Aldo Leopold | Niên lịch miền gió cát | Chương 19
Niên Lịch Miền Gió Cát như một sự tổng hòa giữa lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh bằng ngôn từ và cả triết học. Bằng việc ghi chép lại những thay đổi của sinh vật tại khu trang trại ở Wisconsin.
· 28 phút đọc.
Vẽ nên những đường ngăn giữa tình yêu và chiến trận, hiếm có một ngành kinh doanh nào lại được đông đảo kẻ theo đuổi, với hết thảy nhiệt huyết cũng như lòng vị tha, như ngành giải trí ngoài trời. Đại đa số chúng ta đều tin rằng việc quay trở về với thiên nhiên là điều có lợi cho con người. Nhưng lợi ích đó nằm ở đâu, và làm cách nào để ta khuyên khích mọi người theo đuổi nó? Rất nhiều những giải pháp hay khuyến nghị rối ren đã được đề ra cho câu hỏi trên, và chỉ những ai đầu óc mù mờ mới không khỏi hồ nghi do dự.
Vấn đề giải trí tiêu khiển được điểm mặt chỉ tên từ đời Tổng thống Roosevelt tiền nhiệm, khi những đường tàu vốn trước kia dùng để xua đuổi nông thôn ra khỏi thành thị thì nay lại chuyên chở hàng đàn hàng lũ các cư dân thành phố về với miền đồng quê. Người ta bắt đầu để ý rằng những cuộc hành hương này càng rầm rộ thì tỷ lệ những nơi chốn bình yên và cảnh quan thiên nhiên hoang dã trên một diện tích đất ngày càng giảm đi, và khoảng cách chặng đường để chạm đến những nơi như vậy lại càng tăng lên.
Xe ô – tô đã khiến quan sát trên trở thành thực tại phổ biến trên khắp nẻo đường trải nhựa – nó đã khiến những cảnh thanh bình, vốn trước kia hiện diện khắp mọi nơi ở vùng nông thôn, nay trở nên khan hiếm. Tuy nhiên, người ta vẫn chăm chăm đi tìm một chút bình yên sót lại đó. Như những hạt ion bắn ra từ mặt trời, những vị khách du lịch tỏa ra từ khắp các thành thị, tỏa nhiệt và ma sát va chạm ở bất cứ đâu họ đến. Một ngành công nghiệp du lịch tạo đà cung ứng cho các nhà trọ gia tăng ái lực lên các hạt ion này, mỗi lúc một nhanh và xa hơn. Các tấm biển quảng cáo dựng lên ở mọi ngóc ngách loan báo thông tin về những khu nghỉ dưỡng mới, những thắng cảnh, chỗ săn bắn, và hồ câu cá ở trong tầm tay với. Các ban phòng cho xây đường vào các vùng nội địa xa xôi, sau đó lại mua thêm đất để tiếp nhận những lượt khách nô nức đổ về trên các tuyến đường mới xây. Một ngành công nghiệp phụ tùng xe ô – tô xuất hiện để chống những cú xóc nảy trên đường đất, dần dà thay thế ngành đóng mộc. Và để hoàn tất đỉnh chóp kim tự tháp tẻ nhạt này là những căn nhà kéo theo xe. Với những người tìm kiếm thiên nhiên chỉ trong các tour du lịch hay sân golf thì cơ sở vật chất hiện thời cho giải trí là tạm đủ. Nhưng với những người mong muốn một điều gì hơn thế, việc giải trí ngoài trời đã trở thành một quá trình tự diệt của việc tìm nhưng không bao giờ thấy, một sự bức bối trương phình lên trong xã hội cơ khí.
Hiện tượng thiên nhiên hoang dã co cụm lại dưới sức ép của du khách đi ô – tô không chỉ ở đây mới có: Vịnh Hudson, Alaska, Mexico, và Nam Phi đều đang thất thủ, và sau đó sẽ đến Nam Mỹ và vùng Siberia. Tiếng trống Mohawk xa xưa bên các dòng sông giờ đã bị thay thế bằng tiếng còi xe inh ỏi. Giống người tinh khôn Homo sapiens giờ đây không còn sống quẩn quanh dưới giàn cây nho và cây sung nữa. Thay vào đó, họ rót vào bình xăng nguồn xung năng dự trữ qua nhiều thế kỷ của muôn loài, chắt lọc từ ước mong được đặt chân đến những cánh đồng và miền đất mới. Và cứ thế, họ bò lổm ngổm trên khắp các châu lục như một bầy kiến.
