Aldo Leopold | Niên lịch miền gió cát | Chương 18
Niên Lịch Miền Gió Cát như một sự tổng hòa giữa lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh bằng ngôn từ và cả triết học. Bằng việc ghi chép lại những thay đổi của sinh vật tại khu trang trại ở Wisconsin.
· 11 phút đọc.
Clandeboye iáo dục, tôi e rằng, là quá trình học cách nhìn một thứ khiến cho ta đui mù trước những thứ khác.
Một điều mà đa phần chúng ta đã quên đi là phẩm chất của những đầm lầy. Tôi được nhắc nhở về điều này khi được nhờ đến thăm vùng đầm lầy ở Clandeboye, chỉ để phát hiện ra rằng nơi đây nhìn thật hoang vắng và bùn dưới chân thì dấp dính hơn những đầm lầy ngập nước khác.
Điều này thật lạ lùng, vì bất cứ con bồ nông, bồ cắt, hay chim lặn đều nhận ra rằng Clandeboye là một vùng đầm lầy đặc biệt. Nếu không, tại sao chúng lại lựa chọn nơi này mà không phải các đầm lầy khác? Tại sao chúng lại coi hành động đột nhập lãnh thổ của tôi không chỉ là việc tạt ngang thông thường, mà là một hành vi bất lịch sự hết sức? Tôi nghĩ bí mật này nằm ở chỗ Clandeboye là một đầm lầy đặc biệt không chỉ về mặt không gian mà còn cả thời gian. Chỉ những kẻ tiếp thu thứ lịch sử xào nấu một cách thụ động mới cho rằng năm 1941 đến với các đầm lầy cùng một lượt. Những con chim biết nhiều hơn thế. Hãy để một bầy bồ nông Nam tiến cảm nhận một cơn gió gợn thổi trên đầm lầy Clandeboye thôi, và chúng sẽ đoán định được ngay rằng nơi đây thuộc một tầng địa chất trong quá khứ, một chốn nương thân khỏi một trong những thế lực bạo tàn nhất: tương lai. Với những tiếng làu bàu kỳ lạ trong cổ họng, như vọng về từ thời khởi thủy, chúng xòe cánh rồi hạ mình theo hình xoáy trôn ốc xuống vũng lầy của một thời đại đã qua.
Những kẻ tị nạn khác cũng đã có mặt, mỗi con chấp nhận cuộc đào thoát khỏi chuyến hành quân của thời gian theo cách riêng của mình. Loài chim hải yến reo vui như trẻ thơ trên những bãi bùn, chờ đợi cái lạnh tan chảy từ những lớp băng tuyết đang rút dần đi làm run xương sống những con cá tuế – con mồi của chúng. Một bầy sếu đồi cát cất những tiếng kêu tù và chống đối những thứ mà loài sếu nghi ngờ hay sợ hãi. Một hạm đội những con thiên nga nghiêm trang lướt trên mặt nước, tiếc nuối sự phù du của những gì thuộc về chúng. Từ trên ngọn của một cây bông gòn bị bão quật tả tơi, gần nơi đầm lầy đổ ra hồ lớn, một con chim cắt tinh nghịch sà xuống vờn những con gà chạy ngang. Dù bụng đã đầy thịt vịt, con chim cắt vẫn thích thú khi nhìn những con gà gô ré lên kinh hoàng. Đây cũng là thú tiêu khiển sau bữa tối của nó trong những ngày mà các thảo nguyên rộng lớn còn nằm dưới đáy hồ Agassiz.
