Niên lịch miền gió cát | Chương 21
Niên lịch miền gió cát hòa quyện lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh và triết học qua ghi chép về sinh vật tại trang trại Wisconsin.
· 29 phút đọc.
Sự hoang dã là chất liệu thô sơ mà con người đã dùng để rèn giũa nên tạo vật gọi là văn minh nhân loại.
Tính hoang sơ chưa bao giờ là một chất liệu đơn điệu. Nó đa dạng biến hóa, và các tạo vật đi ra từ nó cũng muôn màu muôn vẻ. Những khác biệt giữa các tạo vật này được gọi là văn hóa. Sự đa dạng giàu có trong văn hóa thế giới loài người phản chiếu một sự đa dạng tương tự trong thiên nhiên, nơi đã sản sinh ra nó.
Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, có hai sự thay đổi đang cận kề.
Thứ nhất là sự cạn kiệt của tính hoang dã trong những khu vực mà con người có thể sinh sống được trên Trái đất. Thứ hai là sự lai tạo toàn cầu giữa các nền văn hóa thông qua giao thông vận chuyển và quá trình công nghiệp hóa. Cả hai quá trình này đều không thể ngăn chặn được, và có lẽ cũng không nên ngăn chặn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là, bằng cách nào đó ta có thể giảm nhẹ tác động của những thay đổi này và gìn giữ những giá trị nhất định trước khi chúng mất đi.
Với người thợ rèn đổ từng giọt mồ hôi lao động, những kim loại thô sơ nằm trên đe là một thử thách mà anh ta phải chế ngự. Thiên nhiên hoang dã vì thế cũng trở thành nguyên liệu thô cho những người khai hoang mở cõi chế ngự.
Nhưng nếu người thợ rèn ngơi tay và trong một phút nhìn mọi thứ với đôi mắt triết lý, thì cũng chính kim loại thô sơ đó là nơi chốn của tình yêu, vì nó tạo nên ý nghĩa cho cuộc đời của anh ta. Đây cũng là lời khẩn cầu kêu gọi bảo tồn những gì còn lại của thiên nhiên hoang dã (trong bảo tàng), để soi đường chỉ lối cho những thế hệ mai sau muôn ngắm nhìn, cảm nhận, và nghiên cứu về nguồn gốc các giá trị văn hóa mà họ kế thừa.
Những gì sót lại g g ạ Rất nhiều những phần tố thiên nhiên hoang dã mà chúng ta dùng để kiến tạo nên nước Mỹ đã biến mất hoàn toàn. Vì thế, trong bất kỳ chương trình bảo tồn nào, những gì hoang dã mà mỗi địa phương cần khoanh vùng phải rất khác nhau về kích thước và mức độ bảo tồn.
Sẽ không còn ai được nhìn thấy thảo nguyên cỏ cao, nơi những biển hoa rực rỡ đung đưa níu chân người mở đất trên lưng ngựa. Chúng ta sẽ phải tự hài lòng với một khoanh đất nhỏ chỗ này chỗ kia, nơi các loài cây thảo nguyên có thể tiếp tục sinh tồn. Đã từng có một trăm loài cây như thế, rất nhiều trong số chúng mang vẻ đẹp trác tuyệt mà đa phần những người thừa kế đất đai không hề hay biết đến.
Tuy nhiên, thảo nguyên cỏ thấp, nơi Cabeza de Vaca từng ngắm đường chân trời bên dưới bụng của loài bò rừng, dài gần bốn ngàn héc – ta ở vài nơi, mặc dù chúng đã bị cừu gia súc, và cả nông dân gặm nhấm cày xới ác liệt. Nếu những ngươi khai hoang mở cõi trước kia đáng được vinh danh trên những bức tường thủ phủ bang, thì chẳng nhẽ cảnh quan nơi họ đặt chân đến lại không đáng được vinh danh trong những khu bảo tồn thảo nguyên quốc gia? Những vùng thảo nguyên ven biển vẫn còn sót lại ở Florida và Texas, nhưng những giếng dầu, ruộng hành tây, và nông trại cam đang dần xâm lấn, được trang bị đến tận chân răng với máy đào và máy ủi. Đây sẽ là hồi chuông cảnh báo cuối cùng.
