Niên lịch miền gió cát | Chương 14
Niên lịch miền gió cát hòa quyện lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh và triết học qua ghi chép về sinh vật tại trang trại Wisconsin.
· 12 phút đọc.
Chuyến xe buýt đi Illinois ột người nông dân và cậu con trai đang đứng nơi sân sau, kéo một lưỡi cưa cắt ngang qua phần thân ruột của một cây dương đen Bắc Mỹ đại thụ. Thân cây to đến độ chỉ còn một phần ngắn lưỡi cưa thòi ra, vừa đủ để cầm cán cưa và kéo.
Đã có một thời mà cây dương đen đó từng nhấp nhô trên thảo nguyên gợn sóng như một cột mốc hàng hải. George Rogers Clark có lẽ đã từng cắm trại dưới gốc cây trong khi những con bò rừng nằm nghỉ trưa trong bóng râm của nó, đuôi phe phẩy đuổi ruồi. Mỗi độ xuân về, nó lại trở thành nơi cư ngụ của những cánh bồ câu chấp chới. Mặc dù cây dương đen này là thư viện lịch sử tuyệt vời nhất chỉ sau thư viện của Trường đại học Bang, cứ một năm một lần nó lại thả từng cụm bông bám dính lên màn chắn cửa sổ các trang trại. Và với những người nông dân thì chỉ có điều thứ hai mới là quan trọng mà thôi.
Trường đại học Bang thuyết phục những người nông dân rằng cây du Trung Hoa không nhả bông làm kẹt màn chắn, và vì thế sẽ phù hợp để trồng hơn là cây dương đen. Họ cũng cao giọng phán về những vấn đề như mứt anh đào, bệnh do vi trùng Brucella ở gia súc, giống ngô lai, hay việc làm đẹp nông trại. Điều duy nhất mà họ không biết về các trang trại này là chúng đến từ đâu, và rằng nhiệm vụ của chúng là biến Illinois thành một thiên đường trồng đậu nành.
Tôi đang ngồi trên một chiếc xe buýt lướt đi với vận tốc gần 100 cây số một giờ trên một cao tốc ban đầu là đường được đắp cho ngựa và xe kéo. Dải lụa bê – tông này đã được nới rộng đến nỗi các thanh rào chắn hai bên chỉ chực đồ rạp xuống lòng đường. Nằm kẹt trong dải cỏ hẹp giữa bờ sông trơ trọi và những hàng rào xiêu vẹo là những di tích còn lại một thời của Illinois: thảo nguyên.
Không ai trong xe buýt nhìn thấy những di tích này. Một ông nông dân mặt mũi âu lo, với hóa đơn phân bón lấp ló nơi túi ngực, đưa mắt nhìn bàng quan về phía những cây hoa mõm sói, cây đậu mắt gà, hay cây đậu bông tím – những cỗ máy bơm khí ni – tơ từ bầu không khí thảo nguyên vào trong nền đất mùn của ông ta. Với ông ta thì chúng cũng chẳng khác gì đám cỏ lúa hợm hĩnh mọc kế bên. Nếu tôi có hỏi ông ta rằng tại sao các ruộng ngô của ông lại cho đến tận 100 giạ ngô, trong khi các bang khác nơi không có thảo nguyên thì giỏi lắm chỉ cho ra được 30 giạ, ông ta chắc sẽ trả lời rằng vì đất ở Illinois màu mỡ hơn. Nếu tôi hỏi ông ta tên của cây leo đầy gai nở hoa giống như bông đậu màu trắng kia là gì, ông ta sẽ lắc đầu.
Một loại cỏ dại nào đó, chắc vậy.
Một nghĩa trang lướt qua bên ngoài, bờ tường của nó viền băng những bụi hoa vòi voi lông xám. Những cây vòi voi này đã biến mất ở hầu hết mọi nơi khác; những cụm hoa vòi voi vốn nhuộm thảo nguyên một màu vàng cam nay đã bị thay thế bởi bông cúc hôi và cây diếp dại. Những cây vòi voi lông xám giờ đây chỉ còn trò chuyện với những người đã khuất mà thôi.
Qua cửa sổ xe buýt mở ngỏ, tôi nghe thấy tiếng huýt sáo rung lồng ngực của một con choi choi miền ngược. Đã từng có thời cha ông của chúng theo chân những con bò rừng lội trong đầm lầy nơi bùn sình ngập lên đến tận vai – một khu vườn trải ra vô tận với muôn vàn loài hoa đã chìm vào quên lãng. Một cậu bé nhác trông thấy một con chim và thuật lại với ông bố: đó là một con dẽ giun kìa.
