Aldo Leopold | Niên lịch miền gió cát | Chương 16
Niên Lịch Miền Gió Cát như một sự tổng hòa giữa lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh bằng ngôn từ và cả triết học. Bằng việc ghi chép lại những thay đổi của sinh vật tại khu trang trại ở Wisconsin.
· 35 phút đọc.
Guacamaya nghiên cứu bản chất vật lý của cái đẹp là một ngành khoa học tự nhiên vẫn còn trong thời tăm tối. Ngay cả những người có tài bẻ cong không gian cũng chưa buồn động não giải quyết những phương trình của nó. Ví dụ, ai ai cũng biết rằng công thức tạo nên phong cảnh trời thu trong những cánh rừng phía bắc ngoài mặt đất ra còn có thêm một cây thích lá đỏ và một con gà gô trắng lông xù. Về mặt vật lý thông thường, con gà gô trắng chỉ tượng trưng cho một phần nghìn khối lượng hay năng lượng của một héc – ta đất.
Tuy nhiên nếu ta loại trừ con gà gô ra thì toàn bộ khung cảnh mùa thu sẽ thành ra vô vị. Một nguồn năng lượng thúc đẩy khổng lồ bỗng chốc tan thành mây khói.
Thật dễ để đổ lỗi rằng mất mát ấy chỉ do chúng ta tự tưởng tượng ra trong đầu mà thôi, nhưng liệu có một nhà sinh thái học nào đồng ý với điều đó? Anh ta sẽ hiểu rõ rằng con gà gô biến mất đánh dấu một sự mất mát về mặt sinh thái, mà tầm quan trọng của nó không thể diễn tả được qua ngôn ngữ khoa học đương thời. Một triết gia từng gọi bản chất không cân đo đong đếm được này là cái bất khả cảm (numenon) của sự vật. Nó tồn tại đối lập với cái hữu khả cảm (phenomenon), vốn là cái có thể cân đo và tiên liệu được (bao gồm cả những chuyển động của các tinh tú xa xôi).
Con gà gô là cái bất khả cảm trong những cánh rừng phía bắc, cũng như con giẻ cùi xanh trong những bụi cây mại châu, con chim giẻ cùi Canada ở đầm lầy, hay chim giẻ cùi thông giữa những trảng cây bách xù dưới chân núi. Chúng là những thực tế tự thân không được lưu vào điểu điển. Tôi đồ rằng chúng còn là điều gì đó lạ lẫm với khoa học, mặc dù các nhà khoa học đều biết rõ về chúng. Dù sao đi nữa, tôi vẫn muốn ghi lại ở đây việc khám phá ra điều bất khả cảm ở dãy Mẫu Sơn (Sierra Madre): giống vẹt mỏ dày.
Sở dĩ con vẹt là một khám phá mới vì có quá ít người đã từng đến nơi nó nương náu. Nhưng một khi đã đến đó, chỉ có kẻ đui mù câm điếc mới có thể phủ nhận vai trò của nó trong cảnh quan cũng như đời sống núi rừng. Quả thật vậy, trước khi bạn kịp ăn xong bữa sáng thì những đàn chim huyên náo đã rời tổ trên những bìa đá, vừa bay vừa kêu inh ỏi như báo hiệu về phía chân trời rạng đông. Như những toán sếu, chúng chao liệng và xoáy vòng trôn, lớn tiếng tranh cãi với nhau câu hỏi (mà cũng sẽ khiến bạn băn khoăn) rằng trời hôm nay có sắc xanh hơn và ánh kim hơn hôm qua hay không. Kết quả chung cuộc là hòa, và cả đàn chim lại tẽ ra thành từng toán nhỏ đi kiếm bữa sáng là những hạt thông còn nằm trong vỏ quả trên ngọn núi mặt bàn. Chúng vẫn còn chưa nhìn thấy bạn.
Nhưng một lát sau, khi bạn đang trèo lên đoạn đường hẻm núi dốc đứng, một vài con vẹt tinh mắt đã nhìn thấy bạn từ cách đó hơn một cây số, một sinh vật kỳ lạ thở hổn hển đang men theo đoạn đường vốn chỉ có hươu hay sư tử, gấu hay gà tây được phép thông hành. Và chúng lập tức quên mất bữa sáng. Kêu váng lên một tiếng, cả bầy chim cất cánh và bổ nhào về phía bạn. Trong lúc chúng đảo vòng xà quần trên đầu, bạn tuyệt vọng ước lúc đó mình có một quyển Từ điển vẹt ngữ. Có phải chúng đang tra khảo rằng bạn đang làm cái quỷ quái gì ở chỗ này không? Hoặc có phải chúng giống như một phòng thương mại điểu quốc đang muốn chắc chắn rằng bạn hiểu rõ về vẻ đẹp quê hương chúng, từ tiết trời, lê dân, đến tương lai xán lạn của chúng so với mọi nơi khác lẫn ở các thời điểm khác? Có thể là một trong hai, mà cũng có thể là cả hai. Và lúc đó trong đầu bạn chợt lóe lên viễn cảnh đáng buồn khi con đường lên núi được rải nhựa, và ban tiếp đón hoạt náo này sẽ chạm trán với những vị khách du lịch kiêm thợ săn.