Đây là phiên bản mới nhất của giải trí ngoài trời.
Ai là người tìm kiếm thú tiêu khiển này, và họ mong đợi điều gì? Một vài ví dụ dưới đây sẽ nhắc nhở chúng ta biết.
Trước tiên, ta có thể thấy rằng bất cứ đầm lầy nào có vịt là sẽ có một hạm đội xe ô – tô bao xung quanh. Núp đằng sau mỗi bụi lau sậy là một cá thể loài người, họng súng giương cao, ngón tay sẵn sàng bóp cò, và tâm thế bất chấp mọi luật lệ của sự thịnh vượng và phúc lợi chung để săn hạ một con vịt. Việc dạ dày họ luôn thừa mứa thức ăn cũng không hề làm giảm bớt ham muốn được ngốn ngấu thêm vài miếng thịt từ thiên nhiên và Chúa trời.
Lang thang trong rừng cây gần đó là một cá thể người khác, lùng tìm các giống dương xỉ và chim chích quý hiếm. Vì hình thức săn lùng của họ không đòi hỏi việc cướp bóc bắt trộm nên họ rất khinh thường những kẻ đi săn. Tuy vậy, họ vẫn không thể chối bỏ rằng trong thời niên thiếu họ cũng từng đi săn vịt trời.
Ở một khu nghỉ dưỡng gần đó lại có thêm một cá thể yêu thiên nhiên nữa, loại này thích khắc lên thân cây bạch dương những vần thơ con cóc.
Và tất cả mọi nơi thì nhan nhản những tay lái mô – tô mà thú tiêu khiển duy nhất là tăng dặm cho xe, những người đã lái qua hết thảy các Công viên Quốc gia chỉ trong một mùa hè và giờ đang tiến xuống phía nam về thủ đô của Mexico.
Cuối cùng là đến nhà bảo tồn chuyên nghiệp, lặn lội đi thăm hết tổ chức bảo tồn này đến hội bảo vệ kia để ban phát cho công chúng yêu thiên nhiên những gì họ muốn nghe, hoặc khiến họ muốn nghe những gì ông ta ban phát.
Một người có thể hỏi tại sao ta lại nhồi nhét một nhóm cá thể đa dạng như vậy trong cùng một hạng mục? Bởi vì mỗi cá thể, theo cách riêng của họ đều là một thợ săn. Và tại sao họ lại tự gọi mình là nhà bảo tồn? Vì những thứ hoang dã mà họ săn đuổi đã tuột khỏi tầm với, và họ muốn gọi hồn những luật lệ, biểu quyết ngân sách, những kế hoạch địa phương, cải tổ lại ban ngành, hay một biện pháp hú họa tập thể nào đó để trói buộc những sinh linh hoang dã này lại.
Ngành giải trí thường hay được đề cập tới như một nguồn lực kinh tế.
Các ủy ban Thượng viện vẫn ra rả phát ngôn rằng có hàng triệu lượt công chúng đổ tiền vào việc giải trí. Và quả thực thì nó cũng mang một khía cạnh kinh tế, khi một căn điền trang bên hồ câu cá, hay thậm chí là một chỗ đứng để săn vịt trong đầm lầy, cũng có giá trị bằng cả một trang trại kế bên.
Câu chuyện này cũng mang khía cạnh đạo đức. Trong cuộc chạy đua lùng kiếm những nơi hoang sơ, những mật mã cũng như điều răn bắt đầu tiến hóa. Chúng ta bắt đầu nghe đến cách hành xử trong thiên nhiên.
Chúng ta răn dạy giới trẻ. Chúng ta in những khái niệm của Thế nào là người có tinh thần thể thao thượng võ trong săn bắn? và treo lên tường cho bất kỳ ai muốn trả một đô – la để được giảng đạo.