Sẽ không còn ai được chiêm ngưỡng những rừng thông hoang sơ quanh vùng Ngũ Hồ, những rừng cây gỗ vùng trũng mọc theo dải bờ biển, hay các thân gỗ đại thụ. Chúng ta sẽ phải tự hài lòng với một vài héc – ta tiêu bản còn sót lại. Nhưng chúng ta vẫn còn hàng nghìn héc – ta rừng gỗ thích, những khu rừng cây gỗ cứng ở Appalachia, những khu rừng đầm lầy phía nam, và rừng cây vân sam ở Adirondack. Rất ít những mảng xanh còn lại này được chính sách khai thác hợp lý bảo vệ khỏi những bản đồ quy hoạch đường sá cho khách du lịch.
Một trong các hạng mục thiên nhiên hoang dã đang tiêu biến nhanh nhất chính là đường bờ biển. Các khu nhà nghỉ và đường đi cho khách du lịch đã xóa sổ gần hết những khu bờ biển hoang sơ ở cả hai bờ đại dương, và những vùng hoang dã bao quanh hồ Superior thì giờ đây đang biến mất với tốc độ chóng mặt nhất trong cụm Ngũ Đại Hồ. Chưa từng có loại hình thiên nhiên hoang dã nào gắn bó mật thiết với lịch sử mà lại đang tiến đến đà tuyệt diệt nhanh chóng như vậy.
Ở tất cả khu phía đông dãy Thạch Sơn, chỉ có duy nhất một khu vực thiên nhiên hoang dã lớn được bảo tồn chính thức: Công viên Liên quốc gia Quetico – Superior ở Minnesota và Ontario. Khu thiên nhiên hùng vĩ với sông ngòi hồ nước chăng chịt đủ cho các tay chèo ca – nô thỏa chí tang bồng này nằm chủ yếu ở lãnh thổ Canada, và có thể mở rộng ra tùy theo ý muốn của chính phủ nước này. Tuy nhiên, sự tồn tại của khu bảo tồn này đang bị đe dọa bởi hai thứ: sự gia tăng các khu câu cá nghỉ dưỡng với chỗ đáp cho thủy phi cơ và một tranh chấp pháp lý về việc lãnh thổ nằm bên phía Minnesota sẽ thuộc toàn quyền sở hữu của liên bang hay chia sẻ một phần với bang sở tại. Cả khu vực này đang bị trò chơi quyền lực đe dọa, và sự chia rẽ giữa những người ủng hộ thiên nhiên hoang dã có thể sẽ dẫn đến một kết cục bi thảm.
Trong các bang nằm bên dãy Thạch Sơn, một loạt các khu vực trong các khu Rừng Quốc gia với diện tích từ 160.000 cho đến hơn 200.000 hecta đang được thu hồi để bảo tồn. Không một con đường, khách sạn, hay tiện ích nào khác sẽ được xây dựng ở đây nữa. Các công viên quốc gia cũng tuân theo tôn chỉ đó, tuy nhiên việc phân định ranh giới cho các khu hoang dã vẫn còn chưa cụ thể. Tổng hòa lại, các khu vực dưới quyền bảo trợ liên bang này được coi là sống lưng của chương trình bảo tồn, nhưng sự bảo hộ này cũng không chắc chắn như trong giấy tờ ghi chép. Áp lực từ địa phương đòi hỏi xây những tuyến đường du lịch mới làm sứt mẻ chỗ này một ít chỗ kia một chút. Hàng năm luôn có áp lực kéo dài những tuyến đường phòng hộ đề phòng hỏa hoạn, và những tuyến đường này dần dà sẽ trở thành đường cao tốc. Thái độ hờ hững từ các ban bệ của Cục Bảo tồn góp phần gia tăng ham muốn xây thêm những con đường mới không cần thiết. Nguồn gỗ khan hiếm trong thời gian chiến tranh đã tạo đà cho quân đội đòi hỏi xây thêm đường, cho dù các đòi hỏi đó có xác đáng hay không.
Hiện nay, các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết đang được quảng cáo rộng rãi trên khắp các vùng núi, bất chấp nơi đó có phải là khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã hay không.