Tấm biển trên đường viết, Bạn đang đi vào địa phận Khu Bảo tồn Green River (Green River Soil Conservation District). In bằng phông chữ nhỏ hơn bên dưới là một danh sách những người cộng tác, quá nhỏ để đọc được từ một chiếc xe buýt đang chạy. Hẳn đó là một danh sách các nhân vật tham gia vào việc bảo tồn ở đây.
Tấm biển sơn quét cẩn thận này được dựng trên một trảng cỏ mọc tràn trên đáy lạch nước ngắn đến độ bạn có thể chơi golf ở đó được. Nằm kế bên là khúc uốn duyên dáng của con lạch cũ nay đã cạn lòng. Lòng nước mới được đào thẳng như lấy thước kẻ: người kỹ sư của hạt đã nắn thẳng nó để cải tiến việc thoát chất thải. Trên ngọn đồi phía đằng xa là những luống hoa màu được trồng cách đều xen giữa bằng các dây cỏ; chúng đã được uốn cong thành diềm quanh quả đồi để làm giảm bớt xói mòn đất.
Dòng nước ở đây hẳn là rối trí lắm trước những gợi ý ngược ngạo như vậy.
Tất cả mọi thứ trong trang trại này đều bốc lên mùi tiền vay ngân hàng.
Khắp nơi trong trang trại là màu sơn mới, màu sắt, và màu bê – tông. Một tấm biển ghì niên đại liệt kê tên của những người sáng lập nên trang trại.
Những cột thu lôi mới coóng dựng đứng trên mái nhà, và con gà trống bằng sắt cắm trên đó được mạ vàng sáng choang. Ngay cả đám lợn trông cũng hái ra tiền.
Những thân sồi già trong khuôn viên không có một chút tì vết: không hàng rào bao quanh, không vết sơn quệt, hay một dấu tích nào của canh nông vụng lười. Cánh đồng ngô lên luống thẳng táp, nhưng chắc chẳng có một con chim cút nào ở đó. Những hàng rào dựng trên những dải đất mùn hẹp te. Người nào cày ruộng tới sát hàng rào kẽm gai như vậy hẳn đã phải tụng niệm trong đầu rằng, Không lãng phí thì không ham muốn.
Nơi trảng cỏ ở đáy con lạch kia, rác rến theo dòng nước chảy vướng mắc đầy vào bụi cây. Bờ suối hai bên càng lúc càng lở loét, từng mảng lớn đất đai Illinois đang dần sụt lở và chảy trôi về hướng biển. Từng đám cỏ phấn hương làm dấu những khe rãnh nơi nước lũ dâng lên đã cắt xẻ bờ sông khi trước. Liệu mọi thứ ở đáy còn hái ra tiền được trong bao lâu nữa?
Con đường cao tốc kéo dài như một miếng băng dính xuyên qua những thân ngô, yến mạch, và cánh đồng cỏ ba lá. Chiếc xe buýt cứ đếm từng dặm dài, trong khi các hành khách tiếp tục hàn huyên tán gẫu. Họ đang bàn tán về điều gì? Về bóng chày, thuế má, con rể, phim ảnh, xe mô – tô, và những đám tang, nhưng tuyệt nhiên họ không đả động gì đến những cơn ba đào biến động của Illinois đang quét lên cửa kính xe. Illinois với họ không có nguồn cội, lịch sử nông sâu, không có cả những đợt thủy triều của sự sống và cái chết. Với họ, Illinois chỉ đơn thuần là đại dương thái bình nơi con tàu của họ cập lái những bến cảng không tên.
Cặp chân đỏ quẫy đạp Khi hồi tưởng lại về những ký ức đầu đời, tôi thường băn khoăn tự hỏi rằng liệu việc mà chúng ta vẫn gọi là trưởng thành thực chốt có phải là một quá trình tụt hậu hay không. Liệu rằng kinh nghiệm, thứ mà người lớn luôn nói rằng trẻ con còn thiếu, có phải là cách những thứ tủn mủn vụn vặt làm bão hòa dần dần những điều thiết yếu trong cuộc sống. Tôi chỉ chắc chắn một điều: những ấn tượng sớm nhất của tôi về thế giới tự nhiên và cách vận hành của nó vẫn giữ độ sắc bén về hình khối, màu sắc, và xúc cảm mà gần một nửa thế kỷ kinh nghiệm quan sát thiên nhiên chuyên nghiệp không tài nào xóa mờ đi hay cải thiện thêm được gì.
