Aldo Leopold | Niên lịch miền gió cát | Chương 10
Niên Lịch Miền Gió Cát như một sự tổng hòa giữa lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh bằng ngôn từ và cả triết học. Bằng việc ghi chép lại những thay đổi của sinh vật tại khu trang trại ở Wisconsin.
· 24 phút đọc.
Sắc vàng nhuộm khói trên đời này có hai kiểu đi săn: đi săn thông thường và đi săn gà gô cổ khoang.
Có hai chỗ để săn gà gô cổ khoang: mọi chỗ trên đồi và hạt Adams.
Có hai thời điểm để đi săn ở Adams: mọi thời điểm trong năm, và khi những rừng thông lá rụng chuyển sang màu vàng nhuộm khói. Câu chuyện này được viết cho những ai kém may mắn chưa từng được đứng ngắm nhìn những chiếc lá kim màu vàng rơi lấm tấm lên nền đất, trên tay là khẩu súng hết đạn còn miệng thì há ra sững sờ. Trong khi đó, con gà gô nhẹ nhàng lướt như một trái tên lửa xù lông qua cơn mưa lá thông lả tả rồi hạ cánh an toàn trong bụi cây thông lùn.
Những cây thông rụng lá chuyển màu từ xanh sang vàng khi những đợt sương giá đầu mùa đuổi bạt những con chim dẽ gà, chim sẻ lông hung, và sẻ Bắc Mỹ ra khỏi vùng trời phương Bắc. Từng toán chim cổ đỏ đang vặt trụi những trái sơn thù du trắng, để lại đằng sau những cành nhánh phớt hồng trên nền đồi. Những cây tổng quán sủi bên bờ suối đã trút hết lá, hé lộ đâu đây những cây nhựa ruồi um tùm. Những bụi mâm xôi trái chín đỏ mọng như những ngọn đèn dẫn đường cho ta đi đến nơi trú ngụ của bầy gà gô.
Loài chó hẳn sẽ biết dò đường đến với lũ gà gô hơn chúng ta, nên tốt hơn hết là bạn nên theo sát chân nó, và học cách đọc từ đôi tai vểnh lên của nó những câu chuyện thì thầm trong ngọn gió. Cuối cùng khi nó dừng khựng lại và liếc nhìn sang bên cạnh như ngụ ý sẵn sàng đi ông bạn, câu hỏi ở đây là sẵn sàng cho điều gì? Một con dẽ giun kêu chiêm chiếp, tiếng om sòm của một con gà gô mỗi lúc một gần, hay có lẽ là một con thỏ? Giây phút ngập ngừng này là sự cô đặc những gì hấp dẫn nhất của việc đi săn gà gô cổ khoang. Người nào biết chắc chắn mình cần sẵn sàng cho điều gì, tốt hơn là nên đi săn gà lôi chim trĩ thì hơn.
Phong vị của mỗi chuyến đi săn là khác nhau, và những lý do của sự khác biệt này cũng không kém phần tinh tế. Những con mồi thi thú nhất là những con mồi nẫng được ngay dưới mũi các thợ săn khác. Để làm được điều này, hoặc bạn phải đi sâu vào trong rừng nơi chưa ai từng đặt chân đến, hoặc bạn phải tìm được một nơi săn bắn chưa một ai khám phá ra.
Rất ít thợ săn biết về sự tồn tại của loài gà gô ở hạt Adams, vì khi lái xe ngang qua, họ chỉ nhìn thấy một vùng toàn cây thông lùn và bụi sồi.
Điều này là do đường cao tốc cắt qua một chuỗi các con suối đổ về hướng tây; mỗi con suối lại hướng về một khu đầm lầy, nhưng trước đó sẽ chảy qua những bãi đất cát khô. Vậy thì hẳn nhiên là đường cao tốc chạy về phía bắc sẽ cắt qua những khu vực cằn cỗi này. Tuy nhiên, chếch lên phía trên khu đường cao tốc, nằm đằng sau hàng rào những bụi cây khô, mỗi con suối nhỏ sẽ hòa mình vào một dải đầm lầy rộng lớn, một thiên đường lý tưởng cho loài gà gô.