Một trong các âm mưu quỷ quyệt nhất nhằm xâm lấn các khu hoang dã là chính sách kiểm soát kẻ thù tự nhiên của các loài cần bảo tồn. Chó sói và sư tử sẽ bị đẩy ra khỏi một khu bảo tồn dành riêng cho việc quản lý các loài thú săn cỡ lớn như hươu nai. Các loài được bảo tồn này sau đó sẽ sinh sôi nhiều đến nỗi vượt ra khỏi ranh giới khu bảo tồn. Các thợ săn sau đó sẽ được khuyến khích triệt tiêu số thú săn dư thừa này. Tuy nhiên, thợ săn ngày nay từ chối ngồi trong xe và săn bắn từ xa, nên một con đường cần được xây để mở cửa cho họ tiếp cận những con thú săn lạm phát. Hết lần này qua lần khác, các khu bảo tồn hoang dã bị xâm hại theo cách này, và sự thể vẫn đang tiếp diễn.
Hệ thống bảo tồn hoang dã trên dãy Thạch Sơn bao gồm một chuỗi các loại rừng khác nhau, từ rừng cây bách xù phía tây nam cho đến những khu rừng đại ngàn thuộc bang Oregon. Tuy nhiên, hệ thống này lại không bao gồm các khu sa mạc, có lẽ vì trong khái niệm thẩm mỹ non yếu của các nhà bảo tồn thì cảnh quan chỉ đồng nghĩa với hồ nước và rừng thông.
Ở Canada và Alaska vẫn còn những khu thiên nhiên hoang sơ rộng lớn.
Nơi người vô danh men theo dòng sông không tên và chỉ có cái chết lạ kỳ xảy ra nơi thung lũng lạ kỳ.
Chúng ta nên gìn giữ các khu vực đại diện của các vùng thiên nhiên hoang sơ này. Rất nhiều trong số chúng đã bị khai thác thái quá cho mục đích kinh tế. Chắc chắn chúng ta đều tin rằng kế hoạch thái quá đến mức như vậy là không cần thiết, rằng những khu vực này vẫn sẽ sống sót mà thôi. Tất cả mọi người đều ỷ y vào giả định dễ chịu ấy. Ngay cả khi các khu hoang dã còn tồn tại, điều gì sẽ xảy ra với các loài thú sống ở đó? Con tuần lộc rừng, vô số loài cừu núi, loài bò rừng thuần chủng, loài gấu xám Bắc Mỹ, loài hải cẩu nước ngọt, và loài cá voi giờ đây đều đang bị đe dọa.
Các khu hoang dã tiếp tục tồn tại thì có ích gì nếu các loài thú đặc trưng cho nơi đó biến mất? Viện nghiên cứu Bắc Cực vừa mới bắt đầu quá trình công nghiệp hóa tại đây, đảm bảo rằng sẽ hủy hoại thiên nhiên hoang dã miền cực Bắc. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cuối cùng, gióng lên từ cả cực Bắc xa xôi.
Câu hỏi liệu Canada và Alaska có thể nhận ra và nắm bắt cơ hội của mình đến đâu vẫn còn bỏ ngỏ. Những người mở cõi hay xem thường những cố gắng phát triển tiếp việc khai hoang.
Thiên nhiên hoang dã dành cho giải trí Chiến tranh nổ ra để tranh giành tài nguyên nhiên liệu từ lâu đã là chuyện thường tình trong kinh tế. Khi tài nguyên dần biến mất, bản năng sống còn trỗi dậy khiến chúng ta duy trì nó thông qua các môn thể thao săn bắn.
Tương tự như vậy, chiến tranh giữa người và thú giờ đây được duy trì qua việc săn bắt và câu cá.
Các khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã, trước nhất là một hình thức để tiếp nối những kỹ năng nguyên thủy và tráng kiện của việc du hành để khai khẩn đất đai và tìm kiếm sinh kế, thông qua việc săn bắn.
Một vài kỹ năng này có tính phổ quát, dù một vài tiểu tiết đã được thay đổi cho phù hợp với bối cảnh nước Mỹ. Săn bắn, câu cá, và di chuyển theo đoàn là một vài ví dụ.