Hiển nhiên, những khía cạnh kinh tế và đạo đức hiển lộ này là hệ quả chứ không phải nguyên do tạo nên ngành giải trí ngoài trời. Chúng ta kiếm tìm thiên nhiên vì nó cho ta được niềm vui sướng. Cũng như trong opera, guồng máy kinh tế được sử dụng để chế tạo và duy trì phương tiện vận hành. Cũng như trong opera, các chuyên gia kiếm sống bằng cách chế tạo và duy trì các phương tiện vận hành, nhưng sẽ là sai nếu ta nói rằng lý do tồn tại của opera hay giải trí ngoài trời là để kiếm tiên. Người thợ săn vịt và ca sĩ opera trên sân khấu, cho dù ăn mặc khác nhau nhưng đều đang làm cùng một việc. Mỗi người đều đang tái hiện lại một kịch bản thấm nhuần chất liệu đời sống hàng ngày. Theo cách phân tích đó, công việc của cả hai đều mang tính thẩm mỹ.
Các chính sách công về giải trí ngoài trời gây nhiều tranh cãi. Tất cả mọi công dân có nhận thức đều mang những quan điểm trái chiều về cái gì được coi là giải trí ngoài trời và những phương thức duy trì nguồn tài nguyên cho nó. Thế nên Hội thiên nhiên Hoang dã (Wilderness Society) mới muốn loại bỏ các con đường trải nhựa ra khỏi vùng nội địa, trong khi Phòng thương mại (Chamber of Commerce) lại muốn mở rộng thêm đường sá – tất cả đều nhằm mục đích phát triển ngành giải trí ngoài trời.
Người nông dân kiêm thợ săn đi bắt diều hâu vì muôn sử dụng súng, còn những người yêu chim thì bảo vệ chúng vì muốn sử dụng kính bảo hiểm khi đi săn. Mặc dù mỗi bên đều thóa mạ bên kia bằng những xú danh cộc lốc, tất cả đều chỉ là một phần trong cùng một bộ máy của ngành công nghiệp giải trí ngoài trời. Tuy vậy, những thành phần này vẫn rất khác biệt về tính chất, và một chính sách có thể đúng với nhóm này nhưng lại sai với nhóm kia.
Vậy thì việc cần làm ở đây là tách biệt các nhóm thành phần này và xem xét đặc tính của từng nhóm.
Chúng ta bắt đầu với thành phần đơn giản và hiển nhiên nhất: những vật mà một người có tâm hồn thiên nhiên có thể tìm ra, bắt được, và mang về. Trong hạng mục này bao gồm thú săn và cá, và những thành tựu trưng bày được như cái đầu, tấm da, tranh ảnh, hay mẫu vật.
Tất cả những thứ này tồn tại trên nền ý tưởng sưu tầm chiến lợi phẩm.
Niềm vui mà chúng mang lại, hay đáng ra sẽ mang lại, nằm cả ở trong việc kiếm tìm và săn bắt. Những chiến lợi phẩm đó trở thành một thứ bằng chứng nhận, bất luận chúng mang hình dáng một quả trứng chim, một mớ cá hồi, một rổ nấm, một bức ảnh chụp con gấu, một tiêu bản hoa ép khô, hay một ụ đá kỷ niệm xếp thành hình tháp trên một đỉnh núi. Chúng chứng tỏ ràng chủ nhân của chúng đã đến đâu đó và làm được chuyện gì đó, rằng anh ta đã vận dụng kỹ năng, lòng kiên trì, hãy cảnh giác trong một thử thách có từ ngàn xưa của việc qua mặt, chế ngự, và sở hữu thiên nhiên.
Những giá trị tinh thần đi kèm với các chiến lợi phẩm này thường vượt xa hơn các giá trị vật chất.
Nhưng các loại chiến lợi phẩm lại có phản ứng khác với việc săn bắt đại trà. Việc săn thú hay cá có thể được mở rộng thông qua việc nhân giống và quản lý, nhằm mang lại cho mỗi người thợ săn các cơ hội tương đồng.
Trong thập kỷ vừa qua, ngành quản lý thú săn đã dần hiện hữu. Một loạt các trường đại học bắt đầu mở lớp kỹ thuật và nghiên cứu để cải thiện và nhân giống rộng rãi những loài thú săn. Tuy nhiên, lạm dụng việc nhân giống đầu ra thú săn này sẽ khiến luật pháp lên tiếng để quản lý đầu vào.
