Sợ hãi | Chương 14
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.
· 17 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Khi tôi gặp tiến sĩ Martin Luther King Jr. vào năm 1966 trong thời gian chiến tranh Việt Nam, một trong những chủ đề chúng tôi đã thảo luận là tầm quan trọng của việc xây dựng cộng đồng – hay trong đạo Bụt, chúng tôi gọi là tăng thân. Tiến sĩ King biết rằng việc xây dựng cộng đồng là rất quan trọng. Ông nhận thức được rằng, nếu không có một cộng đồng thì sẽ khó có thể đạt thành quả. Tình huynh đệ (brotherhood) vững chắc cho ta sức mạnh khi ta sợ hãi, tuyệt vọng, và giúp duy trì tình yêu và lòng từ bi. Tình huynh đệ có thể hàn gắn và chuyển hóa cuộc đời chúng ta. Tiến sĩ King dành nhiều thời gian để xây dựng một cộng đồng mà ông gọi là cộng đồng yêu quý (the beloved community).
Cộng đồng yêu quý hay còn gọi là tăng thân, là một tập thể của những người cùng thực tập để chế tác chánh niệm, thiền định và tuệ giác, để cùng cảm thấy được ôm ấp và hỗ trợ bởi năng lượng tập thể của sự thực tập. Thông thường, cảm giác cô đơn và bị xa cách sẽ nuôi dưỡng lo sợ và làm cho nỗi lo sợ càng thêm trầm trọng. Trong tăng thân, nếu có những người thực tập vững chãi thì họ có thể ngồi cùng chúng ta, chia sẻ với chúng ta năng lượng chánh niệm của họ. Chúng ta có thể nhờ họ giúp: Anh ơi, chị ơi, tôi cần sự có mặt của mọi người. Tôi rất đau khổ và một mình tôi không thể ôm ấp niềm đau, nỗi khổ của tôi. Xin hãy giúp tôi. Cùng nhau thực tập hơi thở và với năng lượng chánh niệm của cả tăng thân, ta có thể thấy rõ, ôm ấp, và chuyển hóa khổ đau đó. Ta là một phần của dòng sông tăng thân, mà không phải là những giọt nước cô độc. Chúng ta sẽ cùng nhau ra đến đại dương.
Một tăng thân có đoàn kết và bình an là một tăng thân đích thực. Với sự yểm trợ của tăng thân, thực tập trở nên dễ dàng và cuộc sống chung cũng sẽ trở nên dễ dàng. Thân nhân hay bạn bè đều có thể tạo thành tăng thân của bạn. Bất kỳ cộng đồng nào yểm trợ chúng ta đều là tăng thân. Xây dựng tăng thân nghĩa là xây dựng sự an toàn, hỗ trợ và hạnh phúc.
Lắng nghe sâu và ái ngữ
Khi truyền thông bị cắt đứt, tất cả đều đau khổ. Khi không ai lắng nghe hay hiểu mình, chúng ta giống như những quả bom chờ phát nổ. Lắng nghe với tâm từ bi đưa đến hàn gắn. Đôi khi chỉ mười phút lắng nghe sâu cũng đủ để mang lại chuyển hóa và nụ cười.
Nhiều người trong chúng ta đã đánh mất khả năng lắng nghe và sử dụng ái ngữ. Không ai còn khả năng lắng nghe người khác. Vì vậy chúng ta cảm thấy rất cô đơn ở ngay chính trong gia đình. Chúng ta đi gặp bác sĩ tâm lý và hy vọng rằng họ có thể lắng nghe chúng ta. Nhưng nhiều bác sĩ cũng đau khổ sâu sắc bên trong. Đôi khi họ không thể lắng nghe sâu như họ muốn. Vì vậy, nếu yêu ai đó, chúng ta cần rèn luyện khả năng lắng nghe sâu.
