Rachel Carson | Mùa xuân vắng lặng | Chương 02
Mùa xuân vắng lặng ra đời gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội Mỹ, như một hồi chuông cảnh tỉnh về môi trường. Tổng thống John F. Kennedy phải thiết lập một ủy ban riêng điều tra về thuốc diệt sinh vật gây hại.
· 20 phút đọc.
Lịch sử sự sống trên trái đất còn được gọi là lịch sử tương tác giữa những thực thể sống với môi trường xung quanh chúng. Hay nói rộng hơn, đó là môi trường đã hình thành nên các dạng vật chất và sự phát triển sự sống của động thực vật trên trái đất. Ngược lại, khi xem xét trong toàn bộ khoảng thời gian sự sống tồn tại, đã không làm thay đổi nhiều môi trường xung quanh. Nhưng chỉ trong một lúc nào đó, cụ thể là đến thời điểm hiện tại, một sinh vật – loài người – đã có được khả năng đáng kinh ngạc có thể làm thay đổi bản chất của thế giới.
Trong suốt 25 năm qua, khả năng đó không chỉ đã tăng đến một mức độ đáng ngại mà còn thay đổi luôn về bản chất. Vấn đề đáng báo động nhất trong cuộc công kích của loài người với môi trường là sự ô nhiễm không khí, đất, sông hồ và vùng biển bởi những chất liệu vô cùng nguy hiểm và có thể gây chết người. Tình trạng ô nhiễm này phần lớn là không thể phục hồi, nó gây ra chuỗi bệnh trạng không thể đảo ngược cho không chỉ thế giới sự sống mà cho cả các môn của sinh vật sống. Đối với việc ô nhiễm diện rộng này, hóa chất được xem là thủ phạm gây bức xạ hung hãn và ít được công nhận trong việc làm thay đổi bản chất thế giới – bản chất của sự sống. Các vụ nổ hạt nhân đã giải phóng strontium – 90 vào không khí, theo nước mưa rơi xuống đất hay trôi dạt đến nơi nào đó, lẻn vào trong đất, lẩn vào trong cỏ, bắp hoặc lúa mì trồng trên đất, và vừa kịp lúc trú ngụ tại trong xương của chúng ta, và ở mãi đó cho đến khi chúng ta chết đi.
Tương tự như thế, những chất hóa học được phun trên đất trồng, trên rừng, hoặc trong vườn sẽ ở mãi trong đất, đi vào cơ thể những sinh vật sống, di chuyển từ sinh vật này sang sinh vật khác trong quá trình truyền độc và dẫn đến cái chết. Chúng cũng có thể bí mật lẫn vào những mạch nước ngầm trước khi lộ thiên, và nhờ sự tác động của không khí và ánh sáng mặt trời, chúng kết hợp với nhau để tồn tại dưới hình dạng khác làm cây cối chết đi, gieo bệnh cho gia súc, gây ra những tác hại khôn lường cho những ai uống nước ở những giếng đã từng trong sạch.Con người khó mà nhận ra được những thảm họa kinh khủng do chính họ tạo ra – Albert Schweitzer đã nói.
Trải qua hàng trăm triệu năm để tạo nên sự sống trên trái đất – đây là khoảng thời gian làm việc hình thành, tiến hóa và đa dạng hóa sự sống đạt đến giai đoạn định hình và hòa hợp với môi trường xung quanh. Môi Trường sẽ giúp hình thành và định hướng cho sự sống mà nó dưỡng nuôi, có cả các thành phần lợi và hại. Một số loại đá tỏa ra thứ bức xạ gây nguy hiểm; ngay cả ánh nắng mặt trời – nguồn cung cấp năng lượng cho mọi sự sống, cũng chứa những tia bức xạ sóng ngắn mang năng lượng có thể gây ra tổn thương. Sau một khoảng thời gian – không tính bằng năm mà là thiên niên kỷ – sự sống điều chỉnh và đạt trạng thái cân bằng. Thời gian là yếu tố rất cần thiết nhưng thế giới hiện đại lại không có đủ thời gian.
