Niên lịch miền gió cát | Chương 15
Niên lịch miền gió cát hòa quyện lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh và triết học qua ghi chép về sinh vật tại trang trại Wisconsin.
· 29 phút đọc · lượt xem.
Vùng Thượng khi tôi mới chuyển đến sống ở Arizona, vùng Bạch Sơn (White Mountain) là một thế giới của những người trên lưng ngựa. Ngoại trừ một số trục đường chính, những đoạn đường còn lại đều quá khó khăn cho xe kéo đi lại, và thời đó thì chưa có ô – tô. Đường sá quá dài rộng để đi bộ, đến cả những người chăn gia súc cũng cưỡi ngựa. Vì thế, theo phương pháp loại trừ, khu cao nguyên rộng bằng cả một hạt, với cái tên vùng thượng, nghiễm nhiên trở thành lãnh địa dành riêng cho các kỵ binh: những người chăn bò hay cừu, những người kiểm lâm, những người đặt bẫy thú, và hàng tá những người vô danh rong ruổi trên lưng ngựa, luôn hiện hữu nơi biên cương. Thế hệ ngày nay khó lòng mà hiểu được chế độ quý tộc và đặc quyền không gian dựa trên cách thức đi lại này.
Chế độ này không hề tồn tại ở những thị trấn bên lề đường ray cách đó hai ngày đường về hướng bắc, nơi bạn có thể lựa chọn đủ loại phương tiện đi lại từ giày da, lừa thồ hàng, ngựa bò, xe ngựa bốn bánh, xe kéo chở hàng đến toa tàu dành cho bảo vệ, hay toa xe lửa hạng sang Pullman. Mỗi hình thức di chuyển này tương ứng với một tầng lớp xã hội, và các thành viên của mỗi giai cấp nói một thứ ngôn ngữ riêng, ăn thức ăn riêng, mặc quần áo riêng, và hay lui tới những tiệm rượu riêng. Mẫu số chung duy nhất giữa họ là ai ai cũng nợ tiền các cửa hàng tạp hóa, và họ cùng chia sẻ nắng gió cát bụi của thiên nhiên Arizona.
Khi ta băng qua những cánh đồng và các ngọn núi mặt bàn về Bạch Sơn ở phía nam, lần lượt từng giai cấp này bắt đầu rơi rụng dần vì phương tiện đi lại tương ứng của họ không cho phép, và cuối cùng khi chạm đến vùng thượng thì chỉ còn duy nhất những người kỵ binh làm bá chủ.
Cuộc cách mạng của Henry Ford sau đó đã xóa bỏ đặc quyền này. Thời nay, với máy bay thì bất cứ anh chàng vô danh tiểu tốt nào đều có thể đi đến bất cứ đâu.
Vào mùa đông, những đỉnh núi trở thành cấm địa ngay cả với những người cưỡi ngựa, vì tuyết phủ dày trên các đồng cỏ vùng cao và những con đường uốn quanh các hẻm núi cũng ngập trong tuyết. Vào tháng Năm, tất cả những con đường này lại ngập trong những dòng nước chảy từ những khối băng tan. Tuy nhiên, sau đó thì bạn có thể tiến hành leo đỉnh – nếu con ngựa của bạn đủ gan để lội nửa ngày đường qua những cung đường bùn sình lầy lội.
Ở ngôi làng nhỏ nơi chân núi, mỗi mùa xuân lại diễn ra một cuộc chạy đua ngầm để xem ai sẽ là người kỵ binh đầu tiên leo lên được những vùng núi cao đơn độc. Rất nhiều người trong chúng tôi thử vận may, vì lý do gì thì chúng tôi cũng không đào sâu phân tích. Tin đồn về cuộc thi cứ thế lan nhanh, và người thắng cuộc sẽ được coi như quý ông của năm – một vầng hào quang cao quý giữa những người cưỡi ngựa.
Bất chấp những câu chuyện kể trong sách vở, dòng suối tuyết tan không hối hả chảy ngay lúc xuân về. Những ngày đầu xuân nhẹ nhàng vẫn xen kẽ với những cơn gió tê tái, ngay cả khi bầy cừu đã leo lên đỉnh núi.
