Niên lịch miền gió cát | Chương 04
Niên lịch miền gió cát hòa quyện lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh và triết học qua ghi chép về sinh vật tại trang trại Wisconsin.
· 21 phút đọc.
Mùa nước nổi ô – gích đằng sau việc các con sông lớn luôn chảy qua các thành phố lớn khiến cho những nông trại nhỏ đôi khi bị cô lập trong dòng nước lũ đầu xuân. Trang trại của chúng tôi cũng không phải ngoại lệ, và có đôi lần khi lên thăm trang trại vào tháng Tư, chúng tôi đã bị kẹt ở đó.
Dĩ nhiên chuyện này hoàn toàn nằm ngoài chủ đích, nhưng ở mức độ nào đó thì ta có thể phỏng đoán dựa trên dự báo thời tiết ràng khi nào thì tuyết trên miền Bắc sẽ tan, và có thể ước lượng rằng sau bao nhiêu ngày thì nước lũ sẽ xối xả thách thức các thành phố trên thượng nguồn. Đó là lý do mà đến tôi Chủ nhật, ta không thể quay trở về phố thị để chuẩn bị hôm sau đi làm. Tiếng ầm ào của dòng nước tuôn trào mới ngọt ngào làm sao khi chúng thì thầm bày tỏ nỗi cảm thông vì đã làm đổ bể biết bao kế hoạch cho buổi sáng thứ Hai! Và tiếng kêu quàng quạc của những con ngỗng mới trầm và sâu làm sao khi chúng lượn vòng trên khắp các cánh đồng ngô mà giờ đang dần biến thành những hồ nước. Cứ hết một trăm mét thì lại có vài con ngỗng đập cánh trên không, khi đang cố gắng chỉ huy bầy đàn dàn quân theo hình bậc thang trong chuyến thăm dò buổi sớm cái thế giới mới mẻ ngập chìm trong biển nước này.
Sự hào hứng của lũ ngỗng trước mùa nước nổi xem chừng vẫn còn ra chiều ý tứ, và có thể bị những đôi tai không quen nghe cách chúng kháo chuyện bỏ qua, nhưng nỗi hân hoan của những con cá chép thì quá rõ rệt và không nhầm lẫn vào đâu được. Nước lũ vừa mới dâng ướt chân cỏ thôi là chúng đã tề tựu đông đủ, quẫy đuôi đầm mình với một sự say mê lạ thường, giống như cách những con lợn chạy rông trên bãi cỏ, rượt đuổi những con chim hét cánh đỏ và chim bụng vàng, rong ruổi theo vết xe kéo và vết chân bò, và rung lay những đám sậy và bụi cỏ trong cơn phấn chí khám phá một vũ trụ mới đang mở ra trước mắt.
Không giống như đám ngỗng trời và cá chép, các loài thú trên cạn chấp nhận mùa nước nổi với sự hờ hững của một triết gia. Một con chim hồng y đậu trên một thân cây bạch dương ven sông huýt sáo vang lừng để đánh dấu một lãnh địa vô hình mà chỉ những cái cây mới biết. Tiếng một con gà gô cổ khoang đập cánh liên hồi vọng ra từ những cánh rừng ngập nước; nó phải đậu ở phần cao nhất trên khúc gỗ cao nhất trong rừng. Các con chuột đồng đạp nước bơi về phía các mỏm đất nhấp nhô trên mặt nước với vẻ tự tin điềm tĩnh như những con chuột xạ hương tí hon. Từ trong vườn cây ăn trái ló ra một chú hươu vừa bị chiếm mất chỗ ngủ thường ngày trong bụi liễu rậm rạp. Khắp trên ngọn đồi nơi trang trại của chúng tôi la liệt những con thỏ đóng quân tạm trú, như trên chiếc thuyền của Noah mà thiếu vắng Noah.