Tốc độ thay đổi và tốc độ các tình huống mới được sinh ra phụ thuộc vào tốc độ phát triển mãnh liệt vô tội vạ của loài người chứ không phải phụ thuộc vào tốc độ thong thả của tự nhiên. Bức xạ không còn đơn thuần là bức xạ nền do đá, là sự bắn phá từ các tia vũ trụ, tia cực tím từ mặt trời – những thứ đã tồn tại trước khi sự sống xuất hiện trên trái đất. Bức xạ hiện nay là sản phẩm phi tự nhiên do con người tác động vào hạt nhân mà thành.
Những hóa chất cần cho việc định hình sự sống không còn đơn thuần là calcium, silicon dioxide (silica), đồng đỏ và tất cả các khoáng sản còn lại sau khi lọc ra khỏi đá và trôi từ biển vào sông hồ; mà là sản phẩm tổng hợp từ óc sáng tạo của con người, được chế tạo trong phòng thí nghiệm, và không tồn tại trong môi trường thiên nhiên.
Để tồn tại chung với những hóa chất này, sự sống cần khoảng thời gian điều chỉnh của tự nhiên; khoảng thời gian này không chỉ tính bằng một đời người mà tính bằng nhiều thế hệ. Ngay cả khi có phép màu nào để điều này có thể xảy ra thì sự điều chỉnh cũng là vô ích khi các loại hóa chất mới vẫn tuôn ra ào ạt từ các phòng thí nghiệm. Chỉ riêng ở Mỹ đã có gần 500 loại hóa chất mới được đưa vào sử dụng hàng năm. Con số này vẫn đang dao động và thật khó nắm bắt được hàm ý của nó – con người và động vật buộc phải thích nghi với 500 hóa chất mới hàng năm, những loại chưa qua trải nghiệm sinh học nào.
Rất nhiều hóa chất trong số đó được con người sử dụng trong cuộc chiến chống lại tự nhiên. Từ giữa thập niên 1940, hơn 200 hóa chất cơ bản đã được tạo ra để tiêu diệt côn trùng, cỏ dại, động vật gặm nhấm, và một số loài khác mà hiện nay gọi là loài gây hại; những sản phẩm hóa chất này được bày bán với hàng ngàn nhãn hiệu khác nhau.
Các loại thuốc xịt nước, bụi, và sol khí (aerosol) được sử dụng gần như ở khắp các trang trại, khu vườn, rừng, và nhà ở – đôi khi chỉ vì một vài loài cỏ dại hay côn trùng gây hại mà con người lại tùy ý sử dụng nhiều loại hóa chất khác nhau, có khả năng giết chết mọi loài côn trùng, cả loài có lợi lẫn gây hại, làm vắng hẳn những bản nhạc của chim muông và những điệu múa của cá bên suối, phủ lên trên lá một màng mỏng hóa chất đượm màu tang tóc, và ở lại mãi trong đất. Trong chúng ta ai có thể tin được rằng, sau khi được phủ lên mình hàng loạt chất độc, đất vẫn là nơi thích hợp cho mọi sự sống? Chúng không nên được gọi là thuốc trừ sâu mà phải là thuốc diệt sinh vật gây hại.
Toàn bộ quá trình phun thuốc dường như theo một vòng xoắn vô tận. Từ khi chất DDT được đưa ra sử dụng trong dân sự, xuất hiện tình trạng leo thang của các loại nguyên liệu còn độc hại hơn. Theo minh chứng hữu hình của nguyên tắc Darwin về quá trình chọn lọc tự nhiên, tình trạng này xảy ra là vì côn trùng ngày càng tiến hóa siêu cấp, trở nên miễn nhiễm với thuốc trừ sâu đặc trị được sử dụng, vì thế người ta phải phát triển ra các loại thuốc độc hơn nữa, cái sau lại độc hơn cái trước. Tình trạng leo thang này còn diễn ra do các loài côn trùng gây hại thường có hiện tượng bùng phát trở lại hoặc hiện tượng hồi sinh với số lượng hơn trước rất nhiều, ngay sau khi phun thuốc. Do đó cuộc chiến bằng hóa chất này đã không giành được phần thắng, và vì thế mọi sự sống vẫn bị vướng trong trận đánh ác liệt này.