Việc thắt chặt quản lý thú săn sẽ làm giảm giá trị của chúng như những chiến lợi phẩm, vì giờ đây việc săn bắt chúng đã mất đi tính hoang dã nguyên sơ.
Chúng ta hãy xem xét ví dụ của một con cá hồi được nuôi trong xưởng ấp và mới được thả vào một con suối cạn cá do đánh bắt. Con suối hiện không còn là nơi cá hồi có thể sinh sản tự nhiên được nữa. Có thể nguồn nước đã bị ô nhiễm, hoặc việc chặt phá rừng đã làm nước ấm lên hay nghẽn bùn. Sẽ không ai nói rằng con cá hồi này có giá trị tương đương một con cá hồi hoang được bắt ở một con sông chảy xiết nào đó trên thượng nguồn vùng núi cao Rocky. Giá trị thẩm mỹ của nó vì thế thấp kém hơn, cho dù việc đánh bắt nó vẫn đòi hỏi kỹ thuật. (Lá gan của nó, một chuyên gia nhận xét, cũng xuống cấp do thức ăn trong xưởng ấp và sẽ dẫn đến đột tử.) Tuy nhiên, vô số bang cạn kiệt cá hiện nay đều phải kiếm kế sinh nhai dựa vào nguồn cá hồi nhân tạo này.
Tính nhân tạo luôn đi kèm với sự quá độ, nhưng khi việc săn bắt đại trà trở nên lạm phát, nó thường sẽ đẩy cả cơ chế kỹ thuật bảo tồn về hướng nhân tạo hóa, khiến cho cán cân đo giá trị của các con mồi săn bị tụt xuống.
Để bảo vệ con cá hồi nhân tạo đắt đỏ và mất kỹ năng sinh tồn này, Hội đồng Bảo tồn (Conservation Commission) cảm thấy cần phải tiêu diệt toàn bộ những con diệc hay chim hồng tước hay léo hánh tới xưởng ấp trứng nơi nó sinh ra, và tất cả những con vịt hoang hay rái cá ở dòng sông nơi nó được phóng thích. Tuy người đánh cá có thể không cảm thấy mất mát gì trong việc đánh đổi giữa sinh mạng loài này cho loài khác, sự trả giá này lại khiến các nhà điểu học cắn móng tay trong điên loạn. Việc quản lý sản vật nhân tạo vì thế đã đặt ngành ngư nghiệp, và theo dó là ngành giải trí ngoài trời, ở thế đối đầu với các ngành khác; nó đã chia lợi tức cho một công dân từ ngân quỹ chung mà bỏ quên những nhóm khác. Kế hoạch liều lĩnh này cũng được ngành quản lý thú săn áp dụng. Ở châu Âu, nơi thông số về thú săn qua nhiều năm luôn sẵn có, ta thậm chí còn biết được tỷ giá quy đổi của mỗi loại thú săn. Nhờ đó, ta biết được ở Saxony, một con chim ưng sẽ bị giết để đổi lấy bảy con chim mồi, và một con thú đi săn sẽ quy đổi ra ba con thú mồi nhỏ hơn.
Những tổn thất về thực vật thường theo sau việc kiểm soát nhân tạo các loài thú – ví dụ khi loài hươu bắt đầu phá rừng. Ta có thể thấy điều này rõ ràng ở miền bắc nước Đức, đông bắc Pennsylvania, vùng Kaibab, và hàng tá những khu vực ít người biết đến. Trong mỗi trường hợp, khi không tồn tại kẻ thù tự nhiên, số lượng hươu tăng đột biến sẽ khiến cho các loài cây là thức ăn cho hươu không thể tồn tại hay sinh sản kịp. Cây sồi, cây thích, và thủy tùng ở châu Âu, cây độc cần và tuyết tùng trắng ở các bang bờ Đông, cây dái ngựa và hoa hồng dại ở bờ Tây, đều là các loại thức ăn bị đám hươu nhân tạo đe dọa làm tuyệt chủng. Thảm thực vật cây cỏ, từ hoa dại đến cây rừng, dần trở nên cạn kiệt, và bầy hươu vì thế cũng dần suy dinh dưỡng. Trong rừng hiện nay không con một con hươu đực nào to lớn được như những con bị đóng đinh trên tường các lâu đài phong kiến.