Chẳng mấy chốc, bầy vẹt nhận ra rằng bạn chỉ là một gã tẻ nhạt mồm miệng ú ớ, thậm chí không cất lên được một tiếng huýt sáo nhã nhặn đủ tiêu chuẩn để đón bình minh trên núi. Và dù sao thì vẫn còn nhiều lắm những nón thông chưa tẽ trong rừng già, nên chúng liền quay trở lại với bữa sáng! Lần này có thể chúng sẽ sà xuống trên những tán thông đâu đó bên dưới bìa đá, tạo cơ hội cho bạn men ra phía vực và nhìn xuống. Dưới đó, bạn sẽ lần đầu nhìn thấy màu sắc của lũ chim: những bộ cánh màu lục nhung mịn đồng đều, điểm xuyết cầu vai đỏ ren vàng và lông mặt màu đen – chúng chuyền cành ồn ã giữa các cây thông, mặc dù luôn giữ nguyên đội hình số chẵn. Chỉ có một lần duy nhất là tôi nhìn thấy một băng năm con, hay theo bất cứ số lẻ nào.
Tôi không biết liệu những đôi vẹt chung sống với nhau có om sòm như bầy vẹt bay ra tiếp đón tôi vào tháng Chín ấy hay không. Tồi chỉ biết rằng, nếu lũ vẹt có mặt trên núi vào tháng Chín thì chắc chắn bạn sẽ nghe thấy tiếng chúng. Ở địa vị một nhà điểu học chính danh, tôi sẽ cố gắng nhái giọng chúng. Thoạt nghe qua thì nó gần giống tiếng con giẻ cùi thông, nhưng nếu tiếng con giẻ cùi nhẹ nhàng và gợi nhắc đến làn sương mỏng giăng trên những hôm núi quê hương chúng, thì tiếng kêu của lũ vẹt Guacamaya lại lớn hơn, âm vang hồ hởi như tiếng một danh hài.
Vào mùa xuân, tôi được nghe kể là đôi vẹt sẽ tìm một cái lỗ của một con gõ kiến để lại trên thân cây thông cao đã chết để thực hiện trách nhiệm với giống nòi trong sự riêng tư tạm thời. Nhưng làm thế nào mà con gõ kiến thông thường có thể khoan được một cái hốc đủ lớn? Loài vẹt Ga Jama có kích thước bằng một con chim bồ câu, và vì thế sẽ không thể nhét mình vào một cái hốc chật hẹp được. Có phải chúng đã dùng cái mỏ to khỏe của mình cơi nới cái hốc để đạt độ rộng cần thiết? Hay liệu chúng nương mình vào cái hốc của những con gõ kiến hoàng đế lớn xác, từng được ghi nhận là có lai vãng tới khu vực này? Tôi xin để câu hỏi này lại cho các nhà điểu học tương lai giải đáp.
Đầm phá xanh rì Có một điều bạn nên biết đó là không bao giờ nên đến thăm một chốn hoang dã hai lần, vì đó là một việc thừa thãi không cần thiết. Việc quay lại không chỉ làm hỏng một cuộc du ngoạn, mà còn làm vấy bẩn những ký ức ban đầu nữa. Chỉ có trong đầu chúng ta thì những chuyến du hành mới giữ mãi hào quang của nó. Vì lý do này, tôi đã không quay lại Đồng bằng sông Colorado kể từ khi hai anh em tôi khám phá nơi này bằng xuồng ca – nô vào năm 1922.
Tất cả những gì chúng tôi biết về vùng đồng bằng lúc đó là nó đã rơi vào quên lãng kể từ sau khi Hernando de Alarcón đặt chân tới đó vào năm 1540. Trong những tuần cắm trại ở cửa sông nơi các con thuyền của ông ta từng neo đậu, chúng tôi không hề nhìn thấy một bóng người hay gia súc, thậm chí cả một vết rìu chặt cây hay một hàng rào. Có lần chúng tôi tìm thấy vết tích một chiếc xe kéo vô danh, có lẽ được dùng cho mục đích mờ ám nào đó. Lần khác, chúng tôi tìm thấy một cái bi đông bằng thiếc và nhanh chóng chộp lấy thứ dụng cụ quý giá này.
Bình minh trên đồng bằng luôn vang vọng tiếng hót của những con chim cút Gamble, loài chim làm tổ trong những tán cây đậu mesquite. Mặt trời lấp ló trên dãy Mẫu Sơn chạy cắt chéo qua hàng cây số đất đồng trống trải, một vùng thiên nhiên bằng phẳng rộng lớn với đường gờ cắt xẻ lồi lõm. Trên bản đồ, con sông có vẻ như xẻ vùng đồng bằng làm đôi, nhưng kỳ thực nó vừa có đó mà cũng không có đó, có lẽ một phần vì nó không thể xác quyết nên chọn cái nào giữa một trăm vùng đầm phá xanh mướt mải làm lối đi dễ chịu và chậm rãi nhất để chảy ra ngoài vịnh. Vì thế, nó quyết định vắt mình qua tất cả các đầm phá, và chúng tôi cũng nương theo làm điều tương tự. Nó chia dòng rồi hợp dòng, uốn lượn vặn vẹo, sau đó ngoằn ngoèo chảy qua các cánh rừng bạt ngàn. Nó thậm chí chảy thành vòng tròn, chơi đùa với những tán rừng nhỏ, vui sướng khi chảy lạc dòng – và chúng tôi cũng vậy. Bạn chỉ thực sự làm chúa tể việc trì hoãn công việc khi bạn du hành trên một con sông dùng dằng không muốn đánh mất tự do khi hòa mình vào biển lớn.