Bên cạnh nguy cơ tuyệt chủng của nhân loại do chiến tranh hạt nhân, thời đại của chúng ta còn phải đối mặt với một vấn đề trọng yếu, đó là việc môi trường sống bị ô nhiễm bởi các chất có tiềm năng gây hại mà chúng ta không ngờ tới – các chất này tích tụ trong mô thực vật và động vật và thậm chí còn thâm nhập vào nguyên bào nhằm phá hủy hoặc làm biến đổi nhân tố di truyền – yếu tố cấu thành nên hình dạng của các loài sinh vật trong tương lai.
Một số kiến trúc sư của tương lai ngóng đợi đến khi có thể thay đổi chất mầm nguyên sinh của loài người bằng các thiết kế của mình. Tuynhiên, hiện tại chúng ta cũng có thể đang vô tình làm được chuyện đó một cách thật dễ, vì nhiều chất hóa học, điển hình là phóng xạ, có khả năng làm biến đổi gen. Thật trớ trêu khi nghĩ rằng con người có thể quyết định được tương lai của chính mình nhờ vào một chuyện rất đỗi vặt vãnh như lựa chọn thuốc trừ sâu.
Tất cả điều này đều nguy hiểm – nhưng đổi lại được gì? Các sử gia tương lai có thể sẽ rất kinh ngạc bởi nhận thức méo mó của chúng ta về sự cân đối. làm sao mà giống loài thông minh lại muốn kiểm soát một vài loài không mong muốn bằng một phương pháp gây ô nhiễm toàn bộ môi trường để rồi mang những nỗi lo về bệnh tật và chết chóc đến cho chính loài của mình. Đây rõ ràng là điều mà chúng ta vẫn đang làm. Chúng ta còn làm vì những lý do mà vừa xét đến đã thấy vô lý. Chúng ta thường bảo nhau rằng để đảm bảo sản lượng sản xuất, chúng ta cần sử dụng thuốc diệt sinh vật gây hại với số lượng lớn và trên diện rộng. Nhưng chẳng phải vấn đề thực sự của chúng ta là sản xuất thừa hay sao? Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm làm giảm diện tích đất sản xuất, đồng thời đền bù cho các nông dân để họ không sản xuất nữa, các trang trại của chúng ta vẫn cung cấp sốlượng sản phẩm ở mức đáng kinh ngạc đến nỗi người nộp thuế ở Mỹ vào năm 1962 đã trả hơn một tỷ dollar một năm cho tổng chi phí lưu kho trong chương trình lưu trữ thực phẩm thừa. Và tình trạng dùng thuốc có giảm hay không khi năm 1958, một chi nhánh của Bộ nông nghiệp đã chủ động cắt giảm sản xuất trong khi một chi nhánh khác lại tuyên bố rằng: Chúng tôi tin rằng việc cắt giảm quỹ đất sản xuất sẽ khuyến khích việc sử dụng hóa chất để đạt được sản lượng tối đa trên diện tích đất còn được canh tác.
Nói như vậy không có nghĩa là không có vấn nạn côn trùng hay không cần kiểm soát chúng. Tôi muốn nói rằng, việc kiểm soát cần phải gắn liền với thực tế, chứ không phải dựa trên tình huống ảo tưởng, và biện pháp được áp dụng phải là những biện pháp không kéo chúng ta chết chung với côn trùng.
