Niên lịch miền gió cát | Chương 07
Niên lịch miền gió cát hòa quyện lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh và triết học qua ghi chép về sinh vật tại trang trại Wisconsin.
· 21 phút đọc.
Những của cải quý giá ốn mươi chín héc – ta, thể theo lời ngài chánh văn phòng hạt, là toàn bộ diện tích đất đai cõi tạm của tôi. Nhưng ngài chánh văn phòng lại là một người mê ngủ, và không bao giờ mở sổ sách ra kiểm kê trước chín giờ sáng. Những gì ta thấy được lúc ngày vừa sang mới là câu hỏi đáng chú tâm ở đây.
Dù có sổ sách hay không, vẫn tồn tại một sự thật hiển nhiên với cả tôi và chú chó của tôi, là khi bình minh hé rạng, thì tôi là chủ sở hữu độc nhất của mọi héc – ta đất đai mà chân tôi có thể đi qua. Đó là khi không chỉ các ranh giới biến mất, mà ý niệm về việc bị ràng buộc cũng tan biến theo.
Những vùng trời chưa được lưu lại bằng văn kiện hay bản đồ nay mở ra ngút tầm mắt trong buổi bình minh, và sự tĩnh mịch, tưởng như không còn tồn tại nơi hạt tôi ở, thì giờ đây bao trùm lên đất trời còn đọng sương đêm.
Cũng như những đại địa chủ khác, tôi cũng có khách thuê nhà. Chúng tuy trễ nải việc trả tiền nhà, nhưng lại rất kỹ tính trong việc chiếm dụng đất đai. Quả thực, từ tháng Tư sang tháng Bảy, cứ khi mặt trời lấp ló đằng đông là chúng lại lên giọng phân chia ranh giới lẫn nhau, và theo cách đó gián tiếp công nhận tôi là người phong đất đai cho chúng.
Nghi lễ diễn ra hàng ngày này, trái với những gì bạn có thể hình dung, bắt đầu hết sức lịch thiệp chừng mực. Tôi cũng không biết ai là kẻ đã đặt ra các tiền lệ này nữa. Vào lúc 3 giờ 30 sáng, với tất cả vẻ đạo mạo mà tôi có thể trưng ra được vào một sáng tháng Bảy, tôi bước ra khỏi cửa chòi gỗ, trong tay là hai vật biểu trưng cho chủ quyền tối cao của mình: một ấm cà phê và một cuốn sổ tay. Tôi ngồi xuống một băng ghế, mặt hướng về phía ánh sáng trắng của ngôi sao mai. Tôi đặt cái ấm bên cạnh mình. Tôi rút trong túi áo ngực ra một cái cốc, lòng thầm mong không có ai phát hiện ra cách vận chuyển kém phần chính thống này. Sau đó, tôi lấy đồng hồ đeo tay ra, rót cà – phê, và đặt cuốn sổ lên đùi. Đây là ám hiệu bắt đầu các diễn văn tuyên bố chủ quyền.
Vào lúc 3 giờ 35, con sẻ đồng gần nhất thú nhận, bằng một bài tụng kinh ở tông giọng nam cao, rằng nó làm chủ khu rừng cây thông lùn phía bắc bãi sông và phía nam con đường cũ nơi xe bò kéo từng qua lại. Lần lượt sau đó, những con sẻ đồng khác kế bên cũng thuật lại văn kiện chủ quyền của mình. Tính đến giờ phút này thì chưa xảy ra tranh chấp gì, nên tôi chỉ ngồi lắng nghe, lòng thầm mong các cô sẻ mái sẽ ưng lòng với sự đồng tình giao hảo này về hiện trạng chủ quyền trước đó.
Trước khi đám sẻ đồng kết thúc một vòng thảo luận, con chim cổ đỏ sống trong cây du đại thụ bắt đầu lớn giọng kêu ríu rít chứng tỏ quyền sở hữu cái chạc cây mà cơn lốc băng đá đã cưa đứt một nhánh, cũng như tất cả các phụ mục gắn liền với cái chạc cây từ đó đến nay (trong trường hợp này, chú ta đang ám chỉ tất cả đám giun mồi trong bãi cỏ không lấy gì làm rộng lắm bên cạnh).
