnh Độ.

Vậy thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải loại bỏ cảm xúc để có được tự do, để thưởng thức cảnh mặt trời mọc buổi sáng. Chúng ta coi lo sợ, giận hờn như kẻ thù. Chúng ta nghĩ rằng nếu không có lo lắng, buồn giận thì chúng ta sẽ được tự do, chúng là những chướng ngại làm cho ta không tiếp xúc được với những gì nuôi dưỡng.

Trong những trường hợp như thế, cần nhất là theo dõi hơi thở chánh niệm, nhẹ nhàng nhận diện những cảm thọ lo lắng, buồn giận. Thở vào tôi biết là tôi đang lo lắng. Thở ra tôi mỉm cười với lo lắng trong tôi. Có thể là bạn có tập khí hay lo. Hoặc là bạn biết rằng lo cũng chẳng có gì là cần thiết hay giúp ích. Bạn muốn giải tỏa lo lắng, buồn giận vì lo lắng là trở ngại cho bạn không tiếp xúc được những mầu nhiệm của cuộc sống. Nhưng lo lắng đã là một phần của bạn, cho nên mỗi khi lo lắng trỗi dậy, bạn cần có mặt chăm sóc nỗi lo lắng ấy một cách nhẹ nhàng và bình an. Bằng hơi thở và bước chân ý thức, bạn chế tác năng lượng chánh niệm. Chỉ có năng lượng chánh niệm mới giúp bạn làm được việc ấy. Với năng lượng chánh niệm, bạn nhận diện và ôm ấp những lo lắng, buồn giận một cách nhẹ nhàng.

Khi con khóc, bạn không bao giờ muốn trừng phạt con vì con bạn chính là bạn. Lo lắng, phiền giận cũng như con bạn, không nên đối xử tàn bạo với lo lắng phiền muộn. Không thể ném chúng ra ngoài cửa sổ. Phép thực tập đơn giản là nhận diện. Hãy tiếp tục theo dõi hơi thở, bước đi chánh niệm, và với năng lượng mà bạn chế tác, bạn nhận diện những lo lắng, phiền muộn của bạn nặng nhẹ tới đâu và mỉm cười ôm ấp chúng. Nếu bạn giận với nỗi giận của mình thì bạn sẽ giận lên gấp mười lần. Như vậy là không khôn ngoan. Bạn đã đau khổ vì phiền giận của bạn rồi. Khi em bé khóc, người mẹ nhẹ nhàng bế bé lên vỗ về, nâng niu. Tình thương yêu của bà mẹ thấm vào em bé và em bé sẽ ngừng khóc.

Năng lượng chánh niệm giúp bạn có khả năng nhận diện và ôm ấp nỗi buồn. Bạn đã bắt đầu cảm thấy nhẹ lòng. Em bé trong bạn đã bình an.

Giờ đây, bạn có thể thưởng thức cảnh huy hoàng của mặt trời lặn và cho mình cơ hội được nuôi dưỡng bởi những mầu nhiệm của cuộc sống trong mình và quanh mình.

Mang theo chánh niệm bên mình

Chúng ta thường mang theo điện thoại cầm tay không rời. Bạn nghĩ là nếu không có điện thoại cầm tay thì không sống được. Bạn lo khi quên điện thoại ở nhà hay sắp hết pin.

Khi thực tập chánh niệm, bạn có thể mang theo chánh niệm với mình như mang theo điện thoại. Bất kỳ bạn đi đâu thực tập chánh niệm cũng theo bạn.

Trong đời sống hằng ngày, ta cần có một chiều hướng tâm linh để giúp ta có khả năng chăm sóc những niềm vui, nỗi khổ của ta. Thực tập chánh niệm giúp ta có một nơi để an trú. Chăm lo bồi dưỡng chánh niệm sẽ giúp cho năng lượng chánh niệm càng ngày càng phát triển và hùng mạnh. Bất kỳ đi đâu chúng ta cũng cảm thấy tự tin, có lẽ tự tin hơn cả khi ta có chiếc điện thoại cầm tay. Chúng ta có thể vượt qua bất kỳ khó khăn nào.

Ai cũng có hạt giống chánh niệm trong người. Ai cũng có thể thở hơi thở chánh niệm, kể cả các em bé. Ai cũng có thể uống một tách trà trong chánh niệm. Khi trong cơ thể bạn đã ngập tràn chánh niệm, bạn nói, bạn cười, bạn đi sẽ luôn trong chánh niệm. Năng lượng chánh niệm đang sống động trong bạn. Chánh niệm đi đôi với định lực. Chế tác năng lượng niệm và định mỗi ngày giúp bạn chuyển hóa sợ hãi, buồn giận và chấm dứt khổ đau. Niệm và định đưa đến tuệ giác. Hạt giống tuệ giác của sự hiểu biết tỏ tường có sẵn trong mỗi chúng ta. Nhìn những bước chân vững chãi, thảnh thơi của bạn, tôi thấy được chất thánh trong bạn đang hiện hữu. Sự thật là ai cũng mang trong mình những chất thánh. Tính Bụt có mặt trong mọi người. Khi Bụt trong ta đang sống, ta không còn sợ hãi hay khổ đau. Hạnh phúc là điều có thể có được.

Đọc Sợ hãi, chương 01 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 02 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 03 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 04 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 05 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 06 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 07 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 08 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 09 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 10 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 11 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 12 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 13 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 14 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 15 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 16 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 17 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 18 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 19 tại đây.

Đọc Sợ hãi, chương 20 tại đây.

Đọc Sợ hãi, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Thực hành cầu nguyện để làm gì?

Thực hành cầu nguyện để làm gì?

Thực hành tôn giáo giúp đời sống an lành hạnh phúc giác ngộ và mang lại năng lượng tích cực cho bản thân giá trị đẹp cho cộng đồng.

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.