Trên những cánh đồng cây bụi nước Anh, việc tái sinh sản của thực vật bị loài thỏ kìm hãm, do chúng nhận được sự bảo vệ thái quá trong tiến trình săn bắn gà gô và gà lôi. Trên vô số các hòn đảo nhiệt đới, loài dê được mang tới để cung cấp thịt và thú săn đã phá hủy hệ động thực vật bản địa.
Thật khó để tính toán được mức độ tổn thương qua lại giữa những loài thú không có kẻ thù tự nhiên và những rặng núi đã mất sạch nguồn thức ăn từ cây cối bản địa. Mắc kẹt giữa hai cột mốc dương và âm trên một phổ nhưng cách quản lý sinh thái lệch lạc này, các giống cây công nghiệp giờ đây chỉ được cứu rỗi nhờ vào tiền bồi thường liên miên và hàng rào kẽm gai.
Vậy thì ta có thể kết luận khái quát rằng việc săn bắt đại trà sẽ dẫn đến suy giảm chất lượng của các loại chiến lợi phẩm thiên nhiên như thú bị săn hay cá, đồng thời phá hoại các nguồn nhiên liệu khác: các loài động vật không trong danh sách săn bắn, hệ thực vật tự nhiên, cũng như hoa màu nông nghiệp.
Quá trình suy thoái và tổn hại này lại không xuất hiện rõ rệt trong việc săn lùng các chiến lợi phẩm gián tiếp như những tấm hình chụp. Nói rộng ra, việc bị một tá du khách chụp hình hàng ngày không làm giảm đi chất lượng cảnh quan; các nguồn tài nguyên nơi đó cũng không hề hấn gì nếu lượng người tăng lên một trăm mỗi ngày. Điều này khiến cho ngành sản xuất máy ảnh là một trong những ký sinh trùng vô hại đối với môi trường thiên nhiên.
Ở đây, chúng ta nhìn thấy một sự khác biệt căn bản giữa cách hai hạng mục chiến lợi phẩm khác nhau phản ứng với việc săn lùng đại trà.
Giờ ta hãy xem xét thêm một phần tố khác, có phần phức tạp và ý nhị hơn, của thú tiêu khiển: cảm giác cách ly xã hội khi trở về với thiên nhiên.
Việc phần tố này đang đạt đến giá tự khan hiếm với nhiều người được xác nhận bởi mâu thuẫn trong câu chuyện về bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Phe ủng hộ bảo tồn thiên nhiên hoang dã đã đạt tới một thỏa hiệp với ban xây dựng cầu đường, vốn giữ vai trò giám hộ các công viên và rừng quốc gia của chúng ta. Họ đã chấp thuận việc bảo tồn chính thức các khu vực không có đường sá. Cứ một tá các khu thiên nhiên được mở đường thì lại có một khu được gọi là hoang dã, và việc xây đường chỉ dừng lại ở ranh giới bên ngoài khu hoang dã này. Nơi này sau đó sẽ được quảng bá là độc nhất vô nhị, vì quả là đúng như vậy. Chẳng bao lâu sau, các lối mòn bên trong khu vực này sẽ đông nghẹt du khách khiến cho Hội Bảo tồn lại phải ra tay can thiệp, hay một trận cháy bất ngờ đòi hỏi phải xẻ đường cắt khu vực này làm đôi để cho xe cứu hỏa đi vào. Hoặc việc quá tải du khách do chiêu bài quảng cáo sẽ đẩy giá hướng dẫn viên và người khuân đồ lên, và sau đó sẽ có người phát hiện rằng các chính sách trong khu hoang dã này phi dân chủ. Hoặc Phòng Thương mại địa phương, ban đầu thụ động trước ý tưởng một vùng nội địa được dán nhãn hoang dã, bắt đầu nếm mùi tiền đổ vào từ du lịch. Họ sau đó sẽ muốn nhiều tiền hơn, bất chấp khu vực đó hoang dã hay không.
