Niên lịch miền gió cát | Chương 12
Niên lịch miền gió cát hòa quyện lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh và triết học qua ghi chép về sinh vật tại trang trại Wisconsin.
· 31 phút đọc.
Vùng cư ngụ những sinh linh hoang dã trong trang trại của tôi khá kiệm lời trong việc chia sẻ với tôi lịch trình ngày đêm của chúng gồm bao nhiêu phần diện tích thị trấn đồng quê nhỏ bé này. Tôi khá tò mò về điều này, vì nó sẽ cho tôi biết tỷ lệ giữa kích thước thế giới của chúng so với với thế giới của tôi.
Nó cũng khiến tôi nghĩ tới một câu hỏi quan trọng hơn: bên nào là bên nắm bắt tường tận hơn về thế giới mà họ đang sống? Cũng như con người, các con thú của tôi thường xuyên chia sẻ qua hành động những gì chúng từ chối nói ra thành lời. Và cũng thật phức tạp để đoán trước rằng bằng cách nào và khi nào thì những điều chúng tiết lộ sẽ được phơi bày.
Con chó, vốn không bị ràng buộc bởi lưỡi rìu trong tay, tự do săn lùng trong khi đám người chúng tôi chặt gỗ bổ củi. Một tràng thật thanh những tiếng yip – yip – yip vang lên báo hiệu cho chúng tới biết là một con thỏ vừa bị đuổi ra khỏi chỗ nằm trên bãi cỏ và giờ đang chạy thục mạng đi đâu đó.
Nó lao thẳng về phía một đống củi cách đó gần 500 mét, nơi nó lủi vào núp giữa hai bó củi và bỏ cách kẻ theo đuổi nó một quãng an toàn. Con chó, sau khi gầm gừ để lại vài dấu răng ra oai trên những khúc gỗ sồi cứng chắc, đành bỏ cuộc và tiếp tục đảo quanh tìm kiếm một vài con thỏ đuôi bông kém thận trọng hơn, còn chúng tôi thì lại tiếp tục vung rìu bổ củi.
Cuộc rượt đuổi trong tích tắc này cho tôi thấy là con thỏ nắm rất rõ địa hình giữa nơi nó nằm ngủ trên cánh đồng và căn hầm trú ẩn của nó bên dưới đống củi. Nếu không thì làm sao nó có thể chạy một mạch đến đó như ẳ vậy? Bán kính vùng cư ngụ của con vật chắc hẳn phải kéo dài ít nhất hơn 500 mét.
Những con chim bạc má ghé qua trạm tiếp tế đồ ăn của chúng tôi đều được bắt lại và đánh dấu mỗi mùa đông. Một vài người hàng xóm cũng có cho chim bạc má ăn, nhưng không ai đánh dấu chúng cả. Bằng cách theo dõi khoảng cách xa nhất bầy chim bạc má sẽ bay đến từ nơi tôi cho chúng ăn, chúng tôi đã phát hiện rằng vùng cư ngụ của đàn chim này có bán kính kéo dài gần một cây số trong mùa đông, có điều chúng chỉ trú ngụ ở những nơi kín gió.
Vào mùa hè, khi cả đàn đã túa đi tìm nơi làm tổ, những con chim được đánh dấu xuất hiện ở những địa điểm xa hơn, thường sẽ giao phối với những con không đánh dấu. Trong mùa hè thì những con chim bạc má không mấy bận tâm đến những cơn gió và thường được tìm thấy ở những nơi đồng trống gió thổi bạt ngàn.
Vết chân của ba con hươu đã đi qua rừng của chúng tôi hôm qua còn mới nguyên trên nền tuyết phủ. Tôi đi ngược lại hướng vết chân của chúng và tìm thấy trong một bụi liễu rậm rạp bên bờ cát ba cái ổ nằm lót lá không ướt tuyết.
Sau đó tôi đi xuôi theo vết chân, và chúng dẫn tôi đến cánh đồng ngô nhà hàng xóm, nơi những con hươu đã đào những bắp ngô còn sót lại dưới lớp tuyết và bới tung một trong những đống thân ngô lên. Vết chân sau đó dẫn theo một đường khác đến bờ cát ven sông. Trên đường đi, những con hươu đã lấy guốc cào vào bụi cỏ, dụi mũi vào để tìm những mầm xanh non bên trong, và chúng cũng đã dừng lại bên một con suối để uống nước. Bức tranh về hành trình ban đêm của chúng đã hoàn tất. Tổng khoảng cách từ giường ngủ đến nơi chúng ăn sáng là hơn một cây số rưỡi.