Ngài dẫn tôi đến mé nước bình tịnh vốn chỉ là một câu nói trong Kinh thánh cho đến khi chúng tôi theo mũi thuyền chèo qua các đầm phá xanh ngan ngát. Nếu thánh David chưa từng viết kính Psalm, thì lúc đó ắt chúng tôi cũng tự cảm thấy cần phải viết. Những vùng nước lặng mang một màu xanh thẫm như ngọc lục bảo, có lẽ một phần nhờ tảo nơi đáy nước. Một bức tường xanh tươi bằng cây đậu mesquite và liễu ngắn tách dòng chảy khỏi vùng hoang mạc khô cằn phía bên kia. Ở mỗi khúc quanh của con sông, chúng tôi lại thấy những con diệc trắng đứng trầm tư trong các đầm nước phía trước, những bức tượng thạch cao với hình ảnh phản chiếu cũng trắng toát trên mặt nước. Từng bầy chim cốc rúc mỏ xuống nước rỉa tìm những bầy cá đối bơi ngang bơi dọc; những con chim mỏ cứng, chim dẽ Bắc Mỹ, và chim chân vàng đậu một chân gà gật trên các cành cây; vịt Carolina, vịt trời Mareca, và mòng két xòe cánh hoảng hốt bay lên trời. Những con chim tán loạn bay lên không trung, rồi lại nhập thành đội hình trên tầng mây cao, hoặc lại tản ra bay về đằng sau chiếc ca – nô của chúng tôi. Khi một toán chim diệc đậu lên một rặng liễu xanh phía xa, trông chúng như những cụm mây tuyết lác đác.
Thiên nhiên trù phú đầy chim muông tôm cá này không chỉ dành riêng cho chúng tôi thụ hưởng. Những con linh miêu vẫn thường xuất hiện, nằm dài trên một thân gỗ mục chìm trong nước phân nửa, những móng vuốt sẵn sàng để vồ cá đối. Những gia đình gấu trúc Bắc Mỹ lội qua vũng nước nông để nhấm nháp những con bọ nước. Đám chó sói đồng cỏ nhìn ngó chúng tôi từ xa bên trong đất liền, chờ đến lúc tiếp tục bữa sáng với những kén đậu mesquite, thi thoảng thêm vào một con chim lội cẳng thọt, một con vịt hay chim cút xấu số nào đó.
Những vết chân hươu chi chít trên khắp các vũng lội cạn nước. Chúng tôi luôn xem xét các dấu chân hươu này, với hy vọng tìm thấy dấu vết phân loài báo đốm Mỹ (hay còn gọi là el tigre – Ông Cọp).
Chúng tôi không tìm được vết tích gì của con báo đốm, nhưng dường như nó vẫn có mặt ở khắp mọi nơi trong thiên nhiên hoang dã: bất cứ loài vật nào quên đi sự tồn tại lẩn khuất của nó đều sẽ phải trả giá cho sự sơ suất của mình. Không con hươu nào dám quẩn quanh bụi rậm, hay dừng lại ghé mõm ăn trái đậu mesquite dưới tán cây trước khi đưa mũi thám thính xem có mùi của ông Cọp ở đó không. Không một câu chuyện quanh đống lửa trại nào là không nhắc đến nó. Không một con chó nào dám khinh suất, trừ phi là lúc nằm cuộn tròn dưới chân chủ; không cần ai nhắc nhở, nó cũng biết rằng chúa tể miêu tộc vẫn là lãnh chúa của bóng đêm, và những móng vuốt của ông Cọp có thể vả chết một con trâu mộng và những cái răng nanh cua Ông thì khỏe như lưỡi dao máy chém.
Giờ đây thì vùng đồng bằng đa được tiệt trùng thành một nơi an toàn cho gia súc và hết sức tẻ nhạt với những tay thợ săn có máu phiêu lưu. Việc thoát khỏi nỗi sợ đồng nghĩa với sự ra đi của một phần kỳ diệu ẩn trong những đầm phá nước xanh.
Khi Kipling ngửi thấy làn khói lam chiều ở Amritsar, ông ấy đáng ra nên miêu tả nó cặn kẽ hơn, vì rằng chưa từng có nhà thơ nào từng ca tụng, hay thậm chí được ngửi thứ mùi củi đốt ấy. Đa phần các nhà thơ đều dùng tạm mùi than đá để thay thế.
Trên vùng đồng bằng này, người ta chỉ đốt gỗ cây đậu mesquite, loại cây luôn bốc lên thứ khói với mùi thơm tuyệt hảo. Giòn cong sau trăm lớp sương giá và nước lũ, nướng đượm lửa mặt trời, những khúc xương nổi máu bất tử của những thân cây lão niên này luôn sẵn sàng để đốt bùng lên lửa trại, nhả lên nền trời hoàng hôn những bụm khói xanh, cù cho ấm trà reo vui trên bếp, nướng khúc bánh mì giòn rụm hay món chim cút nâu óng ánh, và thổi hơi ấm vào ống quyển của người và vật. Khi bạn đã xúc một xẻng đầy than đậu mesquite dưới cái bếp sưởi Hà Lan thì chớ nên ngồi lên chỗ đó trên giường trước giờ đi ngủ, nếu không bạn sẽ phải bật dậy kêu la ầm ĩ và đánh động con chim cút đang làm tổ trên đầu. Than đậu mesquite phải hết bảy kiếp mới nguội lạnh đấy.
