Aldo Leopold | Niên lịch miền gió cát | Chương 02
Niên Lịch Miền Gió Cát như một sự tổng hòa giữa lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh bằng ngôn từ và cả triết học. Bằng việc ghi chép lại những thay đổi của sinh vật tại khu trang trại ở Wisconsin.
· 26 phút đọc.
Gỗ sồi có hai điều nguy hại cho tâm hồn con người nếu chúng ta không sở hữu một trang trại. Thứ nhất là việc chúng ta tưởng rằng bữa sáng đến từ cửa tiệm; thứ hai là nguồn nhiệt đến từ lò đốt.
Để tránh điều nguy thứ nhất, ta nên trồng một khu vườn, tốt nhất là ở nơi cách xa những cửa hàng tạp phẩm để tránh làm câu chuyện thêm rắc rối.
Để tránh điều nguy thứ hai, ta nên bắc một khúc gỗ sồi lên vỉ lò sưởi, tốt nhất là nên cách xa các lò đốt, và để nhiệt từ khúc củi làm ấm hai cẳng chân ta trong khi bên ngoài những cơn bão tháng Hai đang vần vũ rung lắc những tán sồi. Nếu ai đó đã từng tự tay chặt, bổ, kéo, và chất củi sồi thành đống, trong lúc đầu óc vu vơ nghĩ ngợi, người đó hẳn sẽ nhớ lấy câu chuyện về nơi xuất phát của nguồn nhiệt kia, với những chi tiết dồi dào phong phú không dành cho những ai chỉ biết ngồi bên máy sưởi những ngày cuối tuần nơi phố thị.
Khúc gỗ sồi giờ đây đang bập bùng tỏa sáng trên vỉ lò sưởi nhà tôi từng là một trong những thân cây mọc ven con đường của các di dân thuở trước, uốn quanh quả đồi đất cát pha. Khi tôi đốn hạ thân cây, đường kính phần gốc cây đo được là 76 centimet (30 inch). Bề mặt cắt ngang cho thấy 80 vòng tròn tuổi thọ, chứng tỏ rằng cái vòng đầu tiên hẳn đã xuất hiện từ năm 1865, vào khoảng giai đoạn cuối cuộc Nội chiến (American Civil War).
Nhưng dựa trên lịch sử thu thập của các cây sồi giống hiện thời, tôi cũng biết rằng bất cứ cây sồi nào mọc lên cao khỏi tầm với của lũ thỏ cũng phải trải qua ít nhất một thập kỷ bị bầy thú gặm nhấm này bào vỏ mỗi mùa đông, để rồi lại cố gắng mọc vỏ trở lại khi xuân về. Quả tình, thật quá rõ ràng rằng tất cả các cây sồi sống sót đến tuổi trưởng thành đều là do bị lũ thỏ bỏ sót hoặc may mắn mọc trúng vào mùa ít thỏ. Một ngày không xa, vài nhà thực vật học kiên nhẫn nào đó sẽ vẽ đồ thị tần suất sinh trưởng của họ nhà sồi, để thấy rằng cứ hết mười năm thì vòng cung đồ thị lại nhô lên; mỗi lần nhô lên sau mười năm của họ nhà sồi sẽ ứng với một lần lõm xuống sau mười năm trong đồ thị tần suất của họ nhà thỏ. (Quá trình giằng co qua lại trong cùng một loài và giữa các loài khác nhau này khiến cho hệ động vật và hệ thực vật cùng nhau đạt đến ngưỡng trường sinh bất tử.) Theo giả thuyết này, có lẽ đã có một đợt số lượng thỏ giảm xuống vào giữa những năm sáu mươi khi cây sồi tôi đốn hạ bắt đầu tỏa ra các vòng tuổi thọ qua từng năm, nhưng hạt sồi gốc của nó thì đã chạm đất trước đó cả thập kỷ, khi các cỗ xe ngựa kéo đang lăn bánh trên con đường đến với miền tây Bắc Mỹ rộng lớn. Có lẽ chính việc xe cộ đi lại của đoàn dân di cư nọ đã cày xới con đường này rồi tạo điều kiện cho hạt sồi kia bén rễ và vươn những chiếc lá đầu tiên về phía mặt trời. Cứ một nghìn hạt sồi thì chỉ có một hạt lớn thành cây đủ cao để cự nổi bầy thỏ; số còn lại thì chết dưới những gợn sóng trên đại dương thảo nguyên bao la.