Những khu rừng của chúng tôi luôn là nơi ẩn náu của gà gô. Thế nhưng, vào một ngày cuối đông, sau một trận tuyết dày và mịn, tôi không nhìn thấy bóng dáng hay vết chân một con gà gô nào. Tôi đã những tưởng rằng các chú gà gô của tôi đã dọn nhà đi nơi khác, khi con chó ghếch mũi chỉ vồ tán lá rậm rạp của một cây sồi đã đổ từ mùa hè năm ngoài. Ba con gà gô phóng ra, lần lượt từng con một.
Bên dưới hay xung quanh thân cây đổ không có một dấu chân nào cả.
Rõ ràng là những con gà đã hạ cánh xuống đây, nhưng chúng từ đây bay tới? Gà gô cần thức ăn, đặc biệt là trong thời tiết không độ này, thế nên tôi quyết định kiểm tra phân của chúng để tìm manh mối. Trong số những cặn lợn cợn không xác định, tôi tìm thấy vảy của búp cây, và lớp vỏ màu vàng của những trái ớt mả đông cứng.
Trong một bụi rậm những cây thích non, tôi đã từng trông thấy một đám cây ớt mả mọc um tùm giữa mùa hè. Tôi lại gần đó, và sau một hồi tìm kiếm thì đã nhìn thấy những vết chân gà gô trốn một thân cây. Những con gà đã không lội qua tuyết: chúng đã chọn đi trên các thân cây và ăn những quả ớt mả mọc trong tầm với. Chỗ nãy nằm cách thân cây sồi khoảng 400 mét vẻ hướng đông.
Tối hôm đó, khi hoàng hôn buông xuống, tôi nhìn thấy một con gà gô trong một bụi cây gợn sóng khoảng 400 mét về hướng tây thân cây sồi.
Không có vết chân nào trên tuyết cả. Câu chuyện thế là đã rõ. Những con chim này, trong mùa tuyết rơi ngập lối, đã di chuyển trong vùng cư ngụ của chúng bằng cánh chứ không phải bằng chân, và vùng cư ngụ của chúng có bán kính khoảng 400 mét.
Hiểu biết của khoa học về vùng cư ngụ vẫn còn rất hạn chế: kích thước của nó qua mỗi mùa khác nhau, nó phải hàm chứa các loại thức ăn và nơi trú ẩn nào, nó có những hàng rào phòng thủ nào chống kẻ đột nhập, và liệu quyền sở hữu vùng cư ngụ thuộc về một cá nhân, một gia đình, hay một bầy. Đây là những quy tắc cơ bản của nền kinh tế trong thế giới loài vật, hay sinh thái học. Mỗi trang trại là một cuốn sách về hệ sinh thái muông thú; và tay nghề của một người thợ gỗ sẽ giúp chúng ta thông ngôn cuốn sách này.
Những rặng thông trên tuyết Những việc sáng tạo thường dành riêng cho thần thánh và thi sĩ, nhưng những người phàm trần đôi khi có thể lách luật nếu như họ biết cách. Ví dụ, việc trồng một cây thông không đòi hỏi ta phải là một đấng tối cao hay một nhà thơ; chúng ta chỉ cần một cái xẻng mà thôi. Nhờ vào lỗ hổng trong luật lệ này mà bất cứ gã quê mùa cục mịch nào cũng có thể phán: Hãy để một cái cây mọc lên – và quả nhiên một thân cây sẽ mọc lên.
Nếu lưng người đó khỏe và cái xẻng của anh ta đủ sắc, dần dà sẽ có đến cả chục nghìn cái cây. Và sau bảy năm, anh ta có thể chống tay lên cây xẻng và ngắm nhìn những cái cây, các tác phẩm tuyệt đẹp của mình.
Chúa Trời sau bảy ngày đã dừng công việc tạo tác của mình, nhưng tôi để ý thấy Ngài có vẻ thờ ơ với những giá trị phẩm hạnh của thế giới Ngài tạo nên. Tôi đồ rằng có thể Ngài đã trông đợi quá nhiều, hoặc những thân cây thì trông vẫn trác tuyệt hơn những cái lá sung che hạ bộ và bầu trời trên thiên đường.