Hai trong số các kỹ năng trên mang đậm chất Mỹ như những cây mại châu. Tuy rằng chúng được sao chép lại từ nơi khác, nhưng chỉ trên châu lục này thì chúng mới phát triển rực rỡ đến độ hoàn thiện. Một trong số chúng là du hành bằng ca – nô, và kỹ năng còn lại là đi lại theo đoàn lữ hành, cả hai kỹ năng đều đang biến mất nhanh chóng. Người thổ dân ở vịnh Hudson giờ đây sở hữu động cơ xuồng máy, còn người vùng cao thì có xe Ford. Nếu phải kiếm kế sinh nhai bằng ca – nô hay một đàn ngựa, có lẽ tôi cũng sẽ làm điều tương tự vì cả hai kỹ năng này đều đòi hỏi sức lao động nặng nhọc. Nhưng những người tìm kiếm thiên nhiên hoang dã để săn bắt như chúng ta lại chịu khuất phục trước những máy móc cơ khí. Thật vô căn cứ khi kéo một chuyến hàng bên cạnh còi xe ô – tô inh ỏi, hay chăn thả con ngựa cái xinh đẹp của bạn trên bãi cỏ của một khách sạn. Tôi thà ở nhà còn hơn.
Các khu thiên nhiên hoang dã trước nhất là các nơi ẩn náu an toàn cho nghệ thuật du hành trong thiên nhiên từ xa xưa, đặc biệt là việc chèo ca – nô và đi ngựa thành đoàn lữ hành.
Có lẽ sẽ có người muốn tranh luận tại sao tôi lại cho rằng việc gìn giữ những kỹ năng sống xa xưa này là quan trọng. Tôi sẽ không làm chuyện đó.
Hoặc là bạn biết điều này từ trong tâm can, hoặc là bạn phải rất, rất già rồi.
Việc săn bắn và câu cá ở châu Âu gần như tách biệt khỏi những thứ mà thiên nhiên hoang dã có thể giúp bảo tồn. Dân châu Âu không cắm trại, nấu ăn, hay làm việc trong rừng nếu họ có thể tránh được điều đó. Việc lao động chân tay được dành cho người hầu kẻ hạ, và chuyến đi săn của họ thì mang hơi hướm một buổi dã ngoại hơn là đi khai phá đất hoang. Phép thử kỹ năng ở đây nằm chủ yếu trong việc thực sự bắt được thú bị săn hay câu được cá.
Có những người than phiền việc phải săn bắn trong thiên nhiên hoang dã là phi dân chủ vì sức chứa của khu bảo tồn thiên nhiên nhỏ hơn nhiều so với một sân golf hay một điểm cắm trại du lịch. Sai lầm cơ bản trong lập luận đó là nó đang áp dụng triết lý sản xuất đại trà lên một chủ thể đang chống lại chính triết lý đó. Giá trị của giải trí ngoài trời không phải là câu chuyện về những thứ tầm thường. Giá trị của nó tỷ lệ thuận với mức độ sâu sắc của trải nghiệm nó mang lại và tầm cỡ của sự khác biệt và tương phản mà nó tạo ra so với đời sống công sở thường nhật. Dựa trên các tiêu chí đánh giá này, những cuộc đi săn hay dạo chơi cùng máy móc đơn giản là một phạm trù tách biệt hoàn toàn như nước và sữa vậy.
Việc giải trí với máy móc đã chiếm hữu chín phần mười các khu rừng núi. Vậy thì ta cần bày tỏ sự tôn trọng và để lại một phần mười kia cho thiên nhiên hoang dã.
Thiên nhiên hoang dã dành cho khoa học Đặc tính quan trọng nhất của một cơ thể là khả năng tự tái tạo, hay còn gọi là sức khỏe.
Tồn tại hai thực thể mà khả năng tự tái tạo của chúng phụ thuộc vào sự can thiệp và kiểm soát của con người. Một bên là chính bản thân con người (rộng hơn là nói đến ngành y dược và y tế cộng đồng). Bên còn lại là đất đai (rộng hơn là nói đến nông nghiệp và bảo tồn thiên nhiên).
Nỗ lực để kiểm soát sức khỏe đất đai đã không đạt được nhiều thành công. Giờ đây đa phần chúng ta đều hiểu rằng, khi đất mất dần chất màu hay bị rửa trôi nhanh hơn tích tụ, và khi hệ thống nước tạo ra các đợt lũ lụt và hạn hán trái mùa, điều đó có nghĩa là đất đai đang ốm.
Những sự xáo trộn khác tuy được xem xét là thực tế diễn ra, nhưng chưa được coi là triệu chứng bệnh lý của đất. Sự biến mất của động thực vật mà không có lý do (bất luận chúng ta đã nỗ lực bảo vệ chúng), bên cạnh sự bùng nổ các loại dịch bệnh (bất luận chúng ta đã nỗ lực kiểm soát chúng), cần phải được xem là các triệu chứng bệnh lý của một vùng đất.