Chúng ta cũng cần rèn luyện ái ngữ. Chúng ta đã đánh mất khả năng nói một cách bình tĩnh. Chúng ta dễ dàng bị kích động. Mỗi khi mở miệng, chúng ta luôn nói lời cay đắng. Chúng ta đánh mất khả năng nói lời từ ái. Thiếu khả năng này, chúng ta không thể khôi phục sự hòa hợp, tình yêu và hạnh phúc.
Trong đạo Bụt có các vị Bồ tát. Bồ tát là những bậc trí tuệ và từ bi nguyện ở lại thế gian để làm vơi bớt nỗi khổ của mọi người. Bồ tát Quán Thế Âm có khả năng lắng nghe với từ bi và sự có mặt tuyệt vời. Ngài có thể lắng nghe và thấu hiểu âm thanh của thế giới, tiếng than khóc thống khổ.
Phải thực tập thở ra thở vào trong chánh niệm để nuôi dưỡng tâm từ bi. Phải lắng nghe mà không khuyên răn hay phán xét. Hãy tự nhủ: Mình đang lắng nghe chỉ vì mình muốn làm vơi bớt nỗi khổ của người ấy. Đây gọi là lắng nghe với tâm từ bi. Luôn luôn mở rộng lòng từ bi trong khi lắng nghe. Đó là nghệ thuật. Nếu đang nghe mà cơn giận hoặc sự bực bội nổi lên thì không thể tiếp tục lắng nghe sâu. Phải thực tập làm sao mà mỗi lần cơn giận hoặc sự bực bội nổi lên thì bạn có thể thở vào thở ra trong chánh niệm và tiếp tục giữ lòng từ bi. Dù đối phương có nói gì, dù cách anh ta phán xét có nhiều bất công, dù anh ta lên án hay đổ lỗi, thì bạn vẫn tiếp tục ngồi yên, tiếp tục thở vào thở ra.
Nếu bạn không cảm thấy thoải mái, thấy mình không thể tiếp tục lắng nghe sâu với tâm từ bi thì hãy nói cho đối phương biết. Anh ơi, mấy hôm nữa mình tiếp tục được không? Em cần làm mới bản thân trước. Em cần thực tập để có thể lắng nghe anh một cách tốt nhất. Rồi tiếp tục thực tập thiền hành, theo dõi hơi thở chánh niệm, ngồi thiền để phục hồi khả năng lắng nghe với tâm từ bi.
Thiền hành cùng tăng thân
Thiền hành cùng với tăng thân là một thực tập tuyệt vời. Khi cùng nhau thiền hành, chúng ta cảm thấy mình được năng lượng tập thể nâng đỡ. Nên bắt đầu thiền hành cùng một nhóm để được hỗ trợ. Bạn có thể mời một người bạn đi với bạn hoặc bạn có thể cầm tay một em bé và dẫn bé cùng đi.
Để thực tập chánh niệm trong khi đi một mình, bạn có thể ký giao kèo với chiếc cầu thang: Bạn cam kết rằng bạn sẽ luôn lên xuống cầu thang trong chánh niệm, đi những bước rất vững chãi. Nếu trong lúc đi, bạn nhận thấy có một bước đi không thể hiện sự có mặt đích thực của mình thì bạn bước xuống và đi lại. Nếu bạn có thể thành công với chiếc cầu thang đó thì dù đi đâu, bạn cũng có thể an trú trong giây phút hiện tại. Bạn cũng có thể ký giao kèo với một quãng đường nào đó, như là từ bàn làm việc tới nhà vệ sinh, và phát nguyện rằng bạn sẽ đi quãng đường đó với từng bước chân vững chãi và chánh niệm; nếu không, bạn sẽ quay về và đi lại. Đây là một cách tuyệt vời để học cách sống sâu sắc trong từng khoảnh khắc của cuộc đời mà không bị năng lượng thói quen cuốn đi. Hãy bước đi bằng chân, không phải bằng đầu. Hãy chú ý vào đôi chân và bước đi. Hãy bước làm sao để niềm vui và cuộc sống thực sự biểu hiện ngay bây giờ và ở đây.
