Niên lịch miền gió cát | Chương 03
Niên lịch miền gió cát hòa quyện lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh và triết học qua ghi chép về sinh vật tại trang trại Wisconsin.
· 12 phút đọc.
Một cánh én chẳng làm nên trời hè, nhưng một đàn ngỗng sải cánh cắt xuyên qua nền trời bàng bạc của mùa tuyết tan tháng Ba thì quả là dấu hiệu báo xuân về.
Một con chim hồng y, nếu lỡ nhầm lẫn cất tiếng hót báo hiệu mùa xuân về với từng bông tuyết tan, sau đó có thể chữa thẹn bằng cách tiếp tục im lặng như trong suốt mùa đông dài. Một con sóc chuột đang chui ra ngoài tắm nắng nhưng lại gặp đúng cơn bão tuyết thì chỉ cần quay về ngủ vùi trong tổ. Nhưng một con ngỗng trời di cư chấp nhận đặt cược khi vượt hơn 300 cây số đường trường rằng mình sẽ tìm thấy một lỗ hổng trên mặt hồ đóng băng thì không có đường lui dễ dàng như vậy. Sự hiện diện của nó mang sức nặng quả quyết của một nhà tiên tri đã bỏ tất cả lại phía sau.
Buổi sáng tháng Ba chỉ âm u ảm đạm với những ai đi bộ bên ngoài quên không ngước nhìn lên trời hay vểnh tai lắng nghe tiếng ngỗng kêu.
Tôi từng biết một quý bà có học, một thành viên gạo cội của Hội nhóm Phi Beta Kappa (The Phi Beta Kappa Society), người từng kể với tôi rằng bà ấy chưa từng nghe hay nhìn thấy tiếng đàn ngỗng cứ hai năm một lần lại báo hiệu mùa về trên mái nhà cách nhiệt của bà. Liệu giáo dục có phải là một quá trình đánh đổi nhận thức để nhận lại những thứ vô giá trị hơn? Con ngỗng nào mà lựa chọn như vậy chẳng sớm thì muộn sẽ biến thành một mớ lông cánh nát bấy.
Đàn ngỗng báo hiệu mùa về trên trang trại của chúng tôi nhận thức rõ về rất nhiều thứ, bao gồm cả những đạo luật ở Wisconsin. Những đàn ngỗng bay về phương Nam vào tháng Mười một thường bay cao vút phía trên đầu chúng tôi, tuyệt nhiên im bặt không một tiếng động ngay cả khi chúng nhận ra những bãi cát và đầm nước thân thuộc còn trơ gốc rạ mới cắt trong đêm. Bất chấp thôi thúc muốn tới liền các hồ vũng rộng cách đó hơn 30 cây số về phía nam, nơi chúng rảo bước buổi sáng trời rồi lại lượm trộm bắp ngô mới gặt lúc đêm xuống, bầy ngỗng vẫn không dám lao thẳng tới nơi theo đường chim bay. Bầy ngỗng tháng Mười một hiểu rõ hơn ai hết rằng luôn có những họng súng rình rập khắp các đầm lầy và ao hồ từ rạng đông đến tối mịt.
Bầy ngỗng tháng Ba thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Mặc dù đã bị bắn tỉa trong suốt cả mùa đông, bằng cớ còn nằm trên những bộ cánh tả tơi, chúng biết rằng mùa xuân đến nghĩa là lệnh tạm ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực. Chúng lướt gió trên doi đất nhô ra sông, sà xuống thấp trên những cù lao và bãi bồi giờ đây đã vắng bóng thợ săn, và lật đật nhào xuống các bãi cát như tìm thấy một cố nhân lâu ngày chưa gặp. Chúng lượn vòng đan xen thật thấp trên các đầm lầy và đồng cỏ, khám phá từng ao vũng mới tan. Cuối cùng, sau một vài vòng chiếu lệ trên đầm lầy, chúng cụp cánh và chao liệng về phía mặt hồ, bàn chân đen dân đáp xuống và cái phao câu trắng nõn vểnh lên trên nền quả đồi đằng xa. Khi chạm nước, những vị khách mới tới của chúng ta bắt đầu kêu quàng quạc và đập nước đến độ ý nghĩ cuối cùng về mùa đông cũng trôi tuột khỏi những thân cỏ hương bồ cứng đờ. Đàn ngỗng của chúng ta đã quay trở về nhà.
Cứ vào thời khắc này hàng năm là tôi lại ước gì mình được làm một chú chuột xạ hương, ngụp lặn trọng đầm lầy.