Như bất kỳ ai mong muốn được làm thợ săn, từ khi còn nhỏ, tôi đã được giao cho một khẩu súng ngắn một nòng và giấy phép săn thỏ. Một thứ Bảy trời đông, trên đường đi đến bãi săn yêu thích nhất, tôi để ý thấy trên mặt hồ, lúc ấy đã phủ kín băng tuyết, hình thành một lỗ khí nhỏ tại nơi nước ấm từ một cối xay gió thải ra và chảy xuống. Mặc dù tất cả những con vịt đã sớm bay về phương Nam, nhưng khi đó trong đầu tôi hình thành giả thuyết đầu tiên của mình như một nhà điểu học: nếu còn có con vịt nào trong vùng, hẳn nó sớm muộn gì cũng sẽ tìm đến cái lỗ khí này. Tôi tạm kìm nén ham muốn săn thỏ của mình lại (một việc không hề dễ dàng ở tuổi đó), ngồi xuống trong bụi cỏ dại ướt át trên nền bùn đất đóng băng, và chờ đợi.
Tôi chờ hết cả buổi chiều, trong tiết trời mỗi lúc một thêm lạnh buốt cùng tiếng kêu răng rắc như khớp gối cạn dịch đau mỏi phát ra từ cối xay gió nặng nề quay. Cuối cùng, khi hoàng hôn buông xuống, một con vịt đen đơn độc từ đâu xuất hiện từ đằng tây và gập cánh lao thẳng về phía cái lỗ khí mà thậm chí không buồn đảo một vòng thám thính trước.
Tôi không nhớ con vật đã lao xuống như thế nào. Tôi chỉ còn nhớ cảm giác hân hoan khó tả của mình khi nhìn thấy chú vịt đầu tiên của tôi đâm vào mặt tuyết đánh bộp một tiếng và ngã ngửa ra, cặp chân màu đỏ giơ lên quẫy đạp liên hồi.
Khi cha tôi trao cho tôi khẩu súng ngắn. Ông dặn tôi có thể dùng nó để săn gà gô, với điều kiện tôi không được phép bắn khi chúng đã đậu trên cây. Ông nói rằng tôi đã đủ tuổi để tập bắn gà gô trong khi chúng đang bay rồi.
Con chó của tôi rất tài trong việc dồn bắt lũ gà gô, và việc từ bỏ một con mồi nằm chắc trên cây để đuổi theo một con mồi khó nhằn đang bay là bài học đầu tiên của tôi về đạo đức đi săn. So với việc nắm chắc trong tay một con gà gô đã bị dồn vào góc, thì những cám dỗ của quỷ sứ dưới bảy tầng địa ngục cũng chẳng thấm tháp vào đâu.
Vào cuối mùa săn gà gồ thứ hai mà tôi vẫn tay trắng, một ngày nọ, từ trong một bụi cây dương lá rung từ bên trái tôi nhào ra một con gà gô tướng đại miệng kêu quang quác. Con vật bay vút lên cao khỏi ngọn các cây dương, chạy vòng ra phía sau tôi để bằng mọi giá đến được đầm lầy cây tuyết tùng gần nhất. Đó là một cú bắn vung nòng súng mà bất cứ một tay săn gà gô nào cùng mơ tới, và con chim khuỵu cánh rơi xuống chết tại chỗ trong một cơn mưa lông vũ và lá thông vàng rơi lả tả.
Đến bây giờ tôi vẫn có thể họa lại chính xác một tấm bản đồ nơi mình bắn được con gà gô đang bay đầu tiên, với mỗi bụi cây giác mộc Canada và một bông cúc sao xanh thầm mọc viền quanh chỗ nó ngã xuống. Tôi đồ rằng niềm ưu ái của tôi hiện giờ dành cho hai loại cây này cũng khởi nguồn từ đó.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 01 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 02 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 03 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 04 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 05 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 06 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 07 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 09 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 10 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 11 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 12 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 13 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 14 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 15 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 16 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 17 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 18 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 19 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 20 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 21 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 22 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, toàn tập tại đây.