Việc cây sồi này chẳng những không chết yểu mà còn sống tới tám mươi năm để tiếp nạp ánh mặt trời tháng Sáu khiến tôi cảm thấy ấm lòng đôi chút. Nguồn ánh sáng mặt trời đó giờ đang tỏa ra thành nhiệt, dưới sự can thiệp của cái rìu và cái cưa của tôi, để sưởi ấm tinh thần tôi cùng căn lán nhỏ giữa muôn vàn bão tố vây quanh. Và cứ mỗi lọn khói luồn lách qua ống khói của tôi lại trở thành nhân chứng, cho bất cứ ai để tâm, rằng mặt trời đã không tỏa sáng một cách vô ích.
Chú chó của tôi thì chẳng mấy bận tâm xem nhiệt đến từ đâu, nhưng nó tha thiết quan tâm rằng nhiệt sẽ đến, và đến sớm. Và quả thật nó coi khả năng tạo ra nhiệt của tôi là một điều thần kỳ, vì mỗi sáng khi tôi ra khỏi giường lúc trời còn tờ mờ và run run quỳ xuống bên cạnh lò sưởi để nhóm lửa, nó sẽ nhẹ nhàng lách mình vào giữa tôi và khúc củi đang bén lửa mà tôi vừa đặt lên đống muội than. Thậm chí, tôi còn phải luồn tay giữa hai chân nó để quẹt diêm nhóm lửa. Niềm tin nhường ấy, theo tôi, hẳn là thứ có thể dời non lấp bể.
Một tia sét chính là thứ đã kết liễu sự nghiệp tích gỗ trồng rừng của cây sồi này. Một đêm tháng Bảy nọ, cả hai chúng tôi dựng người thức dậy khi tiếng chớp ầm ầm đi kèm với tiếng đổ ngã vang trời; chúng tôi nhận ra sét hẳn đã đánh xuống đâu quanh đây, nhưng vì nó không đánh thẳng vào lán nên chúng tôi cứ thế đi ngủ tiếp. Con người dùng bản thân làm phép thử cho vạn vật, và điều này đặc biệt đúng với những ca sét đánh.
Sáng hôm sau, trong lúc tàn bộ lên đồi đất cát pha và hân hoan tận hưởng khi trời mát mẻ sau cơn mưa cùng những bông cúc nhụy nón và những khóm cỏ ba lá, chúng tôi bắt gặp một miếng vỏ cây bị sét gọt khỏi thân cây sồi bên lề đường. Trên thân cây vẫn còn in một vết sẹo dích dắc kéo dài do nhựa cây rỉ ra từ phần thân không còn vỏ, rộng khoảng 30 centimet và còn tươi rói, chưa vàng đi dưới ánh mặt trời. Qua ngày hôm sau thì lá cây đã héo rũ xuống, và chúng tôi biết rằng lưỡi sét kia đã ban cho chúng tôi ít nhất ba bó củi đốt[1].
Dù vẫn tiếc nuối trước sự ra đi của cây sồi cổ thụ, chúng tôi biết rằng có ít nhất một tá con cái của nó đang ngẩng cao đầu kiêu dũng trên nền đất cát và sẵn sàng kế thừa sự nghiệp trồng rừng của cây mẹ.
Chúng tôi để cho thân cây liệt sĩ nằm phơi một năm dưới mặt trời giờ đây đã trở nên vô nghĩa với nó, để rồi vào một ngày đông se sắt, chúng tôi đốn hạ thành trì gốc rễ của nó bằng một lưỡi cưa mới mài dũa. Trong thâm tâm chúng tôi nhận thấy rằng hai núi mùn cưa sau khi đốn cây ẩn chứa điều gì sâu xa hơn là những phần gỗ dư thừa: chúng là mặt cắt ngang của một thế kỷ; với từng lưỡi cưa, chúng tôi lại cắt sâu hơn qua từng thập kỷ, dọc theo biên niên ký của một cuộc đời viết bằng những vòng tròn đồng tâm loang ra qua từng năm trên mặt gỗ sồi.