Tiếng hót ríu rít không ngừng của con chim cổ đỏ đã đánh thức con chim vàng anh, và nó tức tốc bắt đầu kể với hội đồng vàng anh rằng cái càng chìa ra trên thân cây du thuộc về nó, cũng như tất cả các thân cỏ bông tai giàu chất xơ mọc kế bên, tất cả những dây nhợ thừa thãi trong vườn, và cuối cùng là đặc quyền được phi như tên lửa từ cây này sang bụi nọ trong diện tích nêu trên.
Đồng hồ của tôi chỉ 3 giờ 50 sáng. Con sẻ đất lông chàm trên đồi đang thiết lập danh hiệu chủ sở hữu gốc sồi đã chết khô sau trận hạn hán năm 1936, cũng như quyền mò móc những con bọ trong lùm bụi kế bên. Nó không nhắc đến, nhưng tôi đồ là nó có ngụ ý ám chỉ, quyền được khoác áo xanh hơn tất cả các con sơn ca lưng xanh, cũng như quyền nếm náp tất cả những cây rau trai vừa ngước mặt lên ngắm bình minh.
Kế đến là con chim hồng tước – kẻ đã khám phá ra hốc mắt gỗ nơi mái hắt của căn chòi – bắt đầu cất cao tiếng hót. Nửa tá con hồng tước lập tức góp lời, và sau đó thì không gian tràn ngập tiếng kêu hỗn độn như ong vỡ tổ. Chim sẻ mỏ to, chim họa mi đỏ, chim chích vàng, sơn ca, chim khướu mào bụng trắng, chim sẻ Mỹ, và chim hồng y – tất cả đều đồng thanh lên giọng, cầm trong tay danh sách đầy trang trọng có tên các ca sĩ, theo thứ tự xuất hiện và thời điểm bắt đầu cất tiếng hát, tôi bắt đầu do dự, nao núng, chần chừ, vì tai tôi bây giờ không còn lọc được tiếng chim nào cần ưu tiên nữa. Hơn nữa, ấm cà – phê giờ đã cạn và mặt trời cũng chuẩn bị lên. Tôi cần phải đi tuần tra lãnh thổ của mình trước khi chức danh của tôi hết hiệu lực.
Chúng tôi cất bước dạo chơi tung tăng, tôi và chú chó. Chú có vẻ khá hờ hững trước tất cả những lời qua tiếng lại chao chát này, vì với chú thì chủ quyền được đánh dấu bằng mùi chứ không phải bài hát. Bất cứ một gã thất học đầy lông vũ nào, chú nói, cũng có thể rung cây tạo tiếng. Bây giờ thì chú sẽ phiên dịch các bài thơ khứu giác viết bằng mùi của các con vật im hơi lặng tiếng (mà có trời mới biết chúng là gì) đã viết trong đêm hè ở cuối mỗi bài thơ là tác giả – nếu chúng ta có thể tìm ra nó việc chúng tôi tìm thấy hoàn toàn nằm ngoài dự kiến: một con thỏ đột nhiên cao hứng muốn nhảy đi đâu đó; một con dẽ gà vây cánh khước từ tác quyền, một con gà gô trống càm ràm vì bộ lông vũ bị ướt khi đi qua bụi cỏ.
Có đôi khi chúng tôi sẽ chạm trán một con gấu trúc Mỹ hay một con chồn đang trở về nhà sau một đêm đục phá cướp bóc. Đôi khi chúng tôi quấy rầy một con diệc đang dở tay bắt cá, hay làm một con vịt rừng cùng đám vịt con giật bắn mình, vội vàng chạy hết tốc lực tìm chỗ trú ẩn trong đám lục bình. Đôi khi chúng tôi lại nhìn thấy bầy hươu tản bộ nhàn nhã về rừng rậm, um tùm những đám cỏ linh lăng đang ra hoa, cây thủy cư, và xà lách dại. Nhưng thường thì chúng tôi chỉ thấy những đường vết chân đan chéo mà các móng guốc lười biếng in lên trên nền đất ẩm sương mềm như lụa.