Cả hai quá trình trên đang diễn ra quá thường xuyên để được coi là những bước tiến hóa thông thường.
Thái độ của chúng ta về những dịch bệnh cho đất đai này thể hiện qua việc các phương thức điều trị của chúng ta vẫn hết sức khu biệt cho từng vùng đất. Vì thế, khi đất bắt đầu mất đi dinh dưỡng, chúng ta đổ thêm phân bón lên đó, hoặc thay đổi các loài động thực vật thuần hóa sống trên đó, mà không nghĩ đến việc các loài động thực vật hoang dã, vốn là những sinh vật gầy dựng nên vùng đất đó từ thuở khai thiên lập địa, cũng góp vai trò quan trọng trong việc gìn giữ đất. Gần đây, người ta phát hiện rằng sản lượng thu hoạch cây thuốc lá của một vùng đất phụ thuộc, vì lý do khó đoán nào đó, vào sự có mặt (và chuẩn bị trước về mặt dinh dưỡng) của cỏ phấn hương trước đó ở vùng đất ấy. Chúng ta không nghĩ tới việc những chuỗi phụ thuộc bất ngờ này có thể xuất hiện nhiều như vậy trong tự nhiên.
Khi loài sóc chó, sóc đất, hay chuột gia tăng đến mức trở thành sinh vật gây hại, chúng ta chỉ biết đánh bả chúng mà không nghĩ sâu xa hơn về nguyên nhân của sự bùng nổ dân số này. Chúng ta cho rằng những vấn đề liên quan đến loài vật thì có nguồn gốc từ loài vật. Bằng chứng khoa học gần đây nhất cho thấy chính sự xáo trộn trong hệ thực vật đã dẫn đến sự bùng nổ dân số loài gặm nhấm, nhung vẫn chưa có ai tìm hiểu nghiên cứu về manh mối này.
Rất nhiều đồn điền lâm nghiệp đang sản xuất các loại gỗ thân chỉ chia được thành một hoặc hai khúc gỗ thành phẩm trên những vùng đất trước kia dành cho các thân gỗ có thể xẻ làm ba hay bốn khúc. Tại sao lại thế? Những cán bộ lâm nghiệp có suy nghĩ sẽ biết rằng lý do không nằm ở chỗ các cây gỗ mà ở trong các hệ vi thực vật của đất, và thời gian cần để khôi phục lại nó thì có lẽ dài hơn là thời gian hủy hoại nó.
Rất nhiều phương pháp bảo tồn chỉ mang tính bề mặt hời hợt. Các đập chắn lũ chẳng liên quan gì đến lý do lũ quét. Đập chống lũ và đê con chạch không đả động gì đến lý do xói mòn đất. Các khu trú ẩn và xưởng ấp trứng nhằm duy trì nguồn cung cấp thú bị săn và cá không lý giải được tại sao nguồn cung cấp đó lại không thể tự duy trì.
Nhìn chung, đối với đất đai cũng như với cơ thể người, các triệu trứng có thể phát ra ở một cơ quan trong khi lý do thì lại nằm ở cơ quan khác.
Việc mà chúng ta gọi là bảo tồn, thực chất chỉ là các hình thức giảm đau mang tính cục bộ cho các cơn đau bệnh của vùng sinh vật. Mặc dù cần thiết, chúng ta không nên nhầm lẫn thuốc giảm đau với thuốc điều trị bệnh.
Trong khi việc chữa bệnh cho đất đang được tiến hành rốt ráo, ngành khoa học nghiên cứu sức khỏe đất đai vẫn chưa tụ hình.
Một ngành khoa học như vậy trước hết cần một kho dữ liệu nền tảng cùng tranh ảnh về cách một vùng đất khỏe mạnh duy trì cơ thể của nó.
Chúng ta có hai mô hình sức khỏe quy chuẩn. Mô hình thứ nhất là khi chức năng sinh lý của một vùng đất vẫn ở mức bình ổn mặc dù loài người đã định cư ở đó qua nhiều thế kỷ. Tôi chỉ biết có một nơi duy nhất như vậy: đông bắc châu Âu. Khả năng chúng ta có thể nghiên cứu khu vực này là khá cao.