Tại sao cái xẻng lại được coi là biểu tượng của lao dịch? Có lẽ vì phồn lớn những cái xẻng trông thật tẻ nhạt. Mặc dù công việc nặng nhọc nào cũng có sự góp mặt của những cái xẻng nhàm chán, nhưng tôi khổng chắc giữa hai thứ này thì cái nào là nguyên nhân cái nào là kết quả. Tôi chỉ biết rằng sau khi được mài dũa cật lực đến sắc bén thì cái xẻng của tôi như cất tiếng ca vang khi nó xắn vào lớp đất mùn mềm xốp. Tôi đã từng được nghe nói về thứ âm nhạc vang lên từ cái bào, một cái chạm gỗ, và một con dao mổ bén nhọn. Tuy nhiên, tôi nghe thấy thứ thanh âm này rõ nhất từ cái xẻng của tôi: nó ngân nga từng đợt trên cổ tay tôi trong khi trồng một cây thông. Tôi nghĩ rằng cái gã từng cất công để gẩy được một nốt nhạc trong trẻo trên cây đàn hạc cổ xưa hẳn đã chọn nhầm một thứ nhạc cụ quá rắc rối.
Thật là một điều tốt khi mùa trồng cây chỉ diễn ra trong tiết xuân, vì sự cân bằng tiết độ là cần thiết cho vạn vật, ngay cả những cái xẻng. Trong những tháng còn lại, ta có thể ngắm nhìn quá trình sinh trưởng của một cây thông.
Mỗi năm mới của cây thông bắt đầu vào tháng Năm, khi chồi chớp của cây biến thành hình cây nến. Cho dù ai là người nghĩ ra cụm từ đó để gọi chồi cây thông thì tâm hồn họ cũng đong đầy sự ý nhị tinh tế. Cây nến thoạt nghe thì có vẻ là một ám chỉ tầm thường về những thực tế hiển nhiên: chồi thông mới nhú này mọc thẳng, đóng sáp xung quanh, và dễ gãy.
Nhưng bất cứ ai sống lâu năm với loài thông thì sẽ hiểu rằng cây nến còn là một hình ảnh hoán dụ sâu xa hơn, vì trên chóp nến là hình ảnh ngọn lửa vĩnh hằng soi sáng con đường vào tương lai. Cứ mỗi tháng Năm, các cây thông của tôi lại theo đà cây nến đó đâm lên trời, thẳng về hướng thiên đỉnh. Và mỗi cây đều ra sức để chạm đến đó nếu như chúng có đủ thời gian trước khi các thiên thần thổi điệu kèn cuối cùng tiễn biệt. Một cây thông phải thật già thì mới có thể quên đi chồi nào của nó là quan trọng nhất, và sau đó bắt đầu tỏa rộng tán cây của mình theo bề ngang trên nền trời. Bạn có thể bỏ quên điều này, nhưng không một cây thông nào tự tay bạn trồng sẽ làm điều đó trong lúc bạn vẫn còn đang sống.
Nếu bạn là một người có tính cần kiệm, cây thông sẽ là người bạn tâm đầu ý hợp cho bạn, vì không như các cây gỗ cứng khác vắt mũi nuôi miệng, các cây thông chẳng bao giờ bỏ tiền túi hiện có ra để trả hóa đơn hiện tại.
Chúng sống hoàn toàn dựa vào phần dự trữ từ năm ngoái để lại. Mỗi cây thông đều có một cuốn sổ tiết kiệm, và cứ đến ngày 30 tháng Sáu hàng tháng thì số dư lại được ghi lại trong sổ. Nếu đến ngày đó, chồi của nó hoàn tất việc tạo ra một cụm mười hay mười hai búp non mới, thì điều này đồng nghĩa với việc nó đã tích cóp đủ mưa nắng cho một lần sinh trưởng từ nửa mét đến gần một mét cho mùa xuân năm sau. Nếu chồi thông chỉ tạo được bốn hay sáu búp mới, thì cú thúc lên trời cao của nó sẽ có phần khiêm tốn hơn, tuy nhiên cái cây vẫn khoác lên người dáng vẻ khoan thai của người không vướng nợ nần gì.
Tất nhiên là thông cũng như người thì đều trải qua những năm khó khăn, và điều này được ghi lại trong những lần chóp cây mọc lên ngắn hơn, có thể đo được qua khoảng cách ngắn hơn giữa các tầng cánh lá đan xen mọc liên tiếp. Những khoảng giữa này, theo đó, là một cuốn tự truyện mà một người theo sát đời sống loài thông có thể tùy nghi tìm đọc. Để có thể xác định xác một năm khó khăn, bạn luôn phải nhớ lùi lại một năm sau năm mà chồi thông phát triển kém. Ví dụ, mức sinh trưởng của các cây thông đều thấp vào năm 1937, điều này ám chỉ đến đợt hạn hán trong năm 1936. Mặt khác, mức sinh trưởng của các cây đều cao vào năm 1941. Có lẽ chúng đã thấp thoáng nhìn thấy tương lai phía trước và đã đặc biệt nỗ lực chứng tỏ cho thế giới thấy là loài thông vẫn biết mình đang cần đi đâu về đâu, trong khi loài người thì đã hoàn toàn lạc lối.