Cơn lũ mùa xuân không chỉ mang đến cho chúng tôi tinh thần vui chơi thám hiểm; nó còn đưa lại một cơ man những món đồ lạc xoong khó đoán trôi dạt xuống từ các trang trại phía thượng nguồn. Một tấm ván cũ mắc cạn trên cánh đồng, với chúng tôi còn có giá trị gấp đôi so với một tấm ván tương tự mua mới ở xưởng mộc. Mỗi tấm ván cũ là cả một câu chuyện riêng, luôn luôn bí ẩn, nhưng đến chừng mực nào đó thì vẫn có thể đoán định được dựa trên loại gỗ dùng làm ván, kích thước, những cái đinh và ốc vít, lớp sơn, véc – ni quét ngoài (cú hoặc không), và dù mòn vẹt mục nát của nó. Ta thậm chí còn có thể đoán được dựa trên độ bào mòn các góc cạnh của tấm ván, rằng nó đã được chuyên chở qua bao nhiêu cơn lũ trong nhiều năm qua.
Chồng gỗ của chúng tôi, tất cả đều được thu lượm từ dòng sông, vì thế không chỉ là một bộ sưu tập các tính cách khác nhau, mà còn là một tuyển tập vẻ những câu chuyện vượt lên số phận của con người ở những trang trại và khu rừng đầu nguồn. Cuốn tự truyện của một tấm ván cũ là một dạng văn học chưa được giảng dạy trong nhà trường, nhưng mỗi bãi sông lại là một thư viện nơi những người làm nghề kéo cưa xẻ gỗ có thể tùy nghi tìm đọc. Mỗi khi con nước lớn là một đợt sách vở mới lại về.
Tồn tại trên đời những dạng thức và mức độ khác nhau của sự đơn độc.
Một cồn đất giữa biển hồ là một dạng đơn độc; nhưng trên hồ thì có thuyền ghe qua lại, và hẳn nhiên sẽ có ngày một chiếc thuyền cập cồn thăm bạn. Một đỉnh núi nằm giữa muôn trùng mây là một dạng khác; nhưng đỉnh nào thì cũng có đường lên, và trên đường thì sẽ có du khách. Tôi chưa hề biết tới một sự đơn độc nào triệt để như sự đơn độc của một người bị bao vây bởi dòng nước lũ mùa xuân; lũ ngỗng trời cũng vậy, và chúng thì đã trải nghiệm nhiều tầng lớp và hình dạng của sự cô đơn còn hơn cả tôi.
Thế nên chúng tôi ngồi trên đồi bên cạnh một đám cây bạch đầu ông mới trổ và ngắm bầy ngỗng bay qua. Tôi trông thấy con đường dẫn xuống đồi từ từ thoải vào dòng nước, và tôi kết luận (với một chút vui le lói tuy ngoài mặt làm lơ) rằng câu chuyện tắc đường hôm nay, dù là ra hay vào, cũng chỉ là chuyện giữa những con cá chép mà thôi.
Hoa cải báo xuân Chỉ trong vài tuần nữa thôi là những bông hoa cải trắng báo xuân bé xíu, giống hoa dại nhỏ nhất có thể phát tán hạt, sẽ đơm trổ trên khắp những vùng có đất cát pha.
Người nào chỉ biết nhướng mắt lên trông chờ mùa xuân sẽ không bao giờ để ý thấy một tạo vật nhỏ nhoi như bông hoa cải báo xuân. Người nào chán nản khi xuân về sẽ cụp mắt xuống và vô tình dẫm đạp lên chúng. Chỉ có những ai với đầu gối lấm sình đi tìm mùa xuân trong bùn đất thì mới trông thấy hằng hà sa số những bông hoa tí hon này.
Hoa cải báo xuân cần, và nhận được, rất ít nắng ấm và sự chăm sóc ưu ái; nó tồn tại bên rìa những vùng không gian – thời gian không ai đoái hoài tới. Những cuốn sách thực vật học dành cho nó chỉ vài ba dòng, thậm chí còn chẳng có nổi một tiêu bản hay hình minh họa. Với cải báo xuân, những lớp cát nghèo nàn dinh dưỡng và ánh mặt trời quá yếu ớt với những giống cây hoa nở to đã là đủ. Dù sao thì nó cũng không phải là hoa của mùa xuân, mà chỉ là một bông hoa báo xuân, một dòng tái bút cho một mùa hy vọng.