Tại đây, mỗi dịp tháng Mười, tôi ngồi một mình dưới những rặng cây thông rụng lá và lắng nghe tiếng xe của các thợ săn trên cao tốc, chen chúc phóng hết tốc lực về hướng các khu săn bắn đông nghẹt ở các hạt phía bắc.
Tôi bật cười khi tưởng tượng ra kim chỉ công – tơ – mét của họ nhảy múa loạn xạ, bộ mặt căng thẳng và ánh mắt hau háu dán chặt vào đường chân trời phía bắc. Một con gà gô trống rúc lên một tràng phản pháo khi nghe thấy tiếng những chiếc xe lao qua. Con chó của tôi nhe răng cười sau khi đã ghi nhớ hướng của con gà. Chúng tôi đồng tình rằng cậu chàng đó cần vận động xương khớp một chút, và chúng tôi lập tức bắt đầu cuộc truy lùng.
Những cây thông lá rụng không chỉ mọc trong đầm lầy, mà còn mọc ở chân vùng núi cao kế bên, nơi những dòng suối từ đó tuôn chảy.
Rong rêu đã làm nghẽn dòng chảy của các con suối, tạo nên một khu địa hình lầy lội. Tôi gọi những khu vực này là các vườn treo, vì chính từ lớp mùn tạp chất này mà những cây long đởm cho ra đời những bông hoa ngọc thạch bọc trong diềm lá xanh. Những thảm hoa long đờm tháng Mười ấy, rắc lên trên một lớp bụi lá thông vàng óng, quả đáng để ta dừng chấn thưởng ngoạn hồi lâu, ngay cả khi con chó đang ra dấu rằng có gà gô ở phía trước.
Lọt giữa mỗi khu vườn treo và bờ suối là một con đường phủ rêu do vết chân hươu để lại, tiện cho các tay thợ săn lần theo và cũng dễ dàng cho các con gà gô băng qua chỉ trong tích tắc. Câu hỏi đáng nói ở đây là liệu con gà gô và khẩu súng có cùng chung khái niệm thế nào là một tích tắc hay không. Nếu hai dòng suy nghĩ này lệch nhau, con hươu tiếp theo đi qua lối mòn này sẽ chỉ tìm thấy vài vỏ đạn rỗng, nhưng không có sợi lông gà nào vương lại.
Đi lên nữa về phía thượng nguồn con suối, tôi bắt gặp một trang trại bỏ hoang. Tôi cố gắng đoán xem, dựa trên tuổi của các cây thông lùn đang tiến quân chiếm đóng một thửa ruộng cũ, từ khi nào mà ông chủ trang trại xấu số này phát hiện rằng những cánh đồng cát chỉ nảy mầm lên sự cô độc, chứ không phải những bắp ngô. Những cây thông lùn là những người kể chuyện dân gian về nơi chốn, tuy có phần kém tin cậy vì chúng mọc ra nhiều vòng xoắn lá mỗi năm thay vì chỉ một. Tôi tìm được một thước đo thời gian đáng tin cậy hơn là một cây du non, giờ đang đứng án ngữ trước cổng trang trại. Những vòng tuổi thọ của nó bắt đầu từ mùa hạn hán năm 1930. Từ đó đến nay, đã không còn ai lui tới trang trại này để mua sữa nữa.
Tôi băn khoăn không biết gia đình này đã nghĩ gì khi tiền thế chấp tài sản của họ đội lên cao hơn tiền bán hoa màu, đánh dấu việc họ phải di dời đi nơi khác. Có nhiều ý nghĩ không để lại dấu vết gì như những con gà gô sải cánh bay, nhưng một vài ý nghĩ khác thì lại sống sót qua nhiều thập kỷ.
Người đàn ông trồng cây đinh hương này vào một tháng Tư kỷ niệm nào đó, hẳn đã khoan khoái nghĩ về những nhành hoa thơm ngát nở rộ những ngày tháng Tư sau đó. Người đàn bà từng dùng tấm ván vò quần áo này, những nếp gấp đã mòn sau nhiều thứ Hai giặt giũ, hẳn đã mơ đến một ngày thứ Hai không phải làm lụng (và điều đó quả đã sớm xảy ra).