Chỉ cần khoảng một tá lần kéo là lưỡi cưa đã vượt qua số năm ít ỏi mà trang trại này thuộc về chúng tôi, khoảng thời gian khi chúng tôi đã học cách yêu thương trân trọng nơi này. Ngay sau đó, chúng tôi cắt qua thời đại của người chủ trang trại trước đó, một tay buôn bán hàng lậu và hết sức căm ghét mảnh đất này, người đã hút kiệt chất màu còn lại trong nó, trước khi châm lửa đốt căn nhà nông trang và quăng trả nó lại cho quyền quản lý của hạt (đồng thời cũng bùng luôn việc đóng thuế), sau đó thì gã biến mất vào dòng người di cư không miếng đất cắm dùi trong giai đoạn Đại Khủng Hoảng (The Great Depression). Dù vậy thì bao dung với gã; những mùn gỗ trong thời kỳ của gã vẫn đậm hương, mịn màng, và ửng hồng như trong thời của chúng tôi tôi vậy. Mà một cây sồi thì có quan tâm gì đến con người xung quanh đâu.
Thời trị vì của gã buôn lậu mãn hạn đâu đó giữa những mùa hạn hán khô cằn từ 1936, 1934, 1933, đến 1930. Khói gỗ sồi từ khi chưng cất rượu và than bùn quyện lại sau khi đốt đầm lầy hẳn đã che mờ ánh mặt trời trong những năm ấy, và các cơ quan đặc trách phục hồi tái trồng rừng cứ thế lan ra khắp nơi, nhưng những mùn gỗ kia thì vẫn chẳng hề thay đổi.
Nghỉ tay! Trưởng nhóm thợ cưa cất giọng, và chúng tôi tạm nghỉ lấy hơi.
Giờ thì lưỡi cưa đã cắt đến những năm 1920, thập kỷ của Tầng lớp Trung lưu (Babbittian decade) khi mọi thứ đều được thổi phồng và nâng cấp một cách ẩu tả và ngạo mạn – chí ít là đến năm 1929 khi sập sàn chứng khoán. Giả như cây sồi có nghe thấy tiếng đổ rầm của sàn chứng khoán thì những thớ gỗ của nó cũng chẳng mảy may rung động. Và nó cũng sẽ chẳng bận tâm đến những kháng nghị nhằm bảo vệ cây cối của Cơ quan Lập pháp: một đạo luật về Rừng Quốc Gia và khai thác sản vật rừng được thông qua năm 1927, một khu bảo tồn ở vùng bãi bồi sông Thượng Mississippi năm 1924, và một chính sách khai thác rừng mới vào năm 1921. Và có lẽ nó cũng không nhận thấy ngày tàn của loài chồn mác – tét ở bang Wisconsin năm 1925, hay sự xuất hiện lần đầu của bầy sáo ghi nhận vào năm 1923.
Vào tháng Ba năm 1922, trong khi cơn mưa đá biệt danh Cỡ Đại (Big Sleet) đã băm nát những cây du xung quanh thành từng mảng, thì sồi của chúng ta vẫn không hề hấn gì. Một tấn băng đá thì có sá gì so với một cây sồi cổ thụ? Nghỉ tay! Trưởng nhóm thợ cưa cất giọng, và chúng tôi tạm nghỉ lấy hơi.