Nói ngắn gọn, sự khan hiếm vô cùng của các nơi hoang dã, kèm theo xúc tác từ quảng cáo, thường dập tắt bất cứ nỗ lực nào để nhân rộng các khu vực này và khiến chúng bớt phần hiếm có.
Chúng ta không cần tranh luận thêm để nhận ra rằng việc sử dụng thiên nhiên đại trà sẽ tỷ lệ nghịch với cơ hội tìm kiếm khoảnh khắc một mình trong thiên nhiên. Khi chúng ta nói đến đường sá, khu cắm trại, lối đi xuyên rừng, và nhà vệ sinh như những thành tựu của ngành công nghiệp giải trí, chúng ta đang đi ngược lại mong muốn tìm chốn riêng tư trong hoang dã. Việc đáp ứng nhu cầu đám đông không làm phát triển (theo ý tăng thêm hay tạo mới) được điều gì cả. Trái lại, nó chỉ như đổ thêm nước vào một nồi cháo loãng.
Đối trọng với việc tìm kiếm nơi chốn riêng tư là việc chúng ta hay gọi là đổi gió hay hưởng khí trời. Việc sử dụng đại trà không phá hủy hay làm giảm giá trị thứ hai này. Một ngàn du khách khác nhau cùng đi qua cửa Công viên Quốc gia thì cũng sẽ hít chung một bầu không khí và cùng tận hưởng cảm giác đối lập so với khi ngồi văn phòng. Ta cũng có thể nói rằng việc hồ hởi xâm lấn không gian ngoài trời còn làm tăng thêm sự tương phản đó. Vậy ta có thể nói rằng việc đổi gió và hưởng khí trời cũng giống như việc săn các chiến lợi phẩm nhiếp ảnh: nó có thể chịu đựng việc sử dụng đại trà mà không gây tổn hại.
Giờ chung ta tiến đẾn một phần tố khác: việc nhận thức về các quá trình tự nhiên mà qua đó vùng đất và các sinh vật sống trên nó đạt đến các hình thái riêng biệt (sự tiến hóa) và duy trì sự tồn tại (hệ sinh thái). Công cuộc được gọi là nghiên cứu tự nhiên này, bất chấp cái tên của nó khiến nhiều vị chức sắc lạnh sống lưng, phối tạo nên nền tảng ban đầu để định hình nhận thức của công chúng.
Đặc tính ưu việt của nhận thức là nó không đòi hỏi việc tiêu thụ hay làm hao hụt bất cứ tài nguyên nào. Ví dụ, một con chim ưng sà cánh vồ mồi được một người nhìn nhận như một màn kịch của tiến hóa. Với người khác thì họ chỉ coi đó là mối đe dọa với chảo thịt đang rán ngoài trời. Màn kịch có thể khiến cho nghìn người ngất ngây, còn mối đe dọa thì chỉ lay động một người – vì hắn ta sẽ phản ứng bằng họng súng chĩa lên.
Nâng cao nhận thức là hành động duy nhất mang tính sáng tạo của guồng máy công nghiệp giải trí.
Mặc dù điều này là quan trọng, nhưng sức mạnh tiềm tàng để tạo ra _một cuộc sống tốt đẹp hơn của nó lại không được hiểu thấu đáo. Khi Daniel Boone lần đầu tiên đặt chân vào rừng rậm đồng hoang của bóng tối và đất máu, hành lý mang theo của ông cuối cùng thu gọn chỉ còn lại phần cốt cách tinh túy của đất trời nước Mỹ. Tuy ông ấy không gọi tên nó như thế, nhưng cái ông tìm được là thứ chúng ta giờ đây kiếm tìm, và chúng ta đang phải xử lý những thứ cụ thể chứ không chỉ là cái tên.