Thật dễ để đoán biết thái độ của những loài chim hoang này vì chúng chẳng hề giấu diếm cảm xúc. Thế nhưng, có một cư dân trong đầm lầy Clandeboye mà tôi không tài nào đọc vị được, một phần bởi nó không chấp nhận bất kỳ kẻ ngoại lai nào đến gần. Hãy để những con chim khác huênh hoang tự đắc, nhưng con chim lặn vùng Tây bán cầu thì không hề! Dù cho có khẽ khàng cẩn trọng thế nào trong lúc rón rén đi tới bụi lau sậy gần bờ nước, tất cả những gì tôi kịp nhìn thấy chỉ là một vệt cắt màu bạc trong khi con chim lặn xuống nước nhẹ tênh. Sau đó, từ đằng sau đám sậy bờ bên kia, con vật ngân lên một tiếng lanh lảnh như chuông cảnh báo cho đồng loại. Nhưng là cảnh bảo về điều gì? Tôi chưa bao giờ có thể đoán được ý đồ của con chim lặn, vì luôn tồn tại một rào cản nào đó giữa loài chim này và toàn thể nhân loại. Một trong các vị khách của tôi đã gạt tên con chim lặn ra khỏi danh sách, và nguệch ngoạc ký âm lại tiếng hót như tiếng chuông kêu của nó bằng cụm từ crickcrick hay thứ ngôn từ vớ vẩn tương tự nào đó. Anh ta không hiểu được rằng đây không chỉ là một tiếng chim kêu thông thường mà là một thông điệp bí mật; nó đòi hỏi ta thông dịch và thấu hiểu, chứ không chỉ ký âm lấy lệ. Dầu vậy, cho đến giờ anh ta hay tôi vẫn bất lực trước việc thông dịch hay thấu hiểu con chim lặn.
Xuân cứ đến, và tiếng chuông cứ thế trở nên sắc nét: lúc bình minh hay khi hoàng hôn, tiếng hót của con chim lặn lanh lảnh vang lên trên khắp những vũng nước ao hồ. Tôi đoán rằng những con chim lặn non giờ đã bắt đầu đạp nước, và đang được cha mẹ chỉ bảo về triết lý sống của giống loài.
Nhưng để nhìn được khung cảnh dạy học này lại không phải việc dễ dàng.
Một ngày nọ, tôi quyết định nằm sấp, cả thân mình ngập sõng soài trong lớp bùn lầy của cái tổ một con chuột xạ hương. Trong khi quần áo tôi nhuốm màu bùn đất, đôi mắt tôi lại chìm đắm trong khung cảnh một câu chuyện dân gian đầm lầy. Một cô vịt mái đầu đỏ đi dạo qua với bầy vịt con lông tơ vàng óng pha xanh với cái mỏ màu hồng nhạt. Một con gà nước Virginia suýt quẹt đuôi vào mũi tôi. Trên mặt vũng nước in bóng một con bồ nông sải cánh, trong khi một con chim dẽ chân vàng đang đi lại cất những tiếng hót líu lo vang dội. Tôi chợt nhận ra rằng, trong khi tôi phải viết một bài thơ thì mới ca tụng được hết vẻ đẹp nơi đây, con chim dẽ chân vàng lại chỉ cần duyên dáng nhấc một chân lên là đã làm được điều đó.
Một con chồn hương trườn mình lên bờ đằng sau tôi, cái mũi nó hếch lên dò đường trong không khí. Những con hồng tước đầm lầy lần lượt bay tới một bụi cây hương bồ, từ đó vọng ra tiếng chinh chích xây tổ. Tôi đang dần thiếp đi trong ánh mặt trời khi bỗng dưng trên mặt hồ xuất hiện một cặp mắt chim màu đỏ hoang dã. Khi đã chắc chắn mọi vật đều im lặng, cả thân người màu bạc của nó mới hiện lên: to như một con ngỗng, với những đường chạy dọc theo thân như một con cá đuối điện. Trước khi tôi kịp nhận thức chuyện gì đang xảy ra, một con chim lặn khác đã xuất hiện, lần này là một con cái cõng trên lưng hai con chim con lông trắng màu ngọc trai, nép mình ẩn náu trong bộ lông cánh của mẹ. Cả gia đình chim lặn biến mất sau một khúc cua trước khi tôi kịp hoàn hồn. Và giờ thì tôi mới nghe thấy chuông lanh lảnh kêu lên, rõ ràng đầy giễu cợt, từ đằng sau bức màn lau sậy.