Giờ thì lưỡi cưa đã cắt đến giai đoạn 1910 – 1920, thập kỷ của khát khao rút nước, khi những máy xúc chạy bằng hơi nước đã hút cạn những đầm lầy miền trung Wisconsin để lấy đất làm trang trại, và kết cục chỉ để lại một mớ tàn dư thất bại. Những đầm lầy liên tục trốn thoát, không phải do sự bất cẩn hay thiếu tiền liệu của các kỹ sư nạo vét, mà bởi vì chúng luôn được con sông hùng hổ cấp nước vào mỗi tháng Tư – một sự hùng hổ mang tính tự vệ – trong những năm 1913 – 1916. Cây sồi thì vẫn tiếp tục lên vỏ gỗ, ngay cả vào năm 1915, khi Tòa án Tối cao bãi bỏ việc các bang tự quản lý rừng, và Thống đốc bang là Phillip lên mặt phán rằng ngành lâm nghiệp không phải là một đề án kinh doanh tốt cho các bang. (Ngài Thống đốc đã không tính đến chuyện có thể có nhiều hơn một định nghĩa cho cái gì là tốt, hay thậm chí là cái gì có thể được coi là kinh doanh. Ngài cũng không dự trù được rằng, trong khi tòa án đang thảo ra một cách hiểu của chữ tốt, thì cùng lúc đó những trận cháy rừng lại đang viết xuống trên nền đất một cách hiểu khác xa. Có lẽ để có thể giữ cương vị Thống đốc thì đầu óc người ta cần thông suốt kiên định trong những vấn đề ngữ nghĩa như vậy.) Trong khi lâm nghiệp ở thập kỷ này suy giảm, những khu bảo tồn chuyên dành cho săn bắt lại gia tăng. Vào năm 1916, loài gà lôi chính thức chuyển hộ khẩu đến hạt Waukesha; năm 1915, một đạo luật liên bang nghiêm cấm săn bắn vào mùa xuân; năm 1913 một trang trại thú săn của bang Wisconsin được thành lập; năm 1912, một đạo luật hươu đực ra đời để bảo vệ luôn cả các con hươu cái; năm 1911, một đại dịch những khu bảo tồn lan ra khắp toàn bang. Bảo tồn trở thành một từ thiêng liêng, nhưng cây sồi vẫn hoàn toàn không hay biết.
Nghỉ tay! Trưởng nhóm thợ cưa cất giọng, và chúng tôi tạm nghỉ lấy hơi.
Giờ thì chúng tôi cắt đến năm 1910, trong lúc một hiệu trưởng trường đại học danh giá xuất bản một cuốn sách về bảo tồn, một nạn dịch ong cắn lá đã càn quét hàng triệu cây thông rụng lá, một trận đại hạn hán làm cho các rừng thông héo tàn, và một cái máy nạo vét cỡ đại đã hút cạn kiệt đầm lầy Horicon.
Chúng tôi cắt đến năm 1909, khi cá trứng lần đầu được nuôi thả trong vùng Ngũ Đại Hồ (The Great Lakes), và vào một mùa hè ẩm ướt thì Cơ quan Lập pháp quyết định cắt giảm ngân sách cho việc phòng chống cháy rừng.
Chúng tôi cắt đến năm 1908, một năm khô hạn với những đợt cháy rừng lớn hoành hành, và Wisconsin nói lời từ biệt với con báo sư tử cuối cùng còn sót lại trong bang.
Chúng tôi cắt đến năm 1907, khi một con linh miêu lang thang kiếm tìm miền đất hứa ở nhầm chỗ, và kết cục là bỏ xác lại giữa những trang trại trong hạt Dane.
Chúng tôi cắt đến năm 1906, khi người kiểm lâm đầu tiên của bang nhậm chức, và những trận cháy rừng tàn phá gần 7000 héc – ta rừng trong những hạt thuộc vùng đất cát pha này; chúng tôi cắt đến năm 1905 khi một bầy ưng ngỗng bay xuống từ phương Bắc và ngốn ngấu đến hết đám gà gô trắng bản địa (chúng hẳn đã bay tới đậu trên cây sồi này và gắp mất vài con gà gô của tôi). Chúng tôi cắt tới những năm 1902 – 1903, một mùa đông giá buốt khắc nghiệt; năm 1901, năm xảy ra một trận hạn hán lịch sử (mưa rơi chưa đầy một mét nước trong cả năm); năm 1900, một năm kỷ niệm 100 năm hy vọng, nguyện cầu, và một vòng đời thường niên nữa trên thân sồi.