Chúng tôi đã từng nấu ăn với than củi thông trắng ở dải đất trồng ngô miền Trung nước Mỹ, đã để muội than từ những khúc củi thông phía bắc làm đen đáy nồi, đã nướng vàng những miếng sườn nai trên những khúc gỗ cây bách xù Arizona. Nhưng chỉ đến khi chúng tôi quay một con ngỗng tơ bằng gỗ đậu mesquite ở Đồng bằng này thì chúng tôi mới thật sự đạt đến sự viên mãn trong ẩm thực.
Những con ngỗng này xứng đáng được hưởng một nghi lễ rám vàng tử tế nhất, vì chúng đã lẩn trốn qua mặt chúng tôi trong cả một tuần lễ. Mỗi sáng, chúng tôi nhìn binh đoàn ngỗng quàng quạc bay vào trong đất liền từ ngoài vịnh, rồi sau đó nhanh chóng quay trở ra lặng lẽ no nê. Thứ lương thực nào trong những đầm phá xanh mượt kia đã khiến chúng hành quân vào đất liền? Từng chút một, chúng tôi tiến sâu vào khu dựng trại của bầy ngỗng, nuôi hy vọng sẽ tìm thấy chỗ chúng hạ cánh và ăn cỗ. Một ngày nọ vào lúc tám giờ sáng, chúng tôi thấy đàn ngỗng lượn vòng tròn, giơ chân, lướt xuống, rồi chạm xuống đất như những chiếc lá thích. Từng đàn lần lượt nối đuôi nhau đáp xuống. Cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm ra chỗ tụ họp của chúng.
Cùng giờ đó sáng hôm sau, chúng tôi nằm chờ đợi bên cạnh một đầm lầy trông không có gì đặc biệt, nhưng trên bờ đầm lại chi chít những vết chân ngỗng để lại hôm qua. Bụng chúng tôi lúc đó đã sôi sùng sục sau khi lội bộ một quãng xa từ chỗ cắm trại đến đầm lầy. Anh trai tôi đang vừa định gặm một con chim cút quay nguội ngắt thì một tiếng quàng quạc bục ra trên trời khiến cả hai chúng tôi khựng lại. Con chim cút trong tay anh tôi vẫn nằm chưng hửng trong lúc bầy ngỗng bay vòng trên đầu, tranh cãi, do dự, rồi cuối cùng cũng sà xuống thấp. Tiếp đó, con chim cút rơi bịch xuống nền cát khi những họng súng lên tiếng, và bữa tối của chúng tôi nằm giơ chân ngắc ngoải trên bờ đầm.
Nhiều đàn ngỗng khác tiếp tục đáp xuống đầm lầy. Con chó của chúng tôi nằm im rùng mình nghe ngóng. Chúng tôi thong thả gặm con chim cút đằng sau bụi rậm và lắng nghe tiếng bầy ngỗng vừa chuyện trò vừa mải mê nuốt sỏi. Cứ hết toán này bay đi thì toán khác lại sà tới, hăm hở kiếm tìm những hòn cuội ưng ý. Trong số hàng triệu những hòn cuội ở khắp các vũng đầm phá này, chỉ có những viên cuội ở trên bãi đầm này mới hợp ý chúng. Sự khác biệt này đáng để cho những con ngỗng tuyết bay một quãng đường hơn sáu mươi cây số, và đáng để cho chúng tôi cuốc bộ một quãng dài tương tự.
Nơi đồng bằng này không thiếu những con mồi nhỏ cho chúng tôi săn bắt. Ở mỗi chỗ dựng trại, chỉ cần vài phút giương súng là chúng tôi Đã có đủ chim cút để ăn cho ngày hôm sau. Dù sao thì nghệ thuật nấu nướng cũng đòi hỏi con chim cút phải được phơi trên dây mắc trên những cành đậu mesquite qua một đêm sương giá cho lên tuổi thịt trước khi lên giàn thiêu cũng xếp bằng gỗ đậu mesquite.
Tất cả các con mồi ở đây đều béo tốt mập mạp. Mỗi con hươu nằm xuống đều có nhiều mỡ đến độ những ngấn mỡ dọc theo sống lưng của nó trông giống như những bình đựng nước. Nếu được phép thì chúng tôi đã thử rót nước từ đó, tuy nhiên con vật không đồng tình với điều này.
Nguồn gốc của thể trạng đẫy đà này không quá khó để lần ra. Mỗi cây đậu mesquite và đậu xoắn ở đây đều sai quả trĩu trịt. Trên những bãi bùn cạn nước có một thứ lúa trời mọc quanh năm và chỉ cần tướt một cái là ta có một nắm tay đầy hạt thóc. Xung quanh còn có những trảng cây họ đậu giống như cỏ cà – phê; mỗi lần đi qua đây là túi quần bạn sẽ lại đầy nhóc những trái đậu còn nguyên vỏ.
Tôi vẫn còn nhớ một bãi bí bầu mọc hoang (calabacillas), trải dài hàng chục héc – ta đất bùn. Lũ hươu và gấu trúc Bắc Mỹ đã bổ đôi những trái bí trong ruột đầy những hạt béo bùi. Đàn bồ câu và chim cút nháo nhác bu quanh bữa tiệc thịnh soạn này như những con ruồi giấm mắt đỏ vo ve quanh một quả chuối chín.