Trong đời mình, tôi hiếm khi nhìn thấy một cảnh trí lạnh lẽo hoang vu hơn một cánh đồng xám xịt trên núi, rải rác đó đây là những con cừu cái cằn nhằn và lũ cừu non gần như đông cứng, trên người phủ đầy tuyết và sương giá. Ngay cả những con chim bổ hạt vốn tính sôi nổi cũng đành cúi đầu cong lưng né tránh những cơn bão mùa xuân này.
Tính khí của ngọn núi vào mùa hè cũng thất thường như thời tiết, và ngay cả người cưỡi ngựa ngờ nghệch nhất (và con ngựa của anh ta) cũng cảm nhận được tâm trạng biến chuyển của nó từ tận trong cốt tủy.
Vào một sáng trời trong, ngọn núi sẽ giơ tay mời gọi bạn nằm xuống và lăn lộn trên thảm cỏ sương khiết điểm những bông hoa (con ngựa thiếu tự chủ của bạn sẽ làm điều này trước nếu bạn không giữ dây cương cho chặt).
Vạn vật đều đâm chồi nảy lộc và ca hát líu lo. Những cây thông và cây tùng cổ thụ phải chịu đựng mưa rây chớp giật trong nhiều tháng qua thì nay vươn cao kiêu hãnh để tắm mình trong làn nắng sớm. Những con sóc với túm lông tua rua ở tai chưng ra khuôn mặt lãnh cảm, nhưng lại thể hiện cảm xúc tràn trề bằng tiếng kêu và cái đuôi, liên tiếp nhắc lại điều mà bạn đã biết rất rõ: rằng hiếm có một ngày nào như hôm nay, hay một thời khắc an nhiên tự tại như thế này để tận hưởng nó.
Nhưng chỉ một tiếng sau, những đám mây đen đã kéo tới che khuất mặt trời, trong khi thiên đường trên mặt đất của bạn đang khúm núm sự sệt trước những cơn quất đập tàn bạo của sấm chớp, mưa giông, và băng tuyết. Những đám mây u ám đen kịt treo trên nền trời, sẵn sàng bùng phát như một quả bom đã châm ngùi. Con ngựa của bạn giật nảy mình trước mỗi hòn cuội lăn hay một cành cây gãy. Khi bạn mở túi bên yên ngựa và lấy áo mua, con vật hí lên run rẩy như thể bạn sắp sửa trải cuộn giấy báo tử của Ngày tận thế. Khi tôi nghe ai đó nói rằng họ không sợ sấm chớp, tôi vẫn nghĩ bụng rằng họ chưa từng cưỡi ngựa đi trên đinh Bạch Sơn vào một ngày tháng Bảy.
Những tiếng nổ quả thực đáng sợ, nhưng ghê gớm hơn là những mảnh đá bốc khói bắn tóe ra khi hòn sét đánh thẳng vào các bìa đá, rồi vút gió lướt ngay bên tai bạn. Và kinh khủng hơn cả là những mảnh gỗ dằm văng tung tóe khi một tia chớp đánh vào một cây thông. Tôi vẫn còn nhớ một đoạn gỗ thông trắng lóa dài hơn bốn mét cắm sâu vào đất ngay bên cạnh chân tôi, nó đứng đó và rung lên bần bật như một dụng cụ âm thoa.
Những ai mong muốn thoát khỏi nỗi sợ hẳn có một cuộc đời thật nhàm chán biết bao.
Trên đỉnh núi có một đồng cỏ tuyệt vời và mất khoảng nửa ngày để đi từ đầu này qua đầu kia, nhưng bạn chớ nên hình dung nó như một sân khấu ngoài trời trải thảm cỏ và viền quanh bởi hàng rào cây thông. Trái lại, đường diềm của nó cuộn lên cuộn xuống, uốn lượn, và xẻ hình răng cưa men theo hằng hà sa số các địa hình hoàn toàn khác biệt như vũng và u nước, mũi đất và sống núi, hay doi đất và rãnh bằng. Không ai có thể biết đầy đủ những địa danh này, và mỗi chuyến đi lại tình cờ hé lộ cho bạn biết một địa điểm mới lạ. Tôi nói mới lạ ở đây vì thường khi chúng ta vô tình bắt gặp một vùng trũng trải đầy hoa, ta sẽ nghĩ rằng nếu có ai đó đã đến đây từ trước thì hẳn anh ta đã viết một bản nhạc hay một bài thơ để ca tụng nó rồi.