Nghỉ tay! Trưởng nhóm thợ cưa cất giọng, và chúng tôi tạm nghỉ lấy hơi.
Bây giờ thì lưỡi cưa đã cắt đến những năm 1890, quãng thời gian hứng khởi vui tươi cho những ai hướng mắt về phía ánh đèn thành phố thay vì nhìn xuống đất dưới chân mình. Chúng tôi cắt tiếp vào năm 1899, khi một hòn đạn đâm xuyên con chim bồ câu di cư cuối cùng ở gần hạt Babcock, cách nơi này khoảng hai hạt nữa về phía bắc; chúng tôi cắt tới năm 1898 vào một ngày trời thu khô hanh, tiếp nối bằng một mùa đông không một bông tuyết nhưng đủ lạnh để làm băng giá len lỏi vào sâu hơn hai mét đất và giết chết những cây táo; năm 1897, lại một năm hạn hán, năm của một ủy ban lâm nghiệp nữa ra đời; năm 1896, khi chỉ nội ngôi làng Spooner đã vận chuyển được 25.000 con gà gồ đồng cỏ ra chợ bán; năm 1895, lại một năm cháy rừng; năm 1894, thêm một năm hạn hán; và năm 1893, năm của trận bão Chim Sơn Ca (The Bluebird Storm), khi một cơn bão tuyết tháng Ba quét sạch đến gần như không sót lại một con chim sơn ca di cư nào.
(Những con sơn ca đầu tiên luôn cất cánh từ cội sồi già này, nhưng vào giữa những năm 90 có lẽ chúng đã bỏ qua nơi này.) Chúng tôi kéo lưỡi cưa vào đến năm 1892, thêm một năm cháy rừng nữa; năm 1891, một mùa kém sinh sản với loài gà gô trắng; và năm 1890, năm của Phương pháp Định lượng Chất béo trong Sữa do Giáo sư Babcock sáng chế (Babcock Milk Tester), tạo đà cho phát biểu nửa thế kỷ sau của Thống đốc bang là Heil rằng Wisconsin là Thủ phủ Bơ sữa của nước Mỹ. Không có ai, ngay cả Giáo sư Babcock, có thể ngờ rằng biệt danh ấy giờ đây sẽ nằm chễm chệ trên bất cứ biển số xe nào trong bang.
Cũng trong năm 1890 đó, những bè chở gỗ thông lớn nhất trong lịch sử đã xuôi dòng về phía hạ nguồn sông Wisconsin và trôi ngang cây sồi của tôi, để sau đó dựng xây nên một đế chế những nông trang gỗ đỏ cho những đàn bò của các bang thảo nguyên nước Mỹ. Chính những thân gỗ thông đó đã che chở cho những con bò khỏi cơn bão tuyết, giống như những vách gỗ sồi đang bảo bọc tôi khỏi cái lạnh thấu xương bên ngoài.
Nghỉ tay! Trưởng nhóm thợ cưa cất giọng, và chúng tôi tạm nghỉ lấy hơi.
Bây giờ thì lưỡi cưa đã chạm tới những năm 1880; năm 1889, một năm khô hạn, năm mà Lễ trồng cây Arbor được phát động trên toàn bang; năm 1887, khi Wisconsin bổ nhiệm người giám sát luật săn bắn đầu tiên; năm 1886, khi Đại học Nông nghiệp tổ chức khóa học ngắn hạn đầu tiên cho nông dân; năm 1885, mở màn bằng một mùa đông dài và lạnh lẽo chưa từng thấy trong lịch sử; năm 1883, khi Chủ nhiệm khoa W. H. Henry báo cáo rằng các loại hoa mùa xuân ở Madison nở muộn hơn 13 ngày so với bình thường; năm 1882, khi hồ Mendota mở cửa đón khách muộn hơn một tháng do trận bão Đại Hàn (Big Snow) lịch sử kèm theo tiết trời lạnh buốt trong những năm 1881 – 1882.