Vấn đề này, vì những nỗ lực giải quyết nó mà kéo theo một chuỗi thảm họa, là thứ đi liền với lối sống hiện đại của chúng ta. Côn trùng đã tồn tại trên trái đất từ rất lâu trước thời đại loài người, chúng là một nhóm các loài có khả năng thích nghi đến lạ thường. lâu hơn khoảng thời gian từ khi con người xuất hiện, một tỷ lệ nhỏ trong hơn 500.000 loài côn trùng đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người bằng hai cách chính: cạnh tranh nguồn thực phẩm và là tác nhân mang mầm bệnh cho con người.
Loài côn trùng truyền bệnh trở nên đáng ngại hơn ở những nơi tập trung đông người, đặc biệt ở điều kiện kém vệ sinh như những khi gặp phải thiên tai, chiến tranh, hoặc nghèo đói nghiêm trọng. Khi đó, cần phải có biện pháp kiểm soát nào đó đối với côn trùng. Tuy nhiên, như chúng ta đều thấy, đó là một sự thật làm thức tỉnh chúng ta khi các biện pháp kiểm soát sử dụng hóa chất với quy mô lớn cũng chỉ gặt hái được thành công ở một chừng mực nào đó, và chúng còn đe dọa làm xấu đi tình trạng vốn đang cần giải quyết.
Dưới những điều kiện trồng trọt sơ khai, nông dân ít gặp các vấn đề về côn trùng. Tuy nhiên, những vấn đề này lại tăng lên khi thâm canh nôngnghiệp xuất hiện – thu hoạch một vụ trên một diện tích rộng lớn. Hệ thống canh tác như thế dọn chỗ cho các loài côn trùng nhất định bùng phát. Việc Canh tác một mùa vụ không tận dụng được những thuận lợi mà thiên nhiên ban tặng, chỉ có các kỹ sư mới nghĩ kiểu nông nghiệp này là tận dụng được các thuận lợi đó. Thiên nhiên đã mang đến sự đa dạng lớn, những con người lại thích đơn giản hóa nó đi. Do đó, con người tháo bỏ những sự cân bằng mà thiên nhiên dùng để kiểm soát các loài. Một trong những hạng mục quan trọng để thiên nhiên kiểm soát đó là giới hạn môi trường sống thích hợp cho từng loài. rõ ràng là loài côn trùng ăn lúa mì khi sống trong một trang trại trồng toàn lúa mì có thể sinh sản với mức độ cao hơn so với khi ở trang trại có trồng xen lẫn các loài cây khác, vì chúng không thích nghi được với những loài cây này.
Vấn đề này cũng xảy ở các trường hợp khác. Cách đây một thế hệ hoặc xa hơn nữa, các thị trấn nằm ở những vùng rộng lớn trên nước Mỹ trồng cây đu – loài cây quý tộc ở dọc hai bên đường. giờ đây, nét đẹp mà người xưa đã hy vọng mang đến cho các thế hệ sau này đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn vì bệnh dịch đã quét ngang loài cây này, tác nhân gieo bệnh là một loại bọ cánh cứng vốn có rất ít cơ hội bùng phát và lây lan từ cây này sang cây khác nếu chỉ có vài cây du được trồng rời rạc.
Một nhân tố khác trong vấn đề côn trùng hiện đại nữ cần phải được xem xét về cả bối cảnh địa chất lẫn lịch sử loài người là: sự lan truyền củahàng ngàn loài sinh vật từ địa bàn của chúng sang xâm chiếm các vùng lãnh thổ mới. Sự di cư toàn cầu này đã được nghiên cứu và lập biểu đồ minh họa bởi nhà sinh vật học người Anh Charles Elton trong cuốn sách của ông ấy,Nền sinh thái xâm chiếm (The Ecology of Invasions). Ở kỷ Phấn Trắng, hàng trăm triệu năm trước đây, nước biển dâng đã xóa bỏ nhiều chiếc cầu nối bằng đất liền giữa các châu lục và những loài sinh vật bị giam cầm ở nơi mà Elton gọi là khu bảo tồn thiên nhiên riêng biệt rộng lớn. Do sống tách biệt với đồng loại, nên những sinh vật này đã phát triển thành nhiều loài mới. Khoảng 15 triệu năm trước, khi một số vùng đất được nối lại liền với nhau, những loài này bắt đầu di chuyển đến những vùng đất mới – việc di cư này không chỉ vẫn đang diễn ra mà còn được hỗ trợ đáng kể bởi loài người.