Khi một cây thông sinh trưởng thấp hơn các cây xung quanh trong một năm, bạn có thể chắc chắn rằng có một lý do cá nhân hay hoàn cảnh đưa đẩy: một vết sẹo do cháy thân, một con chuột đồng gặm vỏ, một cơn gió dập, hay đã xảy ra tắc nghẽn gì đó trong phòng thí nghiệm tối tăm mà chúng ta gọi tên là lòng đất đai.
Những cây thông thường hay xì xào tán chuyện với nhau. Nhờ để ý đến những lời bàn tán nhỏ to này, tôi được cập nhật về tình hình thị trấn trong lúc tôi đi vắng. Ví dụ như vào tháng Ba, khi lũ hươu bắt đầu viếng thăm những cây thông trắng thường xuyên hơn, chiều cao chúng rướn tới để gặm chồi thông cho tôi biết chúng đang đói bụng cỡ nào. Một con hươu với cái bụng no nê toàn ngô sẽ không đủ kiên nhẫn để nhấm nháp những cành cao hơn một mét so với mặt đất, trong khi một con hươu bụng rỗng sẽ đứng bằng hai chân sau và rướn lên cao đến hơn hai mét để tìm bữa ăn.
Nhờ thế mà tôi biết được mức độ đói ăn của những con hươu ngay cả khi không nhìn thấy chúng, đồng thời cũng biết được chỗ người hàng xóm đã chất thân ngô thành đống mà không cần đi thăm ruộng nhà ông ấy.
Vào tháng Năm, khi chơi của cây còn non và dễ gãy, thường chỉ cần một con chim đậu lên cũng đủ khiến nó gãy rụp như một đọt măng tây. Cứ mỗi độ xuân về, tôi lại tìm thấy vài cái cây khuyết tật như vậy, với những chồi thông héo rũ nằm trên thảm cỏ. Mặc dù có thể dễ dàng đoán được chuyện gì đã xảy ra, nhưng trong cả một thập kỷ quan sát, tôi chưa từng một lần nhìn thấy một con chim làm gãy một chồi thông. Đây là một bài học khách quan: ta không nhất thiết phải nghi ngờ những gì ta không thấy.
Vào tháng Sáu mỗi năm, chồi của một vài cây thông trắng bông héo úa, sau đó chuyển màu nâu và chết. Một con mọt thông hẳn đã chui vào phần chóp trên cùng của chồi và đẻ trứng. Khi đám ấu trùng nở ra, chúng gặm nhấm dọc theo thân chồi và giết chết chồi thông. Một cây thông thiếu chồi dẫn đường như vậy sẽ rất chật vật, vì các cành còn lại sẽ cãi nhau về việc ai trong số chúng sẽ chỉ đường tiếp tục cho cây đi về hướng bầu trời. Cuối cùng thì tất cả đều mọc thẳng lên trời, khiến cho cái cây mãi mãi chỉ là cây bụi.
Có một sự thật lạ kỳ ràng chỉ những cây thông ngoài sáng mới bị mọt cắn, trong khi những cây trong bóng râm lại không hề hấn gì. Đôi khi trong cái rủi lại có cái may.
Vào tháng Mười, qua những lớp vỏ bong tróc, các cây thông nói với tôi khi nào thì đám hươu đực bắt đầu mài gạc. Một cây thông lùn cao khoảng hai mét rưỡi đứng một mình thường dễ khiến một con hươu đực nảy sinh ý tưởng rằng thế giới này cần thêm những kẻ cà khịa đâm chọt.
Một cây thông rơi vào hoàn cảnh đó phải nhún mình chiều theo đòi hỏi của con hươu và trông thật tả tơi rơi rụng sau cuộc đấu không cân sức. Công lý duy nhất trong những cuộc vật lộn này là cái cây càng bị xô xát bao nhiêu thì con hươu càng bị dính nhiều nhựa thông bấy nhiêu trên đôi gạc nó đang cần mài giũa.
Những chuyện phiếm của khu rừng đôi khi rất khó dịch lại. Có lần vào giữa mùa đông, dưới cái ổ của một con gà gô, tôi tìm thấy trong phân của nó những hình thù không xác định đã bị tiêu hóa một nửa. Chúng trông giống những lõi ngô tí hon khoảng hơn một centimet. Sau khi đã kiểm tra tất cả mẫu vật các loại thức ăn gà gô mà tôi có thể nghĩ tới, tôi vẫn đành bó tay không tìm ra manh mối nào về nguồn gốc của những lõi ngô này.