Tuy rằng chúng tôi không thể ăn, hay chí ít là chọn không ăn, giống như bầy chim cút và lũ hươu, nhưng hết thảy người và vật đều hòa chung tâm trạng phấn khởi hân hoan trước thiên nhiên trù phú nơi này. Cảm giác sướng vui về cuộc sống no đủ vùng sơn cước này, tôi không thể tìm lại được trong những thành phố đô thị.
Tuy nhiên, việc dựng trại ở vùng đồng bằng không phải lúc nào cũng là con đường bằng phẳng trải hoa hồng, vấn đề chính yếu là nguồn nước.
Nước đầm phá thì quá mặn, còn nước ở các dòng sông, nếu chúng tôi có tìm ra chúng, thì cũng quá đục để uống. Ở mỗi điểm dựng trại chúng tôi lại đào một giếng nước mới. Tuy nhiên, đa phần chúng đều chỉ dềnh lên thứ nước biển từ ngoài vịnh thấm vào. Phải trải bao khổ cực thì chúng tôi mới học được cách đào đúng mạch nước ngọt. Khi cần thăm dò một cái giếng mới, chúng tôi sẽ cho con chó nếm thử trước. Nếu nó uống thoải mái thì đó là dấu hiệu để chúng tôi tấp ca – nô lên bờ, đốt lửa, và dựng trại. Sau đó thì chúng tôi chỉ việc thảnh thơi nghe tiếng chim cút nướng xèo xèo trên bếp lửa và ngắm mặt trời lặn sau dãy San Pedro Mártir. Khi bát đĩa rửa xong, chúng tôi ôn lại chuyện ngày hôm đó và lắng nghe tiếng đêm.
Chúng tôi chẳng bao giờ lên kế hoạch cho ngày mai, vì chúng tôi đã học được rằng thiên nhiên sẽ luôn làm chúng tôi xao nhãng bằng một thứ gì đó mới mẻ khó cưỡng trước cả khi bữa sáng bắt đầu. Như những dòng sông, chúng tôi tự do chảy trôi khám phá.
Để lên kế hoạch du hành trên vùng Đồng bằng cũng không phải chuyện dễ dàng, nhất là khi chúng tôi phải trèo lên một cây dương rung để lấy tầm nhìn bao quát. Khung cảnh trước mắt trải rộng đến nỗi thật khó để căng mắt nhìn kỹ càng được lâu, đặc biệt là về hướng tây bắc nơi một dải sa mạc muối bốc hơi trắng xóa uốn mình quanh triền dãy Màu Sơn. Tại đây, vào năm 1829, Alexander Pattie đã kiệt sức chết vì khát và vì những con muỗi trong khi thực hiện ý định băng qua miệt Đồng bằng để đến California.
Có lần chúng tôi đã lên kế hoạch di chuyển từ một đầm nước xanh này sang một vũng phá khác còn xanh hơn. Chúng tôi định vị được nó nhờ vào một con gà nước đang bơi lội trên mặt đầm. Một cánh rừng cây dong riềng rậm rạp với những thân cây mọc thẳng như những ngọn giáo phủ kín khoảng cách gân 300 mét giữa hai đầm nước. Nước lũ dâng lên đã làm các thân giáo đổ rạp xuống như một đạo quân Macedonia chắn lối chúng tôi.
Hai anh em tôi lặng lẽ rút lui, lòng tự nhủ rằng vũng đầm của chúng tôi còn đẹp hơn gấp nhiều lần.
Chưa có ai đả động đến sự nguy hiểm của việc bị mắc kẹt trong một khu rừng dong riềng, trong khi rất nhiều người đã cảnh báo chúng tôi vẻ nguy cơ chết bất đắc kỳ tử khi chèo ca – nô vào địa phận các khu đầm phá.
Họ kể về những thuyền bè to lớn hơn đã bị triều cường nhấn chìm – một bức tường nước điên cuồng cuộn ngược dòng sông từ phía vịnh, kèm theo những cơn sóng lớn. Chúng tôi bàn tính và lên kế hoạch để đối phó với triều cường, đến mức nằm mơ chúng tôi cũng trông thấy nó, với những con cá heo cưỡi trên đầu ngọn sóng và một bầy mòng biển kêu la ỏm tỏi theo sau. Khi chạm đến cửa sông, chúng tôi treo ca – nô lên và chờ đợi triều cường trong hai ngày liền. Thất vọng thay, cuối cùng chúng tôi lại không được diện kiến bức tường nước đáng sợ ấy.