Việc tiêu khiển, tuy vậy, lại không nằm ở thế giới ngoài trời mà ở trong cách chúng ta phản ứng với nó. Thái độ của Daniel Boone không chỉ phụ thuộc vào chất lượng của những gì ông nhìn thấy, mà còn phụ thuộc vào độ tinh nhạy của nhãn quan bên trong của ông ấy. Khoa học sinh thái đã dẫn đến sự thay đổi của con mắt bên trong. Nó đã tiết lộ những cội nguồn và chức năng mà Boone chỉ coi là thông tin thực tế. Nó đã tiết lộ các cơ chế mà Boone chỉ coi là thuộc tính. Chúng ta không có thước đo để đong đếm thay đổi này, nhưng ta có thể nói rằng, so với một nhà sinh thái học chắc tay ngày nay thì Boone chỉ nhìn thấy sự vật ở mức bề mặt. Sự tinh tế tột bậc của giới động thực vật, vẻ đẹp tiềm ẩn của nước Mỹ như cơ thể thiếu nữ đang độ chín muồi, cũng vô hình và khó hiểu đối với Daniel Boone lúc đó như đối với Quý ngài Trung lưu Babbitt bây giờ. Thứ duy nhất thực sự phát triển trong nguồn nguyên liệu cho ngành giải trí nước Mỹ là sự hình thành về nhận thức trong người dân Mỹ. Ngoài ra, tất cả những nỗ lực khác mà chúng ta cố gắng đặt cho những cái tên mỹ miều, rốt cuộc cũng chỉ làm trì trệ hay che giấu một quá trình tàn phai bên dưới.
Không một ai nên hấp tấp kết luận rằng Quý ngài Babbitt cần phải lấy bằng tiến sĩ sinh thái học trước khi ông ta thực sự nhìn thấu đất nước mình. Trái lại, tấm bằng đối với tâm hồn chai sạn của ông ta có lẽ cũng rối rắm mù mờ chẳng kém gì những điều huyền bí trong thiên nhiên. Giống như những báu vật khác trong tâm trí, nhận thức có thể được chia nhỏ đến vô hạn mà vẫn không hề suy giảm giá trị. Ta có thể tìm thấy những bài học trong những đám cỏ phủ xanh thành phố hay trong những thân cây tùng bách gỗ đỏ; người nông dân có thể tìm thấy trong cánh đồng chăn bò của mình những điều mà một nhà khoa học bôn ba các vùng biển phía nam chưa chắc đã luận ra. Tóm lại, nhận thức là thứ không thể mua được bằng tiền hay bằng cấp; nó phải được nuôi dưỡng tại gia cũng như trong lúc điền dã, và người có nhiều hay có ít đều có thể sử dụng nó sao cho thuận lợi nhất. Trong hành trình tìm kiếm tri nhận, sự cuồng nhiệt của đám người tìm kiếm thú vui ngoài trời là vô căn cứ và không cần thiết.
Cuối cùng, ta còn một phần tố thứ năm: hình dung về cách quản lý.
Một người tận hưởng thú vui ngoài trời chỉ biết bỏ phiếu tán thành việc bảo tồn chứ không trực tiếp xắn tay áo lên tham gia sẽ không biết gì đến điều này. Nó chỉ được thực hiện khi một ai có nhận thức thực hành nghệ thuật quản lý đất đai. Nói cách khác, niềm hân hoan mà nó mang lại chỉ dành cho những người chủ đất quá nghèo để mua được trò vui và những nhà quản lý đất đai với con mắt tinh tường và đầu óc sinh thái. Gã du khách mua vé vào thăm thú cảnh quan do họ quản lý hoàn toàn mù tịt, cũng như tay thợ săn phải mượn chính phủ, hay thuộc hạ của họ, làm người giữ thú săn cho mình. Chính phủ, vốn tìm cách hoán đổi việc vận hành các khu đất giải trí ngoài trời từ quốc hữu sang tư hữu, đang rót vào cho các cấp dưới của mình một khoản tiền lớn mà đáng ra phải dành cho nhân dân. Về lý thì những người kiểm lâm và quản lý thú săn chúng ta phải trả công cho người khác, chứ không phải được trả công, để làm nhiệm vụ quản lý thú rừng.