Tôi có thể cảm thấy ánh nắng mặt trời rồi. Dàn hợp xướng các loài chim cũng đã dần hết hơi tắt tiếng. Tiếng chuông bò đeo cổ lanh lảnh báo hiệu một đàn bò đang đi nước kiệu ra bãi chăn thả. Tiếng động cơ máy kéo xình xịch cho biết là hàng xóm đôi bên đã thức giấc. Thế giới đã thu về những kích thước định hạn quen thuộc với ngài chánh văn phòng hạt.
Chúng tôi quay về nhà, bắt đầu bữa sáng.
Sinh nhật trên thảo nguyên Trong các tuần từ tháng Tư đến tháng Chín, có trung bình ít nhất mười loài cây dại bắt đầu nở hoa. Vào tháng Sáu thì trong một ngày có thể có đến tận mười hai giống hoa bừng nở hé nụ. Không ai có thể theo kịp tất cả các lễ kỷ niệm của chúng, nhưng cũng không ai có thể phớt lờ chúng được.
Người nào vô tình dẫm chân lên những bông bồ công anh tháng Năm có thể sẽ phải dừng chân vì phấn hoa từ cây cỏ phấn hương tháng Tám; người nào bỏ qua những cụm hoa du màu hung đỏ trong tháng Tư có lẽ sẽ phải trượt xe trên thảm hoa trắng sọc tím rơi xuống từ những cây đinh tán tháng Sáu. Kể cho tôi nghe xem một người đã để ý nhìn thấy bữa tiệc sinh thần trổ bông của loài cây nào, và tôi sẽ ít nhiều kể cho bạn nghe về thiên hướng công việc, sở thích, chứng cảm sốt mùa hè, và tầm kiến thức chung về sinh thái của anh ta.
Mỗi tháng Bảy, tôi lại háo hức quan sát một nghĩa trang đồng quê mà tôi đi qua trên đường về trang trại. Đã đến lúc cho tiệc sinh nhật trên thảo nguyên của tôi, và trong một góc nghĩa trang này là một chứng nhân kỷ niệm còn sống sót của sự kiện từng một thời quan trọng đó.
Đây là một nghĩa trang thông thường, rào quanh bởi những cây vân sam thông thường, và rải rác khắp trong nghĩa trang là những bia mộ cũng rất bình thường bằng đá granite hồng hoặc trắng. Bên cạnh mỗi bia mộ là một vòng hoa phong lữ màu đỏ hoặc hồng thông thường. Điểm làm cho nghĩa trang này khác thường là khuôn viên xây thành hình tam giác chứ không phải hình vuông. Đồng thời, khu đất bên trong hàng rào của nó gợi nhắc đến vùng thảo nguyên bản địa xưa kia, nơi nền móng cho nghĩa trang được xây dựng vào những năm 1840. Vốn được bảo vệ khỏi lưỡi liềm cắt cỏ hay máy ủi, vào mỗi tháng Bảy, trên nền khu di tích vỏn vẹn gần một mét vuông của thiên nhiên Wisconsin thời hoang sơ này lại mọc lên một thân cây cúc la bàn (cutleaf Silphium) cao bằng đầu người, chi chít những bông hoa màu vàng to bằng cái đĩa nhỏ và nhìn giống hoa hướng dương.
Đây là chứng tích duy nhất của loài cây này ở khu vực chạy dọc đường cao tốc, và có lẽ cũng là chứng tích duy nhất còn lại ở phần tôi đang sống. Câu hỏi liệu một cánh đồng 400 héc – ta bạt ngàn cúc la bàn mơn man ve vuốt bụng các con bò rừng trông như thế nào là một câu hỏi không bao giờ còn lời đáp, và có lẽ cũng không còn ai hỏi nữa.
Năm nay, những đóa cúc la bàn bắt đầu nở rộ vào ngày 24 tháng Bảy, muộn hơn một tuần so với lệ thường (trong sáu năm vừa qua thì ngày hoa nở đầu tiên thường rơi vào ngày 15 tháng Bảy).
Khi tôi đi ngang khu nghĩa trang lần nữa vào ngày 3 tháng Tám, một đội xây dựng đã di dời hàng rào đi, còn cây cúc la bàn cũng đã bị chặt bỏ.