Trên đường đi qua Đồng bằng, chúng tôi bắt gặp toàn những nơi chốn không tên, buộc chúng tôi phải tự đặt tên cho chúng. Chúng tôi đặt cho một đầm nước cái tên Rillito, và chính ở đây chúng tôi đã nhìn thấy những đàn sếu lông cánh trắng màu ngọc trai. Lúc ấy, chúng tôi đang nằm ngửa phơi mình trong ánh nắng hiếm hoi tháng Mười một, thì bỗng nghe tiếng ồn ào huyên náo phía trên cao, từ một cơn lốc những đốm trắng thoắt ẩn thoắt hiện. Một tiếng kêu như tù và đầy hứng khởi vang lên báo hiệu rằng đó là những con sếu đang rà soát vùng Đồng bằng. Ở thời điểm đó, với kiến thức tự học về chim chóc, tôi mừng rơn khi nghĩ rằng chúng là những con sếu Bắc Mỹ vì bộ lông cánh trắng toát. Chắc chắn chúng không thể là giống sếu đồi cát (vốn mang bộ lông màu nâu xám), nhưng điều đó cũng không quan trọng. Điều đáng nói lúc đó là chúng tôi đang cùng sẻ chia thiên nhiên hoang dã với một trong những loài chim cổ đại nhất còn sống sót. Chúng tôi đã tìm thấy một ngôi nhà chung trong một miền không gian – thời gian xa xôi thuộc thế Canh Tân (Pleistocene). Nếu như có thể, chắc hẳn anh em tôi đã kêu những tiếng tù và đáp lời đàn sếu. Giờ đây, mỗi lần nhìn lại những năm tháng cũ, tôi vẫn nhìn thấy hình ảnh đàn sếu lượn vòng.
Tất cả những chuyện này giờ chỉ còn là dĩ vãng. Tôi nghe nói những đầm phá xưa giờ đã biến thành những ruộng trồng dưa lưới. Nếu đó là sự thực thì những trái dưa đó hẳn sẽ đậm đà hương vị.
Con người luôn giết chết những gì họ yêu thương, và những người mở đường khai hoang chúng ta đã giết chết thiên nhiên hoang dã. Có người cho rằng việc đó là cần thiết. Cho dù như vậy, tôi vẫn mừng rằng thời trai trẻ của mình đã lớn lên trong một vùng đất còn nhiều nét hoang sơ. Bốn mươi bang tự trị thì có nghĩa lý gì nếu ta không có nổi một khoảng xanh trên tấm bản đồ quốc gia? Khúc hoan ca dòng Gavilan Bài ca của một dòng sông thường được viết nên từ tiếng nước cuộn vỗ lên đá sỏi và rễ cây hai bên bờ. Sông Gavilan cũng có một khúc ca như thế.
Nó là một thứ âm nhạc êm dịu của sóng nước loang ra từng vòng nhảy múa và ánh cầu vồng chơi trốn tìm dưới đám rễ đầy rêu của những cây tiêu huyền, sồi và thông. Tiếng nhạc nước đó cũng rất hữu ích, vì nó lan tỏa khắp không gian hẻm núi hẹp đến độ những con gà tây và hươu nai từ trên núi xuống suối uống nước sẽ không thể nghe thấy tiếng chân người hay tiếng vó ngựa. Hãy quan sát kỹ nơi khúc sông phía trước, vì có thể bạn sẽ kiếm được một con mồi ngon mà không cần phải nhọc sức leo lên những ngọn núi mặt bàn cao vút.
Bất cứ đôi tai nào cũng có thể nghe thấy khúc ca của những dòng chảy, nhưng cũng có những thứ âm nhạc trên những ngọn đồi này mà không phải ai cũng nghe được. Nếu muốn nghe được dù chỉ vài thanh âm trong đó, trước hết bạn cần phải sống ở đây một thời gian dài để quen với ngôn ngữ của những ngọn đồi và những con sông. Thế rồi, vào một đêm yên ả, khi lửa trại đã tàn và chòm sao Thất Tinh đã trèo lên cao khỏi những vách đá, bạn hãy ngồi im và lắng nghe tiếng sói tru, và ngẫm ngợi về hết thảy những điều bạn đã từng thấy và tìm cách hiểu. Chỉ khi ấy, có thể bạn sẽ nghe nó – một nhịp đập được viết trên các khuông nhạc giữa những ngọn đồi, tổng hòa từ sự sống cái chết của vạn triệu sinh linh, âm vang trầm bổng trong tích tắc mà như kéo dài hàng thế kỷ.
Dòng đời của mọi con sông đều mang trong mình một khúc ca riêng, nhưng đa phần đều đã bị tạp âm từ con người làm cho lu mờ. Việc chăn thả gia súc quá mức trước tiên làm tiễu trừ cây cỏ sau đó xói mòn đất. Những họng súng, bẫy thú, và thuốc độc xóa sổ những loài chim thú lớn, rồi sau đó đến một khu công viên hay rừng bảo tồn với đường xây riêng cho du khách. Mặc dù những công viên này được xây để mang âm nhạc của thiên nhiên đến với nhiều người, nhưng khi họ bắt đầu để tâm lắng nghe thì âm nhạc đó chỉ còn là những tiếng lẻ tẻ vụn vỡ.
Đã từng có thời người ta có thể sống bên dòng sông mà không nhúng tay can thiệp vào dòng chảy hài hòa của nó. Hàng nghìn người hẳn đã từng sống như thế quanh dòng sông Gavilan, do công việc của họ dàn trải ở khắp mọi nơi. Men theo bất cứ khe suối nào đổ ra hẻm núi là bạn sẽ phải trèo lên những bờ tường đá gồ ghề của những đập nước xây thành hình bậc thang, từng tầng nối tiếp gối đầu lên nhau. Đằng sau mỗi đập nước là một mảnh vườn nhỏ, một phần tưới tiêu nhờ những dòng chảy từ trên đập đổ xuống theo bờ đập dốc đứng kế bên. Trên đỉnh đập nước, bạn sẽ tìm thấy nền đá sót lại của một tháp canh, nơi người nông dân sườn núi có lẽ đã từng đứng gác vuông đất nhỏ bên dưới. Anh ta hẳn đã lấy nước sinh hoạt từ con sông, và có vẻ không chăn nuôi gia súc gì. Anh ta đã vun trồng những loại hoa màu gì, và từ khi nào? Manh mối duy nhất cho câu trả lời nằm trong những thân cây thông, sồi, hay bách xù đã ba trăm năm tuổi, giờ đây đã bén rễ sâu trên nền miếng ruộng xưa. Ta có thể thấy là người nông dân đó đã trồng trọt kể từ trước khi những thân cây cổ thụ này xuất hiện.