Cảm giác lâng lâng khi khám phá ra một điều kỳ diệu hẳn là tác nhân đứng sau hàng ngàn hàng vạn những tên viết tắt, ngày tháng, và tên đàn gia súc được khắc lên thân những cây dương lá rung ở khắp các điểm dựng trại trên núi. Ẩn chứa trong những dòng chữ chạm khắc này, ta có thể đọc được lịch sử và văn hóa của những người sống ở vùng Texas – Homo texanus, một thứ lịch sử không dựa theo văn kiện nhân chủng học khô khan, mà tạo nên từ nghề nghiệp của một vài ông tổ khai hoang nơi này (mà con trai của ông ta có thể đã vượt mặt bạn trong việc buôn bán ngựa, còn con gái của ông ta có khi đã từng cầm tay bạn trong một điệu nhảy). Ở đây, trong những dòng chữ khắc từ những năm 90, là tên viết tắt giản đơn của họ, không bao gồm tên đàn gia súc, một chỉ báo rõ ràng đánh dấu thời khắc ông ta lần đầu tiên một mình lên núi như một người chân bò du mục. Một thập kỷ sau, tên đàn gia súc xuất hiện bên cạnh tên viết tắt của ông ta: lúc này, ông ấy hẳn đã trở thành một công dân thực thụ trong cộng đồng chăn gia súc, với bộ cánh được mua bằng sự tằn tiện, tiền lời, và một cây roi bò.
Sau đó chỉ vài năm, tên viết tắt của con gái ông ta sẽ xuất hiện, được khắc bởi một cậu trai si tình không chỉ với ao ước được đón nàng về dinh mà còn cả món hồi môn kếch xù từ cha nàng nữa.
Ông già giờ đây đã nằm sâu dưới đất. Trong những năm cuối đời, trái tim ông chỉ khẽ reo lên sung sướng mỗi khi tiền vào tài khoản hay số lượng gia súc trong đàn tăng thêm. Nhưng trên cây dương lá rung kia mới là nơi lưu dấu tuổi trẻ một thời của ông đã được tận hưởng cảnh bồng lai trên đỉnh núi mùa xuân.
Lịch sử của ngọn núi không chỉ được viết lên vỏ cây dương mà còn trong tên gọi của những địa danh trên núi. Các địa danh ở vùng quê chăn bò thường có phần tục tĩu, hóm hỉnh, mỉa mai, hay sến súa nhưng hiếm khi nhàm chán. Thường thì chúng là những cái tên đủ khơi gợi trí tò mò của những người mới đến; quanh từng cái tên là một câu chuyện thêu dệt, và khi trải chúng ra thì ta có một tấm thảm đan móc bằng những chuyện dân gian.
Ví dụ, Bãi xương (The Boneyard) là tên một cánh đồng xinh đẹp nơi những nhánh hoa chuông uốn những bông hoa xanh tím trên những cái đầu lâu và xương bò vương vãi khắp nơi. Ở đây, vào những năm 80, một người chăn bò mới chân ướt chân ráo đến từ những thung lũng ấm áp ở mạn Texas đã ngu ngốc tin vào vẻ ngoài mời gọi của hương sắc mùa hè trên núi và lùa đàn bò đến đây ăn cỏ khô vào mùa đông. Khi những cơn bão tháng Mười một ùa tới, ông ta chỉ kịp thoát thân cùng con ngựa, nhưng đàn bò của ông thì không được may mắn như thế.
Lại còn Dòng Campbell Buồn (The Campbell Blue), tên đặt cho khu thượng nguồn sông Blue, nơi một người chăn bò đã đưa cô vợ yêu đến nghỉ chân. Cô gái trẻ đã quá mệt mỏi với cây cỏ và sỏi đá và mơ ước có một chiếc dương cầm. Và cô đã được toại nguyện khi chồng cô mua tặng cô một cây dương cầm hiệu Campbell. Trong hạt chỉ có duy nhất một con la đủ sức kéo cây đàn, và chỉ duy nhất một người đóng gói hàng có khả năng làm cái việc tưởng chừng siêu nhiên là thăng bằng gói hàng cồng kềnh đó trên chiếc xe kéo. Nhưng chiếc dương cầm không mang lại niềm vui cho cô gái như đã tưởng, và cô đã bỏ đi sau đó. Khi tôi được nghe kể câu chuyện này, thì căn cabin của họ chỉ còn là một đống gỗ mục hoang phế.