Cuối cùng, tôi thử cắt đôi phần chóp chồi của một cây thông lùn và tìm thấy câu trả lời nằm trong lõi chồi. Con gà gô đã ăn những chồi thông, tiêu hóa phần nhựa, chà xát phần vây trong mề, và đổ lại phần lõi (mà thực tế thì chính là phần chồi thông đáng ra sẽ mọc lên sau đó). Ta có thể nói rằng con gà gô này đã ra tay can thiệp vào vận mệnh tương lai của cây thông lùn nọ.
Ba giống thông bàn địa của Wisconsin (trắng, đỏ và lùn) có những định nghĩa về lứa tuổi kết hôn khác nhau một trời một vực. Cây thông lùn hay lớn trước tuổi, đôi khi nở hoa và cho ra những trái hình nón chỉ một hai năm sau khi rời khỏi vườn ươm. Thậm chí một vài cây thông lùn mười ba tuổi của tôi đã có con đàn cháu đống. Các cây thông đỏ mười ba tuổi của tôi năm nay đã nở hoa, trong khi các cây thông trắng vẫn chưa thấy động tỉnh gì: chúng kiên tâm sống theo truyền thống người Anglo Saxon rằng bạn phải đợi đến khi đủ hai mươi mốt tuổi.
Nếu không nhờ những quan điểm nhìn đời đa dạng này, thì thực đơn của lũ sóc lông đỏ nơi tôi ở hẳn sẽ bị hạn chế nhiều lắm. Cứ vào giữa mùa hè mỗi năm, chúng lại bắt đầu tẽ vỏ các trái thông lùn để tìm hạt và vứt vỏ vương vãi khắp nơi còn hơn cả những gia đình đi dã ngoại trong Ngày lề Lao động (Labor Day): dưới mỗi gốc cây là phần tàn dư từ bữa đại tiệc hàng năm của chúng, có lúc chất lên thành đống. Tuy vậy, nguồn quả thông vẫn không bao giờ cạn kiệt, bằng chứng là con cháu của chúng vẫn đang đội đất chui lên bên cạnh những cây hoa gậy vàng.
Ít ai biết rằng cây thông có ra hoa, và những người biết thì đầu óc quá tầm thường để nhìn lễ hội trổ bông này như một điều gì to lớn hơn một chức năng sinh học bình thường. Còn những ai đã tỉnh ngộ thì nên dành trọn tuần thứ hai của tháng Năm trong một khu rừng thông, và tốt nhất là hãy mang theo mắt kính và một cái khăn mùi xoa dự phòng. Cách các cây thông hào phóng tung rắc phấn thông đủ để thuyết phục bất cứ ai về sự trù phú giàu có đến thừa mứa của mùa hè, ngay cả khi tiếng hót lảnh lót của con chim tước mào vàng đã thất bại trong nhiệm vụ đó.
Các cây thông trắng mới lớn thường trổ mã mạnh mẽ nhất khi không có bố mẹ xung quanh. Tôi đã từng biết đến những khu rừng thông nơi cả một thế hệ thông non, mặc dù có đủ ánh sáng, vẫn bị các trưởng lão thông làm cho lùn đi và xoắn ngọn. Nhưng cũng có những rừng thông nơi việc kìm kẹp đó không hề xảy ra. Tôi ước gì mình có thể biết sự khác nhau trong mức độ chịu đựng này nằm ở cây con, cây lớn, hay trong chất đất.
Thông, giống như người, rất kén chọn bạn chơi cùng và không thích bị người khác áp chế. Do đó, có một mối giao hảo giữa thông trắng và cây mâm xôi, giữa thông đỏ và cây đại kích, giữa thông lùn và dương xỉ ngọt.
Khi tôi trồng một cây thông trắng giữa một vạt mâm xôi, tôi có thể đoán chắc rằng chỉ trong một năm nó sẽ cho ra một đám búp cây khỏe mạnh, và những đám lá kim của nó sẽ trổ những cụm hoa xanh tím báo hiệu sức khỏe tốt nhờ có bạn bè tâm đầu ý hợp. Nó sẽ lớn nhanh hơn và trổ hoa nhiều hơn những cây thông khác được trồng cùng ngày, chăm sóc như nhau, với cùng loại đất, nhưng lại được trồng cùng với cỏ dại.
Vào tháng Mười, tôi thích đi dạo giữa những búi hoa màu lam đang mọc thẳng lên trời, phía dưới là thảm lá mâm xôi đỏ rực. Tôi không biết liệu chúng có để ý đến sự tồn tại của nhau không. Còn tôi thì chắc chắn có.