Khi thiền hành thành một nhóm, chúng ta chế tác năng lượng chánh niệm và an bình tập thể, để nuôi dưỡng và trị liệu.
Chánh niệm tập thể
Chúng ta có thể tiếp tục cải thiện chất lượng của thực tập bằng cách thường xuyên liên hệ với tăng thân. Định lực và chánh niệm tập thể của tăng thân sẽ giúp ích cho ta rất nhiều. Khi mới bắt đầu thực tập, chánh niệm và định lực của ta có thể không đủ mạnh để nhận ra và ôm ấp đau khổ, phiền muộn và sợ hãi. Nếu có tăng thân yểm trợ, ta sẽ dễ thành công hơn.
Khi đau khổ, ta có thể đến gặp tăng thân và nói: Các bạn ơi, đây là nỗi đau, tuyệt vọng, cơn giận của tôi; nó quá lớn đối với tôi. Xin hãy giúp tôi. Chúng ta mời tăng thân ôm ấp, nâng đỡ chúng ta bằng năng lượng chánh niệm và định lực mạnh mẽ của tập thể; đột nhiên, chúng ta sẽ cảm thấy có thể ôm ấp khổ đau, sợ hãi của mình. Ngồi cùng tăng thân, thực tập thở vào thở ra trong chánh niệm, giúp giải tỏa khổ đau và bắt đầu được chuyển hóa, chữa trị. Sự có mặt của một tăng thân trong cuộc đời của hành giả rất quan trọng, vì vậy, là hành giả, chúng ta phải luôn nghĩ cách xây dựng một tăng thân nơi mình sống.
Trong truyền thống đạo Bụt, chúng ta có từ pháp thân. Ngoài hình hài vật lý, nếu chúng ta có thực tập tâm linh thì chúng ta cũng có một hình hài khác, đó là pháp thân. Với pháp thân, chúng ta có thể đương đầu với khó khăn và đau khổ, nếu pháp thân vững mạnh, chúng ta có thể giúp được nhiều người khác.
Pháp có thể hiểu là những lời dạy khôn ngoan. Có pháp nói, pháp viết và có cả pháp sinh động. Khi chúng ta thực tập thở chánh niệm hay thực tập thiền hành, dù chúng ta không nói gì hay không lắng nghe pháp thoại, thì chúng ta cũng đang là hiện thân của pháp sinh động. Khi nhìn một người anh em hay chị em bước đi trong chánh niệm và tận hưởng từng bước chân chánh niệm thì ta có thể thấy rằng người đó đang là hiện thân của pháp sinh động. Lan tỏa an bình, hạnh phúc và sức sống ra khắp xung quanh chính là cái mà ta gọi là pháp sinh động (living dharma).
Tăng thân của Đức Thế Tôn
Sau khi giác ngộ dưới gốc cây bồ đề việc đầu tiên của Bụt là tìm cách xây dựng một tăng thân. Bụt, cũng như mục sư Martin Luther King của thế kỷ 21, biết rằng nếu không có tăng thân thì sẽ không thể thực hiện được ước mơ và hoàn thành sự nghiệp của một vị Bụt. Nếu không có một cộng đồng, hay một tăng thân, một vị Bụt không thể làm được gì. Giống như nhạc công mà không có nhạc cụ thì không thể làm được gì. Bụt xây dựng tăng đoàn rất giỏi. Sau khi thành đạo Ngài đã nhanh chóng xây dựng một tăng đoàn gồm 1.250 vị khất sĩ. Một việc không mấy dễ nhưng Ngài đã học hỏi kinh nghiệm để xây dựng. Chúng ta cũng có thể học hỏi để xây dựng một tăng đoàn.