Khi tốp ngỗng đầu tiên đã hạ cánh an toàn, chúng kêu những tiếng ồn ào ngăn vang để mời gọi những bầy khác bay đến, và chỉ trong vài ngày thì đầm lầy đã trở thành thủ phủ loài ngỗng. Ở trang trại, chúng tôi đo biên độ dao động của mùa xuân bằng hai thước đo: số lượng thông nảy mầm và số lượng ngỗng ghé qua. Con số kỷ lục của chúng tôi là 642 con ngỗng vào ngày 11 tháng Tư năm 1946.
Như vào mùa thu, bầy ngỗng mùa xuân ngày ngày ghé thăm các bãi ngô, nhưng chúng không cần phải lén lút lẻn ra khi đêm xuống nữa; trái lại, cả bầy lao xao di chuyển từ gốc ngô này sang gốc ngô khác suốt cả ngày.
Mỗi lần di dời là lại một lần chúng tranh luận ỏm tỏi, và mỗi lần quay lại thì chúng dường như lại xôn xao hơn trước. Bầy ngỗng sau khi trở về và hoàn toàn nhập gia thì thậm chí chẳng buồn bay vòng lấy lệ kiểm tra đầm lầy nữa. Chúng chao liệng trên không như những lá phong, hết liệng trái lại tạt phải để giảm dần cao độ, chân giang ra đón chào những tiếng quàng quạc chào mừng bên dưới. Tôi đoán rằng những tiếng quàng quạc chào mừng bên dưới. Tôi đoán những tiếng ầm ĩ sau đó là cách chúng bình phẩm về chất lượng bữa tối ngày hôm ấy.
Giờ thì chúng đang đánh chén những hạt ngô sót lại đã được lớp tuyết bảo vệ khỏi lũ quạ, thỏ đuôi bông, chuột đồng, và gà gô.
Có một điều dễ nhận thấy là những gốc ngô được bầy ngỗng tuyển lựa làm đồ ăn thường là những thân ngô trước đó mọc trên thảo nguyên.
Không ai biết rằng việc ưu ái giống ngô thảo nguyên này có phản ánh giá trị dinh dưỡng ưu việt hơn hay không, hay đây đơn thuần là một tập tục cha ông truyền lại từ thế hệ ngỗng này sang thế hệ ngỗng khác từ thuở chúng còn sống trên thảo nguyên. Có thể nó phản ánh thực tế đơn giản là các cánh đồng ngô mọc trên thảo nguyên thường rộng lớn. Nếu tôi có thể hiểu được những cuộc tranh luận om sòm trước và sau những chuyến đi tìm ngô này của bầy ngỗng, thì có thể tôi sẽ sớm biết được lý do vì sao chúng lại ưng bụng giống ngô thảo nguyên. Nhưng vì tôi không thể, nên tôi hoàn toàn hài lòng để cho điều đó mãi là một ẩn số. Thế giới này sẽ buồn tẻ biết nhường nào nếu ta biết tất cả mọi thứ cần biết về loài ngỗng! Khi quan sát lề thói hằng ngày của một đàn ngỗng mùa xuân, ta sẽ để ý thấy một số lượng phổ biến những con ngỗng lẻ bầy – chúng thường bay một mình và kêu ca inh ỏi. Ai đó có thể sẽ nhanh chóng quy chụp qua tông giọng ai oán của chúng rằng đây là những con ngỗng góa phụ sầu muộn, hay những bà mẹ đang hối hả tìm con. Nhưng một nhà điểu cầm học lâu năm sẽ biết rằng việc kết luận phiến diện như vậy về hành vi của loài chim là việc đầy rủi ro. Từ lâu tôi đã cố giữ đầu óc cởi mở khi tiếp cận những câu hỏi như thế.
Sau khi tôi và học trò đã dày công đếm số ngỗng trong một đàn trong suốt sáu năm, một tia sáng lóe lên trong đầu chúng tôi về ý nghĩa đằng sau những con ngỗng đơn độc nọ. Các phân tích toán học cho thấy rằng các tổ hợp bầy sáu con hay bội số của sáu xuất hiện với tần suất cao hơn hẳn mức ngẫu nhiên cho phép. Nói theo cách khác, một bầy ngỗng được tạo thành bởi một gia đình, hay một nhóm các gia đình, và điều này có lẽ đã xác tín cho những tưởng tượng ban đầu của chúng ta về những con ngỗng đơn côi khi xuân về. Chúng là những cá thể sống sót côi cút sau những đợt săn bắn vào mùa đông, và giờ đây đang vô vọng tìm kiếm bầy đàn của mình. Bây giờ thì tôi có thể cho phép mình xót thương trước mất mát của những cánh ngỗng lẻ loi kia.