Hoa cải báo xuân làm lay động con tim. Mùi hương của nó, nếu có, cũng tản mác bay theo những cơn gió rít. Những cánh của nó trắng nhạt một màu. Từng phiến lá phủ lên mình một lớp trong nhung che chở. Chẳng con gì thèm ăn nó vì quá bé nhỏ. Không thi sĩ nào viết lời tán tụng nó. Một vài nhà thực vật đã từng cho nó một pháp danh Latin, chỉ để quên bẵng nó đi sau đó. Tựu trung thì nó là một tạo vật vô thưởng vô phạt – chỉ là một sinh linh nhỏ với một nhiệm vụ cũng nhỏ, nhưng nó thực thi công việc đó một cách gọn lẹ và hiệu quả.
Cây sồi trắng[4] Khi đám trẻ trong trường bầu cử để chọn ra loài chim, loài hoa, hay giống cây đại diện cho bang, chúng thực ra không tự quyết định mà chỉ đơn thuần là đang phê chuẩn lịch sử. Lịch sử đã chọn cây sồi trắng làm giống cây đặc trưng cho miền Nam Wisconsin khi những đám cỏ trên thảo nguyên mới bắt đầu chiếm hữu khu vực này. Cây sồi trắng là thứ cây duy nhất có thể hiên ngang chống chọi với đám cháy trên thảo nguyên và sống sót.
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao toàn bộ cây sồi lại được bao phủ bởi một lớp vỏ dày gồ ghề sần sùi cho đến những cành nhỏ nhất chưa? Lớp vỏ này chính là một lớp áo giáp, sồi trắng là đội quân xung kích được các khu rừng gửi đến để chiếm đất trên thảo nguyên, và lửa cháy đồng là mối đe dọa lớn nhất mà chúng phải chống chọi. Cứ mỗi tháng Tư, trước khi lớp cỏ mới kịp che phủ thảo nguyên bằng lớp áo giáp xanh chống lửa, những đám cháy đồng tự do càn quét trên thảo nguyên, chỉ chừa lại những thân sồi già đã mọc vỏ đủ dày để không bị thiêu rụi. Đa phần các cây sồi trắng kỳ cựu nay mọc thành lùm rải rác, được các nhà khai khẩn đất đai gọi là các mảng sồi thưa (oak openings).
Các kỹ sư không tự sáng chế ra quy trình cách ly nhiệt, mà chỉ sao chép lại từ kỹ thuật của các chiến binh sồi già trong cuộc chiến giữa rừng già và thảo nguyên. Các nhà thực vật học có thể lần lại lịch sử cuộc chiến này tới hai mươi nghìn năm về trước. Các văn thư ghi chép được lưu lại dưới dạng các hạt phấn nằm sâu trong lớp than bùn, một phần của các thân cây cổ được cài cắm bên rìa cuộc chiến và bị lãng quên ở đó. Văn thư này cho thấy tiền tuyến của rừng già có khi bị đẩy lùi đến tận hồ Superior; có khi nó lại tiến xa xuống đến tận phía nam. Có một thời gian, đường biên này nam tiến xa đến độ những cây vân sam và các giống cây hậu vệ vượt ra xa khỏi biên giới phía nam bang Wisconsin, bằng chứng là hạt phấn cây vân sam xuất hiện ở một vài tầng khắp các đầm lầy than bùn trong vùng.
Tuy nhiên, chiến tuyến trung bình giữa rừng già và thảo nguyên vẫn quay lại vị trí hiện thời, và tỷ số của cuộc chiến này tính đến giờ vẫn hòa đều.