Tất cả chúng ta đều ý thức rằng có khổ, khổ bên trong và khổ bên ngoài. Chúng ta muốn làm một cái gì đó để vơi đi nỗi khổ. Nhưng đôi khi ta cảm thấy bất lực vì nỗi khổ vượt quá khả năng của ta. Ta mệt mỏi và phiền muộn. Đức Thế Tôn khi còn trẻ, Ngài cũng đã như vậy. Ngài nhìn đâu cũng thấy khổ. Ngay cả một vị vua như vua cha của Ngài cũng chẳng thể thực hiện được gì nhiều. Vì vậy Ngài quyết định không nối ngôi làm vua. Ngài tìm cách khác. Động lực thúc đẩy Ngài tìm đường tu hành chính là khát vọng sâu xa làm vơi bớt nỗi khổ của chúng sinh.
Các vị xuất gia cũng như các cư sĩ cũng có động lực như Bụt, muốn vơi bớt nỗi khổ của mình và của thế giới. Nỗi khổ bên trong phản ánh nỗi khổ bên ngoài thế giới. Nếu hiểu được nỗi khổ của mình, ta sẽ hiểu được nỗi khổ của thế giới; nếu chuyển hóa được nỗi khổ của mình, ta có thể giúp chuyển hóa nỗi khổ của thế giới. Và đây chính là điều Đức Thế Tôn đã làm.
Khi tôi còn là một thầy tu trẻ, trong suốt những năm tháng chiến tranh, Việt Nam đã chịu vô cùng thống khổ: hàng triệu người chết – không chỉ binh lính mà cả thường dân, không chỉ người lớn mà cả trẻ em. Khổ đau tràn ngập khắp nơi. Chúng tôi muốn tìm cách giúp kết thúc chiến tranh. Tôi thấy rất rõ rằng nếu chỉ một mình thì chẳng làm được bao nhiêu, phải tập hợp lại thành một tăng thân thì may ra đạt được kết quả.
Ai cũng thấy như vậy. Hành tinh của chúng ta có quá nhiều hiểm nguy, có quá nhiều bạo lực và đau khổ. Nếu để mặc bất lực trấn ngự, bạn sẽ phát điên. Bạn muốn hành động – trước để sống sót và sau để vơi bớt khổ đau. Và cũng như Bụt, chúng ta thấy rằng nếu không có tăng thân, thì chẳng thể làm được gì nhiều. Vì vậy chúng ta tụ họp lại và cùng tăng thân vượt qua mọi thăng trầm, vì chúng ta biết rằng chẳng có cách nào để thoát khỏi tình huống này ngoài việc hoạt động cùng với tăng thân.
So với khổ đau trên thế giới, khổ đau của cá nhân chẳng là bao. Nhận ra như vậy nỗi khổ của riêng ta sẽ được giải tỏa. Khi liên hệ với nỗi khổ của thế giới, ta bớt cô đơn và nỗi khổ của ta sẽ dần tan biến. Một tăng thân có cùng chung một khát vọng, một năng lượng, một ý chí. Nhờ vậy mà có thể đạt được nhiều thành quả. Tôi tin rằng vị Bụt của tương lai sẽ không phải là một cá nhân mà là một tăng thân. Chỉ có một vị Bụt thì không đủ. Phải có một tăng thân.
Chúng ta phải đến với nhau để nuôi dưỡng niềm vui và tình nhân loại. Cùng nhau làm việc, cùng cười, cùng hát, chúng ta xây đắp hạnh phúc, cải thiện thân tâm và nuôi dưỡng khát vọng. Khát vọng càng lớn chúng ta càng có khả năng đối mặt với khó khăn và cùng nhau giúp vơi bớt nỗi khổ trên thế giới.
Chúng ta có được rất nhiều niềm vui khi cùng nhau làm việc như một tăng thân. Niềm vui kết hợp chúng ta và giúp chúng ta kết hợp thế giới. Không có niềm vui từ tình huynh đệ này, chúng ta không thể đi xa. Lòng từ ái không khác tình huynh đệ, hiểu và thương. Nó không phải tình yêu lứa đôi. Tình yêu lứa đôi không đủ. Tình yêu lứa đôi chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Tình huynh đệ là một tình yêu bền vững, nâng đỡ ta và giúp ta thực hiện ước nguyện của đời mình.