Loài hươu rất thích nghỉ ngơi trong những khoanh đất nhỏ này, nơi chúng có một cái giường bằng phẳng không mấp mô sỏi đá, phủ một lớp lá sồi và có cây bụi phủ màn trướng xung quanh. Chỉ cần nhún chân phóng qua đập là con hươu đã tránh được tai mắt của những kẻ dòm ngó.
Một ngày trời gió thét gào, tôi lén theo dõi một con hươu đực đang nằm nơi đập nước. Nó nằm dưới bóng một cây sồi cổ thụ rễ quấn quanh thân đập. Cặp sừng và đôi tai của nó khắc nét lên nền cỏ vàng phía sau, nơi từ đó mọc lên một cây thùa lá xanh nhọn và xếp thành hình hoa hồng. Khung cảnh ấy mang bố cục của một bàn tiệc trang trí nhã nhặn. Tôi lỡ giương cung quá tầm, khiến mũi tên của tôi bắn vào những tảng đá trăm năm và gãy thành từng mảnh. Trong lúc con hươu phi xuống núi với cái đuôi trắng muốt vẫy chào từ biệt, tôi nhận ra cả nó và tôi đều là diễn viên trong một câu chuyện ngụ ngôn. Cát bụi rồi lại về với cát bụi, nhưng cuộc săn đuổi sẽ kéo dài đến vô tận! Có lẽ cũng hợp tình hợp lý khi tôi bắn trượt, vì nếu cơ duyên nào đó mang một cây sồi cổ thụ đến khu vườn của tôi bây giờ, thì tôi hy vọng sẽ có những con hươu đến nằm trên thảm lá sồi, và có những người thợ săn đến theo đuôi chúng, và sau khi bắn trượt thì họ sẽ nhìn quanh và băn khoăn rằng ai là người đã xây nên khu vườn này.
Một ngày nào đó, chú hươu này sẽ ăn một viên đạn 30 – 30 ly vào mạng sườn mỡ màng. Một con bò đực tơ vụng về sẽ chiếm dụng cái giường trải lá sồi của nó, và nhàn nhã gặm đám cỏ vàng cho đến khi cỏ dại mọc lên thế chỗ chúng. Sau đó một cơn nước sẽ phá vỡ cái đập cũ và cuốn những hòn đá be bờ trũi xuống một con đường cho khách du lịch xây men theo dòng sông bên dưới. Những chiếc xe tải sẽ cuốn bụi tung mù trên con đường đất xưa nơi hôm qua tôi còn nhìn thấy vết chân chó sói.
Với con mắt phàm tục thì Gavilan chỉ là một vùng đất cằn cỗi khắc nghiệt: địa hình hiểm trở đầy mỏm đá dựng đứng, những thân cây quá lồi lõm để cưa đổ, và những rặng núi quá dốc để chăn thả gia súc. Nhưng những người khai hoang xưa kia không bị vẻ gai góc đó đánh lừa; kinh nghiệm mách bảo họ đây là một vùng đất trù phú màu mỡ. Những thân sồi và bách xoắn vặn này mỗi năm lại cho bầy thú rừng những trái sồi thơm bùi. Lũ hươu, gà tây, và lợn lòi dành cả ngày tận hưởng phần thịt quả sồi chín mọng. Bên dưới những trảng cỏ vàng phất phơ này là cả một khu vườn cơ man những củ và rễ, trong đó có cả khoai tây dại. Đào xới bên dưới vết chân của một con chim cút rừng là bạn sẽ tìm thấy cả một vườn ươm những thực phẩm dưới lòng đất, tất cả đều bén rễ trên nền đá sỏi ngỡ như khô cằn kia. Những hoa trái này là nguồn năng lượng cây cối hòa vào huyết quản của muôn giống loài.
Mỗi vùng miền đều có một đặc sản riêng. Những ngọn đồi Gavilan thì đạt tới đỉnh cao ẩm thực với món thịt hươu (nuôi bằng trái sồi), mà phải là con hươu săn được vào khoảng từ tháng Mười một đến tháng Một. Xẻ thịt và phơi nó lên một cây sồi lớn qua bảy mùa sương giá và bảy lần nắng trời vàng. Sau đó cắt những miếng mở đông một nửa chạy dọc theo phần thịt lưng, rồi phết chúng theo chiều ngang lên những miếng thịt bít – tết. Ướp miếng thịt với muối, tiêu và bột. Bỏ miếng thịt vào một cái nồi có thành dày của dân cắm trại, bên trong ủ sẵn mỡ gấu nóng bốc khói và đun bằng củi gỗ sồi. Khi miếng thịt bắt đầu ngả màu nâu vàng thì gắp nó ra. Rắc một chút bột vào trong phần mỡ, sau đó hòa thêm nước lạnh và sữa. Đặt miếng bít – tết lên trên những chiếc bánh quy mặn nóng hổi làm từ bột nhào chua và rưới thêm một lớp sốt nước thịt.