Trong lúc miên man suy nghĩ về những câu hỏi ấy, tôi chợt nhận ra con chó đã men xuống gần suối, ngồi kiên nhẫn ở đó được một lúc lâu. Tôi đi tới chỗ nó, lẩm bẩm xin lỗi về sự mất tập trung của mình. Đâu đó phía trước, một con dẽ gà cất tiếng kêu thoắt ẩn thoắt hiện, bộ ngực màu cá hồi của nó phản chiếu cái nắng tháng Mười. Giờ là lúc cuộc đi săn bắt đầu.
Ngày hôm ấy quả thật khó để tập trung nghĩ về đám gà gô trong khi có báo điều khác xung quanh mời gọi. Tôi đi qua một lối mòn vết chân hươu đực trên nền cát, và tò mò lần theo nó. Vết chân dân thẳng từ bụi cây táo lá trà vùng Jersey (Jersey tea bush) này sang bụi khác, lý do tại sao thì mời bạn nhìn vào những nhánh cây đầy vết gặm.
Việc này nhắc tôi nhớ rằng mình chưa ăn trưa. Nhưng trước khi kịp lôi bữa trưa ra khỏi túi đựng gà gô, tôi nhác thấy một con chim ưng lượn vòng phía trên cao, và bỗng dưng nảy ý định nhận diện nó. Tôi đợi cho đến khi nó nghiêng cánh và khoe ra cái đuôi màu hung đỏ.
Tôi với tay lần nữa định lấy bữa trưa, nhưng vừa lúc đó mắt tôi lại chạm vào một dải da sừng hươu gợn sóng. Ở đây một con hươu đực nào đó đã cọ sừng để bóc đi lớp nhung cũ ngứa ngáy. Chuyện này đã xảy ra được bao lâu rồi? Vết cọ sừng trên thân cây đã ngả màu nâu. Tôi đồ chừng giờ này thì những cái gạc hươu đã sạch sẽ và lên đế sừng mới rồi.
Tôi với tay lần nữa định lấy bữa trưa, nhưng lần này thì bị tiếng sủa đầy hào hứng của con chó gián đoạn, kèm theo tiếng chân nhảy ụp xuống đầm lầy. Từ đầm lầy phóng ra một con hươu đực sừng sững hiên ngang, với cặp sừng sáng loáng và bộ lông mềm mượt ánh sắc xanh. Vậy là dải da sừng hươu kia đã kể đúng sự thật.
Cuối cùng thì tôi cũng lấy được bữa trưa ra và ngồi xuống để ăn. Một con chim bạc má quan sát tôi, trong khi lại giữ kín việc nó đã ăn gì cho bữa trưa. Có lẽ là một món sơn hào hải vị nào đó như những búi trứng kiến béo ngậy, hay một món gì tương tự như thịt gà gô nướng nguội (cold roast) trong thế giới loài chim.
Sau khi ăn trưa, tôi nằm ngắm nhìn những cây thông rụng lá mới lớn mọc thành hình chữ V, những cành lá vàng ươm của chúng chĩa thẳng lên trời. Dưới gốc cây là những lớp lá kim rụng xuống hôm qua, dệt nên một tấm chăn màu vàng sắc khói, trong khi mở mỗi đầu cành là một búp non mới nhú, đang trong tư thế sẵn sàng chờ đợi mùa xuân của ngày mai.
Quá sớm Thức dậy quá sớm là một thói tật ăn vào máu của những con cú sừng, các vì sao, đàn ngỗng trời, và xe lửa chở hàng hóa. Một vài thợ săn đã học thói quen này từ bầy ngỗng, và một vài ấm cà – phê thì đã bắt chước theo các ông thợ săn. Thật lạ lùng rằng, trong số tất cả các giống loài buộc phải thức giấc vào lúc nào đó trong buổi sáng, chỉ có những loài ít ỏi nêu trên là tìm ra thời điểm dễ chịu nhất nhưng cũng kém hữu ích nhất để làm điều đó.