Phải ý thức rằng nếu không có tăng thân, không cùng sống trong chân tình, thì không thể giúp chuyển hóa sợ hãi và đau khổ của thế gian. Chúng ta nên thực tập hơi thở để giải tỏa căng thẳng và ôm ấp khổ đau. Khi có cảm giác sợ hãi, tức giận, hay tuyệt vọng, chúng ta phải biết cách thực tập lắng nghe sâu, lắng nghe từ bi và ái ngữ để phục hồi truyền thông. Thực tập giúp chúng ta chuyển hóa đau khổ trong bản thân, trong gia đình, trong cộng đồng và trong thế giới. Nhưng không dễ thực tập nếu không có tăng thân.
Xây dựng tăng thân
Điều đầu tiên cần làm là tìm hiểu hiện trạng và tìm ra những thành viên để xây dựng tăng thân. Phải bắt đầu giống như Đức Thế Tôn. Không đợi khóa tu sau hay kỳ nghỉ hè sau, chúng ta phải tham gia một tăng thân hoặc xây dựng một tăng thân ngay bây giờ. Rồi chúng ta có thể tiếp tục thực tập đi trong chánh niệm, ngồi, thở, nghe chuông trong chánh niệm. Xây dựng tăng thân là một việc rất quan trọng và cao cả. Mỗi người chúng ta nên để tâm xây dựng tăng thân càng sớm càng tốt, một tăng thân đích thực, một cộng đồng có thể chế tác tình huynh đệ, sự an bình và năng lượng chánh niệm.
Nếu không có tăng thân ở gần hay thích hợp thì hãy xây dựng một tăng thân trong nhà bạn, trong thành phố của bạn, và tạo ra một nơi nương tựa cho bạn, con cái, bạn bè, gia đình bạn. Năng lượng tập thể mạnh hơn năng lượng cá nhân và nếu bạn biết cách lợi dụng năng lượng này, bạn sẽ đủ sức mạnh để điều phục cảm xúc và không bị đau khổ nhấn chìm.
Khi ném một hòn đá xuống sông hòn đá dù rất nhỏ cũng chìm. Nhưng một con thuyền có thể chở nhiều tảng đá nặng. Cũng vậy, chỉ một mình, bạn sẽ chìm xuống dòng sông đau khổ, nhưng nếu có một tăng thân nâng đỡ và ôm ấp, thì bạn sẽ thoát nạn. Nhiều người đã được lợi lạc rất lớn từ năng lượng tập thể của tăng thân. Nếu thấy rằng tăng thân là vô cùng quý giá và cần thiết cho sự thực tập thì hãy hết sức cố gắng tìm đến một nhóm người (một tăng thân) để cùng thực tập và mọi người đều sẽ được lợi lạc. Tăng thân ấy là thuyền cứu mạng của bạn.
Nếu thực tập tốt, bạn trở thành nơi nương tựa cho chính mình và những người thân yêu. Nếu bạn biến gia đình bạn thành một tăng thân thì những người khác có thể đến và nương tựa nơi gia đình bạn. Nếu bạn có thể tập hợp một vài gia đình, tạo thành một tăng thân, và nếu nhóm bạn thực tập tốt, nó trở thành nơi nương tựa cho nhiều người khác. Ở trong tăng thân, chúng ta như những giọt nước của một dòng sông. Tăng thân ôm ấp và chuyên chở, nhận diện và chuyển hóa khổ đau.
Đọc Sợ hãi, chương 01 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 02 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 03 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 04 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 05 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 06 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 07 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 08 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 09 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 10 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 11 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 12 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 13 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 14 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 15 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 16 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 17 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 18 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 19 tại đây.
Đọc Sợ hãi, chương 20 tại đây.
Đọc Sợ hãi, toàn tập tại đây.