Rất hiếm khi toán học khô khan xác chứng cho những ý tưởng có phần ủy mị của người yêu chim.
Vào những đêm tháng Tư khi tiết trời đã ấm lên đủ để ta có thể ngồi ngoài trời, chúng tôi thường tận hưởng việc lắng nghe các trình tự nghi thức của cuộc tụ họp muôn loài nơi đầm lầy. Có những khoảng lặng dài khi ta chỉ nghe thấy tiếng chim dẽ giun vỗ cánh, tiếng rúc lên của một con cú ở đằng xa, hay tiếng cục tác âm mũi của vài con sâm cầm gọi bạn. Rồi bất chợt, một tiếng ngỗng trời lanh lảnh dồn vang, và trong phút chốc cả đầm lầy trở nên huyên náo hỗn độn. Đâu đây là những tiếng cánh ngỗng đập nước, bóng những con ngỗng đạp chân phóng nhào vào nhau, đi kèm với những tiếng kêu la phàn nàn của những con đứng ngoài cuộc cãi vã gay gắt này. Cuối cùng một con ngỗng với tông giọng trầm sâu cất lên một tiếng phán xét cuối cùng, và những âm thanh ồn ã tắt dần đi, chỉ còn những tiếng rúc rích thì thào không ngớt giữa những con ngỗng. Một lần nữa, tôi ước gì mình là một con chuột xạ hương! Khi những cây bạch đầu ông đã nở đầy hoa thì cũng là lúc hội đồng ngỗng nơi đây dần biến mất, và trước khi tháng Năm nhón gót tới thì đầm lầy của chúng ta lại trở về thành một vùng ẩm ướt um tùm cây cỏ, lấp ló đâu đây vài con chim hét cánh đỏ hay gà nước.
Lịch sử thật nực cười khi cho rằng các cường quốc mới là những người khám phá ra mô hình liên minh các quốc gia liên lục địa ở Cairo vào năm 1943. Các cộng đồng ngỗng toàn cầu đã sớm phát hiện ra điều này từ rất lâu, và cứ mỗi tháng Ba chúng lại đặt cược mạng sống của mình lên chân lý giản đơn này.
Thuở ban đầu liên minh này chỉ tồn tại trên những phiến băng trong kỷ Băng Hà. Sau đó, mối liên minh tiếp tục được duy trì khi tuyết tan tháng Ba và những bầy ngỗng từ khắp nơi hành hương trở về phía bắc. Kể từ thế Canh Tân (Pleistocene), cứ vào mỗi dịp tháng Ba, những con ngỗng lại cất cao tiếng gọi bầy từ biển thuộc Trung Hoa đến những dãy núi Siberia, từ sông Euphrates đến sông Volga, từ sông Nile đến cảng biển Murmansk, từ hạt Lincolnshire đến đảo Spitsbergen. Cứ mỗi tháng Ba kể từ thế Canh Tân, những đàn ngỗng lại kháo nhau kêu gọi liên minh từ hạt Currituck đến vùng Labrador, từ hồ Mattamuskeet đến bán đảo Ungava, từ hồ Horseshoe đến vịnh Hudson, từ đảo Avery đến đảo Baffin, từ eo đất Panhandle đến lưu vực Mackenzie, từ thành phố Sacramento đến lãnh thổ Yukon.
Nhờ vào mạng lưới không vận quốc tế này của loài ngỗng mà những hạt ngô mót ở Illinois đã cưỡi mây đến với miền lãnh nguyên Bắc cực trơ trọi; ở đây, cùng với ánh nắng rơi rớt trong những đêm trắng tháng Sáu ở Bắc Cực tại nơi vĩ độ cao, chúng góp phần nuôi lớn những con ngỗng tơ chập chững suốt dọc chiều dài lãnh nguyên. Và giữa những phi vụ thường niên để đổi thức ăn lấy ánh nắng, đổi hơi ấm giữa mùa đông lấy cái tĩnh mịch ngày hè, những con ngỗng đã mang lại cho cả châu lục một khoản lợi ròng dưới dạng một bài thơ hoang hoải rơi rớt từ trên bầu trời âm u xuống nền đất bùn tháng Ba.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 01 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 02 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 03 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 04 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 05 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 06 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 07 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 09 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 10 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 11 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 12 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 13 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 14 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 15 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 16 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 17 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 18 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 19 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 20 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 21 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 22 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, toàn tập tại đây.