Nhập khẩu cây trồng và động vật là tác nhân chủ yếu dẫn đến sự lây lan các loài ngày nay, vì động vật đi kèm với thực vật, việc kiểm dịch chỉ mới xuất hiện gần đây và chưa hoàn toàn đạt được hiệu quả. Chỉ riêng Văn Phòng giới thiệu cây trồng Hoa Kỳ đã quảng bá gần 200.000 loài và giống cây trồng khác nhau từ khắp nơi trên thế giới. Gần một nửa trong số 180 loài côn trùng – kẻ thù của cây trồng tại Hoa Kỳ được nhập khẩu một cách vô tình từ nước ngoài, chúng là kẻ bám theo chân của các loài cây trồng mà đến đây.
Tại lãnh địa mới, nằm ngoài tầm kiểm soát của các loài thiên địch (natural enemies) ở quê nhà, các loài động thực vật xâm chiếm này có thể phát triển rất mạnh. Vì thế mà những loài côn trùng gây nguy hại nhất chính là những loài được du nhập.
Những cuộc xâm lấn này, cả tự phát sinh và do con người, dường như tiến triển vô hạn định. Việc kiểm dịch và vận động sử dụng hóa chất ồ ạt chỉ là một cách kéo dài thời gian tốn kém. Theo Tiến sĩ Elton, chúng ta đang đối mặt với nhu cầu cấp thiết mang tính sống còn là tìm ra công nghệ mới để kìm hãm các loài động thực vật, thay vì vậy chúng ta cần có hiểu biết cơ bản về các quần thể động vật và mối quan hệ của chúng với môi trường xung quanh góp phần thúc đẩy sự cân bằng, kìm hãm sự bùng nổ và những cuộc xâm chiếm mới.
Hầu hết kiến thức cần thiết đã có sẵn nhưng chúng ta lại không dùng đến. Chúng ta đào tạo các nhà sinh thái học ở khắp các trường đại học và thậm chí tuyển dụng họ vào các cơ quan chính phủ, tuy nhiên chúng ta lại rất ít khi nghe họ tư vấn. Chúng ta để những cơn mưa tử thần bằng hóa chất rơi xuống khắp nơi cứ như không còn cách nào khác tốt hơn, trong khi thực tế vẫn có rất nhiều cách, và chúng ta với sự thông minh vốn có, sẽ nhanh chóng tìm ra được nếu có cơ hội.
Phải chăng chúng ta đã rơi vào trạng thái kém minh mẫn, buộc chính mình phải chấp nhận thứ nguy hại như chuyện tất yếu xảy ra, cứ như thể đã mất đi ý chí hoặc khả năng nhìn nhận điều gì mới là đúng? lối suy nghĩ đó theo lời của nhà sinh thái học Paul Shepard là: Lý tưởng hóa cuộc sống bằng cách tồn tại suýt soát, chỉ còn cách giới hạn chịu đựng của tự nhiên vài phân. Tại sao chúng ta cho phép những bữa ăn có độc chất nhẹ, những ngôi nhà được bao trùm bởi những thứ nhạt nhẽo, những người quen miễn không phải kẻ thù, tiếng ồn từ những động cơ chỉ có thể giảm đến mức đủ để không làm người ta phát điên? Ai lại muốn sống trong một thế giới nguy hiểm chết người dù mức độ không quá cao?