Mô hình thứ hai và hoàn hảo nhất là trong thiên nhiên hoang dã. Ngành cổ sinh vật học dẫn ra vô số bằng chứng cho thấy thiên nhiên hoang dã có thể tự điều tiết cơ thể nó trong các quãng thời gian dài, rằng các giống loài tồn tại bên trong nó hiếm khi nào tuyệt chủng; rằng thời tiết và nguồn nước trong thiên nhiên thường bồi đắp đất với vận tốc nhanh bằng, thậm chí hơn, vận tốc xói mòn. Vì vậy, thiên nhiên hoang dã có tầm quan trọng không tưởng như một phòng thí nghiệm nghiên cứu sức khỏe đất đai.
Ta không thể nghiên cứu chức năng sinh lý đất đai ở Montana trong rừng rậm Amazon; mỗi quần xã sinh vật cần có hệ thiên nhiên hoang dã của riêng nó để nghiên cứu so sánh giữa vùng đất đai để không và vùng đã được sử dụng. Tất nhiên là giờ thì ta chẳng thể cứu vớt được gì ngoài một vùng thiên nhiên hoang dã vẹo vọ, và những phần sót lại này cũng quá nhỏ để có thể làm ví dụ cho mô hình chuẩn trước kia. Ngay cả các công viên quốc gia rộng hơn một triệu héc – ta cũng không đủ lớn để níu giữ các kẻ săn mồi tự nhiên, hay ngăn chặn bệnh dịch tràn lan từ các đàn gia súc. Đó là lý do Vườn quốc gia Yellowstone đã mất đi loài sói và báo, và hậu quả giờ đây là loài nai sừng tấm đang tàn phá cây cỏ, đặc biệt là bên mạn cây cối mùa đông. Cùng lúc đó thì số lượng loài gấu xám và sơn dương cũng đang teo tóp dần do dịch bệnh.
Mặc dù ngay cả khu thiên nhiên hoang dã lớn nhất cũng đã phần nào bị xáo trộn, J. E. Weaver chỉ cần một vài hecta đất tự nhiên là đủ để phát hiện ra tại sao thực vật trên thảo nguyên lại chịu hạn tốt hơn các loại cây nông nghiệp thế chỗ chúng. Weaver quan sát thấy các giống cây thảo nguyên đã chung sức với nhau và tỏa bộ rễ của chúng xuống sâu hết các tầng đất, trong khi chu kỳ thu hoạch của các giống cây nông nghiệp khiến rễ của chúng tập trung vào hết một tầng đất mà bỏ qua các tầng khác, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng chồng chất. Một quy tắc nông nghiệp quan trọng đã nảy mầm từ nghiên cứu của Weaver.
Thêm lần nữa, Togrediak cũng chỉ cần một vài héc – ta đất tự nhiên để tìm hiểu lý do tại sao các cây thông mọc trên các thửa ruộng cũ không bao giờ đạt đến kích thước hay sức chịu gió của các cây lớn lên trên đất rừng chưa bị đốt làm rẫy. Ở trường hợp thứ hai, bộ rễ của các cây này lần theo lối đi của hệ thống rễ các cây đi trước, nhờ đó cắm được sâu hơn xuống lòng đất.
Trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể nào biết được một vùng đất khỏe mạnh sẽ cho ra những hoa trái lợi ích gì cho đến khi chúng ta có thể so sánh giữa một khoảng đất tự nhiên và một khoảng đất bệnh trong cùng vùng đó. Vì thế mà mặc dù các nhà du hành thuở trước ở vùng tây nam luôn miêu tả các con suối trong vắt chảy từ trên núi, ta vẫn cảm thấy hồ nghi vì có thể họ đã nhìn thấy chúng vào đúng mùa. Các kỹ sư chống xói mòn đất không có cơ sở dữ liệu nào để so sánh cho đến khi họ phát hiện ra cũng chính những nhánh sông đó, thuộc hệ thống dãy Mẫu Sơn ở Chihuahua vốn chưa từng được khai thác sử dụng vì nỗi lo bị thổ dân tấn công, lại có màu đục như sữa vào các mùa khác, nhưng vẫn không quá đục để câu cá hồi. Rêu mọc đến tận bờ mép của bãi sông. Đa phần các con sông tương ứng ở Arizona và New Mexico là các dải lót đầy đá tảng, không rong rêu đất mùn, và tuyệt không có cây mọc hai bên bờ. Việc bảo tồn và nghiên cứu thiên nhiên hoang dã dãy Mẫu Sơn như một mô hình để tìm hiểu cách chữa bệnh cho các khu đất nghèo nàn ở cả hai bên biên giới sẽ là một việc làm táo bạo nhưng đáng xem xét thực hiện.