Lại còn Bãi lầy Đậu (Frijole Cienega), tên đặt cho một cánh đồng lầy bao quanh bởi những rặng thông. Ở đó có một căn cabin nhỏ làm nơi trú chân cho bất cứ ai lỡ độ đường. Có một luật bất thành văn dành cho người chủ của những nơi chốn như vậy là họ sẽ để săn bột mì, mỡ lợn, và đậu trong căn cabin, và những người khách dừng chân nghỉ lại sẽ góp thêm vào kho lương thực chung này trong chừng mực có thể. Nhưng có một người du hành xấu số đã mắc kẹt trong căn cabin suốt một tuần vì mưa bão mà chỉ có duy nhất món đậu để ăn. Hành động vi phạm trắng trợn tinh thần hiếu khách này hiển nhiên sẽ được ghi tạc lại bằng một địa danh.
Và cuối cùng là đến Nông trại Thiên đường (Paradise Ranch), một vùng đất nhìn qua trên bản đồ thì tưởng như tẻ nhạt, nhưng khi bạn thực sự đặt chân đến đó sau một chặng đường dài trên lưng ngựa thì nó lại là một câu chuyện khác. Nơi này nằm ở một góc khuất ở xa phía bên kia một đỉnh núi cao, như bất kỳ một thiên đường có thật nào. Uốn mình chảy qua những cánh đồng cỏ non xanh ở đây là một dòng suối cá hồi bơi lội. Có một con ngựa đã lạc đến nơi này và sau một tháng ở đây thì nó phát tướng đến nỗi tấm lưng của nó phình ra to như cái phản, đủ chỗ cho nước mưa đọng thành vũng. Sau lần đầu đến thăm Nông trại Thiên đường, tôi thầm nhủ: quả thật không còn cái tên nào phù hợp hơn cho chốn này.
Đã từ lâu tôi không còn quay lại dãy Bạch Sơn nữa, dẫu cho đời đã tạo nhiều cơ hội cho tôi trở về. Tôi không muốn chứng kiến những gì mà khách du lịch, đường sá mới mở, nhà máy cưa, và đường tàu chở gỗ đã vô tình hay hữu ý gây ra cho ngọn núi này. Tuy vậy, tôi vẫn nghe những người trẻ tuổi, thế hệ chưa sinh ra khi tôi lần đầu tiên lên tới vùng thượng, kháo nhau rằng Bạch Sơn quả là một nơi tuyệt vời. Và ở điểm này thì tôi nhẹ dằn lòng và đồng ý với họ.
Suy nghĩ như một ngọn núi Một tiếng thét vỡ ra từ trong lồng ngực, vang dội từ bìa đá này sang bìa đá khác, cuộn trào xuống chân núi, trước khi chìm dần vào đêm đen. Nó là nỗi sầu muộn bột khởi từ thái độ phản kháng và khinh thường mọi nghịch cảnh.
Tất cả các sinh vật sống (và có lẽ rất nhiều những con đã chết nữa) lặng tai nghe tiếng gọi đó. Loài hươu coi tiếng thét đó nhắc nhở chúng về xác thịt phù du; cây thông coi đó là điềm báo cho những cuộc hỗn chiến đầu rơi máu chảy trong màn đêm; con chó sói đồng cỏ lại hí hửng nghĩ tới những miếng mồi nó sẽ mót lượm được; người chăn bò thì rùng mình nghĩ tới những mối hiểm nguy lẩn khuất bên bờ sông; người thợ săn thì lại xem nó như một lời tuyên chuyến giữa nanh trắng và họng súng. Tuy nhiên, bên dưới tất cả những khát khao hay nỗi sợ này là một tầng ý nghĩa sau xa hơn mà chỉ có ngọn núi mới hiểu. Chỉ ngọn núi là đủ trải đời để khách quan lắng nghe tiếng tru của loài sói.