Một lý do cho kết quả này là sự tồn tại của các đồng minh lần lượt chống lưng hết bên này đến bên kia chiến tuyến. Những loài gặm nhấm như thỏ và chuột dọn dẹp hết những giống thảo mộc trên thảo nguyên vào mùa hè, trong khi mùa đông thì chúng lại bóc khoanh vỏ tất cả các gốc sồi non đã sống sót qua đám cháy. Đám sóc thì trồng các hạt sồi vào mùa thu trong khi lại dùng chúng làm nguồn lương thực trong suốt thời gian còn lại trong năm. Những con bọ cánh cứng tháng Sáu là kẻ thù của những đồng cỏ trên thảo nguyên khi còn là ấu trùng, nhưng khi trưởng thành thì chúng lại hút nhựa làm rụng lá sồi. Tuy nhiên, nếu không nhờ quá trình dùi gắng của các đồng minh, và dẫn đến thắng lợi của từng bên chiến tuyến, thì chúng ta cũng sẽ không có được những mảng thảo nguyên đa sắc và lớp đất rừng phong phú như trên bản đồ ngày nay.
Jonathan Carver đã dùng câu chữ vẽ nên một bức tranh sinh động về biên giới thảo nguyên trước cái ngày con người tới định vào ngày 10 tháng Mười năm 1763, ông đến thăm khu Blue Mounds, một cụm đồi cao (giờ đã phủ rừng) gần góc phía tây nam của hạt Dane. Ông kể: Tôi leo lên một trong những ngọn đồi cao nhất và từ đó đánh tầm mắt ra nhìn toàn cảnh vùng đồng quê. Trong bán kính mấy trăm cây số, ta không nhìn thấy gì khác ngoài những quả đồi thấp hơn và trọc lốc, nhấp nhô đằng xa như những đụn cỏ khô. Đâu đó chỉ có vài lùm cây mại châu và mấy gốc sồi lùn mọc che phủ vài thung lũng xa xa.
Vào những năm 1840, một giống loài mới, những người khai khẩn lập cư, can thiệp vào cuộc chiến trên thảo nguyên. Họ không cố tình làm như vậy, chỉ là họ đã vô tình cày xới đồng ruộng nhiều đến nỗi cắt đứt nguồn viện trợ của đồng minh chí cốt của thảo nguyên: những đám cháy đồng.
Những đạo quân cây sồi non được đã túa ra khắp nơi trên đồng cỏ, khiến cho nơi từng là lãnh địa thảo nguyên trở thành một khu nông trại bao quanh là vườn trồng cây. Nếu bạn vẫn còn bán tín bán nghi, bạn có thể đi đếm số vòng trên bất cứ gốc cây nào mọc trong các vườn cây vùng ven ở miền tây nam Wisconsin. Tất cả các cây, ngoại trừ các cây đại thụ, sẽ có niên đại từ những năm 1850 và 1860, trùng với thời điểm các đám cháy đồng ngừng quét qua thảo nguyên.
John Muir lớn lên ở hạt Marquette trong thời gian này khi các khu rừng mới lấn chỗ các thảo nguyên cũ và phủ kín các mảng rừng sồi thưa với những thân sồi non. Trong cuốn sách Boyhood and Youth, ông kể lại rằng: Đất đai màu mỡ đồng đều khắp các thảo nguyên ở Illinois và Wisconsin đã nuôi dưỡng một thế hệ cỏ mọc dày và cao – nguồn nguyên liệu cho các đám cháy đồng – khiến không cây nào có thể mọc được ở đây. Nếu không nhờ các đám cháy chắc hẳn các thảo nguyên tươi xanh nay, vốn là một cảnh quan tiêu biểu chốn đồng quê, sẽ bi các khu rừng rậm rạp nhất nhanh chóng che phủ. Ngay khi các nông dân bắt đầu ngăn chặn các đám cháy đồng hoành hành, các cây sồi con lập tức bén rễ thành cây lớn và tạo thành những bụi rậm dày và cao đến nỗi khó mà băng qua được, và mọi dấu vết của những khoảng rừng thưa ngập nắng nhanh chóng bị phủi nhòa.
Vì lẽ đó, cây sồi trắng mà bạn sở hữu không đơn thuần chỉ là một cái cây. Nó còn là một thư viện lịch sử, và một chiếc ghế đặt trước để xem vở kịch của sự tiến hóa. Với những con mắt hiểu biết, cây sồi trong nông trại của bạn là một huy chương và biểu tượng cho cuộc chiến trên thảo nguyên.