Cây thông mang danh hiệu cây thường xanh giống như cách các chính phủ tỏ ra trường tồn: bằng cách sắp xếp các nhiệm kỳ gối đầu lên nhau. Bằng cách mọc các lá kim mới trong mùa sinh trưởng hàng năm, và rũ bỏ những lá cũ trong các chặng nghỉ giữa, chúng khiến cho người qua đường tưởng rằng các lá thông lúc nào cũng xanh tốt.
Mỗi loài thông có hiến pháp của riêng mình, cốt để dành ra thời gian cho nhiệm kỳ lá thông sao cho phù hợp với lối sống của mỗi loài. Do vậy, cây thông trắng giữ lá trong khoảng một năm rưỡi, trong khi thông đỏ và thông lùn thì giữ lá đến hai năm rưỡi. Các lá kim mới bắt đầu nhậm chức từ tháng Sáu, và các lá thông hết nhiệm kỳ sẽ bắt đầu viết diễn văn chia tay từ tháng Mười. Tất cả chủng đều chọn thứ mực màu vàng hung hung mà sau đó tiết trời tháng Mười một sẽ chuyển dần sang nâu. Sau đó thì lá rụng và biến thành tro bụi, hòa mình vào đất mẹ uyên thâm. Chính những tầng kiến thức tích tụ này đã làm êm bước chân những ai dạo chơi dưới những tán thông.
Thỉnh thoảng khi vào giữa mùa đông, tôi sẽ học được từ những cây thông vài điều quan trọng hơn là chuyện chính trị trong các khu rừng, hay tin tức về gió hay thời tiết. Điều này đặc biệt dễ xảy ra vào một buổi tối âm u nào đó khi tuyết đã phủ kín những chi tiết ngoài lề, và sự trầm mặc tĩnh mịch bao trùm lên vạn vật. Dù thế, các cây thông của tôi, mỗi cây đều cong lưng đỡ tuyết, vẫn dựng thẳng đứng như cột cờ, tầng tầng lớp lớp. Và trong hoàng hôn buông xuống, tôi cảm nhận hơi thở của hàng trăm cây thông con thế hệ mai sau. Những lúc ấy, tôi cảm thấy chúng vừa thổi vào hồn tôi một sự dũng cảm lạ thường.
Đánh dấu một con chim cũng giống như mua vé số độc đắc vậy. Đa phần chúng ta giữ trong tay tấm vé có thể thay đổi số mệnh, nhưng vé lại do các công ty bảo hiểm bán ra, mà họ thì quá khôn lanh để có thể thực tâm bán cho chúng ta một cơ hội tốt. Cũng như vậy, chúng ta đang làm một bài thực hành về tính khách quan khi đặt cược tấm vé của mình vào một con chim sẻ sa cơ lỡ vận, hay một con chim bạc má mà có lẽ một ngày nào đó sẽ lại sập bẫy của ta, và chứng tỏ cho ta rằng nó vẫn còn sống.
Những người mới tò te vào nghề thì sướng rơn khi được đánh dấu những loài chim mới: anh ta đang chạy đua với chính mình, ra sức để phá kỷ lục về số lượng do mình đặt ra. Nhưng với những người già dặn trong nghề, việc đánh dấu chim mới chỉ đơn thuần là một thói quen dễ chịu.
Niềm vui thực sự của họ nằm ở việc bắt lại được một con chim đánh dấu trước đó đã lâu – một con chim mà tuổi tác, chặng đường hành trình, và thói quen ăn uống bạn đều nắm rõ, đôi khi còn hơn cả chính bản thân con chim.
Vì thế, trong suốt năm năm trời, câu hỏi liệu con chim bạc má số 65290 có sống sót qua một mùa đông nữa hay không, trở thành một câu hỏi tầm cỡ đối với gia đình tôi.
Bắt đầu từ một thập kỷ trước, chúng tôi đã bắt và đánh dấu hầu hết các con chim bạc má trên nông trại nhà vào mỗi mùa đông. Lúc đầu đông, trong bẫy chim đa phần là các con chưa đánh dấu: chúng đa phần là những con mới sinh năm đó, và sau khi được đánh dấu sẽ được coi là có khai sinh.
Sau đó, số lượng các con chim chưa khai sinh dần giảm đi trong suốt mùa đông, và đó là lúc chúng tôi biết số lượng chim trong khu vực đã được đánh dấu hết. Chúng tôi có thể đọc từ những con số đánh dấu rằng có bao nhiêu con ở thời điểm đó, và có bao nhiêu con còn sống sót từ đợt đánh dấu trước đó.