Chòm sao Thợ Săn (Orion) hẳn là người thầy đầu tiên của giáo phái dậy – quá – sớm này, vì chính ông là chòm sao báo hiệu giờ thức dậy cho các môn đồ – đó là khi chòm Thợ Săn đã đi qua phía tây thiên đỉnh một khoảng bằng quãng bay của một con mòng két.
Những kẻ dậy sớm thường thoải mái khi gặp gỡ nhau, một phần có lẽ do, khác với những kẻ ngủ nướng, họ thường không đề cao thành tích của mình. Chòm Thợ Săn, nhà du hành bôn ba khắp nơi, không hề đả động gì đến những cuộc rong ruổi của mình. Cái ấm cà – phê, từ những tiếng lục bục nhẹ nhàng trên bếp, cũng chẳng buồn kể lể về những giá trị của thứ đang sôi sùng sục trong ấm. Con cú, bằng chất giọng trầm chỉ đúng ba nốt của nó, tặc lưỡi cho qua câu chuyện về những vụ sát hại săn đuổi trong màn đêm. Bầy ngỗng trên bãi cát, ngắn gọn điểm qua các vấn đề thủ tục trong một cuộc thảo luận lầm rầm bằng tiếng ngỗng, không hề hé lộ chút manh mối nào rằng chúng đã từng thương thuyết với tất cả các chúa tể ngự trị trên khắp các ngọn núi và đại dương.
Mặc dù tôi công nhận đoàn tàu chở hàng không hề dè dặt trong việc thể hiện tầm quan trọng của mình, tự thân nó cũng mang một nét gì khiêm tốn: nó chỉ tập trung hướng mắt vào việc của minh một cách huyên náo, và không bao giờ lăng xăng chõ mũi vào chuyện của người khác. Tôi cảm thấy một sự tin tưởng chắc chắn với kiểu suy nghĩ thẳng thắn một chiều này của những con tàu chở hàng.
Việc đi vào khu đầm lầy quá sớm là một chuyên du hành thuần để lắng nghe: đôi tai tự do rà soát những tiếng động của đêm mà không bị tay hay mắt can thiệp phá bĩnh. Khi bạn nghe thấy tiếng húp sì sụp của một con vịt trời, bạn có thể tưởng tượng ra cảnh cả đàn vịt đang ngốn ngấu đánh chén giữa những cụm bèo tấm. Khi một con vịt trời America kêu quang quác, bạn có thể mặc nhiên hình dung ra một sư đoàn vịt trời mà không gặp cản trở về thị giác. Và khi một bầy chim di mỏ xanh nhằm hướng mặt hồ và xé toang tấm voan mờ tỏ phủ lên đất trời bằng một cú lao dài chúi mũi, bạn nín thở lắng nghe âm thanh của chúng để lại, nhưng mắt bạn chẳng nhìn thấy gì ngoài những ngôi sao. Cũng cùng màn biểu diễn đó, nếu xảy ra vào ban ngày, chúng ta sẽ cẩn phải chiêm ngưỡng và chụp hình nó, và nếu không may bỏ lỡ nó thì chúng ta sẽ cần tạo chứng cứ ngoại phạm để biện minh cho sự sơ ý của mình. Và dù sao thì ánh sáng ban ngày cũng không tô điểm thêm được gì cho bức tranh trong đầu bạn về những cánh chim rung lên xẻ đôi màn đêm dày đặc.
Thời gian lắng nghe kết thúc khi những con chim bắt đầu lặng lẽ cất cánh rời đi đến những vùng nước rộng rãi an toàn hơn, một đàn trở thành một đốm mờ dần trên nền trời phía đông đang dần ngả sang màu xám.
Giống như mọi khế ước ràng buộc khác, hiệp ước trước lúc bình minh chỉ có hiệu lực đến chừng nào màn đêm còn kìm giữ những kẻ ngạo ngược.