Thiên điểu vũ Mất hai năm làm chủ trang trại thì tôi mới biết rằng mình có thể ngắm một màn thiên điểu vũ ngay tại khu rừng trong trang trại vào mỗi tối tháng Tư và tháng Năm. Từ khi phát hiện ra điều này, tôi và gia đình luôn cố gắng không bỏ lỡ một màn biểu diễn nào cả.
Màn trình diễn bắt đầu vào buổi tối ấm áp đầu tiên của tháng Tư vào đúng 6 giờ 50 tối. Cứ mỗi ngày qua thì rèm sẽ kéo muộn hơn một phút cho đến tận ngày 1 tháng Sáu, khi giờ mở màn là 7 giờ 50 tối. Sự trì hoãn này bị thói phù phiếm của các vũ công chi phối: họ đòi hỏi thứ ánh sáng biểu diễn lãng mạn với độ sáng tiêu chuẩn 0,05 foot – nến (đơn vị đo lường ánh sáng). Đừng đến muộn, và bạn phải ngồi thật im nếu không muốn vũ công vùng vằng bay mất.
Các đạo cụ sàn diễn, tương tự như giờ mở màn, cũng phản ánh các yêu sách thất thường của vũ công. Sân khấu phải là một nhà hát vòng tròn ngoài trời trong rừng hay bụi cây; ở chính giữa sân khấu phải có một khoảng rêu ẩm ướt, một vệt đất cằn cỗi, một hòn đá lộ thiên trồi lên từ dưới đất hay một lối mòn trơ trọi. Vì sao còn chim dẽ gà trống lại khăng khăng chọn một sàn nhảy trống trơn ban dầu làm tôi khó hiểu, nhưng giờ thì tôi nghĩ điều này liên quan tới cặp chân của con vật. Chân loài dẽ gà vốn ngắn, và nó sẽ không thể thực hiện các bước nhảy một cách nhuần nhuyễn ở nơi cỏ rậm rạp, và cô nàng nó tán tỉnh cũng không thể ngắm nhìn nó ở một chỗ như thế. Nơi tôi ở có nhiều dẽ gà hơn các nông trại khác vì tôi có nhiều bãi cát phủ rêu hơn, căn bản vì đất ở đó quá nghèo dinh dưỡng cho cỏ mọc.
Khi đã biết giờ diễn và địa điểm, bạn hãy ngồi núp dưới một bụi cây ở mé phía đông sân khấu và chờ đợi con chim dẽ gà xuất hiện trên nền trời hoàng hôn. Chàng ta sẽ bay sà xuống từ một bụi rậm gần đó, đáp cánh xuống thảm rêu, và lập tức bắt đầu khúc dạo đầu: một chuỗi những tiếng pin (peent) khàn đục, mỗi tiếng cách nhau hai giây và nghe gần giống tiếng kêu mùa hè của loài cú muỗi.
Bất chợt những tiếng pin tạm dừng lại và con chim vỗ cánh bay lên trong lúc xoay vòng trôn ốc trên không, miệng không ngớt chiêm chiếp những âm điệu líu lo. Càng bay lên cao thì các vòng xoay càng nhỏ dần và xoáy xuống sâu hơn, cho đến khi chàng vũ công chỉ còn là một chấm nhỏ trên bầu trời. Khi đó, không hề báo trước, chàng lao xuống như một chiếc phi cơ gãy cánh, cất lên chất giọng dịu dàng êm ái đủ khiến một con sơn ca tháng Ba phải đâm ghen tị. Khi chỉ còn cách mặt đất vài mét, anh chàng giảm tốc để trở về với sân khấu ban đầu và lại cất lên những tiếng kêu pin pin.
Màn đêm nhanh chóng buông xuống, quá tối để có thể nhìn dẽ gà trên mặt đất. Nhưng ta vẫn có thể nhìn thấy nhưng pha bay lượn của nó in lên nền trời trong khoảng một tiếng sau đó, thường cũng là lúc màn trình diễn kết thúc. Vào những đêm sáng trăng, chàng vũ công có thể sẽ tiếp tục vừa diễn vừa nghỉ, miễn là ánh trăng tiếp tục soi rọi sân khấu.