Một chút hiểu biết về lịch sử nên là món quà quý giá nhất từ khoa học và nghệ thuật, nhưng tôi đồ rằng con chim lặn, vốn chẳng hề biết đến cả hai thứ đó, lại biết về lịch sử nhiều hơn chúng ta. Não trạng sơ khai của nó chẳng hề biết ai là người thắng Trận Hastings, nhưng dường như nó nhận thức rõ ai là người chiến thắng trong cuộc chạy đua thời gian. Nếu loài người cũng có thâm niên lâu năm như loài chim lặn, thì may ra chúng ta có thể nắm bắt được ý nghĩa tiếng kêu của chúng. Hãy thử nghĩ xem, chỉ một vài thế hệ tinh tường đi trước đã đủ truyền lại cho hậu thế biết bao nhiêu truyền thống, niềm tự hào tự tôn, và sự thông thái! Từ đó, ta có thể tưởng tượng ra sự tự hào tiếp nối thôi thúc con chim lặn mà tổ tiên nó đã có mặt trước con người cả nghìn năm.
Dù sao đi nữa, tiếng kêu của loài chim lặn vẫn được xếp vào hàng âm thanh ngự trị và thống nhất bản hòa ca vùng đầm lầy. Có lẽ một sức mạnh quyền uy nào đó đã trao cho nó quyền trượng để cai trị vùng sinh thái nơi đây. Ai là người đã đặt thước đo cho những đợt sóng cuộn bờ để xây nên vỉa đá ngầm và để lại những vùng đầm lầy khi mực nước thủy triều rút dần xuống theo thời gian? Ai là người giao cho cây cao lương và cây hương bồ công việc góp nắng nhặt gió, để phòng khi đông về những con chuột xạ hương đói bụng, hay những con sếu phải chịu cảnh đầm hoang lạnh lẽo khi đáp cánh? Ai là người nhắc nhở bầy vịt con kiên nhẫn chờ đợi khi trời sáng và bồi kích cơn khát máu cướp bóc của những con chồn hương khi đêm về? Ai là người chống lưng cho cú xiên mỏ chính xác của con diệc hay cú chộp thần tốc của con chim ưng? Vốn dĩ ta vẫn tưởng rằng tất cả các loài vật này tự động thực hiện các nhiệm vụ đa dạng vì tai ta không nghe thấy những chỉ thị mà chúng nhận được; ta cho rằng kỹ năng và tính cần cù của chúng là bẩm sinh và rằng không có chỗ cho sự mệt nhọc trong tự nhiên. Có lẽ rằng chỉ loài chim lặn mới không biết đến mệt nhọc; có lẽ chính chúng là những tay đốc công nhắc nhở muôn loài rằng nếu tất cả chúng ta muốn sinh tồn thì mỗi cá nhân phải liên tục ăn và chiến đấu, sinh đẻ và chết đi.
Những vùng đầm lầy vốn từng trải dài từ các thảo nguyên ở Illinois cho đến vùng Athabasca nay đang thu hẹp dần về phía bắc. Con người không chỉ sống nhờ đầm lầy không thôi, mà họ cần phải hút kiệt đầm lầy để tạo không gian sống. Sự tiến bộ phát triển không cho đất ruộng và đầm lầy, cái hoang dã và cái thuần hóa, được phép chấp nhận nhau và cùng sinh sống hòa thuận.
Và cùng với mương nước và đê điều, đá lát đường và đèn pin chiếu sáng, chúng ta đã hút kiệt những dải đất trồng ngô và giờ là đến những vựa lúa mì. Những hồ nước xanh trở thành bãi lầy, rồi thành những bánh bùn, và sau rốt trở thành ruộng lúa mì.
Một ngày nào đó, đầm lầy của tôi cũng sẽ bị hút cạn nước và nằm trong quên lãng dưới những thân lúa mì, giống như hôm nay và hôm qua nằm lại dưới lớp trầm tích thời gian. Trước khi con cá tuế cuối cùng quẫy đuôi lần cuối trong vũng lầy, những con hải yến sẽ kêu vang lời từ biệt với Clandeboye, những con thiên nga sẽ xoay tròn trong điệu thiên điểu vũ, và những con sếu sẽ kêu từng tiếng tù và từ biệt vùng đầm lầy.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 01 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 02 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 03 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 04 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 05 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 06 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 07 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 09 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 10 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 11 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 12 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 13 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 14 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 15 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 16 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 17 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 18 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 19 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 20 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 21 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 22 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, toàn tập tại đây.