Dường như mặt trời chính là nhân tố đẩy sự ôn tôn dè dặt lui về phía sau cánh gà. Bất luận thế nào, vào lúc sương sớm phủ trắng những vùng đất trũng, tất cả các con gà trống bắt đầu ứng khẩu kèn cựa nhau tiếng gáy, và mỗi thân cây ngô thì lại tỏ ra mình cao hơn gấp đôi bất kỳ thân ngô nào từng mọc trên đồi. Khi mặt trời lên, tất cả các con sóc đều đang làm bộ bị hàng xóm xúc phạm nặng nề, và tất cả các con chim giẻ cùi đều đang la làng lên với vẻ thảng thốt ngụy tạo những giả thuyết về hiểm họa cho xã hội mà chúng vừa phát hiện ra mới đây thôi. Những con quạ đằng xa đang cao giọng nhiếc mắng một con cú tưởng tượng nào đó, tất cả chỉ cốt để khoe rằng loài quạ đề cao cảnh giác đến mức nào. Và cuối cùng là một con gà lôi trống, mải suy ngẫm về thời trai trẻ đào hoa của mình, đập cánh phành phạch và hô hoán lên những tiếng răn đe với thế giới rằng gã ta là chủ nhân đầm lầy này và tất cả những ả gà mái trong đó.
Và những ảo tưởng hào nhoáng này không chỉ ảnh hưởng lên loài cầm điểu và muông thú. Khi đến giờ ăn sáng, tiếng còi xe, la hét và huýt sáo bắt đầu vang dội trên khắp mọi nông trang, và cuối cùng khi đêm xuống là tiếng rè rè của một chiếc radio bỏ quên. Sau đó thì tất thảy đều lên giường đi ngủ để ôn lại những bài học về sự khiêm nhường của màn đêm.
Đèn lồng đỏ Cách thông thường để săn gà gô là lên kế hoạch, sử dụng logic và xác suất, dựa trên địa hình nơi bạn đi săn. Cách này sẽ dẫn bạn đến nơi trú ẩn giả định của những con gà gô.
Còn một cách khác là đi lang thang, nhìn ngó hết từ chiếc đèn lồng đỏ này đến chiếc khác. Cách này nhiều cơ may sẽ dẫn bạn đến nơi trú ngụ thực tế của bầy gà gô. Và những chiếc đèn lồng tôi nói đến ở đây là những chiếc lá cây mâm xôi, vốn nhuộm sắc son trong ánh nắng tháng Mười.
Đèn lồng đỏ đã soi đường chỉ lối cho tôi trong nhiều chuyến hành trình đi săn thú vị ở nhiều vùng khác nhau, nhưng tôi nghĩ có lẽ loài cây mâm xôi đã phải học cách thắng sáng những chiếc lá của mình trên các hạt vùng gió cát ở miền trung Wisconsin. Dọc theo những con suối nhỏ lầy lội của miền đất hiền lành bị lãng quên này, nơi người khác gọi là vùng đất nghèo (mặc dù chính họ cũng chẳng khá giả gì hơn ai), những bụi mâm xôi sáng ngời sắc đỏ trong những ngày nắng đậm suốt từ đợt sương giá đầu tiên đến ngày cuối cùng của mùa đông. Tất cả các con dẽ giun và gà gô đều dùng những bụi cây mâm xôi này làm buồng sưởi ấm riêng. Đa phần các thợ săn nào hay biết điều này; họ hoài công phí sức tìm mồi trên những bụi rậm không có cây mâm xôi, để rồi sau đó trở về nhà tay trắng và để cho chúng tôi được yên thân.
Chúng tôi ở đây bao gồm bầy gà gô, dòng suối, con chó, và chính tôi. Dòng sông là một kẻ lười biếng: nó uốn lượn khập khừng quanh các thân cây tổng quán sủi như thể nó thà ở lại đây còn hơn là đổ ra biển lớn.
Và chính tôi cũng cảm thấy vậy. Mỗi khúc cua chần chừ của nó đồng nghĩa với việc có nhiều thêm các bờ suối nơi các bụi cây mâm xôi gặp gỡ với các thảm dương xỉ đông cứng và mai dạ thảo ẩm ướt trong các bàu trũng.