Cũng chính vào năm 1881, Hội Nông nghiệp Wisconsin đưa ra thảo luận câu hỏi, Làm sao chúng ta cắt nghĩa được kỳ tăng trưởng thứ sinh[2] của giống cây sồi gỗ đen, vốn đã và đang bén rễ đâm chồi trên toàn quốc trong ba mươi năm qua? Cây sồi của tôi là một trong số các cá thể đó.
Một cử tri nhận xét là do sinh sản ngẫu nhiên, người khác lại cho rằng đó là do lũ bồ câu di cư về phương Nam đã nhả ngược hạt sồi ra.
Nghỉ tay! Trưởng nhóm thợ cưa cất giọng, và chúng tôi tạm nghỉ lấy hơi.
Giờ lưỡi cưa đã liếm vào đến những năm 1870, thập kỷ của cơn say túy lúy với việc trồng lúa mì ở Wisconsin. Vào thứ Hai, chúng tôi tiến đến năm 1879, khi lũ bọ lúa mì, ấu trùng bọ cánh cứng, bệnh rỉ sắt, và đất thiếu màu cuối cùng đã buộc các nông dân Wisconsin đối mặt với sự thật rằng họ không thể tiếp tục mở rộng diện tích đất trồng lúa mì trên các thảo nguyên hoang sơ về phía tây, nếu họ không muốn đất dưới chân trở nên cằn cỗi đến không thể cứu vãn nổi. Linh tính mách bảo tôi rằng trang trại này cũng góp phần trong cuộc chơi phát rừng làm rẫy đó, và những hạt cát khô cằn thổi về phía bắc cây sồi của tôi có nguồn gốc từ giai đoạn lạm phát trồng lúa mì đó.
Cũng trong năm 1879, chúng ta chứng kiến đàn cá chép đầu tiên được thả nuôi ở Wisconsin, kèm theo là chuyến đi lậu vé của giống cỏ lúa mì từ châu Âu vào trong bang. Vào ngày 27 tháng Mười năm 1879, sáu con gà gô đồng cỏ di trú đậu trên đòn nóc của Nhà thờ Giám lý Đức quốc (German Methodist Church) ở Madison, nhìn ngắm thành phố đang ngày càng phát triển này. Vào ngày 8 tháng Mười một, các chợ ở Madison đầy ắp những con vịt bán đổ đống với giá chỉ 10 cent một con.
Năm 1878, một thợ săn hươu đến từ Sauk Rapids đưa ra lời nhận xét có phần tiên đoán, Số thợ săn rồi sẽ áp đảo số lượng hươu.
Vào ngày 10 tháng Chín năm 1877, hai anh em thợ săn ở hồ Muskego đã bắn hạ và đóng túi 210 con mòng két đuôi xanh chỉ trong một ngày.
Năm 1876 là năm ẩm ướt nhất trong lịch sử bang, với lượng nước mưa dâng lên đến gần một mét rưỡi, số lượng gà gô đồng cỏ tụt xuống, có lẽ phần vì mưa lớn.
Năm 1875, bốn thợ săn đã bắn chết 153 con gà gô đồng cỏ trên thảo nguyên York, cách đây một hạt về hướng đông. Trong cùng năm ấy, Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ đã thả giống cá hồi Đại Tây Dương vào hồ Devil, cách cây sồi của tôi tầm 16 cây số về phía nam.
Năm 1874, những thước dây kẽm gai đầu tiên sản xuất trong nhà máy được bấm dập xung quanh các gốc sồi. Tôi hy vọng là không có thứ cổ vật nào như thế còn kẹt lại trong thân sồi chúng tôi đang cưa này! Năm 1873, một công ty ở Chicago đã tiếp nhận và tung ra thị trường 25.000 con gà gô đồng cỏ. Người tiêu dùng ở Chicago đã mua tổng cộng 600.000 con ở mức giá 3,25 đô – la một tá.
Năm 1872, con gà tây hoang dã cuối cùng ở Wisconsin đã bị săn hạ, ở địa điểm cách đây hai hạt về hướng tây nam.