65290 là một trong bảy con bạc má trong niên khóa 1937. Khi mới sập bẫy, nó trông không có vẻ gì là thiên phú. Như các bạn đồng khóa, niềm đam mê khúc mỡ bò đã đánh át sự thận trọng của nó. Như các bạn đồng khóa, nó mổ ngón tay tôi khi được tôi mang ra khỏi bẫy. Sau khi được đánh dấu và thả tự do, nó bay vọt lên một cành cây gần đó, cằn nhằn rỉa rỉa cái vòng chân mới bằng nhôm, rũ lông cánh, cất tiếng nhiếc móc nhẹ nhàng, rồi nhanh chóng bay đi nhập bọn với bầy đàn. Chúng tôi không biết rằng liệu nó có rút ra được bài học triết lý nào từ trải nghiệm này không (ví dụ như không phải cái gì lấp lánh cũng là trứng kiến), vì nó liên tiếp sập bẫy thêm ba lần nữa trong suốt mùa đông đó.
Đến mùa đông thứ hai, bảy con bạc má trong niên khóa 1973 đã tụt xuống còn ba, và đến mùa đông thứ ba thì con lại mỗi hai. Đến mùa đông thứ năm thì 65290 trở thành con chim duy nhất trong lứa của nó còn sống sót. Vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy nó sẽ là thần đồng, nhưng giờ thì chúng tôi đã có bằng chứng về khả năng sinh tồn vượt trội của nó.
Trong mùa đông thứ sáu, 65290 không xuất hiện, và được đánh dấu là mất tích trong bốn mùa đông liên tiếp sau đó.
Và như thế, trong số 97 con chim non được đánh dấu trong thập kỷ đó, 65290 là con duy nhất sống sót qua năm mùa đông liên tiếp. Ba con sống qua bốn năm, bảy con cán ngưỡng ba năm, 19 con qua được năm thứ hai, và 67 con biến mất ngay sau mùa đông đầu tiên. Nếu tôi là người bán bảo hiểm cho chim non, tôi có thể dùng dữ liệu này và đưa ra tính toán phí bảo hiểm chính xác. Nhưng sau đó tôi sẽ vấp phải một vấn đề khác: liệu tôi phải trả tiền bảo hiểm cho bạn đời của chúng bằng loại tiền tệ nào đáy? Chắc có lẽ là trứng kiến.
Vì vốn kiến thức về chim quá ít ỏi nên tôi chỉ có thể phỏng đoán lý do tại sao 65290 lại sống lâu hơn các bạn đồng trang lứa. Có phải nó khôn khéo hơn trong việc trốn tránh kẻ thù? Mà kẻ thù nào? Con chim bạc má quá nhỏ để có thể có kẻ thù. Ông già đồng bóng mang tên Tiến Hóa, người đã thổi phồng đám khủng long lên to đến độ chúng tự vấp vào chân mình mà chết, đã thử thu nhỏ con chim bạc má đến nỗi nó quá to để các loài chim ăn côn trùng có thể chọn nó làm bữa tối, nhưng lại quá nhỏ để cú và chim ưng bận tâm đến. Sau đó ông già ngắm nghía tuyệt tác của mình và phá lên cười. Ai cũng phải bật cười trước một búi lông bé xíu đầy nhiệt huyết như loài bạc má.
Con chim ó sỏ, con cú hét, con bách thanh, và đặc biệt là con cú vọ lùn có lẽ sẽ bỏ sức ra bắt một con bạc má. Nhưng cho đến giờ tôi mới chỉ có bằng chứng của một vụ ám sát như vậy, đó là khi tôi tìm thấy trong mẫu phân của một con cú hét có chứa một trong những cái vòng đánh dấu của tôi. Có lẽ những tên thợ săn cỡ nhỏ này dành sự ưu ái đặc biệt cho các con mồi thấp lùn như chúng.
Có vẻ như thời tiết là yếu tố duy nhất có thể sát hại một con chim bạc má mà không xen vào yếu tố kích thước hay hài hước. Tôi đồ rằng một con chim bạc má sẽ học về hai điều răn lớn nhất ở trường giáo lý Chủ nhật: ngươi sẽ không bén mảng tới những nơi gió to vào mùa đông, và ngươi sẽ không làm ướt người trước một cơn bão tuyết.