Vậy mà đó là một thế giới đang bao bọc quanh chúng ta. Chiến dịch tạo ra một thế giới không có côn trùng, không có chất hóa học dường như tạo nên niềm phấn khởi đối với nhiều chuyên gia và các cơ quan kiểm soát.
Mặt khác, có chứng cứ rằng những người tham gia vào việc phun thuốc đang thực thi một thứ quyền lực tàn nhẫn. Nhà côn trùng học neely Turner Tại Connecticut cho rằng: những nhà côn trùng học có vai trò pháp lý như một công tố viên, thẩm phán và bồi thẩm đoàn, người thanh tra thuế, người thu thuế và ngài chánh án thực thi lệnh của chính mình. Tình trạng lạm dụng trắng trợn nhất vẫn chưa được kiểm soát ở cả cơ quan của các bang và cơ quan liên bang.
Tôi không nghĩ rằng chúng ta tuyệt đối không nên sử dụng thuốc trừ sâu. Tôi cho rằng chúng ta đã phát tán một cách vô tội vạ nhiều loại hóa chất độc hại và có khả năng tác động sinh học vào tay những người ít biết hay hoàn toàn không biết gì về những tác hại tiềm tàng này. Chúng ta để một lượng lớn người dân tiếp xúc với độc chất mà họ không được hỏi ý kiến và thường là họ không biết. Nếu trong Tuyên ngôn nhân quyền (Bill of Rights) không có gì đảm bảo rằng mọi người sẽ được bảo vệ khỏi những chất độc nguy hiểm chết người do một ai đó mang đến cho họ, thì hẳn là do cha ông của chúng ta, mặc dù với trí thông minh và khả năng tiên đoán vượt trội của mình, không tưởng tượng được vấn đề này sẽ xảy ra.
Tôi còn cho rằng, chúng ta đã sử dụng những hóa chất này mà ít khi hoặc chưa từng tìm hiểu trước ảnh hưởng của chúng lên trên đất, nước, các loài động vật hoang dã và lên chính con người. Thế hệ mai sau chắc sẽ không tha thứ cho sự thiếu quan tâm của chúng ta với sự toàn vẹn của tự nhiên nuôi dưỡng muôn loài.
Nhận thức về bản chất những mối nguy hại trong mỗi chúng ta vẫn còn rất hạn chế. Đây là thời đại của các chuyên gia, mà mỗi người trong số họ thấy được vấn đề của bản thân nhưng lại không chấp nhận hoặc không chịu tiếp nhận những cái nhìn rộng lớn hơn, nơi mà vấn đề có thể được giải quyết. Đây cũng là thời đại mà công nghiệp thống trị tất cả, thời đại và quyền kiếm tiền bằng mọi giá ít khi bị thách thức. Khi công chúng biểu tình, đối đầu bằng một số bằng chứng rõ rệt về những thiệt hại gây ra do thuốc diệt sinh vật gây hại, thì họ liền bị ru ngủ bởi những thông tin lấp liếm. Cần phải chấm dứt những lời cam kết dối trá, những lời đường mật che đậy sự thật đắng lòng. Công chúng đang buộc phải chấp nhận mức độ rủi ro do những nhà quản lý côn trùng đưa ra là đúng. Công chúng phải quyết định có tiếp tục con đường đang đi hay không, và để làm được điều đó thì họ phải có trong tay sự thật. Như Jean rostand nói: Nghĩa vụ sinh tồn cho chúng ta quyền được biết mọi thứ.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, chương 01 tại đây.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, chương 02 tại đây.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, chương 03 tại đây.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, chương 04 tại đây.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, chương 05 tại đây.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, chương 06 tại đây.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, chương 07 tại đây.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, chương 09 tại đây.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, chương 10 tại đây.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, chương 11 tại đây.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, chương 12 tại đây.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, chương 13 tại đây.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, chương 14 tại đây.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, chương 15 tại đây.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, chương 16 tại đây.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, chương 17 tại đây.
Đọc Mùa xuân vắng lặng, toàn tập tại đây.