Thật hợp tình hợp lý khi thập kỷ đánh dấu sự thoái trào trong cơn sốt tiên phong trồng lúa mì cũng kết thúc luôn cơn sốt săn bắt bồ câu. Vào năm 1871, trong vòng bán kính 80 cây số tính từ cây sồi của tôi về phía tây bắc, ước tính có khoảng 136 triệu con bồ câu đã làm tổ; một số con có lẽ đã làm tổ ngay trên cây sồi này, vì lúc đó nó đã là một cây sồi con lớn mạnh cao tầm sáu mét. Những tay săn bồ câu lũ lượt truy kích những con chim với bẫy lưới và họng súng săn, dùi cui và những cục muối liếm nhử mồi, để rồi sau đó chất đầy những con bồ câu để nhồi nhân bánh nướng lên các toa tàu chạy hướng nam và đông về các thành phố. Đó là đợt làm tổ lớn cuối cùng của loài bồ câu ở Wisconsin, và có lẽ cũng là lần gần cuối ở bất cứ bang nào khác.
Cùng trong năm 1871, xuất hiện các bằng chứng khác về cuộc hành quân của đế chế loài người: Trận cháy Peshtigo thiêu rụi cây cối và đất đai của một vài hạt, và Trận cháy Chicago, nghe đồn là bắt đầu từ cú đá hậu phản đối của một con bò cái.
Vào năm 1870, đế chế chuột đồng đã bắt đầu cuộc càn quét của riêng mình; chúng dọn sạch các vườn cây trái của tiểu bang lúc đó còn non trẻ, chỉ để đó kéo nhau chết hàng loạt. Chúng không kịp gặm nhấm cây sồi của tôi, phần vì lớp vỏ cây lúc đó đã quá dày và cứng với lũ chuột.
Đồng thời, trong năm 1870, một tay súng đã khoe khoang trên kênh American Sportsman (Thể thao Nước Mỹ) rằng mình đã giết được 6.000 con vịt chỉ trong một mùa săn bắn gần Chicago.
Nghỉ tay! Trưởng nhóm thợ cưa cất giọng, và chúng tôi tạm nghỉ lấy hơi.
Lưỡi cưa giờ đã tiến đến những năm 1860, khi hàng nghìn người tử trận trong cuộc Nội chiến chỉ để trả lời câu hỏi: liệu cộng đồng giữa người với người này có dễ dàng chia tách đến vậy? Cuối cùng thì mọi chuyện cũng qua đi, tuy nhiên họ đã không thấy được, và chúng ta đến giờ vẫn chưa nhận ra, rằng câu hỏi tương tự đó cũng ứng với mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên đất đai.
Thập kỷ này cũng trải qua những cuộc dò dẫm tìm đường trong đêm để giải quyết các vấn đề vĩ mô. Vào năm 1867, Quý ngài Increase A. Lapham đã thuyết phục Hội Làm vườn của Tiểu bang (State Horticultural Society) trao giải thưởng cho các khu trồng rừng. Vào năm 1866, con nai sừng tấm Wisconsin cuối cùng đã bị giết hại. Lưỡi cưa giờ đây đã cắt vào năm 1865, một năm cốt lõi cho cây sồi của chúng ta. Đó là năm mà John Muir đã ngỏ lời mua lại từ tay anh trai mình một căn nhà nông trang cách cây sồi gần 50 cây số về hướng đông, và biến nó thành một vườn bảo tồn các loài hoa dại từng khiến ông ngây ngất một thời non trẻ. Anh trai ông khước từ lời đề nghị đó, nhưng ông ta cũng không khống chế được ý tưởng đó lan tỏa đến toàn bang: 1865 luôn là cột mốc trong lịch sử bang Wisconsin, đánh dấu năm chớm nở tình thương và lòng trắc ẩn cho những gì thuộc về thiên nhiên hoang dã và tự do.