Và những ai không giải mã được ý nghĩa ẩn giấu đằng sau tiếng tru đó vẫn sẽ cảm nhận được sự hiện diện của nó, bao trùm lên khắp vùng lãnh thổ loài lang sói và tách biệt nó khỏi mọi vùng đất khác. Nó làm gai lưng những ai lắng nghe tiếng sói tru về đêm và dò xét dấu chân của chúng vào ban ngày. Ngay cả khi ta không nhìn hay nghe thấy những con sói, chúng vẫn hiện hữu qua vô số những diễn biến nhỏ nhặt: tiếng hí của bầy ngựa lúc nửa đêm, tiếng sỏi lăn lạo xạo, tiếng guốc phi của một con hươu, những bóng đen lẩn quất bên dưới gốc cây vân sam. Chỉ những tay lính mới khó đào tạo mới không đọc được sự hiện hữu (hoặc không) của bầy sói, hay cảm nhận được những ý kiến sâu kín của ngọn núi về loài vật này.
Niềm tin của tôi vào điều này được khẳng định từ cái ngày tôi chứng kiến cái chết của một con sói. Chúng tôi đang ngồi ăn trưa trên một bìa đá nhô ra, bên dưới là khúc cua một con sông nước chảy xiết, và tưởng rằng thứ mình nhìn thấy là một con hươu cái đang lội dưới dòng nước trắng xóa dâng cao sâm sấp đến ngực con vật. Khi nó trèo được lên bờ về phía chúng tôi và vẫy đuôi, chúng tôi nhận là mình đã lầm: đó là một con sói. Một đám lốc nhốc những con sói thiếu niên nhào ra từ sau bụi liễu, vẫy đuôi và cắn yêu đầy mừng rỡ để chào đón mẹ chúng. Và cứ thế, cả bầy sói tiếp tục nô giỡn kêu la ngay giữa bãi đất trống dưới chân bìa đá chúng tôi ngồi.
Vào thời đó, việc để tuột cơ hội bắn chết một con sói là chuyện vô cùng hy hữu. Trong tích tắc, chúng tôi bắt đầu nạp đạn vào súng, mặc dù vì hưng phấn nhiều hơn là muốn ngắm bắn chính xác; vả lại, việc ngắm bắn từ trên cao xuống luôn thách thức hơn. Khi chúng tôi xả hết đạn dược, thì con sói cái già đã gục xuống chết, còn một con sói con đang lết chân lách vào giữa những tảng đá lăn.
Khi chúng tôi xuống tới nơi thì cũng vừa lúc kịp nhìn thấy một đốm lửa xanh trong ánh mắt đang tắt dần sinh khí của con sói. Vào giây phút ấy, tôi nhận ra một điều mình chưa từng biết, rằng có điều gì đó mới mẻ ẩn trong đôi mắt ấy – một bí mật giữa con sói và ngọn núi. Lúc đó tôi còn trẻ dại và háo bắn; trong đầu tôi chỉ nghĩ được rằng nếu bắn bớt sói thì sẽ có nhiều hươu hơn, và nếu lũ sói chết hết thì khu này sẽ trở thành thiên đường săn bắn. Nhưng sau khi nhìn ánh lửa trong đôi mắt xanh đó tắt lịm, tôi cảm thấy rằng có lẽ cả con sói và ngọn núi đều không đồng tình với suy nghĩ của tôi.
Kể từ đó, tôi đã đi qua rất nhiều bang, bang nào cũng lần lượt trừ khử loài sói. Tôi đã chứng kiến nhiều ngọn núi không còn bóng dáng của bầy sói, và nhìn thấy những sườn núi phía nam hằn lên những vết chân hươu chồng chéo. Tôi đã tận mắt trông thấy tất cả các bụi cây ngọn cỏ trên những quả núi đó bị bào mòn gặm tỉa, rồi sau đó chết hẳn. Tôi đã nhìn thấy những tán cây bị ăn không còn một chiếc lá, thân cây chỉ cao vừa đủ cho lũ hươu cạ sừng. Những ngọn núi thảm thương đó trông như thể có người đã đưa cho Chúa trời một cái kéo tỉa, và sau đó cấm Ngài không được đụng tay vào việc gì khác. Cuối cùng, tất cả những gì còn lại là mớ xương tàn của bầy hươu mà ai cũng mong đợi, chết đói vì không còn gì để ăn; mớ xương bạc phếch của chúng nằm kẹt giữa những thân cây ngải đắng và cây bách xù trơ trụi.