Cũng dễ tiên đoán điều gì sẽ xảy ra: trong một vài năm tới, cây cúc la bàn của tôi sẽ cố gắng trong vô vọng để đương đầu với cái máy ủi, và cuối cùng thì nó cũng sẽ buông xuôi. Sự ra đi của nó sẽ đặt dấu chấm hết cho thời kỳ của những thảo nguyên hoang sơ.
Bộ Quản lý Cao tốc nói rằng có 100.000 lượt xe chạy qua tuyến đường này mỗi năm trong ba tháng hè khi cúc la bàn nở hoa. Trong những chiếc xe đó có ít nhất 100.000 người đã từng học cái gọi là lịch sử, và có lẽ tầm 25.000 đã từng học môn gọi là thực vật học. Thế nhưng tôi nghi ngờ rằng sẽ chỉ có trên dưới một tá trong số họ đã từng trông thấy một cây cúc la bàn, và nếu có thì họ cũng khó mà nhận ra ngày tàn đang đến của loài hoa ấy. Nếu tôi nói với một thầy giảng đạo trong nhà thờ kế bên rằng toán công nhân làm đường thực ra đang mượn danh nghĩa vào dọn cỏ để đốt sách sử trong nghĩa trang nhà thờ, thì ông ta hẳn sẽ và bối rối lắm. Làm sao mà một cây cỏ dại có thể có giá trị bằng một quyển sách được? Đây chỉ là một chương trong bài điếu văn của một loài hoa bản địa, đồng thời là một phần trong bản sầu ca của mọi loài hoa trên thế giới.
Giống người cơ khí chúng ta đã gạt qua các loài hoa cỏ để có thể ngạo mạn xúc tiến việc dọn dẹp cảnh quan, mà nực cười thay, chính chúng ta sau này phải sống cùng. Có lẽ sẽ là khôn ngoan nếu ngay bây giờ chúng ta đặt lệnh cấm giảng dạy bộ môn thực vật học thực thụ và lịch sử thực thụ, đề phòng trường hợp một vài công dân trong tương lai bị cắn rứt lương tâm về cái giá mang tên hoa cỏ mà chúng ta đã trả để có được một cuộc sống tốt đẹp.
Từ đó ta có thể suy ra rằng mức độ phát triển của các khu trang trại tỉ lệ thuận với sự nghèo nàn về cây cỏ ở cùng khu vực đó. Tôi lựa chọn trang trại của mình vì độ kém phát triển và vị trí cách xa cao tốc của nó, và thực tế là cả khu vực mà tôi ở tọa lạc tại khu vực nước chảy ngược của sông Progress. Con đường trải ngang nhà tôi là con đường đất cũ do những chiếc xe bò kéo của những người đi khai khẩn đất đai chạy qua mà thành, không hề rải cuội hay đổ nhựa đường và cũng hoàn toàn vắng bóng xe ủi đất hay máy phun nước. Hàng xóm đôi bên của tôi vẫn than phiền với nhân viên đại diện của hạt. Khoảnh đất ôm sát hàng rào của họ cả tỷ năm rồi chưa được cắt tỉa sửa sang. Đầm ngập nước quanh nhà họ không được hút cạn mà cũng chẳng được dẫn máng thoát nước. Giữa việc đi câu và hướng về tương lai thì hẳn họ sẽ lựa chọn việc đi câu. Vì thế vào mỗi cuối tuần, tôi đi tìm tiêu chuẩn sống xanh của mình ở trong các cánh rừng sau nhà, còn vào giữa tuần thì tôi đành cố gắng tạm thay thế nó bằng các loài cây trong những trang trại và khuôn viên thuộc trường đại học, cũng như các khu ngoại ô lân cận. Trong một thập kỷ, tôi có một thú tiêu khiển là ghi lại danh sách các loài cây dại ra hoa lần đầu trong hai khu vực đa dạng sinh thái.
