Niên lịch miền gió cát | Chương 01
Niên lịch miền gió cát hòa quyện lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh và triết học qua ghi chép về sinh vật tại trang trại Wisconsin.
· 7 phút đọc · lượt xem.
Tháng Giêng tuyết tan hàng năm, sau những cơn bão tuyết giữa kỳ đông chí, sẽ có một buổi tối mà khắp đất trời tí tách vang lên tiếng những giọt tuyết tan chảy khi vạn vật chuyển mình rã đông. Thời khắc này không chỉ làm xao động tâm hồn các giống loài đang say ngủ, mà còn đánh động cả những loài đã ngủ vùi trong suốt mùa đông. Con chồn hôi ngủ đông, lúc này đang cuộn tròn sâu bên trong ổ, duỗi mình và bước ra thăm thú sục sạo thế giới ẩm ướt bên ngoài, kéo lê cái bụng trên lớp tuyết. Dấu vết mà nó để lại sẽ đánh dấu một trong những mốc sự kiện sớm nhất trong cái chu kỳ của khởi nguồn và kết thúc mà chúng ta vẫn gọi là một năm.
Vết chân con chồn ít khi thể hiện một mối bận tâm đến những diễn biến đời thường hiếm gặp trong các mùa khác; nó cứ băng băng chạy thẳng qua miền đồng quê, như thể chủ nhân của con đương tự tạo này đã buông dây cương cỗ xe của mình và để cho nó cứ thế bám đuôi một vì tinh tú. Tôi lần theo dấu chân con chồn, lòng không khỏi tò mò muốn luận ra suy tư cũng như tập tính ăn uống của con vật, hay cả đích đến nếu có trong đầu nó.
Các tháng trong năm, từ tháng Giêng đến tháng Sáu, là một chuỗi tịnh tiến theo cấp số nhân của vô vàn những điều cám dỗ lòng người. Vào tháng Giêng, ta có thể lần theo vết chân loài chồn hôi, hay tìm kiếm bầy chim bạc má, hay quan sát xem lũ hươu đang nhấm nháp những nhánh thông non nào, hay lùng xem những cái tổ chuột xạ hương mới đắp. Trong những cuộc thăm thú tháng Giêng lãng đãng và dung dị như sương tuyết, dàn trải như cái lạnh cuối đông, chỉ thỉnh thoảng thì tâm trí ta mới xao nhãng và sa đà vào việc khác. Thời gian dư dả cho phép ta không chỉ mục sở thị loài nào đã làm những gì, mà còn ngẫm ngợi về lý do đằng sau của chúng.
Một con chuột đồng, giật mình khi nghe tiếng chân tôi bước lại gần, phóng ngang qua vệt đường ướt nước mà con chồn hôi để lại. Tại sao nó lại hiện hữu ngay giữa ban ngày như thế? Có lẽ nó đang lấy làm phiền lòng vì mùa tuyết tan. Hôm nay, mê lộ mà nó đã dày công gặm nhấm tạo lối trong đám cỏ bết chôn vùi dưới tuyết không còn là những đường hầm bí mật nữa, mà chỉ còn là những tuyến đường lộ thiên phơi bày ra cho thiên hạ soi mới chế nhạo. Quả thực, ánh nắng sưởi ấm của mặt trời đã giễu cợt nơi trú thân căn bản trong hệ thống sinh hoạt loài chuột! Con chuột đồng như một công dân thức thời hiểu rằng cỏ mọc sẽ giúp nó tích trữ những bó rơm làm đường, và tuyết rơi sẽ tạo điều kiện cho nó dùng từng bó rơm đó để xây nên những đường hầm: một trật tự cung – cầu và vận chuyển hết sức chặt chẽ. Với con chuột, tuyết rơi đồng nghĩa với việc được giải thoát khỏi nhu cầu sinh tồn và nỗi sợ thường trực.
Một con diều hâu chân xù đang từ trên trời sà xuống phía cánh đồng trước mặt. Lúc thì nó dừng lại, có lúc lại chao liệng như một con bói cá, rồi bổ nhào xuống đồng cỏ ngập nước như một trái bom phủ lông. Nó không bay lên sau đó nữa, nên tôi dám chắc rằng nó đã bắt được mồi, và giờ thì đang xé thịt một kỹ sư chuột đồng nào đó không đủ kiên nhẫn để đợi trời tối trước khi mò ra xem xét những chỗ sập lở trong cái thế giới ngăn nắp mà mình tạo ra.
Con diều hâu không màng gì đến chuyện tại sao cỏ lại mọc, nhưng nó nhận thức rõ rệt rằng tuyết tan sẽ giúp cho diều hâu có thể tiếp tục bắt chuột. Và nó đã bay xuống đây từ Bắc cực lạnh giá với hy vọng sẽ gặp đúng mùa tuyết tan, vì tuyết tan đối với loài diều hâu đồng nghĩa với việc được giải thoát khỏi nhu cầu sinh tồn và nỗi sợ thường trực.
Vết chân con chồn dẫn vào trong khu rừng, cắt ngang một trảng rừng thưa nơi những con thỏ đã kịp để lại vết chân của mình cùng những vệt nước tiểu lấm tấm hồng trên nền tuyết trắng. Những mầm cây sồi mới nhú chào đón mùa tuyết tan băng những chồi non vừa tẽ vỏ. Các búi lồng thỏ rơi vãi đánh dấu những cuộc tranh giành mở màn giữa mấy con đực rạo rực men tình. Đi sâu hơn nữa, tôi tìm thấy một vũng máu nhỏ, viền xung quanh là vòng cung sải cánh của loài cú. Với con đực xấu số này, mùa tuyết tan mang lại sự tự do ham muốn, nhưng đồng thời cũng khiến con vật liều mạng quên đi nỗi sợ bản năng. Và con cú đã nhắc nhở nó rằng mùa xuân về không đồng nghĩa với việc ta được phép lơ là bất cẩn.
Con chồn vẫn tiếp tục để lại những vết chân, dường như tâm trí nó lúc này không dành cho việc kiếm tìm thức ăn, mà cũng chẳng màng đến những chuyện hỉ nộ ái ố của các bên hàng xóm. Tôi băn khoăn trong đầu nó đang suy nghĩ điều gì; cái gì đã đưa chân nó ra khỏi ổ? Liệu có phải anh chàng cũng đang kéo lê cái bụng bự trên nền tuyết bùn nhão nhoét để tìm nơi thỏa chí yêu đương? Sau cùng thì vết chân đi vào trong một đám cành củi trôi dạt và không thấy trở ra. Tôi lắng tai nghe tiếng những giọt nước chảy tong tỏng qua những thân củi, và tôi đồ rằng con chồn hẳn cũng nghe thấy. Tôi quay bước về nhà, lòng vẫn miên man tự hỏi.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 01 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 02 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 03 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 04 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 05 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 06 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 07 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 09 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 10 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 11 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 12 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 13 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 14 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 15 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 16 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 17 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 18 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 19 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 20 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 21 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 22 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, toàn tập tại đây.