Không con gà gô nào có thể cầm lòng đặng trước một nơi như vậy quá lâu, và tôi cũng vậy. Đi săn gà gô vì thế trở thành một cuộc dạo chơi dọc bờ suối, ngược chiều gió, từ bụi mâm xôi này sang bụi mâm xôi khác.
Khi con chó tấp vào các bụi mâm xôi, nó nhìn quanh để chắc chắn tôi đang đứng đâu đó trong tầm ngắm. Sau khi đã chắc chắn tiến từng bước thận trọng, cái mũi ướt rà soát không khí để lọc ra đúng một thứ mùi đó, sự hiện diện vô hình chỉ báo sự sống và ý nghĩa của nó trên từng mảnh đất. Nó là kẻ đãi vàng trong không khí, luôn luôn lùng sục các tầng không gian để chắt ra đúng thứ mùi cần thiết. Mùi của những con gà gô là thứ tiêu chuẩn vàng kết nối thế giới của nó với tôi.
Bên cạnh đo, con chó của tôi nghĩ rằng tôi còn nhiều điều phải học lắm về những con gà gô, và dưới góc độ của một nhà tự nhiên học thì tôi đồng tình với nó. Với sự kiên nhẫn của một vị giáo sư môn logic, nó tận tình kèm cặp tôi về nghệ thuật rút ra kết luận từ một cái mũi lão luyện. Tôi hân hoan ngắm nhìn nó rút ra một kết luận bằng cú hếch mõm chỉ đường, dựa trên những dữ liệu hiển nhiên đối với nó, nhưng hoàn toàn mang tính võ đoán trong đôi mắt khù khờ của tôi. Có lẽ nó mong một ngày nào đó ông học trò ngờ nghệch của nó sẽ học được cách đánh hơi.
Như những anh học trò ngu ngơ khác, tôi biết khi nào thì giáo sư của mình đúng, mặc dù chính tôi cũng không hiểu tại sao. Tôi kiểm tra cây súng và tiến lại gần. Như bất kỳ vị giáo sư giỏi nào, con chó không bao giờ cười chê khi tôi bắn hụt, và điều đó là khá thường xuyên. Nó chỉ liếc nhìn tôi một cái, sau đó tiếp tục lội ngược về đầu con suối để truy lùng một con gà gô khác.
Đi dọc theo những bờ suối, ta sẽ đi thăng bằng giữa hai quang cảnh khác nhau, một bên là sườn đồi nơi ta săn bắn, một bên là mặt đất nơi con chó săn mồi. Có một sự thi vị đặc biệt ẩn chứa trong việc giẫm nhẹ chân lên những thảm cây thạch tùng để xua lũ chim bay ra khỏi các thân cây mục, và phép thử đầu tiên cho một con chó đi săn gà gô là nó chịu đi trên nền đất ẩm ướt trong khi chủ nó sánh hàng trên phía bờ khô ráo.
Một vấn đề đặc biệt nảy sinh khi dải cây tổng quán sủi nói rộng ra và con chó biến mất khỏi tầm nhìn của bạn. Bạn cần phải nhanh chân đến một gò đất hay một khoảng trống, nơi bạn sẽ án binh bất động và căng tai căng mắt ra để theo chân con chó. Một vài con chim chích cổ bạc vụt bay tán loạn có thể chỉ cho bạn biết con chó đang ở đâu. Bạn cũng có thể sẽ nghe thấy tiếng chân nó giẫm gãy cành cây, hay lệt sệt đi qua vũng lội, hay nhảy xuống dòng nước suối. Nhưng khí mọi thứ bỗng im bặt, hãy sẵn sàng hành động vì rất có khả năng đó là lúc nó đã tìm thấy mồi. Hãy lắng nghe thật kỹ tiếng tắc lưỡi sợ sệt của một con gà gô ngay trước khi tháo chạy. Sau đó thì hãy đuổi theo con chim nháo nhào bỏ trốn, hoặc đôi khi là hai, hay có lần tôi đã nhìn thấy những sáu con, vừa cục tác vừa đập cánh, mỗi con lướt bay lên cao tìm nơi trú ẩn trên gò cao. Liệu có con nào rơi vào tầm ngắm họng súng của bạn hay không phụ thuộc hoàn toàn vào vận may, dù bạn có thể tính toán xác suất bắn trúng nếu bạn có thời gian: 360 độ chia cho 30, hay bất kỳ góc phần trăm đường tròn nào mà súng của bạn có thể bắn trúng. Chia lần nữa cho 3 hay 4, đây là khả năng bạn bắn hụt, và bạn sẽ có được xác suất thực tế để bạn có được một búi lông gà gô trong túi đi săn.