Nhìn chung, tất cả các khu vực hoang dã, dù lớn hay nhỏ, đa phần đều có giá trị làm mô hình nghiên cứu cho khoa học về đất đai thổ nhưỡng.
Việc làm nơi giải trí tiêu khiển không phải là công dụng duy nhất và chủ yếu của chúng.
Sự hoang dã trong thiên nhiên Các công viên quốc gia không phải là nơi cho các con thú săn mồi lớn duy trì nòi giống; chúng ta cứ nhìn vào tình trạng bấp bênh của loài gấu xám Bắc Mỹ và sự biến mất hoàn toàn của loài sói trong các vườn quốc gia thì đủ rõ. Và các vườn quốc gia cũng không phải chốn dung thân cho loài sơn dương, bằng chứng là số lượng cá thể trong các bầy đang ngày một giảm dần.
Lý do đằng sau việc này có lúc sáng tỏ, có lúc lại mù mờ. Các công viên này hiển nhiên là quá nhỏ cho một loài thú kiếm ăn trên diện rộng như chó sói. Còn các loài khác, vì lý do nào đó, không phát triển được khi bị cô lập thành một quần thể nhỏ.
Cách khả thi nhất để mở rộng diện tích sống cho các loài động vật hoang dã là biến các vùng hoang dã hơn trong các rừng quốc gia (thường nằm viền xung quanh đường biên của các công viên quốc gia) thành các công viên dành riêng cho các giống loài bị đe dọa. Ví dụ cho sự cấp thiết của đề xuất này là trường hợp loài gấu xám Bắc Mỹ.
Vào năm 1909, khi con người mới đặt chân tới bờ Tây, loài gấu xám có mặt trên khắp các dãy núi lớn, nhưng bạn có thể chu du trong nhiều tháng trời mà không bắt gặp một cán bộ bảo tồn nào hết. Còn ngày nay, cứ sau mỗi lùm cây là ta lại bắt gặp một nhân viên bảo tồn! Tuy nhiên, trong khi các ban ngành quản lý thiên nhiên hoang dã phát triển, loài thú có vú to lớn nhất của chúng ta lại biến mất dần, rút lui về phía biên giới với Canada. Trong số sáu nghìn con gấu xám được ghi nhận trên lãnh thổ Hoa Kỳ, năm nghìn con đang sinh sống ở Alaska. Chúng chỉ xuất hiện trong vỏn vẹn năm tiểu bang. Dường như tồn tại một suy nghĩ rằng nếu loài gấu xám còn sống ở Canada và Alaska, thì nhiêu đó đã là đủ rồi. Với tôi thì không. Loài gấu ở Alaska thuộc về một loài hoàn toàn riêng biệt. Việc ký thác loài gấu xám tới Alaska chẳng khác nào trông chờ vào hạnh phúc nơi thiên đường: nào phải ai cũng lên được đó đâu.
Việc giải cứu loài gấu xám đòi hỏi thiết lập một chuỗi các khu vực rộng lớn không có đường sá hay gia súc, hay ở những nơi mà những hậu quả do chăn thả gia súc để lại đang được giải quyết. Mua lại các nông trại chăn thả nằm rải rác khắp nơi là cách duy nhất tạo ra các khu vực này. Tuy vậy, bất chấp chính quyền ra sức mua bán đổi chác đất đai, các ban ngành bảo tồn vẫn không thu nhặt được thành quả gì. Cục Lâm nghiệp, tôi nghe nói, đã thiết lập một vùng dành riêng cho gấu xám ở Montana, nhưng tôi cũng biết đến một rặng núi ở Utah nơi Cục Lâm nghiệp ở đó đã khuyến khích người dân chăn nuôi cừu, mặc dù họ biết rõ đây là đất sống cuối cùng cho loài gấu xám ở tiểu bang này.