Giờ thì tôi ngờ rằng, nếu như bầy hươu luôn sống trong nỗi kinh sợ bầy sói, thì những ngọn núi luôn sống trong nỗi khiếp đảm bầy hươu. Và nỗi sợ của những ngọn núi dường như chính đáng hơn, vì một con hươu bị bầy sói ăn thịt sẽ được con khác thay thế sau hai hoặc ba năm, còn một ngọn núi bị lũ hươu càn quét có lẽ sẽ mất hàng thập kỷ để phục hồi, nếu thành công.
Với đàn bò cũng vậy. Khi người chăn bò xóa sổ loài sói khỏi cánh đồng chăn thả, anh ta không nghĩ tới chuyện mình sẽ phải thay thế nhiệm vụ của bầy sói là giữ cho số lượng đàn bò cân xứng với khả năng cung cấp cỏ của cánh đồng. Anh ta chưa học được cách suy nghĩ như một ngọn núi. Và cũng vì thế mà chúng ta chỉ còn trơ lại các thung lũng cát và tương lai con người cứ trôi ra biển lớn theo những dòng sông cuộn chảy.
Tất cả chúng ta ai cũng mong có một cuộc sống an lành, sung túc, dễ chịu, miên trường, và nhàm chán. Con hươu ráng đạt được điều đó với đôi chân dẻo dai, người chăn bò với bẫy gài và bả độc, người chính khách với ngòi bút, và đa phần chúng ta thì cố gắng với máy móc, lá phiếu bầu, và đồng đô – la xanh. Tất cả cũng chỉ để phục vụ một mục đích: một cuộc sống bình yên. Đạt được điều này không phải là tệ, thậm chí có thể là một tiêu chí cho việc suy nghĩ khách quan, nhưng an toàn quá thì chỉ sinh ra nhiều hiểm họa về lâu về dài. Có lẽ đây là sự thật phía sau câu châm ngôn của Thoreau: Ẩn trong hoang dã là sự cứu rồi cho thế giới. Có lẽ đó cũng là ý nghĩa ẩn tàng sau tiếng tru của loài sói mà núi non đã biết từ lâu nhưng người đời thì tới giờ vẫn chưa thông hiểu.
Đỉnh Escudella Cuộc sống ở Arizona được lót dưới bằng cây cỏ grama răng lược, bọc trên bởi bầu trời, và đường chân trời thì được chắn bằng ngọn núi Escudilla.
Đi về phía bắc ngọn núi bạn sẽ được cưỡi ngựa băng qua những cánh đồng màu mật ong. Nhìn lên ở bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào, bạn sẽ nhìn thấy Escudella.
Đi về hướng đông bạn sẽ đi qua những khối núi mặt bàn phủ cây xanh.
Mỗi quả núi như một thế giới riêng thu nhỏ, đẫm ánh mặt trời, thơm mùi lá bách xù, và vang lên tiếng sum vầy ấm áp của bầy chim giẻ cùi thông.
Nhưng leo lên đỉnh rặng núi Bạch Sơn là bạn sẽ lập tức biến thành một chấm nhỏ trong thế giới vô tận. Bên rìa thế giới đó là đỉnh Escudella cheo leo.
Về phía nam, ta sẽ thấy những hẻm núi chồng chéo của sông Blue, đầy nhóc đám hươu đuôi trắng, gà tây hoang dã, và những đàn gia súc còn hoang dã hơn. Rủi khi bạn bỏ lỡ cảnh một con hươu đực tráng kiện lắc sừng chào từ biệt trên nền trời, và nhìn xuống dưới để tìm kiếm lý do cho cử chỉ ấy, bạn sẽ nhìn thấy một ngọn núi xanh ở đằng xa: đỉnh Escudilla.
Còn về đằng tây là biên giới cuồn cuộn của Khu rừng Quốc gia Apache. Chúng ta đến đó thăm dò cây lấy gỗ, chuyển hóa những cây thông thành những khối gỗ 40 nhân 40 trong sổ tay ghi chép.
Vừa đi lên theo hẻm núi vừa thở dốc, người thăm dò cảm nhận một sự cách biệt lạ lùng giữa những hình vẽ im lìm trong sổ tay và thực tế sống động bên ngoài của mồ hôi rịn ra nơi kẽ tay, những con châu chấu búng càng, những vết đốt của loài ruồi hươu, và những con sóc kêu la. Nhưng khi chạm đến dãy núi kế tiếp, một cơn gió kinh gào thét trên một biển thông xanh dậy sóng đã thổi bay mọi nghi hoặc trong đầu anh ta. Ở phía bờ xa bên kia của biển thông là Escudella.