Từ quan sát này, ta có thể thấy rõ rằng một người nông dân tận hưởng một cuộc sống thiên nhiên mãn nhãn gấp đôi một sinh viên đại học hay một doanh nhân. Dĩ nhiên là cả hai bên đều chưa thực sự nhìn nhận cây cối theo đúng nghĩa, nên một lần nữa chúng ta lại phải đối diện với hai lựa chọn đã nêu ở trên: hoặc chúng ta phải đảm bảo dân chúng tiếp tục sống trong u mê thờ ơ, hoặc chúng ta phải nghiêm túc xem xét câu hỏi liệu phát triển và thiên nhiên có thể đi đôi với nhau hay không.
Quá trình thu hẹp của các loài thú vật là sự hiệp đồng của nhiều lý do bao gồm dọn rừng làm trang trại, đốt rừng làm rẫy, và xây dựng đường sá.
Mỗi bước chuyển cần thiết này dĩ nhiên đòi hỏi sự thu hẹp diện tích ngày càng lớn đất đai dành cho cây dại, tuy nhiên chúng không yêu cầu, hay được lời gì từ việc xóa sổ các giống cây khỏi toàn bộ các trang trại, làng mạc, hay các hạt. Chúng ta có thể chứa các khoảnh để không trong mỗi trang trại cho thiên nhiên và các dải cây cối tự nhiên có thể viền hai bên và chạy dọc theo môi đường cao tốc. Chúng ta cần đẩy gia súc, máy xới, và máy ủi ra xa khỏi các khu vực này – chỉ cần như thế thôi thì các giống hoa bản địa, cùng với hàng tá các kỳ hoa dị thảo ngoại lai khác, hoàn toàn có thể trở thành một phần trong môi trường sống hàng ngày của mỗi công dân.
Khu vực bảo tồn sáng giá nhất cho các giống cây thảo nguyên, ngược đời thay, lại chẳng biết gì hay bận tâm đến những chuyện có vẻ bao đồng như thế: đó chính là các đường tàu hỏa với dải đất bên lề có rào chắn xung quanh. Rất nhiều hàng rào ray xe lửa này được dựng lên trước khi thảo nguyên bị cày xới. Nằm trong những khu bảo tồn tuyến tính này, không phải bận tâm đến xỉ than, bồ hóng, và việc đốt cây dọn dẹp thường niên, các giống hoa cỏ thảo nguyên theo đúng lịch nở hoa, từ những bông hoa sao băng màu hồng tháng Năm đến những bông cúc lam tháng Mười. Đã từ lâu tôi mong muốn được đối chất với một ông chủ tịch hãng hỏa xa với con tim sắt đá để chỉ cho ông ta thấy bằng chứng rằng trái tim của ông ta vẫn còn nhịp đập. Nhưng tôi chưa làm vậy được, vì tôi chưa có dịp được gặp ông chủ tịch nào cả.
Tất nhiên là các đường ray cũng dùng súng phun lửa và máy xịt hóa chất để diệt cỏ dại mọc trong lòng đường ray, nhưng chi phí cho việc dọn dẹp cần thiết đó vẫn quá cao để có thể kéo rộng diện tích diệt cỏ ra khỏi phạm vi thực tế của đường ray. Có thể trong tương lai họ sẽ đề ra những cải tiến trong việc diệt cây cỏ này.
Sự biến mất của ngay cả một giống loài cận người (human subspecies) cũng không đủ để khiến tim ta gợn đau nếu đầu óc chúng ta thiếu hiểu biết về chúng. Một người Trung Quốc qua đời chẳng khiến chúng ta bận tâm nếu tất cả kiến thức về Trung Hoa của chúng ta được gói vỏn vẹn trong một vài đĩa mì miến xào ở quán ăn Tàu. Chúng ta chỉ đau xót trước những gì chúng ta biết. Cuộc tận diệt loài cúc la bàn ở bờ tây của hạt Dane, vì thế ẳ cũng chẳng phải lý do khiến ta sầu khổ nếu ta chỉ biết đến nó qua một cái tên bâng quơ trong một cuốn sách về cây cối.