Chúng tôi đã cưa đến phần lõi xốp. Lưỡi cưa của chúng tôi đã đảo chiều tịnh tiến của lịch sử; chúng tôi vừa cắt vừa giật lùi qua các năm trong khi vẫn đi tới về phía bên kia của thân cây. Cuối cùng thì thân cây cũng rúng động; miệng vết cưa bỗng nhiên há rộng ra; lưỡi cưa nhanh chóng được rút ra trong khi những người thợ cưa nhảy lùi lại vào vùng an toàn; tất cả cùng kêu vang Cây đổ!; cây sồi của tôi nghiêng người, rên rỉ, và đổ nhào một tiếng kinh thiên động địa, và nằm ngửa án ngữ giữa con đường của dân di cư nơi nó đã sinh ra.
Bây giờ thì đến công đoạn xẻ gỗ. Từng nhịp vồ rung lên trên những nêm gỗ bằng thép trong lúc từng khúc thân cây lan lượt bị lật úp, tách rời nhau ra thành từng khối đẫm hương gỗ mới, để rồi sau đó được kéo bằng dây sang bên vệ đường.
Có một câu chuyện ngụ ngôn cho các nhà sử học xoay quanh các công năng đa dạng của lưỡi cưa, cái nêm, và cái rìu.
Lưỡi cưa chỉ cắt qua các năm, và nó phải tuần tự giải quyết từng năm một. Cứ đến một năm thì các răng cưa lại kéo ra một vài mẩu gỗ thông tin bé xíu, sau đó sẽ tích tụ lại thành từng đống nhỏ, được các thợ xẻ gỗ gọi là mùn cưa còn các nhà sử học thì gọi là kho lưu trữ. Và cả hai bên đều đánh giá thực chất những cái nằm bên trong thông qua những mẫu vật nhìn thấy được bên ngoài. Chỉ đến khi đường cắt ngang hoàn tất thì cái cây mới đổ xuống, và gốc cây sẽ tiết lộ một điểm nhìn bao quát về một thế kỷ. Với cú ngã của mình, cái cây trở thành người chứng cho mớ hổ lốn ta gọi là lịch sử.
Ngược lại, cái nêm chỉ vận hành dựa trên các nhát bổ theo bán kinh xoay tròn; mỗi nhát bổ như thế lại cho thấy một góc nhìn tổng quan của tất cả các năm cùng một lúc, hoặc sẽ không hé lộ điều gì cả, tất cả tùy thuộc vào kỹ năng lựa chọn mặt cắt của người bổ. (Nếu bạn do dự, thì cứ để yên cho phần gỗ phơi nắng trong một năm cho đến khi xuất hiện một vài vết nứt trên mặt gỗ. Rất nhiều bàn tay nóng vội đã nén những cái nêm kẹt chặt vào thân cây, để chúng nằm đó rỉ sét đi và cứng ngắc giữa những thớ gỗ đan xen không tài nào chẻ nổi.) Cái rìu chỉ vận hành ở một góc chéo so với các năm, và chỉ giúp hé lộ các vòng ngoài rìa hay quá khứ gần đây. Công năng đặc biệt của nó là cắt xén bớt cành nhánh mà cả lưỡi cưa và cái nêm đều bất lực đầu hàng.
Cả ba dụng cụ đều cần thiết để tạo tác nên một khúc gỗ sồi tốt và một pho sử quý.
Tôi ngẫm ngợi về những điều này trong lúc ấm nước hát reo trên bếp, và khúc gỗ sồi cháy thành những viên than hồng trên nền tro tàn trắng. Khi xuân về, tôi sẽ mang chỗ tro tàn đó quay lại mảnh vườn dưới chân ngọn đồi cát pha. Chúng sẽ quay trở lại với tôi, có lẽ dưới hình dáng những trái táo đỏ ngọt, hay có thể trong hình bóng một chú sóc béo tốt với tinh thần táo bạo, vì một lý do nào đó ngay cả Chúa cũng không biết, đang hì hục quyết tâm trồng những trái sồi rụng.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 01 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 02 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 03 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 04 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 05 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 06 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 07 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 09 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 10 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 11 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 12 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 13 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 14 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 15 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 16 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 17 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 18 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 19 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 20 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 21 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 22 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, toàn tập tại đây.