Ngọn núi không chỉ tiết chế cách ta làm việc và vui chơi, mà còn quyết định xem liệu ta có tìm được một bữa ăn tử tế hay không. Vào những đêm đông, chúng tôi thường cố gắng đánh úp một con vịt hoang trên những bãi sông. Từng đàn vịt thận trọng bay vòng trên nền trời từ phía tây màu hồng nhạt hay phía bắc màu xanh thép, rồi biến mất sau dãy núi Escudilla đen như mực. Nếu chúng xuất hiện trở lại, chúng tôi sẽ có một con vịt đực to béo trong nồi cho bữa tối. Nếu chúng không xuất hiện trở lại thì chúng tôi sẽ lại phải ăn thịt xông khói và đậu đóng hộp.
Và thực tế thì chỉ có duy nhất một nơi mà bạn không thể nhìn thấy núi Escudilla, đó chính là trên đỉnh Escudilla. Và mặc dù bạn không thể nhìn thấy ngọn núi, bạn vẫn có thể cảm nhận được nó qua sự hiện diện của Chân To, một con gấu vĩ đại.
Chân To là một ngài bá tước kiêm kẻ trộm, và Escudella là lâu đài của nó. Mỗi mùa xuân, khi những cơn gió ấm áp làm dịu đi những bóng đen trên lớp tuyết, cụ gấu xám già này lại bò ra khỏi nơi ngủ đông trong hang đá, đi xuống núi và nện vỡ sọ một con bò xấu số. Sau khi đã ăn no bụng, cụ gấu liền bò trở về hang và tận hưởng mùa hè ở đó với một kho lương thực gồm những con chồn macmot, thỏ rừng, dâu dại, và rễ củ.
Tôi từng nhìn thấy một trong những con mồi của ngài Chân To. Đầu và cổ của con bò vỡ nát, như thể nó đã đâm đầu thẳng vào một đoàn tàu chở hàng.
Chưa một ai từng nhìn thấy con gấu già, nhưng bạn có thể nhìn thấy vết chân vĩ đại nó để lại trên lớp bùn sình bên bờ suối, đủ khiến cho ngay cả những gã cao bồi gan góc nhất phải chú ý. Bất cứ nơi đâu họ đặt chân ngọn núi đều thù lù trước mặt, và ngọn núi luôn nhắc họ nhớ đến sự hiện diện của loài gấu. Những cuộc chuyện trò quanh lửa trại luôn xoay quanh chủ đề đàn bò, những cuộc họp mặt đàn ca múa hát (baile), và những con gấu. Tuy rằng Chân To chỉ chiếm dụng một vài cây số vuông đất chó ăn đá gà ăn sỏi kèm theo một con bò một năm, ta vẫn cảm nhận được sự hiện hữu khắp nơi của nó trên vùng đồng quê này.
Đó là khi địa hạt chăn bò này bắt đầu chuyển mình phát triển, và quá trình phát triển ấy diễn ra trên nhiều lĩnh vực.
Điểm báo đầu tiên của phát triển là sự xuất hiện của những tay lái ô – tô liên bang. Có một sự đồng điệu giữa họ và những người cao bồi: cả hai đều nói chung thứ ngôn ngữ lướt qua trong cơn gió và ghim trong vẻ ngoài dày dạn đường trường.
Những người cao bồi không hiểu, mặc dù họ vẫn nghe và ngắm nhìn, cô nàng xinh xắn mặc đồ nhung đen – người đến để khai sáng cho họ về quyền bầu cử của phụ nữ bằng thứ giọng Boston thành thị.
Họ cũng sững sờ trước những người kỹ sư lắp đặt đường dây thép trên những thân cây bách xù và vận chuyển thông điệp trong tích tắc từ thị trấn.
Một ông già bèn hỏi rằng liệu sợi dây đó có thể vận chuyển nhanh cho ông một lát thịt xông khói được không.
Vào mùa xuân nọ, sự phát triển gửi đến một sứ giả nữa, lần này là một người bẫy thú làm việc cho chính phủ – một vị Thánh George trên đường tìm kiếm những con rồng để tiêu diệt theo lệnh của nhà nước. Anh ta hỏi rằng ở đây có những loài vật gây hại nào cần tiêu diệt không? Những người dân trả lời rằng có một con gấu lớn.