Các đặc khu dành cho gấu xám và đặc khu cho thiên nhiên hoang dã là hai tên gọi của cùng một vấn nạn. Nhiệt huyết dành cho cả hai đòi hỏi tầm nhìn xa trông rộng về bảo tồn và nhận thức về lịch sử. Chí những ai có thể nhìn thấy sự phô bày rực rỡ của dòng chảy tiến hóa mới có thể cảm thụ được sân khấu nó gầy dựng nên (thiên nhiên hoang dã) cũng như các vũ công tuyệt tác của nó (loài gấu xám). Nhưng nếu giáo dục thực sự mở mang đầu óc, thì chẳng mấy chốc sẽ có một ngày nhiều công dân hiểu ra rằng những điều xưa cũ của lịch sử bờ Tây sẽ tô điểm thêm cho những gì mới mẻ. Những thế hệ mai sau sẽ chèo thuyền trên sông Missouri như hai nhà thám hiểm Lewis và Clark, hay trèo lên dãy Mẫu Sơn như James Capen Adams. Và mỗi thế hệ sẽ lại tự hỏi: Loài gấu trắng lớn giờ ở đâu? Sẽ thật buồn biết bao nếu ta phải trả lời rằng chúng đã biến mất dưới đất đen trong lúc các nhà bảo tồn quên không quan sát.
Người bảo vệ thiên nhiên hoang dã Sự hoang dã là một nguồn nhiên liệu chỉ có thể tiêu biến chứ không phát triển. Những cuộc xâm lấn thiên nhiên có thể bị ngăn chặn hoặc thay đổi theo cách nào đó để duy trì một khu vực cho mục đích giải trí, khoa học, hay bảo tồn, nhưng việc tạo ra một vùng thiên nhiên hoang dã mới theo đúng nghĩa thì là chuyện không tưởng.
Nếu theo suy luận đó, bất cứ chương trình bảo tồn thiên nhiên nào đều phải thực hiện việc bọc hậu, giữ cho thiên nhiên bị cắt xén ở mức tối thiểu.
Hiệp hội Thiên nhiên Hoang dã (Wilderness Society) được thành lập năm 1935 _với mục đích duy nhất để giải cứu các vùng hoang dã còn sót lại trên nước Mỹ.
Nhưng chỉ thành lập một tổ chức như vậy thôi thì chưa đủ. Trừ phi trong mỗi ban ngành bảo tồn đều có những người đầu óc hướng tới thiên nhiên hoang dã, tổ chức này sẽ không kịp thời nhận diện những cuộc xâm lấn cho đến khi thời điểm hành nhận diện những cuộc xâm lấn mới cho đến khi thời điểm hành động đã vuột mất. Thêm vào đó, một sư đoàn các công dân với nhận thức về thiên nhiên hoang dã cần phải được điều động để trấn giữ khắp mọi nơi, sẵn sàng hành động khi có hiệu lệnh.
Ở châu Âu, nơi sự hoang dã đã lui về trú ẩn ở vùng Carpathia và Siberia, tất cả các nhà bảo tồn đều đau xót trước sự biến mất này. Ngay cả ở nước Anh, nơi đất đai là thứ của cải xa xỉ khan hiếm hơn ở các nước văn minh khác, vẫn có một phong trào hừng hực, tuy có phần sinh sau đẻ muộn, nhằm giữ gìn những mảng thiên nhiên bán hoang dã còn sót lại.
Khả năng nhìn ra giá trị văn hóa của sự hoang dã rốt cuộc phụ thuộc vào sự khiêm nhường đầy thông tuệ trong mỗi con người. Những người hiện đại đầu óc nông cạn, những kẻ đã hoàn toàn đánh mất cội rễ trong đất đai, tưởng rằng mình đã khám phá ra chân lý, cứ liên tục tán phét về việc xây dựng các đế chế kinh tế chính trị trường tồn. Chỉ có người trí thức mới trân trọng rằng mọi lịch sử vốn dĩ đều là những chuỗi biến tấu bắt đầu từ cùng một xuất phát điểm, nơi nhân loại liên tục quay trở về để tìm kiếm một hệ giá trị bền vững. Chỉ có một nhà học giả mới hiểu tại sao thiên nhiên hoang dã lại định hình và kiến tạo ý nghĩa cho xã hội loài người.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 01 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 02 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 03 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 04 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 05 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 06 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 07 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 09 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 10 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 11 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 12 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 13 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 14 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 15 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 16 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 17 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 18 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 19 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 20 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 21 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 22 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, toàn tập tại đây.