Phép thử thứ hai cho một con chó săn gà gô tốt là liệu nó có đi thám thính và về báo cáo kết quả sau khi chủ đã nhả đạn không. Hãy ngồi xuống và cập nhật tình hình trong lúc con vật thở dốc. Sau đó hãy đi tìm bụi cây mâm xôi lá đỏ tiếp theo, và tiếp tục chuyến đi săn.
Cơn gió tháng Mười đánh động lỗ mũi chú chó của tôi với nhiều thứ mùi bên cạnh mùi gà gô, mỗi mùi trong số chúng có thể dẫn đến một diễn biến hoàn toàn khu biệt. Khi nó chỉ điểm với đôi tai ở một góc dựng kỳ khôi như một nụ cười tủm tỉm, tôi biết là nó đã tìm thấy một con thỏ đang ngủ. Lần khác thì cú chỉ điểm của nó hoàn toàn nghiêm nghị trong khi không có một con chim nào xung quanh. Tuy nhiên, con chó vẫn đứng yên bất động: trong một bụi cây lách ngay dưới mũi nó là một con gấu trúc Mỹ to béo đang say ngủ trong lúc sưởi mình dưới cái nắng tháng Mười. Trong mỗi chuyến đi săn, có ít nhất một lần con chó chỉ điểm về phía con chồn hôi, thường náu mình dưới một bụi mâm xôi rậm rạp bình thường. Có lần con chó chỉ điểm về giữa dòng sông: một cặp cánh bay về thượng nguồn, theo sau là ba tiếng kêu vần điệu, cho tôi biết là nó đã quấy rầy bữa tối của một con vịt Carolina. Thỉnh thoảng nó cũng đánh hơi thấy cây thông lùn trong một rừng tổng quán sủi rậm rạp, và có lúc nó sẽ tìm thấy một con hươu đang ngả lưng bên một bờ sông nhô cao, bao quanh là các thân cành tổng quán sủi. Liệu có phải con hươu có một tâm hồn thi sĩ yếu lòng trước dòng nước chảy róc rách, hay niềm yêu thích đặc biệt dành cho một chiếc giường nằm nơi không ai có thể lại gần mà không gây tiếng động? Nhìn vào cú hất đầu ngạo nghễ của nó thì dường như là cả hai.
Điều gì cũng có thể xảy ra trên đường từ chiếc đèn lồng đỏ này đến chiếc đèn lồng đỏ khác.
Khi trời xuống vào ngày cuối cùng của mùa săn gà gô, tất cả các bụi mâm xôi đồng loạt thổi tắt ngọn đèn trong lồng lá. Tôi không thể hiểu làm sao một bụi cây bình thường lại có thể nắm bắt không sai lệch một ly các luật lệ trong bang Wisconsin, mà tôi cũng chưa từng quay lại vào ngày hôm sau để kiểm chứng. Trong mười một tháng sau đó, những chiếc đèn lồng chỉ bừng sáng lên trong ký ức. Đôi khi tôi nghĩ rằng các tháng còn lại chỉ là một quãng chuyển giao giữa các tháng Mười, và tôi ngờ rằng những con chó, và cả những con gà gô, cũng có cùng suy nghĩ ấy.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 01 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 02 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 03 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 04 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 05 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 06 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 07 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 09 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 10 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 11 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 12 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 13 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 14 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 15 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 16 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 17 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 18 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 19 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 20 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 21 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 22 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, toàn tập tại đây.