Lần đầu tiên tôi nhận thức rõ rệt về tâm tính của loài cúc la bàn là khi tôi cố đào một cây lên để mang nó về trang trại của mình. Cứ như là đào gốc một cây sồi mới lớn vậy. Sau nửa tiếng lao động hì hục, mồ hôi nhễ nhại, tôi vẫn thấy rễ cây tiếp tục phình to ra như một củ khoai lang cữ đại dựng đứng Sau một hồi đào bới thì tôi nhận ra rằng củ rễ của cây cúc la bàn đậm sâu đến tận lớp đá mẹ dưới lòng đất. Cuối cùng thì tôi tay không ra về, nhưng bù lại tôi đã học được về những mưu chước ẩn sâu dưới đất mà giống cúc la bàn đã tính toán để tự vệ trước những trận hạn hán làm thảo nguyên khô kiệt.
Tiếp đến, tôi thử gieo hạt cây cúc la bàn; chúng to, chắc thịt, và có vị bùi như hạt hướng dương. Các hạt nhanh chóng nảy mầm, nhưng sau năm năm thì các cây con vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành và không bói ra nổi một cành hoa nào. Liệu có phai một cây cúc la bàn cần tới một thập kỷ để đủ tuổi ra hoa, và nếu như thế thì cây cúc la bàn trong nghĩa trang của tôi đã trải qua bao nhiêu năm đời cỏ dại? Nó có lẽ còn già hơn cả bia mộ lâu đời nhất ở đó, được dựng vào năm 1850. Có lẽ nó đã chứng kiến tộc người thổ dân Black Hawk tháo chạy từ vùng hồ Madison về phía sông Wisconsin, vì vị trí của nó nằm ngay trên tuyến đường lịch sử đó. Hẳn nhiên là nó đã chứng kiến hết thảy các đám tang của những người khai hoang mở đất ở đó, lần lượt từng người về với nơi an nghỉ dưới cao xanh bao la.
Tôi đã từng nhìn thấy một chiếc máy xúc, trong khi đào bới cống thoát nước bên đường, đã cắt đứt phần rễ củ khoai lang của một cây cúc la bàn. Phần củ bị đứt nhanh chóng mọc thêm lá mới, và cuối cùng lại bắt đầu mọc cành trổ hoa. Điều này giải thích tại sao loài cây này, vốn không có đặc tính xâm lấn các vùng đất mới, đôi khi vẫn được tìm thấy ở các vệ đường vừa mới độ. Một khi đã bén rễ cứng cáp, nó có thể chống chọi lại mọi hình thức cắt xén ngoại trừ việc bị gia súc gặm lá, hay đào xới và ủi đất liên tiếp.
Tại sao giống cúc la bàn lại biến mất khỏi những khu vực chăn thả gia súc? Tôi từng nhìn thấy một nông dân lùa đàn bò vào một cánh đồng thảo nguyên còn hoang sơ, trước đó mới chỉ được dùng vài lần vào việc gặt hái cỏ khô. Đàn bò cái lập tức ngốn ngấu các cây cúc la bàn đến tận gốc rễ trước khi chúng đụng tới bất cứ loại cây nào khác. Ta có thể hình dung rằng loài bò hoang đã từng có thời ưa thích loài cúc la bàn, nhưng khi đó các hàng rào chưa xuất hiện để bó buộc chúng chỉ được gặm cỏ trên một cánh đồng duy nhất trong suốt mùa hè. Tựu trung, đàn bò lúc đó không gặm cỏ liên tục ở một điểm, và điều này giúp cho loài cúc la bàn có thể sống sót qua các đợt làm cỏ của chúng.
Ý Chúa trời đã định rằng Ngài sẽ che chở hàng ngàn giống loài động thực vật khỏi nhận thức về sự tàn nhẫn của lịch sử, trong quá trình chúng triệt tiêu lẫn nhau để tạo nên thế giới ngày nay. Và giờ đây thì Ngài cũng thực hiện ý định đó lên cả chúng ta. Rất ít người than khóc khi con bò rừng cuối cùng biến mất khỏi Wisconsin, và cũng sẽ ít ai khóc thương khi cây cúc la bàn cuối cùng nối chân con bò rừng tới những thảo nguyên xanh tươi ở bên kia vườn địa đàng.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 01 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 02 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 03 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 04 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 05 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 06 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 07 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 09 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 10 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 11 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 12 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 13 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 14 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 15 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 16 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 17 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 18 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 19 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 20 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 21 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 22 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, toàn tập tại đây.