Khi trời hửng sáng là lúc buổi diễn được lặp lại. Vào đầu tháng Tư thì sân khấu hạ màn lúc 5 giờ 15 sáng, và cứ thế tịnh tiến lùi hai phút một ngày cho tới tháng Sáu, khi màn trình diễn kết thúc vào lúc 3 giờ 15 sáng.
Tại sao lại có sự chênh lệch về thời gian bắt đầu như vậy? Than ôi, tôi nghĩ rằng ngay cả những trái tim lãng mạn nhất cũng có lúc chùn chân mỏi gối, vả lại vào lúc bình minh thì chỉ cần một phần năm ánh sáng ban ngày đã đủ để chú chim dừng biểu diễn, so với khi nó nhảy múa lúc hoàng hôn.
Có lẽ thật là một điều may rằng, cho dù ta có nghiên cứu hàng trăm nghìn chuyện thị phi diễn ra trong rừng và trên đồng cỏ đến mức nào, ta cũng không bao giờ hiểu được tường tận mọi thứ về bất cứ một chuyện nào trong số chúng. Điều tôi vẫn còn chưa biết về điệu thiên điểu vũ là: cô nàng của chàng chim dẽ ở đâu, và cô ấy góp phần thế nào, nếu có, vào màn biểu diễn? Tôi thường thấy hai con dẽ gà trên cùng một sân khấu, đôi khi bay lượn cùng nhau, nhưng không bao giờ cùng cất tiếng kêu pin pin. Liệu con dẽ gà thứ hai có phải là con chim mái, hay là một con trống khác đến cạnh tranh? Một ẩn số nữa: liệu những tiếng chiêm chiếp kia thuộc về phạm trù thanh âm hay cơ học? Bạn tôi, Bill Feeney, có lần đã sập lưới phải một chú dẽ gà đang kêu và tước mất lớp lông cánh ngoài cùng của chú. Chú chim sau đó vẫn có thể kêu pin pin và hót líu lo, nhưng nó không kêu chiêm chiếp được nữa. Nhưng chỉ có một thí nghiệm như vậy thôi thì khó mà nói lên điều gì cụ thể.
Thêm một bí ẩn khác: con trống tiếp tục màn thiên điểu vũ cho đến thời điểm nào trong quá trình làm tổ? Con gái tôi có lần đã nhìn thấy một con dẽ gà kêu pin pin cách một cải tổ với vỏ trứng đã nở khoảng gần 20 mét, nhưng liệu đó có phải cái tổ của vợ nó không? Hay cậu chàng ranh mãnh này có lẽ tuân theo chế độ song thê mà chúng ta không hề hay biết? Những câu hỏi trên, và còn nhiều câu hỏi nữa, đến giờ vẫn là những câu đố của hoàng hôn tím sẫm.
Vở trình diễn thiên điểu vũ bày ra mỗi tối ở hàng trăm nông trại, nơi những người chủ luôn mong mỏi kiếm tìm sự giải trí nhưng lại ảo tưởng cho rằng họ chỉ có thể tìm được những thứ ấy trong rạp hát. Họ sống trên đất, nhưng lòng họ lại không thuận theo đất.
Con chim dẽ gà là phản chứng sống cho lý thuyết rằng một con chim chỉ dùng làm mục tiêu săn bắn, hay nằm im nhã nhặn trên một miếng bánh mì nướng. Hơn ai hết, tôi là người mê săn bắn chim dẽ gà vào tháng Mười.
Nhưng kể từ khi khám phá ra điệu nhảy thiên vũ, tôi cảm thấy chỉ cần bắt tầm một hai con chim lớn là đủ. Tôi cần phải đảm bảo rằng, sang tháng Tư, sẽ không thiếu những vũ công dẽ gà nhảy múa trên nền trời hoàng hôn.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 01 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 02 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 03 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 04 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 05 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 06 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 07 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 09 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 10 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 11 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 12 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 13 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 14 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 15 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 16 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 17 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 18 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 19 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 20 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 21 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 22 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, toàn tập tại đây.