Người bẫy thú đóng đồ lên lưng con la và tiến về hướng Escudella.
Một tháng sau, anh ta quay lại với một tấm da gấu nặng trịch trên lưng con la. Chỉ có một trang trại duy nhất đủ to trong thị trấn để phơi tấm da đó. Anh ta đã thử mọi cách, từ đặt bẫy đến đánh bả, tất cả đều vô hiệu.
Cuối cùng, anh ta liền đặt một khẩu súng có dây kéo cò trong một hẻm núi mà chỉ con gấu có thể đi qua. Con gấu xám cuối cùng còn lại đã dẫm chân lên sợi dây và tự bắn chết mình.
Lúc đó là tháng Sáu. Tấm da của con vật bốc mùi hôi thối với những vết cắt rọc loang lổ, và hẳn nhiên là vô dụng. Chúng tôi cảm thấy việc không để lại được chí ít là một bộ da tử tế như một hành động xúc phạm với con gấu cụ và đồng loại của nó. Tất cả những gì còn lại của nó là một cái đầu lâu trong Bảo tàng Quốc gia, và một cuộc tranh cãi giữa những nhà khoa học về danh pháp tiếng Latin của nó.
Chỉ sau khi chúng ta suy ngẫm về những điều này thì chúng ta mới bắt đầu băn khoăn ai là người đã viết nên điều lệ cho sự phát triển.
Kể từ thời khai thiên lập địa, thời gian đã ngấm ngầm chờ đợi, cạo vát, và kiến tạo những khối đất đá bazan trên đỉnh Escudella. Thời gian đã tạo dựng ba thứ trên ngọn núi lão niên này: một vẻ hùng vĩ đáng kính nể, một cộng đồng những loài động thực vật cỡ nhỏ, và một con gấu xám.
Người bẫy thú của chính phủ biết rằng anh ta đã giúp biến Escudilla thành một nơi an toàn cho đàn bò khi anh ta hạ thủ con gấu xám. Anh ta không biết rằng mình đã đánh đổ đỉnh chóp của một tòa tháp – một tòa thiên nhiên vẫn luôn trong quá trình thi công hoàn thiện, dựng nên bằng lời ca tiếng hát của những vì sao mai.
Ông trưởng hạt sở tại, người đã điều động tay bẫy thú, là một nhà sinh học nắm rõ thuyết Tiến hóa, nhưng ông ta không nhận ra rằng con gấu xám (ở vị trí đỉnh chóp thức ăn) có thể cũng quan trọng như những con bò. Ông ta không lường trước được rằng chỉ trong hai thập kỷ sau đó, địa hạt chăn bò này sẽ trở thành một điểm du lịch, và vì thế cần có nhiều những con gấu hơn là mấy miếng bít – tết bò.
Các ông Nghị sĩ bỏ phiếu thuận cho việc chi tiền để xóa sổ loài gấu khỏi các cánh đồng chăn thả, vốn là con cái của những người đến đây khai khẩn đất đai. Họ đã thừa hưởng những tố chất ưu việt của những người tiên phong mở đường, nhưng cũng chính họ là những kẻ tìm đủ cách để hủy hoại mảnh đất cha ông khai phá.
Những người kiểm lâm chúng tôi, những người đồng lõa trong việc diệt chủng loài gấu, ai cũng biết về một người nông dân trong lúc cày ruộng đã bới lên một thanh gươm khắc tên một viên tướng dưới trướng của Coronado. Chúng ta chỉ trích nặng nề những người Tây Ban Nha, trong cơn mê vàng và tìm kiếm người để cải đạo, đã thẳng tay giết hại thổ dân châu Mỹ. Tuy nhiên, chúng ta không nhận ra rằng chính mình cũng đang chỉ huy một cuộc xâm chiếm mượn danh chính nghĩa.
Escudella vẫn nằm đó nơi chân trời, nhưng khi nhìn thấy nó giờ đây bạn sẽ không mảy may nghĩ đến những con gấu nữa. Giờ nó chỉ là một ngọn núi như bao ngọn núi khác mà thôi.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 01 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 02 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 03 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 04 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 05 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 06 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 07 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 09 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 10 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 11 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 12 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 13 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 14 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 15 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 16 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 17 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 18 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 19 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 20 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 21 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 22 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, toàn tập tại đây.