Cách trình bày này mang tính biểu tượng. Con hươu đang nằm trên những rặng núi, và lớp sốt thịt vàng óng chính là ánh mặt trời chiếu rọi lên những ngày trong đời nó, cho đến giây phút cuối cùng.
Thức ăn là phần nối dài trong Khúc hoan ca vùng Gavilan. Tất nhiên, ý tôi ở đây không chỉ nói đến thức ăn cho con người, mà còn cả nguồn thức ăn cho cây sồi rồi đến con hươu rồi đến con báo sư tử rồi sau đó xác con báo lại quay về nuôi những hạt sồi – nguồn thức ăn nuôi dưỡng những con mồi của loài báo. Đây là một trong vô vàn những chuỗi thức ăn khởi đầu với cây sồi để sau đó quay trở về với nó, vì cây sồi là nguồn dinh dưỡng cho con chim giẻ cùi, sau đó trở thành mồi cho loài diều hâu (cái tên của nó được dùng để đặt cho dòng sông). Cây sồi cũng nuôi dưỡng cả loài gấu (cho bạn mỡ để làm sốt thịt), loài chim cút (cho bạn bài học về thực vật học), và con gà tây (cho bạn thịt mỗi ngày). Và mẫu số chung của các chuỗi thức ăn này đều để giúp sức cho dòng chảy thượng nguồn con sông Gavilan bào thêm được một chút khoáng chất từ kho trữ rộng lớn nơi dãy Mẫu Sơn để tạo nên cho thêm một cây sồi nữa.
Có những người được đặc cách giao nhiệm vụ kiến tạo cây cối, chim muông, và đất đai – vốn là những nhạc cụ chính trong dàn đồng ca thiên nhiên. Họ được gọi là các vị giáo sư. Mỗi người sẽ chọn lấy một nhạc cụ nhất định, sau đó dành cả đời để bóc tách và mô tả nó đến tận tường chi tiết. Quá trình phân tích này được gọi là nghiên cứu, và phòng thí nghiệm nơi nó xảy ra được gọi là trường đại học.
Một vị giáo sư chỉ được gảy dây đàn của chính nhạc cụ của mình, không bao giờ được động vào nhạc cụ của người khác. Và nếu ông ta có nghe thấy tiếng nhạc phát ra từ đó thì ông ta cũng sẽ không bao giờ thú nhận điều đó với đồng nghiệp và sinh viên. Điều này là bởi có một điều cấm kỵ trói buộc tốt cả bọn họ, ràng việc nghiên cứu các nhạc cụ thiên nhiên là phạm trù khoa học, còn việc tìm ra sự hài hòa trong nhạc âm của nó lại thuộc phạm trù thi ca.
Các giáo sư phục vụ khoa học, và khoa học thì phục vụ phát triển tiến bộ. Nó phục vụ tận tụy đến mức có rất nhiều nhạc cụ mỏng manh đã bị giẫm đạp giày xéo trong cơn sốt đưa tiến bộ về với những nơi còn lạc hậu.
Lần lượt từng phần của bản nhạc rơi rụng tiêu biến đi. Nếu vị giáo sư kia có thể phân nhóm mỗi nhạc cụ trước khi nó vỡ hỏng thì ông ta cũng đã cảm thấy thỏa mãn.
Khoa học đóng góp cho thế giới cả về giá trị vật chất và đạo đức tinh thần. Đóng góp lớn nhất về đạo đức của nó là sự khách quan, hay còn gọi là điểm nhìn khoa học. Nó đồng nghĩa với việc nghi ngờ mọi thứ ngoại trừ sự kiện thực tế. Nó có nghĩa là bám víu vào thông tin xác thực, và để cho mọi sự rơi theo quỹ đạo của nó. Một trong các thông tin thực tế mà khoa học cho thấy đó là cần có nhiều người sống quanh các con sông, và con người thì luôn cần thêm các phát kiến, do đó tạo nhu cầu cho khoa học phát triển; cuộc sống ấm no phụ thuộc vào sự mở rộng đến vô hạn định của chuỗi suy luận logic này. Tuy nhiên, ý nghĩ rằng cuộc sống tốt đẹp cho mỗi dòng sông đều phụ thuộc vào việc cảm nhận và duy trì những khúc ca của nó vẫn còn là một giả thuyết mà khoa học chưa đả động tới.
Khoa học vẫn chưa đặt chân đến Gavilan, và vì thế những con rái cá vẫn còn nô giỡn đuổi nhau trong hồ nước, rượt theo những vòng tròn lan trên mặt nước và những ánh cầu vồng ẩn dưới bãi sông đầy rêu; chúng chưa phải bận tâm đến việc một ngày kia cơn lũ quét sẽ xói mòn bờ và cuốn phăng đất đai ra Thái Bình Dương, hay những người câu cá sẽ tới tranh giành những con cá hồi với chúng. Như các nhà khoa học, chúng không mảy may nghi ngờ gì về cách chúng đã dựng xây cuộc đời mình.
Chúng tin rằng những bài ca sông Gavilan sẽ cứ thế vang trôi mãi mãi.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 01 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 02 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 03 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 04 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 05 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 06 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 07 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 09 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 10 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 11 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 12 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 13 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 14 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 15 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 16 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 17 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 18 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 19 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 20 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 21 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 22 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, toàn tập tại đây.