Tôi học về điều răn thứ hai vào một chiều đông muộn trời mưa lây rây trong khi quan sát một bầy chim con trú ẩn trong rừng của tôi. Cơn mưa kéo đến từ phía nam, nhưng tôi có thể thấy trước là nó sẽ quành lên hướng tây bắc và khiến trời trở nên cắt buốt trước lúc bình minh. Lũ chim đi ngủ trong một thân cây sồi đã chết, vỏ cây đã tróc và xoắn thành cuộn, cốc, và muôn vàn hình dáng khác đủ kích cỡ và kiểu phơi bày. Những con chim nào chọn chỗ trú che chắn được cơn mưa từ phía nam, nhưng lại bị hở về phía bắc thì chắc chắn sẽ bị chết cóng vào buổi sáng. Những con nào chọn chỗ trú che chắn tất cả các hướng sẽ thức dậy an toàn. Trí khôn này, theo tôi chính là điều giúp đảm bảo sinh tồn trong thế giới loài chim, và giải nghĩa tại sao 65290 lại sống sót được lâu như vậy.
Nỗi sợ những nơi lộng gió của loài chim bạc má có thể được lý giải qua hành vi của nó. Vào mùa đông, chim bạc má chỉ rời khu rừng vào những ngày lặng gió, và khoảng cách chúng bay tỉ lệ nghịch với sức gió. Tôi biết vô số những trảng rừng đón gió nơi không con chim nào dám léo hánh tới vào mùa đông, trong khi các mùa khác thì đông đúc nhộn nhịp. Sở dĩ những nơi này hút gió như vậy vì lũ bò đã gặm hết sạch những loài cây mọc thấp.
Đối với một tay chủ ngân hàng hau háu kiếm tiền từ khoản thế chấp đất của người nông dân (càng thế chấp thì họ càng cần nhiều bò và nhiều bãi chăn thả), gió chỉ là vấn đề vặt vãnh, có lẽ chỉ ngoại trừ lúc ăn ở quán thịt nướng barbecue Flatiron. Với loài chim bạc má, những luồng gió đông tê buốt đánh dấu vị trí những vùng có thể ở được. Nếu loài chim bạc má có văn phòng, trên bàn làm việc nó sẽ để câu châm ngôn: Cứ từ từ.
Hành vi của nó lúc trong bẫy hé lộ lý do tại sao. Xoay cái bẫy theo hướng sao cho gió lùa vào bẫy, dù chỉ chút xíu thôi, thì trời đất quỷ thần cũng không làm cách nào để kéo con bạc má dính bẫy được. Xoay theo hướng khác, và có thể bạn sẽ gặp may mắn hơn. Đặc biệt, những cơn gió thổi từ đằng sau làm cho phần dưới lông chim lạnh và ướt, vốn là thứ giúp chim điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Loài chim sẻ trèo cây, sẻ Mỹ, sẻ cây, và gõ kiến cũng đều sợ hãi những cơn gió từ phía sau, những bộ phận làm ấm của chúng lớn hơn (theo trình tự vừa nêu) khiến cho sức chịu gió của chúng mạnh hơn loài bạc má. Những sách vở về thiên nhiên hiếm khi nhắc đến gió, chúng thường chỉ được nhắc đằng sau những bếp lò mà thôi.
Tôi nghĩ rằng vẫn còn một điều răn thứ ba trong giới loài chim: ngươi sẽ điều tra bất cứ một tiếng động lớn nào. Khi chúng tôi bắt đầu bổ gỗ, lũ chim lập tức xuất hiện và ngồi nhìn cho đến khi các thân cây đổ hay khúc gỗ xẻ hé lộ những bọc trứng côn trùng hay âu trùng cho chúng thưởng thức.
Tương tự, tiếng súng nổ cũng sẽ triệu hồi lũ chim đến, nhưng có lẽ kết quả thu hoạch của chúng sẽ không được ưng ý lắm.
Cái gì đóng vai trò kẻng gọi cơm cho chúng trước khi xuất hiệu cây rìu, cái vồ, hay cây súng? Có lẽ là tiếng cây đổ. Vào tháng Mười hai năm 1940, một cơn bão băng tuyết lớn làm đổ một cơ số cây và để lại cành nhánh vương vãi khắp nơi trong rừng của chúng tôi. Trong suốt một tháng sau đó, bẫy của chúng tôi lúc nào cũng đầy nhóc chim, con nào con nấy bụng no căng những món quà hảo hạng mà cơn bão để lại.
65290 chắc đã về với Nước Chúa từ rất lâu rồi. Tôi hy vọng rằng, trong cánh rừng mới trên kia, những cây sồi ruột đầy trứng kiến ngày nào cũng sẽ đổ, và không có một cơn gió nào làm lay động dù chỉ một cọng lông khiến cho nó ăn mất ngon. Và tôi hy vọng nó vẫn sẽ đeo cái vòng tôi tặng quanh cổ chân.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 01 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 02 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 03 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 04 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 05 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 06 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 07 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 09 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 10 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 11 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 12 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 13 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 14 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 15 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 16 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 17 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 18 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 19 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 20 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 21 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 22 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, toàn tập tại đây.