Nhận thức rằng việc quản lý trong sản xuất nông sản cũng quan trọng như chính đầu ra nông sản đã hiện hữu ở mức nào đó trong nông nghiệp, nhưng vẫn còn thiếu hụt trong bảo tồn. Các tay thợ săn người Mỹ thường ít tôn trọng việc duy trì sản lượng thú săn một cách nghiêm túc trên các cánh đồng Scotland hay trong các khu rừng ở Đức, và về mặt nào đó thì họ cũng có lý. Thế nhưng họ lại hoàn toàn bỏ qua nhận thức về quản lý được các chủ đất ở châu Âu thực thi trong quá trình khai thác lâm sản. Chúng ta vẫn chưa hề tính đến việc đó, mặc dù nó rất quan trọng. Khi chúng ta kết luận rằng cần phải mồi chài nông dân bằng tiền trợ cấp để họ trồng rừng, hoặc cung cấp hóa đơn để họ nuôi thú săn, chúng ta gần như đã thú nhận rằng niềm vui trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên vẫn còn là điều gì xa vời với cả họ và chúng ta.
Các nhà khoa học vẫn có nói một cách dí dỏm: phát sinh cá thể lặp lại phát sinh giống loài. Ở đây, ý họ là sự phát triển của mỗi cá thể tái hiện lại lịch sử tiến hóa của cả giống loài. Điều này đúng cả về phương diện thể chất và tinh thần. Những người thợ săn chiến lợi phẩm là tái sinh của người cổ đại trong hang. Việc săn chiến lợi phẩm là đặc quyền của người trẻ, cá nhân hay giống loài, và không có gì đáng chê trách.
Điều đáng lo ngại trong bức tranh hiện đại này là người thợ săn chiến lợi phẩm không biết trưởng thành lên: đầu óc anh ta không phát triển được ý nghĩ về việc ở một mình trong thiên nhiên, hay nhận thức và quản lý duy trì nó – hoặc giả những yếu tố đó đã bị mất đi. Anh ta là con kiến cơ động bò ngang dọc khắp các châu lục trước khi học được cách chiêm ngưỡng sân sau nhà mình, người luôn tiêu thụ nhưng không bao giờ tự thấy thỏa mãn khi ở ngoài trời. Trong đầu anh ta, người kỹ sư kiến tạo không gian giải trí làm loãng đi chất hoang dã và biến chiến lợi phẩm thành đồ nhân tạo – mặc dù người kỹ sư thì tin rằng mình đang làm việc phục vụ cộng đồng.
Người săn chiến lợi phẩm như thú vui cũng có những nét lập dị ngấm ngầm khiến anh ta đào hố tự chôn mình. Để tận hưởng, anh ta cần sở hữu, xâm chiếm, cưỡng đoạt. Vì thế những gì hoang dã mà không lọt vào mắt anh ta thì không có giá trị. Vì thế mới nảy sinh ra suy nghĩ là một vùng đất nội địa để không thì chẳng đóng góp gì cho xã hội. Với những người trí tưởng tượng nghèo nàn thì một khoảng trống trên bản đồ chỉ là một nơi bỏ đi vô giá trị, trong khi với người khác thì đó lại là phần có giá nhất. (Phần đất đai của tôi ở Alaska liệu có đáng vứt đi nếu tôi không bao giờ đến đó? Liệu tôi có cần một con đường để dẫn tôi đến những thảo nguyên Bắc cực, những cánh đồng ngỗng ở Yukon, loài gấu Kodiak, những thảo nguyên chăn cừu đằng sau dãy McKinley?) Tựu trung, dường như những tầng lớp thấp hơn trong chuỗi giải trí ngoài trời sẽ chỉ biết tiêu thụ tài nguyên. Những tầng lớp cao hơn, đến một mức nào đó, tự cảm thấy sung sướng mà không cần làm tiêu hao đất đái hay cuộc đời. Chính sự mở rộng giao thông không tương xứng với mức phát hiện về nhận thức đã đe dọa làm khánh kiệt giá trị của việc giải trí ngoài trời. Việc phát triển ngành giải trí ngoài trời vì thế không chỉ đơn thuần là xây những con đường đến miền đồng quê thanh bình, mà quan trọng hơn là kiến tạo nhận thức trong đầu óc vẫn còn tù mù của nhân loại.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 01 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 02 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 03 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 04 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 05 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 06 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 07 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 09 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 10 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 11 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 12 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 13 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 14 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 15 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 16 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 17 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 18 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 19 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 20 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 21 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 22 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, toàn tập tại đây.